Những khó khăn trước trận Nga- Ba Lan
Còn một ngày nữa, trận đấu lượt thứ 2 của bảng A sẽ bắt đầu. Hy lạp sẽ gặp Séc lúc 18 giờ tại sân Wrocław và nước chủ nhà Ba Lan gặp Nga vào 20h45 tại sân vận động quốc gia ở Warsaw.
Ba Lan – Nga sẽ là trận cực kỳ căng thẳng, bởi bên cạnh thể thao, còn là áp lực chính trị. Từ nhiều tuần lễ trước, trong xã hội Ba Lan đã diễn ra những tranh cãi xung quanh việc nên hay không biểu tình trước khách sạn Bristol, nơi các cầu thủ Nga sẽ cư ngụ trong thời gian Euro. Thậm chí còn có những ý kiến cực đoan đòi không cho đội tuyển Nga được ở một nơi sang trọng quá như vậy.
Chính quyền Ba Lan đã đưa ra những lời kêu gọi về việc không nên biểu tình trong thời gian Euro. Nhưng ở một nước dân chủ, chuyện kêu là của chính quyền, nhưng có đáp ứng lại lời kêu gọi đó không là chuyện khác.
Câu chuyện biểu tình đã tạm lắng xuống khi người ta không thấy bất kỳ sự quá kích nào lúc đội Nga đặt chân tới Warsaw hay khi đội này luyện tập. Nhưng, chỉ vài hôm trở lại đây, có vẻ như làn sóng biểu tình chống Nga lại trỗi dậy. Số là, một đám cổ động viên quá kích người Nga đã hành hung những tình nguyện viên Ba Lan. Những người làm việc tình nguyện đa số là học sinh, sinh viên họ chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ khán giả và du khách. Họ không được trang bị kỹ thuật chống bạo động hay bất kỳ thứ vũ khí tự vệ nào. Do vậy, việc hành hung này hết sức phản cảm trong xã hội Ba Lan.
Chính quyền Ba Lan sau đó đã giữ 12 cổ động viên quá kích để điều tra, nhiều khả năng họ sẽ bị trục xuất.
Hiềm khích giữa 2 nước nói chung và cổ động viên nói riêng đã có từ lâu. Những vấn đề lịch sử lớn giữa 2 quốc gia không được giải quyết thỏa đáng dẫn tới những bất đồng dai dẳng, chưa có hồi kết.
Một trong số những hòn đá tảng đè nặng lên quan hệ 2 nước đó là vụ thảm sát Katyń. Theo sử liệu, hơn 22 ngàn sĩ quan, trí thức ưu tú của Ba Lan bị Stalin ký lệnh xả súng bắn chết và chôn tại cánh rừng gần địa danh Katyń.
Phía Nga, trong những năm sau này, dưới sức ép của Ba Lan và quốc tế đã hé mở dần dần những tập hồ sơ liên quan nhưng chưa bao giờ họ thực sự nhận tội hay xin lỗi nhân dân Ba Lan.
Trong khi lịch sử chưa được giải quyết dứt điểm, thì tháng Tư năm 2010, máy bay của Tổng thống Ba Lan đã rơi ngay tại địa điểm này khi ông cùng các quan khách tới dự lễ tưởng niệm. 96 người đã tử nạn.
Việc điều tra về tai nạn đã khép lại nhưng đảng PiS (do em trai cố Tổng thống lãnh đạo) và những người ủng hộ đảng này vẫn nghi ngờ về một âm mưu ám sát từ phía Nga.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, không nên chính trị hóa hoạt động thể thao. Song thực tế, chưa bao giờ 2 lĩnh vực này hoàn toàn có thể tách biệt khỏi nhau. Thế giới từng chứng kiến ‘một ngoại giao bóng bàn’ đã giúp hàn gắn quan hệ Trung- Mỹ, hay việc tẩy chay thế vận hội Moscow năm 1980 và hàng ngàn các sự việc lớn nhỏ khác liên hệ giữa thể thao và chính trị.
Ngay khi Euro 2012 sắp bắt đầu, đã từng có những kêu gọi tẩy chay Ucraina vì những đối xử tàn tệ của nước này với bà Tymoszenko. Do vậy, việc đòi hỏi người Ba Lan gác bỏ quá khứ là điều không dễ dàng và không phải ai cũng có thể làm được.
Đứng trước sự nhạy cảm này, ngày hôm qua Liên đoàn bóng đá Nga cùng huấn luyện viên đã có một cử chỉ mang tính xoa dịu khi đem vòng hoa tới đặt tại nơi tưởng niệm các nạn nhân của vụ tai nạn máy bay.
Liên đoàn bóng đá Nga cũng xin phép một cuộc diễu hành cho khoảng 5 ngàn cổ động viên của họ trên tuyến đường chính từ Marszałkowska tới Sân vận động quốc gia. Đây cũng là một vấn đề gây tranh cãi trong công chúng, thậm chí có những bình luận hết sức gay gắt trên các trang mạng, nhưng chính quyền Warsaw đã bỏ qua 2 chữ “diễu hành” mà nhìn nhận sự việc một cách nhẹ nhàng hơn. Theo đó, sự “đi bộ” của các cổ động viên là bình thường và phù hợp với luật pháp Ba Lan, không cần phải đăng ký hay xin phép. Chỉ cần thông báo và chính quyền sẽ giúp đỡ về mặt an ninh.
“Đi bộ” đương nhiên là bình thường. Nhưng vấn đề là cổ động viên Nga sẽ mặc gì, cầm biểu tượng gì hay hò hét gì trong cuộc “đi bộ” này. Bởi đây là chuyện nhạy cảm. Theo hiến pháp Ba Lan, mọi hình ảnh, biểu tượng hay sự tuyên truyền nào cho chủ nghĩa cộng sản đều là vi hiến. Dù không bị xử lý hình sự, nhưng nó hết sức phản cảm trong xã hội Ba Lan và có thể khiến cổ động viên Ba Lan nổi khùng.
Trước đó, trên trang web của mình, Đại sứ quán Ba Lan đã có những cảnh báo với phía Nga về việc sử dụng biểu tượng. Búa liềm và các biểu tượng cộng sản khác, dù đã bớt đi trong những năm gần đây nhưng vẫn còn khá phổ biến ở Nga.
Diễn biến mới nhất, sáng nay Tổng thống Ba Lan đã đưa ra lời kêu gọi “hãy vui vẻ với Nga”. Nhưng có vui vẻ hay không thì chưa một ai biết được.
Người ta chỉ biết rằng, hàng ngàn cảnh sát đã được huy động từ các tỉnh lân cận để phục vụ cho trận đấu tối mai. Và sự căng thẳng sẽ không chỉ diễn ra với 22 cầu thủ trên sân cỏ.
Tường thuật từ Warsaw
© Đàn Chim Việt