Báo Đức giới thiệu cuốn “Giấc Mộng Orly”
Tác giả Thomas Völkner: Sehnsuchtsort Orly
Lời giới thiệu: Năm 2003, gần như cùng một lúc tiểu thuyết Hộ chiếu buồn của nhà thơ Thế Dũng được xuất bản tại Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam và Nhà xuất bản Khởi hành (tại Mỹ).
Năm 2010, nhà xuất bản Horlemann tại Đức đã ấn hành Tiểu thuyết Hộ Chiếu buồn với tựa đề Giấc mộng Orly ( bản dịch của Karin Enzanza và Nguyễn Đức Thắng). Nhà văn Thế Dũng đã được mời phỏng vấn và giới thiệu về Giấc mộng Orly tại Berlin và Würzburg.
Tháng 03 năm 2011, Tạp chí LiteraturNachrichten-Nr.108- số mùa Xuân, xuất bản tại Frankfurt Mainz tập trung vào Chủ đề Văn chương Di cư. Sehnsuchtsort Orly, là bài viết về tiểu thuyết Giấc mộng Orly của nhà văn Thế Dũng, về sự khởi đầu của VIPEN Edition( www.vipen.de) tại Đức do nhà báo Thomas Völkner* thực hiện. Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc.
—————————————
Miền khao khát Orly
Vấn đề trở nên rối ren, Trần Linh có cơ thất bại vì cơ chế. Người đàn ông Việt Nam trẻ tuổi, được đào tạo tốt mang trong túi một hợp đồng lao động sẽ đưa anh từ một tỉnh xa về với Hà Nội. Thứ anh còn thiếu lúc chuyển nhà là Hộ khẩu cư trú ở Thủ đô. Những người có chức quyền trong Đảng và bộ máy hành chính chỉ rất miễn cưỡng mới cấp giấy này. Thoạt nhìn, kế hoạch anh nghĩ ra để chuyển bại thành thắng còn có vẻ khủng khiếp và vô vọng hơn nữa: Anh muốn sang châu Âu, làm việc ở đó một hoặc hai năm rồi quay về. Với một lý lịch như thế, được người phương Tây giới thiệu và với uy tín có được từ đó, các công chức sẽ cho phép anh ở lại Hà Nội, anh tính như vậy. Trần Linh là nhân vật chính trong tiểu thuyết xuất bản năm 2010 Giấc mộng Orly (Horlemann Verlag, Karin Enzanza và Nguyễn Đức Thắng dịch). Tác giả của cuốn sách vừa gần gũi với thực tế lại vừa nên thơ này là Thế Dũng, người đã chọn Berlin làm đất sống. Thomas Voelkner đã trò chuyện với ông.
Lớn lên tại một thành phố tỉnh lẻ và được đào tạo Đại học ở Hà Nội, sau chiến tranh Việt Nam, Thế Dũng làm giáo viên. Trong những tháng xảy ra cuộc Cách mạng năm 1989 ông đến CHDC Đức làm công nhân hợp đồng – một bước đi giống với nhân vật trong tiểu thuyết của ông. Tuy thế ông nhấn mạnh, Trần Linh không phải là cái tôi thứ hai của mình:”Thực ra người đàn ông này là người quen của tôi. Ông ấy đã đưa cho tôi các tài liệu đời tư. Tôi được phép dùng tất cả các tài liệu đó cho tác phẩm của mình.”
Dù có những điểm giống nhau giữa hư cấu và thực tế, một sự tương ứng như thế hoàn toàn không có gì khác thường. Vô số người Việt Nam, đặc biệt là các trí thức trẻ, khi đã đạt tới giới hạn phát triển năng lực của mình vào những năm 1980, sau khi học xong, họ, hoặc là được phân về một cơ quan xí nghiệp nào đó hoặc là chông gai được rải lên con đường họ đi nếu họ muốn tự lực thay đổi. Việc chuyển nhà về Hà Nội hoặc thậm chí là ra nước ngoài phải theo quy định chính thức, nhưng ai có tiền đút lót các công chức và cán bộ Đảng có thể vẫn làm được. Không lấy gì làm lạ là một mục tiêu hoang đường như Orly, sân bay quốc tế trước cửa ngõ Paris, thủ đô xa xôi thời thuộc địa, đã trở thành miền đất hứa của nhiều người Việt Nam. Cả Trần Linh cũng mơ về nước Pháp. Nhưng vì anh muốn ra đi để có thể trở về, nếu không còn cách nào nữa thì cũng có một tấm ván nhún nước ngoài khác để nhảy về Hà Nội.
Từ năm 1980 đến 1990 giữa CHDC Đức và Việt Nam có một Hiệp ước quy định việc nhập cư của công nhân Việt Nam. Người ta gọi những người sang Đông Đức hai, ba năm để đào tạo hay làm việc trong các nhà máy lớn là công nhân hợp đồng. Một khi đã tới CHDC Đức, họ thường xuyên bị đồng nghiệp và hàng xóm người Đức giữ khoảng cách. Họ nhận được những căn hộ cố định trong ký túc xá, phạm vi hoạt động của họ bị hạn chế. Tuy vậy với nhiều người viễn cảnh được sang CHDC Đức một vài năm cũng vẫn là một mục tiêu đáng giá. Dù là họ thấy tương lai của mình ở vùng đất lạ hay là có dự định trở về quê hương. Một phần lớn trong cốt truyện của cuốn tiểu thuyết thiết tha của Thế Dũng là sự tìm kiếm một con đường dẫn tới một đời sống tốt đẹp tại Việt Nam, và sự mô tả tình cảnh của những người thuộc thế hệ hậu chiến trẻ trung, có học thức cách đây 20, 30 năm. Thế hệ ấy thấy trước mắt mình một sự thất bại, dùng hết sức lực chống cự lại nó và nắm bắt mọi cơ hội nếu có. Thế Dũng nói: “Dạo đó, khi muốn ra nước ngoài, hầu hết những trí thức Việt Nam trẻ tuổi không được phép tự lựa chọn. Ai được đi Nga, CHDC Đức hay Ba Lan đều là do số phận.”
Vì tư lợi Trần Linh đấu tranh từ bên trong chống lại hệ thống. Anh không muốn rời Việt Nam bất hợp pháp như là một thuyền nhân, vì anh cần giấy tờ chính thức để hồi hương. Trần Linh cảm thấy khó mà nhận ra được người nào ở cấp độ nào trong thứ bậc của hệ thống có thể đưa ra được quyết định có lợi cho anh. Anh thấy mình bị mắc kẹt trong các cơ chế vô cùng gia trưởng. Có lúc người ta hỗ trợ anh chỉ dựa trên gốc gác chứ không phải theo năng lực. Lúc khác anh thấy là mình phải làm vừa lòng người khác như thế nào để thu lợi được từ một mối quan hệ. Một người bạn khuyên Trần Linh:”Mày không nên lúc nào cũng nhìn Đảng như là một thế lực đứng trên đầu hoặc có mâu thuẫn sâu sắc với mình. Đảng gồm những con người cũng bằng xương bằng thịt cả thôi và họ muốn dự phần vào tứ khoái của đời – họ không thể không ăn, không ngủ, đừng nói đến chuyện không làm tình, và họ cũng phải đi ị như ai.” Từ quan điểm thực dụng này người đàn ông muốn xuất cảnh đã rút ra được các bước để chiến thắng cơ chế.
Thế Dũng giới thiệu trong Giấc mộng Orly một nhân vật chính mà ta tin là anh ta có thể thực hiện được ước mơ của mình và ngay cả khi đôi lúc ta không thiện cảm mấy với anh ta vẫn nghĩ là anh hoàn toàn đáng được như vậy. Để đạt mục đích Trần Linh đã hành động quá ích kỷ, làm bạn bè bị tổn thương, xa lánh các bạn tình của mình. “Với tôi nước mắt của một người đàn bà là một cảnh tượng quen thuộc chỉ làm thế giới tình cảm chai sạn của mình thêm cay đắng mà thôi”, trong tiểu thuyết có đoạn viết. Hành động của anh hoàn toàn chỉ hướng đến mục tiêu rời khỏi Việt Nam. Nếu không phải là đi Pháp thì ít nhất là sang CHDC Đức. Sự thành công của anh lúc quốc gia này đang ở vào giai đoạn cuối gây ấn tượng như một sự mỉa mai của số phận. Và nó mở ra khả năng là có một phần tiếp theo kể về những trải nghiệm của Trần Linh tại nước Đức thống nhất. Hiện giờ cuốn sách này là một tác phẩm minh giải sự phát triển năng lực bản thân trong một xã hội không tự do, về những vấn đề phát sinh của người lao động Việt Nam nhập cư sang Đông Đức, và đặc biệt là về ý chí chuyển dời được cả núi non.
Nhà văn Thế Dũng nhìn nhận bản thân là người trung gian theo chiều ngược lại. Ông muốn đưa đồng bào mình đến với văn học tiếng Đức và những cuộc thảo luận diễn ra ở nơi đây. Vì thế năm ngoái ông đã cùng Peter Knost lập ra nhà xuất bản nhỏ Edition Vipen. Mục tiêu công việc là dịch và xuất bản những cuốn sách quan trọng của các tác giả Đức sang tiếng Việt.
Cuốn đầu tiên là cuốn sách tham khảo Biên niên sử của Cách mạng của Hannes Bahrmann và Christoph Links, một cuốn sách kinh điển về đề tài này, theo như diễn đạt của đồng chủ nhà xuất bản Peter Knost. Thế Dũng nói thêm:”Ở Việt Nam rất ít người thực sự hiểu được cuộc cách mạng ở Đông Đức. Vì thế quan điểm của tôi là phải xuất bản tựa sách này ngay từ đầu.” Biên niên sử của Cách mạng là cuốn sách tóm lược vừa nổi tiếng vừa đại chúng, điểm lại bằng văn bản và hình ảnh các sự kiện diễn ra từng ngày một, từ ngày Quốc khánh nước CHDC Đức tháng Mười năm 1989 đến cuộc bầu cử Quốc hội tự do đầu tiên vào tháng Ba năm 1990. Nguyên là một cuốn sách đi kèm một bộ phim tài liệu phát trên truyền hình, nó đã trở thành một cuốn sách bán chạy nối bản. Ngay sau đó một cuốn sách khác được xuất bản với các bài viết Christa Wolf chấp bút vào thời kỳ xảy ra cuộc cách mạng và được Aufbau và Luchterhand xuất bản năm 1990. Các độc giả Việt Nam trung niên có thể nhớ tới tiểu thuyết Bầu trời bị chia cắt xuất bản giữa những năm 80 ở Hà Nội. Giờ đây, quan điểm của Christa Wolf về cuộc cách mạng hòa bình ở CHDC Đức và sự tái thống nhất có thể giao lưu với những người hâm mộ văn học có hiểu biết từ trước về tác phẩm của nữ văn sỹ. Năm 2011 sẽ có thêm nhiều tác phẩm đương thời của các nhà văn viết tiếng Đức trẻ tuổi cho phép tìm hiểu tâm trạng Đức hiện thời.
Ngày nay trong các thị trường ngách về sách khác nhau các nhà xuất bản đang ấn hành các cuốn sách bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Arab, Nga và các ngôn ngữ khác. Edition Vipen nắm giữ một phân khúc nhỏ khác và hi vọng là nỗ lực này sẽ đem lại kết quả về tri thức và kinh tế. Dù rất lạc quan các chủ nhà xuất bản Vipen biết rằng mình chỉ có thể tiếp cận thị trường tiêu thụ tiềm năng của mình một cách từ từ mà thôi. ‘Không thể tiếp cận cộng đồng người Việt tại Đức bằng phương thức kinh doanh sách cổ điển được’, Peter Knost đánh giá tình hình, ‘mà phải thông qua các cuộc tổ chức, buổi đọc giới thiệu sách, trong các thư viện, thậm chí là tại chỗ. Và con đường thứ hai: thông qua các cửa hàng của người Việt không chỉ bán sách mà bán cả các vật dụng hàng ngày khác nữa.’
Dĩ nhiên các chủ nhà xuất bản nhỏ biết là thực ra họ sẽ phải thành công tại một thị trường lớn hơn nhiều. Nhưng ban đầu, việc bán sách trong lãnh thổ Việt Nam vẫn là bất khả thi đối với phần lớn các tựa sách được nhập khẩu từ cộng đồng người Việt hải ngoại. Vì thế các cuốn sách xuất bản tại Berlin của Thế Dũng hiện chỉ đến với quê hương ông với số lượng nhỏ đã được lên kế hoạch.
Người dịch: Thiên Trường
(Bài được gửi tới bởi nhà văn Thế Dũng)
—————————————————–
*Thomas Völkner –Sinh năm 1969, Phóng viên Tự do chuyên viết về Văn chương và Truyền thông- hiện sống và làm việc tại Berlin.