WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Diễn văn của thủ tướng Merkel trước lưỡng viện Hoa Kỳ ngày 3.11.09

Âu Dương Thệ: Nữ Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức, TS Angela Merkel, vừa đọc một diễn văn quan trọng trước Lưỡng viện Quốc hội Hoa kì ngày 3.11.2009. Đây cũng là dịp kỉ niệm 20 năm bức tường Berlin sụp đổ và từ đó đi tới tái thống nhất Đức trong tự do và hòa bình. Quốc hội Mỹ đã dành đặc ân này cho TS Merkel không chỉ vì bà là Thủ tướng nước Đức, một cường quốc kinh tế của EU, mà còn tỏ lòng ngưỡng mộ một phụ nữ xuất thân từ một nước Cộng sản, tức DDR cũ, nhưng đã rất đảm lược vượt qua nhiều thử thách chỉ trong một thời gian tương đối ngắn trở thành một phụ nữ lãnh đạo một nước dân chủ, tự do và phú cường ở Âu châu và một đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ.



Thưa bà Chủ tịch,
Thưa Phó Tổng thống,
Thưa Quí vị Đại biểu,

Tôi cám ơn tất cả Quí vị đã dành vinh dự lớn cho tôi được nói chuyện với Quí vị ngày hôm nay, chỉ ít ngày trước dịp kỉ niệm 20 năm sụp đổ của bức tường Berlin.

Tôi là Thủ tướng Đức thứ hai được chia sẻ vinh dự này. Konrad Adenauer [Thủ tướng đầu tiên của Tây Đức, ghi chú của người dịch]*  là người đầu tiên, vào năm 1957 ông đã nói lần lượt ở hai Viện Quốc hội.

Cuộc đời giữa hai người chúng tôi có lẽ không thể khác biệt nhau hơn nữa. Năm 1957 tôi mới chỉ là một đứa trẻ 3 tuổi. Tôi đã sống với cha mẹ ở Brandenburg, một vùng thuộc DDR [tức Cộng hòa Dân chứ Đức theo chế độ Cộng sản, nay là Đông Đức], một phần đất mất tự do ở Đức. Cha tôi hành nghề mục sư. Mẹ tôi đã học Anh ngữ và tiếng Latein để trở thành giáo viên. Nhưng bà đã không được hành nghề ở DDR trước đây.

Konrad Adenauer đã 81 tuổi vào năm 1957. Ông ấy đã trải qua thời Hoàng đế ở Đức, Thế chiến Thứ nhất, Cộng hòa Weimarer [chế độ dân chủ đầu tiên ở Đức từ 1918-1933] và Thế chiến Thứ hai. Ông đã bị mất chức thị trưởng thành phố Köln bởi chế độ Quốc xã. Khi chiến tranh chấm dứt ông đã trở thành một trong số những nam nữ, những người đã khai sáng nước tự do, dân chủ Cộng hòa Liên bang Đức.

Đối với Cộng hòa Liên bang Đức thì không có gì quí bằng bản Hiến pháp của nó, đạo luật căn bản. Nó đã ra đời đúng 60 năm trước đây. Điều 1 của Hiến pháp này ghi rõ: “Nhân phẩm của con người không được xâm phạm”. Một câu thật ngắn và đơn giản – “Nhân phẩm của con người không được xâm phạm” – đã là câu trả lời về những thảm họa của Thế chiến Thứ 2. Nó đã giết hại 6 triệu người Do thái trong các lò thiêu, gây ra hận thù, đổ vỡ và tiêu hủy mà Đức quốc đã gây ra cho Âu châu và thế giới.

Chỉ còn vài ngày nữa chúng tôi kỉ niệm ngày 9.11. Vào ngày 9.11. 1989 bức tường Berlin đã sụp đổ, nhưng ngày 9.11. 1938, cũng ghi sâu trong lịch sử Đức và Âu châu. Chính vào ngày này Đức quốc xã  đã phá hủy và đốt cháy các nhà thờ [Do thái] và giết hại rất nhiều người. Đây là khởi đầu mở đường cho thảm họa gẫy đổ văn minh về sau này. Hôm nay tôi không thể đứng trước Quí vị ở đây, nếu không tưởng nhớ tới các nạn nhân trong ngày này và những thảm họa.

Có một vị khách đang cùng với chúng ta ở đây. Chính ông đã phải trải qua những kinh hãi ở nước Đức dưới thời Quốc xã và mới đây tôi đã hân hạnh được quen biết ông: Giáo sư Fritz Stern.  Ông sinh năm 1926 tại một phần đất thời đó thuộc Đức, nay là Breslau của Ba Lan và năm 1938 ông đã kịp thời cùng với gia đình chạy sang Mỹ trốn thoát bọn Quốc xã. Trong cuốn hồi kí của ông xuất bản năm 2006 dưới tựa đề “5 nước Đức tôi đã biết” Fritz Stern đã tường thuật khi đặt chân tới hải cảng New York vào năm 1938, đây cũng chính là hải cảng của tự do và an toàn.

Thưa Quí vị, thật là một kì diệu, lịch sử muốn rằng, chúng tôi – một thiếu niên khi ấy mới 12 tuổi bị xua đuổi khỏi Đức và tôi, nữ Thủ tướng nước Đức vừa tái thống nhất và đã từng lớn lên ở DDR – hôm nay cùng hiện diện trước nơi tôn nghiêm này. Điều này làm tôi rất vui sướng và cám ơn nhiều.

Trước đây 20 năm trước khi bức tường [Berlin] sụp đổ tôi không thể nào mơ tưởng được. Vì ngày đó thật là ngoài sức tưởng tượng của tôi có được một lần sang thăm Hoa kỳ, còn dám nói chi là một ngày nào đó được đứng ở đây.

Một nước với muôn vàn cơ hội – nhưng đối với tôi trong nhiều năm của cuộc đời tôi nó đã trở thành vô vọng. Bức tường, hàng rào kẽm gai, lệnh bắn – những điều này đã ngăn cản bước chân của tôi tới thế giới tự do. Vì thế tôi chỉ còn biết hình ảnh nước Mỹ qua các phim, sách một phần do những người thân đã mang lậu từ phương Tây.

Tôi đã nhìn thấy và đọc gì? Tôi đã hứng thú về những điều gì?

Tôi đã hứng khởi về một giấc mơ Hoa kỳ – cơ hội cho mọi người đạt tới thành công qua những nỗ lực của chính mình.

Tôi cũng như nhiều thiếu nữ khác ao ước những chiếc quần Jeans có tên tốt, nó không có ở DDR, nhưng đã được bà cô của tôi từ phía Tây gởi cho đều đặn.

Tôi đã hứng thú về một nước Mỹ rộng lớn, nó hít thở tinh thần tự do và độc lập. Ngay năm 1990 nhà tôi và tôi lần đầu tiên trong đời đã bay sang Mỹ tại California. Chúng tôi không bao giờ quên lần đầu tiên nhìn thấy Thái bình dương. Nó thật là hùng vĩ.

Đối với tôi cho tới 1989, ước mơ tới Mỹ hầu như không bao giờ đạt tới được. Nhưng ngày 9.11.1989 bức tường Berlin đã sụp đổ. Biên giới từng chia cắt một dân tộc thành hai thế giới từ nhiều thập niên đã không còn nữa.

Chính vì thế ngày hôm nay trước hết phải là lúc để cám ơn.

Tôi cám ơn các phi công Mỹ và đồng minh, những người vào năm 1948 đã đáp ứng lời kêu gọi khẩn thiết của thị trưởng Berlin ông Ernst Reuter; khi ông kêu gọi: “Các dân tộc trên thế giới,…hãy nhìn vào thành phố này…”. Ròng rã nhiều tháng các phi công này đã lập cầu không vận chuyên chở lương thực, nên đã cứu Berlin thoát khỏi nạn đói. Nhiều binh lính này đã gặp nguy hiểm và hàng chục người đã bị thiệt mạng.  Chúng tôi vẫn tưởng nhớ chân thành tới họ.

Tôi cám ơn 16 triệu lính Mỹ đã đồn trú tại Đức trong nhiều thập niên. Nếu không có sự đóng góp của họ, trong vai trò binh sĩ, nhà ngoại giao hay là người giúp đỡ thì không thể nào vượt qua sự chia cắt ở Âu châu. Hôm nay cũng như trong tương lai chúng tôi vẫn vui mừng về các binh sĩ Mỹ ở Đức. Họ là những đại sứ cho đất nước của Quí vị tại đất nước chúng tôi, điều này cũng như nhiều người Mỹ gốc Đức cũng là những đại sứ của chúng tôi trên quê hương Quí vị.

Tôi nhớ tới [Tổng thống] John F. Kennedy, trái tim nhiều người đã giành cho ông trong cuộc viếng thăm của ông vào năm 1961 sau khi xây bức tường Berlin. Khi ấy ông đã hô lớn với những người dân Berlin đang tuyệt vọng: “Tôi là một người dân Berlin”.

[Tổng thống] Ronald Reagan đã viễn kiến trước nhiều người về những dấu hiệu của thời đại. Khi đứng trước cổng Brandenburg năm 1987 ông đã kêu gọi: “Ông Gorbachew [Chủ tịch nước Liên xô cũ và nguyên Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên xô] hãy mở cái cổng này… Ông Gorbachew hãy dẹp bức tường này!”.  Những lời kêu gọi này sẽ không bao giờ quên!

Tôi cám ơn [Tổng thống] George Bush [cha của Tổng thống George W. Bush], khi ấy ông đã tin tưởng nước Đức và Thủ tướng Helmut Kohl. Ngay từ tháng 5.1989 ông đã đưa ra đề nghị vô giá với nhân dân Đức là “cùng đồng hành trong lãnh đạo.” Thật là một đề nghị cao quí, 40 năm sau khi chấm dứt Thế chiến Thứ 2. Mới ngày Thứ bẩy vừa qua chúng tôi đã gặp nhau ở Berlin cùng với Michail Gorbachew. Ông cũng nhận được sự cám ơn của chúng tôi.

Thưa Quí vị, cho phép tôi được nói tóm tắt việc này trong một câu: Tôi biết, người Đức chúng tôi biết, chúng tôi cám ơn vô hạn Quí vị, những người bạn Mỹ của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không bao giờ và cả cá nhân tôi sẽ không bao giờ quên Quí vị!

Khắp nơi ở Âu châu lòng mong đợi chung về tự do đã biến thành lực lượng không thể tưởng tượng được: Trong Nghiệp đoàn Solidarnosc ở Ba lan, những người đòi cải tổ qui tụ quanh Vaclav Havel [Thổng thống đầu tiên sau khi Tiệp khắc thoát khỏi chế độ Cộng sản] ở Tiệp khắc, việc mở cửa bức màn sắt lần đầu tiên ở Hung và những cuộc biểu tình vào ngày Thứ hai mỗi tuần ở DDR cũ.

Vì nơi nào trước đây có những bức tường đen tối thì nơi đó cửa được mở bất thình lình. Chúng tôi xuống đường, vào các thánh đường, vượt qua các biên giới. Mỗi người có được cơ hội bắt đầu xây dựng một cái gì mới, cùng nhau kiến tạo và dám mạnh dạn lên đường.

Chính tôi cũng đã lên đường. Tôi đã bỏ lại công việc là nhà vật lí tại Viện Khoa học ở Đông Berlin và tham gia hoạt động chính trị. Vì tôi đã có thể tổ chức. Vì tôi đã có cảm tưởng: Bây giờ sự việc có thể thay đổi được, bây giờ là lúc mình có thể làm một cái gì!

Thưa Quí vị, 20 năm từ khi phần thưởng vĩ đại của tự do đã đi qua. Tuy nhiên, cho tới bây giờ chưa có gì làm tôi sung sướng, chưa có gì làm tôi khích lệ, chưa có gì làm tôi hài lòng hơn là sức mạnh của tự do.

Ai đã từng trong đời bất ngờ trải qua một việc tốt thì người đó tin rằng có thể còn làm được nhiều việc khác nữa. Hay có thể dùng câu của [Tổng thống] Bill Clinton nói năm 1994 ở Berlin về việc này: “Không có gì cản trở được chúng ta. Mọi chuyện đều có thể xẩy ra.”

Vâng, mọi chuyện đều có thể xẩy ra – một phụ nữ như tôi hôm nay có thể đứng cạnh Quí vị ở đây, một người đàn ông như Arnold Vaatz trước đây dưới thời DDR từng là người tranh đấu dân quyền ở Dresden [một thành phố lớn ở DDR] và vì vậy đã có một thời kì phải ngồi tù, nay đang là một dân biểu của Quốc hội Liên bang Đức trong phái đoàn của tôi cũng đang ở đây.

Mọi chuyện đều có thể xẩy ra, cả trong thế kỉ của chúng ta, trong Thế kỉ 21, trong kỉ nguyên toàn cầu hóa. Chúng ta biết rằng, ở Đức chúng tôi cũng như ở Hoa kì của quí vị, toàn cầu hóa đang làm nhiều người lo ngại. Chúng ta không đơn giản bỏ qua điều này. Chúng ta nhìn nhận những khó khăn. Nhưng bổn phận của chúng ta là thuyết phục mọi người hiểu rằng, toàn cầu hóa là một cơ hội lớn của thế giới, cho từng lục địa, vì toàn cầu hóa thúc đẩy mọi nơi phải hành động chung với nhau.

Như thế phải chăng giải pháp thay thế cho toàn cầu hóa là đóng cửa. Nhưng đấy không phải là giải pháp đúng. Nó sẽ dẫn tới đói nghèo, vì nó đưa tới cô lập. Tư duy trong liên kết, tư duy trong hợp tác – nó dẫn tới một tương lai tốt.

Thưa Quí vị, Hoa kỳ và Âu châu không phải lúc nào cũng có tư tưởng đồng nhất. Có khi bên này nghĩ là bên kia quá lưỡng lự, quá lo sợ và ngược lại, bên kia lại nghĩ là bên này bướng bỉnh và quá thôi thúc. Mặc dầu vậy, nhưng tôi vẫn tin tưởng sâu sắc rằng: Một bạn đồng hành tốt hơn Mỹ không thể có cho Âu châu, đối với Hoa Kỳ cũng không thể có một bạn đồng hành tốt hơn là Âu châu.

Vì rằng, những gì dẫn dắt và ràng buộc giữa người Âu châu và Hoa Kỳ với nhau không chỉ là có chung một lịch sử. Những gì dẫn đắt và ràng buộc giữa người Âu châu và Hoa Kỳ với nhau không chỉ là vì cùng quyền lợi và cùng những thách đố, như thường có ở nhiều khu vực trên thế giới. Nếu chỉ những việc đó riêng thôi thì không đủ để xây dựng và gánh vác lâu dài cho mối đồng hành đặc biệt giữa Âu châu và Hoa Kỳ. Phải có gì sâu xa hơn.

Những gì dẫn dắt và ràng buộc giữa người Âu châu và Hoa Kỳ chính là có cùng căn bản giá trị giống nhau. Đó là biểu tượng chung về con người và nhân phẩm vô giá. Đó là sự hiểu biết giống nhau về tự do trong trách nhiệm. Chúng ta đã bênh vực những giá trị này trong tinh thần thân hữu liên Đại tây dương rất đặc biệt và trong giá trị chung của NATO [Liên phòng Bắc Đại tây dương]. Từ đó đã làm cho “cùng đồng hành trong lãnh đạo” được thực hiện, thưa Quí vị. Chính căn bản giá trị này đã chấm dứt được cuộc chiến tranh lạnh. Chính căn bản giá trị này có thể giúp chúng ta vượt qua những thử thách của thời đại hiện nay và chúng ta phải thành công!

Nước Đức đã thống nhất, Âu châu đã thống nhất. Những việc này chúng ta đã hoàn thành. Ngày nay thế hệ chính trị của chúng ta phải chứng tỏ rằng, chúng ta phải thành công đối với những thách đố của Thế kỉ 21 và có thể phá vỡ những bức tường ngày hôm nay hiểu theo một nghĩa bóng.

Đó là những điều gì? Một là kiến tạo hòa bình và an ninh. Hai là đạt tới hạnh phúc và công bằng và ba là bảo vệ trái đất của chúng ta. Trong các vấn đề này cả Mỹ lẫn Âu châu lại bị thôi thúc đặc biệt.

Cả sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt cũng vẫn còn vấn đề là phá vỡ những bức tường liên quan tới những quan điểm về cuộc sống, như những bức tường trong đầu mỗi người. Những bức tường này đang ngăn cản chúng ta, hoặc gây khó khăn để chúng ta hiểu nhau trên thế giới. Muốn vậy thì tinh thần khoan dung rất quan trọng. Đối với chúng ta thì phương cách sống của chúng ta là điều quan trọng nhất. Nhưng nó không phải là phương cách sống cho tất cả mọi người. Có nhiều giải pháp khác nhau để làm cho một cuộc sống chung tốt đẹp. Khoan dung là sự biểu lộ lòng kính trọng lịch sử, truyền thống, tôn giáo và nguồn gốc của những người khác.

Nhưng đừng có ai nhầm lẫn: Khoan dung không có nghĩa là thế nào cũng được. Không khoan dung với những ai không tôn trọng và chà đạp các quyền vô giá của con người. Không khoan dung với những ai, nếu võ khí giết người hàng loạt thí dụ như rơi vào tay Iran có thể đe dọa an ninh chúng ta. Iran phải biết điều này. Iran biết các đề nghị của chúng ta. Nhưng Iran cũng biết gianh giới: Một trái bom nguyên tử không được phép có trong tay của Tổng thống Iran, người từng phủ nhận Holocaut, đe dạo Do thái và không nhìn nhận quyền tồn tại [của Do thái].

Đối với tôi, nền an ninh của Do thái không bao giờ có thể thương lượng được. Chẳng những thế, không chỉ riêng Do thái bị đe dọa, mà là toàn thể thế giới tự do. Ai đe dọa Do thái cũng là đe dọa chúng ta. Vì vậy, thế giới tự do chống lại sự đe dọa này, nếu cần thì trừng phạt kinh tế nghiêm khắc. Thưa Quí vị, chính vì thế nước Đức chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ tiến trình hòa bình ở Trung – Đông để thực hiện giải pháp hai quốc gia: một nước Do thái và một nước Palestin.

Chúng tôi cũng chống lại những đe dọa của khủng bố quốc tế. Chúng ta biết rằng, không có một nước nào – dù mạnh tới đâu – có thể đương đầu một mình. Chúng ta cần các đối tác. Chỉ trong sự hợp tác với các đối tác thì chúng ta mới mạnh.

Vì sau những cuộc khủng bố ngày 11.9 [2001] chúng tôi đã chia sẻ với quan điểm của Tổng thống George W. Bush khi ấy là, từ nay trở đi an ninh của thế giới không được phép bị đe dọa từ A phú hãn, cho nên từ năm 2002 Đức đã có một đoàn quân lớn thứ ba đóng tại đó. Chúng tôi muốn thực hiện thành công giải pháp được gọi là an ninh liên kết. Nghĩa là: Sự tham gia cả dân sự lẫn quân sự liên đới mật thiết với nhau.

Rất là rõ ràng: Sự dấn thân của nhiều nước ở A phú hãn là rất khó nhọc. Nó đòi hỏi chúng ta rất nhiều. Nó phải tiến tới một giai đoạn mới khi chính phủ mới ở A phú hãn nhậm chức. Mục tiêu phải là phát triển một chiến lược chuyển giao trách nhiệm. Chúng ta muốn triển khai việc này vào đầu năm tới tại Hội nghị của Liên hiệp quốc. Chúng ta sẽ thành công, nếu chúng ta cùng nhau đi từng bước tiếp tục trong liên minh như hiện nay. Đức tự ý thức trách nhiệm này.

Không có gì nghi ngờ: NATO đã và tiếp tục là cột trụ cho an ninh chung của chúng ta. Kế hoạch an ninh của nó được tiếp tục phát triển và thích ứng với những thử thách mới. Nền tảng và hướng đi của nó phục vụ hòa bình và tự do hoàn toàn không thay đổi.

Những người Âu châu chúng tôi – tôi tin tưởng như thế – có thể đóng góp cho việc này nhiều hơn nữa trong tương lai.  Vì người Âu châu chúng tôi trong tuần này sẽ hoàn thành cho Liên minh Âu châu một hiệp ước căn bản mới. Chữ kí cuối cùng cho việc này đã được kí. Nhờ thế Liên minh Âu châu sẽ mạnh hơn và hành động hiệu quả hơn và như vậy Hoa Kỳ sẽ có một người đồng hành mạnh hơn và tin cậy hơn.

Trên căn bản này chúng ta sẽ thiết lập sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác khác, trước hết với Nga, Trung Quốc và Ấn. Thưa Quí vị, vì ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới tự do hơn và ràng buộc với nhau hơn trước đây. Sự sụp đổ của bức tường Berlin, cuộc cách mạng kĩ thuật trong thông tin và truyền thông, sự vươn lên của Trung Quốc, Ấn và nhiều nước khác trở thành các nền kinh tế năng động – tất cả những việc này đang biến đổi thế giới trong Thế kỉ 21 thành một thế giới khác so với Thế kỉ 20. Đây là một điều tốt. Vì tự do là qui luật của cuộc sống trong kinh tế và xã hội chúng ta. Chỉ có trong tự do con người mới có sáng tạo.

Nhưng một điều cũng rõ rệt: Tự do này không đứng riêng rẽ.  Đây là một tự do trong và hướng tới trách nhiệm. Cho nên cần phải có trật tự. Việc gần như gẫy đổ của thị trường tài chánh quốc tế đã cho thấy, điều gì sẽ xẩy ra nếu không có một trật tự này.

Nếu thế giới đã học một bài học từ cuộc khủng hoảng tài chánh của năm ngoái thì không thể bỏ qua được nhận thức là, một nền kinh tế toàn cầu hóa cần một khuôn khổ trật tự toàn cầu. Không có một ràng buộc trên bình diện thế giới dựa trên minh bạch và kiểm soát thì không thể bồi đắp được tự do, khi ấy sẽ dẫn tới lợi dụng tự do và từ đó đưa tới bất ổn định. Đó như một bức tường thứ hai, nó phải sụp đổ – một bức tường đang cản trở một trật tự kinh tế toàn cầu thực sự, một bức tường của các tư duy thiển cận khu vực và dân tộc hẹp hòi.

Chìa khóa trong sự hợp tác giữa các nước công nghiệp và các nước đang vươn lên nằm ở trong nhóm G 20 [20 nước công nghiệp và đang vươn lên tiêu biểu trên thế giới và gần đây đã có các Hội nghị cấp cao để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu]. Cũng tại đây sự hợp tác giữa Mỹ và Âu châu là một trụ cột quyết định. Đây là một sự hợp tác trong đó không loại trừ ai, nhưng nó kết hợp cả những nước khác.

Nhóm G 20 đã cho thấy, nó có khả năng hành động. Chúng ta phải chống lại các áp lực đã đưa nhiều nước trên thế giới sát bên bờ vực thẳm. Điều này không có gì khác, đấy chính là phải được thúc đẩy tiếp tục đường lối kinh tế quốc tế mạnh hơn nữa. Vì cuộc khủng hoảng đã cho thấy những suy nghĩ rất thiển cận. Hàng triệu người trên thế giới qua đó sẽ thất nghiệp và nghèo đói sẽ đe dọa. Để đạt tới hạnh phúc và công bằng, chúng ta phải làm tất cả để tránh một cuộc khủng hoảng tương tự không thể diễn ra, thưa Quí vị.

Điều này còn có nghĩa là, chống các chủ trương bảo hộ. Vì thế các cuộc đàm phán – Doha trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Quốc tế [WTO] rất quan trọng. Một sự thành công của vòng đàm phán -Doha giữa lúc đang có cuộc khủng hoảng sẽ là một tín hiệu rất tốt cho việc thông thoáng kinh tế thế giới.

Tương tự vậy, Hội đồng kinh tế liên Đại tây dương cũng có một vai trò quan trọng. Chúng ta có thể ngăn cản các cuộc chạy đua bảo hộ và có thể đưa ra những biện pháp nhằm giảm các cản trở mậu dịch giữa Âu châu và Mỹ. Tôi yêu cầu Quí vị: Quí vị hãy để chúng ta cùng đấu tranh cho một trật tự kinh tế thế giới, việc này nằm trong lợi ích của Âu châu và Hoa Kỳ!

Thưa Quí vị, những thách đố toàn cầu chỉ có thể vượt qua được trong sự hợp tác quốc tế toàn diện, nó đang xuất hiện như một thử thách thứ ba của Thế kỉ 21. Trong đó có thể hình dung như một bức tường giữa hiện tại và tương lai. Bức tường này đang ngăn cản tầm nhìn về những nhu cầu của các thế hệ tiếp theo. Nó cản trở những sự bảo vệ rất cần thiết cho nền tảng đời sống tự nhiên và khí hậu của chúng ta.

Những sự tiêu phí này sẽ dẫn tương lai chúng ta về đâu, điều này chúng ta có thể thấy được ngay lúc này: Ở khu Arktis [Bắc cực] các băng đá đang tan, ở Phi châu con người đang phải chạy trốn vì môi trường của họ bị tàn phá, mực nước biển đang dâng cao ở khắp nơi trên thế giới. Tôi rất vui mừng là Tổng thống Obama và Quí vị đã đề cao việc bảo vệ khí hậu trong các hoạt động của Quí vị. Tất cả chúng ta đều biết: Chúng ta không còn nhiều thời gian. Chúng ta cần đạt tới thống nhất trong Hội nghị Khí hậu vào tháng 12 ở Kopenhagen [thủ đô Đa mạch]. Chúng ta cần thống nhất trong mục tiêu: Sự hâm nóng toàn cầu không được phép vượt quá 2° C.

Trong đó chúng ta cần sự sẵn sàng của các nước thực hiện nghiêm chỉnh các thỏa thuận quốc tế. Trong việc bảo vệ khí hậu, chúng ta không thể làm khác các mục tiêu khoa học đã cho biết. Khi ấy không chỉ vô trách nhiệm về môi trường. Nó còn là thiển cận trong  kĩ thuật. Vì những phát triển của kĩ thuật mới trong lãnh vực nhiên liệu tạo ra những cơ hội lớn cho tăng trưởng và những chỗ làm tương lai.

Không có gì phải nghi ngờ: Trong tháng 12 thế giới đang chăm chú vào chúng ta, vào Âu châu và Hoa Kỳ. Đây là một sự thật: Nếu không có sự tham gia của Trung quốc và Ấn thì công việc sẽ không chạy. Nhưng tôi tin rằng: Nếu chúng ta ở Âu châu và Hoa kì sẵn sàng đảm nhận nghiêm túc các thỏa thuận, thì chúng ta sẽ thuyết phục được Trung quốc và Ấn. Khi đó ở Kopenhagen chúng ta có thể vượt qua bức tường đang tồn tại giữa hiện tại và tương lai – trong lợi ích con cháu của chúng ta và trong lợi ích của một cuộc phát triển vững vàng trên toàn cầu.

Thưa Quí vị, tôi tin rằng: Như chúng ta trong thế kỉ 20 đã từng có sức mạnh làm đổ bức tường từ hàng rào kẽm gai và bê-tông, thì ngày nay chúng ta cũng có sức mạnh vượt qua được những bức tường của Thế kỉ 21 – Các bức tường trong các đầu của chúng ta, các bức tường trong tính toán quyền lợi riêng thiển cận, các bức tường giữa hiện tại và tương lai!

Thưa Quí vị, niềm tin của tôi bắt nguồn từ một âm thanh đặc biệt – âm thanh của cái Chuông Tự do trong tòa thị chính ở Schöneberg của Berlin. Ở đó từ năm 1950 treo một cái chuông phỏng theo Chuông Tự do của Mĩ. Nó do công dân Hoa kì tặng và nó là dấu hiệu của lời hứa tự do, nó đã trở thành sự thực. Ngày 3.10.1990 Chuông Tự do đã vang lên khi nước Đức tái thống nhất. Ngày 13.9.2001 nó lại vang lên một lần nữa, chỉ hai ngày sau 11.9 – chính là lúc nỗi đau buồn lớn nhất của dân tộc Hoa kì!

Chuông Tự do ở Berlin cũng giống Chuông Tự do ở Philadelphia, một biểu tượng nhắc nhở chúng ta là, tự do không tới tự nó. Nó phải được đấu tranh và phải được bảo vệ hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta.  Trong cố gắng này, Đức và Âu châu trong tương lai vẫn là những bạn đồng hành mạnh và đáng tin cậy của Hoa Kỳ. Tôi bảo đảm với Quí vị như vậy!

Chân thành cám ơn Quí vị.


Bài do người dịch gửi đăng.

*Các phần trong […] là ghi chú của người dịch.

Phản hồi