WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Về một con người trong tù

Lê Công Định đã về. Niềm vui sắp được gặp lại bạn tràn ngập. Những điều tốt đẹp đang mở ra. Nhưng nhớ đến một người bạn khác vẫn còn trong vòng lao lý mà chạnh lòng. Có lẽ thời điểm mà những người xa nhà khắc khoải nhất là Tết. Đã trải qua 3 cái Tết trong tù tôi hiểu rõ cảm giác đó. Những người ở ngoài nhưng phải xa quê hương vào những ngày Tết còn không tránh được nỗi nhớ nhà. Những người phải vào tù vì tình yêu quê hương thì bị chia cắt với gia đình vào những thời khắc xum vầy thiêng liêng là một nỗi đau với họ.

Phân trại 1 trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai nằm lọt trong một vùng rừng núi xa khu dân cư. Ở đó suốt ngày không nghe được tiếng xe cộ. Thỉnh thoảng tiếng xe lửa vọng từ xa xình xịch là thứ âm thanh duy nhất mang đến cảm giác ngoài đời. Ngày đầu tiên đến trại giam này gợi lại cho chúng tôi mọi ký ức thời chiến tranh, bao cấp và hợp tác hóa nông nghiệp. Năm giờ sáng hồi kẻng thứ nhất đánh thức mọi người dậy, chỉ có 30 phút cho một buồng giam từ 50 đến 80 người phải xong việc vệ sinh cá nhân. Năm giờ ba mươi hồi kẻng thứ hai báo hiệu cho mọi người phải xuất buồng điểm danh. Sáu giờ đến sáu giờ ba mươi sáng là thời gian xuất trại cho những ai phải đi ra xưởng lao động. Đó cũng là lúc mà loa phóng thanh đọc thành tích thi đua lao động của ngày hôm trước rồi tiếp theo là những tiêu chuẩn cho nếp sống văn minh mới trong trại giam. Mỗi tuần vào sáng thứ hai, các tù nhân còn phải tập trung vào hội trường ngồi xổm dưới đất nghe giáo huấn đạo đức. Có lúc còn được phát động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Kết quả là mọi người phải làm một bản thu hoạch bằng việc chép lại mẫu có sẵn. Hôm nào có tù nhân vi phạm nội quy trại giam và bị xử lý kỷ luật thì sẽ bị đọc tên công khai trên loa phóng thanh. Lâu lâu có tiếng bom mìn khai thác đá ở đâu đó gần đấy vang rền và chấn động cả khu vực trại giam, tạo ra cảm giác không khác gì đang sống trong vùng khói lửa. Chưa kể giữa đêm nghe hàng loạt tiếng đạn xé không khí tĩnh lặng mà cứ ngỡ như đang bị bố ráp. Mãi sau này mới biết được mỗi khi nghe tiếng súng như vậy là có đơn vị nào đó bên ngoài về để kiểm tra đột xuất “quân số”.

Ngoại trừ những âm thanh nói trên, còn lại là một không gian tĩnh lặng ban ngày và u tịch về đêm. Nếu không có những bức tường cao với hàng rào thép gai thì nơi đó là một khung cảnh đẹp. Trong khu cách ly chỗ chúng tôi ở, do không bao giờ bị chúng tôi bẫy nên chim muông về rất nhiều. Trong khu này có 5 cây xoài đã cho quả, là nơi của bầy se sẻ thường về tụ tập để ăn những hạt cơm chúng tôi rải cho chúng. Hướng Nam sừng sững một quả núi Gia Lào. Trên đỉnh núi có một ngôi chùa cùng tên, tương truyền là rất linh thiêng nên có nhiều khách thập phương thăm viếng. Vào mỗi chiều từng đàn chim vỗ cánh bay về ngọn núi. Có lẽ đó là nơi nghỉ đêm của chúng. Có nhiều loài chim nhưng nhiều nhất là quạ. Hồi nhỏ mọi người hay nói rằng nghe tiếng quạ kêu là có người chết. Còn bây giờ ở đây thì quạ kêu thường xuyên và thỉnh thoảng thì nghe tin có người tù qua đời. Cũng không hiếm trường hợp không có thân nhân nhận xác về nên họ đem chôn ở khu nghĩa địa của trại giam. Nhiều năm trước nghe nói đó là một khu hoang tàn nhưng từ lúc ông Nhâm về làm giám thị thì đã cho xây dựng lại, đắp xi măng các ngôi mộ và dựng bia nên khang trang hơn nhiều. Ông Nhâm cũng là người được các tù nhân ở đó quí mến vì đã áp dụng những chính sách thoáng hơn nhiều thời của giám thị trước đó – bị gọi là thời phát xít. Nhưng lúc tôi còn ở đó thì ông Nhâm đã bị đình chỉ công tác vì những chính sách như vậy bị cho là gây ra sai phạm. Sau đó ông ấy bị chuyển đi nơi khác.

Cứ mỗi khi nghe thấy có người chết thì tâm trạng chúng tôi lại bồi hồi thương tiếc cho những cảnh đời phải kết thúc trong tù. Một lần biết tin có một tù nhân chính trị qua đời ở khu trạm xá bên cạnh vì bệnh hoạn và thiếu thốn. Lòng cứ thắt lại. Biết được ông về đây chưa được 6 tháng, chưa một lần được gặp mặt và nói chuyện, thì giờ ông đã về nơi chín suối. Hơn một ngày sau nghe nói gia đình vẫn chưa thấy lên nhận xác về. Chúng tôi lâu nay vẫn tìm cách  gửi đồ ăn, thuốc lá, thuốc bổ qua cho ông nhưng cũng không được nhiều vì bị kiểm soát gắt gao. Đến cái tên của ông mà cũng không biết được chính xác. Người thì nói Vạn, người thì nói Rạng. Ông bị kết án vì treo cờ, cờ gì chúng tôi cũng không rõ. Nhưng chắc chắn một điều là ông thuộc nhóm A – cách mà trại giam phân loại những người tù chính trị. Không biết có bao nhiêu thân phận đã đấu tranh và ra đi trong âm thầm lặng lẽ như vậy. Chắc cũng không ít.

Đêm về nơi đây thường rất lạnh. Đất Xuân Lộc này ban ngày nắng như đổ lửa nhưng đêm khuya thì trời lạnh và thường có gió lùa. Chăn ở đây phát cũng khá dầy nhưng có những đêm vẫn không đủ ấm, phải mặc thêm quần áo. Vào mùa mưa thì tiếng ếch nhái, ểnh ương kêu inh ỏi phá tan không gian u tịch. Mùa nắng thì côn trùng vo ve như một bản hòa tấu giữa trời đêm. Cũng có những lúc không hiểu lý do gì mà ban đêm hoàn toàn vắng lặng, không có cả tiếng lá cây xào xạc. Vào những đêm như vậy anh Thức thường không ngủ, nhìn ra cửa sổ qua song sắt nhà tù. Anh vốn vẫn ít ngủ lúc còn ở ngoài đời. Đêm khuya thường lên sân thượng ngắm trời và suy tư. Không gian chật hẹp trong phòng giam không ngăn được tâm hồn anh phóng ra khoảng trời rộng lớn. Thỉnh thoảng tôi vẫn bị anh đánh thức dậy giữa khuya để cùng ngắm một cảnh trăng đẹp, một ngôi sao lấp lánh sáng lạ thường hoặc để chia sẻ về một ý tưởng mới. Thức là người yêu thích thiên nhiên và hay chiêm ngưỡng, khám phá những điều kỳ diệu của chúng. Khi còn bị tạm giam ở B34, cửa sổ phòng giăng kín lưới mà anh vẫn nhìn ra được những vẻ đẹp của thiên nhiên ở ngoài. Giữa những bức tường giam thô ráp vô hồn, nhưng tình yêu thiên nhiên đã truyền cho anh cảm hứng nên những câu thơ tả cảnh:

Bồ đề xao nắng hoàng hôn đỏ
Mây tía trôi quyện chuông trời
Chim đàn đàn về nương lá Phật
Cúm núm kêu gợi nhớ chùa xa

***

Màn đêm trì kéo bình minh xuống
Vầng dương cố vượt núi mây đen
Mây lành đỏ rừng tàn sương tối
Sáng lạ vầng đông ló mặt trời.

Lúc mới về trại giam Xuân Lộc, ba chúng tôi bị đưa ngay xuống khu cách ly. Đây là khu vực thiếu sự chăm sóc và dọn dẹp lâu năm nên rất dơ bẩn hôi hám. Nó được dùng để làm nơi đổ rác, chất đống hàng năm trời, đầy ruồi nhặng, giòi nhung nhúc. Có một đường mương xây bằng xi măng để dẫn nước thoát từ khu trạm xá nhưng lâu ngày không ai khai thông nên trở thành môi trường lý tưởng cho muỗi và các mùi hôi thối sinh trưởng. Cỏ um tùm, dây leo dại bò tràn lan ra cả lối đi. Xác chuột chết rất nhiều, những con còn sống thì to bằng bắp chuối. Các bụi rậm là nơi ẩn mình lý tưởng của các loài rắn ráo, rắn ngũ hành. Nói thật là nhìn cảnh tượng đó không thể không có cảm giác rằng họ muốn để chúng tôi trong một môi trường ô nhiễm. Nhưng anh Thức nghĩ khác. Anh đề nghị họ để chúng tôi dọn dẹp làm sạch lại khu vực này. Không ngờ họ lại rất hoan nghênh ý tưởng đó nhanh chóng. Trong vòng gần 2 tháng chúng tôi vét mương, làm cỏ, tải núi rác ra thành từng cụm nhỏ phơi khô để đốt. Dù làm một công việc chưa bao giờ có kinh nghiệm nhưng Thức chỉ huy tiến hành nó theo một bản thiết kế hẳn hoi. Lúc đó chưa có giấy viết gì nhưng anh vẫn tính toán mọi thứ thật chi tiết, qui hoạch rõ ràng từng cụm trồng rau cải, trồng hoa và các loại dây lêo có trái như khổ qua, đậu rồng. Bùn dưới mương được vét lên đắp dọc hàng rào B40 để trồng các loại hoa dại dây leo nhiều màu sắc rực rỡ rất đẹp. Đó cũng là nơi để trồng rau dền cơm ăn rất ngon và bổ máu. Từ một rãnh mương hôi hám với đầy bọc ni lông, vỏ chai và các loại phế thải y tế chúng tôi biến nó thành một con kênh nhỏ, nước trong. Thế là tự nhiên nó trở thành nơi tắm mát của lũ chim.

Chỉ trong 3 tháng mà chúng tôi đã trồng được hơn 40 loại rau, củ, quả từ những cây mọc dại và hạt giống gia đình gửi vào. Ăn không thể nào hết, vừa gửi cho các anh em tù nhân khác, vừa gửi về cho gia đình. Gia đình chúng tôi đã rất vui khi ăn những sản phẩm đó – một niềm hạnh phúc thực sự. Các cán bộ trại giam khi muốn có rau sạch vẫn xuống xin một ít. Mà đúng là hoàn toàn sạch, đến cả phân hóa học cũng không dung tới. Khu vườn sân trước thì lúc về còn đầy gạch đá xà bần. Chúng tôi gom sạch rồi trồng hoa hồng, vạn thọ và một số loại cây cảnh, biến khu cách ly thành một không gian sống có thể hưởng thụ được. Mỗi sáng sau khi làm vườn xong, ngồi ngoài sân uống trà, cà phê ngắm hoa và chim chóc tắm mát hót líu lo là một sở thích chưa có được lúc ở ngoài đời.

Điều thú vị nữa là nấu ăn. Anh Thức chưa từng nấu ăn một lần ngoài đời, tôi thì càng mù tịt. Anh Định có biết đôi chút nhưng nấu không ngon. Nhìn 3 anh em sụt cân thảm hại sau thời gian tạm giam ở B34, Thức xung phong làm đầu bếp và tuyên bố: “Chúng ta phải hồi phục nhanh chóng”. Lúc đó tôi và anh Định đều nghi ngờ vì lúc còn ở ngoài Thức rất không thích vào bếp. Nhưng tất cả đều bất ngờ sau đó. Lúc đầu thì anh chế biến những gì đang có thành những món chẳng có ngoài đời nhưng ăn rất ngon vì lạ miệng. Sau đó dần dần đến các món “chính qui” như phở, hủ tiếu Nam vang, cả mì Spaghetti, v.v… Định là người sành ăn mà phải công nhận là ngon và giống khẩu vị chuẩn. Có một món rất ấn tượng mà Thức tự chế ra, chúng tôi đặt tên là mì gió Trần Đông Chấn. Mỗi khi muốn nấu một món gì mới Thức lại hỏi tôi và Định ráng nhớ lại nó có hương vị thế nào, phân tích xem nó gồm những gia vị gì. Rồi anh pha thử tới lui vài lần đến khi gần đạt thì bắt đầu nấu. Gia đình gửi cho khá nhiều nguyên liệu nhưng cũng không thể đủ được như ngoài đời. Nhưng Thức luôn chế ra được từ những cái có sẵn. Tôi đoan chắc rằng các bà vợ mà nhìn thấy cảnh tôi rửa rau, anh Định thái bắp cải, anh Thức đứng bếp, v.v… thì phải rất khoái chí. Hơn một tháng sau, trước khi anh Định về Chí Hòa thì đã hồng hào trở lại, lên ít nhất 5 kg. Còn tôi thì cứ tăng cân đều đặn, có lúc lên gần 80 kg, phải cố tập thể dục rất nhiều mới không bị chọc là béo. Anh Thức cũng phục hồi rất nhanh và trở nên rắn chắc. Tôi tin chắc rằng sau này về Thức có thể trở thành đầu bếp giỏi nếu muốn.

Đây là thời gian tôi học hỏi được nhiều nhất trong đời. Khi còn anh Định ở đây tôi được nghe rất nhiều về những kiến thức luật học, về triết học và cả quan hệ quốc tế. Cách ứng xử thâm thúy của anh cũng là điều phải có thời gian gần nhau liên tục mới học hỏi được. Với anh Thức thì cách thức giải quyết vấn đề một cách chiến lược cùng với kiến thức kinh tế, chính trị, xã hội sâu rộng của anh thì có thể học mãi mà không hết. Cũng nhờ hai người mà tôi tập tành làm thơ và cuối cùng cũng làm được.

Hơn một tháng trước khi ra tù, tôi được chuyển khỏi khu cách ly lên khu chung ở với các anh em tù hình sự. Ở đây tôi lại biết thêm một điều là nhiều anh em này rất quí mến anh Thức. Lý do rất đơn giản: “Nhờ các anh ở dưới đó mà tụi em ít bị no đòn”, họ nói. Cạnh khu cách ly là khu kỷ luật để cùm và giam riêng những ai vi phạm nội quy trại giam. Muốn vào khu kỷ luật phải đi qua khu cách ly. Trong khu này có một phòng làm việc dành để tra hỏi những người vi phạm trước khi quyết định đưa vào khu kỷ luật. Thời gian đầu chúng tôi hay nghe những người tù khóc xin cán bộ đừng đánh khi bị tra hỏi. Khi có tra hỏi thì họ không cho chúng tôi đi về phía cuối dãy nhà chỗ có phòng làm việc.
Nhưng sau một vài lần nghe tiếng kêu la, anh Thức vẫn cứ bước tới. Thấy cảnh tượng đó anh bảo: “Các cán bộ không nên làm vậy. Luật không cho phép”. Họ cũng ngại nên dừng tay rồi sau đó vào phòng chúng tôi giải thích rằng mấy tù nhân đó thường vi phạm và rất cứng đầu, gây mất an ninh trật tự trong trại. Thức bảo không thể vì mục đích đúng mà dùng phương pháp sai. Luật tố tụng hình sự nghiêm cấm không dược dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào. Sau lần đó chúng tôi không nghe thấy tiếng các tù nhân vi phạm nội quy bị đánh nữa. Cũng nói thêm rằng theo các anh em tù hình sự đã ở qua nhiều trại giam thì trại Xuân Lộc này tình trạng đánh đập tù nhân là ít hơn nhiều so với các trại khác.

Tết này đã là lần thứ tư Thức phải đón trong tù. Điều kiện sinh hoạt của anh 7 tháng nay  đã không còn được như trước. Anh bị biệt giam suốt ngày trong một căn phòng nhỏ chỉ mở cửa vào lúc chia cơm. Không còn được làm vườn, nấu ăn, không cả sách báo tập viết. Một mình giữa 4 bức tường là một thách thức không nhỏ. Vừa rồi tôi nhận được tin là anh Phương, một người tù chính trị cũng ở phân trại 1 trại giam Xuân Lộc, cách đây một vài tháng bị chuyển từ khu chung xuống biệt giam ở khu cách ly giống anh Thức. Chưa đầy một tuần sau anh đã đập đầu tự tử vì quá bức bách. Nhưng cũng may anh được cấp cứu kịp thời. Thời gian ở khu chung trước khi về, tôi cũng quen biết anh Phương. Anh đã ở tù 12, 13 năm rồi, không có người thăm nuôi nên anh sống bằng cách giặt đồ thuê. Tính anh vui vẻ cởi mở nên được nhiều người thích. Án của anh hình như là 16 năm.

Thức là người luôn tìm được cách cân bằng tinh  thần của mình trong mọi hoàn cảnh để không bị rơi vào trạng thái tiêu cực, luôn tìm được nguồn an lạc từ trong cho dù xung quanh là những điều không thuận lợi. Thời tạm giam ở B34 còn khắc nghiệt hơn nhiều nhưng anh vẫn ra khỏi đó với một tinh thần tươi mới và những bài thơ thật hào khí và lãng mạn. Nên tôi tin rằng hiện giờ anh cũng không buồn. Tuy vậy vẫn không khỏi chạnh lòng vì biết anh đang rất nhớ nhà, nhớ những người thân thương, nhớ bạn bè và quê hương đang còn thổn thức. Giao thừa này tôi sẽ thức cùng bạn vì lúc đó bạn sẽ thả hồn theo đất nước để làm một bài thơ khai bút đầu xuân.

Mừng năm mới Quý Tỵ, nguyện ước cho tự do của anh và cũng nguyện làm hết sức mình để anh sớm trở về.

©Lê Thăng Long
27 Tết Quý Tỵ 2013 

4 Phản hồi cho “Về một con người trong tù”

  1. Trung Kiên says:

    @ Anh Lê Thăng Long

    Bạn “tù” được trả tự do dĩ nhiên là mừng rồi. Nhưng “người đồng chí hướng” thoát cảnh tù tôi lả càng mừng hơn…CON ĐƯỜNG VIỆT NAM sẽ có thêm người góp tay…

    Tôi hi vọng là anh Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung và những người khác sẽ lần lượt được trả tự do trong thời gian sắp tới!

    TRIỆU CON TIM

    Mẹ Việt Nam đau.
    Hãy biết yêu quê hương Việt Nam
    Hãy biết đau nỗi đau người dân
    Triệu con tim cùng bước tới
    Chúng ta là giòng giống Lạc Hồng

    Chúc các ANH vững tiến và CON ĐƯỜNG VIỆT NAM sẽ ngày càng mở rộng…

  2. Mọi người VN bảo rằng đất nước VN khủng hoảng lãnh đạo. Vì thế chỉ có đồng chí X mới có khả năng lãnh đạo dân tộc VN. Nhưng đồng chí X muốn lãnh đạo đất nước VN càng lâu càng dài, thì chỉ có cách là chôn vùi nhân tài trong những nhà tù rùng rợn. Anh Thức sinh ra trong bối cảnh độc tài khó lay chuyển, vì nó ăn sâu trong lòng đất dân tộc. Muốn bứng những thứ cỏ mọc hoang như đồng chí X, đâu phải dễ. Loại cỏ phá mầu mở như đồng chí X, mọc và bám sâu vào lòng đất mẹ, vì thế sinh ra những cảnh đời éo le khó tả. Thằng ngu thì lên làm thủ tướng, thống chế giỏi thì chịu kiếp làm đở đẻ. Kẻ ba hoa khoác lác nịnh đầm như Phùng Quang Thanh thì được ngôi vị là bộ trưởng bộ quốc phòng. Nếu so hai nhân vật ông Giáp và ông Phùng Q.T, thì ai có khả năng đở đẻ. ön Giáp ra đời không gặp thời nên ở một vị trí đặc biệt, DC Phùng gặp thời vận nên được DC X tin dùng, nên có cơ hội cầm kiếm và nịnh đầm. An nhiên tự tại kế vị Trần Hưnh Đạo. öng Sang Và ông Trọng cũng muốn đưa ông Thanh Đà Nẳng ra thay thế đồng chí X, làm thủ tướng để thay đổi bộ mặt chế độ, một chế độ chỉ nghĩ tiền và nhóm lợi ích, chuyện làm chuyện tồi bại, cướp đất của dân nghèo để xây dựng đô thị Ecopark, chủ đứng đầu đô thị này còn mờ ám, có bàn tay ái nữ trong giòng họ quyền lực đồng chí X xen vào.

    Dân tộc VN đã đoán trước, dân tộc VN chỉ dùng những đứa bất tài như đồng chí X, thằng ngu thì chơi trò dạy đời, thằng khôn thì bị bắt buộc nghe theo nhưng lời ngu dốt của thằng ngu. Những thương hiệu mà đồng chí X lập ra so với thương hiệu Đại Hàn Samsung, thì cho ta thấy những yếu kém rõ rệt của đồng chí X. Nhưng nếu thương hiệu này được quản lý của anh Thức, thì sẽ trở thành nỗi tiếng như thương hiệu Samsung. Nhưng Anh Thức khó trở thành người điều hành đất nước để trở thành vị thủ tướng tài ba của nước nhà vì xã hội VN, cỏ xấu đã mọc khắp đất nước. Ngay ông Nguyễn Bá Thanh, một người kiểu mẫu của thành phố Đằ Nẳng, con bài cứu nguy đảng vẫn bị trù dập. Anh Thức làm sao qua cửa ải đầy cỏ xấu của đồng chí X. Anh Thức bị tù vì anh có tài mà chữ tài liền với chữ tai một vần. Đồng chí X chơi theo kiểu bụi đời là giết chết nhân tài đất nước để một mình đứng vững trong một cỏi; cái cỏi vô vọng, tràn ngập nhiều mâu thuẩn đang làm khổ đồng chí X ham tiền

  3. kenny says:

    Tai sao lai giam giu nhung nguoi nhu Duy Thuc , mot tri thuc cua XH, mot nhan tai cho dat nuoc , mot ruong cot cho to quoc va gia dinh .Chac chan la khong the giet chet duoc tinh than mot nguoi nhu Thuc , nhung bon CS da lam mai mot di mot ke si cua thoi dai. Day la toi ac ma troi khong dung , dat khong tha.

  4. Hoa Mai says:

    Tôi chỉ biết anh Lê Thăng Long khi xem đoạn phim trên TV lúc anh ra toà và trả lời câu hỏi của toà án : “Gia đình anh là gia đình cách mạng, sao anh không giữ truyền thống đó” , anh trả lời ” thì tôi vẫn giữ truyền thống gia đình đó chứ”. Thái độ rất bình thản, khôi hài đáng ngạc nhiên. Qua bài viết của anh LTL tôi lại càng kính trọng anh Trần Huỳnh Duy Thức, anh quả thực là ngôi sao bị nhốt.

Leave a Reply to kenny