WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Bản án làm chúng ta công phẫn và thất vọng

Phiên tòa xét xử bốn nhà đấu tranh cho dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long đã kết thúc chỉ sau một ngày làm việc. Bản án quá nặng, tổng cộng 33 năm tù và 14 năm quản chế mà tòa án dành cho bốn bị cáo  làm chúng ta công phẫn và thất vọng.

Trước hết, dựa theo luật pháp của Việt Nam và những quy ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết và thừa nhận, những trí thức kể trên không  vi phạm bất cứ một tội danh nào. Họ là những công dân, những trí thức thiết tha với đất nước, tham gia các nhóm, các đảng phái, tìm tòi thảo luận đưa ra những đường hướng ôn hòa, mong muốn chính quyền nhận ra những lợi ích của đất nước và dân tộc, chuyển biến và đưa Việt Nam trở thành một quốc gia tự do, dân chủ, hội nhập vào thế giới văn minh hiện nay.

Lẽ ra, thay vì bỏ tù và đầy đọa họ, chính quyền nên lắng nghe họ, đối thoại với họ để tìm ra một giải pháp tốt cho đất nước. Họ là những công dân, những trí thức tài năng, yêu nước, là vốn quý của quốc gia và dân tộc, rất cần thiết cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Họ cần được đối xử công bằng và quý trọng.

Diễn biến của phiên tòa càng làm chúng ta thất vọng.

Lẽ nào, một phiên tòa  xét xử công khai, công bằng lại không cho các thân nhân bị cáo được tham dự trực tiếp phiên tòa? Họ là những người cha, người mẹ, người vợ đêm ngày lo lắng theo dõi cái ngày quyết định số phận của những người thân yêu ruột thịt của họ. Điều nghịch lý đến không thể hiểu nổi là những người hàng xóm của gia đình Nguyễn Tiến Trung thì ngồi trong phòng xử án, còn bố mẹ anh thì ngồi theo dõi phiên tòa qua vô tuyến truyền hình.

Lẽ nào, một phiên tòa xét xử công khai, công bằng loa lại bị rè hoặc mất tiếng, để những người theo dõi phiên tòa qua vô tuyến truyền hình (trong đó có các nhà báo và các nhà ngoại giao nước ngoài) không nghe rõ tiếng của bị cáo khi họ nói những gì không theo đúng mong muốn của các quan tòa?

Lẽ nào, một phiên tòa xét xử công khai, công bằng lại không cho phép hai luật sư George Hwang (quốc tịch Singapore) và Sinfah Tunsarawuth (quốc tịch Thái Lan), đại diện Hội Luật Gia Quốc Tế (IBA)  được tham dự phiên tòa, trong đó xét xử luật sư Lê Công Định là hội viên IBA của họ? Hai luật sư này đã được sự đồng ý của chính phủ Việt Nam, vào Việt Nam để theo dõi phiên tòa.

Lẽ nào, một phiên tòa xét xử công khai, công bằng để kết án bốn bị cáo, với tội “tầy trời” hoạt động lật đổ chính quyền chỉ diễn ra một ngày, trong đó chỉ riêng việc đọc cáo trạng và bản án của tòa đã chiếm mấy tiếng đồng hồ, gần như không có tranh tụng, rồi đột ngột đọc bản án (chắc là đã viết trước khi phiên tòa bắt đầu), rút ngắn phiên xử?

Còn nhiều câu hỏi khác về quá trình bắt, luận tội, thay đổi tội danh, đưa các bị cáo lên truyền hình nhận tội trước khi đưa họ ra xét xử … không có câu trả lời, khiến chúng ta thất vọng về một nền luật pháp minh bạch, công bằng của Việt Nam.

Những năm gần đây chúng ta thường nghe chính quyền tuyên bố  mong muốn xây dựng một nền tư pháp công bằng, minh bạch phù hợp với trào lưu thế giới. Nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch … đã giúp Viêt Nam thực hiện mục tiêu trên đây. Chúng ta hãy nghe những nhà ngoại giao, các tổ chức nhân quyền nhận xét về phiên tòa nói trên.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông Peter Lysholt nói: ”Có những quan ngại nghiêm trọng về toàn bộ quá trình xét xử của phiên tòa ngày 20-01 vừa qua. Chúng tôi sẽ kêu gọi mạnh mẽ nhà nước Việt Nam ân xá cho bốn người này”.

Ông Brittis Edman nhà nghiên cứu chuyên về Việt Nam của tổ chức Ân Xá Quốc Tế (HRW) có trụ sở tại Luân Đôn nói với hãng thông tấn AFP; ”Phiên tòa này là sự nhạo báng công lý, bất chấp những nguyên tắc căn bản của nhân quyền như gia đình vô tội và quyền bào chữa của bị can”

Thông báo của Đại Sứ Quán Hoa kỳ tại Việt Nam có đoạn viết: “Án tù dành cho 4 người đi ngược lại bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền, nó đặt ra nhiều nghi vấn về cam kết của Việt Nam theo đuổi pháp trị và công cuộc cải cách cần có”. Thông báo còn nói thêm: ”Phiên tòa đã không diễn ra theo trình tự luật pháp đầy đủ”.

Thứ trưởng bộ ngoại giao Anh Iwan Lewis: ”Không thể cầm tù bất kỳ ai vì người đó bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hòa. Quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng là tối quan trọng cho một nền kinh tế phát triển”.

Ông Brad Adams giám đốc Á châu của tổ chức Ân Xá Quốc nói: ”Bằng cách bỏ tù những người đấu tranh cho quyền con người, những nhà hoạt động dân chủ, những blogger kêu gọi cải tổ xã hội, chính phủ Việt Nam đã coi thường cam kết của mình đối với Asean và cộng đồng thế giới”

Phản ứng của chính quyền Việt Nam ra sao?

Người phát ngôn bộ ngoại  Việt Nam tuyên bố: ”Mỹ, Anh và Liên Minh Châu Âu (EU) đã không có thiện chí, đã can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam”.

Chính quyền lẽ ra phải hổ thẹn khi quy kết cho các quốc gia kể trên như vậy. Họ đâu có can thiệp vào công việc nội bộ của ta, họ là những quốc gia dân chủ. Ở đó, những quyền hạn của công dân được luật pháp bảo vệ tối đa. Họ theo dõi một cách khách quan, thấy hệ thống luật pháp của ta quá tùy tiện, chính quyền đầy đọa, bỏ tù những công dân vô tội của mình một cách tùy tiện, quá bất công, không theo một chuẩn mực luật pháp nào. Vì vậy họ phải lên tiếng cảnh báo chính quyền và bênh vực những người dân Việt Nam vô tội.

Đúng như những nhà ngoại giao và các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền quôc tế đã nhận định về phiên tòa và bản án dành cho 4 nhà đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ ngày 20-01. Phiên tòa đã không theo những chuẩn mực cần thiết của luật pháp và những bản án là quá nặng, quá bất công. Chính quyền Việt Nam cần phải lắng nghe những ý kiến của quốc tế và của nhân dân, xét xử lại bản án một cách công khai, công bằng theo đúng những chuẩn mực luật pháp quốc tế mà Việt Nam đã công nhận.

Bản án dành cho bốn nhà đấu tranh cho dân chủ của Việt Nam Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long làm cho những người Việt Nam quan tâm đến tình hình dân chủ của đất nước công phẫn.

Bản án cũng làm cho những ai đã hy vọng vào sư cải tổ của nền luật pháp Việt Nam thất vọng.

Bản án nói lên sự cấp thiết phải xây dựng một nền tư pháp độc lập, công bằng, minh bạch mà chỉ có một thể chế dân chủ, chính quyền được thiết lập qua bầu cử tự do của toàn dân mới thực hiện được.

Warsaw ngày 22-01-2010

© Đàn Chim Việt Online 2010

Phản hồi