WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Xin cho tôi hỏi

hoi

Westminster, California, ngày 12 tháng 2 năm 2014

Thưa quý Ban Biên Tập (viết tắt: BBT như quý vị ghi trong thư) trang mạng Bauxitevn,

Tôi rất hân hạnh nhận được email trả lời của quý vị. Hôm nay tôi xin phúc đáp.

Mở đầu thư, quý BBT viết: Trường hợp một cá nhân như ông Lê Hiếu Đằng có liên quan đến nhiều thế hệ người Việt thuộc nhiều quan điểm xã hội khác nhau, vì thế cách nghĩ về ông Đằng cũng khác nhau là điều dễ hiểu. Cho nên, để giải đáp vấn đề mà ông nêu ra sẽ phải cần đến một cuộc ĐỐI THOẠI rất dài, không phải trong một lá thư vắn tắt mà đã có thể làm thông thoáng được đầu óc của phía này hay phía kia. Chúng tôi chỉ có thể nói lược gọn quan niệm của chúng tôi đối với ông LHĐ: về cơ bản, ông ấy xuất thân là một trí thức, mà trí thức thì xưa nay hay cực đoan, lại hay cả tin ở những lý thuyết mà mình coi là tốt đẹp, tin với tất cả niềm tin chân thành. Thời kỳ ông Đằng cùng sinh viên miền Nam chống chế độ cộng hòa và bị kết án tử hình là thời kỳ niềm tin của ông ấy đặt ở lý tưởng giải phóng dân tộc để có một nền dân chủ dân chủ hơn cái mà ông ấy được chứng kiến và coi là chưa dân chủ, không dân chủ (Chính chúng tôi và rất nhiều trí thức hồi ấy cũng nghĩ vậy đấy).”

Tôi rất vui khi đọc thấy hai chữ “ĐỐI THOẠI” mà quý vị dùng trong đoạn văn trên. Bởi vì, tôi nghĩ, đối thoại với thành tâm thiện chí là để cùng nhau tìm ra một giải pháp tối ưu nhằm cứu nguy Đất Nước trước sự tồn vong của dân tộc. Do đó tương kính, lắng nghe, tỉnh táo, không chụp mũ nhau là nền tảng.

Ngoài ra, đối thoại khi hai bên có cùng một trình độ nhận thức thì mới mang lại hiệu quả. Nếu không, cuộc đối thoại sẽ đưa đến tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”. Tôi xuất thân nhà binh, tức là võ biền, không được xếp vào hàng trí thức như ông Lê Hiếu Đằng, nhưng có đôi chút học vấn, đọc và hiểu hai ngoại ngữ Anh Pháp và may mắn được sống trong xã hội mở nên không đến nỗi là loại vai u thịt bắp, chỉ biết lên đạn và bấm cò súng. Nói tóm lại, tôi chỉ có cái học ở trường đời qua trải nghiệm cuộc sống; chứ không có cái học khoa bảng với bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ để người đời đánh giá là trí thức.

Trong cuộc chiến Quốc – Cộng, tôi thua trận vì tự biết mình dở nên không có gì cay cú hay oán hờn, thù hận. Là một kẻ đã 75 tuổi và đã đưa tay tuyên thệ làm công dân Hoa Kỳ, dù rắp tâm có “ý đồ” gì đi nữa, cũng không thể có điều kiện pháp lý để đạt một địa vị gì ở Việt Nam.

Người xưa từng dạy: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Tôi tự nhủ: Huống chi mình có đôi chút học vấn, sao nỡ làm ngơ trước cảnh nước mất nhà tan? Lại thêm, mình là CON NGƯỜI, chứ không phải CON VẬT, thì mình không thể quay lưng trước nỗi bất hạnh của CON NGƯỜI. Thế giới có hội “Y Sĩ Không Biên Giới” (Médecins Sans Frontières), hội “Nhà báo không biên giới” (Reporters Sans Frontières) chẳng liên hệ máu mủ với dòng tộc Việt, mà họ còn chữa bệnh miễn phí bệnh nhân Việt Nam và lên tiếng đòi hỏi quyền làm người cho Việt Nam, là vì họ có tình nhân loại. Chẳng lẽ tôi còn có dòng máu của tổ tiên Lạc Hồng trong huyết quản, lại không cất lên tiếng nói để đòi cho dân mình được quyền bình đẳng chăm sóc y tế, quyền được biết thông tin đa chiều, quyền tự do tư tưởng?

Tự biết kiến thức mình có giới hạn, nên tôi đặt tựa đề bài hồi âm này là “Xin Cho Tôi Hỏi” để được phép nêu lên những vấn nạn mà bản thân không thể tự trả lời. Cho nên, đây không phải là cuộc đối thoại, mà đây là một người học trò đặt ra những thắc mắc để nhờ những bậc thầy (trí thức) giải đáp hộ. Xin các nhà thông thái hãy xem tôi như một dân oan mất cửa mất nhà, một học sinh không được đến trường vì tội đòi chủ quyền quốc gia. Dùng cách thức “Xin – Cho” này có lẽ hiệu quả hơn chăng?

Đây là những vấn đề lớn mà nhân dân Việt Nam đang đối diện. Khai thông được vấn đề một cách minh bạch, rõ ràng, không ngụy biện, ắt sự đoàn kết, hòa hợp không còn là điều khó khăn nữa. Xin đừng bảo rằng vấn đề này khó quá, bởi nếu nó dễ dàng thì nó không còn là vấn đề nữa! Và cũng xin đừng tỏ ra trịch thượng hay kiêu ngạo giống như bọn cầm quyền hiện nay mà ném nó vào thùng rác.

1/ Giáo sư Trần văn Giàu từng tâm sự với giáo sư Tạ Quang Bửu: “Bọn mình chỉ là thầy dạy triết. Giáo sư Trần Đức Thảo mới đúng là triết gia”. Tôi xin phép hỏi: “Là triết gia, tại sao ông Trần Đức Thảo không biết một đảng chính trị chọn chủ nghĩa vô thần để xây dựng xã hội sẽ mang lại một nền cai trị chuyên chính? Bởi vì chủ nghĩa dựa trên nhân sinh quan, vũ trụ quan phiếm định giống như tôn giáo? Phật giáo có giáo điều của Phật giáo. Công giáo có giáo điều Công giáo. Nhưng hai tôn giáo ấy có thể sống chung, hòa hợp vì họ không giành quyền cai trị về tay mình và không đòi tiêu diệt lẫn nhau. Còn chủ nghĩa vô thần cộng sản coi tôn giáo là thuốc phiện, cương quyết cướp chính quyền bằng mọi giá để thực hiện nhân sinh quan, vũ trụ quan của mình qua phương châm ‘Cứu Cánh Biện Minh Phương Tiện’ tức là dù vô luân, vô đạo đến mấy cũng thi hành để đạt mục đích?”

Theo tôi, một trí thức lỗi lạc như triết gia Trần Đức Thảo mà không nhìn ra cộng sản là một thứ tà giáo  sẽ khiến cho những “trí thức mọt sách” nhắm mắt lục tục theo chân thầy. Nếu tôi nói triết gia Trần Đức Thảo mù quáng, hoang tưởng, chẳng hiểu tôi có bị kết tội hỗn láo, xấc xược với bậc tiền bối?

2/ Chủ nghĩa Cộng Sản đòi chôn sống chủ nghĩa Tư Bản. Xin hỏi: “Tư bản có phải là chủ nghĩa không?”. Như tôi hiểu, nói đến chủ nghĩa là nói đến nhân sinh quan, vũ trụ quan, nên mới đẻ ra giáo điều. Tuy không đọc nhiều sách bằng những nhà trí thức, nhưng tôi không tìm thấy có sách nào đề cập đến nhân sinh quan, vũ trụ quan của Tư Bản. Vậy hạ quyết tâm đi theo cộng sản để chôn sống một thực thể không hề có trong thực tế thì có phải là điên rồ không?

3/ Hồ Chí Minh không che giấu chủ trương tiêu diệt trí thức qua câu khẩu hiệu: “Trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ”. Hồ Chí Minh còn bắt mỗi chi bộ phải học tập cái chủ trương này. Tôi xin hỏi: “Tại sao người trí thức lại tôn thờ, sùng bái một người có chủ trương tiêu diệt giai cấp mình để rồi ngày nay, sau khi phản tỉnh, thì than mình bị lừa? Vậy người trí thức có dám can đảm nhìn nhận mình ngu không?” Người trí thức không thể đổ tội vì xu thế thời đại, có những trí thức tầm cỡ như Jean Paul Sartre, Bertrand Russells còn ca ngợi cộng sản, huống gi là chúng tôi! Những trí thức phương Tây khuynh tả là cái “mode”, không làm quốc gia họ bị rơi vào tay cộng sản, vì dân trí cao. Trí thức Việt Nam khuynh tả giống như con gà trống nhắm mắt cất lên tiếng gáy, bất kể con chồn đang sửa soạn vồ.

4/ Ông Võ Nguyên Giáp là người tương đối có học thức, vì nguyên là một giáo sư Sử Địa trường Trung Học Thăng Long, Hà Nội. Tối thiểu ông phải biết dã tâm của Tầu luôn luôn ôm mộng thôn tính nước ta. Tại sao ông Giáp không can ngăn Hồ Chí Minh đừng đi xin khí giới của Trung Cộng để xâm lăng Miền Nam? Nếu chiến thắng thì trước sau Đất Nước cũng rơi vào vòng nô lệ Tầu.

Được thổi phồng là anh hùng, là nhà quân sự đại tài, đang giữ chức Bộ trưởng Quốc Phòng thì bị Lê Duẩn, Lê Đức Thọ đẩy đi làm công tác cai đẻ mà không dám từ chức về vườn. Khi đề nghị Chính quyền ngưng dự án khai thác Bô-Xít Tây Nguyên, ông Giáp bị Thủ tướng Dũng đáp thẳng vào mặt: “Không thể được, vì Đảng đã quyết định rồi” thì đứng im. Tại sao Tướng Giáp không dám hỏi Đảng là ai, để yêu cầu ngưng dự án? Xin hỏi: “Quý BBT nghĩ gì về nhân cách một người làm Tướng như ông Giáp? Một người đã tiếp tay Hồ Chí Minh đưa dân tộc đến bước đường cùng mà không hề có lời nào nhận trách nhiệm thì có đáng bị lên án không? Phải chi ông Giáp trả lời Nguyễn Tấn Dũng như sau: “Tôi trót đi theo Bác Hồ, chủ yếu là để làm cuộc cách mạng dân tộc. Nhưng nay cả thế giới lên án chủ nghĩa cộng sản là một chủ nghĩa diệt chủng chống nhân loại thì mới biết mình sai lầm. Các chú hãy về bàn bạc với nhau để từ bỏ cộng sản và trả lại quyền tự do cho dân, đừng lừa bịp họ nữa vì thời đại bịt mắt, bịt miệng đã qua rồi.” Tôi tin chắc rằng ông Giáp nói được những lời như thế thì khi ông qua đời sẽ được cả nước khóc thương; chứ khỏi bày trò thương vay khóc mướn như phường tuồng.

5/ Sau năm 1954, các thế lực quốc tế đã chia Việt Nam thành hai quốc gia. Từ vỹ tuyến 17 về phía Nam là nước Việt Nam Cộng Hòa có tuyển cử, bầu cử, có báo tư nhân xuất bản, được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận; từ vỹ tuyến 17 lên phía Bắc là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không có tuyển cử, bầu cử và không có báo chí tư nhân. Miền Bắc đi xin vũ khi tối tân của ngoại bang Nga Tàu, vì tự thân chưa làm nổi chiếc xe đạp, xua quân xâm lăng Miền Nam, lập ra cái gọi là “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” làm công cụ. Tôi nhìn nhận rằng những trí thức thời 1945 gia nhập Việt Minh để chống Thực dân Pháp vì họ yêu nước và không biết Việt Minh là cái vỏ bọc của cộng sản. Nhưng sau 1954, gần một triệu người dân Bắc phải lìa bỏ mồ mả tổ tiên, bỏ tài sản nhà cửa đất đai để đi tới một nơi vô định, tất nhiên vì họ quá sợ hãi sự man rợ của cộng sản đã tiến hành cuộc cải cách ruộng đất từ 1953. Bản chất người Việt Nam là quyến luyến lũy tre xanh, ruộng vườn, hương hỏa cha ông; chứ đâu phải vì thèm bơ thừa sữa cặn của Thực dân như bộ máy tuyên truyền của cộng sản rêu rao?  Dù không có trí thông minh thì cũng phải biết người dân Bắc di cư vì chế độ cộng sản là không thể sống được. Miền Nam vừa mới được Thực dân Pháp trả độc lập, phải vừa xây dựng từ hoang tản đổ nát sau chiến tranh, vừa lo xây dựng nền dân chủ. Thế giới trong đó có cả các quốc gia phi liên kết cũng phải nhìn nhận Miền Nam đứng lên như một phép lạ. Vậy tôi xin hỏi: “Bọn nằm vùng, bọn tiếp tay cộng sản xâm lăng Miền Nam có đáng kết tội phản quốc (tức là phản nước Việt Nam Cộng Hòa) hay không?

6/ Những kiến nghị dâng lên Đảng, Chính quyền mà không một kiến nghị nào được cứu xét. Xin hỏi: “Tại sao quý BBT cứ tiếp tục gửi kiến nghị cho một tập đoàn thống trị vừa điếc, vừa câm, không còn sợi dây thần kinh biết xấu hổ? Trong cuộc hội thảo góp ý với Đại Hội Đảng gồm Phó Thủ tướng Phan Diễn, Vũ Khoan và những vị từng giữ chức vụ lớn trong Đảng, giáo sư Trần Phương (cũng từng là Phó Thủ Tướng) gay gắt đặt câu hỏi ai biết Chủ Nghĩa xã Hội là gì thì không một ai trả lời được. Tại sao những vị từng hưởng đặc quyền đặc lợi do nhân dân đóng góp, lại không dám có hành động cụ thể như tham dự vào các cuộc xuống đường với giới trẻ hoặc đến vườn hoa Mai Xuân Thưởng để đồng cam cộng khổ với dân oan như Hồ Chí Minh đã dạy chính sách tam cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm? Tại sao người tuổi trẻ chưa hưởng lợi lộc gì của Đất Nước, mà họ dám đứng lên bảo vệ chủ quyền Quốc gia, trong khi ấy các vị từng lãnh đạo Quốc Gia lại không dám?”. Rõ là hèn rồi, phải không?

Tôi tin rằng những vị từng dựng lên cơ chế cai trị này, từng hưởng bổng lộc từ sự đóng góp của nhân dân, nếu có tinh thần trách nhiệm đối với Đất Nước, dám có hành động cụ thể như tôi vừa nêu trên thì thế nào cũng có cuộc cách mạng sẽ xảy ra, giống như các nước ở Bắc Phi. Thật tội nghiệp cho các bạn trẻ bị thừa hưởng một di sản của nhiều thế hệ vô trách nhiệm, vô hồn, vô cảm.

*

*       *

Quý BBT đánh giá Lê Hiếu Đằng xuất thân là nhà trí thức, tôi thiết nghĩ không đúng. Lê Hiếu Đằng viết: “Trong lúc nằm bịnh tôi đọc quyển Chuyện nghề của Thủy của đạo diễn Trần Văn Thủy, các truyện của các nhà văn quân đội như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Trần Dần”. Những tác giả mà Lê Hiếu Đằng nêu trong bài, đã có sách xuất bạn từ lâu, đã giúp cho nhiều độc giả hiểu sự dã man, tàn ác của cộng sản. Tại sao bây giờ mới đọc, mới thấy sự tồi tệ của cộng sản? Trí thức kiểu gì lạ vậy? Nếu như Lê Hiếu Đằng đọc Nhân Văn Giai Phẩm do cụ Hoàng văn Chí xuất bản từ năm 1959 thì đã biết văn nghệ sĩ Miền Bắc bị cộng sản đày đọa ra sao. Trần Dần làm bài thơ “Nhất Định Thắng” trong đó chỉ có câu:Tôi bước đi, không thấy phố, không thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ” mà bị đảng bỏ tù, hành hạ đến nỗi phải cắt tay tự tử, nhưng may quá không chết, thử hỏi Lê Hiếu Đằng nếu đọc tình cảnh đáng thương của Trần Dần, thì có chạy theo cộng sản để phản bội anh em, bạn bè học cùng trường gia nhập Quân đội VNCH chiến đấu bảo vệ cho nền tự do của Miền Nam?

Nếu Hồ Chí Minh không phải là cộng sản, không tình nguyện đưa cả Miền Bắc làm người lính tiền phong nhằm nhuộm Đỏ toàn cầu, thì Hoa Kỳ không lập ra chủ thuyết “Domino” để biến Miền Nam thành người lính tiền đồn. Nếu Việt Nam nằm ở góc khuất của thế giới giống Tân Cương, Tây Tạng thì Hoa Kỳ thây kệ, chẳng thèm bận tâm. Nên nhớ Hoa Kỳ đến giúp Việt Nam không phải Hoa Kỳ vì yêu thương dân tộc Việt Nam. Nhưng Hoa Kỳ đến Việt Nam không phải để bòn rút tài nguyên như Thực dân Pháp. Chiến lược của Hoa Kỳ là ngăn chặn làn sóng Đỏ, đồng thời cũng giúp Miền Nam có tự do hơn cộng sản. Nếu ai có chút học hành, có chút kiến thức thì tối thiểu phải hiểu điều đó chứ! Hơn nữa, nếu có học lịch sử thế giới, thì phải biết Mỹ giải phóng nhiều quốc gia khỏi bị họa Quốc Xã Đức, Phát Xít Ý và Quân Phiệt Nhật. Mỹ có kế hoạch Marshall để phục hồi Âu Châu sau Đệ Nhị Thế Chiến; trong khi những quốc gia Đông Âu thì nghèo khó, bị Cộng Sản Liên Xô đàn áp nên mới xảy ra các cuộc nổi dậy ở Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Ba Lan. Mỹ dội hai quả bom nguyên tử xuống Nagasaki và Hiroshima để sớm chấm dứt chiến tranh, nhưng sau đó giúp Nhật trở thành cường quốc kinh tế đứng hàng thứ hai trên thế giới và duy trì nền quân chủ lập hiến còn tiên tiến hơn một số quốc gia dân chủ khác. Người dân quê ít học, hoặc bị Việt Cộng cưỡng bức cầm súng chống lại Miền Nam thì còn hiểu được. Những thành phần có học được mang danh nghĩa trí thức mà chạy theo cộng sản để giật sập một nền dân chủ còn phôi thai đều là hạng ngu ngốc, đần độn. Tôi lập luận như thế có đúng không?

Lê Hiếu Đằng giữ chức vụ Phó Tổng Thư Ký Ủy ban Trung Ương Liên Minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam là một tổ chức bịp bợm do cộng sản dựng lên, đã làm cho nỗ lực bảo vệ nền tự do của Miền Nam mất chính nghĩa trước con mắt thế giới. Việt Nam Cộng Hòa phải tự vệ để sống còn lại bị xem là quân hiếu chiến, chính là do bọn giả danh phản chiến này rêu rao. Những anh chị em chiến sĩ VNCH ngày đêm lao thân vào lửa đạn ngoài tiền tuyến mới đích thực phản chiến. Tại sao ư? Bởi vì chiến tranh càng kéo dài, càng tăng thêm nguy cơ mất mạng. Chúa Phật có nương tay độ cho sống sót một vài lần là may, nên người lính rất ghét chiến tranh. Bọn trí thức đòi hỏi chấm dứt chiến tranh, nhưng chỉ yêu cầu phía tự vệ phải buông súng xuống mà không hề kết tội quân xâm lăng. Cho nên những người lính chiến đấu như tôi đều coi hành động của bọn phản chiến đó là một lũ bất lương, gian lận. Chúng có biết rằng Hoa Kỳ là một quốc gia rất an ninh, nhưng khi có chiến tranh với Nhật, Hoa Kỳ đã đem nhốt tất cả những công dân Mỹ gốc Nhật vào trại tập trung, để đề phòng nội tuyến. Miền Nam không thể tổ chức xã hội bằng chính sách hộ khẩu kiểu cộng sản, bắt buộc cha mẹ, anh em giám sát lẫn nhau, vì sợ mang tiếng độc tài. Chính vì thế, những tên nằm vùng lợi dụng điểm đó để làm nội tuyến cho địch, tất nhiên Miền Nam phải thua trận thôi.  Tôi không nói chế độ Cộng Hòa ở Miền Nam là tốt đẹp, nhưng chắc chắn nó tự do hơn Miền Bắc. Vậy, người trí thức phải biết chọn giữa cái xấu (le mal) và cái tồi tệ (le pire); chứ tại sao lại đạp đổ cái xấu, cái chưa hoàn hảo để dựng lên một cái tồi tệ để càng ngày nó càng trở thành một đảng cướp bất nhân, bất nghĩa, bất lương?

Tôi không hề oán hận hay thù ghét những chiến sĩ Miền Bắc trong đội quân xâm lăng Miền Nam, bởi vì họ bị bọn lãnh tụ đẩy họ vào lò lửa chiến tranh. Tôi còn kết bạn với họ sau cuộc chiến, như Trung tá Vũ Cao Quận, Đại tá Phạm Đình Trọng. Nhưng tôi khinh bọn trí thức Miền Nam chạy theo cộng sản, phá hoại Miền Nam để dâng cho cộng sản, rồi khi phản tỉnh mà không hề nói một lời xin lỗi nhân dân Miền Nam. Tôi đã thấy bọn “phản chiến giả” biểu tình đuổi Mỹ về nước (Yankee go home) trước 1975, sau khi không thể sống với cộng sản, chạy sang Mỹ tị nạn và đứng xếp hàng xin trợ cấp xã hội!

Đồ Tể buông dao xuống sẽ thành Phật. Phạm sai lầm mà tỏ ra sám hối, ăn năn sẽ được quần chúng tha thứ. Lê Hiếu Đằng khi lâm trọng bệnh, phải nằm viện mới viết đơn xin bỏ Đảng, kêu gọi bỏ đảng tập thể mà bản thân còn nằm lỳ trong đảng. Sau khi có dư luận chê trách, ông ta mới chịu bỏ đảng thực sự và thổ lộ với người ký giả về lý do bỏ đảng với đại ý như sau: “Cộng sản không còn là lý tưởng mà tôi theo đuổi như trước, nên tôi từ bỏ đảng”. Lê Hiếu Đằng không có cái dũng của người trí thức để nhìn nhận là mình dốt, mình ngu vì đã chọn cái chế độ cộng sản man rợ làm lý tưởng.

Lê Hiếu Đằng đã chết! Thôi thì chúng ta cũng nên để cho linh hồn ông ta yên nghỉ nơi chốn vĩnh hằng. Tôi chỉ nói quý BBT tôn vinh Lê Hiếu Đằng  một người không có kiến thức chính trị, không lương thiện khi chỉ đòi hỏi phía tự vệ phải buông súng, không có cái dũng để tự nhận mình sai lầm mà xin lỗi nhân dân  là người trí thức thì quả là tội nghiệp cho những người trí thức chân chính.

Tôi không là người đủ tư cách để dùng câu “đánh kẻ chạy đi, chứ không ai đánh người chạy lại”. Tôi chỉ nói ông Lê Hiếu Đằng và những người làm nội ứng cho cộng sản ở Miền Nam, giật sập chế độ Miền Nam để dâng cho cái chủ nghĩa man rợ của Miền Bắc, khiến nhân dân trên cả nước phải sống trong Hỏa Ngục Đỏ, mà không một lời xin lỗi đồng bào là bất xứng để được gọi là trí thức. Nhớ lại câu than trách của người bà con Miền Bắc sau ngày “giải phóng”, “tại sao các anh không ra giải phóng chúng tôi để cho chúng tôi còn phải tiếp tục chịu khốn khổ, đọa đày” mà tê tái cả cõi lòng.

Tôi ca ngợi hết mình nhạc sĩ Tô Hải, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nhà ngoại giao Đặng Xương Hùng … và tất cả những đảng viên cộng sản sẽ phản tỉnh. Tôi đâu có ngu gì mà chống lại những người con của Mẹ Việt Nam đã tỉnh ngộ, giống như bọn “còn Đảng còn mình” mạ lỵ, phỉ báng Lê Hiếu Đằng?

Việc từ bỏ Đảng của ông Đằng gây chấn động mạnh mẽ hơn các ông Nguyễn Hộ, Nguyễn Ngọc Lan, Trần Độ vì thời bấy giờ chưa có Internet, chưa có dân oan đi khiếu kiện, chưa thoát ra khỏi nỗi sợ hãi. Hơn nữa, người dân trong nước thời bấy giờ chưa thể ngờ nước mình sẽ bị Trung Cộng xâm chiếm mà bọn cầm quyền “Hèn với giặc, ác với dân” khủng khiếp đến thế. Nếu trí thức, “nhà cách mạng lão thành” dám nhận lãnh trách nhiệm với nước với dân mà có hành động cụ thể như tôi đề nghị thì cuộc  chấn động còn mạnh hơn cả Tsunami.

*

*      *

Khi trang mạng Boxitevn mở ra, thấy treo tấm hình Tướng Võ Nguyễn Giáp như là một biểu tượng đấu tranh cho tự do dân chủ, tôi vội viết thư cho giáo sư Nguyễn Huệ Chi, trang chủ, đại khái như sau: “Tôi nghĩ trang mạng Boxite là tập hợp những trí thức có mục đích nâng cao trình độ nhận thức cho quần chúng về quyền con người, về tự do dân chủ. Tại sao giáo sư không lấy tấm hình của nhà cách mạng Phan Chu Trinh, người chủ trương khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh làm biểu tượng? Tướng Giáp theo Trung Cộng khiến cho Đất Nước bị Trung Cộng tác hại thì Tướng Giáp không thể là biểu tượng chống việc Trung Quốc khai thác boxit ở Tây Nguyên”. Ít hôm sau giáo sư Nguyễn Huệ Chi trả lời tôi như sau: “Trang mạng Bauxitevn có mục đích yêu cầu nhà cầm quyền ngưng dự án khai thác Boxit thôi. Tướng Giáp là người chống lại dự án ấy, nên chúng tôi treo hình Tướng Giáp lên trang mạng”. Tôi lại viết cho giáo sư Nguyễn Huệ Chi một đề nghị khác: “Nếu giáo sư không đồng ý treo bức ảnh nhà cách mạng Phan Chu Trinh vì vấn đề nhạy cảm, tôi đề nghị giáo sư dùng tấm hình của Trần Bình Trọng, người dám nhìn thẳng vào mặt kẻ thù mà quát ‘Ta thà làm quỷ nước Nam;còn  hơn là làm vương đất Bắc’ thì sẽ có ý nghĩa hơn trong sự kích động khí phách của người Việt!” Giáo sư Nguyễn Huệ Chi im lặng và cho đến nay vẫn còn treo hình Tướng Giáp, tuy nhỏ hơn trước.

Trang mạng Bauxitevn đăng bài “Từ Đảng Cộng sản ban đầu đến Đảng Cộng sản hiện nay” của Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh.Nhận thấy nội dung bài ấy chỉ đáng cho một cán bộ tuyên truyền cấp thấp viết; hơn là do một ông Tướng từng làm Đại sứ ở Bắc Kinh nhiều năm, tôi viết một bức thư để phản bác luận điệu của ông Tướng.

Giống như tất cả cán bộ tuyên truyền cộng sản, Tướng Vĩnh phủ đầu như sau: “Có những phần tử chống cộng cực đoan phủ định toàn bộ Đảng CSVN, họ nhắm mắt trước thời kỳ huy hoàng của Đảng CS Đông Dương, Đảng Lao động VN (cũng là Đảng cộng sản)Họ không thấy được sự hy sinh dũng cảm và công lao to lớn của Đảng đối với dân tộc.” Hễ người nào chỉ ra cái ác, cái man rợ của cộng sản đều bị cộng sản quy cho cái tội “Chống Cộng Cực Đoan” tức là loại người này đều mù, nên không thấy được sự hy sinh dũng cảm và công lao to lớn của Đảng cộng sản đối với dân tộc. Cụ Vĩnh cũng xài cái luận điệu đó. Thử hỏi Cộng sản Việt Nam từ bỏ chủ nghĩa cộng sản như Đông Âu, thì có ai điên khùng đi chống nó? Chính cộng sản mới là cực đoan, vì chưa ai hiểu được chủ nghĩa xã hội là gì và Nguyễn Phú Trọng phân vân chẳng biết hết thế kỷ này chủ nghĩa xã hội đã thực hiện được chưa, nhưng vẫn kiên trì tiến nhanh (dù chậm như rùa) và tiến vững chắc (dù lảo đảo) lên (hay xuống) XHCN!

Tôi không hiểu vì sao BBT Bauxite quyết định cho đăng một bài ca tụng Hồ Chí Minh lên tận mây xanh, trong khi con người thật của Hồ Chí Minh ra sao đã được tài liệu lịch sử phơi bày? Có lẽ cụ Vĩnh chưa hề nghe câu nói của Lê Duẩn thừa nhận “ta đánh Pháp, đánh Mỹ đây là đánh cho Liên Xô, cho Trung Cộng” nên mới tự hào về chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu? BBT Bauxite viết lời tòa soạn: “Chúng tôi xin trân trọng đăng nguyên bài viết của ông, để bạn đọc xa gần tham khảo. Thôi chết rồi! Bài viết của cụ Vĩnh mà để cho bạn đọc dùng làm tài liệu tham khảo, thì còn gì là trí thức Việt Nam nữa?!

Cụ Vĩnh phớt lờ cái việc Hồ Chí Minh tiêu diệt trí thức tức là tiêu diệt nhân tài (bộ não của Tổ Quốc), tạo ra một bộ máy cai trị toàn là một lũ xu nịnh, hèn hạ, ngu si vì hễ ai trái ý lãnh tụ liền bị quy cho tội phản động. Do đó những lãnh đạo kế thừa đều không có trí tuệ, không có nhân cách. Bằng cớ là Lê Duẩn rất biết rõ dã tâm của Mao Trạch Đông, nhưng vẫn xin vũ khí của Trung Cộng để xâm lăng Miền Nam. Cho nên tình trạng đạo đức suy đồi, tham ô, nhũng lạm hoành hành trên Đất Nước sau năm 1975 là hậu quả tất yếu của đường lối cai trị của Hồ Chí Minh trước 1975. Phùng Quán chỉ làm bài thơ “Chống tham ô lãng phí” dưới thời “Cụ Hồ” là đã bị đưa đi cải tạo tư tưởng (tức là đi tù) rồi. Ngày nay ai to gan ra mặt chống tham nhũng cũng đều bị tù cả, đâu có gì khác thời trước 1975?

Cụ Vĩnh căn cứ vào đâu để dám bảo rằng CSVN được dân yêu, dân quý, dân tin tưởng, trong khi gần một triệu người dân phải trốn chạy vào Nam và trong hơn hai mươi năm độc quyền cai trị, CSVN chưa một lần tổ chức bầu cử tự do thì lấy gì để làm thước đo lòng dân? Tôi nhờ giáo sư Nguyễn Huệ Chi chuyển bài viết của tôi tới cụ Vĩnh và được giáo sư Nguyễn Huệ Chi trả lời: “Thư đã chuyển”. Điều đó chứng tỏ cụ Vĩnh đã nhận thư của tôi, cụ chẳng những không thèm trả lời mà còn viết một số bài khác ca tụng Hồ Chí Minh mạnh mẽ hơn và cũng được Bauxite đăng tải.

Thưa quý vị trí thức trong BBT trang mạng Bauxite,

Tôi xem việc quý BBT đăng những bài ca tụng Hồ Chí Minh, tức là lập trường của quý vị cũng xem Hồ Chí Minh là nhà giải phóng dân tộc, mặc dù cuối bài ghi rõ do tác giả gửi tới để chứng tỏ bài viết của tác giả không phản ảnh quan điểm của trang mạng. Tại sao quý BBT không cho đăng những bài viết phơi bày sự thật về Hồ Chí Minh? Một trang mạng chỉ đăng một chiều thì làm sao gọi là đấu tranh cho đa nguyên, đa đảng? Làm sao tránh được dư luận coi quý BBT chỉ là nồi “giảm áp suất” cho Đảng mà thôi? Có người bảo rằng cụ Vĩnh lên tiếng chê bọn cầm quyền cộng sản sau 1975 thoái hóa, biến chất đã là khá rồi: “Cụ còn hơn mấy ông “cách mạng lão thành” thì phải nên trân trọng”.  Tôi nghĩ khác, nếu cụ Vĩnh còn ngồi trên chiếc ghế cầm quyền thì cụ cũng sẽ hành xử không khác gì những người cầm quyền hiện nay. Cụ vẫn kiêu ngạo, không thèm lắng nghe tiếng nói khác, vẫn xem Hồ Chí Minh là thần tượng, bởi vì cụ không dám từ bỏ cái quá khứ mà cụ cho là vàng son, đã có thời dốc hết tâm lực phục vụ một lãnh tụ “vô vàn kính yêu”! Cái quá khứ đẹp quá đi thôi!

Có người bảo: “Nhận thức là một quá trình lâu dài!” Xin vui lòng cho biết lâu là bao lâu? Tại sao giới trẻ dù bị nền giáo dục nhồi sọ có thể thấy được nguy cơ mất nước để hành động, mà những trí thức đáng bậc cha ông lại chỉ ngồi viết kiến nghị? Phải chi nhà cầm quyền này biết lắng nghe, chịu thỏa hiệp thì gửi kiến nghị góp ý là tốt. Đằng này, ai cũng thấy người cầm quyền đã mất tất cả sợi dây thần kinh biết xấu hổ, cam chịu làm tay sai ngoại bang, tức là không biết nhục vong quốc thì còn hy vọng gì nữa để mà chờ họ đổi thay? Việt Nam giống như một căn nhà mà nền móng, cột kèo đều bị mối mọt làm hỏng, tức là ngôi nhà Việt Nam cần dở bỏ hoàn toàn để xây một cái nhà mới. Nghĩa là Việt Nam cần một cuộc cách mạng toàn diện. Muốn có cuộc cách mạng xảy ra, những người đã cầm quyền phải đứng ra nhận lãnh trách nhiệm, thì mới có những bước đột phá (nói theo cách nói cộng sản). Dù vô tình hay cố ý, người đã cầm quyền trong bộ máy Đảng cũng đã mắc tội lừa dối, đàn áp nhân dân. Vấn đề đặt ra là có đủ dũng cảm để nhìn thẳng vào Sự Thật để làm hay không!

Tôi nghĩ rằng cụ Vĩnh là người rất “yêu” Hồ Chí Minh. Với cương vị là người cao tuổi nhất trong những “lão thành cách mạng” mang cấp Tướng, làm Đại sứ, cụ Vĩnh nên tập hợp những đồng chí sùng bái Hồ Chí Minh lập ra một Mặt Trận, (ví dụ đặt tên “Mặt Trần Yêu Hồ” chẳng hạn) gửi đơn đến chính phủ Đài Loan kiện ông Hồ Tuấn Hùng về tội bôi nhọ “danh nhân thế giới”, vì đã phịa ra chuyện Hồ Chí Minh chính là Hồ Tập Chương, gốc người Hẹ. Đồng thời yêu cầu Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng phải làm cuộc thử nghiệm DNA để xác minh Hồ Chí Minh là người Việt trăm phần trăm.

Đấu tranh đòi nhân quyền, Đảng bảo mỗi quốc gia có cách khác nhau trong việc thực thi nhân quyền. Đòi tự do dân chủ thì bị Đảng quy tội lợi dụng quyền tự do dân chủ. Nay “Mặt Trận Yêu Hồ” đòi Đảng phải dùng thử nghiệm DNA thì Đảng không có cách gì thoái thác được. Đòi hỏi kỳ được, cho đến khi nhà cầm quyền phải thực hiện mới thôi. Nếu nhà cầm quyền vẫn im lặng, tức Hồ Chí Minh đích thị là người Hẹ đúng như Hồ Tuấn Hùng cáo giác. Lúc bấy giờ Mặt Trận Yêu Hồ sẽ có lý do ném những tượng của Hồ được trưng bày bấy lâu xuống cống rãnh vì nó là Chệt, nên không ai có thể bắt tội được. Đó là cuộc cách mạng bất chiến tự nhiên thành, một cuộc cách mạng phi bạo lực đúng với lòng mong mỏi của quý vị trí thức hiện nay. Quý BBT nghĩ thế nào về sách lược hành động ấy? Nếu những ai “Yêu Hồ” không dám thực hiện, tức là những kẻ đó chỉ giả dạng yêu Hồ bằng cái lỗ miệng! Vẫn là XHCN (xạo hết chỗ nói) thôi!

Cuối cùng, xin cho tôi hỏi một câu hỏi chót: “Tôi đã nói rõ từ đầu. Tôi chỉ là người học trò, một dân oan đặt ra những ưu tư thắc mắc để những bậc thầy (nhà trí thức), những người đã cầm quyền giải quyết mối ưu tư này. Liệu quý BBT có đồng ý đăng thư của tôi lên trang mạng Bauxite để cho những nhà trí thức trong và ngoài nước thường vào đó đọc, biết rằng hiện có một người lính như tôi còn xót xa cho những dân oan, những thanh niên sinh viên yêu nước biểu tình bày tỏ lòng yêu nươc bị đánh đập, bỏ tù mà đành bó tay”. Quý cứ việc ghi ở dưới “bài viết do tác giả gửi trực tiếp đến tòa soạn” để phủ nhận trách nhiệm của mình nếu bị Công An hỏi tội. Nếu quý vị chấp nhận đăng bài viết của tôi, tức là quý vị là cơ quan truyền thông thực lòng đấu tranh cho đa nguyên, đa đảng, dân chủ.

Nếu bài viết của tôi có điều gì thất thố, phạm thượng xin quý vị bỏ qua. Trong lòng ngổn ngang trăm mối, chưa viết đủ những điều còn trăn trở. Tôi chân thành cám ơn quý vị BBT đã dành thì giờ viết thư cho tôi. Và cũng chân thành cảm ơn quý vị BBT đã dành thì giờ để đọc thư tôi viết. Mong sao mình còn sống tới ngày chế độ cộng sản sụp đổ để về quê nhà hàn huyên với quý vị thì hạnh phúc xiết bao!

Xin chân thành thật chúc quý BBT dồi dào sức khỏe để hết lòng phục vụ đồng bào.

Trân trọng,

Bằng Phong Đặng văn Âu

© Đàn Chim Việt

———————————————–

Đọc bài liên quan: Từ DCS ban đầu tới DCS hiện nay

236 Phản hồi cho “Xin cho tôi hỏi”

  1. sinh viên khoa Mac-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh says:

    QUÁ TRÌNH TRƯỞNG THÀNH CỦA LỰC LƯỢNG CAND VIỆT NAM QUA NHỮNG DẤU MỐC LỊCH SỬ (phần 2)
    Ngày 16-2-1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141-SL đổi Nha công an Trung ương thành Thứ Bộ Công an trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Đồng chí Trần Quốc Hoàn ủy viên Trung ương Đảng được cử giữ chức Thứ trưởng Thứ Bộ Công an.
    Trong cuộc họp Hội đồng Chính phủ từ ngày 27-29 tháng 8-1953, dưới sự chủ tọa của Hồ Chủ Tịch, đã quyết định đổi tên Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an. Đồng chí Trần Quốc Hoàn ủy viên TW Đảng được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an.
    Sau Hiệp định Giơnevơ (1954) đất nước ta tạm thời chia thành 2 miền và tiến hành 2 nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng XHCN ở miền Bắc và Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Thời kỳ sau khi giải phóng, ở miền Bắc kẻ địch đã tổ chức và cài cắm lại hàng vạn tên Phỉ ở vùng Đông bắc và Tây bắc của Tổ quốc. Để giữ vững an ninh-trật tự ở miền Bắc lực lượng Công an nhân dân phối hợp với lực lượng Công an vũ trang. Lực lượng Quân đội và nhân dân đã tiến hành tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ số Phỉ mà Pháp – Mỹ để lại, đã nhanh chóng ổn định An ninh-trật tự ở các vùng biên cương phía Bắc. Mặt khác, trong thời kỳ này các lực lượng phản gián phối hợp với các lực lượng khác và được sự giúp đỡ của nhân dân chúng ta đã điều tra khám phá một số ổ nhóm gián điệp do đế quốc Mỹ và Pháp cài lại nhằm phục vụ cho âm mưu đen tối của chúng là phá hoại nền An ninh chính trị của miền Bắc hòng chia cắt lâu dài đất nước ta. Bị thất bại trong các chiến lượng xâm lược ở miền Nam, đế quốc mỹ leo thang gây chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Với tình hình mới và để chống hoạt động phá hoại của Mỹ ngụy, ngành Công an đã kịp thời đề ra “kế hoạch phòng chống chiến tranh” lấy bí danh là “kế hoạch 69″.
    Từ khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc lực lượng Công an nhân dân đã coi trọng công tác đấu tranh chống tội phạm hình sự, chúng ta đã huy động nhiều lực lượng, phát động nhiều đợt, nhiều chiến dịch quét vét đấu tranh xử lý bọn lưu manh, côn đồ chuyên nghiệp, khám phá và trừng trị bọn trộm cướp, bọn xâm phạm tài sản XHCN và tài sản của công dân… đảm bảo sự yên ổn về trật tự an toàn xã hội của hậu phương lớn,
    Ngày 28-7-1956 Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 982/TTg xác định mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Bộ Công an. Lực lượng Công an nhân dân càng chiến đấu càng trưởng thành. Ngày 20-7-1962 Hồ Chủ Tịch ký lệnh 34-LCT công bố pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn và pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc của sĩ quan và hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân. Để tăng cường kiện toàn bộ máy lực lượng Công an, đồng thời để đáp ứng tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
    Dưới ánh sáng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3 (1960) cách mạng miền Nam ngày càng phát triển và giành được những thắng lợi cơ bản. Các tổ chức an ninh như “ban bảo mật”, “An ninh cơ sở”, “An ninh nhân dân”, không ngừng phát triển, vùng giải phóng dần dần được mở rộng; tháng 2-1962 trước sự lớn mạnh vượt bậc của phong trào cách mạng, Hội nghị thành lập lực lượng An ninh nhân dân miền Nam đã được triệu tập. Hội nghị đã lấy tên “ban bảo vệ An ninh” để thống nhất tổ chức công an miền Nam và xác định nhiệm vụ là: tham mưu giúp cấp ủy, phát động và hướng dẫn quần chúng, điều tra nắm tình hình địch, phục vụ việc bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng, bảo vệ các cuộc đấu tranh của nhân dân. Tại các thành phố thị xã và vùng nông thôn do địch kiểm soát, lực lượng An ninh vừa hoạt động bí mật vừa hoạt động vũ trang kết hợp với các cuộc đấu tranh của quần chúng do Đảng lãnh đạo.
    Bên cạnh đó lực lượng An ninh nhân dân ở miền Nam vừa chiến đấu chống địch tiến hành bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng vừa xây dựng, phát triển lực lượng. Các tổ chức như điệp báo, an ninh bí mật, cơ sở bí mật, trinh sát vũ trang, biệt động nội thành… được thành lập và không ngừng phát triển ngay trong lòng địch. Các tổ chức này đã gây cho địch nhiều thất bại to lớn, bọn ác ôn hoang mang dao động, nhiều tên hoảng sợ không dám ngủ lại ở đồn bốt, không dám hống hách với nhân dân.
    Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã đưa cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn mới: Cả nước độc lập, thống nhất cùng tiến hành công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Phát huy truyền thống tốt đẹp của toàn lực lượng, Công an nhân dân đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức, phát triển lực lượng và triển khai các mặt công tác nhằm ổn định An ninh – trật tự trong phạm vi cả nước, phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Đảng.
    Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 6 ngày 6-6-1975 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quyết định đổi tên Bộ Công an thành Bộ Nội vụ và Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 1-8-1975.
    Trong những năm mới giải phóng lực lượng Công an đã kịp thời điều tra khám phá, kịp thời đập tan hàng chục nhóm tổ chức phản động. ở Tây Nguyên bọn phản động Fulro đẩy mạnh hoạt động gây cho ta khó khăn, thiệt hại. Lực lượng Công an nhân dân đã để xuất với cấp ủy Đảng về những chủ trương đối sách đấu tranh với chúng, đồng thời ra sức tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, kết hợp việc phát huy sức mạnh của nhân dân với đẩy mạnh các mặt về công tác nghiệp vụ để đấu tranh truy quét phân hóa làm tan rã tổ chức, lực lượng của bọn Fulro.
    Ngay sau khi chiếm lĩnh, đập tan các công cụ đàn áp của Mỹ ngụy, lực lượng Công an đã tham gia ban quân quản tiến hành đăng ký cho hàng vạn đối tượng thuộc ngụy quân, ngụy quyền, cảnh sát tình báo, và phản động các loại ra trình diện và tiến hành cải tạo giáo dục họ.

  2. Hoàng Thanh says:

    Trong bài dịch dưới đây, trên trang gốc Hoàn cầu (Trung Hoa).
    Tháng 2 năm 1987, đại diện hơn 100 quốc gia và khu vực đã tới tham dự Hội nghị Thường niên Ủy ban biển lần thứ 14 tại Trụ sở UNESCO đóng tại Paris, Pháp. Ngày 21 tháng 2, các đại biểu tham dự hội nghị đã nhất trí thông qua “Chương trình liên minh quan trắc mặt biển toàn cầu”. “Chương trình liên minh quan trắc mặt biển toàn cầu” này yêu cầu phải xây dựng các trạm quan trắc biển có số hiệu đăng ký thống nhất trên mặt biển toàn cầu, đồng thời quyết định để cho các nước chịu trách nhiệm xây dựng các trạm quan trắc biển trong địa phận nước mình, mọi nguồn quan trắc trong tương lai sẽ do các nước cùng hưởng.
    Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự hội nghị khi ấy là Cục trưởng Cục biển Quốc gia La Ngọc Như đã tỏ ra nhạy bén khi hiểu được đây vừa là một cơ hội thỏa mãn được nhu cầu về an ninh hàng hải trên vùng biển Nam Trung Hoa rộng lớn cho các nước trên thế giới, lại vừa là cơ hội để có thể thể hiện chủ quyền đối với Nam Hải của Trung Quốc, tuy biết rằng sức mạnh kinh tế công nghệ trong nước khi ấy còn hết sức hạn chế, nhưng cũng đã vẫn chủ động đề xuất để Trung Quốc chọn địa điểm và xây dựng trạm quan trắc ở Nam Hải.
    - Khi ấy, đại biểu của Việt Nam và Philipines cùng các đại biểu tham dự hội nghị khác đã thống nhất chấp thuận để Trung Quốc xây dựng 5 trạm quan trắc biển, trong đó xây 3 trạm ở Trung Quốc đại lục, còn ở quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa mỗi nơi xây 1 trạm. Trạm quan trắc biển ở quần đảo Nam Sa có số hiệu đăng ký là “74”.
    Để bảo đảm cho việc xây dựng trạm quan trắc được tiến hành một cách thuận lợi, Quốc Vụ viện và Quân ủy Trung ương đã giao nhiệm vụ này cho hải quân. Thế là, đến tháng 5 và tháng 10 năm 1987, hải quân cùng với Cục biển Quốc gia 2 lần điều tàu đến quần đảo Nam Sa để khảo sát chọn địa điểm. Tháng 11 cùng năm, Trạm 74 được định địa điểm tại Bãi đá Vĩnh Thử.
    Cơ sở cho việc lựa chọn địa điểm này là những tích lũy có được qua công tác khảo sát và vẽ bản đồ biển suốt trong thời gian dài về Nam Hải của Hải quân Trung Quốc và ngành giao thông vận tải của nước ta, đồng thời cũng là sự biểu hiện về trách nhiệm của Trung Quốc đối với an ninh lãnh thổ biển của mình và an ninh đường biển trọng yếu của quốc tế…
    Người dịch: Trung Thuần.

  3. sinh viên khoa Mac-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh says:

    QUÁ TRÌNH TRƯỞNG THÀNH CỦA LỰC LƯỢNG CAND VIỆT NAM QUA NHỮNG DẤU MỐC LỊCH SỬ (phần 1)
    Chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc những thông tin về những dấu mốc quan trọng trên bước đường trưởng thành của lực lượng CAND Việt Nam. Bài viết của Tiến sỹ Bùi Văn Thịnh – Trưởng Bộ môn NVCS – Học viện CSND
    Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện của Đảng cộng sản Việt Nam, sự chỉ đạo chặt chẽ của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, ngành Công an đã không ngừng trưởng thành qua thực tiễn chiến đấu, xây dựng lực lượng và qúa trình phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng. Ra đời từ cách mạng tháng 8 năm 1945, trải qua mỗi chặng đường cách mạng lực lượng CAND Việt Nam lại được củng cố và phát triển thêm một bước để từ đó sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó. Xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, trở thành một lực lượng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước tiến lên hiện đại là một vấn đề hết sức quan trọng có ý nghĩa quyết định, đảm bảo cho việc thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự.
    Cách mạng tháng 8 năm 1945, cùng với việc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, CAND Việt Nam đã ra đời. Ở Hà Nội sau khi chiếm lĩnh Ty Cảnh sát và các quận, đồn cảnh sát của địch, ta đã lập sở Liêm phóng Bắc bộ do đồng chí Chu Đình Xương cán bộ xứ ủy Bắc Kỳ giữ chức giám đốc sở Liêm phóng và thành lập Ty Cảnh sát do đồng chí Nguyễn Huy Khôi làm trưởng ty cảnh sát. Nhiều nơi ở Bắc bộ đã thành lập Ty Liêm phóng và Ty Cảnh sát. Tại Trung bộ, ngày 23/8/1945 Ủy ban nội vụ Trung bộ quyết định thành lập Sở trinh sát trung bộ do đ/c Nguyễn Văn Ngọc làm giám đốc. Ở Nam bộ, ngày 25/8/1945 ủy ban hành chính lâm thời đã quyết định thành lập Quốc gia tự vệ cuộc và cử hai đồng chí Dương Bạch Mai làm Giám đốc và đ/c Nguyễn Văn Trấn làm ủy trưởng Quốc gia tự vệ cuộc Nam bộ.Sự ra đời của lực lượng CAND Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám là một tất yếu khách quan.
    Vừa mới ra đời trong cách mạng tháng Tám, Công an nhân dân Việt Nam đã bước ngay vào cuộc chiến đấu gian khổ, gay go phức tạp và lập lên những chiến công vô cùng vẻ vang oanh liệt, đã đập tan mọi âm mưu thâm độc và hoạt động của bọn phản cách mạng, bọn gian tặc khác, bảo vệ Đảng và chính quyền dân chủ nhân dân còn non trẻ. Trong lúc tình hình chính trị kinh tế đang gặp khó khăn, ngày 25 – 11 – 1945 Trung ương đảng đã ra chỉ thị “kháng chiến kiến quốc”. Quán triệt chỉ thị của Đảng ngành Công an đã anh dũng mưu trí kịp thời khám phá các âm mưu và hoạt động phá hoại của bọn đặc vụ Tưởng, bọn mật thám gián điệp Pháp câu kết với các loại phản động trong các đảng phái chính trị phản động, tiêu diệt các sào huyệt gây tội ác giết người của chúng, kịp thời đập tan âm mưu gây rối, gây bạo loạn hòng lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân, bảo vệ thắng lợi chính quyền cách mạng non trẻ. Điển hình trong thời gian này lực lượng CAND đã khám phá vụ “ôn như hầu” đập tan âm mưu của bọn quốc dân đảng; đại việt câu kết với thực dân Pháp hòng lật đổ chính phủ cách mạng.
    Ở nam bộ, với danh nghĩa quân đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật, ngày 6-9-1945 quân đội Anh do tướng Gơraxay chỉ huy đến Sài gòn. Lợi dụng danh nghĩa quân đồng minh, quân đội Anh trắng trợn giúp đỡ Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai. Những ngày đầu cuộc kháng chiến ở Nam bộ, Quốc gia tự vệ cuộc đã trở thành lực lượng vũ trang chủ yếu của Đảng, nhân dân ta vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân rút ra căn cứ chuẩn bị kháng chiến lâu dài vừa tổ chức các trận chiến đấu vũ trang kìm chân địch, xây dựng cơ sở phá tề trừ gian. Điển hình là cuộc chiến đấu của “Đội cảm tử” thuộc Quốc gia tự vệ cuộc Cần Thơ đã tiến công Sở chỉ huy hành quân của Pháp ở thị trấn Cái Răng. Trận Cái Răng diễn ra trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến đã khích lệ lòng yêu nước, chí căm thù giặc và quyết tâm kháng chiến của đồng bào Nam bộ.
    Theo chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 21-2-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 23-SL thống nhất các lực lượng liêm phóng, cảnh sát, trinh sát, quốc gia tự vệ cuộc trong toàn quốc thành “Việt Nam công an vụ”. Đồng chí Lê Giản được giao nhiệm vụ Giám đốc Việt Nam Công an vụ đầu tiên. Tiếp đó ngày 18-4-1946 Bộ Nội vụ ra quyết định số 121-NĐ về tổ chức Việt Nam Công an vụ. Nghị định quy định Việt Nam Công an vụ có 3 cấp: Nha công an Trung ương, Sở công an kỳ, Ty công an tỉnh. Thực hiện Sắc lệnh số 23-SL và Nghị định 121-NĐ, lực lượng Công an đã được triển khai thống nhất trên tất cả các địa phương trong cả nước để làm nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân, trấn áp kịp thời bọn phản cách mạng và bọn phạm tội khác, giữ gìn an ninh trật tự.
    Trong chín năm kháng chiến gian khổ, lực lượng Công an nhân dân vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng và trưởng thành trong thực tiễn. Từ năm 1947 đến năm 1953 Nha công an và sau này là Thứ Bộ công an và Bộ Công an đã tổ chức được tám cuộc Hội nghị công an toàn quốc và bốn cuộc Hội nghị chuyên đề nghiệp vụ (Hội nghị điều tra lần thứ nhất do Nha công an tổ chức từ ngày 20-6 đến 4-7-1949; Hội nghị công an trật tự lần thứ nhất do Nha công an tổ chức ngày 2-8-1950; Hội nghị trinh sát lần thứ nhất do Thứ Bộ Công an tổ chức từ ngày 25-5 đến 1-6-1953; Hội nghị trị an hành chính lần thứ nhất do Bộ Công an tổ chức từ ngày 4 đến 20-5-1954). Qua các Hội nghị này lực lượng Công an đã tổng kết được nhiều bài học kinh nghiệm về hoạt động nghiệp vụ của mình góp phần ngày càng nâng cao khả năng và kết qủa công tác chiến đấu. Về tổ chức bộ máy của lực lượng Công an cũng không ngừng được củng cố hoàn thiện cho phù hợp vơí thực tiễn chiến đấu. Trong các Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ nhất và lần thứ 2, Nghị quyết hội nghị đều ghi rõ là tiếp tục củng cố bộ máy công an gọn nhẹ, bí mật, phù hợp với tình hình hiện tại. Đặc biệt là tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 6 và lần thứ 7 lực lượng Công an đã triển khai hệ thống tổ chức mới và tổng kết rút ra 7 kết luận quan trọng mang tính lý luận nghiệp vụ (đó là kết luận về bảo vệ cơ quan; công tác điều tra nghiên cứu; công tác bắt và xét xử, công tác hỏi cung, công tác quản chế; công tác kiểm soát sự ra vào trong vùng tạm chiếm và vấn đề công an xã).(continued)

  4. tranle52 says:

    Một buổi sáng, tui nhận được giấy của phòng A.25 mời lên B.34 của Bộ Công An (237 Nguyễn Văn Cừ, Quận1). Tới đây, ngoài hai an ninh chuyên trách báo chí – xuất bản – thông tin còn có thêm hai anh bên phòng điều tra hình sự C45B. Làm việc và cãi cọ một chặp, rồi một người lôi trong cặp ra quyển sách dày cộm, lật lật chỉ tay vô nói tui vi phạm điều này và kêu đọc đi!
    “Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân: Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnhcáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.
    Không khí lúc đó rất căng thẳng, nhưng tự dưng bị… vzô duyên tui cười hì hì nói: “Ui anh ơi…điều này có thể bắt tù dễ dàng hàng trăm người!”. Ai dè làm việc tới tối thì bị giữ hổng được về thiệt. Ở lại tới 3 tháng, biệt giam. Đó là thời điểm gần cuối 2010, đến nay đã thêm nhiều blogger bị bắt vì điều 258.
    Sáng nay 19.3, tòa án Nhân dân TP. Hà Nội vừa tuyên án nhà văn, blogger Phạm Viết Đào 15 tháng tù. Cách đây vài tuần, tòa án Nhân dân TP. Đà Nẵng cũng tuyên án nhà báo Trương Duy Nhất 2 năm tù giam trong một phiên xử ngắn ngủi. Mới tuần trước, tòa án Nhân dân Tuyên Quang tuyên Hoàng Văn Sang – người H’Mông, 18 tháng tù. Ông bị bắt với một số người khác sau khi cùng một đoàn người H’ Mông các tỉnh biên giới Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Cao Bằng xuống Hà Nội kêu cứu vì bị chính quyền địa phương đàn áp việc thay đổi tập tục, thói quen sinh hoạt cũ. Ba trường hợp xét xử mới nhất này, đều phạm tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.
    Sau khi nghe kết quả phiên xử nhà văn Phạm Viết Đào xong, tui gọi cho một bạn luật sư: “Nè, anh là người hành nghề luật, thử phân tích nghe về 258 coi!”
    Ảnh kêu đang bận trong tòa, rồi tối mail cho vầy:
    “258 rất rõ ràng, cụ thể nhưng khó hiểu thậm chí là không thể hiểu. Bởi để xác định được như thế nào là lợi dụng, là xâm phạm thì chỉ có thể định tính mà không thể định lượng. Mà định tính chắc chắn ảnh hưởng bởi cảm tính. Vì lẽ đó, khá nhiều trường hợp thời gian qua, khi không áp được vào tội danh nào thì sẽ 258 tất tật.
    Tội phạm này muốn cấu thành phải có 2 hành vi là “Lợi dụng quyền tự do ngôn luận, báo chí, tín ngưỡng….” và sử dụng để “xâm phạm lợi ích Nhà nước, nhà nước, công dân…” thì mới được xem là đủ. Chính vì sự định tính nêu trên mà khi truy cứu trách nhiệm hình sự, các cơ quan tố tụng chỉ căn cứ vào nhận định, đánh giá riêng của mình cùng với một số nghiệp vụ để quy buộc, áp đặt và định hướng để đối tượng bị xử lý phải chấp nhận đã có hành vi như quy định của điều luật. Từ đó xét xử và tuyên phạt.
    Cho đến nay, giới làm luật cũng chưa hề có bất kỳ hướng dẫn dưới Luật nào từ các cơ quan có thẩm quyền về xác định, giải thích hay cụ thể hóa hành vi của tội danh này.”
    Điều 258 quả ám ảnh cho bất kỳ một công dân Việt Nam nào, nhất là những blogger phản biện chính trị – xã hội, và những người đang có những hoạt động đòi công bằng, nhân quyền trên lãnh thổ đã gần 40 năm hòa bình, thống nhất. Điều 258 đặt trong một thể chế luôn vỗ ngực tụng xưng tự do, dân chủ thì các giá trị đó thực chất chỉ là những chiếc bánh vẽ!

    Lê Nguyễn Hương Trà.

Leave a Reply to sinh viên khoa Mac-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh