WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [3]

Tiếp theo các phần I II

 Lúc cầm giấy ra quân về nhà, bố tôi xem tờ giấy đục lỗ nói.

- Có tờ giấy mà 2 chỉ vàng.

Tôi ngạc nhiên hỏi bố vàng nào. Bố tôi mới kể là lúc tôi và các bạn trốn, đơn vị cũng đến nhà tìm. Bố tôi có nói nhỏ ông cán bộ quân lực liệu lo cho tôi. Ông ấy nhận lời. Hôm tôi lên làm phục vụ cho cán bộ quân lực được vài hôm. Ông quân lực đến nhà báo cho bố tôi biết là đã lo tôi như vậy, vài tháng nữa sẽ cho tôi về nhà. Khi nào có giấy ra quân vào lĩnh. Lúc tôi về nhà là bố tôi đưa ông một chỉ vàng, khi ông gọi tôi vào lấy giấy ra quân là đã cầm của bố tôi một chỉ vàng nữa.

Bố tôi kể có biết về chuyện lính về nhà hàng tháng đóng tiền, thỉnh thoảng đến đợt huấn luyện thì vào. Còn khi đi lao động thì hàng tháng đóng tiền được về nhà không phải đi lao động. Thấy cách đóng tiền hàng tháng nó cũng lằng nhằng. Bố tôi làm giá luôn cho gọn với ông quân lực. Tính ra thì cũng rẻ hơn đóng hàng tháng mà đỡ nhiêu khê đi lại.

Tôi xin đi làm ở chỗ cán cao su. Lại làm ban đêm, cái máy cán là hai quả lô bằng sắt to được mô tơ kéo. Chỉ việc nhồi mủ cao su vào cho cán qua cán lại khi mủ cao sủ mềm ra thành từng miếng cao su chưa chín. Trong lúc cán thì đổ hóa chất vào, đủ loại hóa chất và xanh, vàng, đỏ, đen. Cái loại đen là nhiều nhất, lúc đầu mủ cao su màu vàng. Cho cái hóa chất đen đấy vào lát sau cao miếng cao su sống chuyển màu đen. Loại hóa chất đen đấy lại rất nhẹ, nó bay quẩn quanh lô cán. Người ta độn cả bột đá, bột gì nữa cho cao su dôi ra thêm.

Xưởng cán cao su nằm ngoài bãi sông Hồng, mỗi lần làm xong sáng sớm tôi thường xuống xông tắm cho hết bẩn mới về nhà. Ở xưởng cán ra người lúc nào cũng đen nhánh từ đầu đến chân. Tôi nghe kể những người làm bệnh này hay bị ho lao. Một hôm tôi thấy ngứa họng, khạc ra cục đờm đen xịt, nó trôi trên mặt nước sông. Tôi nhìn lạnh người, mấy hôm sau hôm nào tôi cũng ho khạc ra đờm đen kịt hóa chất như vậy. Kéo dài mấy tuần dù đeo khẩu trang kín vẫn bị, đến một sáng tôi làm về tắm táp xong đi ra ăn cháo lòng. Thấy ngoài quán họ kể chuyện ở xưởng cán nọ có người vì làm đêm buồn ngủ cho cả tay vào máy cán, nát đến tận khuỷu tay, may có người nghe tiếng hét vào giật cầu dao máy ngừng mới sống, không nát cả người.

Tôi bỏ làm cán cao su, chuyển sang hấp má phanh và dây cua- roa. Công việc cũng dễ dàng, cắt cao su sống thành hình sợi dây áng vừa với khuân rồi quết nhựa để đắp vải mành bọc quanh. Cho vào khuân, dùng máy ép quay đè chặt khuân xuống. Dưới khuân là cái bếp điện. Đến thời gian đủ chín thì dỡ khuân ra là thành sợi dậy cua roa. Việc này đỡ độc hại và đỡ nguy hiểm hơn cán cao su,lại làm về ban ngày, nhưng tiền được ít hơn.

Tiền tôi kiếm được do đi làm, tôi thường hay mua sách đọc. Lúc này tôi đã xa mái trường lâu, đi làm, lang thang ngoài đường phố, những bạn bè của tôi chẳng đứa nào đọc sách. Đứa làm cửu vạn, đứa đạp xích lô, đứa trộm cắp, cờ bạc, làm thuê này nọ. Việc tôi mua sách về đọc là chuyện ngạc nhiên với đám bạn. Có những lần mấy thằng chúng tôi rủ nhau vào kho vải của một xí nghiệp ăn trộm, khuân được máy súc vải. Bán được khá nhiều tiền, bọn bạn tôi đi đánh bạc và mua sắm quần áo, ăn nhậu. Còn tôi khi chia chác tiền xong , tôi từ chối đi cùng chúng. Mang tiền đi mua sách đọc.

Mê đọc sách. Ảnh minh họa.

Mê đọc sách. Ảnh minh họa.

Tôi ham đọc sách không phải bắt đầu vì tính tôi hiếu học hay mê văn chương. Ngày bé mẹ tôi cứ nhờ tôi đọc truyện cho bà nghe, truyện cổ tích là truyện mẹ tôi thích nhất. Tối đến học bài xong, nằm cạnh mẹ tôi hay đọc vài truyện cổ tích cho bà nghe. Đọc mãi từ nhiên thành nghiện con chữ, cứ thế thành thói quen vớ cái gì cũng đọc. Chả hiểu cũng đọc, 12 tuổi tôi đọc chuyện của Dostoevsky, Pautopxky, Gogol…đọc mê mải cám cúi bất cứ lúc nào rảnh. Cứ có tiền là tôi mua sách. Giờ nghĩ lại cầm những trang sách nội dung thơ mộng như Bông Hồng Vàng, Bình Minh Mưa đọc bằng tiền ăn cắp được cũng thấy khôi hài. Nhưng lúc đó thật sự tôi chả bao giờ phân vân , đồng tiền nào cũng là tiền. Khi nào hết tiền chúng tôi lại tính chuyện trộm, lúc thì vào xưởng làm khung xe đạp ăn cắp khung xe. Người ta thấy mất canh chừng kỹ thì chúng tôi chuyển sang bê trộm hàng của bọn buôn đồ cá khô từ Hải Phòng lên. Đám ấy cứ mờ sang là đổ hàng ở chân cầu Chương Dương, chúng tôi rình lúc nhốn nháo xe ô tô đổ hàng xuống là ra tay. Một bao cá khô to bán cũng được ối tiền, đủ bốn thằng chia nhau. Rồi vài lần mất bọn buôn cá khô chuyển địa điểm xuống hàng đi nơi khác. Chúng tôi lại quay sang bê trộm những thùng bánh kẹo của nhóm buôn khác. Khu chúng tôi ở gần cầu Chương Dương, Long Biên gần chợ Đồng Xuân, Bắc Qua , xe chở hàng hóa các tỉnh hay tập trung về khu đó đổ hàng. Không lấy được cái gì giá trị thì bọn tôi ăn trộm cả hoa quả như dứa, dừa, dưa hấu, xoài, mít đúng kiểu hết nạc thì vạc đến xương, méo mó có hơn không, đủ tiền trà thuốc là làm.

Ngày đi làm dây cua roa, tối muộn đi xem có kho hàng, xí nghiệp nào lơi là để trộm. Sáng sớm còn nhập nhoạng đã dậy lượn chỗ chân cầu xem ô tô đổ hàng hóa xuống có cơ hội không để khiêng trộm. Cái trò ăn trộm cũng phải chăm chỉ, kiên trì. Không phải lúc nào cũng có cơ hội, rình rập quan sát bao hôm mới có hôm người ta hở ra. Chỉ tích tắc không ra tay nhanh là hết thời cơ.

Người ta khi mất cắp cứ thắc mắc ” sao bọn trộm tài thế, chỉ loáng cái là mất”. Thực sự bọn trộm không tài, bọn trộm bỏ cả nửa ngày quan sát liên tục để đợi khi nào có cơ hội là tiến hành. Không phải bọn trộm có mặt lúc người ta sơ hở mà đã có mặt từ lúc người ta còn cẩn thận. Bọn trộm kiên trì chờ đợi hàng tiếng đồng hồ, quan sát quy luật. Ví dụ như mỗi lần có tiếng còi xe bên trong xí nghiệp, người gác cổng sẽ bỏ trạm gác chạy ra nhấc cái barie lên. Tên trộm nghe tiếng còi xe thì đi lại gần vờ dừng châm điếu thuốc, người bảo vệ chạy ra nâng cái chắn cổng cho ô tô chở hàng ra chỉ mất có 30 giây đủ để tên trộm len chân vào. Tìm một chỗ ẩn náu đợi đến đêm hành động.

Nhiều năm sau bị triệu tập đến cơ quan an ninh điều tra, nghe hỏi liên miên đủ thứ. Một lần châm điếu thuốc , thấy anh an ninh cúi xuống tìm tờ giấy trong đống hồ sơ, bỗng nhiên tôi nhớ đến cảnh người bảo vệ cúi xuống nâng cái barie. Tôi bật cười thầm, nghĩ chính những người an ninh họ cũng cần mẫn thăm dò, quan sát, rình rập những người mà họ gọi là đối tượng. Y như chúng tôi năm xưa ngồi kiên nhẫn từ xa quan sát ” đối tượng” là người bảo vệ xí nghiệp. Tôi nghĩ đến những người an ninh theo dõi tôi trên đường đi, ngoài cửa nhà, và cả những người âm thầm ngồi trong phòng lạnh mở máy tính vào xem tôi viết những gì, chụp hình lại, in ra , đánh dâu, đọc đi đọc lại tìm chỗ để kết tội. Rồi họ lấy bút xanh đánh dầu, lấy bút bi viết bên lề ghi chú điều 88, điều 254. Thật hài hước là có ngày tôi lại giống người gác cổng xí nghiệp năm xưa mà chúng tôi đã rình rập ông ta sơ hở. Còn cơ quan công an lại là những người rình rập. Phải nói kinh nghiệm rình rập trộm cắp hồi xưa giúp tôi rất nhiều trong việc đề phòng, cẩn thận hay cân nhắc kỹ khi làm gì với cơ quan công an.

Chủ cơ sở làm dây cua roa có một cậu em rất ngoan, cậu em hơn tôi chút tuổi. Cậu ta sống lành mạnh và chăm chỉ. Lúc nào cậu cũng sôi nổi, tràn trề sức sống, đẹp trai , cao to, tham gia hoạt động địa phương, làm bí thư đoàn phường. Tôi đang làm ở đó yên ổn, bỗng nhiên một chiều thấy cả nhà họ khóc um lên. Thì ra cậu mượn được cái xe máy, đèo bạn gái đi chơi lao thẳng vào đằng sau xe tải. Bạn gái cậu ngồi sau bị ngã xuống đường gãy tay. Còn cậu bị đạp đầu mạnh vào đít thùng xe tải, vỡ xương sọ qua đời luôn. Nhà họ ngừng sản xuất để lo ma chay cho cậu em.

Cuộc đời thật éo le. Người như cậu ấy, hy vọng của bao nhiêu người từ gia đình, xã hội. Đi đâu cũng được quý mến thì chết một cách lãng xẹt. Trong khi tôi trộm cắp, đòi nợ thuê, chém thuê tội lỗi đầy người lại sống nhăn răng, chả biết sống sau này làm gì cho cuộc đời. Tôi thấy tương lai tôi mịt mù thăm thẳm ở đáy xã hội, nhiều khi nhìn cậu ấy cầm giấy tờ công tác xã hội, đoàn thể thấy chạnh lòng cho cậu ta. Tôi sờ đầu mình gãi cái vết sẹo bị dao chém, xoa cổ họng sờ cái sẹo cũng bị dao chém sượt qua….con người chắc có số phận. Lúc ấy tôi láng máng tin rằng con người ta sinh ra có những số mệnh của họ.

Cậu em mất đi, gia đình ấy làm ăn chệch choạc chắc do đau buồn. Tôi nghỉ việc loanh quanh theo đám anh chị bến bãi, trộm cắp, cờ bạc bịp. Hàng ngày lang thang ngoài đường với bọn ăn cắp ngày, đêm lang thang với bọn ăn cắp đêm. Tôi không trộm vặt, tôi chỉ lấy kho hàng và bọn buôn chuyến đánh cả xe ô tô tải hàng. Bọn đấy giàu lấy của nó một ít chả ăn thua với nó. Có thằng mất của, sáng hôm sau nó đứng nhìn nhà kho nhếch mép cười khen bọn trộm giỏi. Trộm vặt của những người khó, họ mất của khóc nức nở tội lắm. Tôi không muốn ăn cắp của người khó. Tính tôi vẫn dở hơi bởi ảnh hưởng của những câu chuyển cổ tích hồi bé đọc cho mẹ nghe.

(Còn nữa)

1 Phản hồi cho “Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [3]”

  1. nguyen linh chi says:

    …cắt cao su sống thành hình sợi dây áng vừa với khuôn (không phải khuân – sai chính tả) rồi quết nhựa để đắp vải mành bọc quanh. Cho vào khuôn, dùng máy ép quay đè chặt khuôn xuống. Dưới khuân là cái bếp điện. Đến thời gian đủ chín thì dỡ khuân ra là thành sợi dậy cua roa.

Leave a Reply to nguyen linh chi