Nhân cách Nguyễn Đức Quang
(Bài viết nhân kỷ niệm 100 ngày mất của Nguyễn Đức Quang)
Nguyễn Đức Quang, con chim đầu đàn của Phong trào Du ca Việt nam đã vĩnh viễn ra đi, để lại bao nhiêu thương tiếc cho gia đình cũng như cho rất nhiều bạn hữu ở khắp nơi. Trong dịp tiễn đưa Quang tại miền Nam California vào hồi cuối tháng Ba năm 2011, thân nhân trong gia đình cũng như bằng hữu đã nêu ra rất nhiều kỷ niệm thân thương trìu mến đối với người nhạc sĩ trong mấy chục năm anh sinh sống ở Việt nam cũng như trên đất Mỹ.
Rõ ràng là Nguyễn Đức Quang đã để lại cho thế hệ thanh thiếu niên tại miền Nam Việt nam một sự nghiệp lớn lao về lọai nhạc sinh họat của giới trẻ, kể từ giữa thập niên 1960 và cho cả đến bây giờ vào đầu thế kỷ XXI, ở hải ngọai cũng như ở Việt nam nữa. Anh vừa sáng tác không biết mệt mỏi được đến mấy trăm bài ca được các bạn trẻ yêu thích, lại vừa đích thân gõ đàn và say sưa hát khiến lôi cuốn tòan thể cử tọa cùng hát theo đồng thời còn vỗ tay đánh nhịp, làm cho các buổi sinh họat tập thể càng thêm sinh động, hồn nhiên náo nhiệt. Với vóc dáng người cao dong dỏng, khuôn mặt thanh thóat dưới mái tóc hớt ngắn và đặc biệt là đôi mắt hiền dịu, Quang đã thu hút được thiện cảm của số đông khán thính giả mà cũng đồng thời lại là những “cộng tác viên thân tình” của anh trong phong trào sinh họat của giới thanh thiếu niên Việt nam ở khắp mọi miền của đất nước.
Quả thật người nhạc sĩ du ca này đã truyền được cái ngọn lửa say mê nhiệt thành với lý tưởng phục vụ nhân quần xã hội vào nơi tâm hồn của lớp người trẻ thuộc mấy thế hệ vào cuối thế kỷ XX. Điều này đã được rất nhiều nhân chứng đáng tin cậy xác nhận rồi, nên ta khỏi cần phải dài dòng bàn thảo ở đây nữa.
Nay nhân dịp kỷ niệm 100 ngày người huynh trưởng du ca từ bỏ cõi đời, tôi muốn được ghi lại ít dòng về cái nhân cách cao quý của Nguyễn Đức Quang là người tôi có duyên được gần gũi quen biết thâm tình từ trên 46 năm nay.
Xuất thân từ một gia đình với thân phụ là một nhà giáo, nên ngay từ tấm bé Quang đã được đào tạo hướng dẫn theo đúng lề lối chân truyền về gia phong gia đạo. Rồi vào tuổi niên thiếu, Quang lại sinh họat mật thiết trong hàng ngũ Hướng Đạo với tinh thần đồng đội gắn bó thân thương và với lý tưởng hướng thượng, luôn tìm cách làm điều thiện qua những việc làm cụ thể nhằm giúp ích cho xã hội nơi mình sinh sống. Lớn lên vào lúc theo học bậc cao đẳng tại phân khoa chính trị kinh doanh, thì chàng sinh viên đại học này từ vùng cao nguyên Đà lạt đã dấn thân nhập cuộc hết mình với công tác xã hội của các bạn trẻ cùng lứa tuổi ở khắp nước, mà cao điểm là trong khuôn khổ của Chương trình Công tác Hè năm 1965.
Và rồi kể từ năm 1966 – 67, Quang đã cùng với các bạn khởi xướng thành lập ra Phong trào Du ca với phạm vi sinh họat phổ biến tại khắp các địa phương của miền Nam Việt nam. Và Nguyễn Đức Quang với trách nhiệm làm “Trưởng Xưởng” của Phong trào đã là một nhạc sĩ nòng cốt vừa sáng tác các ca khúc, vừa đi khắp nơi để tổ chức các khóa huấn luyện đào tạo các “du ca viên” thông qua nhiều trại công tác tại hạ tầng cơ sở ở miền quê cũng như ở các thành phố. Tài năng của anh đã nở rộ chín mùi ngay từ cuối thập niên 1960, khi anh vừa mới bước vào lứa tuổi 25 -26.
Mà cả nhân cách cùa anh cũng được biểu lộ thật sung mãn trong giai đọan Quang say sưa miệt mài với bao nhiêu công việc tác động giới thanh thiếu niên dấn thân phục vụ các tầng lớp đồng bào thiếu may mắn nhất, cụ thể như các nạn nhân chiến cuộc ở vùng giới tuyến, hoặc những bà con tại các khu ổ chuột ở Saigon hồi sau Tết Mậu Thân 1968. Cái nhân cách rạng rỡ sáng ngời của người nghệ sĩ đã hy sinh suốt cuộc đời trai trẻ của mình để sáng tác ra được những bài ca bất hủ dành riêng cho thế hệ thanh thiếu niên như vậy, thì đó quả thật là một sản phẩm tuyệt vời của nền giáo dục truyền thống trong nội bộ các gia đình Việt nam, và của cả Phong trào Hướng đạo, cũng như của Phong trào sinh họat của tập thể giới thanh niên sinh viên và học sinh rất sinh động sôi nổi tại miền Nam chúng ta thời kỳ trước năm 1975 nữa.
Và lớp thanh niên lớn lên và trưởng thành dưới chế độ tự do dân chủ ở miền Nam đều có quyền tự hào rằng trong hàng ngũ của mình đã xuất hiện được những nhân cách đáng quý đáng trọng điển hình như Nguyễn Đức Quang, Trầm Tử Thiêng, Ngô Mạnh Thu, Trần Đình Quân, như Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu, Phạm Thị Thân, Trần Đại Lộc, Nguyễn Ngọc Thạch v.v…
Tất cả những nhân vật này đều đã lìa xa chúng ta, nhưng họ vẫn để lại cho đời mỗi người mỗi vẻ một viên ngọc quý báu của tài năng, của nết na đức hạnh và nhất là của cái nhân cách trong sáng lương hảo. Họ đều không hề giữ một địa vị lãnh đạo nào trong guồng máy của chính quyền nhà nước. Nhưng do sự hy sinh tự nguyện phục vụ xã hội của mình, họ đều là những tiêu biểu thật đáng ca ngợi của khu vực Xã hội Dân sự tại miền Nam, ngay giữa thời kỳ chiến tranh khói lửa tang thương đẫm máu nhất của đất nước.
Và lúc này, trong cõi Vĩnh Hằng, thì Nguyễn Đức Quang đã gặp lại vô vàn vô số những bằng hữu thân thương yêu quý đó nữa.
Xin cầu chúc tất cả các bạn mãi mãi bình yên. R.I.P./
Costa Mesa, Thượng tuần tháng Bảy, năm 2011
© Đòan Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt
Tôi có 1 thắc mắc nhưng giờ đây nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã trở thành người thiên cổ. Tại sao nhạc sĩ lại theo bà Quỳnh Kiều về VN để tổ chức ca hát trong thanh niên. CS nào có thể cho phép người Việt hải ngoại không cùng chiến tuyến của họ cho tụ tập thanh niên để hát du ca?
Tôi hân hạnh được quen biết Nguyển đức Quang vào cuối những năm 50,đầu 60 ở Đà Lat, khi anh bắt đầu sáng tác nhạc,mà có lần anh nói với tôi là có bài nhạc anh làm xong rồi,nếu tôi giúp đặt lời thì hay quá!Sau đấy tôi đi du học,nhưng vẫn theo dõi từ xa, Phong trào Du Ca của anh,và không ngờ những bài hát anh sáng tác từ 40,hay 50 năm về trước,mà vẫn còn xát với tình trạng đất nước,và con người bây giờ:
“Xin nhận nơi này làm Quê Hương,dẫu cho khó thương
Xin nhận nơi này làm Quê Hương,dẫu chưa thanh bình”
Cũng xin cầu chúc hương hồn anh Thanh bình, và thanh thản như thời niên thiếu ở Đà Lạt.