WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Trận Ban Mê Thuột tháng 3-1975

TaySau ngày ký Hiệp định Paris, miền Nam Việt Nam mạnh hơn miền Bắc. Tháng 11 năm 1972 TT Nixon vội cho chuyên chở tới VNCH gần 600 máy bay các loại gồm: 208 máy bay phản lực gồm chiến đấu và oanh tạc cơ loại nhẹ và khoảng 360 trực thăng các loại, 23 phi cơ thám thính, ba tiểu đoàn pháo binh 175mm, hai tiểu đoàn thiết giáp M-48 (Nixon No More Vietnams trang 170-171).

Trong khi ấy BV bị thiệt hại nặng và thảm bại trong trận muà hè đỏ lửa, tính tới tháng 9/1972 có vào khoảng từ 70 ngàn cho tới 100 ngàn cán binh CS bị giết, khoảng 700 chiến xa bị phá hủy (Nguyễn đức Phương, Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 587), ngoài ra trận oanh tạc dữ dội Giáng sinh 1972 bằng B-52 đã gây thiệt hại rất nặng cho hạ tầng cơ sở BV như kho hàng, đường xe lửa, nhà máy điện, phi trường….

Mặc dù mạnh hơn miền Bắc rất nhiều nhưng miền Nam không được phép đánh ra Bắc mà chỉ được ở yên trong thế tự vệ chờ địch tới, điều này ai cũng biết cả. Khoảng gần một năm sau tình hình bắt đầu thay đổi, cán cân quân sự nghiêng về phía BV. Ngay sau khi ký Hiệp định Paris, CSBV vẫn tiếp tục vi phạm Hiệp định, chiến tranh vẫn tiếp diễn, trong khi miền Nam VN bị cắt quân viện dần dần , miền Bắc vẫn được CS quốc tế tiếp viện dồi dào, về chi tiết tôi sẽ nói sau. Cuộc chiến tranh giữa hai miền là một cuộc chiến viện trợ tiếp liệu, cả hai bên đều không tự sản xuất được vũ khí đạn dược mà phải tùy thuộc vào quân viện bên ngoài, bên nào nhiều tiếp liệu, vũ khí đạn dược thì bên đó thắng.

Tình hình chung hai bên

Năm 1973 có thể chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn từ Hiệp Định Ba Lê 28/1 cho tới tháng 10/1973 và giai đoạn bạo lực cách mạng sau tháng 10/1973.

Từ sau ngày ký Hiệp Định Ba Lê đến tháng 10/1973 tình hình tương đối yên tĩnh. Tháng 6/1973 Quốc hội Mỹ biểu quyết cắt ngân khoản cho tất cả các hoạt động quân sự Mỹ tại Đông Dương Việt, Miên, Lào. Ngày 1/7/1973 Nixon ký thành đạo luật áp dụng từ giữa tháng 8/1973 cấm hoạt động quân sự trên toàn cõi Đông Dương. Tháng 10/1973 Quốc Hội ra đạo luật hạn chế quyền Tổng Thống về chiến tranh (War Powers Act), Tổng Thống phải tham khảo ý kiến Quốc Hội trước khi gửi quân đi tham chiến.

Thấy thời cơ thuận lợi đã tới, Bắc Việt bèn thay đổi đường lối đấu tranh từ chính trị sang quân sự bạo lực. Đại Hội 21 của Bộ Chính Trị tại Hà Nội trong tháng 10 quyết định đấu tranh quân sự, trước hết tiến đánh các đồn bót lẻ tẻ, phát triển tuyến đường xa lộ Đông Trường Sơn

Theo Henry Kissinger (Years of Renewal trang 478) sau khi ký Hiệp định Paris, BV bắt đầu cho xây hệ thống đường xâm nhập tiếp liệu chằng chịt dài tổng cộng 20 ngàn km từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, rộng 8m, hàng ngàn km ông dẫn dầu cung cấp cho hàng chục ngàn xe vận tải.

Sau Hiệp định khoảng gần một năm, Quốc hội Mỹ cắt giảm quân viện xương tủy VNCH mỗi năm 50%, từ 2,1 tỷ tài khóa 1973 xuống còn một tỷ tài khóa 1974 và xuống còn 700 triệu tài khoá 1975, con số này thực ra chỉ bằng 500 triệu vì dầu thô lên giá, tiền mất giá (theo Henry Kissinger, Years of Renewal trang 471). Dưới thời TT Nixon, chính phủ đã đề nghị Quốc hội cấp 1 tỷ 4 viện trợ quân sự cho miền nam VN năm 1975, Ủy ban quốc phòng Thượng viện do Nghị sĩ John Stennis làm chủ tịch cắt bớt còn 1 tỷ, nay dưới thời TT Ford Ủy ban chuẩn chi Thượng viện do Nghị sĩ John McClellan làm chủ tịch cắt 300 triệu còn 700 triệu (Years of Renewal trang 472).

Theo bản tin của BBC.com ngày 10/5/2006 một buổi hội thảo qui mô tổng kết cuộc chiến tranh Việt Nam đã được tổ chức tại Sài Gòn trong hai ngày 14 và 15/4/2006. Trong số các bài đọc ở hội thảo, tác giả Trần Tiến Hoạt và Lê Quang Lạng thuộc Viện Lịch sử Quân sự Cộng sản Việt Nam có bài tham luận về nguồn chi viện của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa dành cho miền Bắc trong cuộc chiến. Giai đoạn 1969-1972 BV được Nga, Trung Cộng viện trợ 684,666 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật. Giai đoạn 1972-1975 họ nhận được 649,246 tấn hàng vũ khí. Như vậy số lượng hàng viện trợ của hai giai đoạn tương đương nhau.

Theo Kissinger (Years of Renewal trang 481) Hà nội đã xin được viện trợ của Sô viết tăng gấp bội. Thàng 12- 1974, một viên chức cao cấp Nga viếng Hà Nội lần đầu tiên kể từ sau ngày ký Hiệp định Paris. Tổng tham mưu trưởng Nga Viktor Kulikov tới tham dự họp chiến lược với Bộ chính trị BV, nay họ bãi bỏ hạn chế trước đây. Sô Viết đã chở vũ khí viện trợ quân sự cho Hà Nội tăng gấp 4 lần trong những tháng sau đó. Nga khuyến khích BV gây hấn

Đánh hơi thấy Mỹ quẳng miếng xương Đông Dương, CS quốc tế và CSVN nhanh tay ra vồ ngay lấy. Cuối tháng 10/1974 Bộ Chính Trị Hà Nội quyết định kế hoạch tác chiến năm 1975, tranh thủ bất ngờ, tấn công lớn và rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành Tổng công kích. Trong giai đoạn 1969-1972 sự vận chuyển súng đạn của CS vào Nam gặp nhiều khó khăn vì bị không quân Việt-Mỹ ném bom, bắn phá nhưng kể từ sau ngày ký Hiệp Định Paris 1/1973, BV đã dùng 16 ngàn xe vận tải chở súng đạn qua xa lộ Đông trường Sơn hay đường mòn Hồ Chí Minh một cách tự do thoải mái nên giai đoạn 1973-1975 Hà Nội đã đem được nhiều vũ khí đạn dược vào Nam gấp mấy lần giai đoạn trước ( 1969-1972)

Trong khi ấy Tổng Thống Thiệu không có một nhận định nào rõ ràng về lực lượng cũng như kế hoạch sắp tới của CS. Ngày 9/12/1974 , khoảng một tuần trước khi BV tấn công Phước Long, tại dinh Độc Lập trong một phiên họp cao cấp quân sự gồm Hội đồng Tướng lãnh và các vị Tư lệnh Quân khu, ông Thiệu cho biết trong năm 1975 BV có thể đánh với qui mô lớn nhưng không bằng năm 1968 và 1972, địch chưa có đủ khả năng đánh vào các thị xã lớn, dù đánh cũng không giữ được! BV chỉ đánh các thị xã nhỏ như Phước Long, Gia Nghĩa. Về điểm này Frank Snepp, trong Decent Interval, Tướng BV Văn Tiến Dũng và ông Cao Văn Viên đã ghi nhận gần giống nhau như vậy, ông Thiệu lạc quan cho rằng BV chưa phục hồi sau trận mùa hè đỏ lửa 1973.
Từ tháng 10 năm 1974 Bộ Tổng Tham Mưu Bắc Việt đã trình bày kế hoạch tác chiến lên Bộ Chính Trị và Quân uỷ Trung ương, họ đã chọn chiến trường Cao Nguyên làm chủ yếu, Văn Tiến Dũng đã ghi nhận trong hồi ký.

“Tháng 10 năm 1974, trời cuối thu bắt đầu lạnh, gợi cho các cán bộ quân sự chúng tôi nhớ đến mùa chiến dịch sắp đến. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp nghe Bộ Tổng tham mưu trình bày kế hoạch tác chiến chiến lược. . . . …Hội nghị nhất trí thông qua phương án của Bộ Tổng tham mưu, chọn chiến trường Tây nguyên làm hướng chiến trường chủ yếu trong cuộc tổng tiến công lớn và rộng khắp năm 1975” (Đại thắng mùa xuân trang 24)

BV cho rằng TT Thiệu đã bố trí lực lượng mạnh ở hai đầu, tại Quân khu 1 và 3 thì bố trí nhiều đơn vị chủ lực, nhiều chiến xa, đại bác và máy bay chiến đấu, còn tại Quân khu II ta chỉ để 2 Sư đoàn 22 BB và 23 BB. Quân khu II rộng nhất toàn quốc gồm 12 tỉnh, VNCH phải trải quân giữ đất nhiều nên khả năng phòng thủ yếu. Bộ chính trị CSBV đã đồng ý kế hoạch nêu trên và chọn Tây nguyên để làm hướng chiến trường chủ yếu trong cuộc tiến công năm 1975. Hà Nội đã chọn chiến trường Tây Nguyên (Quân khu II) làm chủ yếu vì tại đây lực lượng VNCH yếu hơn ba quân khu I, II, IV.

Đại tá Phạm Bá Hoa nói hồi ông học tại trường Đại Học Quân Sự năm 1960 có được đọc một tài liệu nói “Trong chiến tranh Việt Nam, ai chiếm được cao nguyên miền Trung thì người đó sẽ nắm phần chiến thắng”, Cộng Sản cũng nói ai làm chủ Tây Nguyên thì làm chủ chiến trường. Bắc Việt chủ trương tấn công Quân khu II trước phần vì VNCH phòng thủ yếu tại đây vả nó là vị trí yết hầu. Một phần vì ông Thiệu không chủ trương giữ Quân khu II, một vùng cao nguyên cẵn cỗi mà trong thâm tâm đã có ý tưởng bỏ vùng núi rừng miền Trung rút quân về vùng đất mầu mỡ Quân khu III và IV, trên thực tế lãnh thổ quá rộng, không đủ lực lượng trừ bị để tăng cường

Sau khi lựa chọn chiến trường Tây Nguyên, Bắc Việt lựa chọn địa điểm tấn công, tại buổi họp của Quân Uỷ Trung Ương Bắc Việt ngày 9/11/1974 Lê Đức Thọ tay trùm CSBV tham dự để nâng cao quyết tâm chiếm cho được Ban Mê Thuột, Thọ nói “Phải đăt vấn đề dứt khoát là giải phóng Buôn Ma Thuột. Ta có gần 5 sư đoàn ở Tây Nguyên mà không đánh được Buôn Ma Thuột là thế nào?” (Sách đã dẫn Trang 31)

Bắc Việt đã chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột từ bốn tháng trước ngày tấn công trong khi ta chưa có tin tức tình báo rõ rệt. Chiến dịch Tây nguyên được mang mật danh 275.

Ngày 13/12/1974 Bắc Việt đưa gần ba Sư đoàn tấn công Phước Long, đến ngày 7/1 tỉnh này hoàn toàn lọt vào tay địch. Tổng số 4,500 binh sĩ, sĩ quan chỉ còn 850 người sống sót. Tỉnh trưởng Phươc Long. Quận trưởng Phước Bình mất tích, 3,000 trong số 30 ngàn dân trốn thoát, một số viên chức hành chánh bị CS hành quyết, thất bại tại Phước Long là đương nhiên vì một Tiểu đoàn bộ binh và 5 Tiểu đoàn địa phương quân không thể chống lại 3 Sư đoàn CS.

Chính phủ VNCH không tăng viện cho Phước Long vì không đủ khả năng thực hiện tiếp tế, cứu viện bằng trực thăng vận từ Biên Hoà. Nói về mặt kinh tế chính trị Phước Long kém quan trọng hơn Tây Ninh, Pleiku, Huế… Hà Nội cho đánh Phước Long để thăm dò Mỹ, khi thấy Mỹ chỉ phản đối xuông thì họ làm tới.

Sau trận Phước Long TT Thiệu biết chắc Cộng Sản sẽ đánh lớn tại Cao Nguyên đầu năm 1975 nhưng chưa biết chắc chỗ nào vì địch nghi binh tối đa. Phía VNCH không đoán được ý định của họ, theo Tướng Hoàng Lạc trước khi Văn Tiến Dũng vào Nam, Giáp đã dặn dò Dũng phải nghi binh tối đa để đánh lạc hướng Nguỵ.

Tình hình chính trị quân sự VNCH năm 1975 rất là bi đát. Năm 1967 quân phí tại Việt Nam là 20 tỷ Mỹ Kim, năm 1968 lên 26 tỷ, năm 1969 lên 29 tỷ, hai năm 1970, 1971 rút xuống còn 12 tỷ mỗi năm vì Mỹ đang rút quân. Khi nửa triệu quân đồng minh đã rút đi, VNCH phải một mình gánh vác tất cả chiến trường với tiền viện trợ bị cắt giảm từ cuối 1973 mỗi năm 50%.

Việc cắt giảm đưa tới tình trạng thê thảm, theo tiết lộ của cựu Đại tướng Cao Văn Viên, trong cuốn Những Ngày Cuối Của VNCH (NNCCVNCH) trang 86, 87. Hậu quả là năm 1974 không quân đã phải cho hơn 200 phi cơ ngưng bay vì thiếu nhiên liệu, giảm số giờ bay yểm trợ, huấn luyện 50%, thám thính giảm 58%, phi vụ trực thăng giảm 70%. Hải quân cũng cắt giảm hoạt động 50%, 600 giang thuyền các loại nằm ụ.

Đạn dược chỉ còn đủ đánh tới tháng 4 /1975, năm 1972 ta xử dụng trên 69 ngàn tấn đạn một tháng, từ tháng 7/1974 đến tháng 3/1975 ta chỉ còn xử dụng khoảng 19 ngàn tấn một tháng hoả lực giảm 70%. Tháng 2/1975 chỉ còn đủ đạn tất cả các loại súng cho 30 ngày, tháng 4/1975 chỉ còn đủ đạn đánh trong khoảng hai tuần (Sách đã dẫn trang 92)

Theo sử gia Bill Laurie, cấp số đạn súng lớn như đại bác 105 ly, 155 ly, 175 ly.. năm 1975 đã bị cắt giảm trên 90% . Theo Tướng Cao Văn Viên vì thiếu cơ phận thay thế, xe tăng, giang thuyền, máy bay …nằm ụ chờ rỉ sét. Thiếu thuốc men, số tử vong tăng cao, tinh thần xuống thấp.

Không quân VNCH năm 1975 có 2075 máy bay các loại, đứng thứ tư trên thế giới về số lượng. Binh chủng Thiết giáp có 2,200 chiến xa và thiết xa các loại. Pháo binh có khoảng 1,500 khẩu đại bác . Hải quân có 1,600 tầu chiến và giang thuyền các loại. Đây chỉ là con số lý thuyết, trên thực tế nhiều máy bay, xe tăng.. hư hỏng thiếu cơ phận thay thế phải nằm ụ. Lục quân VNCH có hơn một triệu quân trong đó 40% là chủ lực quân vào khoảng 400 ngàn người gồm những lực lượng tác chiến và yểm trợ, 50% là ĐPQ , Không quân, Hải quân, Cảnh sát. Quân đội VNCH được tổ chức theo lối Mỹ, một người lính tác chiến có năm người yểm trợ như hành chánh tài chánh, quân y, quân trang, quân dụng. Trên thực tế lực lượng chiến đấu chỉ vào khoảng từ 170 cho tới 180 ngàn người. Lính nhà nghề chỉ có 13 Sư đoàn chủ lực và 17 Liên đoàn Biệt động quân tương đương khoảng hơn 2 Sư đoàn (trên thực tế một Liên đoàn có hơn 1000 người). Tổng cộng ta có vào khoảng 15 Sư đoàn chính qui (nếu kể cả BĐQ). Lực lượng được bố trí toàn quốc như sau.

Quân khu Một: 5 Sư đoàn (1, 2, 3, Nhẩy Dù, TQLC), 4 Liên đoàn BĐQ.
Quân khu Hai: 2 Sư đoàn (22, 23), 7 Liên đoàn BĐQ
Quân khu Ba: 3 Sư đoàn (5, 18, 25), 4 Liên đoàn BĐQ
Quân khu Bốn: 3 Sư đoàn (7, 9, 21)
Địa phương quân VNCH năm 1975 có khoảng 325 ngàn người,

Tổng cộng VNCH có 15 Sư đoàn chủ lực (nếu kể cả BĐQ) tức 45 trung đoàn, đem chia cho 44 tỉnh toàn quốc thì trung bình mỗi tỉnh chỉ có một Trung đoàn chính qui bảo vệ trong khi BV có khả năng tập trung hằng chục Trung đoàn để tấn công một địa điểm vì họ không phải trải quân giữ đất như Miền Nam. Theo ông Cao Văn Viên trên thực tế quân số VNCH thiếu hụt do nạn đào ngũ, mỗi năm mất khoảng một phần tư (1/4) quân số, ngoài ra ta cũng phải kể nạn lính ma lính kiểng. (NNCVNCH trang 79)

Lực lương chính qui Bắc Việt năm 1975 gồm 4 Quân đoàn và Đoàn 232 (tương đương một Quân đoàn). Mỗi quân đoàn gồm 3 sư đoàn và các lữ đoàn phòng không, pháo binh, thiết giáp, công binh.. Tổng cộng họ có 15 sư đoàn bộ binh, khoảng 6 trung đoàn đặc công và hơn 10 trung đoàn độc lập. Toàn bộ lực lượng tương đương với 20 Sư đoàn bộ binh chưa kể các đơn vụi cơ giới, yểm trợ

So về lực lượng chính qui, nhân lực thì quân đội BV đã nhiều hơn quân đội VNCH , họ không phải phòng thủ, mỗi khi tấn công họ dồn lại tạo một mũi dùi mạnh. Trong khi đó Quân đội chủ lực VNCH đã ít hơn lại phải trải rộng từ Cà Mâu ra Bến Hải để giữ đất, như đã nói trên ta có 13 sư đoàn, kể cả 15 liên đoàn Biệt động quân thì có tương đương 15 sư đoàn hay 45 trung đoàn, miền nam có 44 tỉnh, trung bình một tỉnh chỉ có một trung đoàn bảo vệ. Theo hồi ký Văn tiến Dũng tại Cao nguyên về bộ binh BV đông hơn VNCH 5 lần, pháo binh gấp 2 VNCH (sách đã dẫn trang 49) vì họ tập trung

Khoảng 80% chủ lực quân CSBV đã có mặt tại miền Nam đầu năm 1975, họ để lại Quân đoàn 1 (gồm 3 Sư đoàn) tại miền Bắc làm lực lượng tổng trừ bị. Sau khi Quân khu II và I của VNCH sụp đổ, Bắc Việt đưa hết cả 3 Sư đoàn trừ bị vào Nam. Trong giai đoạn 1973-1975 Hà Nội cho chuyên chở vũ khí vào Nam thoải mái vì không bị oanh kích nên số lượng vũ khí đạn dược năm 1975 của họ tại miền Nam nhiều gấp hai hoặc gấp ba lần năm 1972.

Pháo binh và Thiết giáp BV đưa vào Nam được ước lượng không chính xác khoảng hơn 500 khẩu trọng pháo và hơn 500 xe tăng.

So sánh với tình hình năm 1972 ta thấy năm 1975 quả là bi đát, năm Quân khu II gồm 12 tỉnh, diện tích rộng lớn nhất, bằng nửa Việt Nam Cộng Hoà mà chỉ có 2 Sư đoàn bộ binh (22 và 23) và 7 Liên đoàn Biệt động quân bảo vệ, toàn bộ lực lượng chưa tới ba Sư đoàn là nơi yếu thế nhất đã được BV chiếu cố tấn công. Quân khu II dân số trên 3 triệu gồm các tỉnh Cao nguyên Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột, Lâm Đồng, Quảng Đức, Phú Bổn, Tuyên Đức, phía Đông là các tỉnh duyên hải gồm Bình định, Khánh Hoà, Bình Thuận… có 3 thành phố chính là Nha Trang, Qui Nhơn, Tuy Hòa, dân số tại đây thưa thớt hơn các quân khu khác. Sư đoàn 23 BB bảo vệ Cao nguyên, sư đoàn 22BB chịu trách nhiệm các tỉnh duyên hải.

Diễn tiến trận đánh

Tư Lệnh Quân đoàn II Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh phó Quân đoàn Chuẩn Tướng Trần Văn Cẩm, Tư Lệnh phó Quân khu Chuẩn Tướng Lê Văn Thân, Tham mưu trưởng Đại tá Lê Khắc Lý. Tại Ban Mê Thuột chủ lực quân của VNCH gồm 2 Tiểu đoàn (1, 3) thuộc Trung đoàn 53 đóng tại phi trường Phụng Dực (có nhân chứng nói chỉ có một tiểu đoàn) và ba Tiểu đoàn Địa phương quân. Theo Bút ký của Nguyễn Định, Ban Mê Thuột như một thành phố bỏ hoang, các đơn vị chủ lực đã được đưa tăng cường cho Pleiku và các nơi khác. Cũng theo ông này lực lượng của ta tại đây kể cả Nghĩa quân, Cán bộ xây dựng nông thôn, Nhân dân tự vệ cũng không quá 2,000 người. Con số Nguyễn Định đưa ra có lẽ quá thấp vì quân số tại các tỉnh nhỏ như Phước Long, Bình Long đã vào khoảng trên dưới 3,000 người, lực lượng VNCH tại Ban Mê Thuột chắc hẳn không dưới 3,000 hoặc 4,000 người vì đó là một tỉnh lớn.

Lực Lượng CS tại Quân khu II theo tài liệu Bắc Việt như sau:

“Lực lượng ta tham gia chiến dịch gồm: 5 sư đoàn (10, 320A, 316, 968, 3) và 4 trung đoàn bộ binh (25, 271, 95A, 95B), trung đoàn đặc công (14, 27), trung đoàn xe tăng- thiết giáp 273, 2 trung đoàn pháo binh (40, 675), 3 trung đoàn phòng không (232, 234, 593), 2 trung đoàn công binh (7, 575), trung đoàn thông tin 29, 6 tiểu đoàn vận tải, nhiều đơn vị bảo đảm của Bộ và lực lượng vũ trang địa phương các tỉnh diễn ra chiến dịch. Riêng lực lượng Mặt trận Tây Nguyên tham gia chiến dịch gồm 36 tiểu đoàn bộ binh, 5 tiểu đoàn đặc công, 13 tiểu đoàn pháo mặt đất, 18 tiểu đoàn phòng không, 3 tiểu đoàn xe tăng thiết giáp với tổng số quân 44.900 người.

Về vũ khí trang bị: có 88 pháo lớn, 1.561 súng chống tăng và hàng vạn súng bộ binh, 6 cơ cấu bắn B-72, 343 súng phòng không, 32 xe tăng, 25 xe bọc thép, 679 xe ô tô các loại. Ngoài ra còn có 21.800 cán bộ chiến sĩ làm lực lượng dự bị ở phía sau và hoạt động ở các hướng khác.

Bộ tư lệnh chiến dịch gồm: Hoàng Minh Thảo (Tư lệnh), Đặng Vũ Hiệp (Chính uỷ) Trich trong: Dương Đình Lập, Trần Minh Cao, Cuộc Tổng Tiến Công Và Nổi Dậy Mùa Xuân 1975, trang 90, 91.)

Như thế lực lượng CS tại Cao nguyên gồm 5 Sư đoàn BB và 4 Trung đoàn độc lập tương đương với 6 Sư đoàn, gấp hơn hai lần chủ lực quân VNCH, tổng số nhân lực kể cả lực lượng dự bị là 66,700 người. Bắc Việt đã được Nga, Tầu viện trợ cho nhiều vũ khí tối tân, ngoài ra họ còn được trang bị nhiều hoả tiễn tầm nhiệt hiện đại. Theo nhận định của phía CS, họ tập trung lực lượng tại khu vực chủ yếu nên tại đây bộ binh BV đông hơn VNCH gấp 5 lần, xe tăng coi như ngang nhau, pháo binh gấp 2. (Hồi ký ĐTMX Văn tiến Dũng trang 49)

Ngày 5/2/1975 Văn Tiến Dũng từ phi trường Gia Lâm đáp máy bay xuống Đồng Hới rồi vào Quảng Trị, tới sông Bến Hải, y đi xuồng máy tới Bộ chỉ huy chiến dịch tại phía Tây Gio Linh để chỉ đạo toàn bộ chiến dịch.

Ban Mê Thuột là tỉnh lỵ của Darlac, dân số 250,000 người gồm Kinh, thượng, Tầu và các chủ đồn điền Pháp và Ý, (cũng có tài liệu nói dân số 150,000 người), thị xã gồm 60,000 người. Tỉnh có nhiều đồn điền cà phê, cao su, nhiều thắng cảnh đẹp, nhiều gỗ quí, dân chúng đa số sống bằng nghề trồng trọt, làm đồn điền. Ban Mê Thuột có vị trí chiến lược quan trọng, phía bắc nối liền Pleiku, Kontum, Phú Bổn.. phía Nam đi Quảng Đức, Phước Long, phía Đông nối liền Nha Trang.

Trước khi mặt trận diễn ra, theo Nguyễn Trọng Luật, tỉnh trưởng Ban Mê Thuột, BV đưa những tin tức giả qua điện thoại để nghi binh, kế đó tấn công bất ngờ, đông đảo, nghi binh tối đa, họ vờ đánh Pleiku để nhử quân đội VNCH lên giải toả rồi cắt các đường dẫn đến Ban Mê Thuột, chiếm phi trường sau cùng ba mặt giáp công. Các Trung đoàn, Sư đoàn BV cắt các đường giao thông 19, 14, 21 nghi binh thu hút quân đội VNCH về phía Bắc (tức Pleiku) sau đó ồ ạt tấn công thị xã Ban Mê Thuột.

Theo hồi ký Văn tiến Dũng BV không đóng quân sẵn ở vị trí xuất phát tấn công mà tập kết từ xa vận động đến, chuyển quân bằng xe molotova, đây là lần đầu tiên BV đánh trận bằng xe hơi. BV bỏ qua vòng ngoài bất ngờ thọc sâu vào thị xã phối hợp với lực lượng đặc công đã có sẵn trong thị xã, rồi từ đó đánh ra ngoài, họ không đánh theo lối bóc vỏ. (Sách đã dẫn trang 69)

Ngày 1/3/1975 Sư đoàn 968 Bắc Việt chiếm đồn bót gần Thanh An, pháo kích phi trường Cù Hanh, Pleiku. Ngày 3/3 Trung đoàn 95 và Sư đoàn 3 CS ngăn chận quốc lộ 19 tại An Khê. Ngày 5/3 Trung đoàn 25 CS cắt Quốc Lộ 21 giữa Phước An và Khánh Dương, cắt đường Nha Trang-Ban Mê Thuột. Tướng Phú cho tăng cường Trung đoàn 45 tại Thanh An và cho 2 Tiểu đoàn BĐQ và thiết giáp giải toả quốc lộ 19. Ngày 7/3 Sư đoàn 320 CS chiếm Thuần Mẫn, ngày 9/3 Sư đoàn 10 CSBV tấn công Đức Lập, Quảng Đức, căn cứ núi lửa bị tràn ngập.

BV cô lập Ban Mê Thuột cả Bắc và Nam mà Tướng Phú vẫn cho là địch sẽ đánh Pleiku, ông lại nghĩ chúng nghi binh vờ đánh Ban Mê Thuột. Tuy nhiên theo đề nghị của Bộ tư lệnh Quân đoàn ông đã cho trực thăng vận 2 tiểu đoàn BĐQ thuộc Liên đoàn 21 từ Kontum đến Buôn Hô cách 30 km ở phía Bắc Ban Mê Thuột. Sự sai lầm của Tướng Phú đã được CS khai thác triệt để, họ nghi binh tối đa để đánh lừa ông và gọi đây là cuộc chiến tranh cân não.

Ngày 9/3 Tỉnh trưởng Ban Mê Thuột đã triệu phiên họp khẩn cấp tại toà hành chánh và báo động đỏ, cắm trại 100%. Hai giờ sáng ngày 10/3 đặc công Việt cộng trong thị xã đột nhập phi trường phá huỷ một máy bay, 3 Sư đoàn CS 316, 10, 320 với ba mũi tấn công thị xã phối hợp với đặc công đã nằm bên trong. CS pháo kích ầm ầm như phong ba bão táp vào các vị trí của quân trú phòng rồi đưa xe tăng, xe kéo pháo, phòng không, quân xa.. ồ ạt tiến về thị xã từ xa, lần đầu tiên BV đánh trận bằng xe hơi.

Trận bão lửa đã được Nguyễn Định ghi nhận .

“…Tiếng rít của hoả tiễn và đạn đạo 130 ly khủng khiếp như xé cả không gian mà người ta thực sự chưa từng nghe thấy một lần trong đời. Những tiếng nổ cứ liên tục như những dây pháo đại không ngừng, làm vỡ tung hết các cửa kiếng và rung chuyển cả thành phố như cảnh tượng động đất được thấy trên màn bạc . . Thành phố đã như con tầu chao nghiêng trong bão tố.”(Ban Mê Thuột Ngày Đầu Cuộc Chiến, bút ký.)

Theo hồi ký Văn Tiến Dũng (trang 69), trong một đêm BV đã đưa được một lực lượng đông đảo 12 Trung đoàn gồm bộ binh và các đơn vị xe tăng, pháo binh, phòng không.. khoảng ba Sư đoàn vào trận địa đúng thời gian. Họ bỏ qua các đồn bót dọc đường, tiến về thị xã, bắc phà cho cả đoàn xe vượt sông Serepok, các mũi tiến công đã tiến vào đúng thời gian. Địch chia làm 3 mũi tấn công, mũi thứ nhất đánh trại Mai Hắc Đế, cánh thứ hai đánh phi trường Phụng Dực (có 2 Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 53) tại đây 4 xe tăng bị bắn cháy, 200 tên địch bị hạ, cánh thứ ba đánh phi trường L19 để tiến vào thị xã tấn công tiểu khu, khi vào thị xã 10 xe tăng đã bị ĐPQ bắn cháy.

Vào buổi chiều Cộng quân chiếm được một nửa thành phố, ĐPQ, nghĩa quân, cảnh sát vẫn chiến đấu anh dũng tại nhiều nơi. Tướng Phú cho trực thăng vận Liên đoàn 21 BĐQ xuống Buôn Hô từ đó hành quân vào thị xã tiến chiếm Tiểu khu Ban Mê Thuột nhưng Liên đoàn không đạt được mục tiêu vì sự điều quân vị kỷ của Chuẩn Tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh Sư đoàn 23 BB. Nhiều tài liệu và nhân chứng cho thấy ông điều động Liên đoàn 21 đưa gia đình, vợ con ông về Trung tâm huấn luyện cách Ban Mê Thuột vài cây số để ông đưa trực thăng xuống bốc đi.

Cảnh hoang tàn ghê rợn của thành phố đã được Nguyễn Định mô tả như sau.

“Mười sáu giờ ngày thứ hai 10 tháng 3 năm 1975, Cộng quân hoàn toàn làm chủ tình hình tại thị xã Ban Mê Thuột, ngoại trừ khu vực Bộ tư lệnh sư đoàn 23 bộ binh còn được trấn giữ.

Trong thành phố tiếng súng nổ đã im, nhưng cảnh hoang tàn của thị xã thật không cách nào tả cho xiết. Những khu phố bị cháy không ai dập tắt. Đóm lửa, tro tàn, và bụi khói bao phủ khung trời thị xã như một màn sương đục. Mặt đường lỗ loang những dấu đạn cầy. . . . Rải rác trên các khu phố những vũng máu và thây người, kẻ bị thương, bị chết không ai săn sóc. Thị xã không hẳn là bãi tha ma, mà là hỗn độn của một thế giới nửa sống nửa chết.” (Ban Mê Thuột Ngày Đầu Cuộc Chiến, bút ký.)

Và dưới đây lúc sáu giờ chiều.

“Trong nội vi thị xã, cho đến 6 giờ chiều ngày 10 tháng 3 năm 1975, trận chiến được coi như kết thúc. Thành phố bây giờ như một bãi tha ma, chứa đầy tử khí. Những đống tro tàn của nhiều khu phố bị cháy, bụi khói và gạch vụn gợi cho người ta cái cảm xúc của một chiến trường tàn cuộc lạnh lẽo rợn người”. ( Nguyễn Định, BMTNĐCC.)

Sáng 11/3 không quân oanh tạc lầm vào Bộ Chỉ Huy của Tư lệnh mặt trận Ban Mê Thuột cắt đứt liên lạc với Quân đoàn II. Bắc Việt cho tăng cường Sư đoàn 320 tiếp tục tấn công phi trường Phụng Dực, Trung đoàn 53 cầm cự đến ngày 17/3 thì chấm dứt, Phạm Huấn cho biết họ chiến đấu quả cảm tới người cuối cùng, nhưng cũng có tài liệu nói một số ít thoát ra khỏi vòng vây chạy vào rừng. Nguyễn Định nói các lực lượng trú phòng như ĐPQ, nghĩa quân, Cảnh sát đã chiến đấu hết sức mình nhưng phải chịu thua trước số đông áp đảo của địch.

Ngày 11/3 Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23 lập kế hoạch tái chiếm Ban Mê Thuột.

-Trung đoàn 45 được trực thăng vận từ đèo Tử Sĩ đến quận Phước An để tiến vào hướng Đông thị xã.

- Liên đoàn 7 BĐQ được không vận từ Sài Gòn ra thay trung đoàn 44, Trung đoàn này sẽ được trực thăng vận tới Phước An.

Ngày 13/3 Trung đoàn 45 tiến về Ban Mê Thuột bị chận đánh cầm chân tại vòng đai thị xã, Liên đoàn 21 Biệt động quân bị đánh rút ra khỏi phi trường L19, cuộc trực thăng vận Trung đoàn 44 bị hủy bỏ, pháo binh chỉ còn hai khẩu 105 ở Phước An, không quân gặp nhiều khó khăn vì BV xử dụng hoả tiễn tầm nhiệt SA-7. Ngày 15/3 Tổng thống Thiệu hủy bỏ kế hoạch tái chiếm và cho lệnh rút khỏi Phước An. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 44 thất vọng nói “ không có một tia hy vọng nào giải cứu Ban Mê Thuột”. Cuộc phản công tái chiếm Ban Mê Thuột thất bại vì ta không đủ lực lượng vả lại các đường dẫn vào Ban Mê Thuột đã bị cắt hết.

Nguyên nhân, hậu quả

BV lấy được nhiều chiến lợi phẩm của VNCH, Cục trưởng hậu cần BV khoe là họ đã lấy được nhiều lương thực, xe cộ, nhiều đạn trong kho Mai Hắc Đế, Ban Mê Thuột. Tác giả Nguyễn Đức Phương đã nhận xét về diễn tiến trận đánh chiếm Ban Mê Thuột của Cộng quân như sau. “Do những thất lợi về phương tiện vận chuyển và yếu tố quân số của QLVNCH, kế hoạch tấn công Ban Mê Thuột của Tướng Văn Tiến Dũng khá đơn giản, bao gồm hai yếu tố bí mật bất ngờ và tập trung đông quân số để áp đảo địch quân. Đầu tiên đánh vào một số diện tại quân khu 2 để lôi cuốn các đơn vị QLVNCH có nhiệm vụ giải toả. Sau đó cắt đứt các trục lộ giao thông chính dẫn đến mục tiêu đồng thời chiếm các phi trường để ngăn chận tiếp viện bằng đường hàng không để sau cùng cường tập tiêu diệt điểm với chiến thuật ba mũi giáp công” (Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 716.)

Hậu quả của trận Ban Mê Thuột không thể lường trước được. Một ngày sau khi BV tấn công Ban Mê Thuột, Tổng Thống Thịêu mở phiên họp tại Dinh Độc Lập ngày 11/3 gồm Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Đại tướng Cao Văn Viên, Trung tướng Đặng Quang, Phụ tá an ninh Quốc Gia. Nội dung nói về kế hoạch di tản Quân khu I và II về giữ Quân khu III và IV và chỉ giữ một phần duyên hải Vùng II vì lãnh thổ quá rộng không đủ lực lượng bảo vệ. Ngày 14/3 trong một phiên họp tại Cam ranh với Hội Đồng Tướng Lãnh ông Thiệu quyết định di tản toàn bộ chủ lực thuộc Quân đoàn II về duyên hải qua tỉnh lộ 7.

Trận Ban Mê thuột mở đầu cho giai đoạn chót của cuộc chiến tranh Việt Nam. BV có yếu tố bất ngờ, bảo mật, Ban Mê Thuột không thuận lợi cho việc phòng thủ. Từ tháng 2/1975, Bộ Tư lệnh Quân đoàn II đã báo cáo tin tức cho thấy BV chuẩn bị đánh Ban Mê thuột do tù binh, hồi chánh viên khai báo kế hoạch của địch. Các cuộc hành quân Phượng Hoàng của Cảnh sát, nghĩa quân, những người khai thác lâm sản… đã báo cáo cho chính quyền Ban Mê Thuột biết tin tức về địch xuất hiện gần thị xã.

Khi Tồng thống Thiệu đến ăn Tết với Trung đoàn 44, Trung tá Trưởng phòng 2 Sư đoàn 23 đã trình lên Tổng thống, ông bèn lệnh cho Tướng Phú điều Sư đoàn 23 trở lại Ban Mê Thuột nhưng Tướng Phú tin Cộng quân sẽ đánh Pleiku, chúng giả vờ nghi binh tại Ban Mê Thuột. Tướng Nguyễn cao Kỳ sau này cho biết chúng ta không bị bất ngờ khi CS tấn công Ban mê Thuột, ông Cao Văn Viên đã được thông báo cho biết kế hoạch đánh Ban Mê Thuột, theo ông Kỳ Tướng Viên đã bàn với Tướng Thiệu, Phú về kế hoạch phòng thủ Ban Mê thuột. Tướng Phú cứ nhất quyết ông nắm vững tình hình, địch sẽ đánh Pleiku, sự thực ông đã mắc kế nghi binh của CS, không ai cản được ông ấy. Bộ TTM của QĐVNCH đã cảnh báo Tướng Phú coi chừng BV đánh Ban Mê Thuột nhưng ông vẫn khăng khăng địch sẽ đánh Pleiku.

Theo Đại tá Nguyễn Trọng Luật, CS biết phía VNCH hay nghe lén truyền tin của họ và họ đã đưa những tin giả để đánh lừa ta. Tướng Phú đã mắc lừa kế nghi binh của CS, theo Tướng Hoàng Lạc trước ngày Văn Tiến Dũng lên đường vào Nam, Võ Nguyên Giáp đã dặn Dũng phải nghi binh tối đa để đánh hoả mù. Yếu tố bất ngờ của Ban Mê Thuột cũng như Tết Mậu Thân ở chỗ không ai tiên đoán được tầm mức rộng lớn của nó. Bộ Tư lệnh Quân đoàn II không thể ngờ được Bắc Việt đã đưa vào Quân Khu II đến 6 Sư đoàn vì thiếu tin tình báo, không đánh giá đúng mức lực lượng địch

Yếu tố địa hình Ban Mê Thuột không có chướng ngại thiên nhiên như Kontum để trì hoãn sự tiến quân của CSBV, diện tích rộng hơn Kontum Pleiku nhiều. Ban Mê Thuột trên thực tế không có vòng đai phòng thủ liên tục, quá nhiều đồn điền san sát nhau, địch có thể lợi dụng ngụy trang. Những cánh rừng già phía Tây Bắc đã được công binh CS chuẩn bị sẵn.

Tại Ban Mê Thuột tấn công bằng chiến xa rất khó, Pleiku với những đồi thoai thoải dễ hơn nhưng BV đã cho công binh dọn đường trước, họ cưa 2 phần 3 các gốc cây lớn, cây không bị đổ, máy bay thám thính ở trên cao nhìn xuống không thấy dấu hiệu gì, CS ngụy trang rất khéo ngay từ thời chiến tranh Việt Pháp 1946-1954 cũng vậy. Khi mặt trời lặn chiến xa cứ việc ủi sập cây mà tiến vào thị xã dễ dàng. Hai giờ sáng Cộng quân pháo ầm ầm vào thị xã như vũ bão để che lấp tiếng động cơ xe chạy, đến 7 giờ xe tăng địch đã vào trong thành phố.

Tướng Phú mới lên nhậm chức Tư lệnh quân đoàn có vài tháng nên không nắm vững tình hình cho lắm, không có uy tín với Bộ Tổng tham mưu. Ông nhậm chức Tư lệnh quân khu ngày 5/11/1974 do Phó Tổng thống Trần văn Hương đề nghị thay thế Tướng Nguyễn Văn Toàn bị kết án tham nhũng, không do Tổng Tham mưu trưởng đề nghị nên trước khi ra đơn vị, lên trình diện Bộ Tổng Tham mưu đã không được Tướng Cao Văn Viên tiếp đón. Theo Phạm Huấn, Quân đoàn II lủng củng nội bộ, nhiều sĩ quan cao cấp tại Quân đoàn vô kỷ luật, bất mãn không hợp tác với Tướng Phú, ông mới nhậm chức chưa đủ thời gian nắm vững tình hình. Ngoài ra 2 tháng trước khi sẩy ra trận Ban Mê Thuột, theo Nguyễn Đức Phương quân số Quân đoàn II không tới 70%, thiếu tiểu đội trưởng. Tham mưu trưởng với Bộ tham mưu bất hợp tác, hai Tướng phó tư lệnh hữu danh vô thực, các đơn vị chỉ phòng ngự mà không có một cuộc hành quân thăm dò nào để tìm diệt địch.

Nhiều người qui trách nhiệm cho Tướng Phú đã để mất Ban Mê Thuột, Phạm Huấn cho rằng ông không đủ khả năng nắm giữ một Quân đoàn. Mặc dù đã có tin tức tình báo cho hay Việt Cộng sẽ đánh Ban Mê Thuột, ngay cả Tướng Viên và ông Thiệu đã nhắc nhở Tướng Phú coi chừng Việt Cộng tấn công Ban mê Thuột nhưng ông vẫn nói mình nắm vững tình hình, vẫn một mực tin rằng địch sẽ đánh Pleiku, không ai cản được ông vì đã bị mắc lừa kế nghi binh của CS.

Dư luận chung của giới chức cao cấp quân sự và các ký giả, sử gia.. đều cho rằng Tướng Phú là người không đủ khả năng để chỉ huy một đại đơn vị nên đã để mất Ban Mê Thuột. Ông Cao Văn Viên cho rằng việc thay đổi chức vụ Tư Lệnh Quân khu II là một trong những nguyên do đưa tới sự thất thủ Ban Mê Thuột, ý ông nói cựu Tư lệnh Quân khu II Nguyễn Văn Toàn có nhiều kinh nghiệm và khả năng hơn Tướng Phú.

Ngoài ra tại Quân khu II lực lượng BV rất mạnh, họ đã đưa vào chiến dịch Tây nguyên tới gần 6 Sư đoàn trong khi ta chỉ để 2 Sư đoàn chủ lực và 7 Liên đoàn Biệt động quân lại phải trải ra phòng thủ nhiều nơi trong Quân khu. Theo Nguyễn Đức Phương dù biết trước Ban Mê Thuột bị tấn công để tăng cường yểm trợ cũng khó mà giữ được, VNCH chỉ có thể đưa tới mặt trận một, hai Trung đoàn hoặc một vài Liên đoàn biệt động quân vì không còn quân trừ bị, cái khó nó bó cái khôn. Nguyễn Đức Phương cho rằng qua kinh nghiệm Mùa hè đỏ lửa 1972, mặc dù đã tập trung Sư đoàn 23 BB tại Kontum nhưng việc phòng thủ khó có thể thành công nếu không có yểm trợ của máy bay chiến lược B-52, mặt trận Ban Mê Thuột chỉ có sự yểm trợ của không quân chiến lược B-52 mới có thể cứu vãn tình thế, nhưng từ nay yểm trợ của B-52 không bao giờ có được.

Như đã nói ở trên lực lượng hai bên đã rất chênh lệch CS lại đánh lén, thì họ phải thắng. Theo Nguyễn Đức Phương nếu biết trước và tăng cường yểm trợ để gây tổn thất nặng nề cho BV thì có thể giảm bớt áp lực địch tại các mặt trận khác hy vọng không đưa tới tình trạng hốt hoảng hỗn loạn dây chuyền đưa tới sụp đổ.

Chúng ta có thể kết luận Ban Mê Thuột thất thủ vì.

-Lực lượng và hỏa lực hai bên quá chênh lệch, BV đã đưa vào trận địa khoảng 3 Sư đoàn, gấp mười lần quân trú phòng trong khi VNCH chỉ có hai tiểu đoàn (1, 3) thuộc Trung đoàn BB 53, còn lại là phụ lực quân, cảnh sát. Trận giội bão lửa được Văn tiến Dũng kể lại trong hồi ký (trang 68) và Nguyễn Định trong bút ký cho thấy hỏa lực địch áp đảo của địch
- Sự sai lầm của Tướng Phú khi cho rằng CSBV tấn công Pleiku trước, ông đã mắc lừa kế nghi binh của đối phương.
-Lãnh thổ rộng thu hút gần hết chủ lực quân, lực lượng tổng trừ bị không còn.
-Chủ lực quân VNCH tại quân khu II thiếu hụt không đủ để chống lại áp lực mạnh của BV
-Thiếu tin tức tình báo.

Nhưng phải nói rằng yếu tố chính là VNCH đã bị cắt giảm hỏa lực tới xương tủy. Trước đó vài tháng, tại Phước Long quân đội VNCH lâm vào tình trạng kiệt quệ đạn dược. Mấy tuần sau khi Phước Long mất, ngày 24 và 25/1/1975 TT Thiệu gửi hai bức thư cho TT Ford phản đối CSBV tấn công chiếm Phước Long vi phạm trắng trợn Hiệp định Paris. Kissinger trong Years of Renewal trang 490 nói TT Thiệu diễn tả cuộc tấn công này của địch rất qui mô hùng hậu bằng hỏa lực mạnh và thiết giáp. Trái lại quân đội miền nam VN đã phải đếm từng viên đạn pháo để tiết kiệm hầu còn đạn xử dụng

Trận Ban Mê Thuột đã đưa tới sụp đổ Quân đoàn II và những sụp đổ kế tiếp lớn lao hơn thế, đó là một khúc quành bi thảm trong cuộc chiến tranh dài nhất của thế Kỷ.

© Trọng Đạt
© Đàn Chim Việt

Tài Liệu tham khảo.
Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.
Nguyễn Đức Phương: Những Trận Đánh Lịch Sử Trong Chiến Tranh Việt Nam, 1963-1975, Đại Nam.
Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hoà, Vietnambibliography, 2003
Phạm Huấn: Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước 1975, Cali 1988.
Phạm Huấn: Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975, Cali 1987.
Hoàng Lạc, Hà Mai Việt: Việt Nam 1954-1975, Những Sự Thật Chưa Hề Nhắc Tới, Texas 1990
Trần Đông Phong: Việt Nam Cộng Hoà, 10 Ngày Cuối Cùng , Nam Việt 2006.
Văn Tiến Dũng: Đại thắng Mùa Xuân, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội 2005.
Dương Đình Lập: Cuộc Tổng Tiến Công Và Nổi dậy Mùa Xuân 1975, Nhà xuất bản Tổng Hợp T.P.H.C.M 2005.
Henry Kissinger: Years of Renewal- Simon & Schuster 1999
Richard Nixon: No More Vietnams, Arbor House, New York 1985
Lam Quang Thi: Autopsy The Death Of South Viet Nam, 1986, Sphinx Publishing.
Stanley Karnow: Viet Nam, A History, A Penguin Books 1991.
Marilyn B. Yuong, John J. Fitzgerald, A. Tom Grunfeld: The Viet Nam War, A history in documents, Oxford University Press 2002.
Nguyễn Định: Ban Mê Thuột Ngày Đầu Cuộc Chiến, doanket.orgfree.com
Nguyễn Trọng Luật: Nhìn Lại Trận Đánh Ban Mê Thuột, doanket.orgfree.com
Trần Gia Lương: Một Cái Nhìn Về Tướng Phạm Văn Phú, Sài Gòn Nhỏ Dallas 2004
Thiếu Tướng Lê Quang Lưỡng: Thiên Thần Mũ Đỏ, Ai Còn Ai Mất, Người Việt Dallas số 7-10-2005.
Nguyễn Kỳ Phong: Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam: Người Việt Dallas 21-6-2006
Lewis Sorley: Lịch Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, Trần Đỗ Cung dịch, Người Việt Dallas số 26-4-2006.

45 Phản hồi cho “Trận Ban Mê Thuột tháng 3-1975”

  1. Nguyễn Trọng Dân says:

    Kể từ sau năm 1975 , Cộng Sản vào miền Nam gây bao tội ác… khiến dân miền Nam ai oán chết chóc tan thuơng .

    Thế là mọi người quay sang oán hận Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu , cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ, cũng như chỉ trích thị phi , dựng chuyện không bằng chứng cụ thể về các tướng lãnh chỉ huy vùng. Ai cũng đổ thừa …..” tại Thiệu mà ta khổ thế này , tại bọn tướng hèn bỏ chạy mà nước nhục thế này ,……etc”

    Chơi kiểu gì kỳ vậy?

    CỘNG SẢN LÀM ÁC , LÃNH ĐẠO VNCH CHỊU TIẾNG OÁN LÀ SAO?

    Bắt chước con tôm…để cứt lên đầu à?

    Đã vậy còn phun ra bao nhiêu tài liệu MÀ NẾU XÉT NGHIỆM KỸ…toàn là phỏng vấn phun khói ú ớ u a ù ờ , không có tài liệu chứng cụ thể như government meeting notes , strategic plan OP note…. chỉ là ông này kể lại , ông kia nghĩ như thế này , ông nọ cho rằng…..

    Rồi cứ thế có một lập lại 10 , từ mười biến thành bằng chứng hay sao?

    Toàn bộ hồ sơ của Dinh Độc Lập , từ giấy tờ hàng ngày cho đến note các cuộc điện đàm , trao đổi… có ai có được tờ giấy nào chưa mà biết là Thiệu tính thế này , tướng Phú..tính thế kia?

    Lời kể một chiều , trên phương diện xét nghiệm sử học…là INVALID !

    Ki’nh

  2. HN says:

    Tonydo nói
    “Đã không có một thống kê nào về riêng của người Việt ở Mỹ, nhưng theo tìm hiểu của em thì chỉ cần nhìn hai ngành có đông người Việt dính vô là PHỞ và NAIL là có thể hiểu được cái Tư Duy khoái Tự Do của dân ta.
    Trong cuộc trưng bày (làm thiện nguyện) những xe mắc tiền, triệu đô trở lên trước cửa Phước Lộc Thọ, phố Bolsa, Little Saigon, tất cả gần trăm xe góp mặt là của bà con làm Nail và một ìt thuộc về Phở.”
    (hết trich)
    Có nhiều thống kê về người VN tại Mỹ nhưng anh chưa đọc đấy thôi, có khoảng 4 người tỷ phú Mỹ gốc VN, 8 người có từ 200 triệu Mỹ kim trở lên (trong bài Tám triệu phú gốc Việt)
    Những em chủ tiệm nail, phở chỉ là cò con, cao lắm có vài triệu dollars là hết cỡ, người Việt có từ vài chục triệu trở lên không phải là ít anh Tonydo ạ

    • tonydo says:

      Kính đàn anh!
      Sự khác biệt giữa kinh tế Tư Bản và Xã Hội Chủ nghĩa là ở sự can thiệp nhiều hay ít vào nền kinh tế của xã hội đó.
      Châu Âu và Mỹ khác hẳn nhau.

      Có lẽ tùy theo hoàn cảnh Chính Trị, Quân Sự, Địa Dư, Văn Hóa, Sắc Tộc, Tài Nguyên, Dân số, Lịch Sử, Hoàn Cảnh hiện tại..v.v. mỗi chính quyền của một quốc gia phải chọn lựa một Khung Mẫu thích hợp nhất để điều hành một cách hiệu quả nhất.

      Xin đàn anh đọc trên Google với tiêu đề:
      ( Compare between Capitalism vs. Socialism)
      (What Is the Difference Between Capitalism and Socialism?)

      Em có copy & paste một bài khảo sát về tỷ lê dân chúng Hoa Kỳ nhìn sự khác biệt giữa hai nền kinh tế, nhưng chắc quá dài nên Người Đẹp Mạc Việt Hồng không cho.
      Chúc vui vẻ cuối tuần, đàn anh.

      • HN says:

        Những dữ kiện trên wiki hay trên mạng cũng thường thôi ông bạn Tonydo ạ
        Thường những thông tin trên sách đáng tin hơn là wiki, nên đọc sách hơn là đọc trên internet, trường hợp bất đắc dĩ mới phải đọc trên web
        Cám ơn nhiều

      • Nói Toẹt Móng Heo says:

        Tinh thần tìm hiểu và học hỏi của bác tonydo thật đáng quý. Cũng may mà bác thoát khỏi cái thiên đàng mù cộng phỉ để đến bến bờ tự do, vùng đất màu mỡ cho tinh hoa tự do phát triển!

        Là những người tị nạn làm ăn lương tiện mà chắt bót, dành dụm được vài trăm ngàn $ thì cũng đã đáng quí lắm rồi, đàng này đã có đến “khoảng 4 người tỷ phú Mỹ gốc VN, 8 người có từ 200 triệu Mỹ kim trở lên thì ” thì càng thêm khâm phục, hats off?

        Đâu như ở VN, cán bộ đảng viên cao cấp của nhà nước độc tài CSVN làm giàu bằng cách ăn cắp của công, ăn cướp của dân, rút ruộc công trình, tham nhũng hối lộ, hành dân để móc túi làm giàu bất chính!

  3. Nguyễn Trọng Dân says:

    Thưa,

    Việt Nam Cộng Hòa là một chính thể chính trị không phải đại diện cho một đảng phái , cho một định huớng mà đại diện cho một Dân Tộc và đại diện cho đa nguyên dân chủ. Vì vậy , chính thể Việt Nam Cộng Hòa sẽ hồi sinh không phải bằng quá khứ mà bằng khát vọng Dân Chủ và Thịnh Vượng trong lòng của mỗi người dân Việt Nam khi nhìn về tương lai quốc gia

    Chủ Nghĩa Xã Hội đã không đem đến ruộng đất cho người dân như đã hứa hẹn hay tuyên truyền. Ngược lại, chính Đảng Cộng Sản còn sát hại nhân dân để cướp bốc ruộng đất

    Việt Nam Cộng Hòa với chính sách “Người Cày Có Ruộng” đã làm sửng sốt mọi người vì sự thành công của chính sách này. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa mua lại ruộng đất của điền chủ , đại điền chủ rồi đem ruộng đất đó trao lại cho người càY , nông dân . Không có giết chóc , không có đấu tố và người cày vẫn có ruộng sanh nhai , phát triển.

    Chủ nghĩa Xã Hôi không đem đến một chương trình an sinh xã hội nào tài trợ người nghèo như đã tuyên truyền. Ngược lại , người nghèo đã chết đói ở Thanh Hóa năm 1986 , người nghèo đã chết đói ở Sài Gòn , Long Khánh năm 1979 và trẻ em nghèo đã chết đói trong lớp học năm 2014. Chủ Nghĩa Xã Hội chỉ đem đến chết đói mà thôi.

    Việt Nam Cộng Hòa đã cưu mang trợ cấp cả triệu người di cư chân ướt chân ráo từ miền Bắc vào Nam với đôi bàn tay trắng từ nơi ở đến tài chánh. Việt Nam Cộng Hòa có trợ cấp lương thực , y tế cho những vùng bị Việt Cộng pháo kích , có trường , trại cho trẻ em mồ côi ăn học , có chương trình tài trợ học bổng cho học sinh giỏi mà nghèo , kể cả du học, có chính sách cực kỷ ưu đãi cho các sắc tộc thiểu số …. Tiếc rằng chiến tranh bom đạn đã lấn át đi những nổ lực dân sinh mà chính thể Việt Nam Cộng Hòa ráng cưu mang tới cùng .

    Chủ Nghĩa Xã Hội không đem đến độc lập cho dân tộc như tuyên truyền mà ngược lại , bản công hàm Phạm Văn Đồng , hiệp nghị Thành Đô đang làm đất nước lâm vào vòng lệ thuộc Trung Quốc ngày càng rõ hơn

    Việt Nam Cộng Hòa chỉ chiến đấu để đất nước khỏi bị Cộng Sản hóa , khỏi bị độc tài Mác Xit làm tan nát đói khổ ngu đần mấy thế hệ. Việt Nam Cộng Hòa chỉ chiến đấu cho một mục tiêu duy nhất , đó độc lập toàn vẹn lãnh thổ và tự do công chính cho dân tộc Việt Nam

    Cộng Sản không hề thắng trận như rêu rao mà đã xụp đổ ở Liên Xô , Đông Âu , biến chất , chia rẽ biến chất và đang yếu đi ở Việt Nam , Trung Quốc

    Việt Nam Cộng Hòa không hề thất bại vì lãnh đạo tồi , hèn hạ như mọi người lầm tưởng hay cố tình mạ lị mà Việt Nam Cộng Hòa đang quay trở lại Việt Nam bằng một khát vọng muốn nhìn thấy thế hệ lãnh đạo mới có tấm lòng , có phong thái cũng như nỗ lực vì dân giống như tổng thống Ngô Đình Diệm , tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỷ.

    Hồ sơ mật sẽ có một ngày không còn bí mật , tấm lòng thành , trải bao thị phi sẽ có ngày được hậu thế minh xét , ca ngợi. Hình ảnh ba Vị – hậu thế cãm thông , ca ngợi không phải vì ba Vị là những kẻ đại thắng mà vì lòng can đãm , quả cãm nhận lãnh trách nhiệm lịch sữ ở giai đoạn mà đất nước lung lay , tan nát , đọan trường nhất trước một lũ người nở nhẫn tâm bán rẽ dân tộc mình cho Cộng Sản và tàn bạo tối đa , hèn hạ tới bến để tồn tại trên quyền lực.

    Xin tình nguyện là người thật lòng cám ơn tấm lòng của ba Vị : tổng thống Ngô Đình Diệm , tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỷ. trước ánh mắt lầm lẫn hiện nay của nhân thế , thị phi của các sử gia hạng tồi.

    Phải , cả ba Vị đã thất bại về sự nghiệp nhưng đã chiến thắng về LƯƠNG TÂM- một chiến thắng đầy dân tộc tính!

    Và đương nhiên , Việt Nam Cộng Hòa sau cùng sẽ thắng vì sức mạnh của LƯƠNG TÂM LÀ BẤT DIỆT trước giả dối lầm lẫn mù quáng của Chủ Nghĩa Xã Hội !

    Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm !

    Kính

    Merci DCV

    • tonydo says:

      Mới đây khi được hỏi, 95% dân số Việt Nam thích kinh tế Tư Bản, chỉ có 5% muốn quay lại kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa.

      Thế nhưng người Mỹ, cha đẻ của nền kinh tế Tư Bản thì lại chỉ có 70% dân số khoái kinh tế Tư Bản mà thôi.

      Thưa Thầy!
      Đã không có một thống kê nào về riêng của người Việt ở Mỹ, nhưng theo tìm hiểu của em thì chỉ cần nhìn hai ngành có đông người Việt dính vô là PHỞ và NAIL là có thể hiểu được cái Tư Duy khoái Tự Do của dân ta.

      Trong cuộc trưng bày (làm thiện nguyện) những xe mắc tiền, triệu đô trở lên trước cửa Phước Lộc Thọ, phố Bolsa, Little Saigon, tất cả gần trăm xe góp mặt là của bà con làm Nail và một ìt thuộc về Phở.

      Mặc dù chỉ phải học 3,4 tháng cho nghề Nail, vào bếp học “lỏm” vài tháng cho nghề Phở nhưng sở dĩ họ thành công, giàu có vì họ được Tự Do suy nghĩ và làm việc cật lực cho những thành quả của chính mình.

      Trong nước, tụi Tư Bản Đỏ-Con Ông Cháu Cha không cho người dân cơ hội tận hưởng thành quả lao động của chính mình.

      Ngửi thấy mùi tiền trong túi của dân là chúng nó tìm cách làm khó dễ để ăn chặn tới đồng cuối cùng của bà con mình.

      Mới có ý tưởng hay định xắn tay vô làm thì tụi nó đã đòi đớp hít rồi, còn chi vốn liếng mà phát triển.

      Trích Nguyễn Trọng Dân:

      (Việt Nam Cộng Hòa với chính sách “Người Cày Có Ruộng” đã làm sửng sốt mọi người vì sự thành công của chính sách này. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa mua lại ruộng đất của điền chủ , đại điền chủ rồi đem ruộng đất đó trao lại cho người cày , nông dân . Không có giết chóc , không có đấu tố và người cày vẫn có ruộng sanh nhai , phát triển.) (hết trích).

      Đoạn trên đúng 101%.
      Cải cách ruộng đất của Hồ Chí Minh-Trường Chinh-Lê Văn Lương-Hồ Đức Thắng thì giết quá nhiều người.

      Làng xã nào trên Miền Bắc hiện nay cũng chắc chắn còn nhiều NHÂN CHỨNG SỐNG.
      Em là một.

      Cám ơn và chúc sức khoẻ đàn anh.

      • hn says:

        Tonydo nói
        “Mới đây khi được hỏi, 95% dân số Việt Nam thích kinh tế Tư Bản, chỉ có 5% muốn quay lại kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa.
        Thế nhưng người Mỹ, cha đẻ của nền kinh tế Tư Bản thì lại chỉ có 70% dân số khoái kinh tế Tư Bản mà thôi.”
        Ihết trích)

        Thưa anh Tonydo
        Vì anh sống từ xã hội chủ nghĩa sang Mỹ nên mới có sự phân biệt Kinh tế tư bản và kinh tế XHCN (xiết họng công nhân) còn những người đã sống trong thế giới Tự do như tôi đây chẳng hạn đã ở Saigon trước 1975 thì chỉ biết kinh tế Thế giới tự do chứ chẳng ai phân biệt KT Tư bản và KT XHCN là cái quái gì

        Tại USA người Mỹ họ cũng chẳng ai biết cái KTXHCN là cái quái gì, cũng chẳng ai biết cái KTTB là cai’ quai’ gì, họ sướng nhất thế giới: đời sống cao nhất, vật giá rẻ nhất và trên thế giới ai cũng thèm nhỏ rãi được vào Mỹ, ở Mỹ, ngay cả con cháu Bác Hồ cũng thèm sang sống với Đế quốc, nếu chỉ có 70% nguòi Mỹ thích KT Mỹ thì chẳng lẽ 30% người Mỹ còn lại thích về ở với Bác Hồ, anh có nói lộn không đấy chứ?

  4. Lại Mạnh Cường says:

    Mạn Ðạm với BS Nguyễn Lưu Viên: Từ Hà Nội La Celle-Saint Cloud đến những ngày VNCH hấp hối

    Trích từ Dân Chủ – Lâm Lễ Trinh

    Muà hè năm nay, Bs Nguyễn Lưu Viên từ Virginia về thăm gia đình ở Californie và lần đầu tiên sau trên bốn thập niên xa cách, chúng tôi mới có dịp tái ngộ để nhắc lại nhiều kỷ niệm chung thời xa xưa Hànội, khi anh là một sinh viên Y khoa, ngụ tại 135 đường Charon, sau Nhà Diêm, với Lê Quang Thuận, Khổng Toán, Ngô Thiện Khai… còn tôi thì học Luật, trú tại Ðông dương Học xá, phố Huế, với Trần Công Dung, Xuân Diệu, Cù Huy Cận, Dương Ðức Hiền, Lâm Trọng Thức..
    Sẵn dịp, anh đồng ý để tôi ghi âm cuộc nói chuyện thân mật về những năm dài anh họat động chính trị, đặc biệt với tư cách Trưởng đoàn tại Hội nghị Hiệp thương La Celle Saint- Cloud và trong chức vụ Phó Thủ tướng của ba nội các Trần Văn Hương (năm 1964, kiêm Tổng trưởng Nội vụ), Nguyễn Cao Kỳ (năm 1965. kiêm Tổng ủy phụ trách khối Văn hóa – Giáo dục và Xã-Lao) và Trần Thiện Khiêm (năm 1968, kiêm bộ Văn hóa- Giáo dục cho tới 1972.
    Từ 1973, hành nghề bác sĩ tại Viện Pasteur Saigon cho đến khi miền Nam thất thủ vào tháng tư 1975.

    Bs Nguyễn Lưu Viên (NLV), sanh năm 1919, tại Trà Vinh, sức khoẻ còn tốt và trí nhớ vẫn sắc bén. Anh vui tính như xưa, nói năng cười đùa lớn tiếng. Thoát ra khỏi Sàigòn ngày 29.4.1975 trên một tàu Hải quân Việt Nam, (gia đình cho xuất ngoại trước), anh qua Guam, rồi Pendleton, tu nghiệp ở Oklahoma và hành nghề bác sĩ 11 năm tại Baptist Hospital, Union City, tiểu bang Tennessee. Về hưu ở Virginia năm 1988, anh sống ẩn dật, ít tiếp xúc bên ngoài nhưng không ngớt ưu tư về đất nước.

    Cuộc mạn đàm gồm có ba phần: Giai đọan tập kết theo Kháng chiến, dự Hội nghị La Celle Saint Cloud và nhận xét về những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam Cọng hoà.

    (…)

    Vấn: Ở đọan trên, anh có nói: khi đi nhóm tại La Celle Saint Cloud, anh không tin hội nghị đem lại kết quả vì vấn đề sẽ giải quyết trên chiến trường miền Nam. Xin vui lòng cho biết rõ: Ai giải quyết? MTGPMN? Hoa Kỳ? hay Chính phủ Sàigòn?

    Ðáp: Nhiều người trong phái đoàn VNCH – luôn cả Bs Trần Văn Ðổ – cũng tin Mỹ sẽ giúp Sàigòn giải quyết. Ðặc biệt, với oanh tạc cơ B52. Trước Ban Mê Thuột, tôi ‘có cảm tưởng (TT) Thiệu nghĩ đến giải pháp Việt Nam có thể chia thành ba vùng: CS phía Bắc, MTGPMN từ vỹ tuyến 17 đến vỹ tuyến 13, và Việt Nam Cọng hoà, phần đất còn lại. Ðúng vậy, tôi còn nhớ một buổi chiều, – trước vụ bỏ Ban Mê Thuột – ông Thiệu họp với (Phó Tổng thống) Trần Văn Hương, (Thủ tướng) Trần Thiện Khiêm, tôi (Nguyễn Lưu Viên), Nguyễn Văn Hảo (Phó thủ tướng, kiêm khối Kinh tế- Tài chính), (Trung tướng) Ðặng Văn Quang và (Thiếu tướng CA) Nguyễn Khắc Bình tại Dinh Ðộc Lập. Hảo nói, với giọng bỡn cợt,: Trời ơi! Thưa Tổng thống, sao mà đánh đâu chạy đó vậy?( hì hì), mình phải làm gì chớ?. Ông Thiệu liền chỉ vào một bản đồ quân sự lớn treo trong Văn phòng: Ðây! – ông trả lòi – đây Ðà Nẵng, sẽ là Stalingrad và ông vẽ một đường từ Ðèo Cả xuyên tới Ðà Lạt. Liền sau đó, có lệnh cho Quân đội quốc gia tử thủ, không được rút xa hơn nữa. Cụ Hương sửa vài chữ trong thông cáo và trao cho Ðại tá Cầm điện cho các ông tướng liên hệ.
    Về giả thuyết chia Việt Nam làm ba, tôi nhớ sự việc diễn ra như sau: Bữa đó, Phó Thủ tướng Trần Văn Ðôn vưà đi quan sát ở Mỹ và Âu châu về. TT Thiệu tiếp Ðôn để nghe báo cáo và cùng chúng tôi lên Dinh Ðộc Lập ăn cơm. Khi đi ngang chỗ đang sửa chữa vì vừa bị dội bom, ông Thiệu thấy có treo một lá cờ vàng ba sọc đỏ, ông liền nói: Không biết các anh có tin dị đoan hay không, chớ còn tôi, tôi nghĩ ba gạch tượng trưng cho đất nước mình sẽ chia ra làm ba!. Có lẽ ý kiến này đã thoáng qua tâm trí của ông Thiệu lúc đó. Không ai phản ứng hay bình phẩm gì. Trong số quan khách, có cả Bs Phan Quang Ðán.

    Vấn : Khi bỏ Ban Mê Thuột, Ông Thiệu có bàn trước với Nội các hay cá nhân anh hay không?

    Ðáp: Không có! Không biết ông Thiệu có tính với Cao Văn Viên hay không?

    Vấn: Theo anh, vì sao Thiệu bỏ Pleiku sau Ban Mê Thuột? Có người cho rằng ông Thiệu muốn thấu cáy Hoa Kỳ? Ðể mặc cả’ với Mỹ? Tướng Ngô Quang Trưởng từng thố lộ với tôi rằng QÐQG vẫn còn khả năng cầm cự. Anh nghĩ sao?
    Ðáp (một phút trầm ngâm) Vụ rút lui ở Ban Mê Thuột làm tan hoang hết! Nội các không hề được hỏi ý kiến. Pas un mot! Một ngày sau khi bỏ Pleiku, có nhóm Hội đồng Nội các. Sau ordre du jour đã xong, Tổng trưởng Ngô Khắc Tỉnh dơ tay lên, nói : Thưa Thủ tướng, tôi xin Thủ tướng một faveur: Dầu sao, chúng tôi cũng là nhân viên Hội đồng Nội các, bà xã tôi vừa nghe tin Pleiku mất trên đài BBC và VOA, mới nói lại cho tôi biết. Vậy xin Thủ tướng – nếu có tin gì – thông báo chúng tôi, chớ không kỳ quá! Lúc đó. trên bàn chủ tọa, Thủ tường Khiêm xoay qua tôi ngồi bên phiá trái, nói nhỏ: Moa cũng vậy! (sic). Tôi ngạc nhiên trả lời: Bộ nói giả ngộ hay sao? anh là Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng, Ðại tướng bốn sao mà!. Ông Khiêm gật đầu: Thật chớ! (nguyên văn).

    Vấn: Không lẽ ông Thiệu lại quyết định một mình chuyện quá nghiêm trọng như vậy?

    Ðáp: Tôi có nghe hình như Tổng thống Thiệu có hội ý với hai tướng Cao Văn Viên và Phạm Văn Phú. Tuy nhiên, sau tháng tư 1975, tôi thoát được qua đảo Guam, có gặp một số sĩ quan cao cấp trong Bộ Tổng Tham mưu, họ quả quyết ông Viên chỉ biết sau khi việc này xảy đến. Phủ Tổng thống ra lệnh thẳng cho các Tư lệnh vùng, không qua Tổng Tham mưu, bằng một hệ thống trực tiếp. Vậy, ông Thiệu đã chỉ thị ngay cho tướng Phú? Ðiểm này, nghĩ nên duyệt lại.
    Vấn: Tại sao Thủ tướng Khiêm và anh (Phó Thủ tướng) không phản đối?

    Ðáp: Phản đối cách nào và vì sao? Có biết đâu mà protester?… Ðây là vấn đề quân sự! (sic)

    Vấn: Anh từng từ chức Phó Tổng ủy Di cư thời Ngô Ðình Diệm và đã tham gia nhóm Caravelle thập niên 50 để phản đối độc tài gia đình trị nhà Ngô, tại sao anh lại có thể chấp nhận hành động đơn phương của TT Thiệu như vậy trong khi anh giữ chức vụ Phó Thủ tướng?

    Ðáp: Bởi vì… lúc đó, không thấy gì bề ngoài. Bởi vì… ông Thiệu rất khôn. Bởi vì…, về quân sự, có Ủy ban tướng lãnh ở phiá sau. Tôi không có chân trong Hội đồng An ninh Quốc gia.

    Vấn: Nguyễn Phú Ðức đóng vai trò hệ trọng trong HÐANQG, tương đương với Kissinger bên Mỹ. Là em vợ của anh, Ðức không cho anh biết hay sao?

    Ðáp: Khi nào cần, Ðức mới được TT Thiệu vấn ý, Ðức không phải là hội viên thường trực. Trong Hội đồng, còn có Thủ tướng, có Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên, Cố vấn quân sự Ðặng Văn Quang), Tổng giám đốc Công an Nguyễn Khắc Bình, các Tư lệnh Quân khu.

    Vấn: Nhưng trong vụ bỏ Cao Nguyên và Miền Trung, TT Thiệu đã qua mặt các nhân vật vừa kể?

    Ðáp: Có thể! Trong vụ Ban Mê Thuột, có lẽ tướng Viên biết, vì – theo Nguyễn Phú Ðức viết trong hồi ký Pourquoi les E¨tats Unis ont-ils perdu la guerre au Việt Nam? – chính ông Viên chỉ con đường số 19 để rút quân (thay vì liên tỉnh lộ số 7) nhưng lộ trình triệt thoái này quá xấu. Tôi không biết rõ ai đã lấy quyết định trong nội vụ, tướng Phú hay tướng Tất.
    Vấn: Trong bài tôi phỏng vấn trước đây Ngoại trưởng Trần Văn Lắm, ông Lắm có kể lại câu phê bình của tướng Westmoreland: Ðây là một sự triệt thoái hỗn lọan nhất mà tôi chưa từng thấy! Anh đồng ý hay không?
    Ðáp: Ðồng ý! Cuộc triệt thoái chỉ được quyết định trong vòng 24 giờ đồng hồ. Các đơn vị của ta không thể vừa rút lui, vừa mang theo cả gia đình đùm đề của họ mà họ phải bảo vệ. Cho lập các trại gia binh nơi đồn trú của binh sĩ là một thất sách. Chủ trương người lính, tay súng, tay cày – chiến đấu vừa bảo vệ tổ quốc, vừa chu toàn an ninh cho thân nhân – không dễ thực hiện. Trong khi đó, người lính Bắc Việt bị Ðảng CS ép sinh Bắc, tử Nam, ra đi không có ngày về, họ không có những bận bịu của người lính quốc gia. Mặt khác, về binh thuật, triệt thoái lắm khi khó hơn tấn công.

    (…)

    LÂM LE‚ TRINH
    Ngày 1.9.2001
    Thủy Hoa trang
    Huntington Beach, Californie

    THƯ TỊCH
    1 – Ðọc Hồi ức cuả Nguyễn Thị Bình và Tập thể tác giả: Mặt trận Dân tộc Giải phóng – Chính phủ Cách Mạng Lâm thời tại Hội nghị Paris,, Nxb Chính trị Quốc gia, Hànội, 2001.
    2 – Giáp: Lời trối bên bờ huyệt – Phê bình quyển hồi ức thứ ba của Võ Nguyên Giáp, bài cuả Lâm Lễ Trinh, trong tạp chí Ði Tới., Montréal.Canada, ngày 27.6.2000
    3 – Bài Mạn đàm với cựu Ngoại trưởng Trần Văn Lắm: Mặt trái và bài học Hiệp định Paris 1973 của Lâm Lễ Trinh, trong tạp chí Dân chủ & Phát triển, Dortmund, Ðức quốc ngày 5.9.1999
    3 – Réflexions sur une trahison- A propos des Mémoires de Nguyễn Phú Ðức: Pourquoi les E¨tats Unis ont-ils perdu la guerre au Viet Nam? par Lâm Lễ Trinh dans la revue Reflets d’Asie, Paris, Octobre 2000.

    • nguenha says:

      Cám ơn LMC đả cho “tài liệu’ nầy. Thật ra sau khi lật đổ TT Diệm,một loạt tướng “đảo chánh” ra đời. Chính loạt Tướng tá nầy “phá tan’ đất nước !! . Ngay cả lúc BS Phan huy Quát làm Thủ Tướng,một vị Thủ Tướng có khả năng ,củng bị các ông Tướng lung đoạn. Chính vào thời điểm nầy ,Tướng Thiệu làm Tổng trưởng Quốc phòng đả “đi đêm “với Mỹ, để Mỹ đổ bộ vào Danang 1965, mà chính Thủ tướng Quát không hay biết (xem hồi ký của Bùi Diểm). Chúng ta còn nhớ khi Thiếu tướng Trần thiện khiêm gắn lon Thiếu tướng cho Đại tá Thiệu tại Quân trấn sai gòn,sau 1963,Ông Thiễu hỏi Ông Khiêm :’ sao Thiếu Tướng không lên..” Ông Khiêm trả lời ” toa lên lúc nào củng được”. Xem thế đủ biết ,Đất nước và
      lon-lá như “trò chơi”,thể thống Quốc gia đâu còn như thời Ông Diệm. Nói ra thì quá buồn !!

    • Nguyễn Trọng Dân says:

      Thưa,

      Cuộc vấn đáp ở trên chỉ là vấn đáp bù lu bù loa của một anh ngồi bàn giấy , ù ù cạc cạc không biết rõ nội vụ bên trong , chỉ trả lời chung chung ầm ờ ấm ớ mà thôi , chẳng có VẬT CHỨNG , TÀI LIỆU CHỨNG (government meeting notes ) , hard prove GÌ CẢ – invalid statement and lack of evidences !

      Thầy Cường phun …khói xe lam ấy mà . Cái đám đệ tử ông Lu Y khoái phun khói nhể !

      • Lão Hư says:

        Nguyễn Trọng Dân says:
        12/03/2015 at 22:20

        Ông Phú vốn bị nghi ngờ là sức khỏe kém ( có triệu chứng bị ung thư gan ) , đột nhiên được đề cử nắm Quân Đoàn II từ tháng 11 năm 1974 , một vùng vô cùng quan trọng , đồi núi gai góc nhưng chỉ vỏn vẹn có hai sư đoàn cộng thêm 7 liên đoàn BDQ lon ton chừng thêm chừng 8 ngàn quân tối đa. Đó là chưa kể bộ chỉ quân quân đoàn II lại do Cao Văn Viên từ TTM chỉ định , cho nên tướng Phú , quyền hạn bị “KÈM CHẶT ”

        (…)

        Bình (luận) loạn (ngôn)

        hahahhhahaaaahihiiiii

        Cái này không phải khói xe lam, GMC …

        mà là …. CHẤT ĐỘC MÀU DA CAM :-) !

        Xịt ra từ bàn phím một anh ngồi nhà lèm bèm :-)) !

  5. Trực Ngôn says:

    Chuyện đã qua thì hãy để cho nó qua đi. Nhắc lại làm chi cho thêm buồn!

    Hãy đấu tranh chống CSVN trong hiện tại và suy nghĩ xây dựng tương lai cho đất nước thì tốt hơn là hoài cố những chuyện “không vui” đã qua?

  6. Nguyễn Trọng Dân says:

    Ông Phú vốn bị nghi ngờ là sức khỏe kém ( có triệu chứng bị ung thư gan ) , đột nhiên được đề cử nắm Quân Đoàn II từ tháng 11 năm 1974 , một vùng vô cùng quan trọng , đồi núi gai góc nhưng chỉ vỏn vẹn có hai sư đoàn cộng thêm 7 liên đoàn BDQ lon ton chừng thêm chừng 8 ngàn quân tối đa. Đó là chưa kể bộ chỉ quân quân đoàn II lại do Cao Văn Viên từ TTM chỉ định , cho nên tướng Phú , quyền hạn bị “KÈM CHẶT ”

    Người ta lại đổ lỗi cho ông Phú bị lầm kế nghi binh của Cộng Sản Bắc Việt , nên không tiếp ứng kịp để cứu Ban Mê Thuộc trong khi ông Phú bị Văn Phòng phủ Tổng Thống và bên TTM kèm hãm đủ bề , không cho điều động quân đúng theo y’ muốn .

    Kế hoạch tiến đánh Ban Mê Thuộc của cộng sản Bắc Việt , ông Phú đã có tin tức trước đó hai tháng , nhưng bên TTM của ông Viên vẫn cứ khẳng định đây là nghi binh và bảo ông Phú án binh bất động

    Điều đáng nói nhất , phủ Tổng Thống yêu cầu ông Phú giữ chặt Pleiku nhưng chỉ sau 4 ngày Ban Mê Thuộc bị mất thì lại ra lệnh cho Phú bỏ Pleyku vì…. “CẦN PHẢI TUÂN THỦ MẬT ƯỚC PARIS , NHƯỜNG PHẦN ĐẤT TÂY NGUYÊN CHO MẶT TRẬN GPMN ” (??!!!? zzzz!!!!)

    Ghê gớm hơn , Tướng Viên bảo bên hậu cần dùng máy bay chở hết khí tài ra khỏi Tây Nguyên , nhưng mà chở…về đâu thì không cần thiết , bên Hậu Cần cứ tùy nghi… tùy tiện… mà không để lại để nhỡ khi nếu chiến trường cần thay thế …. như vậy thiệt là rõ cố tình NHƯỢNG CỜ GIẢ THUA THẤY RÕ.

    Nếu ban lệnh cho kháng cự tới cùng chết bỏ ở Tây Nguyên thì cuộc tấn công XÉ HIỆP ĐỊNH PARIS 1973 của cộng sản Bắc Việt chiếm miền Nam , mất thêm ít nhất 3- 6 tháng để bình định toàn vùng Tây Nguyên hiễm hóc- và còn lâu mới đủ tinh thần mà xơi tái Vùng I với năm sư đoàn thiện chiến !

    Kế sách PHẾ MÃ TRANH TIÊN , đưa Việt Nam Cộng Hòa vào chổ chết để GIA TĂNG XUNG ĐỘT GIỮA NỘI BỘ CỘNG SẢN , DẪN ĐẾN SỰ KIỆT QUỆ CỦA KINH TẾ LIÊN XÔ VÀ SỰ BIẾN CHẤT CỦA CỘNG SẢN TRUNG QUỐC đã hoàn thành MỸ MÃN và nay là lúc mà Hoa Kỳ quay trở lại Đông Nam Á , cùng với Ấn Độ giải quyết hậu sự chiến cuộc Đông Dương

    Những kẻ ngày hôm qua CẮN RĂNG CHỊU NHỤC làm kể chiến bại , mang đủ tai tiếng khinh khi miệt thị , HY SINH cho đại cuộc TƯ DO DÂN CHỦ cho nhân loại sẽ từ từ được minh bạch trở lại.

    Việt Nam Cộng Hòa vĩnh viễn không bao giờ chết trước PHÁP LÝ , trong lòng người , nơi Minh Sử và điều quan trọng hơn hết , Công Dân Việt Nam Cộng Hòa tình nguyện hy sinh cho Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ cạn!

    Việt Nam Cộng Hòa ( Republic of Viet Nam ) will come back and will win over the communist !

    Ki’nh

    Merci DCV

    • Lão Hư says:

      hahahhhahaaaahihiiiii

      Cái này không phải khói xe lam, GMC …

      mà là …. CHẤT ĐỘC MÀU DA CAM :-) !

  7. Lại Mạnh Cường says:

    Trọng Đạt kết luận:
    Trận Ban Mê Thuột đã đưa tới sụp đổ Quân đoàn II và những sụp đổ kế tiếp lớn lao hơn thế, đó là một khúc quành bi thảm trong cuộc chiến tranh dài nhất của thế Kỷ. (sic)

    Phạm Bá Hoa : Cuộc triệt thoái Tây nguyên và những hệ lụy (đăng trên ĐCV 06:26:pm 10/03/15)

    Tình trạng hỗn loạn bi đát trong cuộc hành quân lui binh trên đường liên tỉnh số 7, nếu chưa phải là nguyên nhân chính, cũng là khởi đầu cho sự hỗn loạn trong các cuộc hành quân lui binh của các Sư đoàn 1, 2, 3, 22, 23 Bộ Binh, Nhẩy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Hải Quân, Không Quân, dọc các tỉnh duyên hải từ Quảng Trị , Huế, Đà Nẳng, đến Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cam Ranh. (sic)

  8. Nói Toẹt Móng Heo says:

    Ông Trọng Đạt rảnh hơi rỗi sức ghi đi chép lại của người khác, xào nấu nêm nếm thành món ăn “lạ miệng”?

    Đúc kết thành một bài viết, nhưng thực ra cũng chỉ là thu lượm cắt dán, đúng sai là chuyện khác?

    • nhn says:

      Nói toẹt móng heo giỏi quá ha? Giỏi hơn t/g TĐ là cái chắc rồi

      • Nói Toẹt Móng Heo says:

        Ấy chết, nhn khen như thế làm tôi mắc cở lắm đa!

        nhn đọc mà không để ý sao?

        Ông Trọng Đạt đã rút từ nhiều nguồn, ngay ở dưới cuối bài cũng đã ghi; “Tài liệu tham khảo” của rất nhiều người. Họ viết “đúng hay sai” là chuyện khác.

        Đã có lần tôi bị “mắc mưu” khi đọc tựa đề cuốn sách “NAM VIỆT-NAM 1954-1975, Những Sự Thật Chưa Hề Nhắc Tới”. Khi mua về mới ngã ngửa ra rằng; cuốn sách chỉ sao chép lại của người khác mà tôi đã đọc từ lâu rồi, tuy có một vài chi tiết hơi khác lạ một chút.

        Nhưng khi đọc chi tiết này ở những bài viết khác thì họ cho rằng tác giả đã viết sai (hay cố ý viết sai để có sự khác lạ) ra sách kiếm tiền?

      • nhn says:

        Bởi tại trình độ anh “Nói Toẹt” quá thấp, sách nào anh cũng đọc thì hố là đúng rồi

      • Nói Toẹt Móng Heo says:

        nhn says: “Bởi tại trình độ anh “Nói Toẹt” quá thấp, sách nào anh cũng đọc thì hố là đúng rồi“.

        Ui, vậy là ông anh nhn thuộc lại trình độ cao?

        Mừng cho ông anh đấy, nhưng trình độ cao mà chỉ són ra được vài chữ kiểu này thì keo kiệt quá, làm sao mà “KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH !” như cụ Phan Chu Trinh đã dạy được?

    • Lại Mạnh Cường says:

      Thưa bạn Nói Toẹt Móng Heo,

      Tôi lại nghĩ khác, nhờ Trọng Đạt liên tục HÂM NÓNG lại “rượu cũ qua bình mới”, giúp cho nhiều người trong chúng ta không thể nào quên được quá khứ đau thương.

      Vâng cần phải đặt lại nan đề đất nước thật nhiều lần, để cùng nhau động não tối đa, tìm ra giải pháp ổn thoả cho tình thế bế tắc hiện nay. V+ đã bắt vít ngồi quá lâu trên quyền lực, và ngày một chịu ảnh hưởng sâu đậm T+, khiến thế nước ngày một kẹt cứng.

      Mặt chính yếu là phải lo đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa đất nước, đồng thời chống lại các thế lực phản động quốc tế lăm le biến VN thành tay sai của chúng. T+ muốn giữ VN trong qũi đạo của chúng thông qua bọn V+, trong khi Mỹ cũng muốn lôi kéo V+ về phe mình để làm phên dậu và tên lính xung kích cho Mỹ chống T+ ở Đông Nam Á.

      Chính vì thế phải rút kinh nghiệm quá khứ ở thời nội chiến Nam Bắc thật rốt ráo, để biết được thật rõ ràng ta cần phải chọn thái độ ra sao ? Và làm sao đừng bị dính vào nội chiến như ở Ukraine ? Hệ quả là chỉ dân là khổ, trong khi bọn cầm đầu hả hê tha hồ hưởng lợi từ sự hy sinh không bờ bến của nhân dân trong vòng kiềm toả của mọi phe phái.

      Kính bái,
      LMC

      • Nói Toẹt Móng Heo says:

        Đọc góp ý bình loạn của ông LMC xong khiến tôi muốn ngẩn tò te luôn: Ôm đồm quá, đao to búa lớn quá không?

        Một mặt ông hô hào “Mặt chính yếu là phải lo đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa đất nước“.

        Muốn đẩy mạnh tiến trình dân chủ hoá đất nước thì phải làm mọi cách vạch ra cho nhân dân thấy rằng; CSVN độc tài sắt máu và gian dối, chính vì chế độ độc tài đảng trị mà CSVN độc quyền lộng hành làm mưa làm gió, chà đạp nhân dân và đem cống hiến đất đai, lãnh hải và bán tống bán tháo tài nguyên đất nước cho TQ với giá rẻ bèo! Bới lại những trận đánh cách đây 40 năm để làm gì cho rách việc!

        Ông hô hào; “đồng thời chống lại các thế lực phản động quốc tế lăm le biến VN thành tay sai của chúng” (?)

        T+ muốn giữ VN trong qũi đạo của chúng thông qua bọn V+ thì ai cũng đã biết rồi, chính vì vậy mà trong nước đã một thời lớn tiếng kêu gọi “thoát Trung”.

        Nay ông phán một câu xanh rờn rằng; “Mỹ cũng muốn lôi kéo V+ về phe mình để làm phên dậu và tên lính xung kích cho Mỹ chống T+ ở Đông Nam Á“, thì chẳng khác gì đem con ngáo ộp ra doạ trẻ, khiến chúng lo sợ “tránh vỏ dưa gặp phải vỏ dừa”?

        Ông vừa hô hào “đẩy mạnh tiến trình dân chủ” vừa cảnh cáo như trên thì càng làm cho CSVN thêm bối rối, liệu chúng có dám bỏ chim đậu đi bắt chim bay (đi với T+ thì mất nước, đi với Mỹ thì mất đảng, mà CS thì còn đảng còn mình)?

        Là BS mà ông hô lớn rằng; “bà con nên đi chích ngừa bịnh dịch tả”, nhưng đồng thời cảnh cáo bà con rằng; “thuốc chủng ngừa này là do nhóm chế thuốc muốn khống chế nạn nhân”. Vậy thì còn ai dám đi chích ngừa nữa?

        Cám ơn ông đã lễ phép, “kính” thì OK, nhưng xin đừng “bái”, vì tôi vẫn còn đang đối thoại với ông đây!

      • quandannambo says:

        Thầy Cường nên lưu ý
        Bọn cò mồi, Cộng láo, nằm vùng, CAM.. chúng nó như rươi trên các diễn đàn, chúng nó y như chó cắn trộm, cẩn thận

      • Lại Mạnh Cường says:

        Thưa bạn,

        Đẩy mạnh tiến trình dân chủ hoá VN chỉ giới hạn bằng sự lật đổ CS thì tôi e rằng chưa đủ đâu ạ.

        Tôi viết quá rõ ràng mà bạn chưa thấy được “mục đích yêu cầu”, là chỉ dấu cho tôi thấy rằng cần phải mạnh dạn theo cụ Phan Chu Trinh hơn nữa: KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH !

        Đối thoại với nhau trong tình đồng bào như thế đủ rồi bạn ạ.

      • UncleFox says:

        _” T+ muốn giữ VN trong qũi đạo của chúng thông qua bọn V+, trong khi Mỹ cũng muốn lôi kéo V+ về phe mình để làm phên dậu và tên lính xung kích cho Mỹ chống T+ ở Đông Nam Á”…

        Việt Cộng có khả năng làm “tên lính xung kích” để chống Trung cộng chăng ? Dày dạn qua hàng chục cuộc chiến trên toàn thế giới mà thằng Mỹ đánh giá ngu ngốc như thế sao, quan Đóc -tưa ?
        Làm lãnh đạo quốc gia phải có viễn kiến . Biết nương theo mưu đồ chiến lược của các siêu cường để làm lợi cho nước mình . Như các nước vùng Baltic, các nước cựu CS Đông Âu vv.. gia nhập khối NOTO để nhờ họ bảo vệ chứ chẳng nhằm làm lính xung kích chông Nga .
        Đừng khờ dại như Việt Cộng cứ luôn mồm tuyên bố không liên kết với bất cứ nước nào … vô tình một mình bơ vơ giữa chợ để cho thằng du côn Trung Cộng mặc tình ức hiếp .
        Đẩy mạnh tiến trình dân chủ, rồi có dân chủ mà tự cô lập, không đồng minh … thì cũng ô hô ai tai thôi . Mạnh như Ấn Độ, Nam Hàn, Nhật Bản, Úc Đại Lợi và khối EU mà vẫn cần đồng minh để nương tựa khi nguy biến cơ mà .
        Suýt nữa tôi đã đề nghị quan Đóc -tưa lên nắm Bộ Quốc Phòng thay Nguyễn Chí Vịnh, Phùng Quang Thanh thì hố mẹ nó rồi . Bởi vì, phát biểu của quan anh nghe kỹ thì cũng na ná củ chuối như mấy anh tướng tào lao kia thôi !

      • noileo says:

        Trích;“Đẩy mạnh tiến trình dân chủ hoá VN chỉ giới hạn bằng sự lật đổ CS thì tôi e rằng chưa đủ đâu ạ.

        Tôi viết quá rõ ràng mà bạn chưa thấy được “mục đích yêu cầu”, là chỉ dấu cho tôi thấy rằng cần phải mạnh dạn theo cụ Phan Chu Trinh hơn nữa: KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH !

        Đối thoại với nhau trong tình đồng bào như thế đủ rồi bạn ạ.”
        (Lại Mạnh Cường says: 14/03/2015 at 16:43)

        “Đẩy mạnh dân chủ hóa”, “mạnh dạn theo cụ Pham chu trinh”, “mục đích yêu cầu”, theo Lại mạnh Cường, là nhắc lại, phô biến những lời nói xấu về VNCH, bất kể những lời nói xấu đó đúng hay sai, thậm chí có thể chỉ là những lời bịa đặt, lại cần phải nhắc lại, phổ biến rộng rãi hơn nữa

        Phổ biến, nhắc lại những lời lẽ cũ rích bôi nhọ & nói xấu VNCH mà không cần biết, không cần phân tích xem những lời nói xấu đó đúng sai thế nào, là “mạnh dạn theo cụ Phan Chu Trinh” ?

        Lại Mạnh Cường đang chửi bố Phan Chu Trinh!

      • Lại Mạnh Cường says:

        Dear Uncle Fox,

        Dĩ nhiên phải có đồng minh, nhưng cần CHỌN BAN MÀ CHƠI.
        Cứ thử nhìn ở Đông Á, thấy ngay hai nước Nam Hàn và Mỹ đáng chơi hơn Taiwan. Tại sao ư ?

        Rõ ràng cùng một kẻ thù chung thật sự, nên Nhật đã tích cực giúp V+ cũng như Nam Hàn giúp Phi Luật Tân.
        Nhật cho V+ tàu cảnh sát biển đời cũ (nhưng vẫn mới và tốt hơn tàu hiện tại của V+). Nam Hàn cho Phi tàu chiến cũ, nhưng còn tốt hơn tàu Mỹ mà Phi phải mua lại, tuy có tân trang lại chút đỉnh.
        T+ ăn hiếp Phi ở Trường Sa, Mỹ làm thinh nên cuối cùng tổng thống Phi đành phải … xin lỗi phát ngôn bậy khi kết tội T+ !?
        Trong khi đó Taiwan với T+ tuy hai mà một trong vụ Hoàng và Trường Sa đấy. Chúng quyết dấy máu ăn phần để chia lợi cùng nhau.
        Nhưng ngược lại ta có thể kết thân với các đảng phái đối lập và dissidents ở Hongkong. Tại sao thì ai cũng rõ ? Vâng từ dân thường đến học sinh sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ, dân nhà giầu, lẫn công chức đều không muốn nằm hoàn toàn trong bàn tay sắt bọc nhung của con gấu trúc khổng lồ (giant panda) Bắc Kinh cả

        Rộng ra ở Á Châu vẫn có thể chơi với Ấn Độ, vốn cũng là kẻ thù trực tiếp của T+. Ấn Độ cũng đang trên đà phát triển mạnh mẽ, cũng là một nước to với số dân cư đông đảo hạng nhì thế giới.

        Nói tóm lại, dựa vào Mỹ toàn bộ, đến khi song việc Mỹ sẽ lại bỏ rơi không thương tiếc. Bởi ai cũng rõ với trò chính trị duy thực hay du lợi (Realpolitik), Mỹ chỉ be bờ từ xa, không bao giờ trực diện đối đầu với các nước lớn như T+ và Nga cả. Bọn nó sẵn sàng chôn búa làm hoà, chỉ gây chiến tranh cục bộ ở ngoài lãnh thổ mình để so tài trực tiếp hay gián tíêp qua chạy đua vũ trang (leo thang rồi lại xuống thang) !

        Ba nước ở biển Baltic vào khối NATO, bởi vì khối này bao gồm các nước Tây và Đông Âu, chứ chẳng riêng gì Mỹ cả.

        Tuy nhiên ta lại thấy mỗi nước có một đặc thù riêng. Chẳng hạn con gấu tuyết Nga Putin lại cương quyết ăn thua đủ ở ở các nước vốn thuộc Nga cũ như Ukraine và Georgia.

        Nói tóm lại, cần tìm hiểu thậy kỹ về địa chính trị, bang giao quốc tế, tình hình từng lúc … của từng nước mà so sánh rồi mới phán đoán chính xác.
        Cũng như học bài học từ Liên Âu, các nước trong khối ASEAN phải nỗ lực hơn nữa để kết dính nhau thành một khối vững mạnh về mọi mặt, đừng để cho T+ phá vỡ cái thế liên hoàn này.

        Tạm thời trao đổi với nhau trong biên hạn cho phép tại đây. Hẹn lúc khác thoải mái hơn sẽ thưa chuyện nhiều hơn nữa nhé.

        Kính,
        LMC

        TB:
        Trao đổi với nhau lấy vui làm chính trong lúc tuổi già sức yếu phải ko bạn già. Gây căng thẳng trong tranh luận qua ngôn từ là điều không nên. Cũng như chẳng nên chụp mũ hay tìm cách mạ lị cá nhân nhau, trong khi góp ý xây dựng về tiền đồ đất nước, cho dù có bất đống quan điểm đên đâu đi nữa

  9. Bui says:

    Chiến lược sai, chiến thuật sai, tinh thần yếu, tướng tham nhũng, quân sợ chết, dân không hợp tác, …
    Không thua mới lạ ! Thảm thương cho người vì nước chết … oan.

  10. MotKhucRuot says:

    Chuyện CS chiếm trọn miền Nam là chuyện tất yếu , ai cũng biết chuyện đó sau khi quân đội Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam . Nguyên do :
    _ Dân miền Nam thực sự không có tinh thần chống Cộng quyết liệt , trường hợp lính ma , lính kiểng , trốn quân dich và đào ngủ là một bằng chứng hùng hồn . Chỉ có những người nông dân nghèo khổ , thấp cổ bé họng mới bị nhập ngũ chiến đấu , còn đám con cha cháu ông hay những kẻ có tiền có của thì con cháu chẳng có bao nhiêu tham gia nhiệm vụ chống cộng cứu nước . Tóm lại , dân miền Nam tinh thần hy sinh chống cộng cứu nước quá yếu đuối .
    _ Một chính quyền bất tài , bè phái nên tạo ra một đạo quân nhu nhược , hèn yếu , vô kỷ luật , tham nhũng . Mặc dù có những đạo quân tinh nhuệ , can đãm , kinh nghiện chiến trường như sư đoàn dù nhưng không đủ bù đắp cho một đạo quân thúi rửa vì tham nhũng , bất tài .
    _ Nga , một nước CS độc tài , tàn bạo còn phải thua vài ba sư đoàn du kích tại A phú hản , CSVN cũng không thằng được một hai sư đoàn du kích tại Cam pu chia thì thữ hỏi VNCH làm sao giữ được Miền Nam trước một đạo quân hiếu chiến , tàn bạo , bất chấp mạng sống cũa người dân , sẵn sàng xiềng xích lính như súc vật , dồi dào nhân lực cũa cả một miền Bắc dưới sự cai trị , kềm kẹp cũa bọn CSVN . Nhất là CS Bắc Việt nhận được sự viện trợ quân sự cũa khối CS một cách dồi dào , không bị chống đối như trường hợp Hoa Kỳ .
    _ Bọn CS quốc tế cũng như bọn bất lương nhất là bọn thông tin , báo chí ăn tiền cũa bọn quốc tế CS , những quốc gia bất lương như Pháp , Thụy Điển ,…., đã thàng công phá rối , gây bất lợi cho miền Nam VN và Hoa Kỳ .
    _ Bọn CS có thể tập trung quân với số lớn để tấn công một mục tiêu , trong khi quân đội miền Nam phải trải thảm quân đội để bão vệ toàn cõi miền Nam . Như bài viết đã trình bày , phương cách duy nhất để chống lại biển người là phải có một hỏa lực hùng hậu như B52 . Bởi vậy , những người lính chân chính VNCH không có gì phải buồn vì chiến thắng cũa CS , bọn CSVN chẳng có gì đáng hãnh diện vì không có đạo quân tài giỏi , thiện chiến nào có thễ giữ được miền Nam . Quân đội Hoa Kỳ còn phải tìm cách tháo chạy tại Iraq , quân đội Đồng Minh cũng không tiêu diệt được du kích Hồi Giáo quá khích tại A phú Hản thì quân đội miền Nam làm sao thắng được hàng chục sư đoàn với vũ khí tối tân dồi dào cũa CS Bắc Việt .
    _ Phật Giáo đã thành công gây rối , làm mất nhuệ khí , tinh thần chống cộng tại miền nam VN .
    Tóm lại , Chuyện miền Nam rơi vào tay CS là chuyện thời gian nhưng cám ơn Hoa Kỳ đã giữ miền Nam gần 20 năm . 20 năm , một thời gian không dài nhưng cứu không biết bao nhiêu sinh mạng cũa người dân miền Nam và vùng đông Nam Á . 20 năm đã giúp cho nhiều nước Đông Á phát triển , phồn vinh và cũng là một khoảng thời gian đủ để khối CS suy yếu , chia rẽ và tan rã . Cám Ơn xương máu cũa những thanh niên Hoa Kỳ và những người chống Cộng Chân chính , lý tưởng cũa miền Nam VN .

    • Lại Mạnh Cường says:

      Thưa bạn motkhucruot,

      Câu kết của bạn tôi thấy KHÔNG HỢP TÌNH HỢP LÝ !

      Vâng tại sao lại phải cám ơn Mỹ, trong khi Mỹ lợi dụng ta để “be bờ từ xa” cho họ. Và khi đi đêm được với T+ họ bỏ rơi ngay tức thời VNCH và Taiwan không thương tiếc.

      Họ đón nhận những đợt người Việt di tản, thuyền nhân, ODP, HO … chẳng qua là vì cái lợi lâu dài cho Mỹ. Bằng chứng người Mỹ gốc Việt đóng góp rất nhiều vào “melting pot” (cộng đồng đa quốc gia đa chủng tộc) ở đó về mọi mặt, nhất là về mặt chống Cộng, cũng như chống độc tài đủ loại, như độc tài kiểu Hồi giáo quá khích.

      Ngắn gọn, chính giới Mỹ biết tiến biết lui theo đúng như chính sách xưa nay của họ mệnh danh là DUY THỰC hay DUY LỢI (REALPOLITIK) = có lợi nhào vô, hết lợi rút dù, cho dù phải bỏ của chạy lấy người đi nữa.
      Hiện tại họ đã “chuyển trục”về Đông Á, cho nên ở Đông Nam Á họ ra sức ve vãn V+ để làm tên lính xung kích chống T+ dùm họ; chả khác gì ngày xưa họ dùng quân dân miền Nam làm tiền đồn chổng Cộng vậy thôi.

      Theo tôi chính thế giới tự do aka nhóm tư bản Âu Mỹ phải CÁM ƠN DÂN VIỆT đã giúp họ ngăn chặn làn sóng đỏ lan tràn khắp Đông Nam Á nói riêng và Đông Á nói chung trong hai thập niên 54-75.
      Hiện tại cộng đồng người Việt hải ngoại đang là hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn là mặt trận của các dissidents yêu dân chủ tự do trong nước; đồng thời là lực lượng chống CS Ta và Tàu với tiềm năng vĩ đại. Nếu biết khai dụng sẽ mang lại nhiều lợi lộc cho Mỹ và thế giới tự do.

      Lại Mạnh Cường

      • Nguyễn Tha Hương says:

        @Lại Mạnh Cường:
        “Hiện tại cộng đồng người Việt hải ngoại đang là hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn là mặt trận của các dissidents yêu dân chủ tự do trong nước; đồng thời là lực lượng chống CS Ta và Tàu với tiềm năng vĩ đại. Nếu biết khai dụng sẽ mang lại nhiều lợi lộc cho Mỹ và thế giới tự do.”
        *** Ông LMC quên rằng hiện tại cộng đồng người Việt hải ngoại đang có thêm bọn “ăn cơm quốc gia Mỹ nhưng lại thờ ma cộng sản” như NHL , Ông Trần An Bài đã có bài viết “ Chạm trán với kẻ vô liêm sỉ” :
        -NHL : “Từ ấu thơ đến bây giờ, tôi từng hát Quốc ca của miền Nam, trước năm 1963 thì cùng với bài hát buồn cười “Suy tôn Ngô Tổng thống.” Ba mươi bốn năm qua là Quốc ca Hoa kỳ xa lạ, Star Spangled Banner. Nay thì tôi lại nghe và chào Quốc ca Việt Nam và lá cờ đỏ sao vàng. Con người là con vật của biểu tượng. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước. Tôi cảm nhận được một giòng điện chạy từ đáy lưng theo xương sống lên trên cổ trên đầu như là khoảnh khắc thức dậy và chuyển mình của năng lực Kundalini. Tôi nhìn lên phía trước, khi vừa hết bài Quốc ca, mấy chục cô và bà đại biểu từ Pháp đang chạy ùa lên sân khấu, vỗ tay đồng ca bài Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Tôi nhìn qua các thân hữu Việt kiều từ Mỹ, và ngạc nhiên khi thấy hầu hết – kể cả những người mà tôi không ngờ – đang vổ tay hào hứng la to, Việt Nam! Hồ Chí Minh! Cả hội trường, và tôi, cùng hân hoan trong tất cả (vẫn là) cái hồn nhiên mà dân tộc ta đã bước vào từ hồi thế kỷ trước.”
        Còn nhiều tên nữa như nguyễn phương hùng , nguyễn ngọc lập v..v.. khỏi cần điểm mặt thêm chắc ông LMC và quý vị cũng dư biết họ là ai rồi. Những tên hay đi đi, về về VN ăn chơi du hí còn chụp hình đưa lên các diễn đàn khoe mẻ , khi về đến Mỹ thì ra mặt chê bai người Việt quốc gia chống cộng .
        Đúng là nước Mỹ nuôi ong tay áo. Vì coi trọng dân chủ và nhân quyền nên nước Mỹ mới dung túng bọn này, nếu sống dưới chế độ csvn mà trở mặt kiểu này thì chỉ có nước đi mò tôm chầu ông bà ông vải ngay.
        NTH

      • MotKhucRuot says:

        Thưa anh Lại Mạnh Cường ,
        Tôi xin trích một đoạn nhà văn Dương Thu Hương trả lời với Tường An, thông tín viên RFA : ” Tại sao cùng một thời điểm, người Mỹ tạo ra những điều kiện để tạo ra chính sách dân chủ của 2 nơi : miền nam Việt Nam và miền Nam Hàn Quốc. Tại sao Hàn Quốc chiến thắng mà Việt Nam chiến bại ? Tại sao cùng một cơ hội lịch sử như thế, người Nam Triều Tiên họ đã chớp lấy cơ hội để biến đất nước của họ thành một xứ sở văn minh phồn thịnh, còn miền Nam thì không ? ” . Anh nghĩ sao về câu hỏi này cũa bà DTH ??? .
        Sau thế chiến thứ 2 , có ba quốc gia trên thế giới bị chia đôi đất nước , CS một nữa , Tự Do Dân Chũ một nữa , đó là : Việt Nam , Đức Quốc và Đại Hàn . Câu hỏi được đặt ra tại sao chỉ có VN bị CS thôn tính mãnh đất tự do , dân chủ , hai nước kia thì không ??? . Nếu anh bình thản suy nghĩ câu hỏi cũa tôi thì tôi tin chắc anh không hận Hoa Kỳ . Trái lại , anh phải cám ơn Xương máu cũa những thanh niên Hoa Kỳ đã hy sinh để giữ cho một miền Nam VN được tự do , dân chủ 20 năm . Thưa anh , 20 năm không dài nhưng 20 năm sống dưới chế độ CS thì nó dài ghê lắm anh ạ , giống như ngồi tù khổ sai 20 năm vậy đó . Nếu anh nhìn những anh / chị bộ đội , cán bộ hay người dân miền bắc vào cái thời điễm 75 thì anh sẽ quý cái quãng thời gian 20 năm sống dưới bầu trời tự do dân chũ . Bà Dương Thu Hương cho rằng chiến thắng năm 75 cũa CS là cái man rợ chiến thắng sự văn minh . Câu nói của bà DTH quá đủ để chúng ta luyến tiếc và cám ơn 20 năm tự do , dân chủ và ai đã cho chúng ta 20 năm quý báu đó , phải không anh ??.
        Anh phải hiểu rằng , Hoa Kỳ phải chống cả một khối CS , đứng đầu là Liên Xô và Trung Cộng , chứ không phải mấy thằng vẹm ngu dốt , vông nô . Và cái HK cần tiêu diệt là khối CS đó chứ không riêng mấy thằng vẹm lâu la đâu anh ạ . Nhất là , Quốc tế CS sụp đổ thì mới có VN ngày hôm nay , dù không được như các quốc gia tôi và anh đang sinh sống nhưng tốt hơn nhiều cái thời bọn CS rêu rao đòi làm lực lương tiên phong , xung kích cho phe CS tiêu diệt bọn tư bản , đứng đầu là HK , đúng không anh ???? . Người dân miền Nam dám hy sinh bao nhiêu để giữ một miền Nam tự do , dân chủ ???. Thôi , hãy lương thiện với chính mình để công bằng với kẻ khác , phải không anh ??? . Cá nhân tôi , tôi không muốn làm một kẻ vô ơn với những người Lính HK đã hy sinh cho một miền Nam VN . Và suy nghĩ tận cùng về thãm cảnh cũa Quê Hương và dân tộc cũa tôi thì tôi chỉ căm hận bọn CS , cho dù miền Nam VN chỉ là một con cờ dưới bàn tay lông lá cũa HK , thì cũng chính bọn CSVN đã tạo ra cái hoàn cảnh đó .
        Anh ạ , ” Bình an dưới thế cho người Thiện Tâm ” , tôi với anh đã có tuổi , thôi hãy tìm về cái Thiện để sống thật bình an với tha nhân , nhất là với những ai là ân nhân cũa mình . Kính chào !!! .

      • Trực Ngôn says:

        Lại Mạnh Cường says: “Vâng tại sao lại phải cám ơn Mỹ, trong khi Mỹ lợi dụng ta để “be bờ từ xa” cho họ. Và khi đi đêm được với T+ họ bỏ rơi ngay tức thời VNCH và Taiwan không thương tiếc“.

        Câu trả lời không khó; ông LMC cũng vì “quyền lợi của ông và gia đình” nên ông mới làm BS, nhưng nếu ông kiếm được cái Job khác béo bở hơn thì ông sẽ bỏ nghề, như vậy bệnh nhân cóc cần phải cám ơn BS Cường!

        Người Mỹ bỏ rơi VNCH mà không bỏ Đài Loan vì địa thế đặc thù và chiến lược lâu dài của từng nước.

        Hơn nữa ở VN có những kẻ vọng ngoại, không có tư duy, không vững lập trường, sẵn sàng để cho ngoại bang xỏ mũi dắt đi như trâu vậy. Do đó, khi Mỹ hô “Diệm độc tài, kỳ thị Phật giáo” thì một bày đàn nhao nhao lên trong đó có cả LMC, lập lại những gì Mỹ nói, làm những gì Mỹ chủ trương. Những kẻ như thế có đáng cho Mỹ tin tưởng không?

        Trích; “Họ đón nhận những đợt người Việt di tản, thuyền nhân, ODP, HO … chẳng qua là vì cái lợi lâu dài cho Mỹ. Bằng chứng người Mỹ gốc Việt đóng góp rất nhiều vào “melting pot” (cộng đồng đa quốc gia đa chủng tộc) ở đó về mọi mặt, nhất là về mặt chống Cộng, cũng như chống độc tài đủ loại, như độc tài kiểu Hồi giáo quá khích“.

        Ở Đình thì phải quét đình, ở chùa thì phải quét lá đa. Không biết ông LMC đã tạo được lợi ích gì cho dân Hà Lan mà họ đã phải tốn bao tiền của để bảo bọc, ổn định đời sống cho một kẻ vô ơn như ông LMC?

    • Lại Mạnh Cường says:

      Thưa bạn motkhucruot,

      Y sĩ đại tá Hoàng Cơ Lân, gốc dù và chỉ huy trưởng trường Quân Y, thượng cấp của tôi ở giờ thứ 24 và 25 quân lực VNCH, gần đây đã dậy cho tôi một bài học nhớ đời.

      Theo ông, NHÀ DỘT TỪ NÓC, CÁ ƯƠN TỪ ĐẦU (le poisson pourrit toujours par la tête).

      Ông còn dẫn lời của Napoléon đại đế: KHÔNG CÓ NGƯỜI LÍNH TỒI, MÀ CHỈ CÓ CHỈ HUY DỞ (Il n’y a pas de mauvais soldats, il n’y a que de mauvais chefs = There ara no bad soldiers, only bad officers)

      • Nguyễn Trọng Dân says:

        Trong cái dàn…” bad officcer” đó chắc có thầy Cường bán… hay tuồn ampicillin ra cho Bắc Việt… kiếm chút tiền đi phòng trà

        CS Bắc Việt sài thuốc men của Mỹ không à , cần sử bắn chê bai thì phải lôi cổ đám quân y của thầy Cường bợm đĩ tuồn thuốc men cho Bắc Việt ra mới được- nào giờ đâu ai biết hỉ ?!

        Hỏi y sỉ Hoàng Cơ Lân coi Qua viết đúng không hè? Thầy Cường định lòi cái đuôi…Việt tân rồi phải không?

        Năm Mùi vui vẻ nha !

      • Lâm Hoàng Mạnh says:

        Lâu lắm mới thấy LMC tham gia “phản loạn”.
        Nhiều lần “phôn” cho chú mình, nhưng không ai bốc máy, kể cả gửi email cũng “trật địa chỉ luôn”. Đành phải “nhờ” ĐCV nhắn tin.

      • noileo says:

        “Y sĩ đại tá Hoàng Cơ Lân, gốc dù và chỉ huy trưởng trường Quân Y, thượng cấp của tôi ở giờ thứ 24 và 25 quân lực VNCH, gần đây đã dậy cho tôi một bài học nhớ đời.

        Theo ông, NHÀ DỘT TỪ NÓC, CÁ ƯƠN TỪ ĐẦU (le poisson pourrit toujours par la tête).”

        Tất cả mọi người đều dở, dốt, hèn…, chỉ có thầy trò nhà ông Lại mạnh Cường là num bơ oăn, số một nhớn, số một la mã

      • HTĐ says:

        Lời dạy của ông Lân hay chỗ nào? Đó là lời dạy có trình độ trung bình vì chỉ đúng một nửa. Đúng một nửa vì chỉ biết đổ lỗi cho người khác.

      • Trực Ngôn says:

        Người ta tranh luận bằng chính tư duy của mình, nếu có trích dẫn của người khác thì cũng chỉ để củng cố cho lập luận (đúng) của mình mà thôi.

        Tưởng ông LMC là người có tư duy độc lập, nào ngờ ông dựa vào “lời dạy” của người khác để tranh luận, đã vậy lại còn trích troác tràng giang đại hải nữa chứ!

        Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi, không nhất thiết nhà phải dột từ nóc đâu, thưa ông LMC.

        Ông nghĩ sao khi có những gia đình bố làm BS, KS, LS mà con thì xì ke ma túy, đầu trộm đuôi cướp?

        Nếu muốn nói “nhà dột từ nóc” thì phải nói đến chế độ CSVN, chúng tham nhũng có hệ thống, có ô dù bao che từ trên xuống dưới, từ TW đến địa phương.

        Còn chế độ dân chủ tự do như VNCH thì không thể “dột từ nóc” được, vì sẽ bị báo chí phanh phui. Vài cá nhân gạo cội tham nhũng cũng không thể hàm hồ vơ đũa cả nắm.

        Còn câu; “KHÔNG CÓ NGƯỜI LÍNH TỒI, MÀ CHỈ CÓ CHỈ HUY DỞ” cũng chưa hẳn là đúng!

        Nhiều cha mẹ (chỉ huy) đang khốn đốn vì con (lính) đấy! Ông là BS, là người đứng đắn giỏi giang, nhưng con ông nó ham chơi đàn đúm, nói nó đek nghe lời. Vậy quan tồi hay lính dở?

Leave a Reply to Bui