Bà Lê Hiền Đức ‘sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng’
Đầu giờ chiều ngày 1 tháng 6, bà Lê Hiền Đức bị gây khó dễ khi đi cùng với TS Nguyễn Xuân Diện đến văn phòng thanh tra Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội vì blog của ông Diện đang bị cơ quan này điều tra.
Bà Lê Hiền Đức, một người nổi tiếng về chống tham nhũng, cho biết bà bị xô xát ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với Quỳnh Chi, bà khẳng định vẫn sẽ tiếp tục lên tiếng cho dân oan bất chấp những khó khăn đang xảy ra.
Trước tiên, bà cho biết tình hình sức khỏe sau sự cố tại văn phòng thanh tra Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội:
Sau trận vừa rồi thì tôi hơi mệt vì mất máu nhiều quá. Hiện tại chân tôi cũng được băng bó rồi nhưng cũng chưa bình phục hẳn, có thể là một tuần nữa.
Quỳnh Chi: Theo như tin cho biết thì chỉ có TS Nguyễn Xuân Diện được mời vì liên quan đến việc điều tra trang blog của ông ấy phải không?
Bà Lê Hiền Đức: Tinh thần của tôi ở đâu có vấn đề cần quan sát. Tôi cũng được lời mời từ TS Nguyễn Xuân Diện. Thêm nữa là bây giờ rất nhiều trường hợp một người khi đến đồn công an thì lúc vô khỏe mạnh nhưng khi ra lại tàn tật mà thậm chí là bị chết. Chính vì vậy mà hôm ấy ngoài TS Nguyễn Xuân Diện, còn có Luật sư Hà Huy Sơn và tôi đến. Nhưng họ đã không đồng ý cho chúng tôi vào. Họ nhất định cho bốn bảo vệ khiêng tôi ra. Trong lúc khiêng như thế thì tôi bị té xuống đất. Hành động này cho thấy họ đối xử với tôi không lịch sự.
Quỳnh Chi: Sự việc kết thúc như thế nào thưa cụ?
Bà Lê Hiền Đức: Đến 11 giờ đêm thì tôi vừa đói vừa mệt, trời lại tối, không còn cách nào để liên lạc với các cán bộ nữa. Sau 11 giờ đêm thì tôi thấy đau nhói và máu ở chân chảy ra rất nhiều. Đến gần 3 giờ sáng thì họ khiêng tôi đang ngồi trên ghế vào thang máy để đưa lên xe đi bệnh viện. Hơn 3 giờ sáng thì đến được bệnh viện nhưng không ai bàn giao tôi với bệnh viện cả. Tôi nghĩ sau này, khi bình phục lại thì tôi cũng sẽ nghiên cứu xem làm thế nào để có thể có ý kiến về việc này.
Quỳnh Chi: Với dấu hiệu như thế này, cụ có nghĩ trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều hoạt động đàn áp đối với những nhân vật hay những blogger có tầm ảnh hưởng lớn không?
Bà Lê Hiền Đức: Theo tôi là như thế. Vì bây giờ uy tín của tôi được nhiều người tin cậy cho nên họ muốn hạ uy tín tôi bằng cách gây rối như thế.
Quỳnh Chi: Thưa cụ, blog Nguyễn Xuân Diện vừa bị đóng chưa rõ lý do. Hiện tại cụ cũng đăng tải thông tin trên blog của mình, cụ có quan ngại là sắp tới blog của cụ cũng bị đóng không?
Bà Lê Hiền Đức: Cũng có thể lắm. Nhưng tôi sẵn sàng với tinh thần chuẩn bị. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng không phải chỉ có hai blogger mà là hàng ngàn hàng vạn blogger. Tôi chỉ muốn nói là lúc này là lúc cần có dư luận của công chúng. Tôi mong rằng với lương tri và trí tuệ của các bạn trong nước và trên thế giới lên tiếng để làm sao cho người ta thấy được lẽ phải. Chứ còn blog này sập sẽ có blog khác.
Không chùn bước
Quỳnh Chi: Là một người cống hiến cho đất nước gần trọn một đời người và hiện cũng đang tiếp tục chống tham nhũng. Cụ có suy nghĩ như thế nào đối với những vấn nạn của đất nước cũng như việc cụ bị đối xử như thế?
Bà Lê Hiền Đức: Gần cuộc đời tôi cống hiến cho đất nước nhưng bây giờ họ đối xử với tôi như thế. Có những vị cán bộ lão thành nhiều tuổi hơn tôi, hơn 90 tuổi, cũng cống hiến như tôi. Họ nói rằng với một con người như Lê Hiền Đức mà còn đối xử như thế thì không còn gì để nói ở xã hội này nữa. Rất nhiều người dân từ khắp đất nước đến thăm tôi. Có một bà ở Đak Nông nói rằng “người như cụ Lê Hiền Đức, nhân dân kính trọng, thế giới tôn vinh mà còn bị đối xử như thế thì những người nông dân nghèo hèn như chúng tôi thì họ coi ra cái gì? Muốn triệt hạ lúc nào cũng được”.
Quỳnh Chi: Thưa cụ, bây giờ dân lại không đến gõ cửa các cơ quan công quyền nhưng lại gõ cửa những người chống tham nhũng như cụ cũng như tìm đến các blogger uy tín. Việc này cho thấy điều gì?
Bà Lê Hiền Đức: Tôi thấy là chính quyền làm mất hết cơ quan nhà nước, mất lòng tin của nhân dân. Bao nhiêu đoàn người từ Tung ương không giải quyết được lại đẩy về tỉnh. Tỉnh không giải quyết lại chuyển về huyện rồi lại về xã. Nghĩa là đi vòng quanh. Quyền lợi của người nông dân cứ phải “đá lên đá xuống”.
Quỳnh Chi: Trước giờ cụ chưa bị sự cố xô xát như thế này. Bây giờ xảy ra chuyện này, cụ có cảm thấy dè dặt hơn? Và liệu cụ vẫn sẽ lên tiếng cho dân oan?
Bà Lê Hiền Đức: Tôi đã bị “khủng bố” nhiều rồi. Năm 2006, 2007 đã bị rất nhiều cuộc điện thoại gọi khủng bố. Thậm chí có những vòng hoa tang dựng trước cửa nhà đe dọa để không chống tham nhũng nữa. Năm ngoái, tôi lại bị đổ xăng đe dọa… nói chung họ dùng nhiều hình thức để đe dọa tôi. Tất nhiên tôi sẽ cảnh giác. Sau những lần này tôi thấy tôi càng dày dặn kinh nghiệm hơn. Nhưng không phải vì thế mà tôi chùn bước.
Tôi nói với bà con là tôi luôn là chính mình. Lê Hiền Đức lúc nào cũng đứng bên cạnh bà con để bảo vệ công lý, lẽ phải. Tóm lại là tôi sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Quỳnh Chi: Xin cám ơn cụ và chúc cụ có nhiều sức khỏe.
Nguồn: FRA
Trích trong bài: “Bà Lê Hiền Đức: Đến 11 giờ đêm thì tôi vừa đói vừa mệt, trời lại tối, không còn cách nào để liên lạc với các cán bộ nữa. Sau 11 giờ đêm thì tôi thấy đau nhói và máu ở chân chảy ra rất nhiều. Đến gần 3 giờ sáng thì họ khiêng tôi đang ngồi trên ghế vào thang máy để đưa lên xe đi bệnh viện.”.
Zậy sao không ai hỏi tại sao cụ bà Lê Hiền Đức bị chảy máu chân nhỉ? Không liên lạc được với cán bộ nữa… lại thấy đau nhói ở chân?! Ô hô thế cụ bị ma chém vào chân à? hay cụ bị ai cứa chân mà không biết? Chẳng thấy cụ kể có một ai ở gần, ma cũng chẳng có nữa bởi đến tận 3 giờ sáng người ta mới biết để khiêng cụ ra xe đi bệnh viện. Thế thì chắc chỉ một điều duy nhất như tục ngữ có câu “Cào… ăn vạ”!
Cụ đi đấu tranh cho dân oan thì đằng thẳng mà làm giữa ban ngày ban mặt chứ 11 giờ khua rồi ai người ta tiếp nữa mà cụ còn cố làm gì để đến nỗi chẳng biết tại sao chân lại nhói đau, mất nhiều máu quá. lỡ cụ có mệnh hệ nào thì còn đâu người để mà “đứng bên cạnh bà con để bảo vệ công lý, lẽ phải”, để mà “sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”.
Về mặt kinh nghiệm cụ bảo là đã “càng dày dặn kinh nghiệm hơn” vậy mà để đến nông nỗi này ư! Cụ ơi! Cụ đã tám mươi hai tuổi rồi! Thôi xin cụ đấy! lỡ hôm rồi chẳng ai biết mà đưa cụ đi khâu chân thì giờ thấy đâu?!!