Đầu tư hay đầu to?
I- Thay đổi xoành xoạch
Chỉ còn chưa đầy một tiếng nữa (1-8-2008) Hà Nội sẽ chính thức mở rộng, sẽ ôm trọn Hà Tây và huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc cùng 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung của tỉnh Hòa Bình…với diện tích 334.470 ha, dân số 6,2 triệu người, và 29 đơn vị hành chính quận, huyện Tính từ dấu mốc quan trọng: “Chín năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ nên trang sử …buồn” (1954) đến nay, “đảng ta” đã liên tục thay đổi chính sách “đầu to”, mở rộng Hà Nội trên cơ sở đầy ngẫu hứng và bất cập, bất chấp tính khả thi của nó. Đầu tiên, khi “đảng ta” tiến vào, thủ đô Hà Nội chỉ có diện tích 152 km2, gồm bốn quận nội thành: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà (Trưng), với 36 dãy phố, mà bất kỳ ai là người dân Việt Nam, dù đi xa bao lâu cũng biết, cũng nhớ, đó là các phố: Hàng Mành, Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Chuối, Hàng Lọng, Hàng Thùng, Hàng Gà, Hàng Chĩnh, Hàng Hòm, Hàng Giày, Hàng Cót, Hàng Mã, Hàng Buồm, Hàng Bún, v.v gồm 37 vạn cư dân thành phố và bốn huyện ngoại thành: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm, chia thành 45 xã, mỗi xã trung bình chưa đầy 4000 dân, tổng cộng cả 37 vạn người nội thành khi ấy và 16 vạn bà con nông dân thuộc khu vực ngoại thành thì Hà Nội mới có khoảng 0,53 triệu người, bằng 1/10 số dân bây giờ.
Để xứng đáng là …đầu to (thủ đô) của đất nước, tại kỳ họp khóa II, kỳ 2 (tháng 4 năm 1961) khi câu thơ của văn nô Tố Hữu vút lên: Chào 61 đỉnh cao muôn trượng, Quốc hội nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (gân cổ …gọi gà) đã quyết định mở rộng Hà Nội lần thứ nhất với diện tích gấp 4 lần hiện có. Từ 152 km2 lên 584 km2, và dĩ nhiên, đầu đã to, thì sức chứa cũng phải lớn, 53 vạn cư dân Hà Nội được vinh dự nhập thêm gần 40 vạn cư dân các vùng, miền lân cận khác thành 91 vạn người.
Khi chiến tranh tại miền Nam Việt Nam trở nên ác liệt, Đế quốc Mỹ, quyết định “khai hoá văn minh”cho xứ xở mù loà của Bắc Việt bằng cách dùng bom đạn để đối thoại. Việc phát triển không gian chỉ được các nhà lãnh đạo, quản lý “chú trọng”, “bảo đảm”, “bảo vệ” …trên những khẩu hiệu, theo đúng lời dạy của cha già dân tộc: Dù “Việt Nam có biến ra tro, nhân dân có uống nước no sông Hồng, cũng phải đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, đánh đến người lính cuối cùng” nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”
Ngày 30 – 4- 1975, cuộc “khai hoá” không thành, sự đối thoại ngu xuẩn giữa hai nhà nước Việt – Mỹ chấm dứt, đất nước từ địa vị thống nhất hai miền thành…thống khổ cả ba miền Trung, Nam Bắc. Để Hà Nội có diện mạo mới, “xứng đáng” với lời chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong di chúc: “Còn non, còn nước còn người, thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười lần xưa”. Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ 4 (tháng 12 năm 1978) đã quyết định mở rộng Hà Nội lần thứ hai với diện tích đất tự nhiên lên gấp 4 lần (từ 584 km2 thành 2136 km2, dân số gấp …3 lần (từ 0,91 triệu của cả hai khu vực nội, ngoại thành năm 1954 thành 2,5 triệu người năm 1978, chia ra thành bốn quận nội thành và 11 huyện ngoại thành (trong đó có một thị xã).
Hà Nội lúc này đã thực sử trở thành… đầu to, theo như tên gọi của nó, vừa là “trung tâm đầu não” về chính trị, vừa văn hóa, khoa học – kỹ thuật, đồng thời còn là “trung tâm lớn” về kinh tế và giao dịch quốc tế v.v. Nền kinh tế quan liêu bao cấp không thể nào bao trùm, kiểm soát nổi sự phát triển tất yếu của người dân cũng như xu thế chung của thời đại, mà ngược lại còn kìm hãm Hà Nội cũng như cả nước trong vòng váy quan liêu bao cấp. Cả nước húp chung một niêu cháo loãng, 60 triệu người cùng lặn ngụp trong những ô tem phiếu. Cái được gọi là “công nghiệp hoá, hiện đại hoá” của Hà Nội khi ấy chỉ là: Lộn cổ, tích kê quần áo, bơm mực bút bi, làm bánh quy gai, xay bột trẻ em v.v. Có thể nói chưa khi nào “trung tâm đầu não của đất nước” lại xuất hiện nhiều chuyện tiếu lâm đến thế, mọi chuyện cung đình vừa thật, vừa giả tràn ngập các quán nước, vỉa hè, bến ô tô, công xưởng, xí nghiệp v.v . Không ra được báo viết, thì người dân làm báo miệng, để đáp trả sự báo hại hàng ngày của cái gọi là cơ quan công quyền, hành dân là chính. Hành cả về ăn mặc, văn hoá, tư tưởng, giao tiếp… Cứ tưởng khẩu cứ vô bằng, sẽ vô hại mà hại vô kể. Vì trước sau, sớm muộn những chuyện cười trong triều đình xã hội chủ nghĩa cũng sẽ biến thành dư luận, găm sâu vào đầu óc mỗi người dân, theo kiểu “Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”. Chính vì không bắt giam hay bóp nghẹt được dư luận mà những dư luận hỗn tạp, vô bằng chứng cứ lan rộng mãi ra, bao trùm hết thảy mọi việc, mọi người, trở thành mặt bằng mới để đặt ra các tiêu chuẩn sống cho một thời của người Hà Nội:
Một yêu anh có may ô,
Hai yêu anh có cá khô ăn dần…
Cuộc sống của 2,5 triệu người dân càng ngày càng bị dồn vào đũng hẹp bẩn thỉu, chật chội của chiếc váy quan liêu bao cấp, khiến người người kêu la, nhà nhà than vãn, bao nhiêu khu đô thị mới xây như Xuân Hoà (Vĩnh Phú) Xuân Mai (Hà Tây) bị bỏ hoang, tốn kém cả nghìn tỷ đồng, làm cho Hà Nội đã đói, rách lại càng đói rách hơn. Chính vì thế, những cái đầu ù lì, khoác calavat, diện comple trong bộ chính trị phải xoa dịu lòng dân, giữ chế độ, bằng cách “mở cửa, mở hướng, mở luồng” dư luận để chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung (còn gọi là quan liêu bao cấp) sang kinh tế thị trường, giúp đất nước ra khỏi vũng lầy của sự đói nghèo, chết chóc:” Bắt cởi trần phải cởi trần, cho may ô mới được phần may ô”
Tháng 8/1991, sau 13 năm “mở rộng” Hà Nội thành…làng to, tỉnh mới, huyện dài, chỉ có tiếng mà không có miếng, chỉ phát về bề rộng mà không được đầu tư về bề sâu, nên tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII, ranh giới Thủ đô Hà Nội lại một lần nữa được thay đổi, theo hướng ngược lại , tuy vẫn là thủ đô song không còn là đầu to nữa mà co lại thành… đầu nhỏ hơn cũ 3 lần. Cụ thể, từ 2.136 km2 diện tích đất tự nhiên, qua điều chỉnh còn 924 km2, giữ nguyên bốn quận nội thành( vẻn vẹn chưa đầy 40 km2) và bỏ rơi 6 huyện ngoại thành (từ 11 huyện của tháng 12 năm 1978 còn 5 huyện vào tháng 8/1991)
Đầu thiên niên kỷ thứ 3 (kể từ năm 2000), để hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng Long, Hà Nội lại chìm trong hội thảo, quy hoạch, thảo thì ít mà tụ hội ăn uống, hưởng cơn mưa phong bì (móc từ thuế đóng góp của 3 triệu cư dân Hà Nội) thì nhiều…Cuối cùng ngày 29-9-2003, lãnh đạo Hà Nội cũng đưa ra quyết định: Hà Nội trong tương lai sẽ rộng gấp…15 lần hiện tại. Bao gồm Hà Nội và 7 tỉnh lân cận: Hà Tây, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hà Nam, với tổng diện tích đất tự nhiên là 13,37 ngàn km2, dân số 12 triệu người, trong đó riêng dân cư đô thị là 2,76 triệu.
Hệ thống quy hoạch của Hà Nội bao gồm 87 đô thị, trong đó có hai thành phố lớn là Hà Nội và Hải Dương, 8 thị xã là Hà Đông, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Phủ Lý, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Hoà Bình, cùng 77 thị trấn xa gần lớn nhỏ khác…
Đang yên đang lành, từ cấp tỉnh, thành phố, bị giáng xuống thành cấp huyện, thị xã, để nhập vào Hà Nội, để Hà Nội mỗi ngày một “đàng hoàng, to đẹp hơn”, xứng với thành phố của 100 triệu dân, đúng như lời cha già dân tộc dặn.
Theo dự án đã được phê duyệt của viện quy hoạch và phát triển đô thị, Hà Nội trong tương lai sẽ bao gồm cả một hệ thống di tích lịch sử dày đặc như Đền Đô, Chùa Bút Tháp, chùa Dâu keo ( Bắc Ninh), Chùa Hương, chùa Tây Phương, chùa Trăm Gian (Hà Tây), không kể mật độ làng nghề truyền thống cao nhất nước, chất lượng nguồn nhân lực cũng phải :”kỳ phùng địch thủ “. Cụ thể có 63 trường đại học quốc gia và hàng trăm nghìn kỹ sư, bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ… Bao nhiêu tinh hoa, anh tài của đất nước phải dồn tụ về thủ đô, tạo cho thủ đô một lợi thế quan trọng mà không tỉnh nào ( kể cả Hòn Ngọc Viễn đông do chế độ cũ để lại) có được
Cũng vì tụ hội, quần thảo Hà Nội trên cơ sở của cả tấn phong bì, mà tiền đầu tư cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng cứ ít dần đi. Theo báo cáo của Viện Quy hoạch, chỉ riêng trong 5 năm của kế hoạch thực hiện đô thị hoá đợt đầu (1998- 2003) phấn đấu diện tích mỗi đầu người trung bình từ 5 đến 10 m2, Hà Nội đã phải đầu tư cho việc xây dựng các khu đô thị mới là 120 tỉ USD, tương đương với 1,9 triệu tỉ đồng Việt Nam. Nếu so với tổng thu ngân sách năm 2003 là 19.300 tỉ đồng, thì số tiền đầu tư đã sấp sỉ 100 lần. Điều này đồng nghĩa với việc người dân Hà Nội phải nhịn ăn, nhịn mặc trong suốt 100 năm mới có thể xây dựng nổi. Thật là sự…không tưởng.
Chính vì thế , trong 5 năm của kế hoạch thực hiện đô thị hoá đợt hai (2003- 2008) phấn đấu mỗi năm phát triển một triệu m2 nhà ở cho con dân Hà Nội, cả 300 khu đô thị trở thành quy hoạch treo, 115 dự án phát triển nhà ở đã được triển khai trên toàn địa bàn thành phố thì cái này thiếu điện, cái kia thiếu nước, chưa kể hệ thống nhà trẻ, trường học, bệnh viện, nhà văn hoá, sân thi đấu của cả 115 dự án đều thiếu, trong khi người dân vì thiếu nhà ở, vì trong diện tái định cư, buộc phải dọn đến ở mà vẫn không thể nào yên tâm khi dự án đã đưa vào sử dụng cả năm trời, mà thiêú vẫn hoàn thiếu, đợi cứ việc đợi, người dân tha hồ ôm nhau mà khóc, ôm nhau mà sợ, ôm nhau mà…gào
Chỉ vì não trạng của lãnh đạo thành phố có vấn đề (đang từ lờ đờ thành tăng tốc, bốc hoả, chóng mặt) mà cả thành phố quay cuồng, chao đảo theo. Bao nhiêu kế hoạch bị đảo lộn, bao nhiêu đồng tiền bị rơi vãi, con người vật lực bị tiêu tán trong các cuộc hội thảo, chờ đợi, tách ra, nhập vào, nên thay vì mở rộng Hà Nội gấp 15 lần so với đề án đã chính thức dược bộ chính trị phê duyệt, lãnh đạo Hà Nội chỉ ” rón tay làm phúc” mở thêm 5 quận nội thành( ngoài 4 quận cũ ) là Long Biên, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Nhàn. Diện tích đất tự nhiên tăng gấp 4,5 lần( từ 40 km2 thành 178 km2) còn giữ nguyên các huyện nội thành là Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Từ Liêm, Sóc Sơn… với diện tích đất của cả hai khu vực nội, ngoại thành là 924 km2 ( không hề thay đổi so với thời điểm tháng 8 năm 1991)
Tưởng thế là tạm yên, sau phút bốc hoả, cơ quan tiền đình của các vị thần kinh trung ương đã hạ nhiệt, tất cả yên tâm xây dựng Hà Nội theo hướng đổi mới, tích cực và hội nhập, không ngờ chiều 29/5/ 2008, trong phiên họp Quốc hội, 92% trong tổng số các “nghị gật” đã thông qua đề án mở rộng Hà Nội gấp 3,6 lần hiện tại (thay vì gấp 15 lần so với đề án trình hội thảo và được quốc hội phê duyệt năm 2003) Thủ đô mới sẽ có diện tích hơn 334.470 ha thay vì 13,37 nghìn km2 trước đây, thủ đô mới sẽ gồm thành phố Hà Nội, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) chứ không phải thành phố Hải Dương và 8 thị xã là Hà Đông, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Phủ Lý, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Hoà Bình, cùng 77 thị trấn xa gần lớn nhỏ như cũ. Dân số vì thế cũng giảm xuống gần một nửa ( hơn 6,2 triệu người), chỉ gồm 29 đơn vị hành chính quận huyện, chứ không phải 87 đơn vị như trước. Tất cả tựa vào dãy núi Ba Vì và hướng ra sông Hồng, tạo được thế rồng cuộn hổ ngồi, hướng nhìn sông dựa núi(!) theo đúng như những gì ngài thủ tướng nguyễn… tán dóc nói trong chiếu…mở rộng thủ đô, trong phiên họp, trước toàn thể quốc dân đồng bào.
Sau khi mở rộng, Hà Nội sẽ nằm trong top 17 thành phố, thủ đô lớn của thế giới, với mật độ dân số khoảng 3.500-4.000 người trên mỗi km2 , tương đương với các thủ đô như Paris (Pháp), London (Anh), Berlin (Đức), Tokyo (Nhật Bản), Bắc Kinh (Trung Quốc)…
Quả là ngoạn mục, quả là rồng bay, hổ múa chứ không chỉ đơn thuần là rồng cuộn, hổ ngồi, vì chỉ trong chớp mắt (chưa đầy một tiếng nữa) Hà Nội đã sánh vai với các cường quốc năm châu thật sự. Không phải như thằng lùn với người khổng lồ, cũng không phải dụi mắt, kiễng chân, nghển cổ cả trăm năm không tới nữa mà vươn vai thành …Phù Đổng Thiên Vương, sánh ngang, sánh bằng, bá vai, bá cổ như thể phép màu luôn.