Công đoàn VN- “Con đường chưa khai phá”
Ngày 4/2/2016 tại Auckland, New Zealand, Việt Nam và 11 quốc gia đã chính thức ký biên bản thỏa thuận gia nhập TPP.
Ngoài đường phố chung quanh khu trung tâm Auckland nơi các quốc gia đang ký kết hằng ngàn người đã biểu tình chống lại với lý do Hiệp định chỉ có lợi cho các doanh nghiệp lớn hơn là cho người lao động.
Tại Việt Nam qua Diễn đàn BBC nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh diễn tả “Nghiệp đoàn độc lập vẫn mờ mịt sau TPP?”. Phải chăng đến lúc chúng ta cần nhìn lại để có thể có được một hướng đi mới cho công đoàn tại Việt Nam.
Bảo thủ và “cấp tiến”
Có khái niệm cho rằng đảng Cộng sản đang phân thành hai khuynh hướng bảo thủ và “cấp tiến”, phe “cấp tiến” muốn cải cách chính trị để có thể thích ứng với kinh tế thị trường khi Việt Nam tham gia TPP.
Khái niệm trên không chính xác. Cạnh tranh thị trường tự do là chấp nhận mạnh được yếu thua. Nói cách khác kinh tế thị trường chỉ mang lại lợi ích cho thành phần mạnh đang nắm quyền lực (kinh tế và chính trị), nhưng sẽ tiếp tục bỏ rơi những người yếu thế.
Dân oan tiếp tục mất đất. Công nhân nông dân tiếp tục làm không đủ ăn. Doanh nhân nhỏ tiếp tục cạnh tranh bất bình đẳng với các đại công ty liên quốc. Giáo dục, y tế, và các công ích xã hội khác chỉ dành cho người có tiền.
Vì thế những người cổ vũ kinh tế thị trường vẫn chỉ là những người bảo thủ về mặt kinh tế.
Gia nhập TPP Việt Nam cần có một chính sách xã hội toàn diện, nếu không Việt Nam trở thành một xã hội tư bản man dại cá lớn nuốt cá bé, và lại tiếp tục “ổn định chính trị” bằng hệ thống công an.
Khuynh hướng cấp tiến nếu có nên dành cho những người hoạt động công đoàn như cô Đỗ thị Minh Hạnh.
Điều cần bàn là phong trào công đoàn đã bắt đầu từ 10 năm về trước nhưng đến nay như cô trình bày con đường cô đang đi vẫn là con đường mù mịt.
Xây dựng thế nào?
Được biết tổ chức công đoàn độc lập còn nhỏ và yếu. Số thành viên hoạt động rất ít, bị cô lập và có người còn bị tù. Khi đã bị cô lập người hoạt động công đoàn không thể sinh hoạt sát với công nhân là những người họ muốn đại diện.
Thậm chí vì tâm lý còn sợ giới chủ và sợ nhà cầm quyền, vì thế công nhân dễ từ chối sự hỗ trợ của những người hoạt động công đoàn.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2012, cả nước xảy ra 539 cuộc đình công, năm 2013 có 351 cuộc, năm 2014 có 269 cuộc và năm 2015 xảy ra 245.
Tháng 4 năm 2015 nhiều cuộc đình công liên tục diễn ra tại khu công nghiệp Sài Gòn, Bình Dương, Tiền Giang, Tây Ninh, Long An với hằng trăm ngàn người tham dự đòi sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội buộc Quốc Hội phải hủy Luật mới này.
Từ đó không đến nỗi phải bi quan vì chắc chắn rằng mọi cuộc đình công từ nhỏ đến lớn đều phải có người đứng ra kêu gọi và tổ chức.
Theo Hiệp Định TPP, Việt Nam sẽ phải ban hành luật cho thành lập những công đòan độc lập với nhà nước cộng sản, những người đang âm thầm hoạt động chính là những hạt nhân xây dựng công đoàn cơ sở.
Như vậy việc hỗ trợ để đào tạo một tầng lớp lãnh đạo công đòan trong số những người hiện đang hoạt động công đoàn cơ sở là nhu cầu thực sự cần thiết.
Họ cần sự trợ giúp của truyền thông báo chí, của tầng lớp trí thức và nhất là của các luật sư sẵn sàng đứng ra cố vấn hay bảo vệ cho họ và bảo vệ cho công nhân.
Một cách cơ bản các công đoàn phải thực sự phát xuất từ công nhân, phải do công nhân lập ra, được công nhân nuôi dưỡng và phải đấu tranh cho quyền lợi công nhân.
Những người lãnh đạo công đoàn phải là người được công nhân thương yêu, tin tưởng và bầu lên qua những cuộc bầu cử dân chủ.
Những người này phải có khả năng đại diện công nhân thương lượng với cả chủ nhân lẫn nhà nước.
Các công đoàn lớn, người lãnh đạo cần có khả năng làm việc với các công đòan khác, với nhà nước, với các tổ chức chính trị, các tổ chức quốc tế.
Khi các công đoàn đã đủ mạnh họ sẽ liên kết với nhau thành một Hội Đồng với tiếng nói ngang nhau hay một Tổng Công Đoàn do chính các công đoàn cơ sở bầu lên.
Có như thế mới thực sự dân chủ, mới có chính danh và từ đó sức mạnh của Công Đoàn mới thực sự có được.
Luật và Nghị Trường
Ngày 14-5-2014 nhân bà Trần Ngọc Minh mẹ của cô Đỗ Thị Minh Hạnh sang Úc, chúng tôi đã tổ chức một cuộc Hội Thảo về quyền lao động, quyền dân sự và nhân quyền tại Quốc Hội Liên Bang Úc với sự tham dự của 14 dân biểu và nghị sĩ.
Mọi người tham dự đều đồng ý nếu muốn tham gia TPP Việt Nam cần phải có những đạo luật rõ ràng, như Luật Nghiệp đoàn, Luật Tổ chức dân sự…
Dân biểu Chris Haynes thực tế hơn cho biết đã nghiên cứu và hiểu rõ việc thi hành luật pháp tại Việt Nam. Điều ông quan tâm không phải là việc có luật hay không có luật, vì nhiều đạo luật đã có nhưng vẫn không được thi hành.
Việt Nam đã ký biên bản thỏa thuận gia nhập TPP theo đó Việt Nam sẽ phải ban hành lại các luật về lao động, về thương mãi… Những người hoạt động công đoàn cần đưa ra một chiến lược buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải thực thi các đạo luật do họ ban hành.
Hiện nay Việt Nam vẫn là một quốc gia độc đảng chưa có cạnh tranh chính trị. Muốn có một chính sách xã hội toàn diện, thì việc đấu tranh để có những đạo luật hay chính sách là đấu tranh nghị trường, đấu tranh giữa các khuynh hướng chính trị với nhau.
Khi Việt Nam có dân chủ, có đa đảng, vì công đoàn chỉ là một tổ chức dân sự, các nhà đấu tranh công đoàn cần ủng hộ và đồng hành với các đảng chính trị có khuynh hướng xã hội cấp tiến.
Tại Việt Nam mặc dầu đã xuất hiện một số đảng không cộng sản nhưng chưa có đảng nào đưa ra một đường lối đấu tranh xã hội cấp tiến nhằm phục vụ cho quyền lợi của người công nhân.
Cuộc đấu tranh lâu dài
Nói tóm lại, Việt Nam có trên 5 triệu công nhân, con số sẽ càng ngày càng tăng nhưng vẫn chưa có được tiếng nói chính thức vì thế đời sống cả vật chất lẫn tinh thần công nhân của càng ngày càng suy giảm.
Đấu tranh cho quyền lợi của công nhân là một cuộc đấu tranh lâu dài, đòi hỏi những người hoạt động công đoàn phải bám rễ vào công nhân đấu tranh mang lại quyền lợi cho người công nhân.
Lịch sử các công đoàn thế giới đều phát triển từ dưới lên trên. Có thế mới tạo được sức mạnh vừa đấu tranh với chủ nhân, vừa ảnh hưởng chính giới đưa ra những chính sách có lợi cho công nhân.
Ở Việt Nam công đoàn được nhà nước lập ra với mục đích là “ổn định chính trị”, ngày nay muốn hội nhập thế giới, muốn tham gia TPP công đoàn nhà nước sẽ phải cạnh tranh với các công đoàn thực sự do công nhân lập ra.
Nhìn thẳng vào thực tế những người hoạt động công đoàn cần đánh giá lại hoạt động, đưa ra chiến lược, chiến thuật có khả năng thuyết phục được công nhân và được những người hỗ trợ công đoàn.
Làm được như thế công đoàn độc lập không phải là con đường mù mịt mà là một con đường mới đầy sức sống nhưng chưa được khai phá.
Nhân dịp đầu năm xin kính chúc quý bạn đọc một năm mới vạn sự như ý.
Melbourne Úc Đai Lợi, 9/02/2016
© Nguyễn Quang Duy
© Đàn Chim Việt
——————————————–
Xin đọc hai bài dưới cùng tác giả để hiểu rõ hơn đề tài:
- Cần nhận định đúng về đình công
- Đừng vội phê phán mọi tổ chức dân sự
NÓI VỀ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VÀ Ý NGHĨA CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN
Kinh tế thị trường là kinh tế khách quan của xã hội loài người. Nếu có ai bóp méo quan điểm này là không đúng đắn. Giai cấp công nhân cũng như mọi giai cấp khác đều không thể thiếu trong mọi xã hội. Ai hiểu lệch điều này là xuyên tạc và không khách quan. Giai cấp công nhân là giai cấp kinh tế, nó cũng giống như mọi giai cấp kinh tế khác, là điều không thể thiếu trong xã hội.
Nhưng giai cấp công nhân họp nên bởi từng người công nhân, hay mọi người công nhân. Mối tương quan hay quan hệ giữa chủ xí nghiệp và giới công nhân như vậy không thể để thả lỏng mà phải do Nhà nước bảo hộ công nhân cũng như các nghiệp đoàn công nhân phải tự bảo vệ mình. Bởi trong tương quan song phương này giữa hai giai cấp chủ và thợ trong các xí nghiệp, công ty, người thợ hay người làm công luôn luôn lép vế hơn người chủ, bởi vậy mọi luật pháp và biện pháp bảo vệ họ luôn cần thiết, chính đáng và quan trọng. Sự tốt đẹp hay không của nền kinh tế thị trường cũng chính là ở đây.
Mặt khác, nền kinh tế thị trường tốt đẹp không phải cá lớn nuốt cá bé, cạnh tranh bất chính mà phải là cạnh tranh chính đáng, và mọi sự cạnh tranh chính đáng, hợp pháp phải được cho phép, bởi vì đó chính là quy luật khách quan và yếu tố tồn tại không thể thiếu hay hoàn toàn cần thiết cho kinh tế thị trường.
Nên phải hiểu thật đúng kinh tế thị trường mà không được ảo tưởng. Nguyên tắc cá nhân con người cạnh tranh nhau là điều khách quan. Nhưng phải làm sao cho mọi sự cạnh tranh là lành mạnh, chính đáng và hợp pháp. Đó là nhiệm vụ của Nhà nước và của pháp luật, bất cứ nhà nước nào của nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Mác là người cực đoan, phủ nhận kinh tế thị trường để thay vào đó nền kinh tế tổ chức theo kiểu bao cấp, nền kinh tế phân phối trực tiếp, nền kinh tế kế hoạch hóa theo kiểu hành chánh là hoàn toàn trái quy luật khách quan, phản kinh tế và phản kết quả. Cái tai hại của Mác chỉ là tư tưởng quá khích và không xây dựng trên nền tảng khách quan khoa học mà chỉ xây dựng trên cảm tính, huyễn mơ và ảo tưởng.
Bởi thế nền kinh tế thị trường luôn có ba cấp, đó là cấp hoang sơ hay hoang dã, cấp trung chuyển là cấp phát triển và hữu lý, cấp nâng cao là cấp tiên tiến và tiến bộ. Như vậy rõ ràng cái quyết định mọi sự tốt đẹp của kinh tế thị là ý thức nhân văn, văn hóa và pháp luật hiệu quả mà không là gì khác. Thiếu ba yếu tố nầy đó là kiểu kinh tế thị trường cấp thấp, sơ đẳng hay hoang dã. Nên thật ra kinh tế thị trường và kinh tế tư bản chỉ là một. Chính Mác vì tiên kiến nên đã thêm cái đuôi “chủ nghĩa” vào cho bản thân kinh tế khách quan và tự nhiên này.
Nói chung lại dù thuộc giai cấp nào thì căn bản vẫn là con người như nhân tố trước nhất. Bởi vậy bảo vệ con người cũng chính là bảo vệ giai cấp hay ngược lại. Giai cấp không phải ý niệm trừu tượng, hoang đường như kiểu Mác hiểu theo cách mê tín và huyền hoặc, mà giai cấp thực chất cũng đều là những con ngưởi cụ thể bằng xương bằng thịt trong mỗi điều kiện sống riêng của mình. Bởi vậy nguyên tắc nhân văn, nguyên tắc kinh tế thị trường, nguyên tắc khoa học pháp lý đó chính là những điều làm cho xã hội hoạt động thích nghi và tốt đẹp nhất.
Mác chỉ là người ảo tưởng nên ông ta quan niệm cái gì thật là ảo tưởng và cho ảo tưởng là cái gì thật. Cái sai hỏng của tư tưởng Mác chính là ở đây. Ông ta xem kinh tế thị trường chỉ là kinh tế của tư sản và tư bản, dù nó mang tính khách quan lịch sử và có thật. Trong khi đó ông chủ trương nền kinh tế vô sản thật sự là ý nghĩa không có thật, không thực chất, chỉ huyền hoặc và bệnh hoạn, đó chính là những điều vấy vá nhất, không thực sự mang tính hiện thực khách quan nào cả trong tư duy kinh tế xã hội và nhân văn của Mác.
ĐẠI NGÀN
(09/02/16)