WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nhất Linh nhà văn và Nguyễn Tường Tam nhà chính trị[1]

 

Nhất Linh

“Trong trường hợp Nhất Linh Nguyễn Trường Tam, có những lý do để e ngại rằng vẫn còn những khoảnh tranh tối, tranh sáng xung quanh cái chết của ông. Những công trình nghiên cứu, ghi chép về thân thế và sự nghiệp chưa đủ để cho lịch sử có thể phán xét thật công bằng công tội của ông, như ông muốn” (1)

(1) Trích Trần Thanh Hiệp trong bài: Để trả Nhất Linh Nguyễn Tường Tam về cho lịch sử, trích lại trong Nhất Linh- Người nghệ sĩ Người chiến sĩ, trang 128

 

Đối với một số người có quan tâm đến văn học và chính trị thì cuộc đời làm chính trị và nhất là vụ tự tử để lại chúc thư của Nhất Linh còn là một nghi án chính trị như nhận định của luật sư Trần Thanh Hiệp,-một thành viên viên sáng lập của nhóm Sáng tạo-nêu ở đầu bài viết này.

Cuộc đời ấy, cái chết ấy trở thành một công án về văn học, chính trị và lịch sử. Sự nghiên cứu, tìm hiểu ngay cả nhận định, phê phán đều là cần thiết.

Như mới đây, tôi nhận được luận án tiến sĩ của bác sĩ Mạc Văn Phước (1) được tóm lược và bổ sung của bác sĩ Đặng Ngọc Thuận. Phần bốn của luận án đã nói đến trường hợp bệnh lý của Nhất Linh- bệnh trầm cảm- Luận án này được thực hiện từ năm 1968, mang tính cách nghiên cứu hàn lâm của đại học Y khoa Sài Gòn. Luận án mang tính khách quan, khoa học. Nhờ đó, nó củng cố thêm cho những luận điểm của tôi về công án cái chết của NL. Nó giúp đánh giá lại có cơ sở việc tự tử của NL. Nó soi sáng ý nghĩa cái chết đó dựa trên tình trạng bệnh lý của NL.

(1)|Thật ra luận án đã được đăng trong số Tân Văn số 47, tháng 6/2011.

Những tài liệu sách vở viết về Nhất Linh sau 1963 không có là bao nhiêu. Những sách giáo khoa có tính cách trường ốc như của các giáo sư Lê Hữu Mục, Nguyễn Duy Diễn, Nguyễn Sỹ Tế vv.. không cho phép đào sâu, đi xa vào phạm vi nghiên cứu.

Trừ hai cuốn sách của giáo sư Phạm Thế Ngũ, giáo sư trường Pétrus Ký. Cuốn Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên, đặc biệt tập 3 liên quan đến TLVĐ- Đây là một trong những cuốn biên khảo văn học có giá trị nhất của của miền Nam trước 1975. Ngoài ra, sau 1975, giáo sư Phạm Thế Ngũ còn viết cuốn: Tự Lực Văn Đoàn trong tiến trình văn học dân tộc in sau 1975. Những nhận định của giáo sư Phạm Thế Ngũ, xét về mặt văn học là đáng tin cậy.

Những cuốn sách của người trong gia đình như của bà Nguyễn Thị Thế, Nguyễn Tường Bách, Nguyễn Tường Thiết giúp biết được một số sự kiện có tính cách riêng tư của NL, nhưng không đủ. Ngoài ra cuốn được nhiều người nhắc nhở đến là cuốn: Chân Dung Nhất Linh của Nhật Thịnh. Tài liệu ít người được biết đến là cuốn sách của Thế Phong: Lược sử văn nghệ VN- Nhà Văn tiền chiến 19030-1945. Cuốn sách viết tản mạn, thiếu tập trung và ít nét đặc sắc. Tôi đặc biệt lưu ý đến cuốn sách của Thế Uyên: Những người đã qua, Hồi ký văn học về Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo (Văn Uyển xuất bản, 1968). Thế Uyên cũng viết một cuốn Chân dung Nhất Linh cùng với Nguyễn Mạnh Côn và một số người khá mà tôi xử dụng trong bài viết này. Sau này tập Những người đã qua được in lại trong Thế Kỷ 21, Cali 2004 và 2005 và Đất Đứng, Sacramento, Ca.

Về phía chính quyền trong nước hiện nay thì có Khúc Hà Linh với cuốn: Anh em Nguyễn Tường Tam- Nhất Linh- Ánh sáng và bóng tối. Tôi không được đọc.

Đặc biệt ở Hải ngoại, có một vài bài viết của Thụy Khuê viết về Thạch Lam và Nhất Linh. Những cố gắng của Thụy Khuê trong việc sưu tầm và nhận định là không chối cãi được. Phần lớn, tôi đồng ý với tác giả TK. Nhưng riêng phần phê bình cuốn truyện Bướm Trắng và truyện dài Giòng Sông Thanh Thủy cho thấy nhiều gượng ép.

Một nhà văn không kém quan trọng và cũng là người viết trong Tổng Quan Văn học- Võ Phiến- Ông đã dành một số trang”ưu đãi” không nhỏ để viết về Nhất Linh một cách khá sắc bén ..

Tờ Thế kỷ 21 ở Hải ngoại cũng làm một cố gắng được nhìn nhận như một công việc đáng hãnh diện cho cá nhân của anh PPM với cuốn: Nhất Linh, Người Nghệ sĩ- Người chiến sĩ của nhiều tác giả.

Cuốn sách đã hẳn thỏa mãn được nhiều người vốn yêu mến NL.

Nhưng nó lại không đáp ứng được lòng ham muốn tìm hiểu một số vấn đề cơ bản liên quan đến lịch sử văn học của Nhất Linh và TLVĐ mà những người như tôi mong đợi- Nói chung là những người không bằng lòng những thỏa hiệp dễ dãi chỉ chú trọng tới mặt tích cực, nhưng tránh đề cập đến mặt tiêu cực.

Trong cuốn sách ấy với thiện chí cá nhân sưu tầm phải nhận là có, nhưng vẫn còn những mặt thiếu sót sau đây mà người đọc mong mỏi được tiếp tục khai triển trong tương lai như:

- Cuốn sách không nói tới giai đoạn làm báo chí của tờ Phong Hóa và Ngày Nay. Nhất là những vấn đề tranh luận, dèm pha, bè phái, bôi nhọ các nhà văn ngoài nhóm. Giới trẻ hậu sinh sau nay không có cơ hội biết đến giai đoạn này. Ngay cả những thành phần học sinh các lớp đệ nhị thập niên 1960 nay trở thành lão ông lào bà nhiều người cũng không biết.

Đó là một thiệt thòi cần được nhìn lại và tăng bổ.

Học sinh miền Bắc giai đoạn 1954-1975 thì nhiều người không biết ngay cả cái tên Nhất Linh là ai nói chi đến những việc khác.

Việc cố ý thiếu sót đó trước sau gì cũng phải được trình bầy một cách công khai và công bằng. Việc trào phúng chế diễu này lại chính là cái làm nên danh tiếngTLVĐ, nhờ đó báo bán chạy nhất. Nhưng cũng trở thành một thứ scandal trong văn học mà sau này thiên hạ tránh nhắc tới. Tôi cũng không nhận thấy một “nhìn lại nào” của Nhất Linh trong vấn đề này. Ở đây, sự im lặng của NL và một số người cầm bút phải được diễn dịch đó là mặt tiêu cực của việc làm báo của NL. Ông có tự phê bình về các sách luận đề. Nhưng ông im lặng về mảng báo chí. Phần Thanh Lãng” hóa giải” ” gọi bằng một danh từ khá đẹp là 13 năm tranh luận văn học.

- Cuốn sách cũng không xác định vai trò và chỗ đứng của các nhà văn trong nhóm TLVĐ. Như giữa Thạch Lam, Khái Hưng và Nhất Linh, ai là nhà văn có uy tín, có giá trị văn học mà không kể đến thời tính nhất thời được ưa chuộng bởi xã hội. Nhìn lại cho đúng sẽ có vấn đề đảo lộn sắp xếp vị trí của ba nhà văn ấy. Chỉ nhắc nhở đến Nhất Linh đã là một điều thiếu công bằng đối với Khái Hưng và Thạch Lam. Đồng thời còn cần phải so sánh với các nhà văn tiền chiến cùng thời, định ra được chỗ mạnh, chỗ yếu, chỗ hơn, chỗ kém của từng người, của mỗi bên. Về mặt khuynh hướng hiện thực xã hội, khuynh hướng của các nhà văn ngoài nhóm như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng cho thấy ngày nay giá trị nhân văn và xã hội của các nhà văn ấy được đánh giá cao như thế nào. Phải nhìn ra những “bất công” trong văn học để định vị cho công bằng.

- Cuốn sách cũng không định ra được được các mốc văn học với sự khác biệt và tiến bộ của chữ Quốc ngữ đi từ các giai đoạn Nam Phong-Phạm Quỳnh đến giai đoạn Nhất Linh-TLVĐ và giai đoạn sau 1954 với Sáng Tạo, Bách khoa, Đại Học, Quê Hương và mảng văn học miền Nam bản địa với Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên vv.

Đây là một vấn đề quan trọng nhất mà bất cứ nhà phê bình văn học nào muốn đánh giá đúng mức TLVĐ đều cần đề cập tới. Không xác định đúng mức vai trò của Nam Phong. Không định vị được những bước đi văn học có tính khai phá và giới thiệu kiến thức, tư tưởng thế giới của NP. Không đánh giá đúng mức vai trò Nam Phong- Phạm Quỳnh như người mở đường cho sự lớn mạnh của chữ quốc ngữ. Không nhận chân được vai trò truyền đạt và phổ biến nhận thức trong một thời điểm nhất định- thì khó nói đến những bước tiến thay đổi thời TLVĐ. Chưa kể là chen vào giữa Nam Phong- Phạm Quỳnh và TLVĐ còn có những khuôn mặt lớn, độc lập trong văn học không theo một nhóm nào như Phan Khôi, Trương Tửu vv

- Về hoạt động chính trị của NTT thì cuốn sách càng tỏ ra thiếu sót hơn nữa. Những người như Trương Bảo Sơn chỉ có tầm nhìn giới hạn vào một vài hoạt cảnh chống đối rồi đi tù sau này ở miền Nam VN. Hầu như không biết gì đến sinh hoạt quan trọng nhất của đảng ở miền Bắc trước 1954. Phần này, chúng tôi xin được trình bày ở phần hai. Nhất Linh- Người chiến sĩ-,

- Việc ông NTT sau khi vụ đảo chánh 1960 thất bại, ông là lãnh tụ duy nhất một mình tìm đường thoát thân, lánh nạn vào tòa Đại sứ Trung Hoa Dân Quốc. Việc này đã gây rắc rối ngoại giao cho tòa đại sứ này. Và cũng là nguyên nhân NL không bị bắt giam , ngồi tù chờ toà xử như các vị liên can khác. Chẳng những cuốn sách kể trên mà còn phần đông những cuốn sách khác viết về NL không đá động đến việc này vì nó có thể làm mất uy tín lãnh tụ.

- Và nói làm chi đến những nghi vấn đặt ra trong lãnh vực y khoa và chính trị liên quan đến việc tự tử. Việc này đáng nhẽ nên mạnh dạn đề cập đến. Cần phải nêu ra tài liệu chứng cớ y học có sẵn, tài liệu pháp lý và nhất là bằng nhiều nhân chứng để nhận định công bằng với NL và với lịch sử. Ba thứ tài liệu đó cộng lại cho phép người ta có thể đi đến kết luận NL ở trong một trạng thái tinh thần trầm cảm nên mọi hành động của ông đều không thể được coi là của một người bình thường.

- Về những người cộng tác viết cuốn sách, tôi cũng thấy thiếu vắng một cách có ý nghĩa của hai nhà văn, đồng thời là cháu ruột của Nhất Linh. Đó là Duy Lam và Thế Uyên. Tôi có liên lạc với cả hai. Những nhận xét của Thế Uyên khá trung thực và thẳng thắn cần phải được nêu ra. Riêng Duy Lam thì theo tính hay nói thật, nói thẳng của anh giúp tôi biết được nhiều sự việc. Anh cũng là người chia sẻ cho nhan đề bài viết của tôi. Một chúc thư văn học- Một cái chết định trước.

Có thể Duy Lam và Thế Uyên là những người duy nhất vừa là người gần gũi NL- trong quan hệ bác- cháu- vừa là người cộng tác trong VHNN với tư cách người trong cuộc, vừa là đồng chí trong hoạt động chính trị. Nhưng nhiều lúc, tôi có cảm tưởng Duy Lam lại giữ được cái tư thế khách quan như thể người ngoài cuộc đứng ngoài nhìn vào.

Chẳng hạn, cách đánh giá nhà văn NL “tiền chiến” và “hậu chiến”. Vì thế, tôi nghĩ rằng những nhận xét của các anh về ông Bác của mình thật là quý giá.

Riêng về cái chết của ông NL, đối với người viết bài này thì không thể đơn giản chỉ căn cứ trên cái chúc thư 71 chữ của ông, giấy trắng mực đen là xong, không cần bàn cãi nữa. Mặc dù chúc thư mang tính cách ” thiêng liêng” thế nào đi nữa của một người quyết định quyên sinh. Nhưng trong chúc thư, rõ ràng ông mong muốn để lịch sử xử! Lịch sử là ai? Nếu không phải là chúng ta bây giờ sau nửa thế kỷ?

Trong lịch sử, thật hiếm có hai cái chết như trường hợp HT Quảng Đức và NL trong một mục tiêu vừa tôn giáo, vừa chính trị. Cái chết cao trọng của nhà tu hành có gửi chung một sứ điệp của nhà chính trị không? Cái chết của nhà tu hành là tối thượng, tối ưu, đầy lòng nhân ái, một chọn lựa không có chọn lựa khác.

Nhưng một nhà chính trị chọn lựa tự tử phải chăng vì không còn chọn lựa nào khác? Nhà chính trị có thể tranh đấu bằng nhiều cách: bằng ngòi bút- bằng tham gia đảng phái- bằng mưu đồ tổ chức đảo chánh, lật đổ để chiếm chính quyền- hoặc ám sát thủ tiêu? Trong suốt 9 năm đệ nhất cộng hòa, dường như ông Nguyễn Tường Tam không sử dụng những phương tiện tranh đấu dân chủ như báo chí, dư luận, nghị trường hoặc dùng ngòi bút để tranh đấu?

Cách sử dụng mà người ta được biết rõ là ông tham gia vào âm mưu lật đổ chính quyền. Khi thất bại thì dùng việc tự tử phải chăng là kế sách thích hợp cho một nhà tranh đấu, một lãnh tụ chính trị có bản lãnh?

Hay nó chỉ thể hiện một sự tuyệt vọng đi vào bước đường cùng của một con người .. Đây là điều mà bác sĩ Phan Quang Đán khi ở trong tù, nghe tin cái chết của Nhất Linh đã đặt ra câu hỏi: Tại sao lại phải chết như- thế?

Về mặt con người mà nói, nhất là đối với một số nhà văn, nghệ sĩ, việc tự tử không có chi là lạ và xảy ra khá nhiều. Ngay cả một lối sống bạt mạng, rượu chè, nghiện hút của một số nhà văn đã là hình thức gián tiếp tự tử dần một cách cố ý. ( Suicide instantanné et intentionnel)

Còn về mặt chính trị thuần túy, nếu có dịp nhìn lại việc đảo chính năm 1960 và tiếp theo 1/11/1963 nay người ta được biết đầy đủ là đều do Mỹ giật dây và đạo diễn. Can thiệp ít và gián tiếp ở thời điểm 1960. (Dương Văn Đông đã tiết lộ trong bài viết: Binh biến 11/11/1960 rằng: Trước khi binh biến xảy ra, George Alexander Carver. Jr đã liên lạc với Hoàng Cơ Thụy và khuyến khích phe đối lập đứng lên chống đối chính quyền). Can thiệp nhiều và lộ liễu, trực tiếp vào nằm 1963 thì tất cả những ai tham gia vào quá trình các cuộc lật đổ ấy đều chỉ là những “con cờ”, những” tay sai bản xứ”!!

Những hãnh diện vào tự hào cần hạn chế lắm nếu biết được những mưu đồ đằng sau các cuộc chính biến ấy. Nói huỵch toẹt như Nguyễn Ngọc Linh (cựu Tổng giám đốc Việt Tấn Xã) trong buổi Hội Nghị 35 năm sau nhìn lại, ngày 9/10/2010 tuyên bố:

“Theo tôi thì cuộc đảo chính (1963) này đã đánh dấu cái chết của miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến chống lại kẻ xâm lăng miền Bắc”.

Cho nên tất cả những gì người ta gán cho cuộc đảo chánh ấy, tất cả những hành vi cá nhân hy sinh ngay cả mạng sống con người đều phải được đưa lên bàn cân để cân lại. Việc tự tử ấy nhân danh chính nghĩa tranh đấu cho quyền tự do con người, tự do tôn giáo còn sót lại được bao nhiêu phần trăm ý nghĩa cao cả của nó?

Để dễ dàng cho việc tìm hiểu cuộc đời và con người NL, người ta có thể chia cuộc đời ấy ra làm hai lãnh vực: Cuộc đời làm báo, viết tiểu thuyết với tư cách là một nhà văn với bút hiệu Nhất Linh. Nửa phần kia là Nguyễn Tường Tam, con người hoạt động chính trị mà chủ yếu là hoạt động đảng phái và kết thúc bằng việc uống thuốc độc quyên sinh để phản đối chế độ Ngô Đình Diệm.

Cuộc đời làm văn học và chính trị ấy cũng cần chia ra giai đoạn tiền chiến và hậu chiến.

Giai đoạn làm báo thời ” tiền chiến” của TLVĐ và Nhất Linh

Phần đông người ta cho rằng cuộc đời làm văn học với sự thành lập TLVĐ đầu năm 1933 là một thành công lớn của TLVĐ và của cá nhân người đứng đầu là Nhất Linh. Nó cắm mốc một giai đoạn văn học phủ nhận thời kỳ “văn học khệnh khạng” Phạm Quỳnh- Nguyễn Văn Vĩnh và mở ra một thời kỳ văn học với báo chí trào phúng và tiểu thuyết.

Sự nhìn nhận ấy nói chung là chính xác và đúng vào thời kỳ đó.

Trong một bài viết của người viết bài này nhan đề: Chỗ đứng của TLVĐ trong văn học Việt Nam, đăng trên báo Tân Văn số 9 tháng tư/2008. Người viết đã trích dẫn một bài báo của ông Nguyễn Vỹ nhắc lại kỷ niệm về tờ Phong Hóa, bộ mới số 11 như sau:

“Trẻ con ôm báo Phong Hóa số 1 đi bán rong, rao inh ỏi khắp phố phường, thiên hạ tò mò mua xem, bán báo chạy như tôm tươi. Lý do: báo Phong Hóa đăng giầy những bức vẽ, những mục khôi hài, chế giễu tập tục” Phong Hóa An nam”. Công chúng bình dân từ cô sen, cậu bồi đến lớp các học sinh nam nữ đến công tư chức đều rũ ra cười khi đọc những mẩu chuyện hóm hỉnh và nhìn những bức hình vẽ rất tức cười, chế nhạo nào là ông Lý Đình Dù ở nhà quê ra tỉnh .. Ông giáo sư Lê Công Đắc bị chế diễu là con gà ba chân. Ông luật sư Lê Thăng là con đĩ đánh bồng, tiến sĩ khoa học Nguyễn Công Tiễu chữa bệnh toi gà, ông Nguyễn Văn Vĩnh bụng bự, ông Nguyễn Văn Tố gọi là ông búi tó, ông Nguyễn Tiến Lãng gọi là con ve sầu..
Nguyễn Tường Tam đã thành công với tiếng cười kích động.. Báo Phong Hóa vượt lên một số lượng phát hành vô địch . Và ông cũng nổi tiếng từ đó” .(2)

(2) Trích báo Tân Văn, số 9/2008, Nguyễn Văn Lục.

Đó là sự thành công của một nhóm nhà văn cùng chí hướng trong việc hạ bệ thế hệ Nam Phong- thế hệ đàn anh- được coi là biểu tượng của thủ cựu, nghiêm chỉnh khệnh khạng. Đả phá Nam Phong thủ cựu thì còn hiểu được. Nhưng người ta sẽ không lý giải được tại sao cần đả phá tất cả các nhà văn uy tín ngoài nhóm?

Nhưng nhóm người ấy nếu tách riêng ra thì vị tất đã bằng ai, nhưng nếu cộng chung lại thì thật khó có nhóm văn học nào sánh bằng, cho dù sau 1954. Đó là thế mạnh nhất của nhóm TLVĐ.

Tú Mỡ đứng một mình chỉ làm được thơ diễu. Thơ Thế Lữ không thể so sánh với Tản Đà. Văn tùy bút của Thạch Lam còn ảnh hưởng nặng nề văn học Pháp không qua mặt được Nguyễn Tuân. Những bài biện luận khô khan của Hoàng Đạo có thể không ai đọc.

Trong khi đó, ngoài TLVĐ những nhà văn như Tô Hoài, Vũ Trọng Phụng, Trần Tiêu, Nam Cao, mỗi người một thế giới văn chương khó tìm thấy nơi TLVĐ.

Nhưng nếu nó cộng chung tất cả những nhà văn ấy lại thì như một tổng hợp hóa chất, nó tạo ra một khối nhà văn tiêu biểu nhất của một thời kỳ văn học. Thời kỳ TLVĐ. Nào là những chuyện ngắn đầy tính nghệ thuật của Thạch Lam. Chính các nhà văn trong TLVĐ đều xếp “chú sáu” là một trong những nhà văn sáng giá nhất của nhóm. Tính cách lãng mạn, nhưng hiện thực xã hội như Thoát Ly, Thừa Tự của Khái Hưng được coi như cây bút hàng đầu của TLVĐ ngay từ cuốn truyện đầu tiên là cuốn Hồn Bướm mơ tiên. Tính cách lý tưởng và tranh đấu đầy hứng khởi trong Đoạn Tuyệt ..Tất cả làm nên một cái toàn thể ..TLVĐ. Và giá trị hay nhất về truyện ngắn phải kể đến truyện ngắn: Anh phải sống, viết chung giữa Nhất Linh và Khái Hưng.

Và người ta phải nhìn nhận kể từ sau Nam Phong của Phạm Quỳnh, lần đầu tiên tiếng Việt mới thực sự trở thành thứ ngôn ngữ văn chương, ngôn ngữ của nghệ thuật.

Nó đúng như sự nhận xét của Tú Mỡ:

Ôi, TLVĐ nay đã thuộc về dĩ vãng. Nhiều anh em đã đã là người thiên cổ, chỉ còn sót lại ba chúng tôi. Tú Mỡ, Thế Lữ và Xuân Diệu. Anh em đã có những đóng góp đáng kể vào văn học Việt Nam, tạo cho đoàn một tiếng tăm vang dội một thời, một thành tích mà các văn đoàn khác ra đời sau không đạt được, một chân giá trị riêng trong một giai đoạn nhất định mà giới văn học ngày nay và ngày mai phải công nhận”(3)

(3) Trích Tú Mỡ bài: Trong bếp núc TLVĐ, trích lại trong Nhất Linh, nhiều tác giả, trang 109

Sự thành công ấy cũng được chính Nhất Linh nhìn nhận trong chúc thư văn học như sau:..
Những lúc ngoảnh về quá khứ, kiểm điểm việc mình đã làm, tôi thấy rõ ràng công việc tốt đẹp lâu bền và có ích nhất của đời tôi là sự thành lập Tự Lực Văn Đoàn và công việc sáng tác”.

Nhưng sự thành công ấy nay nhìn lại một phần do sự chế diễu, hạ bệ những nhà văn khác ngoài nhóm trên Phong Hóa và Ngày Nay.

Báo bán chạy nhiều người đọc. Đồng ý. Nhưng về đường dài, sự thành công phải căn cứ trên những tác phẩm thì TLVĐ cũng chỉ đạt được một nửa như sẽ có nhận xét sau này trong bài viết của tôi. Phải chăng tiêu biểu hai câu thơ diễu sau đây trở thành hai câu vè tiêu biểu của người đường phố:

Nước Nam có hai người tài
Thứ nhứt sừ Ĩnh, thứ hai sừ Uỳnh.

Sau này văn học sử cũng như chương trình việt văn tú tài 1 ở miền Nam sau 1954 chỉ nhắc tới Nhất Linh nhà văn với 20 tác phẩm mà điển hình là các tiểu thuyết Đoạn Tuyệt, Lạnh Lùng và Bướm Trắng vv.. mà quên còn một Nhất Linh làm báo.

Bài viết này muốn bổ túc thêm cái mặt bị bỏ quên cũng có thể là một góc tối của TLVĐ.
Trước TLVĐ, không khí làm báo là nghiêm chỉnh, là nghị luận, là phổ biến kiến thức phần lớn bằng dịch thuật. Đọc báo Nam Phong là một cách đi học “hàm thụ” để mở mang kiến thức chứ không phải để giải trí, để đùa.

Sự nghiêm chỉnh ấy sau này bị chế diễu là khệnh khạng mà thực ra nó chỉ thể hiện tính hàn lâm của Nam Phong.

Có thể nói Phạm Quỳnh làm báo chú trọng vào khai trí, mở mang kiến thức nên ông chú trong tới Dịch Thuật, Biên Khảo. TLVĐ chú trọng vào Sáng tác truyện ngắn, truyện dài.
Ông Nhất Linh làm báo với Hoàng Đạo, Khái Hưng ngay cả Thạch Lam và nhất là Thế Lữ, bút hiệu khác là Lê Ta đã đồng loạt có chủ trương phải ” bề hội đồng” các nhà văn ngoài nhóm và báo chí ngoài nhóm bằng trào phúng. Có nhiều mức độ trào phúng. Có mực độ có thể chấp nhận được và có mức độ trào phúng không thể chấp nhận được. Một số lớn sự trào phúng của nhóm TLVĐ vượt ranh giới được phép và không được phép. Cái không được phép khi nó xúc phạm đến nhân cách nhà văn và với một chủ đích hiểm độc.

Có nhiều mục như: “Từ cao đến thấp” nói về người. ” Từ nhỏ tới lớn” nói về việc . ” Bàn Ngang” nói ngược mà hiểu xuôi , Mục ” vui cười” , Mục “Những Hạt đậu dọn”, Mục các “Cuộc điểm báo” vv..

Nhiều nhà văn, nhà thơ ngoài nhóm TLVĐ như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cho đến những tên tuổi cựu trào, lớn nhỏ như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Hy Tống, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Công Hoan, Tam Lang, Trương Tửu, Nguyễn văn Tố, Dương Bá Trạc, Lê Văn Phúc, Phan Trần Chúc, Lãng Nhân Phùng Tất Đắc , Tchya Đái Đức Tuấn trở thành mục tiêu chế diễu nằm trong tầm bắn của TLVĐ.vv…

Từ năm 1935-1945, theo Vũ Ngọc Phan có một nhóm đội lốt phê bình, điểm sách để bôi nhọ đời tư, cả đến vợ con người có sách với những nhan đề: ” Qua hàng sách” “Dạo qua hàng sách”, ” Đó đây”, ” Trước đèn” . Người ta thường đề cao một quyển sách hay dìm một quyển sách vì lợi ích riêng. Trong đó TLVĐ vừa là nạn nhân vừa là kẻ trong cuộc.

Vũ Ngọc Phan kết luận:

Thời gian 1935-1945, có một nhóm đội lốt phê bình văn học ở nhà xuất bản Hàn Thuyên. Do cạnh tranh với nhà xuất bản Đời Nay. Họ đăng bài báo để dìm TLVĐ xuống đất đen..(..)Ngoài ra cũng phải kể đến một số bài điểm sách hết sức thiên vị và bè phái của Lê Ta và Thượng Sĩ đăng trên các báo Phong Hóa, Ngày Nay, Việt báo, Tiểu thuyết thứ năm, Hà nội báo”.(4)

(4) Trích Những năm tháng ấy, Vũ Ngọc Phan, trang 233

Nhà văn Tchya đã bị nhóm TLVĐ chế diễu qua ngòi bút của Thế Lữ, tức Lê ta như sau:
“Ông Tchya- cái tên khó đọc ghê- Ông Tchya có lúc chẳng cười cợt tý nào cả. Ông ta có lúc tự nhận : “Tôi một tiểu thuyết gia tầm thường”. Câu này thì ông ấy không nói đùa. Ông ấy chỉ nói khoác”. (4)

(4) Trích 13 năm tranh luận văn học tập 3, Thanh Lãng, trang 299

Vậy mà sau 1954 vào miền Nam, ông Tchya là một trong những cây bút viết phiếm rất đạt với bút hiệu Mai Nguyệt cùng với những cây bút tên tuổi khác quy tụ chung quanh tờ báo Tự Do của Phạm Việt Tuyền như Hà Thượng Nhân, Tam Lang, Hiếu Chân, Vũ Bình, Như Phong và Bùi Xuân Uyên.

Và hầu như TLVĐ khai chiến với hầu hết các tờ báo bằng tiếng Việt và tiếng Pháp lúc bấy giờ. Hoàng Đạo trong một bài viết nhan đề: Ngày nay khai chiến với hết thảy các báo ở Đông Pháp. Tôi đếm cả thảy có 67 tờ báo bị hài tên ra. Có những tờ báo chuyên biệt như Y Khoa tạp chí, Nông Công Thương Việt Báo, Thương mại, Tiến hành công giáo, Khoa học phổ thông, Đuốc Tuệ, Khoa Học vv. không hiểu vì lý do gì cũng nằm trong danh sách bị lên giàn phóng của tờ Ngày Nay.

Thanh Lãng trong 13 năm tranh luận Văn học, tập III đã dành cả chương Năm, từ trang 263 đến trang 623 ghi lại những bài tranh luận mà một số lớn bài chỉ là những bài báo “chửi bới” nặng nhẹ tùy trường hợp. Tôi ” đếm dối” cũng có đến 41 bài TLVĐ đả kích các báo khác.

Chẳng hạn một bài viết được coi là đả kích nặng nhất, tiêu biểu nhất là bài: Báo Tân Việt Nam và thái độ hèn nhát của Phan Trần Chúc, Nguyễn Tường Lân. (5)

(5) Bài viết của Nguyễn Tường Lân đăng trong Ngày Nay, số 212, ngày 15-61940, tr 6. trích lại trong 13 năm tranh luận văn Học, tập III, Thanh Lãng, trang 472

Trong bấy nhiêu nhà văn, có một vài người may mắn lắm thoát hiểm vì được nhà văn Thạch Lam khen ngợi. Đó là trường hợp nhà văn Nguyễn Tuân, tác giả Vang Bóng Một Thời. Và người thứ hai là Tản Đà tương đối được TLVĐ đối xử nhẹ tay.

Sau này giáo sư Nguyễn Duy Duy Diễn đã nhận xét về TLVĐ trong cuốn : Tự Lực Văn Đoàn của ông như sau:

“Điều mà ai cũng phải công nhận trong khi đọc báo “Phong Hóa” và “Ngày Nay” là nhóm ” Tự Lực Văn Đoàn ” có một tinh thần “bè cánh” rất hẹp hòi. Rất ít khi TLVĐ khen những tác phẩm của các nhà văn ngoài nhóm mình (trừ trường hợp cuốn Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân thì không kể) Những bài phê bình của TLVĐ đối vớinhững sách báo bên ngoài nhóm mình, vì vậy thường chỉ là những bài bông đùa tàn ác có tính cách dìm người. “(6)

(6) Trích Chân dung Nhất Linh, Nhật Thịnh, trang 132-133

Nhận xét của giáo sư Nguyễn Duy Diễn được coi là phản ánh trung thực cung cách làm báo của nhóm TLVĐ: Chủ trương bán báo chạy và dìm người.

Và nạn nhân tiêu biểu nhất là nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Người trực tiếp “đánh” Vũ Trọng Phụng không ai khác là Nhất Linh với bút hiệu Nhất Chi Mai.

Có thể cay đắng nói rằng VTP lận đận với giấy bút lầm than. Lúc sống bị đánh tơi bời hoa lá. Bệnh tật không có thuốc. Đói không có cái ăn. Lúc chết nghèo kiết xác không đủ ván chôn. Còn cánh TLVĐ thì giấy bút làm nên ông nên bà. Bao nhiêu tiếng thơm lẫn tiền bạc, danh giá lãnh đủ.

Trong Nam, sau 1955, hầu như không có bài phê bình chính thức nào “bênh” VTP . Tiếng nói của TLVĐ qua NL mặc dù sau này không đả động gì đến VTP vẫn có tính cách “ông Trùm” trong giới làm văn học. Tính cách bất công ấy vẫn kéo dài trong nhiều năm sau này. Giới học sinh trong chương trình học Việt văn chỉ biết đến Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thế Lữ .

Một lẽ dễ hiểu, VTP đã chết sớm ở tuổi đời 27. Kẻ không có mặt phải chăng là kẻ thua cuộc?
Với chỉ 6 năm trời vỏn vẹn, một nhà văn cho ra đời 17 tác phẩm sáng giá. Mấy ai làm hơn ông được? Vậy mà cuộc đời bị đầy đọa bất công như thế !! Ai trong số nhà văn tiền chiến đưa ông ra nghĩa địa?

Sau này, trong tinh thần đòi lại công đạo cho những nhà văn như Vũ Trọng Phụng được coi là bị thiệt thòi nhiều nhất, ông Phạm Lễ đã viết một cuốn sách với nhan đề: Trả lại chỗ đứng cho Vũ Trọng Phụng, trong nền văn học Việt Nam thời tiền chiến.

Peter Zinoman- lại phải nhờ đến người ngoài- một chuyên viên nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng, giảng viên đại học Berkeley đã sưu tập được khoảng hai chục tài liệu quý giá của VTP tại thư viện Quốc Gia Paris trước 1945 và nay được in thành một tuyển tập có nhan đề:”Vẽ nhọ bôi hề” trong đó có một số bài đả kích TLVĐ. Peter Zinoman cũng đã không ngần ngại gọi VTP là Balzac của Việt Nam. Vấn đề là người VN gọi ông là gì?

Truyện Số Đỏ là một bản cáo trạng phê phán gián tiếp TLVĐ mà những nhân vật như Týp-phơ-nơ là phiên bản của họa sĩ Cát Tường, ông Văn Minh đóng vai nhà cải cách là ám chỉ Nhất Linh? Và đi xa hơn nữa dưới mắt VTP thì những chủ trương đổi mới của Phong Hóa chỉ nhằm mục đích thương mại? Nói chung ái gì TLVĐ làm thì gián tiếp VTP dùng tiểu thuyết để trả đũa lại.

VTP còn “đáp lễ” báo Ngày Nay bằng một bài bút chiến: “Dâm hay không dâm”!!

Phần các nhân vật của VTP đã bước ra khỏi sách và người ta thấy nhan nhản họ đi ngoài đời..Đó là cái thành công củaVTP. Có ai đẵ bắt gặp Loan-Dũng ngồi ở Givral chưa? Hay gặp cô Mùi đang lúi húi trong một bụi cây hay vườn Bách Thảo ở Sài Gòn chưa?

Ngoài Bắc sau 1954, khá hơ, đã dành một chỗ ngồi xứng đáng cho VTP, vì trên tờ Nhân Văn số 3 có bài viết: Thờ ơ với Vũ Trọng Phụng là một khuyến điểm lớn.

Nói chung tinh thần của TLVĐ thì cùng nhóm thì được khen, khác nhóm thì bị chửi và bôi đen. Tôi có ý tưởng ngộ nghĩnh là so sánh những cây viết sau 1955 như Thương Sinh, Kha Trấn Ác, Chu Tử, Hiếu Chân, Hà Thượng Nhân, Vip KK, ký giả Lô Răng, Sức Mấy, Kiều Phong, Dê Húc Càn, Hư Trúc Nguyên Sa xem ra họ còn thua TLVĐ một bậc.

Thua có nghĩa là họ hơn nhóm TLVĐ ở mức độ Nhân Bản, còn có cái tình con người, tình nhà văn với nhau.

Ở đâu trong xã hội cũng cần có luật chơi, một thứ “luật giang hồ” ngay cả thành phần du đãng. Phải chăng giữa nhà văn với nhau cũng cần có một thứ đức lý của nhà văn?
Hòn đất ném đi thì hòn chì ném lại. Những nhà văn đáp trả TLVĐ có Nguyễn Công Hoan, Lê Tràng Kiều, Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, Vũ Trọng Phụng, Ích Hữu, Hải Triều, Hồ Xanh, Bùi Công Trừng.

Lời chế diễu, đả kích ném đi có thể còn nhẹ nhàng. Nhưng hòn chì ném lại thì nặng nề và đôi khi hằn học hơn nhiều. Nhưng phải chăng đấy chính là cái “thành công” của TLVĐ?

Có những bài báo với nhan đề: Giọng hèn nhát của báo Phong Hóa, Cái tranh ấy cũng buồn cười thật, nhưng hơi “mất dạy” một chút ..

Nhưng nói cho cùng những nhà văn bị nhóm TLVĐ đả kích thì không phảI vì thế mà họ “nhỏ đi”, chẳng những thế họ càng được “lớn lên” về tầm vóc văn học như Nam Cao, như Vũ Trong Phụng và cũng một lẽ ngược lại không phải vì thế mà TLVĐ được nhìn nhận ” lớn hơn”.

TLVĐ đã chẳng làm được điều mà họ muốn làm là hạ người khác xuống để nâng họ lên và cũng chẳng vì thế mà họ được chấp nhận như ta thấy sau này.

Lớn hay nhỏ, được chấp nhận hay không được chấp nhận tùy vào người đọc và chính tác phẩm được in ra.

Đây là điều rất quan trọng đối với văn học.

Tác phẩm lớn thì nhà văn lớn. Không ai dìm, kiểm duyệt, “bỏ tù” một tác phẩm bắt nó nhỏ được. Những xa xôi như Nguyễn Du- Dù cụ Nghè Ngô Đức Kế có lên án là dâm thư- nó vẫn lớn. Những Trần Dần, mặc dù cả đời bị đọa đầy. Và chỉ cần một bài thơ Nhất định Thắng là đủ. Trong bài thơ ấy lại chỉ cần 5,6 câu.

Trong một cuốn sách mới nhất của Thụy Khuê, cuốn Nhân Văn Giai Phẩm, bà tiết lộ cho biết : Sau 40 năm, tác phẩm của Trần Dần 2/3 bị tiêu tán mục nát, 1/3 còn lại bị kết án chung thân trong trạng thái nằm …(..) Tác phẩm chịu chung số phận với người: gần 30 tập thơ, 3 cuốn tiểu thuyết, và không biết bao nhiêu bản thảo đã bị mối mọt|”.(7)

(7) Trích Thụy Khuê, Nhân Văn Giai Phẩm, trang 238

Sự trùy dập đến thế là cùng kéo dài trong nhiều năm, nhưng cái lớn của Trần Dần vẫn không ai làm nó bé đi được.

Trong một tranh vẽ khôi hài đăng trên Nhân Văn, số 2, ký tên SN như sau. Vẽ Hoài Thanh đeo kính, tay phải túm áo ngực Trần Dần, tay trái cầm cuốn sách đề tên Hồ Phong(8) giấu sau lưng. Trần Dần tay cầm cuốn: Người người, lớp lớp.

(8) ghi chú của NVL . Hồ Phong từng phê bình đảng cộng sản Trung Quốc mà Trần Dần trong thời gian ở TQ bị coi là ảnh hưởng tư tưởng của Hồ Phong.

- Hoài Thanh: Làng nước ơi, đích thị Hồ Phong đây rồi.

- Trần Dần thưa: Thưa đồng chí vụ trưởng, quả thực tên tôi là Trần Dần, nếu không tin xem lại giấy khai sinh”..

Có phải vì sự trù dập của Hoài Thanh mà Trần Dần nhỏ đi đâu?

Thế cho nên lịch sử đôi khi cũng thật là công bằng đôi khi có thể sửa đổi những sai lầm lầm của quá khứ !!

Những Trần Đức Thảo phải “ngọng miệng” gọi Thằng Bờm là ” Cậu Bờm” nếu còn sống trên xứ người thì chỗ ngồi của ông sẽ ở bên cạnh những nhà Hiện tượng học như Husserl, như Merleau Ponty. Và nếu ông chọn vào miền Nam thay vì miền Bắc thì ông sẽ là ngôi sao Bắc đẩu trên nền trời triết học. Nhưng có phải vì thế mà ông nhỏ đâu. Ngay cả Khái Hưng và Nhất Linh dưới cái nhìn của tôi thì truyện ngắn Anh phải sống là đắt gíá nhất mặc dầu ít ai để ý tới.

Thế cho nên cuộc tranh chấp giữa TLVĐ và các nhà văn ngoài nhóm cuối cùng rất là tầm thường. Nó chẳng khác gì cảnh “kẹt xe”. Cái Pleiade TLVĐ (Họ tự cho mình giống như nhóm văn chương Pleiade ở bên Tây, tự nhận là những ngôi sao bắc đẩu trong văn học). Nhìn lại thì TLVĐ giống như cảnh những xe tải đứng chật đường không cho các xe nhỏ tiến lên được.
Sự hiện diện của các nhà văn trong chiếu văn học đã bị TLVĐ biến thành cảnh “dành chỗ”. Sự tranh dành chỗ ấy sau này chính TLVĐ bị trả giá khi nhóm Sáng Tạo ra đời năm 1956 “phủ nhận” Tiền chiến mà chủ đích nhắm vào TLVĐ ..

Chắc là còn nhiều việc phải làm, để khôi phục lại một giai đoạn văn học mà một số nhà văn bị đánh giá thấp, bị trù dập một cách oan uổng. Sau này, Hà Nội đã bắt đầu “rộng lượng” cho in lại cuốn truyện đầu tay Gió Đầu Mùa của Thạch Lam, nxb Văn Học, 1982. Và nay hẳn nhiều cuốn truyện khác của TLVĐ đã có mặt. Cũng một cách thức như thế, cần nhiều nỗ lực để phục hoạt cho các nhà văn trong nhóm TLVĐ và tất cả các nhà văn, nhà thơ của miền Nam trên dưới 200 người sau 1975 đã bị chính quyền cộng sản “Xóa sổ”.

Cùng lắm TLVĐ chỉ muốn dành chỗ của các nhà văn khác, còn cộng sản thì muốn các nhà văn miền Nam sau 1975 phải biến mất.

Hiện nay, chuyện của VTP được chuyển dịch sang tiếng Mỹ và được đánh giá cao trên văn đàn thế giới.

(Còn nữa)

© Nguyễn Văn Lục

© Đàn Chim Việt

22 Phản hồi cho “Nhất Linh nhà văn và Nguyễn Tường Tam nhà chính trị[1]”

  1. LẠI MẠNH CƯỜNG says:

    Thưa ông Nguyễn Văn Lục và bà con,

    Xin cám ơn tác giả bài khảo luận trên. Nhờ nó mà tôi có dịp nghiên cứu kỹ hơn nữa về Nhất Linh.

    Tôi rất tâm đắc với nhận xét trong bài này, ở phần nhìn lại lúc làm báo vào thời “tiến chiến” của Nhất Linh nói riêng và nhóm Tự Lực văn đoàn nói chung, mà ông Lục gọi đó KHOẢNG TỐI :”Bài viết này muốn bổ túc thêm cái mặt bị bỏ quên cũng có thể là một góc tối của TLVĐ” (sic)

    Ông Lục đã kết án thật ác (liệt):

    - Nhưng sự thành công ấy nay nhìn lại một phần do sự chế diễu, hạ bệ những nhà văn khác ngoài nhóm trên Phong Hóa và Ngày Nay. (sic)

    - Ông Nhất Linh làm báo với Hoàng Đạo, Khái Hưng ngay cả Thạch Lam và nhất là Thế Lữ, bút hiệu khác là Lê Ta đã đồng loạt có chủ trương phải ” bề hội đồng” các nhà văn ngoài nhóm và báo chí ngoài nhóm bằng trào phúng. Có nhiều mức độ trào phúng. Có mực độ có thể chấp nhận được và có mức độ trào phúng không thể chấp nhận được. Một số lớn sự trào phúng của nhóm TLVĐ vượt ranh giới được phép và không được phép. Cái không được phép khi nó xúc phạm đến nhân cách nhà văn và với một chủ đích hiểm độc. (sic)

    - Nhưng nói cho cùng những nhà văn bị nhóm TLVĐ đả kích thì không phải vì thế mà họ “nhỏ đi”, chẳng những thế họ càng được “lớn lên” về tầm vóc văn học như Nam Cao, như Vũ Trong Phụng và cũng một lẽ ngược lại không phải vì thế mà TLVĐ được nhìn nhận ” lớn hơn”. (sic)

    Và ông có ngay một kết luận nhớ đời:

    - Tác phẩm lớn thì nhà văn lớn. Không ai dìm, kiểm duyệt, “bỏ tù” một tác phẩm bắt nó nhỏ được (sic)

    Tôi có ý nghĩ ngộ nghĩnh, ông Lục có ý thức được hết điều trên chăng, khi ông cố tình DÌM CHẾT cá nhân Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, bằng thủ thuật “gậy ông đập lưng ông”, như khi nhóm Tự Lực văn đoàn ma giáo bội nhọ kẻ ngoài đạo trong thời kỳ làm báo tiền chiến như ông dẫn chứng.

    Rồi tôi mỉm cười mà thưa với ông rằng (răng ông thừa nên ăn nói linh tinh quá mạng):

    CHÂN MÌNH DẪM CỨT MỘT DỀ
    CỨ CẦM BÓ ĐUỐC MÀ SOI CHÂN NGƯỜI !

    Lại Mạnh Cường

  2. Dao Cong Khai says:

    Bởi vì sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, quân Tàu được giao nhiệm vụ vào Bắc Việt để tiếp thu vũ khí quân đội Nhật. Tàu lúc đó là Quốc Dân Đảng Tàu của Tưởng Giới Thạch còn cai trị ở Hoa Lục, nên VNQDĐ rất thuận lợi ra nắm chính quyền. Thế nhưng Hồ Chí Minh đã quyên tiền và vàng của dân đút lót cho tướng Tàu nên quân Tưởng Giới Thạch nó ưu tiên cho HCM và đảng CS hoạt động luôn. Trước đó HCM kéo quân trong chiến khu Bắc Sơn ra chiếm khắp miền Bắc rồi. Khi quân Pháp quay trở lại miền Bắc thì Việt Minh và Pháp chưa đánh nhau, chúng ký Hiệp Định Sơ Bộ với Hồ Chí Minh và đồng ý thành lập Chính Phủ Liên Hiệp, bao gồm các đảng phái QG và CS; trong khi đó Việt Minh rút quân vào chiến khu. Trong Chính Phủ Liên Hiệp đó Hồ Chí Minh làm Chủ Tịch, Nhất Linh là bộ trưởng ngoại giao, Võ Nguyên Giáp là bộ trưởng quốc phòng, bộ nội vụ do một nhân vật nữa của CSVN nắm.

    Trong thời gian Liên Hiệp này thì VC rình mò thủ tiêu các lãnh tụ chính trị QG, và các đảng phái QG. Nhà văn Khái Hưng, Phạm Quỳnh, ông Ngô Đình Khôi (anh của TT Diệm) … và vô số người khác, kể cả giáo chủ Huỳnh Phú Sổ của Hoà Hảo bị VM thủ tiêu trong giai đoạn này. Kế tiếp là QG phải tự vệ và tạo ra một giai đoạn khủng bố giữa 2 phe Quốc Cộng.

    Giai đoạn đó là Quốc Cộng Liên Hiệp, và chính phủ Liên Hiệp chẳng làm được gì cho QG cả, và cho tới một lần Nhất Linh được cử sang Pháp họp thì ông ta cũng trốn luôn ở đó, sợ Việt Minh thủ tiêu và không dám về nữa. Chính phủ Liên Hiệp cũng dẹp luôn. Hồi đó Pháp cũng đưa vua Duy Tân về nước để thành lập chính phủ VN, nhưng về tới Ấn Độ thì máy bay chở vua vị nổ và ông ta chết tại đó. Sau này Pháp mời HCM sang Pháp họp để thành lập chính phủ QGVN, trong đó Bảo Đại làm quốc trưởng và thành lập Quốc Gia VN năm 1948. HCM thấy hắn không nắm được chức quốc trưởng, bèn bỏ họp về nước, hô hào TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN, và CS thực sự đánh nhau với QG từ lúc đó. Ngay khi QGVN được Bảo Đại thành lập là nội chiến của VN khởi sự lúc đó. Hồi đó thì QGVN là một quốc gia “độc lập” trong khối Liên Hiệp Pháp, nhưng đó mới chỉ là thời kỳ nối tiếp, chưa thể độc lập thực sự như tới thời TT Diệm. Dưới thời Bảo Đại, quân đội Pháp có quyền trú đóng trên lãnh thổ VN và họ bảo vệ cho quân đội QGVN còn non trẻ. Tới sau năm 54 khi VNCH trở thành hoàn toàn độc lập thì Nhất Linh về sống ở miền Nam dưới chế độ TT Diệm, không rõ có chức vụ gì không.

    Cần nói thêm là hồi năm 1946 Nhất Linh đã từng làm Bộ Trưởng Ngoại Giao của CHÍNH PHỦ LIÊN HIÊP Việt Nam rồi. Hồi đó QG và CS liên hiệp với nhau để thành lập chính phủ.
    Người QG là những người VN không theo CS, ghê tởm HCM, chống Pháp nhưng vì không thể chống nổi Việt Minh (CS) nên phải theo Pháp để tránh khỏi sự khủng bố của Việt Minh. Cho đến lúc tình hình thuận lợi thì họ loại những kẻ tay sai Pháp trong hàng ngũ QG để giành độc lập. Ý thức dân tộc của người QG, trước nhất là chống cộng, sau đó mới chống ngoại bang. Triết lý rất nhân bản, không nặng đầu óc tổ quốc hẹp hòi kiểu phong kiến hay mập mờ giữa đất nước và thế giới đại đồng như phía VC. Lý do vì lịch sử cho thấy CS là nguy hiểm nhất, nguy hiểm hơn cả Thực Dân, Đế Quốc và Phong Kiến. Hiến Pháp Đệ II Cộng Hoà rất tiêu biểu cho tính chất đó; điều 1 của hiến pháp này là loại bỏ CS ra ngoài vòng pháp luật. Cần phải minh bạch như thế khi xác định vị trí chính trị của người QG đối với VC. Do đó sau này, thời TT Thiệu, VNCH thường có khẩu hiệu “không hoà hợp hoà giải, không trung lập, không LIÊN HIỆP” với CS.

  3. Dao Cong Khai says:

    Mấy ông “đảng phái QG” làm sao mà mất lòng dân đến nỗi sau khi TT Diệm bị lật đổ, tôi thấy trong dân miền Nam họ không ưa nổi CS nhưng họ mong ngóng Bảo Đại về lãnh đạo đất nước; cá nhân tôi khi nói chuyện chính trị đã từng nghe nhiều người lớn tuổi nói lên ước mong đó. Không hiểu mấy ông Cách Mạng thế hệ Nhất Linh làm thế nào mà ý thức người dân khá đông lại quay trở về trông đợi một chế độ phong kiến của vua Bảo Đại thời thực dân Pháp ngày xưa.

Leave a Reply to Dao Cong Khai