WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tổng thống Thiệu triệt thoái Quân đoàn Hai

triet thoaiGần đây trong một cuộc tiếp xúc riêng với cựu Đại Tá Lê Khắc Lý, Tham mưu trưởng Quân đoàn 2, Đại tá cho tôi biết đã có rất nhiều người hỏi ông: “Có phải TT Thiệu rút bỏ Quân đoàn 2 tại Pleiku giữa tháng 3-1975, giả vờ thua chạy để tháu cáy Mỹ, khiến cho Mỹ sót ruột phải nhẩy vào?”

Cách đây khoảng nửa năm, trong một lần tiếp xúc khác Đại tá có nói ông nghi ngờ TT Thiệu rút bỏ Cao nguyên để tháu cáy Mỹ nhưng thất bại và ông có gợi ý tôi viết về chủ đề này.

Đại Tá Lê Khắc Lý nói ông đã tốt nghiệp Trường Cao Ðẳng Quốc Phòng khóa 4 năm 1972 và đã đi học ở Mỹ nhiều lần, lớp học cao nhất là “Trường Ðại Học Chỉ Huy và Tham Mưu Lục Quân Hoa Kỳ” tại Fort Leavenworth, Kansas (US Army Command and General Staff College). Chính tại trường Chỉ Huy và Tham Mưu Command and General Staff College này, ông đã học nguyên tắc chiến thuật (tactical) căn bản ngoài chiến trường là luôn luôn chiếm giữ “high ground” (vùng cao) để chế ngự các vùng đất chung quanh. Nhưng khi giảng, “thầy” cũng có nói nguyên tắc này cũng áp dụng cho “chiến lược” (strategy) nữa. Trong trường hợp Quân đoàn 2 của ta hồi 1975, ông nghĩ là đúng với nguyên tắc này. Ông cho rằng quyết định bỏ cao nguyên của ông Thiệu là sai lầm. Rôi từ vùng đất thấp là vùng duyên hải sẽ đánh ngược lên để gọi là “tái chiếm Ban Mê Thuột” là chuyện quá khó nếu không nói là “không tưởng.

Tóm lại TT Thiệu đã sai lầm về chiến thuật chiến lược khi ban lệnh lui binh xuống đồng bằng duyên hải để từ đó lên tái chiếm Ban Mê Thuột.

Trên thực tế nhiều người cũng đã nghi ngờ ông Thiệu tháu cáy Mỹ cho rút bỏ Cao nguyên. Khoảng năm 1975,1976 khi chúng tôi ở trong trại tù CS, có một anh bạn tù tin rằng ông Thiệu giả vờ thua chạy đưa tới sụp đổ, thua luôn cuộc chiến.

Sơ lược tái phối trí

Trước hết tôi xin sơ lược về cuộc triệt thoái lịch sử này, dựa theo tài liệu, lời kể của ký giả Phạm Huấn, Nguyễn Đức Phương, các vị Tướng lãnh Cao Văn Viên, Hoàng Lạc, có tham khảo thêm tài liệu phía Cộng Sản. Như chúng ta đều biết, cuộc lui binh này đã bị thất bại nặng, nó là khúc quành quan trọng nhất trong cuộc chiến tranh VN giai đọan cuối. Người ta kết án TT Thiệu đã làm sụp đổ cả hai Quân khu 1 và 2, kế đó sụp đổ miền nam.

Sau ngày Ký Hiệp định Paris 27-1-1973, Quốc hội cắt giảm quân viện mỗi năm khoảng 50% khiến cho miền nam VN lâm vào tình trạng thiếu thốn trầm trọng về hỏa lực, tiếp liệu đạn dược.

images

Ngày 11-3-1975, Tổng thống Thiệu bàn luận tình hình với Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Đại Tướng Cao Văn Viên, Trung Tướng Đặng Văn Quang. Ông Thiệu cho biết với khả năng hiện có Quân đội VNCH không thể bảo vệ tất cả lãnh thổ, nên phải tái phối trí lực lượng để bảo vệ những vùng đông dân trù phú, quan trọng nhất là Vùng 3 và Vùng 4. Ông Thiệu không lạc quan về Vùng 1 và Vùng 2. Tại vùng 2, Ban Mê Thuột quan trọng sẽ phải chiếm lại, miền duyên hải Vùng 2 giữ được phần nào hay phần nấy.

Ngày 12-3-1975 ngân khoản 300 triệu quân viện bổ túc đã bị Quốc hội Mỹ bác bỏ, ngoài ra họ cũng không chuẩn chi cho năm tới, nghĩa là từ náy sẽ không cho một xu viện trợ nào. Tin sét đánh đã khiến TT Thiệu bị mất tinh thần khiến ông quả quyết tái phối trí.

Ngày 13-3-1975 mất Ban Mê Thuột, hôm sau ông Thiệu bay ra Cam Ranh mở phiên họp cao cấp quân sự, có mặt các Tướng Trần Thiện Khiêm, Đặng Văn Quang, Cao Văn Viên, Phạm Văn Phú, Tư lệnh vùng 2 . Phạm Huấn ghi lại theo lời kể của Tướng Phú: Tổng thống Thiệu cho biết Quốc hội Mỹ cắt quân viện, hủy bỏ những cam kết yểm trợ không lực, lãnh thổ phòng thủ quá rộng nên ta phải tái phối trí lực lượng. Ông cho biết Tướng Phú Tư lệnh Quân đoàn 2 phải rút quân bỏ Pleiku-Kontum về duyên hải, Nha Trang sau đó sẽ hành quân tái chiếm Ban Mê Thuột. Tại Quân khu 2, VNCH chỉ có 2 Sư đoàn bộ binh (22, 23) và 7 liên đoàn Biệt động quân trong khi BV có 5 sư đoàn bộ binh và 4 trung đoàn độc lập ( theo tài liệu CS).

Tướng Phú xin ở lại tử thủ nhưng Tổng thống Thiệu bác bỏ, ông còn cho biết Tướng Phú phải dấu không được cho địa phương, các Tỉnh trưởng Quận trưởng biết, họ phải ở lại chiến đấu. Các vị Tướng lãnh không có ai phản đối trừ Tướng Phú xin ở lại tử thủ. Về buổi họp này Tướng BV Văn Tiến Dũng ghi lời khai của Chuẩn tướng Phạm duy Tất cũng gần giống như vậy, ông Cao Văn Viên cũng ghi lại chi tiết buổi họp cũng gần giống như lời Phạm Huấn.

Trong buổi thảo luận ông Cao Văn Viên cho biết đường quốc lộ 21 về Nha Trang không thể xử dụng được vì đường 14 từ Pleiku tới Ban Mê Thuột đã bị BV cắt, đường 19 nối Pleiku với Qui nhơn Cộng quân đóng chốt nhiều nơi, đèo An Khê bị cắt ở hai phía đông tây, ngoài đường số 7 xuống Tuy Hòa không còn đường nào khác. Đường số 7 tuy tạo được yếu tố bất ngờ nhưng là con đường bỏ hoang cầu cống hư hỏng.

Kế hoạch được hợp thức hoá và giữ bí mật cho tới giờ phút chót. Kế hoạch của Tướng Phú là Liên đoàn 20 công binh chiến đấu đi trước mở đường , thiết giáp đi theo các đoàn xe để bảo vệ, hai liên đoàn Biệt động quân và thiết giáp đi bọc hậu đoàn quân di tản.

Ngày 16-3-1975 đoàn xe bắt đầu rời Pleiku gồm các đơn vị quân cụ, đạn dược, pháo binh, khoảng 200 xe. Tướng Phú và bộ tư lệnh đi trực thăng về Nha Trang, Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất lo đôn đốc cuộc di tản, mỗi ngày một đoàn xe khoảng 200 hay 250 chiếc, ngày đầu êm xuôi vì bất ngờ.

Ngày hôm sau 17-3-1975 các đơn vị pháo binh còn lại, công binh, quân y, tổng cộng chừng 250 xe. Khi ấy dân chúng, gia đình binh sĩ chạy ùa theo, làm náo loạn gây trở ngại cho cuộc triệt thoái.

Ngày 18-3 Bộ chỉ huy và ban tham mưu Quân đoàn về tới Hậu Bổn, Phú Bổn, các đoàn xe từ ba ngày trước kẹt lại đây, đoạn đường từ Hậu Bổn về Tuy Hoà chưa giao thông được vì công binh chưa làm xong cầu qua sông Ae Pha. Tối ấy Việt Cộng đuổi theo pháo kích dữ dội gây thiệt hại hầu hết chiến xa và trọng pháo tại đây. Sư đoàn 320 BV đóng tại Buôn Hô, Ban Mê Thuột được lệnh đuổi theo đoàn xe triệt thoái từ 16-3 đến 18-3-1975 vào Phú Bổn rồi tiếp tục đánh phá tới Củng Sơn. Ngày 19-3 một số lính địa phương quân người Thượng cướp giựt và bỏ hàng ngũ trốn đi gây thêm hỗn loạn. Các liên đoàn Biệt động quân, thiết giáp, bộ binh bị thiệt hại nặng, BV cũng xử dụng các chiến xa đại bác của ta bị bỏ lại để tấn công đoàn triệt thoái.

Đoàn quân rời Hậu Bổn ngày 20-3 nhưng chỉ đi được 20 km thì phải đi chậm lại vì Phú Túc phía trước bị VC chiếm, đoàn quân di tản vừa chống trả vừa tiến. Không quân đến yểm trợ nhưng ném bom nhầm vào đoàn quân gây tử thương gần một tiểu đoàn BĐQ, thiệt hại này lại càng gây thêm rối loạn. Tại Phú túc hỗn loạn diễn ra dữ dội. BV đóng chốt, một tiểu đoàn Địa phương quân và Biệt động quân được giao nhiệm vụ nhổ chốt. Khi đến Củng Sơn cách Tuy Hoà 65 km đoàn di tản phải băng qua sông Ba. Trực thăng CH-47 chở từng đoạn cầu lên sông Ba để ráp, ngày 22-3 cầu ráp xong đoàn di tản qua sông theo hương lộ 436 về Tuy Hoà, vì xe cộ quá đông cầu bị sập chết nhiều người phải sửa chữa thêm lần nữa.

Chặng đường cuối cùng từ đây về Tuy Hoà rất cam go vì có nhiều chốt VC, trời mưa lạnh, VC pháo kích đoàn di tản để cầm chân ta. Tiểu khu Tuy Hoà không còn quân để tiếp viện nên đoàn quân di tản phải tự lo lấy, các binh sĩ tiểu đoàn 34, Liên đoàn 7 BĐQ lều mạng lên tấn công các cứ điểm CS cùng với chiến xa M-113 tiêu diệt chốt địch. Ngày 27-3 sau khi thanh toán chốt cuối cùng đoàn di tản về tới Tuy Hoà buổi tối tổng cộng 300 xe (trong số 1,200 xe) mở đường máu về được Tuy Hoà.

Đường rút quân tỉnh lộ 7 lại gần vị trí đóng quân của Sư đoàn 320 BV tại Buôn Hô, Ban Mê Thuột, họ được lệnh đuổi theo ngày 16-3, chỉ hai ngày là đã đuổi kịp. Ngày 18-3 Cộng quân pháo kích phi trường gây kinh hoàng cho đoàn di tản. Lực lượng chiến xa pháo binh dồn đống tại Phú bổn bị thiệt hại nặng tới 70%.

Các kho quân dụng tại Kontum, Pleiku bỏ ngỏ, tất cả quân dụng, vũ khí trị giá 253 triệu Mỹ Kim lọt vào tay CS. Sự thiệt hại về tinh thần còn to tát hơn nhiều.

Theo Nguyễn Đức Phương trong số 60,000 chủ lực quân chỉ có 20,000 tới được Tuy Hoà, 5 Liên đoàn BĐQ 7,000 người chỉ còn 900 người. Lữ đoàn 2 Thiết Kỵ với trên 100 xe tăng nay chỉ còn 13 chiếc M-113.

Ông Cao Văn Viên nói ít nhất 75% lực lượng, khả năng tác chiến của Quân đoàn 2 gồm Sư đoàn 23 BB, BĐQ, Thiết giáp, Pháo binh, Công binh… bị hủy hoại trong vòng có 10 ngày. Kế hoạch tái chiếm Ban Mê Thuột không thể thực hiện được vì không còn quân.

Tái phối trí lực lượng có mục đích co cụm lại vì không đủ lực lượng trải rộng toàn lãnh thổ.
Những nguyên do thất bại chính của cuộc di tản có thể gồm:
-Di tản quá gấp rút, cả một quân đoàn quá đông đảo, đường xá bị tràn ngập xe cộ và người chạy loạn.
-Đường số 7 bị bỏ hoang, cầu cống hư hỏng khiến cho cuộc di tản bị ngừng trệ.
-Dân chúng di tản làm náo loạn mất tinh thần quân đội
-Thiếu chuẩn bị, không lập kế hoạch lui binh vì quá gấp rút
Thực ra cuộc di tản thất bại nặng nề vì xui xẻo, đường di tản lại gần với vị trí đóng quân của Sư đoàn 320 CSBV tại Buôn Hô. Tối 16-3 Văn Tiến Dũng đã điều động, đốc thúc đạo quân này đuổi theo, hai hôm sau họ bắt kịp đoàn di tản tại Phú Bổn và đã pháo kích gây thiệt hại nặng cho ta về thiết giáp, pháo binh. Sự thất bại chứng tỏ ta không có tin tình báo chính xác về vị trí các đơn vị Cộng quân.

Ngoài ra theo lời kể của một một nhân dân tự vệ cùng gia đình từ Kontum di tản trên đường số 7, anh thanh niên này cho biết Pleiku di tản trước nên phần nhiều dân quân đã chạy thoát khỏi cuộc truy kích của Cộng quân. Người dân Kontum ở phía bắc, cách Pleiku 40 cây số khi biết Pleiku di tản thì cũng ùa chạy theo, vì chạy sau họ bị VC đuổi kịp pháo kích dữ dội. Khi ấy đoàn xe dân quân dồn đống dưới một vùng đất trũng. Đạn pháo khiến bụi bay mù mịt, không ai thấy ai chỉ thấy tiếng đạn nổ ấm ầm ghê rợn, người chết vì pháo kích, người bị xe cán nằm la liệt. Theo lời nhân chứng này dân chết rất nhiều, lính chết ít vì họ lanh lợi hơn, biết tránh đạn, nạn nhân đa số là dân Kontum . Ký giả chiến trường Phạm Huấn mô tả đây là một hành lang máu.

Giả thuyết

Ngoài những nghi ngờ của Đại Tá Lê Khắc Lý, Tham mưu trưởng Quân đoàn 2 kể trên tôi xin góp ý thêm về giả thuyết này.

Như chúng ta đã thấy, ông Thiệu lệnh cho cả một đại đơn vị (60 ngàn người) hành quân từ Pleiku xuống Tuy Hòa phía đông , rồi từ Tuy Hòa xuống Nha Trang phía nam, rồi lại từ đó lên tái chiếm Ban Mê Thuột ở phía tây. Chặng đường hành quân hình chữ U rất dài và tốn kém nhiên liệu trong khi ta đang kiệt quệ về tiếp liệu. Kế hoạch không logic lại viển vông cho thấy ông Thiệu có mục đích tháu cáy, giả vờ thua chạy hơn là mục đích quân sự. Việc tái chiếm Ban Mê Thuột theo kế hoạch của ông rất gay go và khó thực hiện trong khi ta đang thiếu thốn về mọi mặt.

Ngoài ra tôi nghĩ ông Thiệu rất chủ quan, ông vẫn tin người Mỹ không thể bỏ Đông Dương. Hạ tuần tháng 10-1972 Tiến sĩ Kissinger sang Sài Gòn thuyết trình cho ông Thiệu biết BV đã nhượng bộ những đòi hỏi chính mà họ đã dai dẳng đòi từ mấy năm qua: Không đòi lật đổ Thiệu, không có Liên Hiệp, Hội đồng hòa giải chỉ hữu danh vô thực… nhưng có điều họ không chịu rút về Bắc. Kissinger tưởng là ộng Thiệu sẽ đồng ý ký bản Dự thảo đã soạn chung với phía BV ngày 9-10-1972, dự định ký 25-10, trước bầu cử Mỹ (7-11-1972). Ông Thiệu chống đối bản dự thảo và chỉ trích Kissinger. Nixon khuyên Kissinger không nên ép Thiệu vì Nixon không muốn Hiệp định được ký trước bầu cử, qua thăm dò Nixon biết chắc sẽ tái đăc cử nhiệm kỳ hai.

Tháng sau 11-1972 và cả tháng 12 ông Thiệu mở chiến dịch trên báo chí đài phát thanh lên án Kissinger và cả Nixon ép VNCH ký bản Hiệp định bất bình đẳng, mục đích để vận động cánh tả, diều hâu bên Mỹ áp lực hành pháp không được ép VNCH . Theo TT Nixon (No More Vietnams trang 152), nếu đòi điều kiện BV rút quân sẽ không có Hiệp định, Hà Nội sẽ không chịu ký. Đó là một điều nguy hiểm, nếu VNCH gây trở ngại hòa bình thì Quốc hội thù nghịch sẽ ra tay giải quyết, họ sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh, cắt viện trợ miền Nam, thực hiện rút hết quân để đánh đổi lấy tù binh Mỹ.

Người Mỹ coi việc lấy 580 người tù binh là quan trọng vào hàng đầu, dĩ nhiên đứng trên cả sự sống còn của Đông Dương, TT Nixon, Kissinger, Tướng Haig.. và các nhà học giả nghiên cứu về chiến tranh VN đều nói thế. Cuối tháng 11, ông Thiệu quảng bá tin TT Nixon gửi hậu thư cho Thiệu bắt phải ký Hiệp định Paris mục đích vận động phe diều hâu bên Mỹ ủng hộ miền Nam VN.

“Sài Gòn như nghĩ rằng chuyện tối hậu thư sẽ khiến cánh hữu áp lực tòa Bạch Ốc không bỏ rơi một đồng minh đang bị CS bao vây đe dọa. Nhưng thực ra đó là sự đánh giá sai lầm lớn, câu chuyện không được chú ý tới”
(Saigon apparently assumed that an “ultimatum” story would encourage America’s right wing to apply pressure on the White House not to abandon a beleaguered ally threatened by Communism. It turned out to be a gross and embarrassing overestimation. The Story caused barely a ripple – Marvin Kalb, Bernard Kalb, Kissinger- p. 405).

Từ TT Nixon tới Kissinger, Tướng Haig tới Đại Sứ Bunker đều nhắc nhở cho ông Thiệu biết đừng hy vọng gì vào sự ủng hộ tại chính trường Mỹ, nay diều hâu đã đổi lông đổi cánh biến thành bồ cu hết, Quốc hội thù nghịch chỉ tìm cách xiết cổ Đông Dương. Tại nước Mỹ nay số người còn ủng hộ chiến tranh Đông Dương chỉ còn đếm trên đầu ngón tay trước hết TT Nixon, Kissinger, Tướng Haig và một số phụ tá của Tổng thống và của Kissinger. Người dân và Quốc hội đã quá chán ngấy cuộc chiến sa lầy đến tận cổ. Mặc dù hành pháp Mỹ nhắc nhở TT Thiệu nhưng ông vẫn không tin, ông vẫn chủ quan cho rằng Mỹ không dám bỏ miền Nam, nơi đây vẫn là tiền đồn chống Cộng.

Vì quá chủ quan nên tháng 3-1975 ông đã sai lầm tháu cáy giả vờ thua chạy để Mỹ xót ruột nhẩy vào. Trên đây chỉ là những giả thuyết về việc Tổng thống Thiệu tháu cáy người bạn đồng minh.

Kết Luận

Tuy nhiên không có nghĩa là TT Thiệu tháu cáy sai lầm làm sụp đổ Quân đoàn 2 đưa tới sụp đổ miền Nam. Thực ra sự sai lầm của ông chỉ làm cho miền Nam sụp đổ nhanh hơn dự kiến. Nếu TT Thiệu không thực hiện tái phối trí và để Tướng Phú tử thủ tại Pleiku, chính ông Tướng này đã nói nếu được tiếp viện có thể giữ được một tháng nhưng đó chỉ là hy vọng chủ quan trong khi đạn dược tiếp liệu miền Nam đang lâm vào tình trạng kiệt quệ. Sự sụp đổ cả hai Quân đoàn 1, 2 và cả miền Nam tháng 4-1975, một phần vì sự sai lầm của TT Thiệu và nhất là do hỏa lực yếu kém của ta trước áp lực mạnh, đông đảo của đối phương. Người ta thường nói vì ông Thiệu sai lầm triệt thoái Cao nguyên mà mất nước hoặc nói vì ông Dương Văn Minh đầu hàng CS mà mất miền Nam, vấn đề không đơn giản như thế.

Xin nói sơ về thực trạng bi đát này do hậu quả của việc Hoa kỳ cắt giảm quân viện năm 1974, 75.
-Trước hết trang 92 Cuốn Những Ngày Cuối của VNCH, ông Cao Văn Viên cho biết trong tháng 2-1975 tồn kho đạn dược của tất cả các loại súng lớn, súng nhỏ chỉ còn đủ xài 30 ngày.
-Trước đó hai tháng sau khi Cộng quân chiếm Phước Long ngày 7-1-1975, vài tuần sau vào ngày 24 và 25-1-1975, TT Thiệu gửi thư cầu cứu TT Ford về tình trạng nguy khốn của VNCH. Bức thư này được Tiến sĩ Kissinger nói tới trong Years of Renewal trang 490 như sau.

“Ông Thiệu diễn tả cuộc tấn công này của địch rất qui mô hùng hậu bằng hỏa lực mạnh và thiết giáp. Trái lại quân đội miền nam VN đã phải đếm từng viên đạn pháo để tiết kiệm để còn đạn xử dụng”
(He described the intensity of the North Vietnamese attacks, backed by the “massive application of fire power and armor”. By contrast, the South Vietnamese troops “had to count every single shell they fired in order to make the ammunition last)”.

-Theo Kissinger tháng 1-1975 báo Học tập cùa CS viết về tình trạng khó khăn của VNCH.

“Hỏa lực và sự di động của quân Ngụy giảm mạnh trong quí ba 1974, hỏa lực pháo binh hàng tháng của quân Ngụy giảm ba phần tư (3/4) so với 1973. Số phi vụ chiến thuật hàng ngày của Ngụy giảm chỉ còn một phần năm (1/5) so với năm 1972. Số máy bay Ngụy so với thời ký chiến tranh trước đây giảm 70%, trực thăng giảm 80%…Kho bom đạn Ngụy giảm mạnh và gặp nhiều khó khăn về tiếp liệu, bảo trì, sửa chữa các loại máy bay, xe tăng, tầu thuyền, vũ khí nặng…
Years of Renewal trang 480

Nhận xét của CS về sự thiếu thốn của quân đội miền Nam cũng gần với các dữ kiện trong cuốn NNCVNCH kể trên của ông Cao Văn Viên trang 86. 87. Từ trang 89 tới trang 94 tác giả đề cập vấn đề đạn dược tiếp liệu, từ tháng 8-1974 tới tháng 2-1975 quân đội ta chỉ xử dụng 19,808 tấn đạn hàng tháng chỉ bằng 27% so với 73,356 tấn dùng hàng tháng trong thời gian trước đó, nghĩa là hỏa lực đã giảm 70%!

Trong khi ấy Hà Nội được CS quốc tế viện trợ dồi dào. Giai đoạn 1969-1972 họ được Nga, Trung Cộng và các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ 684,666 tấn vũ khí. Giai đoạn 1972-1975 họ nhận được 649,246 tấn hàng vũ khí, số lượng hàng viện trợ của hai giai đoạn tương đương nhau.(Bản tin của BBC.com ngày 5-10-2006).

Theo Kissinger, Hà nội đã xin được viện trợ của Sô viết tăng gấp bội. Thàng 12- 1974, một viên chức cao cấp Nga viếng Hà Nội lần đầu tiên kể từ sau ngày ký Hiệp định Paris. Tổng tham mưu trưởng Nga Viktor Kulikov tới tham dự họp chiến lược với Bộ chính trị BV, nay họ bãi bỏ hạn chế trước đây. Sô Viết đã chở vũ khí viện trợ quân sự cho Hà Nội tăng gấp 4 lần trong những tháng sau đó. Nga khuyến khích BV gây hấn (Years of Renewal trang 481).

Quân khu 2 diện tích rộng nhất toàn quốc gồm 12 tỉnh chỉ có 2 Sư đoàn bộ binh và 7 Liên đoàn biệt động quân bảo vệ là nơi yếu nhất so với các Quân khu khác nên CS đã chọn để tấn công trước. Sư đoàn 23 chịu trách nhiệm cao nguyên, Sư đoàn 22 bảo vệ vùng duyên hải.

Lực lượng BV tại đây gồm 5 Sư đoàn (10, 320A, 316, 968, 3) và 4 Trung đoàn độc lập (25, 271, 95A, 95B), Trung đoàn đặc công (14, 27), chưa kể các lực lương yểm trợ. Tổng cộng khoảng 6 Sư đoàn bộ binh. (Theo Dương Đình Lập, Trần Minh Cao, Cuộc Tổng Tiến Công Và Nổi Dậy Mùa Xuân 1975, trang 90, 91.)

Như vậy dù ông Thiệu không rút bỏ Cao nguyên và giao cho Tướng Phú tử thủ thì cũng chỉ giữ được một thời gian nào đó, có lẽ không quá một tháng vì như đã nói trên miền Nam đã bị kiệt quệ đạn dược tiếp liệu trước áp lực mạnh và hỏa lực áp đảo của địch.

Tướng Phú nói một câu rất anh hùng, ông xin TT cho ông ở lại giữ đất chiến đấu và chết tại đó, nhưng dù ông có chết tại trận địa cũng không cứu được Quân khu, không cứu được miền Nam mà chỉ kéo dài sự dẫy chết thêm hơn một chút.

Trường hợp Tướng Phú đẩy lui được cuộc tấn công của địch tại Pleiku, Kontum…, sau đó ta lâm vào tình trạng hết đạn VNCH cũng sẽ phải xin viện trợ khấn cấp. Thực tế cho thấy hạ tuần tháng 4-1975, Quốc hội Mỹ đã bác bỏ tất cả các khoản viện trợ cho chiến tranh VN. Đảng Dân chủ đã thắng lớn trong cuộc bầu cử Hạ viện tháng 11-1974, họ chiếm 66.9% Hạ viện, gồm nhiều người mới chủ trương chống chiến tranh tới cùng và bác bỏ tất cả mọi ngân khoản quân viện cho Đông Dương. Trên thực tế tại chính trường Mỹ năm 1975 số người ủng hộ chiến tranh VN chỉ còn vài người: Tướng Weyand, Kissinger và TT Ford. Ngay tại nội bộ Hành pháp, các cố vấn, phụ tá của Tổng thống cũng đã căn ngăn ông đừng can thiệp vào cuộc chiến sa lầy. Quốc hội thù nghịch như ta đã biết thái độ của họ rõ ràng là “Sống chết mặc bay”.

Cựu Đại Tướng Cao văn Viên cho biết
“Nghĩ lại việc đã qua, câu hỏi là miền Nam có sống sót nếu chúng ta không áp dụng kế hoạch tái phối trí lực lượng quân sự hay không. Bây giờ nói thì sự đã rồi, nhưng tác giả tin miền nam có nhiều cơ hội hơn nếu không thực hiện tái phối trí. Tinh thần chiến đấu của quân đội VNCH và nhân dân bị hủy diệt là nguyên nhân trực tiếp của kế hoạch tái phố trí. Không có kế hoạch đó, có lẽ quân đội của chúng ta không tan rã nhanh như vậy. Chúng ta có thể mất đi một phần của sư đoàn 23 BB nhưng tất cả những đơn vị khác vẫn còn nguyên vẹn. Dù lấy được ban Mê Thuột Cộng quân vẫn phải ngừng lại, suy tính kỹ trước khi mở một mặt trận mới ở vùng II. Vùng II vẫn còn Sư đoàn 22BB, cộng thêm với một lực lượng tương đương với 2 sư đoàn bộ binh và hai sư đoàn không quân. Vùng II có đủ quân nhu và tiếp liệu để chiến đấu đến hết mùa khô. Không có kế hoạch tái phối trí, tác giả không nghĩ Cộng Sản có thể thành công, đánh nhanh và chiếm được nhiều đất như họ đã làm ở vùng I. Tình hình quân sự nhân lực của VNCH vẫn gặp những khó khăn dai dẳng như trước khi có quyết định tái phối trí: thiếu thốn về quận viện; không còn nhân lực để lập thêm những đơn vị tổng trừ bị. Nhưng ít ra quân đội VNCH sẽ không tan rã nhanh chóng như khi quyết định tái phối trí được thực hiện”. (Những Ngày Cuối của VNCH, trang 134)

Theo ông Cao Văn Viên sau khi mất Ban Mê Thuột ngày 13-3-1975 lực lượng VNCH tại Quân khu 2 còn tương đối đầy đủ, nếu TT Thiệu không cho rút khỏi Pleiku, Kontum miền Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn. Sự thực thì chẳng có cơ hội nào cả vì cuộc bầu cử Hạ viện Mỹ thượng tuần tháng 11-1974 đã là bản án tử hình cho cả Đông Dương. Đảng Dân chủ phản chiến đã chiếm đại đa số tại Hạ viện 66.9%, họ nắm giữ túi tiền, họ nắm giữ sinh mạng của cả Đông Dương. Hạ viện đã hai lần trả lời miền Nam xin viện trợ bổ túc tháng 3-1975 và viện trợ khẩn cấp tháng 4-1975 một cách thẳng thừng “Sống chết mặc bay”.

Tôi xin ngược dòng thời gian một chút để vấn đề được sáng tỏ hơn. TT Nixon thắng cử nhiệm kỳ hai tháng 11-1972 với 60% số phiếu bầu, hơn đối thủ McGovern 18 triệu phiếu phổ thông, 530 phiếu cử tri đoàn. Người ta ủng hộ ông vì ông sắp mang lại hòa bình, nhưng họ chống lại ông vì ông còn tiếp tục ủng hộ cuộc chiến VN. Từ sau Hiệp định Paris đảng đối lập và phản chiến tiếp tục chống Nixon. Sự thực ngay từ sau trận Mậu thân khi số người ủng hộ cuộc chiến tụt thang nhanh chóng, số chống chiến tranh lên cao, khi ấy số phận Đông Dương đã bắt đầu ngắc ngoải. Sang năm 1969 khi Nixon lên nhậm chức Tổng thống phong trào phản chiến càng dữ dội hơn trước. Từ 1969, 70..biểu tình tiến tới giai đoạn bạo động, đổ máu, sinh viên bắn cảnh sát, bắn súng đốt nhà, đập cửa kính, ném bom lớp học (No more Vietnams, trang 126-127). Họ chán ngấy cuộc chiến tranh Đông Dương.

Đứng trước sự chống đối ngày càng mạnh của phong trào phản chiến, họ đòi phải ra khỏi cuộc chiến Đông Dương ngay. TT Nixon và Kissinger, người phụ tá cố tìm lối thoát, mở cuộc tấn công qua biên giới Mên, Lào…rút quân về nước để xoa dịu sự chống đối. Nhưng thực ra tình trạng ngày càng bi đát, mọi cố gắng của Nixon và Kissinger cũng chỉ là giải pháp tạm thời, vá víu, nói khác đi chỉ giúp cho Đông Dương và miền Nam sống thêm ngày nào hay ngày nấy.

Sự ngoan cố của Hà nội đã khiến hòa đàm Paris kéo dài tới bốn năm. Mặc dù Nixon đã dội 20 ngàn tấn bom lên Hà Nội, Hải phòng cuối năm 1972 nhưng ông vẫn phải nhượng bộ BV để cho họ được ở lại miền Nam vì bị Quốc hội thúc ép phải ký. Lập pháp luôn hăm dọa ra luật chấm dứt chiến tranh, cắt viện trợ VNCH để đánh đổi lấy tù binh Mỹ. Trước khi ký Hiệp định, các Trưởng ban tại Quốc hội hứa hẹn tiếp tục viện trợ nhưng ký xong, họ trở mặt cắt giảm viện trợ dần dần và trói tay hành pháp. Tháng 6-1973 Quốc hội ra luật cắt bỏ mọi ngân khoản cho việc oanh tạc cũng như mọi hoạt động quân sự khác tại Đông Dương, có hiệu lực từ 15-8-1973. Họ còn đi xa hơn thế, ngày 7-11-1973 ra luật War Power Act hạn chế quyền Tổng thống, trước khi gửi quân ra ngoại quốc tham chiến, TT phải hỏi Quốc hội.

Trói tay hành pháp bằng các luật mới như trên chưa đủ, người ta sợ Nixon sẽ làm liều, làm ẩu cho ném bom B-52 khi BV vi phạm Hiệp định. Quốc hội thù nghịch và phong trào chống đối tìm cách loại bỏ Nixon vì ông vẫn là trở ngại hòa bình. Mặc dù đã ký Hiệp định ngưng bắn nhưng họ thừa biết Nixon và Kissinger vẫn tiếp tục chiến tranh dưới hình thức cưỡng bách thi hành Hiệp định (to enforce the agreement), trừng trị mọi vi phạm của CS bằng B-52, hai người đã lên kế hoạch nghiền nát BV. Khi Nixon đã mang lại hòa bình, họ chống đối hành pháp mạnh hơn trước, hết chống chiến tranh họ quay ra vụ Watergate từ tháng 4-1973, cho tới ngày 8-8-1974 Nixon phải từ chức. Vài tháng sau, 7-11-1974, họ hả hê kéo nhau vào Hạ Viện, Dân chủ phản chiến từ 242 ghế (55.6%) năm 1972 tăng lên 291ghế (66.9%) năm 1974, Cộng hòa giảm từ 192 ghế (44.2%) năm 1972 xuống còn 144 ghế (33.1%) năm 1974.

Nay những người Dân chủ mới, kiên quyết chống chiến tranh Đông Dương đã vào Hạ Viện, số phận của ba nước Việt Miên Lào đã được quyết định rồi. Họ chống bất cứ khoản viện trợ nào cho cuộc chiến sa lầy. Tháng 3-1975, và tháng 4-1975, hai khoản viện trợ Bổ túc 300 triệu và viện trợ Khẩn cấp 722 triệu của VNCH đã bị bác bỏ không thương tiếc.

Trở lại vấn đề đang bàn trên đây, dù TT Thiệu cho rút khỏi Cao nguyên hay không cũng không tránh khỏi sự sụp đổ sau cùng, không bao giờ miền Nam VN còn hy vọng được Hoa Kỳ cấp viện trợ để tiếp tục chống xâm lăng. Ngay cả TT Nixon cũng không thể quay ngược bánh xe lịch sử, người Mỹ đã quá ghê tởm cuộc chiến tranh bẩn thỉu của Hà Nội.

Tác giả Walter Isaacson trong Kissinger, A Biography trang 487có nói “Một khi người Mỹ đã tìm được con đường ra khỏi Việt Nam, cả Quốc hội lẫn người dân đều đã không muốn can thiệp trở lại, dù có hay không vụ Watergate. . . Bất kể có hay không có vụ Watergate, người Mỹ không còn muốn dính dáng gì với Việt Nam”Once America had found a way to disengage from Vietnam, neither the Congress nor public would have permitted a reengagement, with or without Watergate. . . Irrespective of Watergate, Americans wanted nothing more to do with Vietnam).

© Trọng Đạt
© Đàn Chim Việt

Tham Khảo

Phạm Huấn: Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975, Cali 1987
Cao Văn viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hoà, Vietnambibliography 2003.
Hoàng Lạc, Hà Mai Việt: Việt Nam 1954-1975, Những Sự Thật Chưa Hề Nhắc Tới Texas 1990.
Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.
Nguyễn Kỳ Phong: Vũng Lầy Của Bạch Ốc, Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam 1945-1975, Tiếng Quê Hương 2006
Dương Đình Lập: Cuộc Tổng Tiến Công Và Nổi dậy Mùa Xuân 1975, Nhà xuất bản Tổng Hợp T.P.H.C.M 2005
Phạm Bá Hoa: Cuộc Rút Quân Trên Đường Số 7B, Người Việt Dallas 19-3-2004
Hồi Ký Của Trung Uý D: Những Ngày Cuối Cùng Trên Liên Tỉnh Lộ 7B, Người Việt Dallas, 25-3-2005
Henry Kissinger: Years of Renewal- Simon & Schuster 1999
Walter Isaacson: Kissinger A Biography Simon & Schuster 1992.
Larry Berman: No Peace No Honor, Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam-The Free press 2001
Richard Nixon: No More Vietnams, Arbor House, New York 1985
Marvin Kalb and Bernard Kalb: Kissinger; Little, Brown and company 1974
The Word Almanac Of The Vietnam War: John S. Bowman – General Editor, A Bison-book 1985
Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war

192 Phản hồi cho “Tổng thống Thiệu triệt thoái Quân đoàn Hai”

  1. Chiêu Dương says:

    Gởi Ban Mai.

    Tớ thấy bạn Trực Ngôn dùng hình ảnh khá sống động để so sánh với VNCH. Đọc còm của bạn gởi cho Pham Minh và Uncle Fox, bạn vẫn băn khoăn cùng một vấn đề “tại sao biết đã thua mà còn cố đấm ăn xôi, gây nên chết chóc tang thương làm gì”.

    Xin phép Pham Minh và Uncle Fox cho tớ “thắt leo” với Ban Mai.

    Có thể so sánh VNCH với 1 bệnh nhân ung thư thì sát sườn hơn. Khi chỉ mới phát hiện khối U hoặc đã bước qua giai đoạn 1, 2; chẵng lẻ người ta đem bệnh nhân đi “bùm” hoặc chôn sống để khỏi tốn tiền chạy chửa !? Nhưng khi ung thư đã phát triển qua giai đoạn 3 thì xử lý như thế nào, có lẻ Ban Mai cũng thừa biết, có nên chạy chửa làm gì nửa không nhỉ !

    BM viết : “NVT bất chấp mọi thủ đoạn để “thắng cử” nhiệm kỳ II mà không rút lui? Phải chăng ông chỉ biết tin tưởng hoàn toàn vào Mỹ nên hậu quả mới thảm khốc?” Thưa, có thể bạn đã hoàn toàn nhầm lẫn khi đặt ra 2 câu hỏi đó. Tài liệu về chiến tranh VN thì vô số, tớ chỉ đơn giản mời BM vào en.wiki với từ khóa Nixon; ở phần China bạn sẽ thấy “Nixon laid the groundwork for his overture to China even before he became president, writing in Foreign Affairs a year before his election: “There is no place on this small planet for a billion of its potentially most able people to live in angry isolation.’”

    Tạm dịch Nixon đặt nền tảng cho sự thương lượng của ông ấy đối với Trung Quốc ngay cả trước khi ông ấy trở thành tổng thống, với việc viết trên Foreign Affairs một năm trước bầu cử : ” không có nơi nào trên hành tinh nhỏ này dành cho một tỉ người mà hầu hết có thể tiềm ẩn sống trong sự cô lập tức giận”.

    Năm 1969 Nixon cho thi hành chính sách “Vietnamization” ( VN hóa chiến tranh ). Tháng 4/1971 xảy ra sự kiện ngoại giao bóng bàn giửa Mỹ và Trung cọng; cũng vào lúc này, Mỹ tháo dở lệnh vấm vận thương mại với TC. Ông Thiệu không còn hoàn toàn tin tưởng Mỹ kể từ đây.

    Trở lại câu chuyện bệnh nhân ung thư. Tớ cho rằng ( chẵng oán trách ai vì các tài liệu liên quan biết đâu vẫn chưa được giải mả ), giai đoạn khối U ban đầu là VNCH từ khi hình thành đã không thể ràng buộc Hoa Kỳ bằng một hiệp ước phòng thủ hổ tương trước khi nhận súng đạn choảng nhau với cọng sản. Giai đọan 1969 – 1971 là ung thư bước qua giai đoạn 1.

    Để chạy chửa giai đọan 1 này, ông Thiệu dùng mọi cách để cuộc bầu cử 1971 chỉ còn lại 1 đối thủ mà ông tin nếu lở ông thất cử, người thắng cũng sẽ không xìu xìu ển ển đầu hàng CS; đó là ông Kỳ. Xin hỏi bạn BM, ung thư giai đoạn 1 có nên chạy chửa không ? và việc để lại 1 đối thủ duy nhất là đương kim phó tổng thống có nên kết án là “NVT bất chấp mọi thủ đoạn để “thắng cử” nhiệm kỳ II mà không rút lui?” Ông Kỳ tự dưng rút lui làm cho cuộc bầu cử 1971 trở thành độc diển. Trách ông Thiệu được chăng !?

    Giai đọan 1972 – 1973 Nixon đi sang TC và kết quả là hiệp định Paris; đây là ung thư giai đoạn 2. Người thường vẫn chạy chửa chứ, BM nhỉ.
    Giai đọan 1973 – 1975, quốc hội Mỹ khăng khăng từ chối viện trợ cho VNCH; ung thư chuyển giai đoạn 3. Hết thuốc chửa.

    Một căn bệnh ung thư sinh học chuyển giai đoạn cũng không nhanh bằng căn bệnh ung thư đối ngoại của VNCH, có mấy ai có nổi tầm nhìn bắt kịp với diển tiến thực tế ngoài việc nói NO với CS như ông Thiệu. Hôm nay chúng ta đã đủ kết luận NO với CS là đúng đắn.

    BM viết “Riêng việc “bỏ chạy” là nói về cá nhân ông NVT. Vì khi ông NVT bỏ chạy đã “làm gương” cho bao nhiêu tướng tá bỏ hàng ngũ chạy theo trong lúc VC đang ồ ạt tấn công? Bao nhiêu lính đã chết vì không có cấp chỉ huy? Có ai thử đếm số tướng tá bỏ chạy rồi tính tỉ lệ chưa? Tôi biết lơ tơ mơ là trong quân đội có luật xử bắn khi đào ngũ trước địch quân”. Sự trách cứ của BM rất gần giống với quý vị từng chửi đài phát thanh BBC hồi đó là Bà Bán Cháu, trước cả lúc ông Thiệu từ chức và bỏ chạy. Thưa với Ban Mai, nói đơn giản “hết đạn rồi”. BM cũng biết ô Thiệu đi Đài loan là có sự hợp tác của tòa đại sứ Mỹ mà, và tớ là người cầm súng, tớ biết rỏ ông Thiệu vẫn cứ lén phén đâu đó ở Sàigòn hoặc vùng 4 thì số binh sỉ chết trong tuyệt vọng khi bắn hết đạn sẽ không thể nào kể xiết.

    BM viết “Như đã nói ở comment trước, chẳng những ông NVT bỏ chạy mà còn trốn tránh trách nhiệm trước lịch sử khi không để lại một dòng nào cho hậu thế soi xét giai đoạn lịch sử do ông lãnh đạo!”Ông Thiệu nắm chủ tịch Uỷ ban Lãnh đạo quốc gia từ giửa năm 1965, làm tổng thống 1967 đến 1975. Tớ có thể chia mối tình Thiệu – Mỹ làm 2 giai đoạn : 1965 – 1969 và 1969 – 1975. Giai đoạn đầu 4 năm “tình là tình nhiều khi không mà có”. Giai đoạn hai, 6 năm “”tình là tình nhiều khi có như không”. Trên diển đàn này, đàn anh đông tà Dâm Tiên đã gợi sơ sơ một vài thất thố của ông Thiệu đối với Mỹ. Xin hỏi Ban Mai, nếu có, hồi ký của ông Thiệu ở giai đoạn 2 này sẽ liên quan đến nhiều nhân vật đã giúp ông thất thố với Mỹ, số phận của những người này sẽ như thế nào ? hồi ký của ông Thiệu giúp chúng ta được gì ! ? Chửi Mỹ ! ? Nên chăng ! ?

    Thưa bạn Pham Minh, giải pháp bạn nói ô Thiệu tự “bùm” cũng hợp lẻ, riêng tớ, tớ cám ơn ông ấy đã không làm thế. Vì, tớ chưa bao giờ “tôn vinh” bất kỳ một cá nhân nào, tuy nhiên, trong tình thế tuyệt vọng hồi đó bọn tớ cứ nhìn nhau rồi nhìn vào những trái lựu đạn trước ngực người đối diện; chỉ cần nghe ô Thiệu “tự bùm”, hôm nay đã không còn tớ hầu chuyện với bạn và Ban Mai.

    • tudo says:

      Quân đội VNCH trước tháng Tư năm …1975 có nhiều Ông Tướng,Ông Tá,Ông Úy….mà có RẤT ÍT …? ÔNG như ….???? đả làm rạng danh người lính VNCH ….trước bon CƯỚP miền Bắc của nước VIỆT NAM .

      • Tudo.com says:

        You, tudo hãy đi chổ khác chơi.

        Để cho những Người Lớn biết chuyện, nói chuyện phải quấy của Lịch Sử!

        Còn không thì hãy khoanh tay ngồi nghe mà học, mà hỏi như ta, chứ you cứ ấm a. . . . . .ấm ớ chấm chấm. . . rồi chấm ? ? ? là làm ồn, là hổn hào!

        Nghe rỏ chứ?

    • Ban Mai says:

      Thưa bác Chiêu Dương,

      Hôm qua tôi có “cáo phó” (bên dưới) về nội dung đang thảo luận và DCV post cùng một lúc với comment bác gửi nên tôi ko kịp đọc, đây là lý do tôi đang cám ơn bác.

      Dựa theo nội dung ý kiến của bác cho phép tôi “cãi” đôi chút… hihihi và dùng chữ “wậy” cho vui, tránh tình trạng căng thẳng không đáng có. Vâng, ông bác sĩ wậy tối đa với mục đích cứu bệnh nhân ung thư nhưng ông có phải là bác sĩ giỏi nhất lúc bấy giờ hay không? Ai xác nhận ông là BS giỏi hay tự nhận? Tôi suy diễn là ông tự nhận, vì thế ông đã không chịu “hội chẩn” hoặc nhường cho BS khác “điều trị” trong lúc còn có thể cứu. Đến lúc bị vết lở ác tính Ban Mê Thuột, rồi ban lệnh tháo chạy khỏi Tây nguyên và tiếp theo sau đó… đã cho biết procedure “dao kéo” sai be bét! Đã thế, khi bệnh nhân hấp hối thì bàn giao cho BS khác tẩm liệm rồi chuồn êm… đến nỗi không có được một lời giải thích hay xin lỗi thân nhân người bệnh trong suốt 20 năm sau 1975!

      Cho dù các ý kiến vẫn đang là “dầu” với “nước”, chưa thể bảo hòa, nhưng may mắn là cùng ở dạng thể lỏng chứ không như “nước” với “lửa” mà phải “tiêu diệt” đối phương :) nên đây là một trao đổi rất thú vị. Với stt nầy “còm sĩ” DCV đang thể hiện đúng về thái độ tranh luận, tôi học hỏi được rất nhiều và xin trân trọng cám ơn tất cả!

      Cuối tuần đang trôi qua, xin chúc quý bác an vui và chậm chậm “zà” để tiếp tục “còm” thời sự góp một phần nào đó trực diện với tội ác VC. Còn lãnh vực sử liệu, rất quý, nhưng tôi chờ giới học thuật.

      P/S: Bình loạn: Hôm qua, diễn biến xuống đường chống tàn sát cây xanh ở Hà Nội khá tốt đẹp vì cả 2 bên đều “tương kế tựu kế”! Bên cộng sản muốn chứng tỏ cho Hội nghị Quốc tế đang diễn ra là họ “tôn trọng tự do”. Bên biểu tình thì đang có Hội nghị Quốc tế liệu “mày” có dám đàn áp không? Người tham dự biểu tình “học được cách xuống đường” và từ từ sẽ mạnh mẽ hơn để tranh đấu công khai với VC, không sợ hãi. Khi chế độ chỉ chủ trương đối đầu với dân thì ngày tàn của chế độ đó phải đến.

  2. Nguyễn Trọng Dân says:

    Thưa ,

    Bài viết tóm lược “Gian Trá & Ngụy Tạo ” của giáo sư Lâm Văn Bé cũng dựa trên một số tài liệu thuộc lại “phun khói” cách không chưởng rất là lợi hại , từ từ mạt Dân sẽ ráng trích dẫn chỉ ra từng chút một- cũng tốn công lắm chứ chẳng phải chơi vì muốn phá giải trò ghép nối hỏa mù không phải là dễ , giống như gở chỉ rối , phải từ từ kiên nhẫn

    Bài viết của Lâm giáo sư có MỘT ĐOẠN VĂN “RẤT THẬT ” , Xin mọi người đọc KỸ :” YẾU TỐ 2 ” – cám ơn Lâm giáo sư )

    Trích

    “Việc Nguyễn Cao Kỳ bỏ ý định âm mưu đảo chánh ( tính chuyện cứu vớt vãn hồi miền Nam Việt Nam Cộng Hòa) là do hai yếu tố:”

    YẾU TỐ 1 : (Qua tách đoạn ra cho bà con dễ đọc )

    “Trước hết là sự từ chối của các tướng thân cận với ông như Tư lênh Không Quân Trần Văn Minh, Tư Lệnh Sư Đoàn Dù Lê Quang Lưỡng, Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến Bùi Thế Lân và một số chỉ huy trưởng ở Biệt Khu Thủ đô và Vùng 3 Chiến Thuật. Olivier Todd thuật lại (tr.300):

    – Trần Văn Minh: Ông cứ làm đi, bắt tôi làm con tin. Tôi không làm vì Tòa đại sứ Mỹ hứa đưa gia đình tôi sang Mỹ nếu tôi không làm gì.
    – Bùi Thế Lân: Tôi không đem binh giúp ông, nhưng chúng tôi không chống .
    – Cao Văn Viên: Ông làm đi, nói cho tôi biết ngày giờ, tôi sẽ mở cổng Bộ Tổng Tham Mưu.

    YẾU TỐ 2 : ( Vô cùng quan trọng )

    “Nhưng yếu tố quyết định ( để Kao Kỳ không đảo chánh ) là sự CAN THIỆP KỊP THỜI CỦA MARTIN và tướng Charles Timmes. CUỘC ĐỐI THOẠI GIỮA KỲ VÀ MARTIN SUỐT 2 GIỜ ĐÃ ĐƯỢC Timmes thu âm, nhưng tiếc thay, các sử gia đã không có dịp nghe được tài liệu sống vì cái máy thu âm đã “RỦI RO ĐÃ BỊ XÓA” (vừa phun khói- vừa đánh bài chuồn cho lẹ !) trong cái cartable của Timmes (Snepp, tr. 295-96)”

    ******************
    Kính xin được ghi chú cho bà con được rõ :

    1. Ông Kỳ quả đúng là có trao đổi với US ambassador Martin để nghe Martin giải thích về một sự “dàn xếp” bí mật bên trong khiến ông Kỳ cũng im lặng.

    2. Cuốn băng ghi âm này HOÀN TOÀN KHÔNG HỀ BỊ XÓA , vì nếu bị xóa thì ghi âm làm con mẹ gì ! KAO KỲ IM RE không hó hé tiết lộ gì cả cũng vì cuộc trao đổi có ghi âm này.

    3. Người viết đoạn văn trên mà Lâm giáo sư trích dẫn là Frank Snepp , cựu nhân viên Langley, phân tích gia của Langley tại Sài Gòn , là người từng bị Langley cảnh cáo và kiện trước tòa khiến ông bị thua cuộc ( 1980?) VÀ TỪ ĐÓ , THEO LỆNH TÒA….BẤT CỨ ẤN PHẪM NÀO CỦA FRANK SNEPP ĐIỀU PHẢI CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA CIA THÌ MỚI ĐƯỢC.. in xuất !

    Cho nên , nói một cách khác , Frank Snepp trở thành người phun khói dù bất đắc dĩ theo lệnh của CIA mà thôi sau khi ông thua kiện. Bảo rằng cuốn băng bị xóa chỉ là XẠO SỰ -vừa phun khói- vừa đánh bài chuồn cho lẹ !

    Vậy thì ai ơi , thử đoán xem , ambassador Martin nói gì với Kỳ mà Kỳ đành im lặng quyết định đổi Ý không tìm cách cứu vãn miền Nam Việt Nam Cộng Hòa nữa….- để tiếng OÁN MỘT MÌNH THIỆU VE LÃNH HẾT !

    Ngoài ra , tại sao CUỘC NÓI CHUYỆN CẦN PHẢI GHI ÂM? Mà người ghi âm là một ông tướng mới là GHÊ ! ( by the way , why talk too long – up to 2 hrs – too much of data to talk , right ?)

    Ú là là Tại Sao? Tại Sao?

    4. Tướng Charles Timmes:

    Người hùng này kinh khiếp lắm nhá , từng nhãy dù xuống Normandy để độp Đức Quốc Xã on D-DAY, tham chiến ở Korea , từng làm trưởng phòng quân báo lực lượng nhãy dù thuợng hạng của Mẽo, sư đoàn 101 , là người cố vấn trực tiếp kế hoạch tham chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam , về hưu năm 1967 , quay trở lại làm việc trực tiếp cho Langley về các kế hoạch DÀN CẢNH QUÂN SỰ mà Langley muốn thấy tại Việt Nam , TRỞ THÀNH TRÙM TÌNH BÁO VỀ QUÂN SỰ TRÊN CHIẾN TRƯỜNG VIỆT NAM

    ÔNG chính là người cố vấn cho Langley làm cách nào để Langley có thể GIẬT XẬP sức kháng cự của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nhằm đẫy đưa Cộng Sản Quốc tế đi vào thế chia rẽ , bại vong và biến chất ( PHẾ MÃ TRANH TIÊN )

    Ông mất năm 2000 , một tháng trước khi Tổng Thống Clinton viếng thăm Việt Nam , khởi đầu lại một trách nhiệm của Hoa Kỳ còn dang dỡ tại Đông Nam Á !

    ( Cho nên bảo rằng tướng quân accidentally xóa mẹ nó cuốn băng ghi âm , con người như tướng quân , cẫu thả mà được ! Langley vờ vịt kì này hay GHÊ ! )

    Nay Thiếu Tướng có đôi mắt người Sơn Tây đã qui tiên , có thể nào Thiếu Tướng phù hộ úm ba la cho chúng “em” còn sống được công khai nghe cuốn băng ghi âm này mà không bị mất mạng …bà con lối xóm không?

    Hay là PHẢI ĐỢI khi Việt Nam Cộng Hòa quay trở lại …, thì SỰ THẬT MỚI ĐƯỢC CHO …IN?

    Nay Kinh

    Merci DCV

  3. VN says:

    Thưa quý độc giả,

    Để rộng đuòng dư luận, xin mời đọc lại bài :” Gian Trá và Nguỵ Tạo”, tác giả là GS Lâm Văn Bé. Bài này đã được đăng ngày 17/4/2014, nay được trang mạng Ba Cây Trúc đăng lại ( ghi lại ngày, tháng và những sự kiện quan trọng trong tháng tư, 1975, những ngày cuối cùng cuả VNCH). Tác giả điểm lại các nguồn (tin) từ truyền thông quốc tế, từ cq Mỹ (CIA, Đại Sứ Mỹ tại VN) đến những người nghiên cứu lịch sử và các viên chức chính quyền VNCH v.v…Đặc biệt nói đến việc (tại sao) TT Nguyễn Văn Thiệu bỏ nước ra đi, để bị rất nhiều người lên án là bỏ chạy, đào ngũ chỉ vài ngày sau, khi vừa mới tuyên bố là sẽ ở lại VN để chiến đấu trong bài diễn văn từ chức ngày 21/4/1975.

    địa chỉ truy cập:

    muoisau.wordpress.com/2014/04/17/ gian-tra-va-nguy-tao-gs-lam-van-be/

    Hoặc Ba cây trúc:
    bacaytruc.com/index.php?option=com_content &view=article&id =5244= gian-tra-va-nguy-tao.

    • Tudo.com says:

      @:” Gian Trá và Nguỵ Tạo”, tác giả là GS Lâm Văn Bé. ”
      “Nhưng yếu tố quyết định là sự can thiệp kịp thời của Martin và tướng Charles Timmes. Cuộc đối thoại giữa Kỳ và Martin suốt 2 giờ đã được Timmes thu âm, nhưng tiếc thay, các sử gia đã không có dịp nghe được tài liệu sống vì cái máy thu âm đã rủi ro bị xóa trong cái cartable của Timmes (Snepp, tr. 295-96)”

      Rủi ro bị xoá trong cái Cartable ?
      Nghe mà tức cười quá!

      Quả thật là không hỗ danh Trung Tâm Thông Minh (CIA)!
      Đó chỉ là màn dạo đầu trong cái đống núi hồ sơ VN War, rồi đây TTT Minh sẻ tiếp tục “rò rỉ” một cách thông minh tuỳ theo tình hình và chính trường thế giới với VN.

      Trích tiếp:”Trong khi lực lượng Cộng Sản đang tiến về Saigon từ nhiều hướng, thì « tại tư dinh ở số 3 Trấn Quý Cáp, suốt buổi sáng, Dương Văn Minh vùi đầu vào việc chọn lựa các nhân vật thất sũng trong chánh giới Saigon để tìm người cho nội các. Các ứng cử viên lần lượt đến tư dinh ông để xin chức, ông lạnh lùng tiếp đón, gậtđầu chào rồi bảo họ ra vườn lan ngoài sau mà chờ. Nhưng ông không bằng lòng các ứng viên bởi lẽ người này là diều hâu, người kia là bồ câu, nên sau cùng ông chọn trình diện nội các với 3 người»(Snepp 355)”

      Đọc đoạn trên đây mới thấy tan nát cỏi lòng, trong khi các chiến sĩ anh dũng VNCH đang một mất một còn với kẻ thù, thì bọn Kên Kên giành nhau rĩa xác nạn nhân VNCH trước giờ hấp hối!
      Ôi! Các chiến sĩ VNCH thân yêu của tôi ơi!
      Những Anh Hùng 40 năm trước hồn đâu bây giờ!?

  4. Nguyễn Trọng Dân says:

    Xin Trích nguyên văn từ t/g : ” …..Thực ra sự sai lầm của ông ( Thiệu ) chỉ làm cho miền Nam sụp đổ nhanh hơn dự kiến”(?!!)

    THƯA ,

    Nếu thật sự trước sau gì cũng ..xụp đổ , thế thì xụp trước đở tốn máu, đở nát miền Nam …sao gọi là sai lầm (?!!) Chẳng lẽ cần phải choảng nhau cho banh nát rồi đứt hơi mà…tử thì mới gọi là không sai lầm?

    Chuyện quốc gia đại sự , nhìn và tính phải dựa trên sự lâu dài cả trăm năm chứ đâu thể chỉ mong cái hư vinh – danh dự trước mắt.

    Cộng Sản vào- miền Nam còn nguyên vẹn …MƯỜI NĂM SAU , kinh tế miền Nam nhờ cơ sở hạ tầng củ của Việt Nam Cộng Hòa mà vực dậy kinh tế cả nước khiến bọn Cộng phỉ Bắc Kỳ ĐÀNH phải để cộng láo miền Nam làm thủ tướng..ba đời mà chăm lo kinh tế…( báo SGGP gọi miền Nam là ” đầu tàu kinh tế ” cho cả nước-1987 )

    Nay Kính

    • Ban Mai says:

      Kính thưa bác Nguyễn Trọng Dân,

      Tôi dốt về chính trị. Dốt thiệt, chứ không phải giả vờ, lúc rảnh chỉ tán hươu tán vượn để lần mò học hỏi thôi! Do đó xin có mấy dòng nầy với bác. Tôi không có thời gian đọc vô số comments trước nên chỉ cô đọng vào comment nầy mà thôi.

      Nếu quan niệm trước sau gì cũng sụp đổ thì tốt nhất là đầu hàng để SG khỏi biến thành biển máu và tầm nhìn của lãnh đạo là phải “trăm năm” hay ít nhất là “mười năm sau” để VC phải công nhận miền Nam “là đầu tàu kinh tế” cho cả nước.. etc.. thì tất cả các vị lãnh đạo miền Nam từ Cụ Tổng thống Ngô Đình Diệm kính yêu đến bọn tướng tá nghe lời Hoa Kỳ làm “đảo chánh” đều sai! Sai, vì tại sao không giao trọn cả miền Nam cho VC theo HĐ Geneve 1954 để khỏi xảy ra cuộc chiến 20 năm nồi da sáo thịt? Tầm nhìn lãnh đạo nào mà không thấy trước đến năm 1989 CS thế giới sẽ sụp đổ hàng loạt? Ai đã nói bàn giao miền Nam để thắng VC sau nầy?

      Tôi vẫn nghe nhiều người lý luận theo quan điểm của Tướng Độc nhãn Israel là “muốn thắng CS thì phải giao đất nước cho CS cai trị”… chỉ để biện minh!

      Cụ thể hơn, ai trong giới lãnh đạo sau cùng của miền Nam tuyên bố là đầu hàng để “mười năm sau” VC phải bị khuất phục, phải tuyên bố kinh tế miền Nam là “đầu tàu” cho cả nước?

      Vì bên dưới có comment của tôi về ông NVT nên xin gõ thêm chút suy nghĩ để làm rõ hơn nội dung. Xin thưa, đây chỉ là suy nghĩ của cá nhân tôi mà thôi!

      Trên nón đại lễ Sĩ quan VNCH có dòng chữ Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm. Ông NVT vốn là Trung tướng nhưng khi làm tổng thống đã quên 3 chữ nầy! Ông là một Tổng thống đầy tham vọng vì qua nhiệm kỳ I ông bất chấp tất cả để “đắc cử” nhiệm kỳ II cho dù bị đối lập tẩy chay, trở thành độc diễn! Nếu miền Nam sụp đổ trong khoảng 1, 2 năm nhiệm kỳ đầu tổng thống của ông thì tôi có thể “hiểu được”, vì cho là ông chưa có đủ thời gian để biết thâm ý Hoa Kỳ. Nhưng đã hơn 6, 7 năm làm Tổng thống mà không biết tiên liệu, không biết mục tiêu của HK, không chuẩn bị nội lực để “tự lực cánh sinh” nếu bị HK bỏ rơi, cho đến khi Kítdơ “đi đêm” xong với Tàu khựa và đợi đến lúc từ chức mới dám chửi thẳng HK! Do đó cứ cho việc rút bỏ Tây nguyên là “lẫy bị sẩy cùi” tại sao là không thể? Tất cả là như vậy thì tầm nhìn của ông NVT ở đâu?

      Tổ Quốc: ông đánh mất! Danh Dự: ông không giữ lời hứa! Trách Nhiệm: ông bỏ chạy trong lúc địch đang tấn công!

      • Nguyễn Trọng Dân says:

        Thưa,

        Ban Mai đã cho Qua biết rằng thì mà là Ban Mai KHÔNG CÓ THỜI GIAN …….., thôi thế thì Qua không nên viết nhiều trong phản hồi này làm gì.

        Chờ Ban Mai có “thời gian” đọc hết vô số những còm trước của Qua trong bài chủ này , suy nghĩ chút chút cho sâu thêm rồi thông báo để chúng ta đàm đạo tiếp.

        Nay Kính Ban Mai

        Merci DCV

      • Trực Ngôn says:

        Trích: “Nếu quan niệm trước sau gì cũng sụp đổ thì tốt nhất là đầu hàng để SG khỏi biến thành biển máu và tầm nhìn của lãnh đạo là phải “trăm năm” hay ít nhất là “mười năm sau” để VC phải công nhận miền Nam “là đầu tàu kinh tế” cho cả nước.. etc.. thì tất cả các vị lãnh đạo miền Nam từ Cụ Tổng thống Ngô Đình Diệm kính yêu đến bọn tướng tá nghe lời Hoa Kỳ làm “đảo chánh” đều sai! Sai, vì tại sao không giao trọn cả miền Nam cho VC theo HĐ Geneve 1954 để khỏi xảy ra cuộc chiến 20 năm nồi da sáo thịt?” (Ban Mai)

        Nói như bác Ban Mai thì trước sau gì thì con người cũng phải chết, sao không chết phứt đi khi mới vừa lọt lòng mẹ để phải sống những ngày nhiễu nhương đau khổ vì chiến tranh, bịnh hoạn?

        Biết là như thế nhưng ai cũng muốn sống, vì đâu ai biết được ngày mai sẽ ra sao?

        Đã là con người thì dù tầm cỡ tới đâu cũng chỉ có giới hạn, đã bị lệ thuộc vào người khác thì dù có muốn giỏi đến mấy cũng đành lụy thân,! Đất nước cũng thế, nhất là khi cuộc chiến đã lọt vào tay lèo lái của người Mỹ, họ khuyến khích thành phần thứ ba, một số chính khách, tướng tá cầu an hưởng lợi thì ….Kể ra thêm buồn!

        Có trách chăng là trách ông Thiệu đã nhúng tay vào máu ông Diệm (dù không trực tiếp). Nhưng bây chừ có nói cho nhiều thì cũng chỉ là ngụy biện và cắn xé lẫn nhau vô ích.

        Tóm lại, khi sống thì phải sống cho vui cho khoẻ, đến lúc đã lực tàn sức kiệt thì kéo dài sự sống càng thêm đau đớn tang thương. Vận nước đã đến lúc thế thời phải thế “chấm com”.

        Nói như bác Nguyễn Trọng Dân cũng chỉ là câu thở dài “Nếu thật sự trước sau gì cũng ..xụp đổ , thế thì xụp trước đở tốn máu, đở nát miền Nam“.

        Mong rằng đến lượt CSVN cũng thế, chúng càng xụp đổ sớm thì người dân càng đỡ khổ và 6700 cây xanh (đại thụ) ở Hà Nội sẽ không bị phá bỏ vô lối!

      • Pham Minh says:

        Phản hồi này bạn Ban Mai gửi cho bác NTD. nhưng cho tôi được nói leo:
        - 6 chữ trên nón của SQ/VNCH là: DANH DƯ – TỔ QUỐC – TRÁCH NHIỆM, anh đã đặt sai thư tự rồi. Thứ tự này quan trọng lắm vì nó có nghĩa là người SQ phải luôn ghi nhớ (kim chỉ nam): Lấy DANH DỰ và TRÁCH NHIỆM của một quân nhân để bảo vệ TỔ QUỐC. TỔ QUỐC phải đặt ở giữa và trên hết.
        Ông Thiệu làm mất ĐẤT NƯỚC (lãnh thổ) vì khả năng ông không đủ để bảo vệ nhưng tôi không đồng ý nói ông đánh mất hay bán đứng TỔ QUỐC. Hy vọng bạn phân biệt được nghĩa của hai chữ này.
        Dùng cái Danh Dự và Trách Nhiệm để bảo vệ được Tổ Quốc là một đòi hỏi đúng đắn, khả thi nhưng đòi hỏi người quân nhân (SQ) phải giữ được Danh Dự và Trách Nhiệm trong những TÌNH HUỐNG VÀ ĐỐI TƯỢNG khác, nhất là trong lãnh vực chính trị thì dường như không thích hợp và quá đáng.
        Những điều ông NTD viết gần đây, tôi “bơi” theo không kịp. Không ý kiến.
        Thân

      • Pham Minh says:

        Bổ túc:
        Ban Mai viết: Trách Nhiệm: ông bỏ chạy trong lúc địch đang tấn công!
        -Địch tấn công, không đủ đạn, không còn tiếp tế mà vì Trách Nhiệm phải đưa lưng ra cho địch bắn là anh hùng rơm, không có cái đầu, là SQ không có tinh thần trách nhiệm. Trách Nhiệm không chỉ đối với việc bảo vệ Tổ Quốc mà còn phải Trách Nhiệm đối với sinh mạng của dồng bào, binh sĩ thuộc quyền nữa.
        Nói túm lại, bạn kết tội như vậy là không chuẩn, không ghi nhận được.

      • UncleFox says:

        Nhiều vị cứ trách chính quyền VNCH (nhất là ông Thiệu) không lo tự túc tự cường . Nhưng khi được hỏi rằng kế hoạch tự túc tự cường ra sao thì quý vị lại không bao giờ chịu trả lời cho ngô khoai minh bạch .
        Nay ta thử nhìn VNCH qua lăng kính Ukraine xem sao . Kể từ khi TT Ukraine Viktor Yanukovych chạy trốn khỏi sự trừng phạt của nhân dân, Ukraine dù đã phát triển vượt xa VNCH gấp nhiều lần mà vẫn không chống đỡ nổi quân phiến loạn ở những khu vực miền Đông do Nga đẻ ra và nuôi dưỡng . Đương kim TT nước này liên tục khẩn cầu Tây phương và Hoa Kỳ viện trợ vũ khí có khả năng sát thương để Ukraine đủ sức tự vệ “trước khi quá muộn” … Trong khi đó các nước Tây phương vẫn tiếp tục viện trợ hàng chục tỷ Mỹ kim cho kinh tế nước này khỏi bị sụp đồ .
        Còn VNCH thì chịu áp lực chiến tranh nặng nề hơn Ukraine gấp nhiều lần . Cùng lúc với việc Nga, Tầu tăng viện trợ quân sự cho miền Bắc thì Mỹ lại cắt viện trợ cho miền Nam đến tận xương tuỷ . Và đau đớn nhất là cả thế giới văn minh tự do ăn phải bùa CS nên quay lưng ngoảnh mặt, lại còn buông không ít lời miệt thị .
        Chống CSBV và Tầu Cộng chưa xong thì làm sao kiến thiết đất nước để tự lực tự cường ? Một lần nữa xin quý vị rộng lòng chỉ giáo .

      • Ban Mai says:

        @ Kính bác Nguyễn Trọng Dân,

        Trân trọng cám ơn bác trả lời. Thôi, coi như bỏ qua chuyện nầy đi. Tôi phải dành thời gian cho việc riêng.

        @ Kính bác Trực Ngôn,

        Nói về Máu thì người VN đã phải đổ quá nhiều rồi! Đổ một cách vô bổ là điều ngu xuẫn kinh hoàng! Tội ác nầy đảng csVN phải chịu trách nhiệm trước lịch sử! Vì thế tôi không trách việc ông Dương Văn Minh đầu hàng, vì lúc đó đã đến đường cùng! Lãnh đạo là tiên liệu nên những người lãnh đạo miền Nam trước đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm! Chính phủ Mỹ cũng thế!

        Còn người Việt mình? Đành phải tự an ủi thôi: Do “số phận”! Cám ơn bác.

        @ Dear bác Phạm Minh,

        Trên mũ sĩ quan có 3 chữ nhưng (coi như) khác hàng! Chữ Tổ Quốc ở chính giữa, bên trên. Chữ Danh Dự (coi như hàng dưới) bên trái. Chữ Trách Nhiệm (ngang hàng với Danh Dự, bên phải. Hiểu gọn là lấy Danh Dự và Trách Nhiệm để phụng sự Tổ Quốc! Và nghĩa 2 chữ Tổ Quốc và Đất Nước đương nhiên khác nhau nhưng tôi “bê” nguyên chữ Tổ Quốc cho gọn! :)

        Còn theo bác phân tích có khác nhau giữa Quân sự và Chính trị cho 3 chữ trên tôi không đồng ý! Vì, dù quân nhân hay chính trị gia cũng đều phải Phụng Sự Tổ Quốc! Tổ Quốc Trên Hết! Lấy Danh Dự và Trách Nhiệm để phụng sự Tổ Quốc!

        Người trọng danh dự và trách nhiệm thì không thể dùng (đại loại) các chữ sau: Bỡi vì, Tại, Bị, Lẽ ra, Nhưng, Dù sao… etc… để biện minh! Vì thế, thế giới mới ngưởng mộ người Nhật về Danh dự và Trách nhiệm. Bác rảnh, ghé anhbasam (ngày 25/3) đọc tin một kỹ sư Nhật mới tự tử tại Thổ, vì dây cáp làm cầu bị đứt, đã làm dư luận Thổ Nhĩ Kỳ rúng động. Có link nhưng tôi không dẫn để khỏi phiền! Cám ơn bác.

      • Pham Minh says:

        Dear Ban Mai:
        Hôm nay BBT/ DCV post comments nhanh quá, chắc tại cuối tuần. Cám ơn. Tôi cũng đang rãnh nên trao đổi thêm với bạn.

        Bạn đã hiểu nhầm ý tôi nên không đồng ý cũng phải. Tôi nói: .. nhất là trong lãnh vực chính trị … là có ý nói: mặc dù người SQ lấy Danh Dự, Trách Nhiệm làm kim chỉ nam nhưng trong lãnh vực chính trị thì không nhất thiết phải giữ đúng. Bởi chính trị thường phải đối phó với nhiều loại đối tượng, tình huống đặc biệt khác nhau nên cần phải uyển chuyển, linh động, mưu sĩ, thủ đoạn v.v… chứ không hàm nghĩa chính trị và quân sự phụng sự Tổ Quốc khác nhau. Sorry vì tôi viết không rõ.

        Tôi vừa đọc comment của bạn bảo tôi đọc tin anh kỷ sư Nhật mới tự tử tại Thổ. Tôi sẽ đọc nhưng tiện đây, tôi đã có viết mấy dòng này (từ tối hôm qua) để trả lời cái comment trước của bạn. Viết xong tôi thấy mình ôm đồm, chiếm đất nhiều quá nên thôi. Bây giờ tôi xin post lên lại để bạn hiểu tôi nghĩ thế nào về danh dự và trách nhiệm của một người có trách nhiệm; chắc là hợp ý bạn:

        Tôi không có ý tranh luận và cũng không có lý do nào đặc biệt để bênh vực ông Thiệu. ngoại trừ với tư cách người lính VNCH, muốn bày tỏ suy nghĩ riêng của mình , mong làm sáng tỏ vấn đề bạn nêu.

        Việc ông Thiệu hứa sẽ cùng chiến đấu nhưng rồi bỏ đi: Nếu vì danh dự bởi lời đã hứa, ông ở lại và đánh “tapi” đến cùng thì hậu quả sẽ khó lường như nhiều comments đã viết trước. Chịu thất hứa, thiên hạ chê trách, chửi rủa (như chúng ta đã nghe lâu nay) mà cứu được Saigon không trở thành bình địa, cứu thêm được vài trăm ngàn mạng người khỏi phải chết (mà lẽ ra không nên chết thêm) trong khi biết chắc miền Nam không thể giữ được. Sự thất tín và bị nguyền rủa để đổi cái giá đó xem ra cũng nên chấp nhận lắm.

        Sự việc trên, điều đáng tiếc là có một giải pháp tối hảo mà ông Thiệu đã không chọn đó là: Sau khi từ chức nhường quyền lại cho phó TT Trần văn Hương, ông tự “pằng” một phát như các vị tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng …. Thì lịch sử viết về ông sẽ khác, hình ảnh ông trong lòng quân dân hai miền Nam, Bắc và thế giới sẽ khác. Và, hôm nay trên trang mạng DCV này, bài chủ và comments cũng sẽ khác. Là một quân nhân mấy chục năm may mắn không bị trúng đạn chết ở chiến trường thì nay chết ở Thủ Đô, trong hoàn cảnh đó, đâu phải không vinh quang? Ông đã bỏ qua một cơ hội bằng vàng.

        Xin đừng hỏi: nói ngon vậy sao lúc VC vô tôi không tự “pằng” đi mà chui đầu vào tù rồi nay cũng lưu vong. Thưa: Tôi khác. Tôi và hàng ngàn binh sĩ khác có bị “pằng” hay tự “pằng” thì cũng chẳng có ai biết, chẳng có gì thay đổi nhưng TT Thiệu thì khác.
        Thân
        PM

      • Ban Mai says:

        Thưa 2 bác Phạm Minh và UncleFox,

        Câu trả lời của tôi là biết rõ VNCH chịu áp lực trăm bề nhưng nếu không kham nổi chức vụ tại sao ông NVT bất chấp mọi thủ đoạn để “thắng cử” nhiệm kỳ II mà không rút lui? Phải chăng ông chỉ biết tin tưởng hoàn toàn vào Mỹ nên hậu quả mới thảm khốc? Riêng việc “bỏ chạy” là nói về cá nhân ông NVT. Vì khi ông NVT bỏ chạy đã “làm gương” cho bao nhiêu tướng tá bỏ hàng ngũ chạy theo trong lúc VC đang ồ ạt tấn công? Bao nhiêu lính đã chết vì không có cấp chỉ huy? Có ai thử đếm số tướng tá bỏ chạy rồi tính tỉ lệ chưa? Tôi biết lơ tơ mơ là trong quân đội có luật xử bắn khi đào ngũ trước địch quân mà! :(

        Tôi đồng ý về hoàn cảnh bi đát của VNCH trước bàn cờ chính trị thế giới nhưng với riêng ông NVT thì không thể chấp nhận. Như đã nói ở comment trước, chẳng những ông NVT bỏ chạy mà còn trốn tránh trách nhiệm trước lịch sử khi không để lại một dòng nào cho hậu thế soi xét giai đoạn lịch sử do ông lãnh đạo!

        Không thể trách VNCH! Tuyệt đối KHÔNG! Trách là trách thành phần tướng tá phản loạn và bỏ chạy!

      • Ban Mai says:

        Thưa quý bác,

        Mỗi thứ Sáu tôi bận hơn ngày thường vì phải lo dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh buồng tắm cầu tiêu, bếp núc có món gì ngon ngon… để dụ tụi nhỏ đưa mấy nhóc về cho mình nựng. Làm bò cho chúng cưỡi, vì đây là toa thuốc hiệu nghiệm nhất để mình trẻ trung và có dịp san sẻ hương đồng cỏ nội, tiếng tre già kĩu kịt trưa hè hay nhịp võng ầu ơ… với hy vọng bắt một nhịp “cầu tre vắt vẻo” băng qua Thái Bình Dương cho chúng ríu rít tình tự quê hương, điều mình thấm đẫm! Vì thế tôi rút lui việc tự cào cấu da thịt mình mỗi độ tháng Tư, chuyện nầy dành cho học thuật. Tôi thích thời sự, đặc biệt thời sự VN. Tôi đang là cây ở Hà Nội. Tôi bị cưa khúc trong đêm, nhánh tôi bị đứt quằn quại, phổi tôi bị dập nát mà mấy đứa đầu nậu đứa nói ngược, đứa nói xuôi. Tôi là dòng sông Đồng Nai hiền hòa bỗng dưng khựng lại vì VC đang lấp một phần để xây cơ ngơi… Tôi là 90.000 ngàn công nhân Bình Dương đang xuống đường phản đối luật về bảo hiểm xã hội… Thời sự VN đang sốt cao độ! Xin cám ơn quý bác đã trao đổi. Trân trọng.

      • tudo says:

        Mẹ Bà ! dân miền Nam khổ …!!!! vì đệ nhất,đệ nhị cai trị nghe bọn…. Nịnh khốn nạn khen …..nên phạm quá nhiều sai lầm….!!!, CS Bắc Việt biết láo lừa….. thắng được nhờ độc thũ CƯỚP là Lý Tưởng… .

      • UncleFox says:

        Kính gửi bác Ban Mai và tất cả các Bác khác,

        Cuối tuần hầu hết mọi người đều bận cả . Tuy nhiên, nếu ta biết SẮP SẴN thì mọi việc sẽ bớt dồn dập trong một thời gian ngắn . Thế nên tôi thường chia việc ra làm nhiều lần trong tuần, và biết tận dụng “việc này bù cho việc kia” nữa . Thí dụ mỗi lần đi nhậu, sau khi tàn tiệc, trong khi giúp thu dọn chiến trường, tôi thường hỏi gia chủ rằng mấy cái vỏ chai thì quẳng đi đâu . Nếu họ bảo để dành cho các cháu kiếm tiền mua kẹo thì thôi . Còn họ bảo cứ quẳng vào góc sân chờ xe rác đến lấy thì tôi nhiệt tình “giúp” họ mang ra để chúng an vị sau thùng cái xe truck cà tàng của tôi ngay . Nhân tiện còn thu gom luôn mớ vỏ chai nước lọc của đám choai choai nó vất sau góc vườn nữa . Vừa kiếm được tiền xu mà còn được quý bà khen tử tế nữa mới là thích chí .
        Còn việc nấu ăn phục vụ các đấng con cháu cũng thế, cứ làm dần dần . Thịt ba chỉ quay da dòn thì ướp trước, cho vào ngăn lạnh 3 ngày . Vịt quay cũng phải ướp trước đôi bữa . Gà dai để nấu canh chua lá giang hay “gà đồng” om riềng mẻ, dê hầm bát vị thì dặn mụ Káo nhờ người siêu thị chặt sẵn, mang về chỉ rửa lại rồi ướp chừng một khắc là có thể cho lên bếp nấu . Nhặt rau cải thì cứ sai các đấng nhi đồng phụ một tay …
        Sáng cuối tuần trong khi chạy mua bia thì sẵn dịp ghé qua “cơ quan” thu mua phế liệu “giải phóng” mớ vỏ chai luôn . Người ta bảo đàn ông có tiền trong túi là sinh chứng … thực chẳng ngoa . Sau khi được vài mươi tiền dằn túi là tôi có thể oai phong gọi cô gái Mễ đến dọn dẹp lau chùi nhà cửa, phòng tắm, giặt giũ … Còn “Ta” thị trịnh trọng ngồi gõ phím và hút thuốc lào … Thỉnh thoảng len lén nhìn cái mông vĩ đại của cô nàng rồi lại ực một ngụm Corona để dằn con lợn lòng đã 70-80% bất khiển dụng …
        Tuy nhiên, với bản tính bần tiện như Fox tôi thì có thể trơn tru xin vỏ chai phế thải chứ còn các Cụ hào hoa phong nhã thì chắc phải tự tìm phương thức khác thôi .

  5. Ban Mai says:

    Thưa quý bác bênh vực ông Nguyễn Văn Thiệu, cố Tổng thống VNCH II,

    Mỗi năm cứ tháng Tư về ít khi tôi đủ can đảm đọc tin tức, bình luận về ngày tai họa chụp xuống người miền Nam vì, với riêng tôi, giống như tự mình cào xé vết thương chưa thành thẹo trên da thịt và cứ hàng năm lại vẫn tự cào xé ra! Cho dù hôm nay đã tròn 40 năm, thời gian thừa đủ cho một em bé mới chào đời có thể đã trở thành Tổng thống!

    Câu nói của ông NVT “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm” rất chính xác nhưng ca ngợi câu nói đừng nhầm lẫn với ca ngợi người nói câu đó! Hồ Chí Minh đã không nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do” nhưng HCM đã làm gì? Xin đọc Đèn Cù của Trần Đĩnh, người viết tiểu sử HCM, để có câu trả lời mà khỏi cần đọc bình luận của quý bác “phản động lưu vong” hehehe… !

    Bây giờ nếu thay 2 chữ “cộng sản” trong câu nói của ông NVT bằng chính tên ông thì câu nói (thật xui) là… cũng đúng!

    Theo tường thuật khá chi tiết của cận vệ ông NVT trong những giờ phút cuối và cho cúp điện toàn bộ tại phi trường Tân Sơn Nhứt để ông NVT yên tâm trốn chạy, kể cả đích thân ông Đại sứ Mỹ hiện diện (để bảo kê mạng) nữa thì phải biện minh như thế nào trong khi đó bao nhiêu vị quân dân cán chính đã tuẫn tiết theo miền Nam?

    Tôi không có ý tranh luận, chỉ xin nêu một câu hỏi đơn giản mà tự tôi không thể trả lời, là nếu ông NVT có trách nhiệm của một lãnh đạo cao nhất thì tại sao cả mấy mươi năm sau 1975, sống tại Mỹ, ông vẫn yên lặng, không hề để lại bất cứ bút tích gì cho hậu thế trong giai đoạn bi đát nhất của miền Nam do ông lãnh đạo? Vì việc các ông Nguyễn Tiến Hưng, Hoàng Đức Nhã có viết sách, bình luận… cũng như quý vị tại diễn đàn nầy là hoàn toàn khác! Do đó xin cho phép tôi nghĩ “phong trào ca ngợi ông NVT” (như tổ chức lớn lễ giỗ đầu tại OC), chỉ là vỡ kịch của bề tôi của ông NVT để “rửa mặt cho ông” cũng chính là tìm cách “rửa mặt” cho bản thân và gia đình họ!

    P/S: Nhắn các DLV hãy lo vụ Gạc Ma và Cây Xanh Hà Lội đi, thọc gậy vào đây chỉ vô ích!

  6. Búa Tạ khủng says:

    Tôi thấy một số người nói là chống cộng nhưng chửi ông Thiệu nát nước giống như gà què ăn quyện cối xay, chó già đuổi cắn gà nhà!

    Hãy mở mắt nhìn người phụ nữ này chống cộng, tôi nghĩ bà ta chưa hề là nữ chiến sĩ trong QLVNCH và chưa hề một lần xuất trận.

    Nữ anh thư chiến đấu chống cộng dưới ngọn Cờ Vàng.

    • Chiêu Dương says:

      Xin làm “cò” cho Búa Tạ khủng :

      Hoa lạc giửa rừng gươm

      Hoàng Kiều Linh, Hoàng Kiều Linh…
      Tôi gọi tên chị
      như gọi Hoàng… Trường Sa.
      Giữa quảng trường “Con Ngựa” ở Praha
      Một thân một mình
      Chị đã phất cao ngọn cờ chính nghĩa
      Cờ vàng ba sọc đỏ tung bay
      như phát súng lệnh kêu gọi: Tự do, Dân chủ, Nhân Quyền
      cho Việt Nam.
      Làm xao động lương tâm, nức lòng người ái mộ
      Một mình chị tả xung hữu đột..
      đúng là hoa lạc giữa rừng gươm
      Trên mặt trận đấu tranh bây giờ không còn tiếng súng
      nhưng những tiếng thét của chị…
      vào mặt bọn trí trá biểu tình với cờ máu Phúc kiến
      như những viên đạn đồng
      bắn vào đầu quân xâm lược phương bắc
      Chị đúng là hậu duệ của Bà Triệu, Bà Trưng
      Xin dỡ nón chào chị
      Xin cảm ơn người anh thư nước Việt
      Có họ Hoàng… như Hoàng, Trường Sa
      Đã phất cờ vàng làm dậy sóng niềm tin.

      • Búa Tạ khủng says:

        Đâu rồi các ông như; Bác Sĩ họ Lại “chống cộng” ở Hà Lan? ông trí thức “chống cộng” to mồm chửi ông Thiệu nát nước Vũ Duy Giang? Các ông TQLC, Trơ Tráo và những bình vôi to mồm chống cộng?

        Sao các vị chỉ biết to miệng chê trách, chửi rủa ông Thiệu mà lại im lặng, không một lời bình luận về người nữ anh thư Hoàng Kiều Linh đơn phương một mình với Cờ Vàng giữa rừng cờ máu?

        Cám ơn ông/ bà Chiêu Dương.

      • Nguyễn Trọng Dân says:

        Xin cho mạt Dân có lời cãm tạ thán phục đến người CHỊ không quen biết mang tình sông núi Việt Nam Cộng Hòa rọi sáng cả năm châu trước dòng người mê muội VÔ TRI VÔ NGHĨA VÔ NHÂN. Cũng xin cám ơn người post link này cũng như cám ơn thơ anh Chiêu Dương .

        Nay Ki’nh

        “Hoàng Kiều Linh, Hoàng Kiều Linh…
        Tôi gọi tên chị
        như gọi Hoàng… Trường Sa.
        Giữa quảng trường “Con Ngựa” ở Praha
        Một thân một mình
        Chị đã phất cao ngọn cờ chính nghĩa
        Cờ vàng ba sọc đỏ tung bay
        như phát súng lệnh kêu gọi: Tự do, Dân chủ, Nhân Quyền
        cho Việt Nam.” Tri’ch Chiêu Dương

        Nay Ki’nh

  7. Nguyễn Trọng Dân says:

    Xin Thưa,

    Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia , một chính thể chính trị được Liên Hiệp Quốc thừa nhận , là thành viên chính thức của Ngân Hàng Thế Giới ( WB) , là thành viên sáng lập của Ngân Hàng Phát triển Á Châu ( ADB)

    Đã vậy, trước các nước quan sát viên quốc tế , Việt Nam Cộng Hòa cùng các bên tham chiến tại Việt Nam đã cam kết sẽ không dùng vũ lực và nếu bên nào dùng vũ lực thì Liên Hiệp Quốc sẽ trừng phạt ( Hiệp Nghị Paris 1973)

    Thế mà khi Việt Nam Cộng Hòa bị tấn công bởi Cộng Sản Bắc Việt lẫn MTGPMN vào năm 1975 ,bằng quân sự vũ lực rõ ràng không thể chối cãi thì cả thế giới ngồi im lờ đi lời cam kết bảo vệ Công Chính mà mình đã hứa và KÝ XUỐNG văn bản Hiệp Định Paris 1973

    Nếu không can thiệp trừng phạt kẻ hiếu chiến theo đúng trách nhiệm của mình KHI ĐÃ HỨA tại Hiệp Định Paris 1973 thì Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi cần đạn dược để TỰ MÌNH TỰ VỆ trước thái độ tấn công quân sự vũ lực của công sản Bắc Việt , thế mà đồng minh Hoa Kỳ lờ luôn trách nhiệm viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa để đủ khả năng tự vệ

    Nếu không muốn viện trợ cho dân tộc Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi tự mình tự vệ trước sự hiếu chiến hung hăng của Cộng Sản , thì cũng nên mở cửa kinh tế cho chúng tôi , CHO PHÉP các nước khác được bán đạn dược cho chúng tôi tự vệ

    Đàng này , không những lờ đi trách nhiệm trừng phạt các bên hiếu chiến VI PHẠM HIỆP ĐỊNH như cam kết tại hội nghị Paris 1973 , không viện trợ như đã hứa MÀ LẠI CÒN DÙNG ÁP LỰC KHÔNG CHO CÁC NƯỚC KHÁC BÁN ĐẠN DƯỢC CHO Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi dù bán thanh toán ngay , thậm chí KHÔNG CHO PHÉP CÁC CÔNG TY DẦU HỎA VÀO THĂM DÒ ĐỂ Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi có thể có tài chánh xoay sở trước mắt , tiếp ứng đạn dược để tự vệ nền công chính Việt Nam Cộng Hòa

    Nhân loại không bao giờ hèn hạ trước (thãm họa) Cộng Sản cũng như không bao giờ chấp nhận PHÁP LÝ bị chà đạp cả!

    Vậy thì tại sao , ai ơi…tại sao THẾ GIỚI PHẢI MUỐI MẶT NHÌN CAM KẾT PARIS 1973 VI PHẠM TRẮNG TRỢN KHÔNG CAN THIỆP? Lại còn ép một đất nước Tự Do Dân Chủ hết đường xoay sở phải chịu thãm họa Cộng Sản?

    Phải chăng , thế giới Tự Do cần sự HY SINH của Việt Nam Cộng Hòa để đạt được chiến thắng sau cùng : chủ nghĩa Cộng Sản xụp đổ ở Liên Xô và trên toàn thế giới? – Time will answer everything.

    Rest In Peace , Mr. President !
    The Vietnamese communist is gradually fallen by the echo of your voice .

    Nay kính

  8. trơ tráo says:

    Bọn lâu la vô liêm sỉ, trơ tráo chỉ biết nhăm mắt ca tụng
    Biện luận với lâu la chỉ phí lời
    Vạch đầu gối ra nói chuyện còn hơn

    • Nguyễn Trọng Dân says:

      Thưa ,

      Khẩu khí của đại huynh thiệt là cao lắm , khó ai bì.

      Vậy xin đại huynh rộng lòng ” biện luận” cho vài dòng kiến thức để mọi người trên diễn đàn này có cơ hội “mở mắt” nghiệm suy những điều hay từ đại huynh viết ra để giải phóng kiếp người , khỏi làm lâu la nữa

      Mạt Dân đây tin rằng sự hiểu biết của đại huynh về Thiệu Ve chi tiết tận tường như chỉ tay mà khi đại huynh “biện luận ” viết ra , ai ai cũng phải ráng nghiệm suy học hỏi sự cao siêu của đại huynh

      Kính mời.

    • Nói Toẹt Móng Heo says:

      Phát biểu trên đây thật là trơ tráo giống như cái nick nèm “trơ tráo” của bác vậy!

      Biết thì lên tiếng góp ý góp lời, còn không biết thì dựa cửa mà nghe mà học hỏi, u ơ trơ tráo kiểu này chỉ tỏ ra cái dốt của mình!

      Chân mình dính kít rề rề, nhưng lại không thấy mà lại bê đèn soi chân người khác?

    • Tudo.com says:

      @trơ tráo says:”Vạch đầu gối ra nói chuyện còn hơn”

      Vậy tại sao không vạch đầu gối ra nói mà đưa cái mặt. . .trơ tráo. . .vô đây làm chi?

  9. Trực Ngôn says:

    Nói cho nhiều cũng chỉ thế thôi!

    VNCH đã bị mạt vận ngay khi cuộc đảo chánh 1.11.1963 bởi đám phản tướng tay sai của Mỹ. Ngày 30.4.1975 chỉ là hậu quả không thể khác hơn được bởi vì “thế thời phải thế” chứ chẳng phải do ông Thiệu tháu cáy hay thùa cua như Đại tá Lê Khắc Lý suy đoán!

    Ông Thiệu cũng chỉ là một nạn nhân, cá nhân ông không thể quyết định khi đã bị trói tay bởi Mỹ và cả những tên tướng hèn, cầu an, lải nhải bên cạnh ông!

  10. TQLC says:

    Đài Saigon TV tại Houston mới phỏng vấn cựu Trung tá Trần ngọc Toàn, tiểu đoàn trưởng TQLC
    Ông cho biết tháng 3-1975, quân số sư đoàn TQLC được tăng cường tổng cộng là 16,000 người trang bị đầy đủ, mỗi người lính có hai khẩu M-72, 8 quả lựu đạn, mấy trăm viện đạn M-16….hỏa lực rất mạnh, nhưng cứ có lệnh từ trên cao cho rút từ Quảng Trị tới Đà nẵng, sau lại rút nữa bằng đường thủy, rút về Cam ranh, rồi về Vũng Tầu
    Mỗi lần rút thì rơi rụng nhiều, phần không lên được tầu , phần mất tinh thần đào ngũ..

    “Sao rơi rớt rụng … vai em ướt mềm.. em ơi khóc đi em…khóc đi em”
    (Lên xe tiễn em đi, Phạm Duy)

    Theo lời ông Toàn khi về Vũng Tầu chỉ còn khoảng hơn 3000 người linh vị chi mất gần 80% quân số vì lệnh rút quân….
    Lệnh rút bỏ Cao nguyên, Vùng I để về bảo vệ vùng III của Ông Thiệu quá trễ nên thảm bại, cuối tháng 3 quân đội VNCH tan rã một nửa lực lượng (6 sư đoàn chủ lực) vì di tản cái mà Thiệu gọi là “Tái phối trí lực lượng”

    Lệnh di tản thổ tả này đã làm chết bao nhiêu nhân mạng, lính cũng như dân, người thì mất con, người thì mất chồng…mất vợ , đoàn quân, dân di tản từ miền trung kéo về tới Phan rang, họ quá phẫn uất về lệnh của ông Thiệu nên họ đã lấy xe máy ủi, xe thiết giáp ủi sạch mồ mả tổ tiên ông Thiệu tại nghĩa trang Phan rang. Họ chửi ầm ĩ

    “Đù má thằng Thiệu, Tổng thống gì mà ngu quá , ủi sạch mồ mả nhà nó đi!”

    Khi lên làm Tổng thống năm 1967, ông Thiệu gom mồ mả ông bà, gia tộc lại một nghĩa trang riêng chôn, xây cất hoành tráng
    Trước đây chỉ nghe đồn sau cách đây mấy năm có một số bài, chi tiết đã viết về chuyện này, họ cho biết khi ông Thiệu biết tin mồ mả ông bà bị ủi sạch ông khóc ròng và sợ hãi sự hãi phẫn uất của người dân
    Khi Long Khánh được lệnh di tản nhiều sĩ quan trẻ tức giận vừa rút quân vừa chửi thề:
    “Địt mẹ thàng Thiệu nó không cho đánh nó cứ bắt phải rút mãi”

    vì thế sau khi từ chức ngày 21-4-75 ông Thiệu lên máy bay chuồn cho lẹ vì sợ dân phẫn uất nó xin tý huyết , ông cũng sợ bị chính phủ mới bắt giam vì tội làm mất miền Trung.

    • Trực Ngôn says:

      vì thế sau khi từ chức ngày 21-4-75 ông Thiệu lên máy bay chuồn cho lẹ vì sợ dân phẫn uất nó xin tý huyết , ông cũng sợ bị chính phủ mới bắt giam vì tội làm mất miền Trung“.

      Muốn chửi thì cứ chửi cho thoải mái. Nhưng đừng đổ thừa cho dân, vì như vậy là bất lương vô nghĩa lắm!

      Bọn CSVN đã lợi dụng cụm từ “nhân dân” quá nhiều rồi, mong “TQLC” (?) đừng mút đũa và học hỏi cái thói tầm bậy của cộng phỉ!

    • Thánh Gióng tắm hồ tây says:

      Có thiệt không đó hở Thạch Sanh cởi truồng?

    • uncle tom says:

      chuyện 40 năm rồi vẫn nghe như ngày hôm qua,buồn quá sức tôi chỉ là một ten Binh Nhì tác chiến,10 tháng 3 Ban mê thuật,đơn vị triệt thoái lúc bấy trung đội tôi chỉ có vỏn vẹn 2cay M72 chống tăng vậy mà cũng thịt đươc một T54 của tụi nó tụi tui đuọc lịnh phòng thủ phi trường L19 hết đồ chơi không có yêmr trợ tiếp viện đành bó tay,bây giờ buồn quá phải như đơn vị nào của ta cũng có súc chiến đâu như ND TQLC BDDQ các tướng thanh liêm tài giỏi nắm giữ binh quyền,đánh một trân thạt đã đuọc thua chưa biết ,chết cũng khong sao

    • Nguyễn Trọng Dân says:

      Xin thưa ,

      Khả năng phòng thủ trước mắt ngắn hạn thì đương nhiên là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa dư sức…nhưng mà… ĐỦ ĐẠN DƯỢC PHÒNG THỦ TRONG BAO LÂU MỚI LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG.

      Quánh cho máu đổ máu tan hoang thỏa mản thói anh hùng rơm được 5 tuần lễ rồi sau đó hết đạn , kiệt sức , vứt súng mà chạy thì cũng như không ! Đất nước chỉ thêm tan nát !

      Không biết khi phỏng vấn , anh Toàn có nói rõ với thính giả là Vùng I cũng như TQLC sẽ đủ khả năng giữ thành tới bao lâu thì hết đạn…rồi chờ Sài Gòn tiếp tế đạn dược ?

      Qua đoán là anh Toàn không nói rõ cho thính giả biết chuyện này. SÀI GÒN còn sức kinh tế đâu mà tăng viện đạn dược cho tuyến đầu của Vùng I nữa.

      Công quân được Liên Xô nóng máu tăng viện tối đa , có thể dội cả NGÀN quả đạn một ngày vào các mục tiêu chiến lược trong khi pháo binh của ta…chơi xã láng để giúp anh em trú phòng thì dội được bao nhiêu quả một ngày đáp trả ? ( 100 quả/ngày? 200 quả/ngày? hay 700quả/ngày ?)

      RỒI DỘI TỚI BAO LÂU THÌ TẮT NGÚM HẾT ĐẠN ?!!

      Không biết ngoài anh Toàn ra , những người chưởi đụ má Thiệu Ve ra , cũng như anh …có thể cho độc giả biết thêm chi tiết về nhận định của mình hay không? Là nếu dân Quốc Gia chúng ta chơi tới bến với cộng quân vào năm 1975 , quánh cho tan hoang nát bấy thì khi HẾT ĐẠN RỒI , không còn đạn do viện trợ đã chấm hết, chúng ta phải làm sao?

      Kính mong anh làm sáng tỏ cho độc giả được học hỏi

      Rất cám ơn.

      Nay Kính

      • Búa Tạ khủng says:

        Ông TQLC (?) này thuộc loại “trâu điên hay cọp khủng”, say máu chống cộng, không chỉ lúc tuổi còn sung sức, mà đến lúc già cọm tay chân bủn rủn, sắp xuống lỗ rồi mà vẫn còn hăng tiết vịt “chống cộng hay chống ông Thiệu một cách điên khùng” đến mất lý trí, vì thế mà bất cần biết lẽ phải, cứ hả họng chửi búa xua hà rầm.

        Bác Trọng Dân hỏi; “HẾT ĐẠN RỒI , không còn đạn do viện trợ đã chấm hết, chúng ta phải làm sao?“.

        Hết đạn thì phải bỏ chạy hay đầu hàng là chuyện bình thường. Nhưng với bản tính “hiếu chiến” của ông TQLC đáng ngờ này thì có lẽ ông ta sẽ tụt quần chổng mông chờ sẵn cho đến lúc cộng quân dùng chiến thuật biển người tấn công sẽ “phun phân” tiêu diệt chúng. (thay vì dùng súng phun lửa nếu được Mỹ cung cấp)?

      • Tudo.com says:

        @Nguyễn Trọng Dân:

        Thưa,
        Còn vụ nhà báo nào đó ở bên Anh phỏng vấn TT Thiệu về người Việt tị nạn thì thực hư ra sao sư huynh?
        Vì em nghe người thì nói ông Thiệu trả lời rằng: ” I have nothing to do with them “, kẻ kia thì, ” I have nothing to do for them now “.

        Cho nên mới có người dịch như thế nầy:
        (Tiên Sa Đà says:
        22/03/2015 at 09:04
        “Câu nói sau đây cũng xứng đáng với ông Thiệu, khi ký giả hỏi ý
        kiến ông ta về thảm cảnh thuyền nhân. Ông Thiệu lớn tiếng,” Điều
        đó có mắc mớ gì đến “moa ?” )

        Hai câu nói trên thoáng nghe qua có vẻ giống nhau nhưng thật sự thì hoàn toàn khác nghĩa.
        Vậy câu hỏi được đặt ra:
        1- có phải chính ông Thiệu đã phát biểu một trong hai câu nói trên ?
        2- ai nghe, ở đâu, lúc nào. . .tóm lại phải có 5Ws+ H mới có thể kết luận, có bằng cớ để chứng minh?
        Trong một dịp ông Thiệu có cuộc hợp báo ở quận cam Cali, nhiều người định hỏi câu ấy nhưng không kịp vì có một vài người nóng tánh làm ồn quá nên ban tổ chức đã chấm dứt cuộc hợp sớm hơn dự định.
        Mục đích của sự phản biện là trình bày sự thật lịch sử, như 16 tấn vàng đã rõ, chứ một vài ý kiến tư thù cho rằng “bầy tôi” minh oan cho chủ hay cò mồi cố lấp liếm xoá nhoà lịch sử để tuyên truyền, để đạp người té ngựa xuống bùn luôn thì không có gì để nói nữa.

        Xin cám ơn sư huynh trước.

      • Nguyễn Trọng Dân says:

        Thưa cám ơn Tự Do.com,

        Những điều mà trước mắt , ta cứ TIN CHẮC là đúng như thế về Thiệu Ve cứ lần hồi HÓA RA là khói mù để đánh lạc huớng dư luận.

        Ông Thiệu không cần ai trong chúng ta ca ngợi hay bênh vực cho ông. Ông cũng không cần thanh minh trước chập chùng những vu oan. Mặt trời sẽ sáng , sự thật rồi cứ lần hồi lộ diện !

        Ki’nh .

        ****************
        Rest in Peace , Mr President
        Vietnamese communist shall be fallen under the echo of your voice .

    • Tudo.com says:

      @TQLC says:. . . ủi sạch mồ mả nhà nó đi!”

      Lúc đó VC vô rồi, dân quân nào. . .ủi ?

      Cho đến bây giờ chuyện bỏ kế hoạch, không cho không quân VNCH tấn công Trung Cộng ở Hoàng Sa tháng giêng 1974, chuyện “tái phối trí”, chuyện đẩy big Minh lên làm tổng thống ngang hông giờ thứ 25 (cho VC dể ăn, cho bớt Máu?) chỉ có ông Thiệu và những tay Gộc chơi cờ ở Washington D.C biết mà thôi.

      Còn chuyện Ai “tái phối trí” ở Afghanistan rồi cuối cùng sau mười năm, Nga đành ôm đầu máu rồi sập tiệm ?
      Chuyện Khmer Đỏ quậy ở biên giới miền Tây VN, chuyện tại sao Đặng Tiểu Bình trước khi dạy VC một “bài học” phải qua gặp TT Jimmy Carter? Nói nghe coi?

      Tất cả, chỉ là con cờ hay bị gài cờ của những tay chơi “trí tuệ”.
      Đừng có ở đó mà láo cá láo tôm!

    • noileo says:

      Ông THiệu từ chức, ông Hương lên làm Tổng thống, tất cả đã diễn ra trong một hoàn cảnh đặc biệt, bất thường. Nói cách khác, tuy gọi là đã “từ chức” nhưng dấu vết, ảnh hưởng của ông Thiệu trong chính quyền lúc ấy còn rất nhiều, mà cách duy nhất để cắt bỏ ảnh hửong đó là ông THiệu phải rời khỏi VN.

      Vì thế đã có nhiều áp lực đòi hỏi ông THiệu phải rời khỏi Việt nam, áp lực từ cộng sản Hà nội, từ Mỹ, từ Pháp, một tay chơi vào giờ chót, áp lực từ chính giới Sài gòn, áp lực từ ngay chính quyền mới, chính là Tổng thống Hương cũng muốn ông Thiệu phải ra đi vì Tổng thống Hương không muốn bị mỉa mai là “chính quyền THiệu không Thiệu” nếu ông THiệu còn hiện diện ở Sài gòn, Việt nam.

      Bản thân ông THiệu không hề nghĩ rằng mình bị đẩy ra đi như vậy. Nói rằng “sau khi từ chức ngày 21-4-75 ông Thiệu lên máy bay chuồn cho lẹ” thì cũng như bọn cộng sản nói ông THiệu mang theo 16 tấn vàng ra nước ngoài ,

      [trong khi sự thật thì 16 tấn vàng quốc khố VNCH đã bị bọn Việt cộng bắc kỳ, bọn cộng sản Việt nam Dân chủ Cộng Hoà tội ác chiếm đọat mang ra Hà nội đỏ cho Việt cộng Lê Duẩn và đồng bọn Việt cộng trong "bộ chính trị" Việt cộng chia nhau bỏ túi ]

      • Nói Toẹt Móng Heo says:

        Bác noileo nói ngắn mà hay.

        Lắm người tự xưng là “chống cộng”, nhưng đọc qua phát biểu của họ thì thấy rằng họ đã mút đũa của VC quá đậm, đến nỗi những lời tuyên truyền của VC đã thấm sâu vào tri thức để trở thành kẻ vô thức.

        Những kẻ “chống cộng” kiểu này đã trở thành và thuộc loại “chống gậy”?

Leave a Reply to tudo