Di sản tư tưởng chính trị Hy Lạp-La Mã: Sự suy tàn của các Thành Quốc ở Hy Lạp (II)
Sự suy tàn của các Thành Quốc ở Hy Lạp (I)
Trần Thanh Hiệp, LS
II.- Suy tàn để mở đường đi vào tương lai
Cách đây 6 năm, hai giáo sư về cổ học tại Đại học Pacific Lutheran University of Tacoma là ông Eric D. Nelson và bà Susan K. Allard-Nelson (triết gia, chuyên khảo về Aristote) đã gọi biến cố suy tàn của các Thành Quốc, xảy ra vào thời điểm nửa phần đầu thế kỷ thứ IV trước Công Nguyên (CN) ở Hy Lạp, là “buổi hoàng hôn chói sáng”. Dưới mắt hai nhà giáo dục này, “văn hóa Hy Lạp là nền móng của xã hội tân tiến ngày nay” ở phương Tây. Cũng đi cùng chiều với cách nhìn lại quá khứ này là nhận định, theo đó, sự suy tàn của các Thành Quốc nói trên không phải chỉ là một sự tự băng hoại đơn thuần. Mà là một biến thái để mở đường đi vào tương lai. Tại sao lại có hiện tượng chuyển hóa lịch sử “hoàng hôn chói sáng” ấy, và nó đã diễn ra như thế nào?
1. Thời thế tạo anh hùng nhưng anh hùng cũng tạo thời thế
Nếu có thể gọi ngày tàn của các Thành Quốc ở Hy Lạp là một “buổi hoàng hôn chói sáng” thì cũng có thể đặt tên cho ngày các Thành Quốc ấy xuất hiện trên đất Hy Lạp là “buổi rạng đông rực rỡ”. Đây không phải là một thủ thuật thậm xưng, nói quá mức để làm cho câu văn thêm hấp dẫn, không cần biết cách mô tả này đã phản ánh đúng hay sai sự thật. Phải tránh không đánh giá vội vã bút pháp nói trên chỉ thuần về mặt ngữ nghĩa, mà phải bỏ công thâu thập, suy nghĩ để cân nhắc các sự kiện đã diễn ra trong cuộc sống thực tế tại các Thành Quốc ở Hy Lạp vào thời điểm từ giữa thế kỷ thứ VII đến giữa thế kỷ thứ IV trước CN, thì mới thấy được rằng bút pháp ấy, bằng hình ảnh, đã nêu lên được ý nghĩa lịch sử rất đặc biệt của xã hội Hy Lạp ở vào giai đoạn tiếp liền theo sau thời thái cổ. Và thêm vào đó, còn hiểu rõ được vì sao những ảnh hưởng sâu rộng của cuộc sống ấy đã được ghi khắc khắp các mặt, khoa học, văn học, nghệ thuật, chính trị v.v…vào tiềm thức các xã hội tân tiến hiện đại trên thế giới ngày nay, không riêng gì trong vùng Địa Trung Hải và vùng tiếp giáp của ba châu Âu, Á và Phi.
Để cảm chiêu được với những người Hy Lạp thời các Thành Quốc – tiếp theo liền ngay sau thời thái cổ – thì trong hành trang du hành ngược dòng thời gian, thông qua sự tương tác giữa con người và các biến cố – cái thường được gọi là mối liên hệ giữa “thời thế và anh hùng” – ngoài khán pháp lạnh lùng của sử học, còn phải mang theo sự rung cảm nồng nàn và đa dạng của những tâm hồn những người Hy Lạp đã viết ra những trang sử Hy Lạp, một thời, dưới sự thúc đẩy của tình người, biểu hiện qua sự sợ hãi, óc trọng danh dự, lòng vị kỷ, tham vọng quyền lực, tất cả hòa quyện với nhau trong tâm trạng dưới dấu ấn của lý trí nhưng vẫn còn vương vấn với sức mạnh của thần quyền, sự nghiệt ngã bi thảm của số mệnh, những khổ đau của đời sống con người, những khát vọng công lý giữa cuộc đời v.v…
Nhìn sự việc dưới góc độ như vậy thì tất yếu đã phải thấy “bình minh rực rỡ” và “hoàng hôn chói sáng”, những hình ảnh giữ lại cho hậu thế một nếp sống đặc thù của một tập thể người, đã phát minh ra sự tự do vừa cá thể vừa tập thể, đã biết tổ chức cuộc sống chung để thử nghiệm sâu sắc hai thứ tự do đó mà ngôn ngữ thời đại bây giờ gọi là “văn minh Thành Quốc”.
Trên dòng thời gian, các sự việc đã thành tựu như thế nào?
Cho đến gần giữa thế kỷ thứ IV trước CN, văn minh Thành Quốc đã tạo ra được một khung cảnh xã hội trong đó người dân Hy Lạp đã sống cả một thế kỷ văn hóa nở rộ, với những sáng tác phẩm đủ loại, văn học, khoa học, triết học, nghệ thuật, hội họa, đồ gốm, kiến trúc v.v… Nhưng cuộc sống này đã không diễn ra một cách êm ả trong xã hội mà nhiều lúc đã phải đắm chìm trong tranh chấp, loạn ly…
Thời thế biến đổi, con người biến đổi.
Về thời thế, văn minh Thành Quốc đã đạt được thành quả cụ thể là sự phát triển về mọi mặt quân sự, chính trị, văn hóa, thương mại, những yếu tố mang lại kích thích mới cho cả vùng đất giao tiếp với bán đảo Grecia (Hy Lạp). Phong cảnh chính trị, xã hội của vùng này một thời nở rộ như phép lạ, với các Thành Quốc, đã không tồn tại mãi mãi. Chiến tranh, thương mại đã khiến cho các Thành Quốc trước đó biệt lập nay trở thành liên lập dưới nhiều hình thức. Ngoài ra, trong tình huống ấy, tham vọng bá quyền tất nảy sinh và dẫn tới xung đột võ trang nội chiến. Một số Thành Quốc hàng đầu của Hy Lạp như Athènes, Sparta, Corinthe, Thèbes v.v… lúc hợp, lúc tan đánh chiếm lẫn nhau.
Thời thế này đã là cơ hội cho anh hùng xuất hiện để lãnh đạo cuộc tái phân phối quyền lực, thay đổi trật tự chính trị trong xã hội. Cơ cấu Thành Quốc, những thực thể chính trị tự trị, tự túc, tự cấp, với tuổi thọ gần hai thế kỷ dần dần mất đi địa vị độc tôn để nhường bước cho sự ra đời của những cơ cấu tập quyền mới mà cuộc thay đổi trật tự đòi hỏi. Mặt khác, xu hướng dân chủ lại bị xu hướng độc đoán quân phiệt, quả đầu chế (oligarchique) đẩy lui ra khỏi vũ đài chính trị. Thời thế ở Hy Lạp, vào thời điểm đầu thế kỷ thứ IV trước CN, chẳng khác gì một màn tuồng bi hài kịch được trình điễn trên sân khấu (đó cũng là cách nhìn cuộc đời phổ thông, giữa những người Hy Lạp).
Ba hồi của vở tuồng này là 3 cuộc chiến tranh – hai nội chiến, một viễn chinh – đã nhào nặn lại cơ cấu Thành Quốc rồi làm thay đổi hẳn hướng diễn biến của lịch sử Hy Lạp.
Cuộc chiến tranh thứ nhất là cuộc đánh chiếm toàn cõi Hy Lạp, diễn ra nhiều đợt, của Philippe II, vua nước láng giềng ở phương Bắc, Macédoine. Được cha là vua Amyntas III truyền ngôi, Philippe II đã đột xuất như một anh hùng cứu quốc, đối nội dẹp loạn phân ly tại các vùng, thống nhất nội trị. Đối ngoại, mở rộng biên cương cho Macédoine bằng những trận chiến quân sự, phá bỏ vòng vây của các lân bang thù địch, kiểm soát những vùng bờ biển cần yếu để thông thương với nước ngoài, khai thác các mỏ đồng, mỏ bạc kiếm lời gây công qũy. Hai thành tích to lớn của Philippe II là, một, đánh chiếm để, từ đó, thống nhất được Hy Lạp và, hai, cải tổ bộ binh và kỵ binh, chế tạo vũ khí mới, hoàn thiện binh thuyết, xây dựng cho Macédoine một quân đội thiện chiến và hùng mạnh đứng bậc nhất trong vùng.
Sau hết, Philippe II còn mưu tính nhiều dự án trong đó có cuộc viễn chinh đánh chiếm Đế quốc Ba Tư (Perse), giàu mạnh, mà lãnh thổ trải rộng ra tận lưu vực sông Indus ở Ấn Độ ở phía Đông, xuống tới Ai Cập (Egypte), Hy Lạp ở phía Nam…
Trong chừng mực đó, người ta có thể nói rằng Philippe II là người anh hùng tuy do thời thế tạo nên. Nhưng đồng thời, ngược lại, Philippe II cũng đã góp phần thay đổi thời thế, tạo điều kiện mở mang bờ cõi cho Macédoine, thống nhất Hy Lạp, quy tụ các lực lượng lẻ tẻ trong vùng, họp thành một chủ lực có khả năng tranh thắng với Đế quốc Ba Tư. Philippe II, như vậy, là đã mở ra những triển vọng mới về tương lai, những triển vọng có ý nghĩa thời thế mới cho những tác nhân lịch sử mới, những triển vọng không thể triển khai nếu không có bàn tay của Philippe II.
Cuộc chiến tranh thứ hai là cuộc nội chiến giữa hai Thành Quốc hàng đầu của Hy Lạp là Sparte và Athènes. Hai Thành Quốc này, tranh giành nhau bá quyền, đã thử thách nhau qua hai đợt xung đột võ trang gây ra cho Hy Lạp thảm cảnh chinh chiến trong 26 năm (430-404 tr.CN). Rốt cuộc, Athènes đã thảm bại phải đầu hàng Sparte. Biến cố nội chiến này đã khiến cho những ánh hào quang rực rỡ của các Thành Quốc tắt dần cho đến khi cuộc chiến tranh thứ ba – cuộc viễn chinh đánh chiếm Đế quốc Ba Tư nổ ra – thì đã không còn bóng dáng các Thành Quốc trên đất Hy Lạp nữa.
Bị ám sát chết khi còn đang trị vì, Philippe II đã phải bỏ dở việc thực hiện dự tính đánh chiếm Đế quốc Ba Tư này. Sứ mệnh viễn chinh ấy đã được trao lại cho con trai của Philippe II là Alexandre III, mà Philippe II đã lo tính đào tạo từ thời thơ ấu cho thành một nhà lãnh đạo văn võ toàn tài. Với dụng ý đó, Philippe II đã gửi Alexandre III đi thụ huấn về quân sự, mời Aristote vào vương cung dạy dỗ cho thái tử Alexandre III. Để sau này sẽ thành một nhà lãnh đạo hàng đầu, một người Hy Lạp gương mẫu và, nhất là thành một ông vua anh hùng, “Vua của các Vua”, một “Vua của Thế giới”. Philippe II đã nuôi chí lớn này cho con mình khi nó chỉ mới 12 tuổi mà đã trị được con ngựa quí Bucéphale, bất kham, không cho ai cưỡi. “Con phải lập được một nước khác, xứng đáng với con hơn, nước Macédoine này không đủ cho con cai trị”. Philippe II nói với Alexander III như vậy khi Alexnder III trên mình ngựa Bucéphale nhảy xuống đất.
Và Alexandre III, 20 tuổi, đã lên ngôi nối nghiệp cha. Nhưng Alexandre III đột xuất như một thiên tướng (giống như Phù Đổng Thiên Vương ở Việt Nam). Điều không ai có thể ngờ là Alexandre III đã lưu lại cho hậu thế một sự nghiệp danh tiếng vang lừng bốn bể. Sự nghiệp của Alexandre III đối với dân chúng là huyền thoại “A Lịch San Đại Đế”, được lưu truyền qua các thế kỷ nhưng phong cách của người vua anh hùng vĩ đại này đã vượt ra ngoài sức tưởng tượng. Chỉ mới trên 20 tuổi mà Alexandre III, sau khi bình định xong vương quốc của mình, đã đem quân lên đường viễn chinh, thực hiện giấc mộng không thành của vua cha là đánh chiếm Đế Quốc Ba Tư. Mối thù Macédoine, Hy Lạp bị Đế Quốc Ba Tư hai lần tới xâm lăng phải trả. Alexandre III đã ra quân dưới ngọn cờ giải phóng tất cả những ai đã phải làm nô lệ cho Đế Quốc Ba Tư. Khởi đầu bằng cuộc đánh chiếm Ai Cập, Alexandre III, từ nay là Alexandre le Grand, A Lịch San Đại Đế, đem quân đi tìm bắt vua Ba Tư là Darius, “vua của thế giới”. Trong trận đánh đẫm máu tại Gaugamènes, năm 331 trước CN, với quân số chưa được bằng nửa quân số của Darius, A Lịch San Đại Đế đã phá tan quân của Darius và khiến cho Darius phải bỏ chạy lên vùng núi Echatane ở phía Đông. A Lịch San, được ba quân tôn lên làm Vua của châu Á, như một danh tướng – với dân chúng thì A Lịch San là một thiên tướng – tiến quân đánh chiếm thêm nhiều địa danh khác của Ba Tư như Babylone, Suse, Persépolis. Tuy thắng trận nhưng A Lịch San vẫn để cho những người cầm quyền những vùng này được tại chức, chỉ đặt họ dưới quyền kiểm soát của người Macédoine. A Lịch San bây giờ coi như là vua của thế giới, tiếp tục tiến quân lùng bắt Darius cho đến khi trên đường tháo chạy, Darius bị các thuộc hạ giết. Nên A Lịch San chỉ còn thấy được Darius hấp hối trước khi nhắm mắt và được A Lịch San làm lễ mai táng với nghi lễ như khi Darius còn vương quyền.
Nhưng cái chết của Darius đã không làm cho A Lịch San Đại Đế phải dừng bước. Trên lưng thần mã Bucéphale, thiên tướng A Lịch San vẫn muốn tiến quân. Nhưng quân của thiên tướng lại chỉ muốn trở về quê nhà ở Macédoine, ở Hy Lạp. “Quê hương của chúng ta bây giờ là Babylone”, A Lịch San Đại Đế đã trả lời như vậy khi nghe thấy những lời nài xin hồi hương của quân lính. Và đoàn quân viễn chinh lại tiếp tục cất bước cho đến khi nó đặt chân lên vũng lưu vực sông Indus ở Ấn Độ. Như vậy là ròng rã hơn 8 năm, A Lịch San Đại Đế đã đưa quân vượt hơn mười sáu ngàn cây số, ôm ấp mộng lập nên một vương quốc thống nhất Đông với Tây. Nhưng đến ngày 10 tháng 6 năm 323 trước CN, A Lịch San Đại Đế từ giã cõi đời tại Babylone ở tuổi 33. A Lịch San Đại Đế, người anh hùng trong vòng chỉ có 10 năm, đã vẽ lại bản đồ thế giới, lập nên một đế quốc mới, mênh mông nhưng chỉ hiện hữu nhờ thiên tài của A Lịch San và đã sụp đổ khi danh tướng này không còn trên đời nữa. Vùng đất mới mà khối óc cùng bàn tay của A Lịch San tạo dựng đã bị các thuộc tướng đem ra chia cắt thành nhiều mảnh… Nhưng sự băng hoại vật thể này đã không phá vỡ được những chiến tích tinh thần to lớn của A Lịch San Đại Đế khi người anh hùng này đã chinh phục được gần như cả thế giới văn minh để góp phần thay đổi hướng diễn biến của lịch sử nhân loại.
2. Tương lai đi về đâu?
Những ánh sáng của buổi rạng đông rực rỡ đã mờ nhạt trên các Thành Quốc để nhường chỗ cho buổi hoàng hôn chói sáng, cửa ngõ của một không gian chính trị-xã hội Hy Lạp mới, điểm khởi đầu cho một giai đoạn lịch sử Hy Lạp mới. Giai đoạn được gọi là “Hy Lạp hóa” (hellénistique)*. Hay cũng có thể tạm gọi là giai đoạn hậu-A-lịch-San. Vì nó đã ra đời sau cuộc viễn chinh mười năm của A Lịch San Đại Đế. Hai hình ảnh “rạng đông rực rỡ” và “hoàng hôn chói sáng” được kết hợp lại với nhau để diễn đạt ý kiến theo đó, A Lịch San Đại Đế đã đưa nước Macédoine và các Thành Quốc biệt lập của Hy Lạp lồng vào trong một không gian mở rộng gồm có nhiều phần đất của châu Phi, châu Âu và châu Á họp lại. Bởi thế đã không còn các Thành Quốc nữa vì những cơ cấu tự trị, tự túc này đã tự biến thành những hợp tố của một không gian xã hội rộng lớn hơn nhưng vẫn giữ được những đặc tính Hy Lạp tồn trữ trong các Thành Quốc nay đã mất đi hình thể cùng với danh xưng. Chất liệu nhân xã – công dân Thành Quốc – trước sống trong khuôn khổ cũ, chật hẹp và phân cắt nay trở thành công dân thế giới trong một không gian xã hội mới, đa nguyên, đa dạng, mở cho những người dân mang tên Hy Lạp những chân trời văn hóa, chính trị mới. Vì họ phải đổi mới ngôn ngữ, cách sống riêng và sống chung, nói tóm lại, họ đã bước những bước đi mới theo hướng tiến bộ, họ đã tự biến thành những người Hy Lạp văn minh. Bởi thế, buổi hoàng hôn của các Thành Quốc mới là buổi hoàng hôn chói sáng và giai đoạn hậu A-Lịch-San mới là giai đoạn Hy-Lạp-Hóa.
Giai đoạn Hy Lạp Hóa này là giai đoạn của những biến cố hậu quả của cuộc viễn chinh của A Lịch San Đại Đế, những biến động đã làm cho văn minh Hy Lạp, cho đến thời Thành Quốc, thấm nhuần những vùng đất mới bị đánh chiếm ở cả ba châu Âu, Á, Phi và được sáp nhập vào vùng Macédoine-Hy Lạp để Hy Lạp Hóa những vùng đó, với những mức độ khác nhau. Nhưng tất cả đều đặt dưới quyền thống trị của lớp qúy tộc Hy Lạp-Macédoine.
Cũng như các giai đoạn khác của lịch sử Hy Lạp, giai đoạn Hy Lạp Hóa nói trên là sự biểu hiện trung thành của, một mặt, sự tương tác giữa tình thế, con người và các định chế xã hội và, mặt khác, cách sống đặc thù của người Hy Lạp, nhớ lại quá khứ, tìm hiểu hiện tại và hướng về tương lai, luôn luôn đắm mình vào biến cố thay vì đứng ngoài quan sát rồi chịu đựng biến cố.
© Trần Thanh Hiệp
(18/7/2014)
Nguồn: Chuyển Hoá
Tôi có it ý-kiến :
(1) Có nhiều vua Darius, như tên được đề-cập trong bài. Có vua Darius của thời-kỳ người Do-thái bị lưu-đày 70 năm tại Ba-bi-lôn (khoảng 600-536 BC). Còn vua Darius như được nói trong bài, phải là vua Darius III, vị vua cuối-cùng của dòng họ này, mà A-lịch-sơn đã lấy con gái (công chúa) của Darius III.
(2) Tôi không đồng-ý với phần kết-luận của tác-giả, nghe có vẻ ” sáo “. Tác-giả viết : ” …giai-đoạn lịch-sử nói trên là sự biểu-hiện trung-thành của …, mặt khác, cách sống đặc-thù của người Hy-lạp, nhớ lại quá-khứ, tìm-hiểu hiện-tại, và hướng vào tương-lai …”. Không ai cấm lối viết hùng-biện, nhưng phần được đánh giá cao phải là những nhận-định hợp-lý và sâu-sắc. Những điểm nhấn mạnh trên hầu như là điểm chung của mọi dân-tộc, không thể gọi là đặc-thù được. Nếu một dân-tộc không nhớ lại quá-khứ, không chịu tìm-hiểu hiện-tại, không hướng về tương-lai thì mới là một dân-tộc đặc-biệt, có những nét đặc-thù khác đời.
(3) Câu chót ” luôn luôn đắm mình vào biến-cố, thay vì đứng ngoài quan-sát rồi chịu-đựng biến-cố “. Tôi thật-sự không hiểu nổi câu này. Biến-cố lịch-sử luôn tác-động mọi người trong thời-điểm, kẻ bàng-quan cũng như người nhập cuộc. Tác-giả nói chung chung, không đưa ra cụ-thể ” số đông ” nào đắm mình (để là một nét đặc-thù của dân Hy-lạp), và dân-tộc nào ( nói về số đông) thích đứng ngoài quan-sát.
NƠI KHỞI NGUYÊN VÀ NƠI KẾT THÚC CỦA XÃ HỘI CON NGƯỜI
Nơi khỏi nguyên của xã hội con người là xã hội dân sự. Có nghĩa là xã hội công dân tự do.
Nhưng với đà lớn lên của nhân số và sự xuất hiện của các công cụ bạo lực được dùng cho quân sự, đã có các chế độ tập quyền ra đời với các quy mô lớn nhỏ khác nhau tùy theo hoàn cảnh, trường hợp và điều kiện mỗi nơi. Đó là sự hình thành nên các nhà nước phong kiến, quân chủ, hay kể cả các đế quốc hùng mạnh những thời nào đó. Điều này từ Đông sang Tây đều có cả. Phương Đông tiêu biểu nhất là Ấn độ, Trung hoa. Phương Tây tiêu biểu nhất là Hy lạp, La Mã. Các vùng Trung Á hay Cận Đông cũng không thoát ra các quy luật như thế.
Nguyên do là tại sao ? Đó cơ bản là do lý trí, tình cảm, bản năng của con người.
Tình cảm là yếu tố ràng buộc con người với nhau. Tình cảm chi phối rất nhiều các hoạt động xã hội trong thế giới loài người.
Lý trí con người phát triển qua thời gian. Lý trí là sự nhận thức từ thấp lên cao. Lý trí là động lực lựa chọn các hành động của con người. Lý trí có thể nâng con người lên cao, mà cũng có thể hướng con người đi theo các tham vọng được hướng dẫn do các bản năng và tình cảm. Xã hội như vậy là môi trường hay yếu tố trung gian giúp liên kết con người lại với nhau mà cũng là yếu tố khống chế, nô lệ con người lẫn nhau.
Sức mạnh chi phối xã hội luôn luôn là sức mạnh của bạo lực là chính yếu.
Bạo lực cá nhân dựa trên bạo lực xã hội hay bạo lực kết hợp bằng hệ thống tổ chức chặt chẽ bởi nhiều người. Đó chính là nguyên tắc nhà nước hay nguyên tắc chính quyền mà từ khi nó được hình thành đến nay đều cho thấy.
Một cá nhân, một nhóm không thể độc tài đối với toàn xã hội, chi phối, khống chế toàn xã hội, nếu nó không chiếm hữu, không lợi dụng chung được sức mạnh của nhiều người cố kết, tổ chức cùng nhau, hay biến toàn xã hội thành công cụ phục vụ cho nó.
Sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự của xã hội, một khi một cá nhân hay nhóm cá nhân khống chế hay sử dụng riêng được để phục vụ cho quyền hành của mình, của nhóm mình, nó thành kẻ độc tài và kẻ cầm quyền.
Bởi vậy sự khác nhau giữa thể chế tự do và thể chế dân chủ cũng từ đó phát sinh.
Chế độ độc tài là chế độ quyền hành không có đối trọng, tức không có lực lượng nào ngoài nó để kiểm soát, chế ngự nó.
Chế độ dân chủ thì hoàn toàn ngược lại. Đó là quyền hành toàn dân, quyền lực của các nhóm đối lập điều hòa hay hạn chế nó.
Tính cách tam quyền phân lập của những nhà dân chủ tư sản xã hội phương Tây đưa ra trong thế kỷ XVIII là để nhằm khống chế sự độc tài. Đây chính là nguyên lý dân chủ nền tảng nhất. Nó cũng là yếu tố quan trọng nhất để bảo đảm cho một xã hội dân sự được tồn tại thường xuyên và vững vàng, hiệu quả nhất. Nên bất kỳ khi nào nguyên lý tam quyền phân lập bị thủ tiêu toàn diện nhất thì khi đó chế độ độc tài cũng xuất hiện toàn diện nhất. Các chế độ độc tài kiểu phát xít, quốc xã, quân phiệt, độc tài kiểu cộng sản mác xít đều là những điển hình như thế. Khi đó mọi quyền hành nhân danh ý thức hệ đều tập trung về một mối, nằm trong tay đảng nắm quyền, trong tay cá nhân hay nhóm độc tài, xã hội dân sự bị tiêu hủy phần lớn, chỉ còn xã hội chính trị, quân nhân hay xã hội đoàn nhóm, xã hội bầy đàn được tổ chức chặt chẽ theo kiểu toàn trị. Có nghĩa xã hội khi đó là xã hội nô lệ, mọi cá nhân khi ấy là kẻ nô lệ cho cá nhân độc tài, cho nhóm độc tài.
Nhưng có lẽ xã hội phát xít, xã hội cộng sản mác xít là những hình thức độc tài cuối cùng của nhân loại. Chúng chỉ dựa trên nguyên lý tổ chức, nguyên lý tuyên truyền ngu dân, nguyên lý bạo lực để khống chế toàn xã hội.
Bởi vì khi khoa học kỹ thuật của loài người phát triển càng ngày càng nhiều, nền kinh tế càng được giải phóng mọi mặt, xã hội cũng lần lần được giải phóng mọi mặt, chính trị cũng qua đó mà được giải phóng lần, quyền lực xã hội do đó cũng được giải phóng nhiều hơn, mọi cá nhân càng được tự do hơn, nền dân chủ đa nguyên càng được củng cố, phát huy, tiến bộ, đi lên hơn, mọi chế độ độc tài phải tự nhiên chấm dứt vì chúng không còn có lý do hay nền tảng nào nữa, đó chính là ý nghĩa tại sao xã hội dân sự là giai đoạn cuối cùng của mọi sự phát triển cao nhất của nhân loại.
Các Mác chỉ là kẻ tăm tối nhìn gà hóa cuốc. Ông ta cho rằng kinh tế quyết định mọi yêu cầu phát triển của xã hội. Ông ta còn cho đó là hạ tầng cơ sở quyết định mọi loại thượng tầng kiến trúc. Bởi thế ông ta chỉ nhìn đấu tranh giai cấp là động lực của tất cả. Nhưng ông ta không chịu nghĩ cái gì mới là động lực bên trong của tất cả mọi sự. Đó chính là bản năng, tình cảm, lý trí của con người.
Chính những cái này chi phối kinh tế, làm kinh tế phát triển còn kinh tế bản thân nó chỉ là công cụ được sử dụng và được theo đuổi như là công cụ trung gian thế thôi. Khoa học kỹ thuật phát triển là do trí tuệ con người phát triển, hoàn toàn không phải do kinh tế chi phối. Kinh tế là điều kiện cần không phải là điều kiện đủ của khoa học kỹ thuật. Đấu tranh giai cấp chỉ làm xã hội hổn loan, làm trật tự xã hội không bền vững, không phải đó là động lực phát triển kinh tế như Mác tuyên bố một cách mê tín, nông cạn, hời hợt, dốt nát.
Nói chung phải luôn luôn nhìn vào yếu tố cá nhân con người, yếu tố xã hội con người để quyết định mọi hướng đi thực tế của xã hội. Không thể căn cứ theo những cái huyền hoặc, cái tưởng tượng, cái không có căn cơ quyết định để phán bừa mọi ý nghĩa hay giá trị lịch sử của xã hội.
Có nghĩa lý trí, bản năng, tình cảm vẫn luôn là ba yếu tố chi phối mãnh liệt nhất mọi đơn vị cá nhân hay mọi yếu tố tập thể xã hội. Lịch sử phát triển của loài người luôn quy theo cả ba yếu tố này trong tính cách chúng là điều hợp cùng nhau, hòa hợp cùng nhau hay là mâu thuẫn, nghịch lý và hoàn toàn chõi nhau.
Chính học thuyết Mác là học thuyết phi khoa học, phản khoa học vỉ nó bất chấp mọi yếu tố thực tế trong con người và trong xã hội để thay thế vào đó các yếu tố giả tạo cho nên thành phản xã hội, phi xã hội trong khi lại tự nhân danh là lý thuyết xã hội, là chân lý lịch sử, chân lý xã hội. Bởi vậy những yếu tố của học thuyết Mác gây ra cho xã hội loài người, cho mọi con người trong lành, cho hậu quả của lịch sử quả thật quá nghiêm trọng và lớn lao. Bởi vậy cân đối lại, Mác chính là kẻ tội ác của xã hội loài người về mặt học thuyết mà không phải vị cứu tính xã hội và lịch sử con người như những đầu óc ảo giác thường quan niệm một cách cuồng tín, mê lầm, và ảo tưởng.
Nên nói chung lại, ý nghĩa giải phóng thực tế của xã hội loài người là ý nghĩa của xã hội dân sự mà không phải xã hội quyền lực mọi loại như trên đã thấy. Con người đi ra từ xã hội dân sự và cũng phải quay về với xã hội dân sự hoàn toàn dân chủ, tự do và thủ tiêu mọi loại độc tài nghiệt ngã, phi lý và ngu xuẩn nhất mà cả loài người trong quá khứ đã từng phải chịu. Đấy cái khởi đầu và cái kết thúc của xã hội là xã hội con người hoàn toàn phát triển thoải mái và tự do chính là như vậy. Trong khi đó Mác cho rằng xã hội loài người từ cộng sản nguyên thủy đi ra và kết thúc quay về với xã hội cộng sản gọi là khoa học, thực chất chỉ là sự tưởng tượng huyền hoặc, nhảm nhí, và thật sự đều chỉ là hoàn toàn phi lý, điên dại và ngu ngốc. Bởi vậy chính sự hiện thực lịch sử trong thực tế đã trả lời cho mọi viễn tượng tiên đoán khùng điên của Mác. Nên nhà nước và quyền lực xã hội vẫn không bao giờ tự biến mất đi như Mác rồ dại tưởng tượng, mà nhà nước và quyền lực xã hội sẽ luôn tự nó thích nghi, dân chủ hóa, tự do hóa nhiều hơn, để nhằm phù hợp tốt hơn với xã hội dân sự của con người càng ngày càng tinh tế, phát triển, tiến bộ và hiệu nghiệm nhiều hơn thế thôi.
THƯỢNG NGÀN
(09/7/14)