Níu kéo những giờ vui
* Các bạn Xướng, Tường, Thọ, Phát, Vinh, Thành và Thành.
Cuộc ly tán lớn nhất của người miền Nam là 30/4/1975. Cuộc ly tán nhỏ hơn, bi tráng không kém và cũng của người miền Nam, là chia tay những người bạn khi lần lượt được ra khỏi lao tù cải tạo. Vì chia tay lúc nầy mỗi cuộc đời lại nổi trôi vô định, cho dù trên giấy ra trại cũng có địa chỉ nơi nầy hay nơi khác, nhưng khi tìm về gia đình thì có vô số trường hợp đã không còn lại một dấu vết nào. Với cụ Tú Xương bỡn cợt “khách hỏi nhà ông đến, nhà ông đã bán rồi, vợ lăm le ở vú, con tấp tễnh đi bồi” nhưng với người tù cải tạo về thì cay đắng rất nhiều. ‘Ông gõ cửa nhà ông, người lạ hoắc ra hỏi, “ông hỏi nhà ai đó?”, nhà ông đã mất rồi, vợ biệt tăm biệt tích, con vất vưởng phương nào’!
Thân phận của lớp người phe chiến bại là như thế nên khi tình cờ gặp lại nơi đất khách thì có hàng trăm chuyện để kể. Kể như không bao giờ dứt mà ngày thường vợ con có ‘cạy miệng’ cũng chẳng hé được nửa câu.
Chúng tôi hội ngộ trong dịp đám cưới con của một thằng bạn sau gần 30 năm từ ngày ra tù mà nhận diện được nhau đã là may mắn lắm.
Vợ chồng hắn từ miền Bắc xuống thành phố nơi tôi đang ở, tổ chức đám cưới cho con trai, mà lúc đi tù ba má cậu mới chỉ là tình nhân! Ngày đó cô nhân tình theo gia đình sang Pháp định cư. Trước khi đi cô đã sắp xếp mọi chuyện (kể cả kế hoạch vượt biên cho hắn sau nầy) nhờ người quen thay thế cô theo dõi, gửi quà cáp cho tình/tù nhân và thăm nuôi tận đất Bắc. Ra tù, hắn vượt biên như đã sắp xếp, thoát! Đến Hoa Kỳ còn chân ướt chân ráo lại bay sang Pháp làm đám cưới để sau cùng định cư tại miền Đông Bắc. Câu chuyện về một tình yêu thật đẹp và kết thúc ‘có hậu’ đã làm ấm lại ký ức của chuyện kể, một không gian lạnh lẽo đằng đẵng và tăm tối của năm tháng khổ sai.
Đứa khác là con của một tỉ phú miền Nam, phi công F-5E! Sau 1975 xưởng đúc lớn nhất miền Nam của ông bà cụ hắn bị cướp một cách rất tinh vi. Ngay sau ngày 30/4 cán bộ cộm cán từ Hà Nội vào tận nhà thông báo là ông bà cụ đã có tên trong danh sách đặc biệt, loại “tư sản mại bản” phải đưa đi cải tạo! Vì thế ông bà cụ hốt hoảng, năm lần bảy lượt gõ cửa giới lãnh đạo chóp bu thành phố, lo lót từng chặng đường để ra tận Hà Nội “xin khoan hồng”. Được nhà nước chấp nhận đơn “thỉnh cầu xin dâng hiến tài sản” nhưng hãng xưởng, nhà cửa, cơ ngơi đồ sộ đó sau khi “dâng hiến cho nhà nước” lại thuộc về sở hữu cá nhân, nằm ngay trên mặt tiền đại lộ Trần Hưng Đạo, Sài Gòn! Hắn là “giặc lái” F-5E nên biết rất rõ về đàn em, “anh hùng” Nguyễn Thành Trung, với phi vụ nội gián cho cộng sản Việt nam, thả bom dinh Độc Lập vào sáng ngày 8/4/1975, là người mới đây đã trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên trong nước, kể về chi tiết “kế hoạch tái chiếm Hoàng Sa”! Câu chuyện khá dài được dẫn chứng với rất nhiều nhân chứng sống, nhiều chi tiết khả tín và hấp dẫn, rồi hắn kết luận gọn: “Nó (Nguyễn Thành Trung) chỉ tổ bốc phét! Cỡ Chỉ huy trưởng Không Quân lúc bấy giờ còn chưa có kế hoạch chi tiết thì làm sao hạng ‘cất ké’ như nó biết được?” Ngày đó, 19/1/1974 tức 27 Tết, chính hắn và tổ F-5A (thời điểm nầy chưa có F-5E) đã đột ngột nhận lệnh bay khẩn cấp từ phi trường Biên Hòa ra Đà Nẵng, cấp bách đến độ không kịp chuẩn bị cả tư trang, nhưng chỉ biết đại khái là có kế hoạch đánh bom các tàu của Trung cộng, vừa sau trận hải chiến mà hải quân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa thất bại nên bị mất Hoàng Sa. Hắn chỉ nhận được tấm bản đồ do quân báo Biên Hòa cung cấp, còn chi tiết thì chưa có cụ thể! Đêm đó, cận Tết, trực ứng chiến ngồi uống rượu với nhau ngay tại phi trường Đà Nẵng. Loại uống rượu mang hơi hướm của một cuộc tiễn đưa như đội bay Thần Phong của Nhật thời thế chiến thứ II. Một đi không trở lại! Vì thế chuyện “anh hùng” Nguyễn Thành Trung được đăng trên báo Thanh Niên, có rất nhiều người cùng phi đoàn, phi đội F-5 lúc bấy giờ biết rất rõ. Đó là loại chuyện láo khoét, bịa đặt! [1] Đợi đến sáng hôm sau, được biết vì lý do kỹ thuật, nếu máy bay F-5A trang bị đầy đủ bom thì nhiên liệu chỉ đủ bay đến Hoàng Sa đúng 5 phút là phải quay về nên không thể thực hiện phi vụ ném bom các tàu Trung cộng quanh đó, cuối cùng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh hủy bỏ kế hoạch. Cô vợ cưới chưa được nửa năm của hắn ngày đó thì kể chuyện lo lót, từ việc xin giấy phép đi thăm nuôi chồng cho đến suốt hành trình lặn lội ra Bắc, với đầy đủ tính chất bi hài. Đến trại còn ‘mua được’ cả cán bộ văn hóa/giáo dục (công an phụ trách lo việc thăm nuôi của trại) để có thể kéo dài thêm giờ gặp mặt đôi chút.
Còn anh cựu quận trưởng quận Ngã Năm tỉnh Ba Xuyên, người may mắn ‘lọt sổ’ án tử hình, vì cả hai người tiền nhiệm và kế nhiệm anh là Thiếu tá Phan Văn Triệu và Thiếu tá Nguyễn Thành Lạng, sau ngày 30/4 đi trình diện “cải tạo” tại Sài Gòn, đã bị dẫn độ về địa phương, giải ra “tòa án nhân dân” và họ trả thù bằng cách xử bắn công khai, vì hai người lúc tại chức đã thành công trong việc bảo vệ an ninh quận!
Điều đáng nói là lúc bấy giờ cựu Thiếu tá Phan Văn Triệu đã trọng tuổi và giải ngủ từ lâu!
Anh là người lớn tuổi nhất trong đám hôm gặp mặt. Trí nhớ còn khá tốt, kể lại nhiều nhân vật tù, nhiều tình huống đặc biệt mà chúng tôi không tài nào nhớ hết. Với giọng đặc sệt miền cực Nam đất nước, anh chị kể lại những bi đát của chính gia đình phải gánh chịu mà cứ như chuyện cổ tích. Dù trải qua dâu bể, tử sinh nhưng bản chất đôn hậu, mộc mạc của người miền Nam vẫn còn nguyên đó. Chuyện kể hoàn toàn không còn vương mang chút oán trách hay hận thù, ngược hẳn với thủ đoạn đầu độc công luận, gây căm thù “Ngụy quân-Ngụy quyền” chia rẽ tình tự dân tộc của chế độ đương quyền!
Người ‘út ít’ nhất trong đám, tóc chỉ còn lốm đốm đen, kể những tình huống ‘cười ra nước mắt’ với quản giáo, với trật tự trại giam từng giai đoạn. Từ lúc còn ở rừng núi Hoàng Liên Sơn cho đến khi bị đưa về trại giam thuộc công an quản lý, một trại giam nổi tiếng khắc nghiệt. Trại Thanh Cẩm! Những mẫu chuyện chôm chỉa khoai sắn khá ‘tài tình’ và ‘sáng tạo’ ngay tại các địa điểm lao động. Cách giả bộ ngu ngơ, ngụy trang mà hắn tự gọi là ‘ngu ngơ vô số tội’. Khi thoát được, dấm dúi chia cho bạn bè, khi bị bắt quả tang phải ‘đưa lưng chịu trận’. Hắn kể thật có duyên. Cả bàn tiệc cười vui như pháo nổ. Cười đến chảy nước mắt. ‘Chảy nước mắt’ không phải vì xúc động mà vì tính khôi hài ngớ ngẩn giữa hắn với cai tù trong từng sự kiện. Có lẽ đây là lúc quý bà ‘thấm’ nhất bản chất dốt nát và nham hiểm của công an hơn đọc bất cứ bài viết nào.
Chuyện kể thật tự nhiên, cười cũng rất hồn nhiên nhưng hình dung ra bối cảnh lúc đó thì tự nó, vô tình, đã lột được bản chất công an cai tù, cánh tay mặt của chế độ cộng sản Việt Nam!
Chúng tôi gặp mặt, tâm tình, ôn lại những thăng trầm nhưng hoàn toàn không có bất cứ loại ngôn ngữ hay cử chỉ nào mang tính thù hận! Những đau thương ngày cũ bây giờ thành chất liệu khôi hài. Phải chăng đây cũng là một lối sống tốt làm giảm mức độ trầm uất, biến bất hạnh thành lạc quan, yêu đời?
Rượu thịt đầy bàn, ê hề ngay trước mắt nhưng chẳng ai muốn ăn uống mà cứ say sưa về chuyện ‘cổ tích’. Chuyện mấy miếng mỡ trâu vào những dịp lễ được “ăn tươi”. Lúc chia phần ai mà ‘trúng’ được miếng mỡ, cỡ ngón tay út, cứ vui như trúng số! Vì lúc đó cơ thể gầy rạc nên mỡ rất quý.
Đắng cả lòng như thế nhưng cùng kể, cùng cười muốn bể bụng!
Thế hệ bọn tôi đang trên bờ vực tử/sinh, đang bước lui trong mọi sinh hoạt đời thường. Khi nhìn lại đoạn đời đã qua, đã nổi trôi theo vận nước, dẫu gì cũng không thể không bùi ngùi. Vì chúng tôi, vâng, chính chúng tôi đã để lại một di sản tệ hại cho những thế hệ kế tiếp phải gánh chịu hậu quả. Một câu hỏi không thể không có, đó là liệu con cháu chúng tôi có còn giữ được bản sắc Việt Nam trên xứ người? Bản sắc người Việt biết thương yêu và đùm bọc, biết hy sinh cái riêng cho đại nghĩa, biết trách nhiệm đặt tổ quốc lên trên hết, chứ không phải thứ “bản sắc” mà đảng cộng sản Việt Nam trong suốt 70 năm qua đã tạo nên sự đớn hèn khiếp nhược trước kẻ xâm lược nhưng lại chất chứa hận thù người cùng nòi giống! Loại “bản sắc” vinh thân phì da, “bất tri vong quốc hận” mà lịch sử của đảng cộng sản Việt Nam từng bước, từng bước đưa dân tộc vào vòng nô lệ ngoại bang! Nô lệ giặc phương Bắc!
Cuộc vui nào cũng tàn. 30 năm trước chúng tôi bùi ngùi chia tay mà không biết mỗi đứa sẽ lưu lạc về đâu. 30 năm sau gặp lại, rồi chia tay. Lần nầy có đầy đủ điều kiện chắc chắn nhất để thăm viếng, để liên lạc. Nhưng cái chắc chắn nầy lại mong manh vì thời gian dành cho chúng tôi gần như đã cạn. Đôi cánh vỗ của thời gian không cho một ai bay ngược.
Chúng tôi níu kéo từng giờ vui vì chia tay không biết bao giờ mới có thể gặp lại. Không gian không còn là khoảng cách quan trọng lắm nhưng liệu thời gian có còn ‘ân sủng’ cho chúng tôi khi chiếc xe lăn đã cận kề, hay tệ hơn, một ai đó bị ‘đứt bóng’ bất ngờ?
(July 14th, 2014)
© Đàn Chim Việt
__________________________________________________________
[1] Nguyễn Thành Trung là ai? (Lê Phiếu)
Gớm nhấy ! Những bàn tay nối nhau thành ngôi Sao năm cánh ?
Còn về phi công NT Trung, người viêt HPB nói xỏ xiên ” vô ý tứ ” như
thế, mà làm gì ?
NT Trung trong phút phản tỉnh, nói ra kế hoạch đánh phá hạm đội
Trung Cộng, là điều hay chứ xao? HPB xách mé hơi vô ý tứ đấy !