WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Bàn về sửa đổi Hiến Pháp

Hội nghị Trung ương 5 Đảng Cộng sản Việt Nam vừa khai mạc sáng thứ hai 7/5. Chủ đề quan trọng được nêu lên đầu là bàn về sửa đổi Hiến pháp. Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý các ủy viên trung ương rằng sửa đổi Hiến pháp là ‘công việc đặc biệt hệ trọng’ và mang ‘tính chất nhạy cảm’.

Vì sao lại nhạy cảm thì không rõ lắm nhưng quả thật đây là ‘công việc đặc biệt hệ trọng’ vì rõ ràng Hiến pháp hiện thời của nước ta tồn tại nhiều vấn đề bất cập không thể không sửa đổi. Là một công dân, tôi cũng muốn thể hiện trách nhiệm của mình đối với công việc này. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu những ý kiến đã đóng góp trước đây tôi thấy ý kiến của tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang có nhiều điểm trùng hợp với nhận thức của tôi. Bởi vậy tôi xin trân trọng giới thiệu lại những ý kiến này:

I – Trích bài “Nghĩ về Hiến pháp nước ta” (Rút trong cuốn “Nhân quyền và Dân chủ ở Việt Nam”)

…… “Ngày 9 tháng 11 năm 1946 bản Hiến pháp đầu tiên đã được quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thông qua sau 10 ngày làm việc khẩn trương với 240 phiếu thuận, 2 phiếu chống. Có lẽ đây là bản Hiến pháp dân chủ nhất, tính đến nay, của nước ta. Với lời nói đầu ngắn gọn và khúc chiết (hơn cả, so với tất cả các bản Hiến pháp sau này), bản Hiến pháp 1946 đã xác dịnh ba nguyên tắc cơ bản sau đây :

-        Ðoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo.

-        Ðảm bảo các quyền tự do, dân chủ.

-        Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.

Trên cơ sở đó, Ðiều 1- Hiến pháp 1946 ghi rõ: ” … Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo “. Ðiều này, về sau cứ bị biến tướng dần dần. Hiến pháp 1959 khả dĩ còn ghi: “Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp và các cơ quan Nhà nước khác đều thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ “. Ðến Hiến pháp 1980 đã biến hóa lắt léo thành: “Nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước chuyên chính vô sản” (Ðiều 2). “Ở nước CHXHCN Việt Nam, người chủ tập thể là nhân dân lao động bao gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể, tầng lớp tri thức XHCN và những người lao động khác, mà nòng cốt là liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo” (Ðiều3). Ðến Hiến pháp 1992 thì : “Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức” (Ðiều 2). Ðiều này dự kiến hầu như sẽ được giữ nguyên trong kỳ sửa đổi này. Thế đấy, từ Hiến Pháp 1946, qua các Hiến pháp 1959, 1980 đến Hiến pháp 1992, cái “miếng da lừa” quyền lực của nhân dân cứ ngày một teo dần. Từ chỗ “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giầu nghèo, giai cấp, tôn giáo” (Hiến pháp 1946), đến chỗ có phân biệt giữa “nhân dân nòng cốt”, “nhân dân nền tảng” với “nhân dân ngoài vỏ”, “nhân dân chầu rìa”. Lại nữa, dù có mềm hóa từ “Nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước chuyên chính vô sản” (Hiến pháp 1980) thành “Nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ” (Hiến pháp 1992) thì ngay trong đám nòng cốt và nền tảng đó, bao giờ nhân dân là trí thức cũng bị xếp hạng bét!

….. “Tôn trọng nguyên tắc “Ðảm bảo các quyền tự do dân chủ” ghi rành rọt trong lời nói đầu, Hiến pháp 1946 rất chú trọng đến chế định công dân. Hiến pháp có 7 chương thì toàn bộ chương 2 được dành cho chế định công dân. Tại đây, Ðiều 10 công bố rất rõ ràng, dứt khoát “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài “. Ðến Hiến pháp 1959 điều này càng được khẳng định rõ ràng hơn “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình, Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó” (Ðiều 25). “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào ” (Ðiều 26). Vậy mà, đến Hiến pháp 1980 người ta đã bắt đầu phải ngoắc thêm một điều kiện: “phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội“, đồng thời đính kèm một lời răn đe: “Không ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ để …“.

Nguyên văn điều 67- Hiến pháp 1980 là : “Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do biểu tình, phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân. Nhà nước tạo điều kiện vật chất cần thiết để công dân sử dụng các quyền đó. Không ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước và của nhân dân “.

Qua Hiến pháp 1992, những quyền công dân trên được phân bổ trong các điều 68, 69, 70 nhưng bây giờ ở đâu cũng phải đeo thêm một cái vòng kim cô hay một cái xiềng lỏng: “theo quy định của pháp luật “.

Nguyên văn điều 68 và điều 69 – Hiến pháp 1992 là : “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật“. “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật “.

Tất cả các quyền tự do đều bị hạn chế dần. Riêng quyền tự do xuất bản đã được ban bố trong Hiến pháp 1946 thì sau đó biến mất hẳn trong tất cả các bản Hiến pháp Việt Nam sau này! ”

……“Không lệ thuộc vào Hiến Pháp 1918 của nước Nga Xô viết, nơi mà mọi tài sản tư hữu của địa chủ và tư sản đều bị quốc hữu hóa, Hiến pháp 1946 của Việt Nam vẫn bảo vệ quyền tư hữu của công dân. Ðiều 12 – Hiến pháp 1946 ghi: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm“. Ðến Hiến Pháp 1959, quyền tư hữu cũng còn được thừa nhận. Ðiều 11- Hiến Pháp 1959 ghi: “Ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời kỳ quá độ, các hình thức chủ yếu về tư hữu tư liệu sản xuất hiện nay là: hình thức sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân, hình thức sở hữu của hợp tác xã tức là hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động, hình thức sở hữu của người lao động riêng lẻ và hình thức sở hữu của nhà tư sản dân tộc “. Vậy mà, dưới triều đại Lê Duẩn, quyền tư hữu đã bị xóa bỏ trong Hiến pháp 1980. Sai lầm tai hại đó được sửa chữa một phần trong Hiến pháp 1992 tại điều 16: “… phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế: kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân và kinh tế tư bản Nhà nước dưới nhiều hình thức, thúc đẩy xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật, mở rộng hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật và giao lưu với thị trường thế giới”.

Có thể nói, nếu Hiến pháp 1946 mang nhiều yếu tố dân chủ, tiến bộ nhất thì Hiến pháp 1980 được xây dựng lại dưới thời Lê Duẩn là bản Hiến pháp tồi tệ nhất trong 4 bản Hiến pháp đã có của nước ta. Ngoài việc cóp nhặt điều 6 của Hiến pháp Liên Xô, áp đặt thành điều 4 cho Hiến pháp Việt Nam, Hiến pháp 1980 còn chứa đựng nhiều điều có tính chất phản động, tạo tình trạng áp chế tư tưởng, ngăn trở phát triển kinh tế nói riêng và xã hội nói chung ở nước ta. Hãy thử điểm qua một số điều :

- Ðiều 38 : “Chủ nghĩa Mác-Lênin là hệ tư tưởng chỉ đạo sự phát triển của xã hội Việt Nam”

- Ðiều 18 : “… thiết lập và củng cố chế độ xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất nhằm thực hiện một nền kinh tế quốc dân chủ yếu có hai thành phần: thành phần kinh tế quốc doanh thuộc sở hữu toàn dân và thành phần kinh tế hợp tác xã thuộc sở hữu tập thể của nhân dân lao động …”

- Ðiều 21 : “Nhà nước giữ độc quyền về ngoại thương và mọi quan hệ kinh tế khác với nước ngoài”

- Ðiều 22 : “Các cơ sở kinh tế quốc doanh hoạt động theo phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch Nhà nước, thực hiện chế độ hạch toán kinh tế, chế độ thủ trưởng và chế độ trách nhiệm cá nhân …”

- Ðiều 25 : “ở nước CHXHCNVN , những cơ sở kinh tế của địa chủ phong kiến và tư sản mại bản đều bị quốc hữu hóa không bồi thường”.

II – Trích bài “Thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp Việt Nam 1980” đăng tải ngày 8 tháng 01 năm 1992.

“Kính gửi: Ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp.

Tôi là một trí thức ngoài Đảng, lại vốn chỉ làm khoa học tự nhiên, không hiểu biết gì về hiến pháp học. Tuy nhiên, sau khi đọc kỹ bản dự thảo sửa đổi hiến pháp 1980, tôi thấy có một số ý kiến muốn được phát biểu, mong được ban soạn thảo Hiến pháp tham khảo.

Sau đây là một số ý kiến cụ thể của tôi:

………..

5. Không nên lạm dụng cụm từ XHCN. Việc đưa ý niệm “Công dân có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ tài sản XHCN” làm cho Điều 76 vừa không xác định vừa mâu thuẫn với một số điều khác. Thế nào là tài sản XHCN? Đối với các di sản văn hóa, di tích lịch sử, các tài sản của các thành phần kinh tế khác thì sao?

Ở Điều 13 chỉ cần ghi “Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng là bất khả xâm phạm” là đủ. Không cần thêm cụm từ XHCN vào sau tổ quốc Việt Nam.

6. Vấn đề hệ thống tư pháp thuộc cơ quan quyền lực nào và chế độ thẩm phán bầu hay bổ nhiệm là rất quan trọng, bởi vậy không nên để lửng như Điều 129: “Chế độ bổ nhiệm và nhiệm kỳ của thẩm phán, chế độ bầu và nhiệm kỳ của hội thẩm nhân dân ở tòa án nhân dân các cấp do luật định”.

Để bảo đảm tính độc lập tương đối cho quyền tư pháp, cần có Hội đồng Tư pháp Tối cao. Hội đồng này cử ra những thẩm phán xét xử và công tố viên. Cũng cần đổi Viện Kiểm sát Nhân dân hiện nay thành Viện Công tố có chức năng kiểm soát các hoạt động của các cơ quan hành pháp và có quyền khởi tố, cáo trạng và kháng nghị.

Dù vẫn muốn duy trì chế độ trung ương tập quyền thì ta vẫn phải hết sức cố gắng tổ chức nhà nước sao cho nguyên tắc quyền lực ngăn trở quyền lực được bảo đảm. Thực tế là hiện nay tình trạng quan liêu và tham nhũng trong bộ máy nhà nước ở ta còn tệ hại hơn những năm trước và hơn rất nhiều nước trên thế giới. Nạn Ma-phia cũng hình thành rộng rãi và có nguy cơ phát triển ghê gớm. Các cấp chính quyền có xu hướng hoạt động vì chính quyền hơn là vì nhân dân. Nếu các nhà lãnh đạo không tỉnh táo nhìn thẳng vào sự thật một cách khách quan, hoặc vì quá say sưa tự hào với thành tích hoặc quá nhấn mạnh đến yêu cầu ổn định chính trị mà không tổ chức việc kiểm tra và kiểm soát một cách nghiêm túc, xuê xoa cho nhau, bỏ mặc quần chúng, thì khả năng phân hóa (không phải chỉ về kinh tế mà cả về xã hội, chính trị) sẽ diễn ra rất mạnh mẽ. Không thể không cảnh giác đề phòng nguy cơ suy yếu trường cửu và thậm chí dẫn đến tan rã.

7. Nên bỏ hai chữ “nhất thiết” trong câu “ngoài thủ tướng các thành viên khác của chính phủ không nhất thiết phải là đại biểu quốc hội” (Điều 107).

Muốn có sự phân biệt tương đối rõ giữa quyền lập pháp và hành pháp thì đại biểu quốc hội không nên kiêm nhiệm những chức vụ lãnh đạo trong hệ thống hành pháp và tư pháp.

Vả chăng từ khóa tới, đại biểu quốc hội cần hoạt động thực sự, nên phải dành thời giờ thỏa đáng cho công việc của quốc hội, không còn đủ thời gian và tâm trí để làm việc của chính phủ.

8. Vấn đề đồng bào ta định cư ở nước ngoài phải được xem là một trong những vấn đề lớn của quốc gia, của dân tộc. Cần đặt vào đây những nhiệm vụ chiến lược và đưa vào phạm trù của những quốc sách.

Đồng bào ta đã ra đi từ năm 1975 và lại đang ra đi từ khi Đông Âu tan rã và Liên Xô sụp đổ. Bởi vậy, vấn đề này đã và đang phát sinh và phát triển rất mới lạ. Muốn hạn chế sự xuất hiện của các lực lượng chống đối, đồng thời tranh thủ sức đóng góp to lớn của những cộng đồng người Việt Nam này, cần quan tâm thực sự đến họ với tấm lòng ưu ái của máu mủ ruột thịt. Cần tỏ ra rằng chúng ta vẫn xem cộng đồng những người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận của nhân dân Việt Nam.

Đề nghị tách Điều 5 Chương 1 thành hai điều. Một trong hai điều đó sẽ được ghi là:

“Nhà nước Việt Nam là nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết tương trợ giữa các dân tộc. Nhà nước tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ với gia đình, quê hương, được giữ quốc tịch Việt Nam và được trở về tái định cư trên đất nước Việt Nam khi có nguyện vọng”.

III –  Trích bài “Sửa đổi Hiến pháp Việt Nam là yêu cầu bức thiết” đăng tải ngày 20 tháng 11 năm 2007 (Bài này viết chung với luật sư Trần Lâm)

…… Điều 4 dẫm đạp lên nhiều điều khác trong chính bản Hiến pháp 1992:

1 – Đối với Điều 2 – Điều 2 ghi : “Nhà nước CHXHCNVN là nhà nước pháp quyền XHXN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”

Điều 2 xác định Việt Nam là một nước dân chủ theo định nghĩa của tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln: “Một quốc gia dân chủ là một quốc gia mà chính quyền của dân, do dân, vì dân”. Điều 4 khẳng định “Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Vậy tức là đảng chủ, là chính quyền của Đảng, dân của Đảng, dân phải vì Đảng. Rõ ràng Điều 4 chống lại Điều 2.

2 – Đối với Điều 15 – Điều 15 ghi: “Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách phát triển kinh tế thị trường …” trong khi Điều 4 ghi: “Đảng CSVN theo chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh ….”.

Kinh tế thị trường là kinh tế hàng hóa phát triển ở trình độ cao trong khi chủ nghĩa Mác nói chung không thừa nhận kinh tế hàng hóa và chủ trương xoá bỏ sở hữu tư nhân. Rõ ràng Điều 15 “bất đồng chính kiến” với Điều 4.

3 – Điều 17 ghi: “Phát huy mọi năng lực sản xuất, mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài …  ”.

Điều 21 ghi: “Kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân được chọn hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, được thành lập doanh nghiệp, không bị hạn chế về quy mô hoạt động …”.

Cùng với Điều 15, hai điều này không thể thích nghi Điều 4, hoặc là Điều 4 là cái cùm gông xiềng ba điều 15, 17, 21.

4 – Đối với Điều 83 – Điều 83 ghi: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước CHXHCNVN”. Thế là, Điều 83 cùng với Điều 2 hoàn toàn phủ định Điều 4, hoặc là Điều 4 chống lại Điều 2 và Điều 83.

5 – Đối với Điều 101 –  Điều 101 quy định: quyền hạn của Chủ tịch nước: “Chủ tịch Nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước CHXHCNVN về đối nội và đối ngoại” trong khi Điều 4 xác định đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Hai điều này chồng chéo dẫm đạp lên nhau, nói khác đi, cũng chống nhau.

V v …..

B -  Điều 4 biểu hiện Đảng toàn trị chứ không phải Đảng lãnh đạo

1 – Khi đặt ra Điều 4, Đảng chỉ nhìn thấy mặt lợi là dựa vào đấy để giữ “ổn định chính trị”, củng cố vị trí độc tôn, vĩnh viễn của Đảng. Song, mấy chục năm qua, thực tiễn đã trả lời: Điều 4 đã làm tha hóa Đảng rất tai hại. Không ai, kể cả những người cầm đầu Đảng, không dễ dàng nhận rõ được rằng Đảng ta đã và đang suy thoái trầm trọng.

Đảng suy thoái như thế nào?, ở điểm nào?, ở đâu?, người ta đã nói quá nhiều, thiết tưởng không cần nhắc lại ở đây.

Nhưng có thể khái quát là tín nhiệm của Đảng đã sa sút, nội bộ Đảng đã bị lũng đoạn, sức mạnh Đảng đã suy giảm đến mức báo động. Biết bao nhiêu nan đề: giao thông ách tắc, môi trường hủy hoại, giầu nghèo doãng xa, tham nhũng tệ hai, văn hóa suy đồi …! Điều 4 có trách nhiệm gì ở đây? Đảng toàn trị có phải là nguyên nhân?

2 -  Đảng toàn trị làm Đảng suy yếu. Tác động của Đảng làm nẩy sinh tiêu cực trong nhân dân. Sự thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm … là các tệ đoan tầm thấp. Cao hơn là chà đạp lên văn hóa dân tộc, gian dối lừa đảo, bức hại người lành, tội phạm tràn lan …. Đảng khống chế và chi phối xã hội. Đảng suy thoái làm cho xã hội suy thoái. Đấy là hậu quả tai hại của đảng toàn trị do Điều 4 gây ra.

Điều 4 nguy hại như vậy, cho nên đặt vấn đề xem xét, nghiên cứu, giải tỏa Điều 4 là điều cần làm và cần làm ngay.

Giải tỏa Điều 4 là vấn đề hệ trọng, bao trùm lên tất cả. Bởi vậy nó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân thực sự đề cao tinh thần trách nhiệm vì nhân dân, vì Tổ quốc mà dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám dũng cảm đương đầu.

……Dứt khoát gạt bỏ Điều 4 Hiến pháp 1992 khỏi Hiến pháp mới hoặc Hiến pháp sửa đổi. Gạt bỏ Điều 4 chính là phương sách cứu chữa và vực đảng CSVN dậy.

Tuyên bố: “Đảng ta bỏ Điều 4 là tự sát”, phải chăng là câu gở miệng. Hãy nhớ, ngày 20 tháng 11 năm 1989 trong cuộc họp Bộ Chính trị đảng Cộng sản Liên Xô, ông Michail Gorbachev vừa dóng dả: “Phải giữ cho được điều 6 Hiến pháp (tương tự Điều 4 của Việt Nam), đó không phải là tình trạng cứu hỏa và cũng không phải là tình trạng đặc biệt”. Oái oăm thay, đấy lại chính là “Tiếng chuông nguyện hồn ai” bi thảm, cáo chung đảng Cộng sản Liên Xô liền ngay sau đó. Đó là gương tầy liếp buộc người có trách nhiệm ở Việt Nam phải cảnh tỉnh.

Một lần nữa, chúng tôi xin nhắc lại, hãy kíp thời hủy bỏ Điều 4 Hiến pháp, làm cơ sở hủy bỏ Điều 88 Bộ Luật hình sự, nhằm giúp đảng CSVN còn có cơ tồn tại và ra sức vươn lên đặng sánh vai cùng các đảng khác trong một chế độ dân chủ đa nguyên, đa đảng, ngõ hầu xây dựng được một nước Việt Nam mạnh giầu, nhân dân được hưởng tự do, hạnh phúc.

Sửa đổi Hiến pháp là ‘công việc đặc biệt hệ trọng’ cho nên phải sửa đổi cho đúng. Muốn sửa đổi đúng thì không chỉ bàn bạc trong nội bộ lãnh đạo mà phải thực sự tôn trọng ý kiến công chúng, đặc biệt là ý kiến của những trí thức vừa có tâm vừa có tầm như trên đây. Bây giờ đọc lại mới thấy những ý kiến mà tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang đã nêu cách đây hàng chục năm bị bỏ qua thì nay ta mới càng thấm hiểu được tính đúng đắn đáng nhẽ phải được tiếp nhận từ lâu.

Phải làm theo yêu cầu TBT nêu lên là tất cả những vấn đề thực sự cần thiết, được thực tiễn chứng minh là đúng’ thì nhất định phải sửa chứ không thể bị ràng buộc bởi sự chỉ đạo vô lý của ông rằng ‘quyền lực nhà nước là thống nhất’ và sẽ không có chuyện tam quyền phân lập ở Việt Nam.

Hãy lưu ý lời phàn nàn (được chứng minh rất cụ thể) của tiến sỹ Địa Vật lý Nguyễn Thanh Giang về sự thụt lùi của các Hiến pháp về sau so với Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và quyết tâm sửa đổi làm sao để ta có một bản Hiến pháp ít ra cũng tiến bộ được như Hiến pháp 1946.

© Phạm Quế Dương

37 Lý Nam Đế

Điện thoại: (04) 62 700 002

 

5 Phản hồi cho “Bàn về sửa đổi Hiến Pháp”

  1. nguyenha says:

    Thế nào là hiến pháp??Sơ lược quá trình” Hiến Pháp CS”: Hiến pháp 1946 ‘tiến bộ”vì” còn chân ướt chân ráo”mới cướp chính-quyền,dùng chính sách “dụ khỉ”.Hiến pháp 1959 cũng còn” tạm dươc”,vì còn có cả Miền Nam làm dối trọng,do dó Dảng còn mang tên ‘con gái nhà lành”:Dảng Lao Dộng! Còn HP 1980,1992..lúc dó Dảng dả cướp dược Miền Nam,nhuộm Dỏ cả nước,Dảng “dếch”cần ai nửa,Dảng lấy lại tên “cúng cơm” :DCS!
    Do dó “lời lẻ” trong những bản HP sau, là lời lẻ của kẻ :dược ăn,dược nói,dược gói,dược dùm!! Tóm lại,
    trong một chế dộ mà Tư pháp,Lập pháp,Hành pháp là một,thì HP chỉ là văn kiện của Dảng dể cai-tri Dân mà thôi .

  2. kbc3505 says:

    Cái mà đảng cộng sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa VN gọi là hiến pháp chỉ là mị dân vì thực chất nó không phải là một bản hiến pháp đúng cách của một quốc gia độc lập có chủ quyền “của dân do dân và vì dân” như hàng trăm quốc gia khác trên thế giới. Đọc lên chúng ta thấy người chủ thực sự cùa đất nước không phải là toàn dân mà là Đảng cộng sản và nhà nước, người dân chỉ là một tập thể nô lệ chỉ biết nghe lệnh của Đảng và cương lĩnh của Đảng hoàn toàn bao trùm trên tất cả, kể cả cái hiến pháp mà chúng đặt ra để cai trị dân.

    Không cần sửa đổi vì có sửa đổi cũng chẳng thay đổi mà phải thay thế. Hãy viết một bản hiến pháp mới đưa vai trò lãnh đạo của đảng ra ngoài và trả quyền tự quyết lại cho người dân, một bản hiến pháp mới mà người dân thực sự làm chủ đất nước mình.

    Chỉ khi nào hiến pháp mới là của dân, do dân và vì dân thì đất nước VIỆT NAM sẽ không bao giờ mất và người dân mới thật sự có ấm no và hạnh phúc.

    kbc3505

  3. T. says:

    Dù Hiẻ́n Pháp Viẹ̉t Nam có thay đổi giống như hẹ̉t các nước Âu Châu hay Hoa Kỳ thì dân Việt Nam cũng bị bắt bớ và đánh đập như thường vì bọn Trung Ương Đảng đã cho phép các chính quyền các cấp và công an ngồi trên luật pháp.
    Cách tốt nhất là giải thể bọn đảng Cọ̉ng Sản Viẹ̉t Nam bất lương hiẹ̉n nay.

  4. NGÀN KHƠI says:

    BÀN CHƠI VỀ VIỆC SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP VN HIỆN NAY

    Tôi dùng chữ bàn chơi vì có bàn thật cũng chẳng đi tới đâu. Cho nên theo tôi các bài viết cũng như ý kiến của ông Nguyễn Thanh Giang, đề là tiến sĩ, hay của ông Phạm Quế Dương, đề ở 37 Lý Nam Đế Hà Nội, cũng chỉ là bàn góp cho vui thế thôi mà lại còn thêm phần rậm rạp, kiểu như ngô khoai lẫn lộn khó thấy đâu là thực tế hay thực chất nữa. Theo tôi, thật sự vấn đề chỉ đơn giản, có gì đâu mà các ngài lại quá quấn lên, viện đầu này dẫn đầu khác cho càng thêm thảm não và càng thêm lung tung xà ngấu.
    Cái đơn giàn theo tôi là thế này. Mục đích đầu tiến và cuối cùng của cụ Hồ, bác Hồ, hay cố chủ tịch Hồ Chí Minh, nói chung cũng chỉ là một đất nước, dân tộc VN thống nhất, đi theo chủ nghĩa Mác Lênin để tiến tới xã hội đại đồng cùng khối XHCN của Liên Xô và Trung Quốc trong tinh thần vô sản quốc tế thống nhất, đó hoàn toàn là ý nghĩa bất di bất dịch. Tất nhiên khi thời thế chưa chín muồi, hay khi thời cuộc biến đổi, tinh thần hay ý nghĩa đó cũng phải làm sao cho mềm dẽo, thích ứng, nhưng mục tiêu thì vẫn luôn bất dịch, sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy nhất quyết không bao giờ thay đổi. Đó chính là sự khác nhau về một vài điều nhỏ nào đó của Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992, hay bất cứ Hiến pháp nào khác trong tương lai, thì cái dụng cũng vẫn chỉ là một, còn cái thể có thể khác nhau là như vậy. Đó là điều mà không phải mọi người ai cũng thấy. Hoặc có người thấy mà không thiết tha góp ý, hoặc có người thấy mà chỉ góp ý dung dăng dung dẻ, góp ý cuội cho vui cửa vui nhà thế thôi. Đó cũng chính là ý nghĩa mà hôm nay tôi chỉ muốn góp ý chơi mà không hề là góp ý thật. Có người quan tâm tới điều 4, muốn giữ hay muốn bỏ điều bốn, nhưng muốn là một chuyện, còn hiện thực hay không lại là chuyện khác. Đây cũng là trường hợp của ông tiến sĩ luật học Sorbone Cù Hà Huy Vũ hay ông luật sư Lê Công Định đều từng một thời nổi đình nổi đám mà ai cũng rõ.
    Thế thì sửa đổi hiến pháp hay không sửa đổi hiến pháp, hoặc sửa đổi như thế nào cho thông, cho ổn, cho hữu hiệu trong thực tế đời sống xã hội hay kinh tế xã hội nói chung, điều đó không phải do Ban soạn thảo hiến pháp, do Quốc hội, do toàn dân hay nhân dân, mà đích thực chính là do Bộ Chính Trị cũng như Ban bí thư Trung ương của Đảng Cộng sản. Bởi Ban sửa đổi hiến pháp chỉ là nhóm chuyên viên thiên lôi, sai đâu đánh đó. Các thành phần khác nói chung cũng phải theo ý nghĩa Đảng lãnh đạo thế thôi. Mà Đảng lãnh đạo ở đây là Ban bí thư Trung ương và Bộ Chính trị lãnh đạo.
    Thế nhưng sợi chỉ đỏ xuyên suốt qua thời kỳ cận đại của lịch sử Việt Nam thực tế ngày nay đã có ít nhiều thay đổi theo hoàn cảnh trong nước cũng như tình hình đổi khác nói chung trên toàn thế giới. Đây là thời kỳ hội nhập toàn cầu do phát triển công nghệ và kinh tế của toàn thể nhân loại mà không một đất nước hay quốc gia nào có thể đi ngược, đứng ngoài lề, hoặc không tham gia vào đó. Đó chính là lý do tại sao Hiến pháp 1946 là hiến pháp của ông Hồ Chí Minh với tinh thần không có gì quý hơn độc lập tự do (để nhằm phát triển đi lên CNXH rồi đi lên CSCN), còn Hiến pháp năm 1980 là hiến pháp của ông Lê Duẩn, Trường Chinh với ý nghĩa tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH, tức theo đường lối chính trị Mác Lênin với nền kinh tế tập trung, tập thể, xã hội hợp tác xã nói chung. Nhưng hiến pháp 1992 lại là Hiến pháp trong thời kỳ đổi mới của ông Nguyễn Văn Linh với tinh thần nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nếu tôi quả thật không nhầm về những mốc thời gian cụ thể và thực tế như vậy.
    Có nghĩa những Hiến pháp nào ở VN từ sau cách mạng tháng 8 đến nay cũng đều là hiến pháp của thời kỳ quá độ đi lên CNCS. Trước đây từng có những người trí thức XHCN lớn tiếng phân tích thời kỳ quá độ đó có thể kéo tài từ cả trăm năm hay đến cả ngàn năm. Nhưng bây giờ thì người ta không còn hăng hái và nhiệt tâm nói vung vít tới thời kỳ quá độ dài dằng dặc như sợi chỉ đỏ xuyên suốt đó nữa, mà gió thay chiều, mọi người có liên quan đều chỉ nói đến nền kinh tế thị trường trong thời kỳ hội nhập với định hướng XHCN. Đây cũng chẳng khác cách nói một bước lùi hai bước tiến mà chính Lênin ngày xưa ở Liên Xô đã từng nói.
    Thế nhưng chủ nghĩa xã hội là chủ nghĩa của Các Mác, định hướng CNXH là định hướng đi lên xã hội cộng sản chủ nghĩa sau thời kỳ quá độ mà cả Các Mác và Lênin đều đã cùng bàn đến. Còn ý niệm kinh tế hội nhập thị trường là khuynh hướng kinh tế xã hội tư sản tự do phi mác xít lêninít, tức hoàn toàn khác biệt nếu không nói là đối lập lại hẳn.
    Vậy thì một mệnh đề hay một khái niệm mà hai vế liên quan mâu thuẫn, nghịch lý nhau, lại ở chung trong một nội dung ý nghĩa cùng nhau, thì chỉ có thánh mới biết được thực chất của nó ra sao hay ý nghĩa của nó thế nào.
    Bởi vậy tôi chỉ góp chơi một điều, thực chất đúng nghĩa của hiến pháp là ý chí toàn dân. Có nghĩa nếu hiến pháp mà không phản ảnh ý chí toàn dân một cách thật sự đúng nghĩa, tức thật sự khách quan, tự do dân chủ, nhưng chỉ phản ảnh tâm niệm của một số cá nhân hay tập thể nào đó, thì đó không phải là hiến pháp của ý chí toàn dân mà chỉ là hiến pháp của ý chí cá nhân, hay ý chí của một tập thể nào đó thế thôi.
    Bởi vậy hình như quý vị nào đó có dư thời giờ để ngồi phát biểu sửa đổi hiến pháp, viết ý kiến gởi tới nơi này nơi nọ để góp ý kiến thì quả thật tôi không biết phỏng để làm gì hay vì các lý do hoặc những mục đích gì. Bởi lẽ theo tôi thây, hiến pháp nào cũng chỉ có hai yếu tố là nội dung và hình thức. Nội dung là những điều quy định cụ thể, còn hình thức là ý chí toàn dân như đã nói. Ở đây, tức nói riêng về hiến pháp, không phải nội dung quyết định hình thức như muôn vàn sự việc khác nhau, nhưng ngược đời lại chính là hình thức quy định nội dung như trên đã nói. Cho nên nếu hiến pháp không phải là ý chí toàn dân, cho dầu có vạn điều quy định về nội dung như thế này hay như thế khác, chúng cũng chình là thứ hình thức của nội dung thế thôi.
    Như thế quả thật ở đây có hai ý nghĩa lý thú cần phải nói về hiến pháp, tức xây dựng hiến pháp và chỉnh sửa hay sửa đổi hiến pháp, đó là nội dung của hình thức và hình thức của nội dung. Nói rõ ra chính nội dung của hình thức hiến pháp mới là điều quan trọng có ý nghĩa quyết định nhất mà không phải chỉ là những ý nghĩa râu ria về mặt quy định cụ thể linh tinh nào đó mà thiếu cơ sở căn cơ sau cùng hay có thể nói được chỉ là các hình thức của nội dung phụ thuộc mà thôi. Nội dung của hình thức xin được nhắc lại, đó là ý chí của toàn dân. Hình thức của nội dung đó thực chất là hình thức tự do dân chủ. Còn nếu không như thế, các nội dung mang tính hình thức như đã nói chỉ là các nội dung vuốt đuôi của một thứ hình thức mang tính nội dung là hình thức độc đoán phải khung theo hay buộc phải khung theo một nội dung lý thuyết về ý thức hệ nhất định nào đó mà đây chính là ý thức hệ mác xít lêninít.
    Chính Các Mác là người duy nhất đã từng nói không có ai thoát ra khỏi được ý thức hệ. Nhưng ông ta chỉ gom ý thức hệ vào hai loại chính yếu là ý thức hệ vô sản và ý thức hệ hữu sản hay tư sản. Và đối với Mác chỉ có ý thức hệ vô sản mới là ý thức hệ cách mạng, còn ý thức hệ hữu sản, tư sản đều là ý thức hệ phản động của giai cấp thống trị. Chính điều Mác nói vốn từ rất lâu đã trở nên cái vòng kim cô của nhiều đất nước trên thế giới.
    Nhưng ngày nay thế giới đã đổi thay, nhiều đất nước cũng đã đổi thay hay đổi mới. Tuy vậy cái vòng kim cô cùa Các Mác đã lại trở thành cái vòng kinh điển mà nhiều người hay một số người nào đó vẫn cương quyết hay kiên định không bỏ được. Trong tính cách như thế, liệu có thể có thay đổi được hiến pháp hay không và thay đổi theo cách như thế nào nếu có, chính là điều mà tôi chỉ bàn chơi cho vui cùng chư vị quân tử nội hải ngoại cũng như với tất cả mọi người trong bàn dân thiên hạ.

    Bàn góp cho vui bàn góp vui
    Chuyện gì có đó ở trên đời
    Lý gì luýnh quýnh rồi luýnh quýnh
    Sao chẳng bàn chơi chỉ thế thôi !

    Đại Ngàn Võ Hưng Thanh
    (11/5/12)

  5. Càng sửa càng sai, tốt nhất giử nguyên trạng để khỏi tốn thì giờ bàn cải những điều vô bổ. Muốn có một bản hiến pháp, vì dân, do dân thì nên lật cái đảng VC ác này ra khỏi cọng đồng dân tộc, họa may mới có một bản hiến pháp theo đúng nguyện vọng của toàn thể nhân dân.

    Ngay trong bản hiến pháp đương thời ,quy định đất đai là sở hữu của toàn dân nhưng do nhà nước quản lý. Nhìn cây ấy cũng thấy nghịch lý và nên hiểu rõ ràng rằng, của cải của chúng bâỵ (toàn dân) là của cải của nhà nước (VC), toàn dân chỉ là một thực thể không có thực , bao nhiêu của cải vật chất nằm trong tay là một bọn côn đồ mang danh VC, chúng tự do ăn xài, chơi bời, trác táng, tác oai tác quái. Cuối cùng sở hữu toàn dân chỉ là hư từ trống rỗng, một tiếng đệm để tô thắm bản chất ăn cướp của nhà nước VC.

    Người dân VN phải nhận rõ bản chất lừa dối của VC, phải đứng lên giành quyền làm chủ, biến tên VC thành tên đầy tớ đúng nghĩa thì may ra thoát khỏi cảnh đời tăm tối, nếu sợ chết, sợ tù tội, không đứng ra đoàn kết để giử đất, chắc chắn suốt đời làm kẻ nô lệ bất công cho bọn đại gia đỏ VC. Hai giải pháp mà người VN phải chọn, liên kết công nông, đòi hỏi quyền lợi chính đáng và từ thế bị động sang thế chủ động, đoàn kết công nông trí thức lật đổ bọn VC. Ngày VC sụp đổ, chính là ngày mà quyền lợi chính đáng nằm trong tay người dân, có đồng lương đủ sống, nông phu có ruộng để cày, người trí thức được trọng dụng, lúc đó xã hội sẽ tiến bộ.

    Xã hội VN hiện giờ với bản hiến pháp đương thời, gây ra nhiều tội ác, không có công lý. Kẻ ăn không ngồi rồi thì rừng vàng bể bạc, thừ hưởng cuộc sống xa hoa trụy lạc, kẻ nông thì ngày làm chưa đủ tranh thủ làm đêm mà vẫn không đủ ăn. Nhà nước quản lý tất cả, nhất là đất đai vì thế nhà nước muốn thu hồi lúc nào cũng có thể được, hoặc nhà nước bảo dân không có chủ quyền trên mảnh đất ấy và chơi trò thuê mướn với số tiền cho thuê khổng lồ. Với chính sách như thế, rốt cuộc sự làm việc của người dân chỉ làm giàu cho kẻ khác, không thừa hưởng đúng thành quả lao động. Cái ác ôn VC là ở chỗ đó. cho nên mỗi con người đều có nhân phẩm, bắt buộc kẻ khác tôn trọng nhân phẩm ấy. Muốn có nhân phẩm ấy, tốt nhất là phải đấu tranh, không đấu tranh thì suốt đời chịu nô lệ.

Leave a Reply to nguyenha