Thi nhân Việt ở Đức như tôi biết
Sự cố Câu lạc bộ Thơ Berlin và thi tập Thơ Người Việt Ở Đức với những mâu thuẫn tưởng chừng con người cũng như thi ca đi vào tận cùng của bế tắc. Thì thật may mắn thay, dòng thơ non trẻ ấy chợt vuột về Leipzig, rồi rót thẳng về chiếc rốn miền Trung Chemnitz. Với sự tích tụ, trầm lắng đó, để rồi nó tự phình và tách ra như những nhánh sông tìm về chốn cũ. Nếu Berlin là nơi khởi nguồn, Leipzig điểm dừng chân, thì Chemnitz là nơi hun dưỡng hồn thơ Việt. Dù có lúc sôi động, hay trầm lắng, nhưng có thể thấy, nó mới chỉ dừng lại phần lớn những hồn thơ là những cựu du học sinh, lao động và một số tị nạn cũng như đoàn tụ, sống, làm việc ở miền Đông nước Đức.
Tuy là nơi khởi nguồn, và được cho là nơi tập chung nhiều tài tử văn nhân, nhưng có lẽ, do tài năng, nhân cách cũng như bị áp lực bởi những cái bóng vô hình nên Berlin đang (rất) thiếu vắng những cây viết đích thực. Chính những nguyên nhân này, đã đưa đến những thăng trầm, mâu thuẫn chưa thể đi đến hồi kết, không chỉ trong lãnh vực thơ văn, như thời gian qua…
* Nói là vậy, nhưng trong cái thực hư, thật giả lẫn lộn đó vẫn có những ngọn lửa cháy sáng lên. Tuy chưa thể xua đi hết màn đêm u ám, nhưng nó như một tia hy vọng cho người đọc không chỉ ở Berlin, mà còn trên tòan nước Đức. Vâng! Nhà thơ Kiều Thị An Giang (Thymianka Thảo Nguyên) là một trong số đó. Có thể nói, Kiều Thị An Giang là một nhà thơ tài năng, nội lực cũng như sự sáng tạo của chị vượt sáng lên, không chỉ ở Berlin, hoặc khu vực, mà trên toàn nước Đức hiện nay. Tên tuổi chị đã ghim vào lòng rất nhiều tầng lớp người đọc, từ hải ngoại về đến quốc nội.
Và có lẽ, không riêng tôi, mà còn nhiều người nhận ra tính triết lý hòa trong chất trữ tình sâu lắng trong thơ chị, khi đọc. Đó cũng là nét đặc trưng riêng biệt rất Kiều Thị An Giang, khó có thể lẫn với những nhà thơ khác. Nhiều người cho rằng, chị đang tự giấu mình. Bởi, chị viết nhiều mà không chịu in ấn, xuất bản. Và dường như thơ cũng như con người chị tách ra khỏi những cái ồn ào, thị phi nhỏ nhen, tầm thường đang diễn ra ở quanh mình.
Đọc chị, tôi chợt nhận ra, một bài thơ hay, ngoài hình tượng, với sự liên tưởng phong phú, thì trí và cảm xúc là những yếu tố rất quan trọng. Thật vậy! Thơ Kiều Thị An Giang, ngoài những yếu tố trên, ta còn thấy sự tìm tòi, sáng tạo nên từ mới, cụm từ mới, với những (một) câu thơ chuyển tải hai thông điệp, một cách táo bạo, độc đáo gây bất ngờ, thú vị cho người đọc: “Em là em người đàn bà ăn vã tuổi đôi mươi“. Với câu thơ dân dã, táo bạo và ám ảnh này, nếu bịt tên Kiều Thị An Giang, có lẽ không ai nghĩ, tác giả là một phụ nữ nhẹ nhàng, mảnh mai như chị. Và khi người đàn bà ấy bước vào độ chín, chợt ngoái lại, có một cảm giác mất mát, nuối tiếc xa vời vợi của một thời hoang phí, để rồi bật lên một câu thơ đầy hình tượng, hay đến lạnh cả người:“Biển đã nhạt mà đời chườm đến chát“. Chúng ta đọc lại đoạn trích trong Người Đàn Bà Màu Xanh, một bài thơ viết gần đây, để thấy rõ nghệ thuật sử dụng ngôn từ của chị:
“…Em là em người đàn bà ăn vã tuổi đôi mươi
Vô tư quá để bây giờ đâm hối tiếc
Biển đã nhạt mà đời chườm đến chát
Chắp vá điều gì cho đỡ gượng trùng khơi?…“
Nếu bài Người Đàn Bà Màu Xanh là tài năng sử dụng ngôn ngữ, thì Một Lần Tan Chảy là một bài thơ mang đậm tính triết lý cũng được viết gần đây của Kiều Thị An Giang. Một Lần Tan Chảy chưa hẳn là bài thơ hay nhất của chị, nhưng nó có thân phận khá đặc biệt. Bài thơ vừa ra đời, đã bị đánh cắp (đạo văn) làm chị phải buồn bã thốt lên: Đã ăn cắp lại còn phá hủy. Bởi, bài thơ bị sửa đổi một cách méo mó, trắng trợn. Vâng! Một kẻ có tài làm cho bài thơ của chị hay hơn, thì chắc chắn đã không phải đi thó thơ của người khác như vậy chị An Giang ạ.
Nói đến đạo văn, thó thơ cũng có muôn hình vạn kiểu. Có kẻ bê cả bài, có người đạo từng đoạn, từng câu, kẻ tinh vi hơn đạo ý tưởng… Hôm rồi, có bạn viết trẻ ở thành phố Leipzig đạo ý tưởng và bê nguyên xi một đoạn trong bài viết:
Nếu Việt Nam trở thành một khu tự trị của Trung Cộng thì sẽ ra sao? của Giáo sư Trần Đình Sử. Tuy nhiên bạn trẻ này, đã thay lời tựa, mở rộng bài viết và gửi cho tôi. Tôi bảo, bài của bạn hay, nếu tôi chưa đọc bài của GS Trần Đình Sử. Bởi, bạn đã lấy ý tưởng và bê một số đoạn văn của GS Trần Đình Sử vào bài của mình. Bạn nên gỡ bài khỏi FB, còn nếu tiếp tục sử dụng ghi rõ ý tưởng và một số đoạn đã sử dụng bài của GS Trần Đình Sử. Bạn viết trẻ trả lời, không biết GS Trần Đình Sử và chưa đọc bài đó. Tôi kopy và gửi bài đến để so sánh. Bạn viết trẻ viết lại cho tôi (đại ý): Bất kỳ tổ chức nào của người Việt thường đánh phá lẫn nhau, dẫn đến không thành công. Không rõ, người bạn trẻ này, thuộc tổ chức, hội đoàn chính trị nào? Tôi buộc phải trả lời, dù rất yêu mến các bạn trẻ dấn thân vì Tổ Quốc, dân tộc. Và là người không tham gia tổ chức, hội đoàn, mù mờ về chính trị, nhưng tôi thiết nghĩ, bất cứ tổ chức, hay cá nhân nào thành công dưới sự dối trá, thì chỉ mang lại khổ đau hơn cho đất nước và con người mà thôi.
Là người có thể nói khá chăm đọc dù của bất kể tác giả nào, nên tôi thấy, nạn đạo văn hiện nay đã đến mức báo động, chứ không còn xa lạ, hiếm hoi nữa. Viết lại câu chuyện trên để chúng ta cùng suy ngẫm, và như một lời chia sẻ, cảm thông đến nhà thơ Kiều Thị An Giang vậy.
Nghiên cứu Kiều Thị An Giang, ta có thể thấy, thiên nhiên là đối tượng chính trong thơ của chị. Hay nói một cách chính xác hơn, nhà thơ đã mượn cảnh vật, tĩnh vật để miêu tả, bộc lộ tâm trạng cũng như gửi tâm sự của mình vào đó. Một Lần Tan Chảy là một bài thơ điển hình như vậy. Từ cái qui luật tuần hoàn của tự nhiên ấy, chợt một lần bắt gặp, Kiều Thị An Giang cho ta sợi dây liên tưởng đến mối quan hệ của tình yêu, cũng như khát vọng của con người.
Cũng như nhà thơ Đỗ Hoàng, thơ của Kiều Thị An Giang nặng về phần trí, bố cục chặt chẽ, nên khi bình giảng khó có thể trích đoạn, mà thường phải bê nguyên bài. Và cũng chính bài thơ Một Lần Tan Chảy này sẽ chứng minh điều đó:
“sông chưa sinh ra nắng đã có trên đời
Nắng bắt đầu từ vầng dương sông bắt đầu từ thác trắng
Nắng như suối chảy tràn từ vô tận
Sông là ai mà ôm xiết cô đơn?
Trót là Sông nên sóng vỗ không yên
Ai nào biết dưới sâu là bão tố
Nắng tuôn chẩy từ mặt trời nung đỏ
Sông chưa từng biết nắng đợi hồi sinh
Sông không đợi mặt trời. Sông đợi bình minh
Nắng không ngủ quên. Nắng chẳng chìm vào tối
Nắng chỉ khiêm nhường cho mặt trăng ùa tới
Nắng không tự đốt mình nên nguội bớt vầng dương
Rồi một ngày nắng ngã xuống dòng thương
Sông đón nắng để nguôi đi trăn trở
Nắng đâu biết mình cô đơn đến thế
Nếu không một lần tan chảy vào sông…
Nắng vẫn vô cùng hào phóng giữa mênh mông
Sông vẫn cuộn tràn vì chẳng hề ngưng chảy
Sông và nắng chỉ một lần giao thoa như thế đấy
Nhận ra mình thăm thẳm ngóng chờ nhau… “
Đang ở độ chín, cùng với kiến thức cũng như nội lực sáng tạo như hiện nay, tôi tin Kiều Thị An Giang sẽ còn đem lại nhiều bất ngờ đến cho người đọc.
*Ngày đàn ông ở Đức vừa rồi, đang lúc ăn nhậu, có ông bạn bàn bên hứng chí đọc liền tù tì mấy bài thơ của Sa Huỳnh. Đọc xong, hắn quay sang tôi: Này Đỗ Trường, sau cái vụ Thơ Việt Ở Đức hình như Sa Huỳnh bị chột, không thấy thơ phú gì nữa? Tôi bảo, bậy nào, vẫn thấy Sa Huỳnh trên báo điện tử cộng đồng đều đều đấy thôi. Hắn cãi lại, ông đã nhầm. Rồi hắn bật iphone chỉ cho tôi, Sa huỳnh chỉ còn viết văn thôi…Nhìn mặt hắn cứ thấy đuột hết cả ra…
Gớm! Làm thơ viết văn như Sa Huỳnh được bạn đọc quan tâm, săn sóc như thế thì có mà viết cả đời cũng chẳng chán. Trách gì, hôm trước ngồi khật khừ với Nguyễn Quốc Hùng ở Erfurt, hắn thì thầm: Anh ạ, Sa Huỳnh tình cảm, tiếp xúc với anh ấy thấy thân mật, dễ chịu lắm…Còn Thế Dũng (nhà thơ TD) em thấy khó khó thế nào ấy. Tôi đùa hắn, Thế Dũng nhiều râu, nên có cảm giác vậy thôi, hiền khô à. Mày trẻ khỏe, to cao đẹp giai, lực lưỡng hơn Thế Dũng mà sợ à? Có vần đề gì, cứ đè nghiến xuống, vặt trụi râu, thì thấy Thế Dũng lại hiền như xưa thôi.
Thực vậy, mới tiếp xúc với Sa Huỳnh một lần duy nhất, cũng cho tôi cảm giác dễ gần, dễ mến như vậy. Và anh cũng thường gửi cho tôi đọc những bài viết mới của anh. Với tôi, khi đọc câu nào, đoạn nào không vừa ý là phản ứng tức thì, nhiều khi làm anh mất hứng. Nhưng anh vẫn vui vẻ, không như một số nhà thơ khác. Một lần duy nhất, đầu năm nay (2016), Sa Huỳnh gửi cho tôi bài “Chuyện Kể Ngày Tết Bính Thân”. Đọc xong, tôi đề nghị anh chữa lại cái không hợp lý tuổi tác của nhân vật. Bởi người phụ nữ 49- 50 tuổi (sinh khoảng năm 1966- 1967) lúc kết thúc chiến tranh (1975) mới tám, chín tuổi, không thể có những người bạn thân là lính của cả hai bên chiến tuyến được:
“Tôi thú thật rằng chưa gặp cô lần nào. Một người phụ nữ có gương mặt dịu dàng dễ mến, có tiếng cười vui. Dù đã khoảng tầm 49-50 nhưng gương mặt còn rất trẻ, để tóc đuôi gà. Nước da trắng mịn…Trong lúc ăn, nàng nói: “Đời em là những thước phim đầy ắp kỷ niệm vui buồn… Em sinh ra và lớn lên trong một gia đình đầy dấu ấn chiến tranh. Phân chia thành hai chiến tuyến. Em có những người bạn thân đi theo “phía bên thua cuộc” và cũng có những người bạn thân hy sinh ở “phía bên thắng cuộc“. (Trích Chuyện Kể Ngày Tết Bính Thân- Sa Huỳnh)
Tuy nhiên anh cho rằng, viết như vậy là để bảo mật cho nhân vật, và người đọc tự hiểu. Tôi không rõ, tác giả muốn bảo vệ cái gì, trong chiến tranh gia đình nào mà chẳng xẻ ra làm hai phía. Thật ra, câu chuyện này, không có gì gay cấn, cấm kỵ đến mức độ phải bảo mật cho nhân vật. Nếu như muốn bảo mật nhân vật không thiếu gì cách. Đành rằng văn chương là phải có hư cấu, nhưng hư cấu sao cho người đọc cảm thấy đó vẫn là sự thật. Do vậy, tôi nghĩ, đây là sự mơ hồ thật đáng yêu của những nhà thơ mà thôi.
Đọc Sa Huỳnh, tôi nhận ra thế mạnh, sở trường của anh phải là thơ lục bát. Thơ lục bát của Sa Huỳnh đằm thắm, nhẹ nhàng hoàn toàn khác hẳn những thể thơ khác của anh. Những bài thơ hay của Sa Huỳnh thường thuộc về những bài có cốt truyện và nhân vật. Tôi cho rằng, Em Về, và Để Lại Mùa Thu là hai bài thơ hay nhất của Sa Huỳnh. Tuy nhiên bài Để Lại Mùa Thu tôi thích hơn, bởi lời thơ đẹp và có nét hương xưa. Chúng ta đọc lại bài thơ này để thấy rõ điều đó:
“Mùa Thu trời đổ mưa sầu,
Tôi về thăm lại hàng dâu mẹ trồng,
Mới hay em sắp lấy chồng,
Nhà em tấp nập, tôi không dám vào
Hai bên hàng xóm đứng chào,
Tôi buồn, bối rối, nói sao bây giờ?
Trong buồn, ngoài cứ giả vờ
Thăm cô! Chào bác! Mọi người khỏe không?
Nhà sao mà có khách đông,
Hoa bày ngập lối, cửa son thếp vàng?
Pháo nổ tôi mới thấy nàng
Em lên xe cưới, họ hàng chúc nhau
Em đi: bỏ lại hàng dâu,
Để mùa Thu với mưa sầu trong tôi!”
Gần đây Sa Huỳnh dường như viết ít đi, có lẽ thời gian dành cho cho gia đình và những bài báo tường thuật công tác xã hội. Và hy vọng còn có thời gian, hứng khởi anh nên đi sâu vào thơ lục bát, hoặc thể loại khác nên nghiên cứu lại cách viết (bút pháp).
*Hôm đại hội văn học nghệ thuật thành phố Leipzig, đang ngồi nói chuyện với nhà thơ Bùi Nguyệt, thấy một gã đầu tóc đã phất phơ, khuôn mặt vuông vức, râu ria cắt tỉa khá cầu kỳ, to cao lực lưỡng, dáng cán bộ tổ chức hơn là thi sĩ, đi đến. Hắn cười tươi bắt tay, và ngồi xuống cạnh chúng tôi. Chị Bùi Nguyệt bảo, đây là Phúc Nguyễn. Đã nghe và hình như đã đọc hắn ở đâu đó, nhìn khuôn mặt này có lẽ trạc tuổi nhau, nên tôi cứ ông tôi tràn cu mây. Lúc sau, thấy chị Bùi Nguyệt xưng em với hắn, tôi hơi bị chột dạ, quay lại hỏi: Anh em, họ hàng hả? Bùi Nguyệt lắc đầu. Sao chị lại gọi bằng anh? Bởi hắn đẻ trước chị, Bùi Nguyệt trả lời tôi thế. Chị cứ đùa dai, hắn bằng tuổi em hoặc ít hơn. Bùi Nguyệt cười, đập vai Phúc Nguyễn: Trẻ thế, từ mai gọi em là chị nhé. Phúc Nguyễn cười cười. Nghĩ thế nào Bùi Nguyệt lại bảo, thôi chẳng dại cứ làm em được chiều hơn. Tôi hơi bị ngượng, chống chế: Căng da, chắc thịt thế này, bố ai nghĩ ông đã bước vào đầu sáu. Tôi mà gọi ông bằng anh thì chẳng phí cái trẻ của ông đi à. Phúc Nguyễn bóp vào vai tôi một phát đau điếng cả người, và bảo: Đàn ông con trai gọi thế quái nào chẳng được. Chà, chà…cha này làm nghề cuốc đất hay sao mà tay cứng đến thế?
Kể từ ngày ấy, tôi vẫn thường tìm Phúc Nguyễn đọc, nhưng có lẽ anh viết không nhiều, nên lâu lâu mới thấy trình làng. Qủa thực, đọc văn của Phúc Nguyễn, tôi thích hơn thơ. Dù có một số bài tiểu luận chưa thực hoàn hảo và trái ngược với những suy nghĩ, tư tưởng của tôi. Nhưng tôi vẫn mong anh viết tiếp, bởi viết tiểu luận, phê bình cần có kiến thức, sự kiên trì và đọc nhiều, rất dễ động chạm, nên ít người đủ dũng khí đi đến tận cùng. Ở Đức này, lại càng quí hiếm hơn.
Thơ cũng như tùy bút của Phúc Nguyễn nhẹ nhàng, sâu sắc mang đậm hồn quê. Tôi đã đọc hết những gì anh viết được đăng tải trên các báo cộng đồng hay FB. Tuy nhiên cái sự khám phá, tìm tòi trong thơ Phúc Nguyễn thực sự chưa nhiều. Và có thể nói, Sông Quê là bài thơ hay nhất của anh. Bài thơ hay không phải lời thơ đẹp, hay em đẹp đến chị Hằng cũng phải ngẩn ngơ, mà bởi cái hình tượng hóa nỗi nhớ mong manh, rất dễ tan vỡ ấy đã được đẩy đến tận cùng trong lòng thi nhân. Và ta có thể thấy, trong trạng thái đó một loạt các động từ trong câu thơ, như: Xin em, đừng làm, đừng đứng…đã hoán chuyển thành những tính từ. Nó như một nhịp cầu chuyển tải tâm trạng chìm vào những so sánh ẩn dụ, làm câu thơ đẹp và hay đến nao lòng: ”Như con thuyền trôi dưới ánh trăng khuya/ Sông lóng lánh nụ cười như dát bạc/ Như câu thơ bập bềnh trên nốt nhạc/ Chở tình yêu vời vợi ánh trăng ngà”.
Tuy nhiên câu hỏi tu từ “ Em trở về em có tắm sông quê” mượt mà và cấu trúc bài thơ không còn có gì bàn cãi, nhưng đọc kỹ cho tôi cảm giác gờn gợn. Dường như, cái khúc mắc đó nằm trong hai đại từ nhân xưng “em“ trùng nhau trong cùng câu thơ này, dù nó cũng mang hai ý nghĩa chuyển tải. Nhìn sâu hơn, ta có thể thấy, câu thơ “ Em là em người đàn bà ăn vã tuổi đôi mươi“ của Kiều Thị An Giang không chỉ có hai đại từ nhân xưng “em“, mà còn có một danh từ “người đàn bà“ nhấn mạnh để thay cho đại từ em. Như vậy, trong một câu thơ có đến ba đại từ nhân xưng, nhưng đọc lên câu thơ vẫn thoát và hay, gieo vào lòng người đọc sự ám ảnh lâu dài. Bởi, câu thơ khẳng định này có bố cục rất chặt chẽ, không thể thay, bỏ hay thêm bất cứ một từ nào khác. Đó là cái độc đáo, cũng như sự sáng tạo nên từ mới, cụm từ mới, nghĩa mới trong thơ Kiều Thị An Giang. Ngược lại, câu thơ của Phúc Nguyễn là câu hỏi, và một trong hai đại từ “em”hoàn toàn có thể thay bằng từ khác làm cho câu thơ hay hơn. Như vậy, ta có thể thấy hay dở, được và chưa được trong thơ có một khoảng cách rất mong manh. Và chúng ta cùng nhau đọc lại đoạn trích Sông Quê của Phúc Nguyễn nhé:
“Em trở về em có tắm sông quê
Dòng sông mùa thu êm ả
Dòng sông của một thời lặng lẽ
Em ngâm mình vời vợi ánh trăng xanh
Xin em cứ lặng yên
Đừng đứng lên em nhé
Đừng làm nước trong bọt tung trắng xóa
Phút mơ màng say đắm của tình anh
Xin em cứ lặng yên
Để nước mơn man vồng ngực
Để ánh ngọc ngà đừng tan ra sóng nước
Phút chị hằng ngơ ngẩn trước thần tiên
Xin em cứ lặng yên
Cho anh mơ về thuở trước
Thuở tình yêu chỉ một lần có được
Không gì ngoài tha thiết nhớ thương nhau
Như con thuyền trôi dưới ánh trăng khuya
Sông lóng lánh nụ cười như dát bạc
Như câu thơ bập bềnh trên nốt nhạc
Chở tình yêu vời vợi ánh trăng ngà …“
Ở cái tuổi lục tuần, Phúc Nguyễn vẫn còn nhanh nhẹn, cường tráng sức viết còn dồi dào lắm. Và tôi tin anh không chỉ là nòng cốt cho sự gìn giữ, phát triển văn hóa Việt trên địa hạt Chemnitz như hiện nay, mà công việc thành lập Hội văn học nghệ thuật độc lập trên toàn nước Đức chắc chắn sẽ làm được như ước nguyện không của riêng anh.
*Chủ nhật vừa rồi, anh Chu Văn Keng và Hoàng Long đến thăm tôi. Trong lúc đùa vui, các anh ước muốn có một lớp học bổ túc sáng tác cho anh chị em đam mê văn thơ ở Đức. Tôi bảo, khó gì, các bác đến gặp nhà văn Võ Thị Hảo, chị đã từng giảng dạy ở trường viết văn…Tôi nói chưa hết câu, có tiếng chuông cửa. Chu Văn Keng bảo, có lẽ, Nguyễn Văn Sâm từ Frohburg đến đón anh. Tôi đứng dậy mở cửa, thấy một gã khắc khổ, tóc tai dựng đứng với nụ cười hơi bị khô, riêng giọng nói tự nhiên và dõng dạc: Bá cáo các bác, Nguyễn Văn Sâm có mặt. Nhìn khuôn mặt đến đồ trang sức, cứ ngỡ hắn vừa từ ruộng cày đi thẳng vào nhà tôi. Nghe tên, dường như, tôi đã đọc hắn ở đâu đó. Cứ ngỡ hắn là bạn từ thời lính tráng của Chu Văn Keng, nên tôi gọi hắn bằng anh xưng em đều đều. Chợt nghĩ ra, Chu Văn Keng buột miệng: Hãy khoan, và hỏi: Nguyễn Văn Sâm sinh năm nào ấy nhỉ? 1961. Vậy thì ông còn kém cả tuổi tôi. Từ nãy đến giờ ông cứ để gọi anh sái cả miệng, tôi đùa hắn như vậy. Hắn cười: Cái số tôi long đong lận đận, quê Huế, sinh đẻ ở Nam Định, lớn lên ở Nghệ An, sau này sống ở khắp các vùng miền nghèo khó, nên trông cũ người vậy đấy ông ạ.
Bia được vài tuần, hắn rút từ ngực áo tờ giấy nhàu nhàu, rồi vuốt lại cho thẳng. Tôi cứ ngỡ hắn định xé giấy mồi lửa hút thuốc lào. Định đứng dậy kiếm cho hắn cái đóm, thì hắn rụt rè bảo, bỏ thuốc rồi, mới viết được một ca khúc mời các bác nghe thử. Giời đất ạ, hóa ra là bản nhạc. Tôi ngạc nhiên nhìn hắn: Này ông học nhạc ở đâu đấy? Tự học thôi mà. Tôi càng ngạc nhiên hơn, dù chưa biết bài hát của hắn hay dở thế nào. Hát thì phải có nhạc, tôi đưa cây Guitta cho thằng cháu, con trai anh Chu Văn Keng đang là giáo viên dạy Guitta cho một trường nhạc của Đức. Ông cháu tiếng Đức nhiều hơn tiếng Việt này, từ nãy ngồi nghe mấy ông hâm hấp nói chuyện thơ, bây giờ đến cả nhạc nữa chắc phát hoảng, từ chối, đưa lại Guitta cho tôi, bảo: Chú chơi cho chú ấy hát đi…
Qủa thực, tuần vừa rồi khi nhận được lời đề nghị viết bài của Phúc Nguyễn Hội văn học nghệ thuật người Việt Chemnitz, tôi mới tìm đọc sâu hơn về các tác giả. Và Nguyễn Văn Sâm là tác giả tôi đọc trước nhất. Bởi, tôi yêu cái nghị lực sống, tự đọc, tự học hỏi của anh. Và gần đây thơ của anh từng bước, từng bước chuyển biến rõ rệt. Phải nói, tôi rất vui về anh. Tuy nhiên, Cát Bụi được cho là bài thơ hay của Nguyễn Văn Sâm, nhưng vẫn chỉ dừng ở mức độ trung bình, nếu so sánh với những cây viết cộng đồng hiện nay. Dù nét nhạc hiện rõ trong thơ, và anh cũng rất cố gắng tìm tòi, học hỏi sáng tạo. Cái thiếu trong thơ cũng như trong nhạc của Nguyễn Văn Sâm là hình tượng, từ ngữ. Và dường như đọc anh, ta thấy nặng về tả và kể:
“Nếu một mai anh trở về cát bụi
Em có buồn khóc tủi bởi cô đơn?
Đừng em ơi em phải sống tốt hơn
Thời gian trôi nỗi buồn rồi cũng hết
Nếu một mai thuyền không về tới bến
Thì chớ buồn giọt nước mắt đừng rơi
Giữ làn môi giọng nói với nụ cười
Đem tất cả vào tim tôi em nhé…” (Trích từ Cát Bụi)
Có thể nói, những nhược điểm này không riêng của Nguyễn Văn Sâm, mà không ít cây bút người Việt ở Đức, kể cả người viết nhiều đã in đến sáu, bảy tập thơ như Vũ Lập cũng thường mắc phải. Đây là yếu điểm chính, buộc người viết cần phải khắc phục. Bởi, nói như các cụ: “Tức cảnh/ sinh tình”. Vậy, theo nhà nghiên cứu Thụy Khuê, một câu tả, tức là cảnh, chưa đủ tạo nên thơ, mà nó cần thêm một câu tình, tức cảm xúc sau đó của tác giả. Do vậy, Chúng ta thử tự khảo sát bài: Em Có Về Phố Hiến Cùng Anh? của Vũ Lập, có thể thấy hoàn toàn là những câu tả cảnh, và kể, thiếu tình (cảm xúc), nên chưa thể gọi là thơ. Nó như một bài văn xuôi, năng chấm xuống dòng vậy. Còn những câu văn này, hay dở lại là chuyện khác. Chúng ta đọc lại đoạn trích bài thơ này của Vũ Lập để thấy rõ điều đó:
“Em về phố Hiến cùng anh
đường Nguyễn Văn Linh đi giữa thảm xanh cây trái
khu công nghiệp Như Quỳnh nhà cao vươn gọi
phố Bần Phố Nối trù phú điện tắt trăng
Anh cùng em thăm Văn miếu Xích Đằng
tiếng chùa Chuông vọng hoàng hôn ráng đỏ
anh đưa em đến thăm cây nhãn tổ
mấy trăm năm quả ngọt ngát hương nồng
Thắp nén nhang đền Chử Đồng Tử -Tiên Dung
một thiên tình sử ngàn năm còn đó
em cầu quốc thái dân an duyên mình thắm đỏ?
xây ngôi nhà hạnh phúc đất văn hiến ngàn năm…“
Điều tất nhiên, Vũ Lập không phải không có những bài thơ hay, hoặc dở hơn nữa. Đó là điều rất bình thường của những người làm thơ, nếu có điều kiện tôi sẽ viết ở những phần kế tiếp…Và cũng mong các tác giả, nhà thơ hiểu, đây không phải là phê phán, mà những lời bàn với sự hiểu biết còn hạn chế (có thể sai) của tôi. Nó không ngoài mục đích thúc đẩy thơ văn của chúng ta tốt hơn lên.
*Cách nay mấy năm, tôi có đọc bài thơ ngũ ngôn: Anh Tìm Gì Trong Cuộc Đời Mênh Mông? của Nguyễn Thế Tuyền trong tập Thơ Việt Ở Đức. Đây là một bài thơ thế sự hay. Nhưng nó không nằm trong mạch viết của bài: Một Tập Thơ Chưa Thể Tải Hết Nỗi Lòng Người Việt Ở Đức, nên tôi đành để lại chờ dịp khác giới thiệu. Không rõ, Nguyễn Thế Tuyền làm nghề gì và ở thành phố nào? Nhưng thơ của anh ngôn ngữ sáng và nhẹ nhàng. Bài thơ như một lời tự sự của anh với người bạn Minh Thắng. Tuy ngồi trên nước Đức, mà dường như, họ trải lòng về quá khứ, về một nơi nào xa xôi lắm. Không chán chường, nhưng đành bất lực, bởi: “Bức tranh người ai vẽ/ Cho gam tối hơi nhiều“. Và ta không nghe thấy lời than, nhưng quặn thắt ở trong lòng:
“…Anh ôm cây đàn nhỏ
Nốt nhạc trong đêm trường
Thổn thức buồn con phố
Cuộc đời thêm chất hương
Bàn chuyện đời, chuyện văn
Sao thời gian ngắn thế
Bức tranh người ai vẽ
Cho gam tối hơi nhiều
Đẹp nét buồn mệt mỏi
Xin đừng hỏi tại sao
Càng trả lời càng rối
Đừng nói với hoa đào
Trái đất này hết tội
Ta nâng ly đêm nay
Mừng anh bạn tri kỷ
Chúng mình sẽ uống say
Tôn thờ chân thiện mỹ.”
Hơn một lần tôi đã viết, nếu như cụ Nguyễn Du không chọc thẳng vào những thối nát đương thời, thì truyện Kiều không thể sống đến ngày hôm nay. Và điều đó cũng cho tôi thấy, gần đây một số cây viết đã bám vào đề tài xã hội, con người, thơ họ có những chuyển biến rõ rệt, kể cả nội dung lẫn nghệ thuật. Nguyễn Thị Lý (Leipzig) và bài thơ Cái Duyên Mỏng đã chứng minh điều đó. Tuy bài thơ còn những điều phải bàn, nhưng cái tình bạc bẽo, nỗi đau của con người mang tính thời sự xã hội nóng hổi xuyên thấu lòng người. Và với lời thơ dân dã, mộc mạc ấy, không làm mất đi sự mượt mà của bài thơ:
“Anh về giỗ mẹ, thăm quê
Đường đi mù mịt, lối về quanh co
Anh về, em những âu lo
Lệ rơi ướt áo, sầu đo ngắn dài
Trắng đêm em ngóng đợi ai
Nghe tin “bồ nhí” bên tai bẽ bàng
Trách mình phận bạc hồng nhan
Cái duyên mong mỏng đa đoan xứ người”
Có nhiều bài thơ của Trương Thị Hoa Lài trước đây đọc tôi đã phải bỏ nửa chừng, nhưng gần đây chị viết về mảng xã hội, con người, đọc cho ta cảm giác khác hẳn. Phải nói, gần đây chúng ta có rất nhiều bài về biển đảo, thiên nhiên môi trường. Đó là điều đáng mừng, đáng trân trọng. Tuy nhiên có những bài quá thái, lên gân làm cho câu thơ, bài thơ trở nên sáo rỗng. Đến với bài thơ Gánh Đời, Trương Thị Hoa Lài đã tránh được điều đó. Lời thơ của chị đằm thắm, và sâu lắng hơn. Tuy còn một số câu, từ cũ và dễ dãi, nhưng tôi nghĩ, Gánh Đời là một trong những bài thơ hay viết về mảng thời sự, xã hội của những nhà thơ cộng đồng trong thời gian qua:
“…Mẹ gánh chiều họng cháy đắng khát khô
Chân nứt nẻ lội sông hồ kiếm sống
Dõi mắt về một phương trời vô vọng
Biết bao giờ mới thoát cảnh lầm than??
Tổ quốc mình từng tất đất kêu van
Trên bờ biển thuyền úp giàn bỏ chuyến
Sóng không còn thì thầm ngàn câu chuyện
Đại dương xa đau đáu ngóng cánh buồm! “
Đi tìm thơ người Việt ở Đức, tôi đã phải dừng lại khá lâu, để đọc đi đọc lại bài thơ Tuyết trắng của Nguyễn Thị Kim Anh (Lauingen). Làm cho tôi nhớ về nhà thơ T. T.KH, với một cuộc tình lãng mạn và những câu thơ buồn rười rượi, xuất hiện vào đầu thập niên bốn mươi, của thế kỷ trước. Đọc Tuyết Trắng, ta có thể thấy, dấu ấn khá rõ nét văn học lãng mạn châu Âu. Bởi, bài thơ là nỗi cô đơn, và nó cũng là nét chủ đạo chính trong thi ca lãng mạn. Đọc nó, như hồn ta được kéo về những năm đầu thế kỷ hai mươi. Tôi nghĩ đây là bài thơ quí, bởi chị Nguyễn Thị Kim Anh đã mang đến một giọng thơ riêng cho cộng đồng:
“…Tuyết vẫn rơi như nhỏ giọt lệ sầu
Thương cho kẻ chờ mong trong tuyệt vọng
Đêm cô đơn một mình em chiếc bóng
Biết tìm đâu hơi ấm của người thương?
Ai vuốt ve, sưởi ấm những đêm trường
Khi dông tố ngoài kia về lạnh quá!
Anh có biết lòng em đang buốt giá
Nỗi cô đơn phủ kín trái tim đau…”
Gần đây, dường như Nguyễn Quốc Hùng (Sonderhausen) đã chuyển sang viết thơ châm biếm, thơ vui. Cũng như Chu Văn Keng, tôi thích đọc thơ trào phúng của anh, thì quả thực, thơ vui, thơ tự châm của Nguyễn Quốc Hùng, cũng cho tôi những khoái cảm đó. Có lẽ, dạng thơ này ít người viết nên cảm thấy quí chăng? Đây là thể thơ dân dã, từ ngữ mộc mạc, thô ráp, nhưng cần tài năng sắp đặt từ ngữ, gây bất ngờ và bật ra tiếng cười của người đọc. Bỗng Dưng Muốn Nhậu là bài thơ điển hình cho thể thơ này của Nguyễn Quốc Hùng. Có thể nói, nếu đặt thơ lục bát của Nguyễn Quốc Hùng bên cạnh những bài thơ vui, thơ tự châm của anh, thì có lẽ không ai nghĩ cùng một tác giả. Bởi cái chất nhầy nhầy rựa mận nó rất khác với phong cách nhẹ nhàng, quần ly áo xếp hàng ngày của anh:
“…Bát rựa mận cũng ô kê
Ăn kèm với bún là mê nhất rồi.
Nghiêng nghiêng,ngó ngó gắp mồi
Hôm nay bị thiếu mất nồi lẩu dê
Món này dân dã thôn quê
Nhúng kèm cải cúc ,xin thề…rất hay.
Rượu nống cạn chén men say
Nửa đêm giải tán,chia tay vui cười.
Kiếp sau nếu được làm người
Tớ tin dê cũng là người…nhậu dê…”
Bài này, tôi tìm đọc và viết trong khoảng hơn một tuần, vào những lúc rảnh rỗi nơi tôi làm việc, nên có lẽ, còn nhiều sai sót. Tôi định viết tiếp về hai nhà thơ nữ tài năng, có hai cách viết, (bút pháp) đối nghịch nhau Thu Hà (Cottbus) và Bùi Nguyệt, cũng như thi nhân có giọng đọc vang, rung động Nguyễn Công Toản (Dresden). Nhưng cảm thấy bài đã quá dài, nên tôi đành phải gác lại viết ở những phần tiếp sau đây, nếu có điều kiện. Và bài này viết theo đề nghị của nhà thơ Phúc Nguyễn, Hội văn học nghệ thuật Chemnitz. Đây là những suy nghĩ, phân tích cá nhân, có thể không đúng. Do vậy, có những nhà phê bình, nhà thơ, nhà văn khác trong cộng đồng chúng ta có những suy nghĩ khác là điều rất bình thường. Và tôi rất vui, rất thích được đọc những bài viết khác của các bác, dù có trái ngược với những suy nghĩ trong bài này.
Leipzig ngày 19-8-2016
© Đỗ Trường
© Đàn Chim Việt