WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Bầu cử hạ viện Đuma lần thứ 6 ở Nga: sự kiện và những vấn đề tranh cãi

Hôm 9-12 Ủy ban bầu cử Trung Ương của Nga đã chính thức công bố kết quả cuộc bầu cử vào hạ Viện Đuma hôm 4-12 vừa qua. Như vậy kết quả của 7 đảng phái tham gia cuôc bầu cử Đuma như sau:

Đảng Nước Nga thống nhất của chính quyền thu được 49,4% số phiếu, đảng cộng sản được 19,2%, đảng nước Nga công bằng 13,2%, đảng dân chủ tự do 11,7%, đảng Quả táo của Yavlinsky 3,4%, đảng Người yêu nước gần 1%, đảng Công việc chính nghĩa 0,6%. Như vậy có 4 đảng vượt qua được rào cản 7% minimum để lọt vào Đuma lần thứ 6 này là đảng Nước Nga thống nhất, đảng cộng sản, đảng Nước Nga công bằng và đảng dân chủ tự do. Thành phần của Đuma mới không có gì thay đổi so với Đuma trước đây. Chỉ có số lượng ghế của các đảng phái là thay đổi mà thôi. Đảng Nước Nga thống nhất vẫn chiếm đa số ghế. Cộng số ghế của các đảng không vượt qua 7% tối thiếu để lọt vào Đuma, đảng này vẫn có số đại biểu vượt quá 50%, đủ để thông qua các đạo luật thông thường. Nhưng khác với Đuma lần trước, họ không vượt qua đa số tuyệt đối 300 ghế để được quyền thay đổi hiến pháp như trước đây nữa.

Chính quyền tuyên bố cuộc bầu cử là hợp lệ và kết quả của nó là hợp pháp. Tuy nhiên các đảng phái tham gia bầu cử, cả các đảng được lọt vào Đuma như đảng cộng sản và đảng Nước Nga công bằng, cả các đảng không được lọt vào Đuma như đảng Quả táo vá các đảng phái khác không tham gia bầu cử đều lên tiếng tỏ thái độ không hài lòng với kết quả mà Ủy ban bầu cử đưa ra và cho rằng có quá nhiều sự gian lận trong kỳ bầu cử lần này và đòi Trưởng ban bầu cử trung ương phải từ chức.

Những hình thức gian lận

Các báo mạng bình bầu chuyện tiếu lâm hay nhất kỳ bầu cử này là “Các con gái của Putin không phải đi bầu cử, vì con cái thì không được lựa chọn bố mẹ”.

Điều bất hợp lý lớn nhất của hệ thống bầu cử Nga hiện nay là các nhà lãnh đạo ở Nga không coi bầu cử là một phương tiện thay đổi chính quyền hòa bình mà họ coi nó như một cuộc trưng cầu dân ý về lòng tín nhiệm của dân chúng đối với chính quyền, nên họ không muốn và không chấp nhận có thể bị thua trong cuộc bầu cử này. Vấn đề chỉ là họ thắng với con số tín nhiệm là bao nhiêu mà thôi. Bắt nguồn từ cái logic đặc biệt này mà chính quyền đã phải nghĩ ra nhiều cách để đảm bảo cho mình phần thắng chắc chắn, thắng tuyệt đối trong kỳ bầu cử.

Cách thứ nhất là bắt buộc người dân phải bỏ phiếu cho mình bằng những đòn bẩy về kinh tế. Trong thời kỳ vận động  tranh cử, trên internet đã xuất hiện nhiều băng video hay ghi âm những cuộc nói chuyện của cán bộ lãnh đạo các cấp đề nghị các nhà máy, xí nghiệp phải bỏ phiếu “cho người mình”, tỷ lệ phiếu bầu “đúng” sẽ tỷ lệ thuận với số tiền trợ cấp hay ngân sách họ được nhận. Nếu lúc trước các nhân vật nói bóng nói gió để cử tri hiểu phải làm như thế nào là “đúng luật” là những người bình thường không tên, không tuổi, thì lần này các nhân vật đứng ra mặc cả như vậy toàn là các quan chức có tên tuổi cả.

Cách thứ hai để tăng số phiếu đơn giản hơn cách thứ nhất. Chẳng cần hứa hẹn gì cả. Cứ việc đứng tên người khác và… viết vào đó ý kiến của mình. Ví dụ thị trưởng một thành phố đề nghị giám đốc các xí nghiệp phải lập danh sách các nhân viên của họ…chắc chắn không đi bỏ phiếu được trong ngày bầu cử, và gửi danh sách đó cho tòa thị chính để sử dụng hợp lý…Như vậy có nghĩa là chính quyền kết hợp với Ủy ban bầu cử tự bỏ phiếu cho các đảng phái của mình.

Phát minh mới nhất trong kỳ bầu cử này là sáng kiến đi bầu cử “vòng quanh”. Bầu cử “vòng quanh” là một cử tri sẽ đi bỏ phiếu ở nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố và kết quả là một người được tính thành 10 hay 20 phiếu. Ngay trước ngày bầu cử, tờ “Tân báo” đã tìm được một bản hướng dẫn đi “tham quan” của một đoàn dân chúng từ thành phố Kirov đi vào thành phố Saint Peterburg. Trong ngày 4-12 họ sẽ phải đi từ 8 đến 13 điểm “văn hóa” và quan trọng nhất là họ được dặn dò kỹ lưỡng không được phép tiếp xúc với các phóng viên hay đại diện của các tổ chức thăm dò dư luận. Thế là đã rõ, các đoàn du khách này chỉ đi tham quan các điểm bỏ phiếu mà thôi. Ví dụ về các cuộc “tham quan” đặc biệt này được ghi nhận ở khắp nơi. Đặc biệt là có đến 30 ngàn thanh niên thuộc tổ chức đoàn viên của chính quyền từ các tỉnh sẽ về Moscow tăng cường an ninh cho những ngày bầu cử. Tất cà số thanh niên này không chỉ có nhiệm vụ tuần tra giữ gìn an ninh mà còn có nhiệm vụ quan trọng là đi bỏ phiếu “vòng quanh” nữa.

Tổ chức các kiểu gian lận khác nhau cũng không làm cho chính quyền yên tâm. Trước ngày bỏ phiếu, tổ chức giám sát bầu cử độc lập “Golos” cũng bị làm khó dễ. Website của tổ chức bị đánh phá không làm việc được. Máy tính của giám đốc tổ chức này bị hải quan thu giữ đến tháng 2 năm 2012 để “nghiên cứu”. Trang web để dân chúng lên đưa tin về các vụ vi phạm trong quá trình bầu cử cũng bị đánh phá không làm việc. Trang web của đài radio “tiếng vọng Moskva” cũng bị tấn công từ 6h 40 sáng. Như vậy có nghĩa là mọi ngọn đèn nhằm chiếu sáng quá trình bầu cử đều bị phá hỏng hay che mờ đi.

Chính quyền rõ ràng là cần che mờ bớt tiến trình bỏ phiếu, vì họ vẫn chưa yên tâm lắm với những biện pháp tăng số phiếu của mình. Tại nhiều điểm bỏ phiếu các nhà quan sát của các đảng phái khác còn bắt được nhiều vụ mà các nhân viên của Ủy ban bầu cử tự mình bỏ cả  trăm tờ phiếu ủng hộ cho đảng Nước Nga thống nhất vào thùng phiếu, hay đơn giản là đưa biên bản kiểm phiếu với số liệu kiểm phiếu hoàn toàn sai với sự thật. Chỉ trong 2 giờ cuối cùng trước khi đóng cửa, đột nhiên số lượng người đi bầu cử tăng vọt từ 50,4 lên 60,2% là một bằng chứng cho thấy số phiếu đã bị vứt vào thùng hàng loạt vào thời điểm này.

Làn sóng phản đối những gian lận trong bầu cử lan rộng

Những hành động gian lận quá trắng trợn trong quá trình bỏ phiếu đã làm dân chúng và các đảng phái giận dữ. Ngay ngày hôm sau, dân chúng đã tụ tập tại các quảng trường trung tâm các thành phố lớn như Moscow, Saint Peterburg để bẩy tỏ thái độ giận dữ của mình. Chính quyền vẫn như mọi khi, thẳng tay đàn áp họ. Chỉ trong một ngày 5-12 ở Moscow đã có tới 569 người bị bắt giữ,ở Saint Peterburg có gần 300 người bị giữ, trong đó có hàng chục phóng viên các báo chí, cơ quan truyền thông khác nhau. Tất cả các buồng tạm giam của cảnh sát chật kín chỗ. Người ta ghi nhận hàng chục trường hợp bị đánh, bị giữ trong những điều kiện không …thể ở được: 20 người trong một buồng giam 15 mét vuông . Có những người chỉ bị lập biên bản rồi được thả ra, có những người bị tạm giữ tới 15 ngày. Nhưng dường như dân chúng không sợ những hình phạt đó nữa, ngày nào ở các quảng trường trung  tâm người ta cũng đến tụ tập phản đối. Hôm 7-12 ở Moscow đã tụ tập được 7 ngàn người- một con số kỷ lục người tham gia biểu tình trong nhiều năm qua.

Trên các mạng xã hội, số người bầy tỏ ý muốn tham gia biểu tình có ở tất cả các thành phố. Trên toàn nước Nga có hơn 100 ngàn người cho biết sẵn sàng tham gia các cuộc biểu tình. Đông nhất là ở Moscow với hơn 40,5 ngàn người, ở Saint Peterburg với hơn 9 ngàn người, Cheliabinsk với hơn 5,5 ngàn người, tính ra có đến 67 thành phố của Nga lên tiếng ủng hộ các cuộc mitting phản đối sự gian lận trong quá trình bầu cử vừa qua.

Có lẽ đảng nước Nga thống nhất và chính quyền không ngờ được thái độ giận dữ của dân chúng mạnh mẽ như vậy. Lúc đầu họ chỉ nghĩ là các đảng phái đối lập sẽ tổ chức phản đối như mọi khi với vài trăm người quen thuộc trên các quảng trường trung tâm. Và như vậy chỉ cần thẳng tay đàn áp một hai lần là đủ. Nhưng lần này họ đã nhận định sai. Sự gian lận quá trắng trợn trong quá trình bầu cử đã làm nhiều tằng lớp dân chúng bất bình, nhiều đảng phái bất bình, kể cả các đảng được lọt vào Đuma lần này. Vô tình chính quyền đã tạo ra một  cái cớ rất chính đáng để liên kết các tầng lớp dân chúng, liên kết cả các đảng phái đối lập nhau, cùng xuống đường phản đối chính quyền.

Và một cuộc mít tinh lớn chưa từng có trong lịch sử cận đại của Nước Nga dân chủ đã diễn ra hôm 10-12 với gần 80 ngàn người tham dự. Chính quyền đã tìm mọi cách để hạn chế bớt số người tham gia: từ việc trì hoãn quyết định cho tổ chức biểu tình đến phút chót, đến việc đổi địa điểm tổ chức quen thuộc từ quảng trường Cách mạng sang quảng trường Đầm lầy, nhưng số người tham gia vẫn rất đông đảo. Điều đặc biệt ở đây không chỉ là số lượng người tham gia, mà còn ở thành phần tham gia nữa. Người ta thấy có mặt trong cuộc biểu tình này những đảng phái hoàn toàn trái lập nhau: từ đảng cộng sản đến các đảng phái dân chủ. Từ các đảng được lọt vào Đuma như đảng cộng sản và đảng Nước Nga công bằng đến các đảng không được vào Đuma hay thậm chí không được tham gia bầu cử như đảng Quả táo, đảng Một nước Nga khác, từ các đảng phái bảo hoàng đến các tổ chức dân tộc cực đoan. Lần đầu tiên người ta thấy một cuộc biểu tình có nhiều giới trẻ trên 30 tuổi, lứa tuổi chín nhất, đại diện của tầng lớp  trung lưu hiện nay chứ không phải các ông bà cụ trên 50 tuổi cố gắng bảo vệ những quyền lợi và hoài niệm về chế độ cũ hay lớp thanh niên dễ bị lôi kéo, mua chuộc.

Đoàn biểu tình đưa ra 5 điểm yêu sách cho chính quyền.

Thứ nhất là phải thả ngay các tù chính trị đang bị giam giữ.

Thứ hai là phải hủy bỏ kết quả cuộc bỏ phiếu gian lận vừa qua.

Thứ ba là phải cách chức ông Churov- Chủ tịch Ủy ban bầu cử trung ương. Điều tra các vụ gian lận và xử lý những người vi phạm.

Thứ tư là cho phép các đảng phái đối lập đăng ký tham gia bầu cử. Thông qua một bộ luật dân chủ về các đảng phái và bầu cử.

Cuối cùng là phải tiến hành một cuộc bầu cử mới công khai và công bằng.

Ngày 24-12 tới đây các đảng phái lại tổ chức một cuộc biểu tình tiếp theo để xem chính quyền có thực thi các yêu sách của họ không.

Phản ứng của chính quyền

Hôm 8-12 lần đầu tiên Tổng thống Medvedev đã phải lên tiếng bình luận về những sự kiện hậu bầu cử. Mặc dù ông không đồng tình với ý kiến của những người biểu tình đòi hủy bỏ kết quả bầu cử vừa qua, nhưng ông cũng hết sức mềm mỏng thuyết phục dân chúng trở về trong khuôn khổ pháp luật. Trong chuyến thăm Cộng hòa Tiệp, ông cho biết dân chúng có quyền bầu tỏ thái độ của mình bằng các cuộc mitting. Nhưng các cuộc biểu tình đều phải được tổ chức theo đúng luật pháp. Ông là quan chức duy nhất cho biết sẽ tổ chức để điều tra các vụ gian lận.

Thủ tướng Puitn thì vẫn giữ nguyên đường lối thẳng tay của mình. Ông cho biết làn sóng phản đối này là do những lời chỉ trích của bà ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton châm ngòi. Ông đề nghị phải thắt chặt hơn nữa luật pháp, cho phép xử lý khắt khe hơn với những người thực hiện nhiệm vụ của ngoại bang, quấy rầy đời sống chính trị ở trong nước. Các nhà bình luận cho rằng ông Putin trên thực tế đã kêu gọi sửa đổi lại luật pháp nhằm hạn chế các tổ chức nhận tiền của nước ngoài không được theo dõi tiến trình bầu cử ở Nga nữa. Trong thời gian cuối, đây không phải là lần đầu tiên Ông Putin chỉ trích các tổ chức nhận tiền tài trợ của nước ngoài tham gia theo dõi  tiến trình bầu cử ở Nga làm ảnh hưởng đến công việc nội bộ của Nga. Hôm 27 tháng 11 vừa qua ông đã nói trên  kỳ đại hội của đảng Nước Nga thống nhất, và ngay sau đó tổ chức “tiếng nói” chuyên theo dõi các cuộc bầu cử ở Nga đã bị tấn công và làm khó dễ.

Mặc dù chính quyền chưa có dấu hiệu gì sẽ thực hiện các yêu sách của cuộc biểu tình 10-12, nhưng rõ ràng sự kiện mấy chục ngàn người xuống đường đã có một tác dụng nào đó. Tổng thống Medvedev đã tuyên bố các Ủy ban của hạ viện Đuma sẽ giao cho các đảng phái đối lập cùng tham gia.

Dân chúng sẽ còn tiếp tục xuống đường để biểu lộ thái độ giận dữ của mình. Đuma mới đã bắt đầu nhóm họp và chuẩn bị bầu các chức vụ quan trọng nhất. Nhưng sự phản đối của dân chúng là cần thiết và chắc chắn sẽ làm chính quyền phải thay đổi. Bởi vì mỗi đám cháy lớn cũng đều bắt đầu từ nhưng tia lửa rất nhỏ.

© Bùi Lan Hương

© Đàn Chim Việt

 

3 Phản hồi cho “Bầu cử hạ viện Đuma lần thứ 6 ở Nga: sự kiện và những vấn đề tranh cãi”

  1. Minh Đức says:

    Một số việc làm của ông Putin giống như ông Diệm thời xưa. Ông Putin lên cầm quyền rồi mới phát triển đảng của mình. Ông Diệm cũng lên cầm quyền rồi mới phát triển đảng Cần Lao. Có quyền rồi mới phát triển đảng sẽ có nhiều người gia nhập đảng vì sợ làm mất lòng cấp trên mà gia nhập hoặc vì thấy có lợi mà gia nhập nhưng số người vì lý tưởng gia nhập thì ít. Trong 1 vụ bầu cử, số phiếu bầu cho ông Diệm nhiều hơn số cử tri. Như thế là có người nhét thêm phiếu vào thùng. Ông Đoàn Thêm hỏi ông Nhu về việc này thì ông Nhu nói đó là cấp dưới vì muốn lấy lòng cấp trên nên làm thế. Các vụ gian lận gây ra sự bất mãn với các tổ chức khác và trong dân. Vì thế khi vụ đảo chánh năm 1960 xảy ra, vụ các trí thức phản đối ông Diệm thì người Mỹ cho là vì ông Diệm ăn gian nên gây ra sự chống đối, mất ổn định xã hội. Sự mâu thuẫn giữa Mỹ và ông Diệm sinh ra từ đó.

  2. Vũ Phong says:

    Bài viết hết sức chi tiết va cần thiết. Cám ơn chị Bùi Lan Hương.

  3. Minh Đức says:

    Đây là một bài viết rất rõ về các thủ đoạn gian lận bầu cử. Các bài báo của các nước Tây phương không nói rõ cụ thể là gian lận như thế nào. Một số bản tin thì nói là nạn nhét phiếu và các hành vi ăn gian, nhưng không mô tả kỹ như bài này.

    Nước Nga không thiếu các điều kỳ diệu. Thời Liên Xô thì báo cáo sản phẩm vòng quanh. Hợp tác đi mua hàng ở các cửa tiệm để nộp cho chính phủ rồi gộp các món hàng đó trong báo cáo để sản lượng của mình được cao. Một sản phẩm như thế không biết đi bao nhiêu vòng để hiện diện trong các bản báo cáo của nhiều hợp tác xã khác nhau. Ngày nay thì lại có trò bầu cử vòng quanh. Một người đi bỏ phiếu nhiều lần làm cho con số người đi bầu tăng lên một cách giả tạo, số phiếu bầu cho một đảng không còn chính xác nữa. Xem ra nhiều người Nga không xem trọng sự chính xác và trung thực. Dù không còn chế độ cộng sản nữa nhưng cái nạn báo cáo láo, dối trá, bề ngoài, hình thức vẫn còn tồn tại. Thiếu tính tôn trọng sự chính xác thì việc quản lý xã hội và kinh tế sẽ luộm thuộm .

Leave a Reply to Vũ Phong