WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Cái Tủ Thờ

Nguồn: flickr.com

Nguồn: flickr.com

Tôi trở về quê nhà, sau một thời gian dài.

Những ngày đầu, tôi đi thăm một số bà con, bạn bè quanh quẩn trong phố, nơi tôi cư ngụ thuở thiếu thời. Những người bạn học, nay đã ông này, bà nọ có địa vị.

Vào nhà họ, nhìn quanh quất, tôi thấy có một cái gì đó thay đổi, trong sự bày biện làm ấm cúng, sinh động hẳn lên. Nhưng tôi chưa tìm ra nguyên nhân.

Tết 1998, lệnh cấm đốt pháo vẫn còn, thấy không khí buồn tênh, dù cũng có bánh tét, hạt dưa, củ kiệu, hoa huệ, hoa cúc, hoa hòe…

Tết, không đốt pháo, coi như hỏng cả Tết! Nó chẳng còn nghiêm trang, trầm mặc của một dân tộc ngàn năm văn hiến.

Dù vậy, tôi vẫn phải làm nhiệm vụ của một con dân cổ truyền, là, xuất hành, xông đất đi thăm người thân, vào những ngày đầu năm. Mồng hai Tết, tôi nhờ thằng bạn chở đi thăm vài bạn bè ở xa, lâu năm chưa gặp. Người đầu tiên tôi đến thăm, là cô em nuôi, hồi tôi đi cô ấy mới 16 tuổi.

Tôi bảo thằng bạn cứ đứng chờ bên ngoài, để tự tôi vào nhà, xem cô có còn nhận ra tôi? Nhà đóng cửa kín mít, tôi nghĩ không có ai, nhưng vẫn cố gõ vài tiếng thật to. Đợi vài phút, một thằng bé khoảng sáu tuổi mở cánh cửa lớn bên trong, thò đầu sát song sắt hỏi:

- Bác là ai? Không có bố cháu ở nhà.

- Có mẹ ở nhà không cháu?

Lúc ấy, cô em nuôi mới ló đầu, nhìn tôi soi mói. Tôi hỏi:

- Còn nhớ tôi không?

Hằng nhìn tôi một chập, thoáng nghi ngờ. Tôi đứng im, lắng nghe sự xúc động của chính mình. Ôi, thời học sinh hai mươi năm về trước đang hiển hiện trước tôi. Hằng vẫn vậy, khuôn mặt bầu bĩnh, màu da bánh mật không mấy đổi thay, thân thể hơi đẫy đà của người đàn bà đã là mẹ. Hồi đi vượt biên, lúc ấy còn trẻ, tôi không mang kính cận, không râu ria và ốm nhom như bây giờ. Biết Hằng không nhận ra, tôi cười và chỉ thằng bạn thân thuở còn đi học, như bóng với hình, đang ngồi gếch chân trên chiếc honda, ngoài cổng chính. Lúc đó, Hằng mới nhận ra tôi. Cô hét lên, mở tung cánh cửa sắt kéo tôi vào. Cô ôm tôi, rơm rớm nước mắt:

- Em đang bận cúng! Trời ơi! Lâu lắm mới gặp lại anh. Hồi đó anh thật tệ! Đi không một lời từ giã, ngay cả một lá thư sau này. Cả tỉnh người ta cứ đồn, bọn anh đã bị bắt lại và bị xử tử ngay hôm đó!

Hằng chùi nước mắt, ấn tôi ngồi xuống chiếc ghế giả da. Cô lăng xăng lấy nước, lấy bánh kẹo, hạt dưa bày ra, rồi chạy ra kêu thằng bạn tôi vào.

Tôi móc túi, lấy bao lì xì thằng Cu, nhìn quanh, nhìn Hằng lần nữa, đang rót trà vào mấy cái tách nhỏ nhắn màu gan gà. Mùi trầm tỏa thơm trong căn nhà nhỏ. Chợt nhiên, tôi thấy không khí trong nhà ấm cúng. Tôi nói:

- Có viết thư chứ! Nhưng tôi nghĩ, cái vụ vượt biên của tôi là trường hợp ngoại lệ, nên có lẽ trong khoảng thời gian bốn, năm năm đầu, thư gửi không bao giờ đến tay người nhận.

- Không hiểu anh đi làm chi vậy? Đời sống bên ấy cũng khó khăn như bên này. Bạn bè đi cùng khóa với anh, thỉnh thoảng, vẫn tới đây chơi với ông nhà em, bây giờ ông nào cũng làm lớn cả. Người xưa nói: qua cơn bỉ cực tới hồi thái lai! Hồi đó anh chịu khổ, chịu khó bây giờ cũng ông này, ông nọ rồi.

- Cô Hằng giỏi nhỉ! Làm sao cô biết bên ấy tôi cũng khó khăn?

- Em bây giờ mang hàm thiếu tá, quản lý bên bộ phận người Việt nước ngoài, cái gì mà em hổng biết. Nhà em đi công an, sau anh một khóa, nay cũng đã trung tá.

- Quan tước, làm người ai chả mê! Nhưng làm người, có những suy nghĩ mà không dám nói điều mình muốn nói, dù có bổng lộc cao, tôi cũng chả màng. Tánh tôi hồi đó, cô cũng biết, nghĩ sao là nói vậy, ở lại tôi sợ còn khổ hơn. Cô nói như công an tra khảo tội nhân.

Chúng tôi ngồi trao đổi chuyện thuở xưa khi còn đi học cùng trường. Hằng kể lể những nâng đỡ của tôi, hồi cô còn nhỏ xíu. Tôi ngồi lắng nghe, biết tánh Hằng vẫn vậy, không thay đổi tôi cũng mừng.

Chợt thấy cái tủ thờ nho nhỏ, khói nhang nghi ngút đặt khuất ở góc nhà, tôi đứng dậy đi đến nhìn. Bên trong cùng tủ thờ, có hai tượng Quán Thế Âm bằng sứ. Một tượng tạc Ngài ngồi trên tòa sen, tay bắt ấn tam muội; tượng kia Ngài đứng, tay cầm nhành dương liễu với lọ nước thánh. Ở giữa là cái bài vị màu đỏ loe, với hàng chữ Tàu thẳng đứng. Rồi, nào cam, nào quýt, nào thanh long; ngoài cùng là một bức tượng Phật Di Lặc bằng gỗ đen nhánh, cao ngang gối. Thấy tôi thích thú, mân mê bức tượng Di Lặc, Hằng cười khoe:

- Mua một chỉ đó anh!

- Một chỉ là bao nhiêu? Công an như cô, mà cũng thờ Thánh Thần nữa há!

- Ấy! Ông nhà em cũng chửi em hoài! Ông ấy bảo em: đi thờ làm chi mấy cái cục đất sét, mấy khúc cây nắn ra hình người. – Hằng chỉ lên cái bàn thờ gia tiên ở giữa nhà tiếp – Ông ấy vô thần lắm! Hồi trước, em thờ mấy Ngài ở trên ấy, nhưng ông ấy nhứt định không cho, bảo đem quăng phứt đi, “phấn đấu” lắm, ông ấy mới nhượng cho để một cái tủ nhỏ thờ các Ngài ở góc nhà. – Hằng cười hềnh hệch. Cái cười của hơn 20 năm trước. Tôi vẫn nhớ hồi đó, tôi là một đoàn viên, đoàn thanh niên đầu tiên của trường, đã kết nạp Hằng vào làm đội viên, sau là đoàn viên.

- Ông ấy mang hàm trung tá là chậm đấy! – Tôi ghẹo Hằng.

- Anh bảo ai cơ? – Chợt nhớ tới chồng, mặt Hằng hơi tái. Cô nói:

- Bây giờ cũng khá trưa rồi, hai anh về đi, kẻo ông nhà em thấy sẽ phiền.

Tôi ngỡ ngàng nhìn Hằng, nhìn thằng bạn. Hằng rơm rớm nước mắt, bảo:

- Ông nhà em ghét nhất hai thứ trên đời này! Thứ nhất: là thờ cúng đồ tào lao như ông ấy thường nói; thứ nữa, là Việt kiều các anh. Mong anh thông cảm cho. Ông ấy đi công tác đột xuất, chắc cũng sắp về ăn trưa. Hôm nào rảnh, em sẽ ghé thăm anh sau, chuyện trò nhiều hơn. – Hằng đẩy tôi ra cửa, nhìn dáo dác, cố vớt vát.

- Ở đây họ tò mò dữ lắm. Đó, anh thấy chưa? Chưa chi mà con nít đã bu như nhặng trước cổng nhà rồi. Làm công an bây giờ cũng khổ lắm anh ơi! Em sẽ mua tặng anh một ông Phật bằng gỗ trầm hương thật lớn, để tạ tội.

Tôi đi ra, sau khi ôm bờ vai Hằng đang rung rung nén khóc.

Có công danh nào, không đổi bằng sự đau khổ? Tôi đã từng là công an, tôi biết cảm nghĩ của chính tôi và Hằng.

Tự dưng tôi đâm ghét đám con nít vô cùng! Chúng nhìn ông Việt kiều là tôi, hay chúng nhìn bà công an khu phố, tiếp khách là ôngViệt kiều? Tôi lườm lườm chúng, dù biết mình cực cùng vô lý! Chúng cũng chẳng sợ, càng nhìn tôi thêm trân tráo. Thằng bạn tôi gầm lên một tiếng, đám con nít mới chịu chạy ù đi.

Mồng bốn Tết. Tôi đang ngồi trên tấm phản ngoài vườn cây, vừa đọc truyện trong nước, vừa nhìn mấy đứa cháu đang đánh bài cào ăn tiền; chợt có tiếng xe chạy ào vào sân. Thằng bạn, tên Tỉnh cùng hai thằng bạn nữa, ngồi trong lòng chiếc Toyota đời mới cáo cạnh. Hắn có thằng cháu, hơn hai mươi tuổi, đi Mỹ có mấy năm không biết làm nghề gì mà giàu sụ, về cất nhà hàng ba sao ngay phố, mở công ty du lịch chuyên chở cho người nước ngoài là Việt kiều. Tỉnh bảo:

- Mặc áo vào, đi với tụi tao!

Tôi cười lắc đầu. Thật tình, tôi không thích vào những nơi xập xình có nhạc điên loạn như một mốt thời thượng ở đây. Không khí ấy, nó không còn hợp với lứa tuổi tứ thập của tôi. Một thằng bạn khác, quay kính xe xuống, nói:

- Không phải bia ôm, thằng Việt kiều ạ! Tụi tao chở mày đi thăm cố nhân.

Cố nhân nào? Đàn ông hay đàn bà? Tôi hỏi, tụi nó không trả lời. Tôi đành mặc vội cái áo treo trên cột võng, xỏ đại đôi dép của thằng cháu định đi. Con cháu gái lớn thấy vậy, níu tay tôi, tru tréo:

- Chú Việt kiều ơi, sao chú bê bối thế! Chờ con lấy cho đôi giầy da.

Tôi giật tay, cú đầu con bé cười:

- Cấm mày thèo lẻo với ba má mày, nghen con!

Tôi vội mở cửa, nhào vô xe, thúc thằng bạn lái đi, miệng lầm bầm:

- Trời nóng thấy mẹ, mà cứ giầy da với giầy vải. Chán mớ đời!

- Cái thân Việt kiều nó hành mày!

Xe vào thành phố, ra Quốc lộ 1 rồi băng đèo…

Chiếc xe dừng lại trước một biệt thự lớn bên đường có cây cảnh, hòn giả sơn và mấy chiếc xe mới toanh đậu trong sân. Xe vào cổng, tôi quay kính, chợt giật thót mình khi thấy hai gã thiếu úy công an vũ trang còn trẻ, đi lui tới quanh quẩn trong sân như đang kiểm soát hay bảo vệ hai gã đàn ông cũng mặc đồ công an, đang đứng uống rượu xem cá cảnh ở hòn giả sơn.

Rời nước quá lâu, về, tôi nhìn cái gì cũng thấy quàng xiên chẳng tỏ, nhất là những lúc nắng quái nhễ nhoại chảy giữa trưa. Hai gã đàn ông cùng lúc, chợt quay nhìn tôi, như đã chờ tôi từ muôn kiếp! Thật tình, tôi sợ muốn đái són ra quần! Hai gã – đều mang quân hàm sĩ quan công an vũ trang; một đại tá và một trung tá. Ngày đầu tiên, bước xuống phi trường, tôi đã không ưa mấy gã hải quan tham nhũng vặt rồi. Đã cố tránh bây giờ vẫn gặp. Cái câu: ‘Đêm là ăn cướp, ngày là công an’ vẫn còn quanh quẩn, ám trong tôi, dù đã lìa nước khá lâu.

Tôi ngồi yên trong xe, nhìn mấy thằng bạn:

- Tụi mày, định chơi trò khỉ gì đây?

Cả bọn cười ha hả, khi thấy mặt tôi tái mét. Cửa xe bật mở, gã trung tá thò tay, lôi tôi ra:

- E hèm! Thằng đào ngũ! Sao bây giờ, mày mới chịu về, hả, hả? Đi lâu dữ há. Vút một cái, hai mươi năm! Còn nhớ hai thằng Việt cộng này hôông?

- Trước kia, mày gan lắm mà! Dám cướp tàu nhà nước đi, giờ sao sợ xanh mặt vậy con! Đái ra quần chưa, đặng tao bảo lính, nó lấy cái quần khác mà thay!? – Gã đại tá, có mái tóc hoa râm, đứng bên, nghiêm nghị nhìn tôi nói.

Tôi định nói: ‘Không gan, mà dám vào hang cọp à?’ Nhưng nghĩ cũng hơi… sợ, nên thôi!

Hai gã, chợt bá hai bên vai tôi, kéo vào nhà. Tôi đứng giữa, cười ngượng ngùng, chẳng nhớ hai gã là ai.

Phân ngôi chủ khách, hai gã công an cùng ba thằng bạn cứ nhìn tôi tủm tỉm cười. Tôi lấy lại bình tĩnh, nhìn hai gã công an, hỏi:

- Tụi mày là ai? Thật tình tao không nhìn ra, nhất là, mấy thằng công an Việt cộng khó ưa!

Hai gã công an, cười ha hả như chưa từng cười. Tôi chợt nhận ra giọng cười của gã trung tá đã thò tay lôi tôi ra từ trong xe. Đó là thằng Bá, chúng tôi thường gọi nó là thằng Bá láp, khi còn đi học, kể cả trong lính. Tôi nhìn gã kia. Rồi! Tôi nhận ra luôn cái gã đại tá có cái đầu bạc khá sớm của ngày xưa – thằng Bảng ‘đất thó’. Thằng này, thuở bé, chuyên đi ăn trộm đồ cúng của dân quanh vùng, cúng ở mấy cái miếu thổ địa, cô hồn vào những đêm rằm. Không hiểu, có phải dỡn mặt với Thánh Thần Ma Quỷ rồi bị phạt chăng, Bảng bị Ma bắt!? Tôi nhớ, năm Bảng 12 tuổi: Buổi trưa trời nắng, thay vì đi cầu như chỗ thường ngày, Bảng ra khu mả lạn ngồi ỉa trên đó. Bảng bị Ma bắt, nhốt. Cả xóm, túa đi tìm gần chiều mới tìm ra Bảng nằm gọn lỏn trong bụi tre gai già, miệng bị bít một nắm bùn. Điều ngạc nhiên, là: bụi tre gai của làng dày kịt, khó mà chui vào, ngay cả một đứa con nít nhỏ như Bảng; người ta phải chặt tre, kéo hắn ra. Từ ngày ấy, Bảng hiền như đất thó, ai muốn lăn đâu cứ lăn, chỉ cười hì hà, cũng chả dám ăn trộm đồ cúng quanh xóm. Và, sau vụ bị Ma bắt nhốt, tóc Bảng bắt đầu lấm tấm bạc, ngày càng nhiều ra. Từ dạo đó, bọn tôi gọi Bảng là thằng ‘đất thó’! Chúng tôi, hơn ba mươi năm trước là những thằng học cùng trường, cùng lớp, suốt bao năm dài, sau lên đệ nhị cấp, mỗi đứa chọn khác ban và vẫn thân nhau. Rồi cùng nhau vào công an một khóa năm 76.

Tôi đấm hai gã mấy quả khá đau, nói:

- Thằng Bá láp lên tới trung tá, tao còn tin, vì nó nhờ có cái họng rõ to, cộng cái tánh ma lanh từ nhỏ; chớ thằng Bảng ‘đất thó’ đầu bạc lên tới đại tá là điều ngạc nhiên cho tao!

- Mày có biết? Tại sao trong những tuồng của gánh cải lương, cái vai Ông Vua – Vua-ngu -  thường, nhà soạn tuồng, nhắm vào mấy thằng lù khù, không biết đóng kịch, không tên tuổi để đóng vai ấy? Có lù khù mới dễ đóng vai Vua-ngu; vì ngu, nên nó ít nói, chỉ cần nói gọn hoặc ra lệnh vài ba tiếng, thì nó đóng vai Vua-ngu là xứng nhất! Tao lên tới đại tá, cũng nhờ, ai muốn lăn tới đâu cứ việc mà lăn, khà khà! – Thằng ‘đất thó’ vẫn hiền từ như xưa, cười khà khà nói.

- Dẹp! Dẹp quách cái chuyện 20 năm chinh chiến của tụi mày qua một bên. Tao chán nghe cái chuyện quá khứ đánh giặc, diệt thù của tụi mày. Thắng là vua, thua là giặc chẳng là điều hiển nhiên sao? Dẹp, dẹp tất! Bây giờ là Tết, nói chuyện Tết, nói chuyện vui, chuyện gặp lại, chuyện của ngày xưa còn đi học. – Một thằng bạn xen vào nhìn ba chúng tôi, đoạn nó gọi ơi ới lũ trẻ trên lầu xuống.

- Có bác Việt kiều mới về, chúng mày hãy xuống mà nhận lì xì năm mới!

Đám con nít kéo xuống. Lại lì xì! Ôi, cái màn lì xì sao tôi thấy thật dễ thương; nó là kỷ niệm, là tuổi thơ trong sáng vô biên, là cả một thâm thúy dân tộc. Chúng tôi ngồi uống rượu Tây, nhắc chuyện ta, chuyện xưa, chuyện nay, sau hai mươi năm xa cách.

Mùi trầm hương thoảng trong gió, làm tôi chợt nhớ tới Hằng. Bèn kể bạn nghe. Xong, tôi hỏi thằng Bá láp:

- Hai mụ nhà tụi mày đâu?

- Hai mụ rủ nhau đi cúng chùa. Dạo này, mụ nào cũng ham, cũng siêng đi chùa, dâng hương!

Tôi nhìn cơ ngơi sang trọng của thằng Bá láp khen, nó liền khoe:

- Mồ hôi của hai mươi năm chinh chiến với cái chức trung tá đó mày!

- Lại nữa! Cũng hai mươi năm chinh chiến! Bá, mày có thể làm ơn dùm bạn bè, hãy câm cái họng… bá láp của mày được không, hả? Mẹ! Mày mà còn nói tới chinh chiến, diệt thù, trung tá, trung tiếc nữa, tao đếch thèm làm ăn lâu dài với mày nhá! Cái chức trung tá của mày bao lớn, nói tao nghe? Lớn bằng tấm giấy xanh thơm? Tao ỉa vào đó một đống bạc ‘đô’ là mày tiêu nghen con! – Thằng bạn ban nãy lại nói xen vào, hắn tọp ngụm rượu, đoạn tiếp. – Nói chuyện chơi với mấy đứa cháu của tao còn sướng hơn! Thôi tao lên lầu. – Hắn bỏ đi thật.

Thằng Bá láp cười ngượng ngùng, chuyển sang câu chuyện đang trên đà râm rang.

Tôi nhìn quanh, thấy cái tủ thờ ở giữa nhà. Lại cái tủ thờ! Nhưng cái tủ thờ nhà thằng Bá láp cực kỳ… vĩ đại! Nó lại ngang nhiên, thờ, đủ thứ đấng siêu hình: Quán Thế Âm, Phật Di Lặc, Phật Thích Ca; tầng dưới có cả các ông Thần tài, Phước Lộc Thọ, ông Địa nữa…

Bây giờ, tôi mới khám phá ra khung cảnh ấm cúng của những căn nhà tôi đã từng đi thăm qua. Thời tôi còn ở đây sau 75, dường như nhà nào, nhất là nhà những người có liên quan phía bên kia, đều không thờ cúng bất cứ ông Thần Thánh nào cả, ngoài ông bà tổ tiên trên bàn thờ gia tiên.

Đó là sự tan tác gần như hoang sơ của một thời, mà, loài người đã không còn tin vào khả năng huyền bí của đấng tối cao! Bây giờ, đất nước có chiều hướng đổi thay, con người đã bắt đầu thoải mái và thay đổi. Khi sung sướng, thỏa no con người thường hướng về tâm linh huyền bí và ngược lại khi cùng cực cũng thế. Tôi lập lại lời, đã nói với Hằng:

- Làm công an như thằng Bá láp mà cũng biết thờ Thánh Thần nữa há! Mày không sợ ‘bề trên’ của mày quở phạt và đuổi ra khỏi ‘tông phái’ nhà mày sao?

- Mày chỉ biết có nửa điều! Đây là một mốt thời trang hiện nay. Tụi tao, bây giờ chẳng sợ cái con mẹ gì nữa! Có sợ, là sợ dân kìa! Ấy, mày đừng có nhìn tao như vậy. Ngay cái thằng ‘đất thó’ bây giờ, cũng biết thờ Thánh Thần nữa, huống chi tao! Mình làm ăn, mà cứ đưa cái mác công an, là có ngày vỡ mặt chứ chẳng chơi. Bây giờ, dân nó coi công an tụi tao cứ như cứt thối! Tiền! Mày biết không? Tiền, nó sinh ra lễ nghĩa và cả Thánh Thần, Ma, Quỷ… Chứ tao tin gì mấy cái ông, bà nắn bằng đất, bằng cây đó!

- Nó chỉ là hình thức, để dễ làm ăn. Tâm lý, ai ai cũng muốn làm ăn với những người còn biết, còn thờ, còn sợ Thần linh. Chớ bây giờ, tụi nó cũng chụp mũ lắm, nếu nó biết mình thờ cúng Thánh Thần. Nhưng hề gì! Tụi tao chả sợ. Bây giờ khối ông Tướng, cũng thờ cúng! – Thằng ‘đất thó’ xen vào.

- Chụp mũ? – Tôi hỏi.

- Ừ, chụp mũ!

- Chụp mũ? Mũ gì?

- Đúng! Nó chụp mũ… không cộng sản!

- Thì mày đúng cha là thằng cộng sản rồi kia mà! Sao lại chụp mũ là… không cộng sản?

- Đó, tao nói mày chỉ biết có một nửa! Có hai thứ cộng sản: cộng sản cực đoan và cộng sản ‘theo mùa’!

- Tao càng nghe càng chả hiểu cái quái quỉ gì cả! Cái gì gọi là… theo mùa? – Tôi lắc đầu.

- Theo mùa, là không muốn làm thằng công an, nhưng vẫn là công an, mày biết không? Nếu mày không đi vượt biên trước kia, mày ở lại, mà mày không theo mùa, cứ nói những gì mày nghĩ như cái tánh của mày, tao nghĩ, mày đã đi… hốt cứt từ lâu rồi, con ạ! Mày hiểu chưa?

Bây giờ thì thật sự tôi mới vỡ lẽ! Tôi ngồi ngẩn người.

Thằng ‘đất thó’ lù khù, ai muốn lăn tới đâu, cứ lăn như trước kia, ngay cả hồi còn ở quân trường. Tôi đã từng mắng chửi nó nhiều bận, mà bây giờ, nó khôn ra như sến! Khi sống trong một xã hội ma mãnh. Ai bảo con người lù khù sẽ lù khù suốt đời? Thật là tai hại biết bao, cho những kẻ ‘lù khù’ nói về người lù khù!

- Thế nào là nó chụp mũ… không cộng sản? Nó là ai? Tại sao cộng sản lại chụp mũ cộng sản là không cộng sản? – Tôi ngơ ngác hỏi.

Thằng ‘đất thó’ trả lời:

- Nó là ai à? Nó là thằng cộng sản cực đoan! Nó cực đoan, nó muốn quyền lực, tên tuổi; mà muốn có những cái đó thì phải có vây, có cánh. Tao ví dụ: nó muốn mày về phe nó, mà mày không theo, nên nó phải chụp mũ mày là… không cộng sản, vì mày là thằng hữu thần, để mày sợ, quay trở ngược về phía nó cho có chùm! Một khi mày đã là thằng cộng sản, là công an… lần nữa, thì có thằng dân nào chơi với mày. Cũng như cái thằng trung tá, chồng con Hằng mà mày vừa kể đó. Nó chịu để vợ lập bàn thờ, chẳng qua nó sợ con vợ nó bỏ nó. Con Hằng đẹp có tiếng, mà thằng đó như ma xó; đóa lài cắm trên bãi cứt thối! Nó đành nhịn, để cho con em nuôi mày thờ cả Thánh Thần ở một xó nhà, dưới đất. Tại sao lại ở xó nhà, dưới đất, mà không dám thờ ngang nhiên giữa nhà cho quang minh chính đại như tụi tao? Nó sợ bạn bè nó, phe nhóm nó tẩy chay! Thường, những thằng này bất tài, chỉ biết sống bám vào nhau, dựa vào một chỗ đã có góc rễ, rong rêu. Con vợ thì hữu thần và thằng chồng là cộng sản cực đoan, dù hai đứa nó như đôi đũa có đôi và đều là công an cả. Còn gì thê thảm hơn, có một gia đình như thế trong cuộc sống này? Đó là sự vá víu ngượng nghịu. Những thằng cộng sản như thằng này mới đáng sợ! Đấy nhé, nó thù những thằng Việt kiều như mày như có một mối thù truyền kiếp.

Thằng ‘đất thó’ uống ngụm nước suối ‘chữa lửa’, nói tiếp:

- Hà hà, vậy tao phải chơi với Thánh Thần! Tao có thờ mấy ông bà Thánh Thần, dân nó thấy, nó biết, nó sẽ chơi với tao, rồi làm ăn với tao! Bây giờ, mày vỡ cái óc bã đậu của mày, đã hay nói những cái suy nghĩ tào lao trước kia của mày ra chưa? Bởi vậy, mày đi vượt biên là phải! Đừng kêu tao là thằng ‘đất thó’ nữa nhá, chết nhá, chết vì lầm đó con! Tao đây ấy à? Thứ nào tao cũng thích chơi: chơi Tư bản, chơi Nông dân, chơi tùm lum, tà la! Mày ngạc nhiên à? Hãy nghe đây: “Yêu nửa đời, ăn nửa bữa, ngủ nửa đêm / Đường cách mạng không bao giờ đi một nửa!” (*) Tao đã lên tới đại tá là nhờ người ta lăn, dại gì không để nó lăn thêm vài … “đoạn đường chiến binh” nữa!

- Bởi vậy, tụi tao mỗi thằng phải có cái tủ thờ! – Thằng Bá láp nói.

- Để làm gì? – Tôi ngơ ngác hỏi.

- Để không thằng nào chụp mình là cộng sản nữa!

- Tại sao? – Tôi càng ngơ ngác.

Thằng ‘đất thó’ kết thúc câu chuyện:

- Mẹ, sao mày ngu thế? Có thằng cộng sản cực đoan nào mà chịu thờ Thánh Thần? Cộng sản muôn đời vẫn là những thằng vô thần! Tao với thằng Bá láp, giờ… vô vi vììì tiền, khà khà!

Tôi lên máy bay, trở qua Canada với cái tượng gỗ trầm hương Phật Di Lặc cao hơn nửa thước mà Hằng tặng. Cô nói lúc chia tay:

- Em đã ‘thỉnh’ Ngài, từ chùa về, anh đem qua đó mà thờ!

Từ bé đến lớn, tôi có biết thờ cúng gì đâu! Vì ba tôi mất sớm hồi tôi bảy tuổi, tôi sống xa gia đình từ ấy. Trưởng thành thêm chút nữa, là thời 1975, mà thời này ai ai cũng muốn dấu cái gốc tôn giáo của mình, ít thấy thờ cúng như trước! Tôi càng dấu hơn, khi đi công an vũ trang vì lý lịch gia đình có mấy ông bác, cậu đi tập kết trước kia. Rồi vượt biên qua Canada, sống ở vùng lạnh lẽo không bao nhiêu đồng hương tị nạn, tôi cũng quên luôn điều này! Có lẽ hồi ấy, tôi còn quá trẻ ăn chưa no, lo chưa tới, lại lạ đất lạ cái ở xứ người. Tuổi trẻ vốn thường ít có ý hướng về tâm linh, ngoại trừ mấy ông ‘thầy tu’ trốn quân dịch thời trước 1975! Tôi chỉ có tấm ảnh cũ mèm của ba tôi, phóng thật lớn để trong tủ sách. Có những đêm nhớ nhà, nhớ ba má anh em, tôi ngồi ôm tấm ảnh ba tôi khóc hù hụ, rồi cũng phải quên, mà đi cày kiếm cơm trên xứ người.

Tôi đem câu chuyện của Hằng, thằng Bá láp, thằng Bảng ‘đất thó’ kể cho vợ nghe trên chuyến bay dài dằng dặc. Mụ vợ tôi phán:

- Như vậy, phải lập cái tủ thờ!

Tôi ngơ ngác nhìn vợ, mồm há rõ to; cũng như đã ngơ ngác khi nghe hai thằng bạn tôi đã nói. Tôi cũng lập lại câu hỏi y chang:

- Tại sao?

- Qua đó mới cho ông biết!

Tôi đành chịu, chìu nghe lời mụ vợ. Vợ tôi đi thỉnh các Ngài ở chùa về, mua cả cái tủ thờ rõ… vĩ đại, có mấy tầng. Ôi, sao nó giống cái tủ thờ của thằng Bá láp thế? Hôm làm lễ ‘khánh thành’, tôi hỏi lại lần nữa, lý do tại sao phải mua cái tủ thờ, mụ vợ tôi nói:

-Thế giới văn chương của mấy ông, tôi thấy nó nhố nhăng như cuội sao ấy! Ông nên đề nghị: mấy ông bạn của ông, mỗi người nên có một cái tủ thờ!

Tôi nhìn sững mụ vợ. Quả thật, lần đầu tiên, tôi mới nghĩ đến điều này! Mụ vợ tôi, vậy mà tinh tướng như ma quỷ ấy!

Ai bảo: đàn bà, đái không cao hơn ngọn cỏ?

Bạn nên ngồi đái như đàn bà, thử xem sao?

Ai cao hơn ai?

Hay là, bị cây cọ quét ngang, sưng mủ!

Đừng bao giờ bảo thế!

Cũng đừng như tôi, đã gọi thằng đại tá cộng sản, bạn tôi là thằng… đất thó! Nó là thằng lù khù, ai muốn lăn cứ việc lăn! Biết đâu… Được, Bị, lăn mãi nó lên tới tướng, sau đó lại làm Vua, như lịch sử dân tộc ta đã từng có những ông Vua như nó!

Quả thật, tôi nên gửi thư bày tỏ mối bận tâm lớn lao này đến mấy ông bạn có ‘cái bàn lữ thứ’, khuyên mỗi ông, nên có một cái tủ thờ!

(*) Thơ Phan Bội Cần, một chí sĩ yêu nước thời kháng Pháp.

© Vũ Đình Kh.

Phản hồi