Cảm nghĩ và nỗi lo
Nhân đọc bài “Thử tìm cơ chế đặc thù cho ban nội chính…” trên trang n/v Phạm Viết Đào của ông mang bút danh Trường Sơn nào đó, những suy nghĩ miên man về thực trạng của đất nước, về cấu trúc và bản chất của thế chế chính trị nước nhà, và những quyết tâm đầy sắt đá của đảng trong cuộc chiến chống tham nhũng do ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu của đảng làm chủ thuyết, cứ chảy dài ra trong nỗi lo âu…
Tôi suy nghĩ về một số đời Tổng bí thư của đảng. Bắt đầu từ ông Lê Duẩn. Chẳng hiểu trong cuộc chiến tranh chống Mĩ và thống nhất đất nước, ông đã có những công trạng gì với dân, với đảng. Nhưng trong công cuộc xây dựng và chấn hưng đất nước, ông đã đẩy đất nước này vào thảm trạng vô chủ và đói nghèo đến quệt quệ bởi tư tưởng và phạm trù “làm chủ tập thể”, “chuyên chính vô sản” do mấy ông lí luận gia cao siêu của đảng nhưng lại mù lòa xui dại như ông Hoàng Tùng, Nguyễn Đức Bình…Trong ý nghĩa ấy, ông và những kẻ a tòng với ông là có tội với đất nước, với dân tộc đầy dũng cảm, thông minh và cần cù này.
Tổng bí thư Nguyễn văn Linh, trong cơn khốn cùng của đất nước vào những năm của thập niên 80 đã có được hành động đầy sáng tạo: quyết định đổi mới đất nước theo chủ thuyết không tuyên chiến, không xóa bỏ chế độ sở hưu tư nhân nữa. Về lí thuyết, đó chính là quá trình phục hồi Tồn Tại, lịch sử từ trạng thái vô chủ, vô thân sang hữu thân, hữu ngã, có chủ. Nhưng quá tiếc rằng ông chỉ sử dụng nó như một phương tiện-mà không nhìn thấy đây là cứu cánh của một học thuyết trị quốc mới-để cứu nguy, để hóa giải tình thế cho con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà ông đang tôn thờ
Tuy chỉ sử dụng nó như một công cụ tạm thời nhưng đất nước này cũng đã hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Trên cái nền kinh tế non trẻ, đầy sức sống mới cùng với tư duy hội nhập quốc tế ấy, ông Đỗ Mười đã thúc đẩy được sự phát triển của nền kinh tế thị trường tương đối đầy đủ với các thị trường thành phần và các bộ phận cấu thành nó; ông đã đẩy mạnh việc cổ phần hóa một loạt các doanh nghiệp nhà nước để lại ở thời kì bao cấp kéo dài. Đó chính là cơ sở cho sự phát triển nền kinh tế đất nước trong nhiều năm sau đó.Nhưng có thể do tuổi tác đã cao lại bị các nhà cố vấn chính trị với cái nhìn của những đầu óc cơ hội và nô bộc tham vấn, nên ông đã không nhìn thấy được tầm quan trọng có tính sống còn trong việc cần phải đổi mới từng bước cái cơ chế chính trị: “đảng lãnh đạo-nhà nước quản lí…” đầy tính đảng trị để thích ứng với một hiện thực đã biến đổi.
Nông Đức Mạnh xuất hiện trong vai trò người đứng đầu của đảng, có thể đây là lần đầu tiên trong tư cách ấy, ông đã có suy nghĩ về những hạn chế và hệ lụy của cái cơ chế chính trị nói trên đối với tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước .Và ông đã đi đến quyết định hành động cải biến nó theo hướng dân chủ: xóa bỏ 2 ban của đảng-mà một thời, cũng từ những cấu trúc quyền lực này, ông Lê Đức Thọ một mình đã làm mưa làm gió-và hạn chế ở mức có thể sự can thiệp của đảng vào các công việc của nhà nước và chính quyền các cấp. Tôi cho rằng đây là một hành động mang tính lịch sử trong phạm vi nước nhà, và nó có ý nghĩa cũng chẳng kém gì so với công cuộc đổi mới nửa chừng mà ông Nguyễn Văn Linh đã làm.
Có thể rồi đây các nhà viết sử như ông Dương Trung Quốc sẽ phải nhắc đến ông như một sao sáng vụt lóe trên bầu trời chính trị VN.
Tiếc rằng việc làm sáng tạo có tính lịch sử này của ông đã không được ai nhìn nhận thấy ngoài mặt tiêu cực phái sinh của nó, thậm chí còn bị rất nhiều ý kiến bác bỏ, dèm pha như Trương Duy Nhất, Dương Đức Quảng, Minh Diện…khi đánh giá về ông!
Cái hạn chế trong hành động biến cải của ông chính là ở chỗ khi quyền lực của đảng bớt dần đi, ít can thiệp vào những công việc có tính ứng dụng của cơ quan lập pháp và hành pháp thì ông lại không định hình được tư tưởng cần trao quyền lực đó cho nhân dân, và quyền lực nhà nước cần phải được kiểm soát từ một hệ qui chiếu mới…
Tiếc rằng, ông Nguyễn Phú Trọng, với tư duy giáo điều, kinh viện được vun đắp từ trường “dòng” đã không thể nhìn thấy cái điều cần khắc phục, và nên phải tiếp nối sự nghiệp của người tiền nhiệm của mình, ông đã đi đến quyết định tái hiện lại một lịch sử đau đớn đã qua bằng việc tái lập 2 ban tw, và củng cố quyền uy của đảng.
Ôi, bi kịch của lịch sử là ở chỗ nhiều người trong đảng không nhìn thấy đảng đang lâm nguy, cần phải “cứu chuộc” theo hướng dân chủ: tăng quyền lực cho nhà nước, và kiểm soát nó cũng bằng chính những bộ phận của quyền lực nhà nước và quyền lực của nhân dân thông qua Hiến pháp dân chủ, qua báo chí tự do và xã hội dân sự phát triển, thì lại ca ngợi, tung hô, hiến kế và quyết định gửi gắm chút niềm tin ít ỏi còn lại vào nó như ông Trường Sơn với bài viết sặc mùi nhà nước hóa đảng theo tư duy chuyên chính, đảng trị và cũ rích này.
Tôi có nghe ở đâu đó có lời nói rằng, nếu lịch sử lần đầu là một bi kịch, thì việc lịch sử tái diễn lại lần 2 sẽ là một tấn bi hài. Chẳng biết rồi đây danh ngôn này có vận vào lịch sử chính trị nước nhà nữa hay không…?
Ôi, có lẽ đất nước này còn quá nhiều trình tư duy như cái ông Trường Sơn này chăng? Nếu quả có như thế sẽ là mối lo ngại còn nặng hơn, nguy hiểm hơn nghìn lần hậu quả do tham nhũng đem lại cho đất nước này mà nhiều triệu người dân đang rất bức xúc, và căm ghét nó.
Sự căm ghét, bức xúc này của dân chúng đã không được các nhà lãnh đạo cao cấp của đảng đáp ứng theo cách tiếp tục sự nghiệp sáng tạo lịch sử của cựu Tbt Mạnh mà bằng phương pháp đẩy mạnh điều tra,xét hỏi, bắt bớ tù đày từ một uy quyền tối thượng để từ đó có thể làm trong sạch đảng và xã hội theo tâm lí của những người nông dân sản xuất nhỏ, và duy ý chí. Điều đó có thể rồi đây sẽ lại là điều đáng tiếc giống như cảm xúc sám hối mà cựu phó thủ tướng Vũ Khoan đã gặp phải trong những ngày đầu năm vậy.
Đầu năm tôi biết người ta chỉ nên đến với nhau bằng những lời chúc an khang, thịnh vượng. Một cảm nghĩ đầy nỗi lo âu và phê phán như thế này, quả thực, vẫn biết, chẳng hay tí nào…!
Ngày 5 tháng giêng. Xuân Qúi tị
© Nguyễn Huy Canh
Theo Quechoa