WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Ngành khai khoáng: Mất bò mới lo làm chuồng

Ảnh VNN

Sau 14 năm thi hành Luật Khoáng sản (1996) và 5 năm thực hiện Luật khoáng sản sửa đổi (2005), công tác quản lý của nhà nước đã bộc lộ những điểm yếu, bất cập: từ việc phân cấp quản lý trong các hoạt động khoáng sản, đến việc cấp phép hoạt động mang tính chất “xin-cho”; từ việc tổ chức lập và thực hiện quy hoạch đến công tác thanh tra kiểm tra; từ việc công khai, minh bạch đến bảo vệ quyền lợi người dân.

Luật khoáng sản sửa đổi cần phải điều chỉnh, bổ sung để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.

Không để “cha chung không ai khóc”

Hiện nay chức năng quản lý nhà nước đối với khoáng sản được giao cho 3 đầu mối. Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng có trách nhiệm lập quy hoạch và trình duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản và quản lý công nghiệp khai khoáng. Bộ TN&MT sẽ cấp phép hoạt động khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân theo quy định. Việc phân nhiệm vụ như vậy chưa đạt mục tiêu cải cách hành chính, lại gây ra tình trạng “cha chung không ai khóc” đối với từng loại công việc.

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, Luật cần điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản theo hướng gọn nhẹ, cải cách hành chính, tập trung về một đầu mối.

Ở cấp trung ương, Bộ TN&MT quản lý tài nguyên khoáng sản trên phạm vi cả nước, chịu trách nhiệm về điều tra địa chất, khảo sát thăm dò tiềm năng trữ lượng khoáng sản tổng thể để đưa vào quản lý. Trên cơ sở chiến lược và quy hoạch quốc gia về tài nguyên khoáng sản, Bộ TN&MT chịu trách nhiệm phân định các vùng dự trữ quốc gia, tổ chức đấu giá và cấp quyền thăm dò, khai thác.

Bên cạnh đó Bộ TN&MT cũng bàn giao số liệu về trữ lượng các mỏ được khai thác cho Bộ Công thương, phục vụ cho việc thẩm định, phê duyệt, và quản lý cấp phép khai thác theo hình thức đấu thầu theo dự án khai thác – chế biến.
Ảnh VNN

Bộ Công thương lập quy hoạch, kế hoạch khai thác ở các vùng, các mỏ được khai thác theo nhu cầu nguyên nhiên liệu của nền kinh tế và thẩm định. Bộ cũng đồng thời chịu trách nhiệm phê duyệt các dự án khai thác – chế biến và quản lý công nghiệp khai thác chế biến.

Ở cấp địa phương, đối với UBND cấp tỉnh, do trình độ quản lý ở các địa phương hiện nay còn yếu và tư tưởng nhiệm kỳ, hoàn thành kế hoạch, bệnh thành tích quá lớn, xét theo tình hình cấp phép và quản lý hoạt động khoáng sản thời gian qua thì việc hạn chế phân quyền cho các cấp như nhiều ý kiến thảo luận là hợp lý.

Tuy nhiên xét về lâu dài, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lãnh thổ, họ là đại diện quyền sở hữu tài nguyên của nhân dân trong tỉnh thì họ nên có quyền quyết định đối với việc sử dụng tài nguyên trên địa bàn.

Việc các tổ chức hoạt động khoáng sản trên địa bàn do Bộ, Ngành Trung ương cấp quyền khai thác đã vi phạm quyền đại diện sở hữu của UBND tỉnh.

Trên thực tế UBND cấp tỉnh cũng gặp nhiều trở ngại trong việc quản lý các đơn vị do Trung ương cấp quyền khai thác, đặc biệt là đối với các Tập đoàn và Công ty lớn (như trường hợp của tỉnh Quảng Ninh với TKV).

Bỏ “xin – cho”

Hiện nay, việc cấp phép hoạt động khoáng sản vẫn còn mang nặng cơ chế “xin-cho”, chưa có quy định chặt chẽ về điều kiện cấp giấy phép hoạt động khoáng sản và điều kiện chuyển nhượng quyền hoạt động khoáng sản. Điều này cũng đã được Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên thừa nhận tại buổi họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/03/2010. Theo đó, chúng ta chưa ngăn chặn hiệu quả tình trạng đầu cơ trong hoạt động khoáng sản, thiếu các quy định để tăng thu cho ngân sách nhà nước phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản.

Hình thức đấu giá trong hoạt động khoáng sản (quyền thăm dò- khai thác khoáng sản, quyền khai thác khoáng sản) và chuyển nhượng trong hoạt động khoáng sản (quyền thăm dò, quyền khai thác) nên đưa vào Luật khoáng sản nhằm ngăn chặn những bất cập như Bộ trưởng Bộ TNMT đã nêu.

Thêm vào đó, Luật Khoáng sản sửa đổi cần phải thể chế hóa các quy định liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm quản lý Nhà nước về khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như của UBND các cấp.

Cụ thể, cần gộp hai giấy phép khảo sát và thăm dò vào một để nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong giai đoạn khảo sát, giảm thiểu thời gian và chi phí của cá nhân, tổ chức khi phải xin thêm giấy phép thăm dò.

Ngoài ra, theo quy định hiện nay, sau khi có giấy phép đầu tư, doanh nghiệp mới được làm thủ tục xin giấy phép hoạt động khoáng sản. Để đơn giản hóa thủ tục này, chúng ta có thể nghiên cứu gộp giấy phép đầu tư – giấy phép khoáng sản đối với các doanh nghiệp tham gia hoạt động khoáng sản làm một với các thủ tục hiện nay trong Luật Khoáng sản.

Nguồn lợi phải tới tận tay dân

Hơn nữa, cần cụ thể hóa chủ trương “Thực hiện công khai, minh bạch” trong Luật Khoáng sản. Luật nên qui định việc thu và sử dụng phí BVMT công khai minh bạch, quỹ phục hồi môi trường của doanh nghiệp và UBND các cấp nơi có hoạt động khoáng sản. Đồng thời tổ chức cá nhân bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu giải trình, đối thoại nếu các bên không thực hiện tốt việc thu và sử dụng phí BVMT, quỹ phục hồi môi trường.

Bên cạnh đó, công khai thông tin về nguồn thu hoạt động khoáng sản theo quy định (thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất, các loại phí…), công khai việc trích nguồn thu từ hoạt động khoáng sản và sử dụng nguồn thu này hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội nhân dân vùng có hoạt động khoáng sản.
Ảnh VNN

Minh bạch hóa trong hoạt động khoáng sản cũng nhằm bảo vệ quyền lợi người dân. Do vậy, lợi ích của người dân trong khu vực có hoạt động khoáng sản cũng cần có quy định cụ thể trong Luật Khoáng sản để Quốc hội xem xét quyết định và đảm bảo tính hiệu lực ngay sau khi ban hành Luật khoáng sản.

Đó là phân định rõ lợi ích của cộng đồng địa phương được hưởng bao nhiêu phần trăm trong nguồn thu từ hoạt động khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao điều kiện sống.

“Mất bò mới lo làm chuồng”

Công tác thanh tra chuyên ngành khoáng sản cũng là một yếu tố cơ bản làm tăng hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản.

Nhiệm vụ của thanh tra chuyên ngành là kiểm tra việc chấp hành các quy định: về nội dung giấy phép hoạt động khoáng sản; về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản; về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản; về an toàn lao động, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản.

Cho đến nay, các nhiệm vụ nhiệm vụ trên chưa được thực hiện một cách thường xuyên và không đi trước một bước, đã để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Chỉ xét đến vấn đề cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại một số tỉnh mà Thanh tra Chính phủ thực hiện điều tra mới kết thúc cuối tháng 01/2010 vừa qua cho thấy tình trạng này. Kể từ tháng 1/2003 đến tháng 5/2009, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đã cấp 19 giấy phép khai thác tận thu khoáng sản sai quy định, cấp không đúng vào vị trí được bàn giao tận thu (tại 8 điểm mỏ đá trắng và 11 điểm mỏ thiếc). Có trường hợp cấp phép lớn hơn diện tích được bàn giao, cấp phép ra ngoài khu vực được bàn giao. Đã có 94 giấy phép khai thác khoáng sản khác được UBND tỉnh Nghệ An cấp cho 89 đơn vị KTKS không có thẩm định thiết kế cơ sở; 57 giấy phép khác được cấp không đúng với quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng do chính tỉnh này xây dựng.

Đáng chú ý hơn, thanh tra còn khẳng định lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã cấp 127 giấy phép khai thác khoáng sản cho 121 doanh nghiệp vào các khu vực chưa có quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản khi chưa được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Tại tỉnh Bắc Kạn, thống kê cho thấy riêng năm 2009 tại tỉnh này có 91 điểm khai thác khoáng sản trái phép. Còn ở Hà Giang, tỉnh này hiện có 100 doanh nghiệp, đơn vị được phép khai thác, chế biến khoáng sản, 22 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng thực tế đến nay mới chỉ có hơn mười mỏ đi vào hoạt động. Có tới khoảng 20 doanh nghiệp được cấp phép quá 12 tháng vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục để tiến hành khai thác mỏ (do năng lực yếu).

Nguyên nhân chủ yếu là thiếu kiến thức về thanh tra khoáng sản, thiếu các quy định cụ thể đối với công tác thanh tra chuyên ngành khoáng sản. Hoạt động thanh tra, kiểm tra khoáng sản còn có sự chồng chéo do có nhiều cơ quan thực hiện. Điều này làm cho tình trạng thất thoát lãng phí tài nguyên, mất an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản cũng như tình trạng khai thác, xuất khẩu khoáng sản trái phép vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Để làm tăng hiệu quả quản lý nhà nước, giữ gìn và tiết kiệm tài nguyên khoáng sản cho tương lai, Luật Khoáng sản sửa đổi cũng cần cân nhắc đưa thêm điều khoản về công tác thanh tra chuyên ngành để có hiệu lực mạnh hơn, tránh sự chồng chéo do nhiều cơ quan thanh tra thực hiện quy định hiện hành.

Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu mở rộng nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khoáng sản bao gồm thanh tra việc chấp hành các quy định về an toàn lao động, bảo vệ môi trường ở khu vực đã được cấp phép hoạt động khoáng sản.

Nguồn: Bùi Quang Bình (Tuanvietnam)

Phản hồi