WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Đề xuất triết lý giáo dục Việt Nam

gdvn
Trong những năm gần đây, vấn đề triết lý giáo dục, triết học giáo dục rộ lên, lắng xuống, lại rộ lên… Nhiều cuộc hội thảo, rất nhiều bài viết trên báo chí nhưng hình như càng bàn càng rối. Từ trước tôi chưa bao giờ lên tiếng về vấn đề này, vì cũng xa với chuyên môn và nghĩ rằng, giáo dục là hệ thống con nằm trong hệ thống mẹ xã hội, sao quẫy ra khỏi cái hệ thống mẹ? Nhưng gần đây phải chú ý vì thấy bộ trưởng giáo dục Phạm Vũ Luận đã tìm ra triết lý đây rồi: “Tôi xin khẳng định triết lý trực tiếp của giáo dục chúng ta là Nghị quyết 29 của Trung ương. Các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển giáo dục, đào tạo thì nhiều nhưng gần đây nhất là Nghị quyết 29. Ở đây thể hiện cả truyền thống tinh hoa, kinh nghiệm của cha ông ta trong quá trình phát triển và làm giáo dục và cả những vấn đề cập nhật, hội nhập theo quan điểm của chúng ta“, Bộ trưởng Luận khẳng định. (VTV News 30/4/2014).

Tuyên bố này lại là dịp để thiên hạ xôn xao bàn tán. Nhân đây tôi xin có vài ý kiến.

1. Cũng cần phân biệt triết học giáo dục và triết lý giáo dục

Theo cựu Bộ trưởng Giáo dục Phạm Minh Hạc (2011) tình hình chung có 4 loại ý kiến:

- Giáo dục Việt Nam chưa có triết lý…
- Giáo dục Việt Nam có triết lý nhưng sai..
- Việt Nam có triết lý giáo dục và vận dụng tài tình mới có thành tựu như ngày nay..
- Việt Nam có triết lý giáo dục những sang thế kỷ XXI phải phát triển mới…

Phạm Minh Hạc trong cuốn “Triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam” (2011, Viện Khoa học giáo dụcViệt Nam), viết “Triết lý giáo dục (tức Triết học giáo dục) đã có từ thời cổ đại, được nêu ra bởi các nhà tư tưởng lớn của nhân loại, như Khổng Tử, Socrates, Platon, Arixtoteles… ”. Như vậy theo tác giả, triết lý giáo dục bao hàm cả triết học giáo dục hoặc là tương đồng, chỉ là cách gọi khác nhau, và cả hai khái niệm này đã xuất hiện từ thời các nhà tư tưởng cổ đại.

Thái Duy Tuyên trong cuốn “Triết học giáo dục Việt Nam” (2007, NXB ĐH Sư Phạm HN) lại viết “Triết học giáo dục trong đó bao hàm cả Triết lý giáo dục” và cũng cho rằng triết học giáo dục có từ thời cổ đại, nằm trong tư tưởng, triết học nói chung. ..
Đọc sách của hai giáo sư xong càng thấy bối rối, không biết, vậy triết lý hay triết học của giáo dục Việt Nam là gì!

Theo Phạm Khiêm Ích (2011, Kỷ yếu hội thảo về Khoa học giáo dục Việt Nam, Viện KHGDVN) thì “Triết học giáo dục có tiền sử từ thời cổ đại, nhưng với tư cách một phân ngành khoa học thì mới có từ giữa thế kỷ XX”. Theo tác giả, sớm nhất là Hoa Kỳ thành lập Hội Triết học giáo dục (PES) tại đại học Columbia tháng 2/1941, tiếp đến Hội triết học giáo dục Anh quốc (PESGD) ra đời 1964, xuất bản tờ Journal of Philosophy of Education năm 1965… Theo V.V. Platonov thuật ngữ “Filosofija obrazovanija” (Triết học giáo dục) chỉ mới được sử dụng lần đầu tiên ở Nga vào tháng 11/1995, trong hội nghị bàn tròn: “Triết học giáo dục: Hiện trạng, vấn đề và triển vọng”. Đến Đại hội Triết học toàn Nga lần thứ III vào năm 2002, triết học giáo dục mới được thảo luận ở Tiểu ban “Triết học giáo dục” tại đại hội. Sau đó ở Nga đã thành lập Viện Triết học Giáo dục và tạp chí Triết học Giáo dục được xuất bản… Hai nhà triết học giáo dục Nga A.P. Ogurco và V.V. Platonov đã viết: “Môn triết học giáo dục mang ý nghĩa mới hẳn đã xuất hiện. Như vậy, bản thân triết học giáo dục đã chín muồi thành một lĩnh vực năng động, cống hiến dồi dào hơn bao giờ hết cho việc thấu triệt của chúng ta về những vấn đề cơ bản nhất của lý luận và thực tiễn giáo dục” (Phạm Khiêm Ích, 2011). .. Từ khi Liên xô sụp đổ, các nhà giáo dục Việt Nam có lẽ đã it cập nhật tiến bộ khoa học giáo dục của Nga nên thiếu thông tin về triết học giáo dục chăng?

Nếu hiểu như trình bầy ở trên có thể khẳng định ở Việt Nam chưa có triết học giáo dục. Triết học giáo dục là một phân ngành của Triết học, nó nghiên cứu, truyền bá, giảng dạy (đào tạo) về triết học giáo dục và được thiết chế hóa về mặt xã hội: có cơ sở nghiên cứu, có nhân lực chuyên môn, có tạp chí triết học giáo dục…

Còn triết lý giáo dục có thể hiểu là những tư tưởng, quan điểm được khái quát từ triết học, văn hóa nói chung và từ trải nghiệm cuộc sống trở thành những tín niệm để chỉ đạo sự suy nghĩ và hành động của con người đối với giáo dục. Hiểu như vậy thì ở Việt Nam từ lâu đã có triết lý giáo dục. Chẳng hạn như “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Không thầy đó mày làm nên”, “Học đi đôi với hành”, “Lý luận gắn liền với thực tiễn”, “Vì lợi ích trăm năm trồng người”, “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” v.v… Nhưng các triết lý ấy chưa có tính hệ thống và đủ tầm khái quát, xuyên suốt mọi suy nghĩ, thái độ, hành động của những người làm giáo dục và toàn xã hội.

2. Triết lý giáo dục Việt Nam

Phải thừa nhận nền giáo dục Việt Nam Cộng hòa đã xác lập được triết lý giáo dục một cách rất bài bản. Theo Nguyễn Quang Duy (Melbourne, Úc Đại Lợi, khoahocnet 2/4/2014) và nhiều tác giả khác, năm 1958, dưới thời Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Trần Hựu Thế, Việt Nam Cộng Hòa nhóm họp Đại hội Giáo dục Quốc gia (lần I) tại Sài Gòn. Đại hội này quy tụ nhiều phụ huynh học sinh, thân hào nhân sĩ, học giả, đại diện của quân đội, chính quyền và các tổ chức quần chúng, đại diện ngành văn hóa và giáo dục các cấp từ tiểu học đến đại học, từ phổ thông đến kỹ thuật… Ba nguyên tắc “nhân bản” (humanistic), “dân tộc” (nationalistic), và “khai phóng” được chính thức hóa ở hội nghị này.

Đây là những nguyên tắc làm nền tảng cho triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa, được ghi cụ thể trong tài liệu Những nguyên tắc căn bản do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành năm 1959 và sau đó trong Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa (1967).

Đó là triết lý giáo dục trở thành những nguyên tắc, phương châm ứng xử với giáo dục mà từ người lãnh đạo quốc gia, quản lý giáo dục đến giáo viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh đều dễ hiểu, dễ nhớ và có thể trở thành những tín niệm để điều chỉnh suy nghĩ, thái độ, hành động trong giáo dục.

Trở lại lịch sử, năm 1943 Tổng bí thư Trường Chinh đã soạn thảo Đề cương Văn hóa Việt Nam rất nổi tiếng. Đề cương văn hóa đã xác định 3 nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa ở Việt Nam thời kỳ này là:

- Dân tộc hóa, chống lại mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa để cho văn hóa Việt Nam độc lập, phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc;

- Đại chúng hóa, chống lại mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng;

- Khoa học hóa, chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ.(Báo điện tử Đảng CSVN 20.9.2013).
Hiểu theo nghĩa rộng thì văn hóa bao gồm cả giáo dục trong đó. Cho nên ba nguyên tắc: Dân tộc, Khoa học, Đại chúng có thể coi là triết lý của văn hóa, giáo dục đều phù hợp. Một điều lưu ý nữa, vào năm 1943 nước ta chưa giành được độc lập, nên phải “chống” những gì trái với 3 nguyên tắc đó, để cho nền văn hóa trở về với dân tôc, đại chúng hóa và mang tính khoa học. Ngày nay chúng ta “xây” nền văn hóa, theo những nguyên tắc đó là phù hợp.

Từ những cơ sở nêu trên, tôi thấy nên kế thừa và chọn lựa những nguyên tắc làm cơ sở cho Triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay là: KHOA HỌC, NHÂN BẢN, DÂN TỘC.

- Khoa học cần đặt lên hàng đầu vì nước ta chậm phát triển, muốn tiến nhanh “sánh vai cường quốc năm châu” thì giáo dục phải đưa thế hệ trẻ tiếp cận với dòng chảy của văn minh nhân loại để hy vọng rút ngắn và bắt kịp với sự phát triển vũ bão của khoa học, công nghệ thế giới. Chỉ có thế hệ trẻ thông qua con đường giáo dục mới làm được việc đó. Tinh thần khoa học phải quán triệt trong mọi hoạt động giáo dục: Xác định mục tiêu, xây dựng chương trình, viết sách giáo khoa, tổ chức, quản lý, phương pháp giáo dục, đào tạo, kiểm tra, đánh giá… Trên tinh thần khoa học, tại sao ta không thể mượn chương trình, sách giáo khoa, giáo trình về khoa học, công nghệ của các nước tiên tiến rồi điều chỉnh cho thích ứng với Việt Nam, mà cứ hì hục mò mẫm một mình một kiểu? Học sinh, sinh viên người Việt học ở Mỹ, ở Đức… phần lớn đạt kết quả khá, chứng tỏ người Việt thích ứng tốt với những nền giáo dục ở đó. Với tinh thần khoa học, các môn văn, sử, công dân, triết học, chính trị học… cũng không thể một mình một kiểu, tuyên truyền lấy được, mà phải đảm bảo tính khoa học phổ quát. Quản lý giáo dục càng phải khoa học, khách quan chân thực thay cho thi đua báo cáo thành tích gian dối… (Hãy xem những văn bản về quản lý, tài liệu đào tạo cán bộ quản lý giáo dục, đầy tính duy ý chí, phi khoa học).

- Nhân bản, coi con người là gốc, học sinh, sinh viên là trung tâm, là lý do tồn tại của nhà trường. Nhân bản bao gồm trong đó cả dân chủ, tự do, bình đẳng, bắc ái, khai phóng…Nhân bản là tôn trọng con người, phát triển toàn diện con người, khơi dậy lòng tự tin, tính tự chủ tích cực, cá tính và tiềm năng sáng tạo của học sinh, sinh viên; nhân bản là hướng dẫn học sinh, sinh viên tiếp thu những giá trị nhân văn phổ quát của nhân loại để biết thương yêu tôn trọng con người, biêt sống hòa bình, hữu nghị, hợp tác với mọi người, mọi dân tộc trên thế giới…Nhân bản phải được quán triệt sâu sắc trong đào tạo giáo viên, trong những người làm nghề sư phạm, không thể để xảy ra tình trạng trẻ em, học sinh bị người nuôi trẻ, giáo viên xúc phạm đến thân thể, nhân phẩm. Nhân bản cũng phải được truyền thông sâu rộng trong cha mẹ học sinh và toàn xã hội để biết tôn trọng trẻ em, tránh phân biệt đối xử trai, gái, tránh bạo hành con trẻ…

- Dân tộc là nguyên tắc trong xác định mục tiêu giáo dục, đào tạo ra những con người Việt Nam yêu nước, trách nhiệm với dân tộc, thấm nhuần những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, có phẩm chất, năng lực hội nhập toàn cầu nhưng biết gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của Việt Nam.

Tính dân tộc phải được quán triệt trong nội dung giáo dục nhất là những môn khoa học xã hội và nhân văn; phải được thể hiện ở văn hóa học đường, trong các mối quan hệ nhà trường và cộng đồng, nhà trường và cha mẹ học sinh, thầy và trò…

Tính dân tộc thể hiện trong đường lối, chính sách phát huy truyền thống “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, “khuyến học”, “khuyến tài”, “Khai dân trí, chấn dân khí”, “Diệt giặc dốt”…và dựa vào dân để phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập…Tính dân tộc phải không tách rời tính khoa học và nhân bản thì truyền thống dân tộc mới phát triển ở trình độ cao và hội nhập được với thế giới, góp phần vào sự phong phú văn hóa của nhân loại.

Cần lưu ý thêm: Ba nguyên tắc Khoa học, Nhân bản, Dân tộc là triết lý chung, bao trùm, xuyên suốt mọi vấn đề của giáo dục, từ vĩ mô đến vi mô, từ bậc nhà trẻ đến giáo dục phổ thông, đại học, sau đại học… Đồng thời ở từng cấp độ cũng có những nguyên tắc, phương châm hay triết lý phù hợp, cần được lựa chọn, xác định. Ví dụ:

- Ở cấp độ mục tiêu giáo dục, có thể lấy “4 trụ cột giáo dục” đã được UNESCO khuyến cáo (1998) là: Học để biết (Learning to know), Học để làm (Learning to do), Học để chung sống (Learning to live together), Học để làm người (Learning to be);

- Ở cấp độ nội dung: Không phải dạy những gì giáo viên có mà dạy những gì người học cần;
- Ở cấp độ tổ chức dạy học: Học đi đối với hành, lý luận gắn với thực tiễn;
- Ở cấp độ nguyên tắc dạy học: Thầy tổ chức – Trò hoạt động để lĩnh hội tri thức…
- Ở cấp độ phương pháp dạy học: Không có trò dốt, chỉ có thầy chưa biết cách dạy;

- vân vân…

Như vậy cần xây dựng một hệ thống triết lý giáo dục Việt Nam ở các cấp độ khác nhau, tất cả đều quán triệt nguyên tắc Khoa học, Nhân bản, Dân tộc, làm cơ sở, làm phương châm cho suy nghĩ, thái độ, hành động của mọi người liên quan đến giáo dục.

3. Nói thêm về khía cạnh tâm lý

Những người cộng sản quen kiêu ngạo với “chủ nghĩa vô địch”, “đỉnh cao trí tuệ” nay dễ “tự ái cộng sản” không thể lấy triết lý giáo dục của “ngụy” làm của mình được (!). Xin thưa, triết lý đó không của riêng ai cả, đó là thành tựu phát triển tư tưởng, văn hóa, giáo dục của nhân dân ta (miền Nam), anh em trong nhà ta nhờ đi trước, sớm hơn mà có. Nay ta thấy đúng, thấy hay, lấy dùng, có chi mà xấu hổ. Hơn nữa hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm hiện nay thay cho hệ thống giáo dục 10 năm kiểu Liên xô trước kia; hệ thống trường ngoài công lập phát triển rộng khắp; đào tạo đại học từ niên chế sang học phần, tín chỉ, rồi lập đại học quốc gia Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tập hợp các trường thành viên vào một mối, rồi trao quyền tự chủ cho các trường … đều là lặp lại những gì giáo dục miền Nam đã có trước ngày 30 tháng 4/1975. Vậy thì lấy cái triết lý giáo dục đó rồi cải tiến, nâng cao cho hợp thời nay thì có gì phải lăn tăn!

Xin chân thành có vài ý kiến như vậy, mong được trao đổi, chia sẻ để cùng xác lập triết lý giáo dục Việt Nam sao cho toàn dân đều thấy hợp lý, hợp tình, dễ hiểu, dễ theo.

Hà Nội, ngày 08/5/2014

M.V.T

© Đàn Chim Việt

 

5 Phản hồi cho “Đề xuất triết lý giáo dục Việt Nam”

  1. BA LÙN LỚP 12 says:

    Giờ xin các Bác để em thử sài ” Tam đoạn luận ” của thầy giáo làng nói về triết lý cộng sản có đúng không nha ? Này : Ông Trương tấn Sang bảo là không có tham nhũng hối lộ,thế nhưng Dương chí Dũng khai có đem một va li đô la đến nhà ông chủ tịch ( để khoe, để chơi à ? ). Ông Sang khai ở nhà chính phủ cấp rộng có 51 mét vuông, trong khi đó ông có 3 căn nhà bạc triệu đô la ở vùng Tân Đinh Saigon ? ( tiền đâu ra ? ) : nói láo . Ông Nguyễn phú Trọng thì bô bô cái miệng : trong chế độ cộng sản ưu việt không có kẻ nghèo người giầu, thế mà sao ăn mày ăn xin còn đầy rẫy, rồi trên nóc nhà đồng chí Lê khả Phiêu lại có vườn rau sạch, rau xanh trị giá cả 2 vạn đô la ? Trong khi đó ông thủ tướng Dũng cũng chối ” làm gì có côn đồ công an,đạp lên mặt lên cổ cướp đất cướp nhà, giết dân oan ? .
    Các ông Sang Trọng Dũng đều nói láo mà các ông cùng là người cộng sản : Vậy ta có triết lý : tất cả người cộng sản đều nói láo. Như vậy Bác Hồ là tổ sư cộng sản, nên Bác là tổ sư nói láo : tin nữa thôi ?

  2. GIÁO LÀNG says:

    Trước khi thảo luận cho vấn đề này, chúng tôi xin quí vi hãy nên sác đinh lại danh xưng cho môn học này ( Triết học : học về triết lý ) vì rằng : TRIẾT ( trong bộ khẩu ) có nghĩa là thông minh hiểu biết, như vậy ” Triết lý được hiểu là cái lý lẽ ( tư tưởng ) thông minh, hiểu biết : nhưng chưa chắc đã là đúng, đã thuyết phục tuyệt đối ? ” . Và CHIẾT ( thuộc bộ thủ ) có nghĩa là bẻ, cắt ra để sắp xếp lại cho có hệ thống mạch lạc cho một bản thể ( Object ) như tháp chiết cành triết cây … Vậy Chiết học có thể hiểu một cách giản dị như là một môn học ” chia, cắt tư tưởng ra làm nhiều phần rồi ráp nối sao cho thành một hệ thống có mạch lạc như là một định đề có tính cách thuyết phục tuyệt đối, theo như câu chuyện sau dẫn chứng : Ông Bốn có 3 người bạn : ông Một chết vì ho lao, ông Hai chết vì bệnh tim còn ông Ba chết vì bị tai nạn xe hơi . Thấy ông Bốn buồn rầu có người an ủi : ” có sinh có tử ” người khác lại ” triết lý hơn ” sinh lão bệnh tử “, ông Bốn vặn lại, thế ông Ba có già có bệnh gì đâu mà cũng chết ? Phải đợi đến khi có người dùng tam đoạn luận ( Nho giáo là Tam tự Kinh ? Logic,syllogism, một nghành của Triết học ) giải thích cho ông Bốn : ” ông Một ông Hai cả ông Ba đều chết, vì các ông là người, vậy đã là người thì ai cũng phải chết mới thuyết phục được lòng tin của ông Bốn . Cái Triết học hay Chiết học là như vậy . Xin trở lại TRIẾT hay CHIẾT ? Ở các nước tiến bộ Âu Mỹ ta chưa thấy một nước nào giảng dậy ” Triết lý giáo dục cho bậc tiểu học ” cho các em, ngay như Việt Nam thời VNCH ( trước 1975 ) chỉ nhừng lớp cuối Trung Học ( lớp 12 ) mới dậy môn Triết Học . Tại sao giờ ta lại định đưa Triết học vào dậy cấp tiểu học ( với trí óc non nớt các em làm sao hiểu ), hay chắc quí vị nghĩ Triết học là những tư tưởng , như của Bác Hồ ? !!!!!!!!

  3. Nguyễn Văn says:

    …triết lý giáo dục bao hàm cả triết học giáo dục…

    Nền giáo dục VN đã đi vào ngõ cụt vì triết lý theo cộng sản đã lỗi thời và đã chết nhưng nhà cầm quyền không phải vì “tự ái cộng sản” mà không dám bắt chước mà vì nếu theo triết lý giáo dục Miền Nam trước năm 1975 thì chỉ cần một thế hệ chế độ sẽ sẽ có nguy cơ sụp đổ.

    Bài viết thật hay. Cám ơn tác giả Mạc Văn Trang.

    Kính

  4. ĐẠI NGÀN says:

    THỬ BÀN VỀ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC CỦA NƯỚC TA HIỆN NAY

    Triết lý giáo dục trước hết cũng chính là một khoa học giáo dục, điều này chẳng có gì lạ lùng hay mâu thuẫn.
    Bởi triết lý là hoạt động tư duy của con người. Triết lý giáo dục là dùng tư duy để hình thành nên một nội dung giáo dục hiệu quả và sáng giá nhất. Điều này bao hàm cả bản chất, tiêu chí, mục đích, phương pháp, phương tiện của giáo dục có liên quan. Có nghĩa triết lý cũng phải đề ra được một phương pháp luật nhận thức và áp dụng, môt nguyên lý cơ bản và bao quát, một ý nghĩa sâu sắc và toàn diện nhất về giáo dục.
    Còn khoa học giáo dục là gì ? Đó là tính khách quan, tính chính xác, tính hiệu quả, tính kết quả thật sự của giáo dục. Điều này cũng bao gồm phương pháp luận khoa học về đào tạo tức giảng dạy, về những chuẩn mực thực tế nhất, về những kết quả chắc chắn, tiết kiệm, bền vững và hứa hẹn hay triển vọng nhất.
    Có nghĩa cái hình thức, cái tính cách của giáo dục phải là thực tế, khoa học, nhưng cái nội dung, cái sâu xa của giáo dục chính là triết học. Cả hai đều cần thiết cho nhau và tạo nên tính hoàn hảo, bao quát của giáo dục.
    Ngày xưa ở miền Nam, nền giáo dục không đặt trên cơ sở ý thức hệ chính trị nào, nên chủ trương của triết lý giáo dục đó là ý nghĩa của giáo dục nhân bản, dân tộc, khai phóng, khoa học. Trái lại nếu tôi không hiểu lầm thì nền giáo dục của toàn miền Bắc kể cả cho tới này chỉ là nền giáo dục nặng về ý thức hệ, chủ trương phục vụ các mục đích, đường lối của đảng Cộng sản, nên có một vị Bộ trưởng giáo dục đã nói triết lý giáo dục là kết tinh nghị quyết của Đảng. Điều này quả thật chẳng nắm rõ khoa học giáo dục và triết lý giáo dục là gì cả. Bởi nghị quyết của Đảng thật ra chỉ là sản phẩm nhất thời của Bộ Chính Trị qua những giai đoạn nào đó. Như vậy làm gì giáo dục còn có căn cơ sâu sắc, bền vững, khách quan, khoa học. Đó thật là tai hại của sự nhận thức, quan điểm, và thật bé cái lầm, nên giáo dục không hề phát triển và gây hệ lụy tới nhiều lãnh vực đời sống xã hội cũng như cá nhân khác.
    Do vậy ý nghĩa và mục đích của giáo dục nói cho cùng lại là con người, là xã hội, tức tính dân tộc, tính nhân văn phải đi kèm với tính hiện đại, tính phát triển đó chính là yêu cầu tối hậu và mục đích cao xa nhất. Ngược lại nếu giáo dục chỉ còn là công cụ duy nhất nhằm phục vụ mục tiêu ý thức hệ chính trị thì thực chất chỉ là nông cạn, thiển cận cũng như hết sức vô trách nhiệm đối với ý nghĩa và mục tiêu của giáo dục được hiểu như là một triết lý giáo dục bao quát bao quát và căn cơ nhất, vì nó phản lại tính khai phóng và tính tự do của toàn thể bản chất và ý hướng cũng như chính ý nghĩa và mục đích của giáo dục.

    THƯỢNG NGÀN
    (11/5/14)

  5. Năm Saigon says:

    Thật là đáng buồn khi người đứng đầu ngành giáo dục một nước mà không biết triết lý giào dục là gì. Câu trả lời khi bị “chiếu bí” của ngài Bộ trưởng đã làm cho những ai quan tâm đến nền giáo dục nước nhà …giựt mình. Hoặc là ngài chẳng biết gì, hoặc là ngài đã bị “ngộ độc”nghị quyết của đảng (xin mượn chữ của Ô. Phan Châu Thành ) . Lý do nào chăng nữa thì cũng đáng xấu hổ. Kết quả của sự lụn bại dần dần của nền giáo dục nói chung, của ngành ĐH nói riêng nay đã đến mức báo động. Khi không định ra được một triết lý giáo dục phù hợp thì chẳng khác nào thuyền trưởng một con tàu không biết bến nào để hướng tới. Bất cứ ngọn gió nào phỏng có ích gì cho chiếc thuyền ấy?
    Ý kiến cùa tác giả Mạc Văn Trang rất đáng được lắng nghe.

Phản hồi