WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nhật ký một năm sau ngày 30 tháng tư, 1975 [2]

Tiếp theo phần I

Trại cải tạo Sơn La sau 1975

Ngày 6 tháng 5-1975, bộ mặt thứ hai của Sài Gòn sau Giải Phóng

Bộ mặt thứ nhất là những tiên tri giả ở trên, bộ mặt thứ hai là những người buôn bán giả. Chỉ sau một tuần, cái điểm nỗi bật của một thành phố chết vừa mới trỗi dậy là sự xuất hiện rất nhiều những người buôn bán lẻ. Họ ngồi dọc theo các đường, từ đầu phố hay đầu con hẻm. Bán đủ thứ và mua cũng đủ thứ.

Người buôn bán phần đông là những người chưa bao giờ buôn bán. Đây là lần đầu họ làm nghề buôn bán bất đắc dĩ. Sự buôn bán này là một bài toán trắc nghiệm người chủ mới trong thế chờ đợi thời thế, nghe ngóng động tĩnh.

Nghĩ đến hoàn cảnh bất đắc dĩ của cả miền Nam, xin mượn lời hát của TCS:

Hãy sống giùm tôi
Hãy nói giùm tôi
Hãy thở giùm tôi…

Nhiều người không muốn sống, không muốn thở và đã hẳn không muốn nói nữa.
Cuộc truy diệt văn hóa, sách vở miền Nam.

Người ta kể trường hợp ông NL, một cán bộ vào tiếp thu văn hoá miền Nam có dịp đọc cuốn Loan Mắt Nhung của nhà văn Nguyễn Thụy Long. Ông thích cuốn sách đó, mang về Bắc trình ông Tố Hữu. Ông TH đọc xong nói:”miền Bắc đã không thể có người viết văn như thế này ..”

Vậy mà lần đầu tiên người dân Sài Gòn phải đốt sách vở.

Nhà văn Bùi NgọcTấn trong cuốn viết về Bè Bạn cũng đã từng trải nghiệm việc phần thư như thế ở ngoài Bắc: “thế là tất cả các thư từ đều được đem ra đốt. Dưới bếp nhà anh chị tôi, vắng vẻ. Tôi nhớ là mùa nắng hanh. Những bức thư bắt lửa. Đây mới thật là lễ Hiến tế.. Tôi đưa từng lá thư vào lửa. Khuôn mặt của ntừng người bạn hiện ra trong ngọn lửa lem lem. Tôi và Nguyên Bình cùng im lặng. Không ai nói một lời trong suốt lễ hóa vàng. Không cả tiếng thở dài nữa.”

Trong cuộc truy lùng sách vở Ngụy, bị đánh giá đồi trụy và phản động này, thì ông LM Trương Bá Cần, nguyên giáo sư sử học, hay Trần Bá Cường tỏ ra biết lợi dụng thời cơ nhất. Trần Bá Cường đã yêu cầu địa phận, nhà xứ, nhà in nộp tất cả tài liệu ấn phẩm tôn giáo. Từ đó cho người sàng lọc tài liệu nào không cần thì đem bán ki lô, tài liệu nào xử dụng được hay có giá trị lịch sử thì ông cất giữ cho riêng mình. Người viết bài này biết rằng riêng địa phận Sàigòn và nhà in Tân Định còn tàng trữ rất nhiều tài liệu quí giá từ thời Pháp thuộc. Các văn kiện liên quan đến tòa thánh, các phúc trình địa phận, các thư từ giao dịch của các vị giám mục tiền nhiệm, các sắc chỉ, bài sai, các sách cũ quý và hiếm không đâu có, các sách đạo như kinh bổn, hạnh thánh, báo chí như tờ Nam Kỳ địa phận trong suốt hơn 40 năm… Không biết ông Cường đã cướp được những tài liệu gì và cất giữ ở đâu. Điều chắc chắn là cả một di sản văn hóa tinh thần có giá trị lịch sử đạo TCG bỗng chốc trở thành tiêu ma.

Sau này, cái tội dối với lịch sử đó, mình ông gánh vác lấy.

Trách chính quyền CS truy diệt văn hóa miền Nam đã là một lẽ, ngay một số nhà văn miền Bắc cũng có cái nhìn khinh miệt, đánh giá thấp văn học cùng văn nghệ sĩ miền Nam, dù đã sau nhiều thập niên. Trong truyện ngắn Rửa tay gác kiếm xuất bản vào năm 2002 mới đây, ta còn đọc được những đoạn văn như sau của Bảo Ninh: ’’Chỉ mỗi mình Tú, một tay mọt sách, nguyên sinh viên trường Tổng Hợp là không ngại rúc vào đó, ngụp lặn lục tìm trong bụi tha về phòng một bao tải nặng chịch những cuốn tiểu thuyết chưa bị mối xông. Nhưng tất cả đều rặt một nòi thối tha mục nát văn chương chống Cộng, chữ nghĩa tối tăm, mờ ám, nội dung láo toét, ít ai kiên nhẫn đọc nổi quá nửa trang, chất giấy lại không hợp để vấn thuốc và khổ thì quá nhỏ để gói bọc một thứ gì, thành thử đống sách của Tú chẳng mấy ai buồn ngó, dù rằng nó cứ vơi đi. Người ta thấy các mẩu vụn của những Chu Tử, Xuân Vũ, những gì đó nữa quanh chỗ dựng điếu cày và trong nhà bếp, trong nhà cầu…’’

Họ đã cố hủy diệt văn học miền Nam mặc dù đã không hiểu gì về Văn học ấy. Càng không hiểu được sức sáng tác từ tinh thần tự do sáng tạo của các nhà văn miền Nam cũng như hệ thống tự do xuất bản so với miền Bắc. Bình Nguyên Lộc viết 820 truyện ngắn vào năm 1966. Đến 1975, số lượng đã hẳn trên 1000 truyện. Truyện dài của ông gần 100 cuốn. Nhà văn Duyên Anh có khoảng 60 tác phẩm. Phạm Duy đã sáng tác gần 1000 bản nhạc đủ loại. Hay có, dở cũng có. Trịnh Công Sơn trên 600 bài, nhiều bài thuộc loại nhạc vượt thời gian đi vào bất tử cả từ lời ca đến nhạc điệu. Chỉ xét về lượng sách xuất bản, có nhà văn nào ở miền Bắc có thể so sánh bằng?

Nguyễn Tuân, nhà văn hàng đầu miền Bắc, trước tiền chiến có 10 tác phẩm nổi tiếng như Vang bóng một thời, Tàn đèn dầu lạc, từ 45-75 có 10 tác phẩm đều tầm thường như Hà nội Ta Đánh Mỹ giỏi… Những Tô Hoài, ngoài một vài cuốn ký, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyên Hồng, Vũ Ngọc Phan, nhất là Nam Cao đã viết được gì?

Văn Cao bất hủ thời tiền chiến nay để lại được gì ? Có bằng số lượng 2% phần trăm so với Trịnh Công Sơn? Có đi được nhiều thế hệ tuổi trẻ như Trịnh Công Sơn ? Hay như Huy Cận với những bài Cướp súng giặc, Giết giặc, Tăng gia sản xuất, hoặc Lưu Trọng Lư với Cái mũ nồi, Tươi đẹp mầu cờ. Nhà văn Thanh Tịnh với Bài trừ hàng xa xỉ phẩm, Chống tư tưởng sợ Mỹ…

Xin trích dẫn nhà thơ Lưu Trọng Lư nổi tiếng với Lá Thu Vàng để chúng ta có dịp ngậm ngùi:

Đứa nào rẽ thúy chia uyên.
Bắn cho nổ con ngươi, lòi con mắt
Chặn bàn tay, trói giật bàn tay.
Và đây là thi sĩ Tố Hữu, nhà thi sĩ đứng thứ nhì ở miền Bắc:
Thảm lắm anh à lũ ác ôn
Giết cả trăm người trong một sáng
Máu tươi lênh láng đỏ đường thôn
Có những ông già nó khảo tra
Chẳng khai, nó chém giữa sân nhà
Có chị gần sinh không chịu nhục
Lấy vồ nó đập thai ra
Có em nhỏ nghịch ra xem giặc
Nó bắt vô vườn, trói gốc cau
Nó đốt, nó cười.. em nhỏ hét:
Má ơi nóng quá, cứu con ra.

Ngày 15 tháng 5-1975, giáo chức được lệnh phải trình diện tại Bộ Giáo Dục.

Một trong những sai lầm của chế độ mới là để giáo sư cũ đi dạy trở lại.

Bởi vì, tất cả không trừ một người, đều không đủ tư cách làm một thày giáo trong chế độ mới. Không phải chỉ đi học hai ba tuần lễ chính trị đã đủ để biến họ thành một giáo viên của mái trường xã hội chủ nghĩa. Việc dạy và học trở thành một màn kịch lừa đảo, tráo trở và ngô nghê. Thày đóng kịch còn trò mất tin tưởng. Con người sống bất đắc dĩ, sống hai mặt, nói một điều nghĩ một điều. Đi dạy mà sợ học trò, nhất là học trò lớp nhỏ. Đối với học trò lớn, dễ có sự thông cảm hơn. Không tin nhau thì còn dạy dỗ gì được. Cái tồi tệ nhất của học đường không phải là thiếu trường sở, cơ sở vật chất, thầy giỏi, phương pháp giáo dục năng động, cho bằng sự mất niềm tin nơi giới trẻ đánh mất niềm tin ở thầy.

Chính trị hóa học đường là điều xúc phạm nhân phẩm thầy giáo.

Trong Nam, trước 30-4-1975 người thầy chưa hề bị xúc phạm như thế. Sau 30-4-1975, đi dạy học là một dằn vặt khổ sở đối với thầy vì cảm thấy mình hèn, không nhân cách. Mỗi ngày, ông thầy phải tranh đấu với chính mình, vật lộn với cái đầu của mình, phải tìm cách chiến thắng những tư tưởng bất đồng cứ ngo ngoe muốn ngóc đầu dậy để phản đối cái này cái kia. Có nhiều thứ để phản đối, để không đồng ý. Vai trò nhà văn, nhà giáo quả không xa nhau lắm ở chỗ biết nói sự thật. Xã hội phải tin vào người thầy và trả lại vai trò truyền đạt kiến thức và nhân phẩm.

Bộ mặt thứ ba của Sàigòn sau Giải Phóng: bộ mặt của kẻ chiến thắng?

Có cuộc diễn binh ăn mừng chiến thắng. Chiến thắng gì, ai chiến thắng ai? Đã nói rằng cuộc chiến này không có người thắng, kẻ thua. Vậy ăn mừng chiến thắng là bỉ mặt đối với người Sàigòn. Người Sàigòn muốn quên, còn họ muốn nhớ. Họ muốn phô trương sức mạnh, họ muốn người Sàigòn nhìn nhận thua cuộc. Họ muốn xác nhận một điều không cần xác nhận nữa. Và mỗi năm, họ tái diễn lại cảnh này.

Tôi tự hỏi khi thống nhất nước Đức thì dân chúng Tây Đức ứng xử thế nào, nhà cầm quyền Tây Đức đã hành xử ra sao? Đã bắt đi học tập? Đã đầy đi kinh tế mới? Đã tịch thu tài sản, nhà cửa dân Đông Đức? Đã truy diệt đốt phá sách vở bên Đông Đức? Đã bắt các nhà văn, nhà báo Đông Đức vào tù? Đã dựng nên những bức tường ô nhục ? Đã gọi dân quân Đông Đức là bọn Ngụy, bọn phản động? Đã xua đuổi người ta ra biển? Đã có bao nhiêu người dân Đông Đức phải trốn ra khỏi nước họ? Và một câu hỏi chót: Dân Tây Đức đã hy sinh bỏ ra bao nhiêu tỉ để thực hiện việc thống nhất nước Đức?

Các anh em đồng bào, những thanh niên trí thức từng du học, từng đi làm bên các nước Đông Âu, hãy làm nhân chứng viết lên điều này. Các anh đã thấy gì, nghĩ gì và so sánh gì khi nghĩ tới hoàn cảnh thống nhất đất nước sau 1975 so với nước Đức?
Bài học thống nhất nước Đức là bài học lớn mà người CS khi nhìn lại đã không học được, chỉ vì việc thống nhất này xảy ra sau 1975. Nhưng ngay cho dù xảy ra trước 1975, vị tất đã học được gì? Bằng chứng là sự tan rã chế độ CS Đông Âu, nào họ đã rút ra được bài học gì? Bộ mặt thứ ba này cho thấy một điều: Họ luôn luôn cư xử với người Sàigòn như kẻ thắng cuộc, như kẻ đô hộ với người bị trị. Đó là một thứ thực dân kiểu mới.

Người ta thấy trên đường phố diễn hành những đại bác 130 ly của Sô Viết, hoả tiễn Sam 2 Sô Viết xuất phát từ Thủ Đô Hà nội. Một lần nữa xác quyết rằng, đấy là thành quả chiến thắng của Hà nội chứ không của một ai khác. Một thành quả mà Hà nội đã trả một giá không rẻ. Trong Les gens de la C.I.A, 1980, Guérin đã cho biết một cán bộ CS ở Bình Dương, vào năm 1963-1965, nhóm của ông này có cả thảy 75 người, đến ngày giải phóng, chỉ còn mình ông sống sót. ‘‘Des soixante-quinze membres des années 1963-1965, je suis le seul survivant’’. Dương Thu Hương nhắc lại số học sinh trong 4 lớp Trung Học cùng thời với bà, sau chiến tranh, chỉ có hai người sống sót trở về.

Đó là cảnh mà một thi sĩ Trung Hoa đã ngao ngán viết:’’ Nơi vó ngựa chiến đi qua, mười năm sau, cỏ chưa mọc và gió thổi còn mang mùi máu..’’

Đó cũng là cảnh mà một chuyên gia người Mỹ, ông Keith Weller Taylor đã ngạc nhiên nhận xét về sức sống của người VN: Những chuyên gia về sự tồn tại.
Cảnh đó cũng được quay chiếu thành film: We were soldiers. (Chúng ta đều là những người lính). Ở nơi đó, vị trung tá chỉ huy trước cảnh hoang địa với sự hy sinh của hơn 2 phần 3 đồng đội chỉ còn mỗi một điều an ủi: “Cuối cùng thì những kẻ còn lại vẫn là những người chiến thắng”.

27-5-1975, bộ mặt thứ tư của Sàigòn sau Ngày Giải Phóng: Sự sợ hãi.

Đài phát thanh thành phố ra lệnh phải thu nộp tất cả các sách vở, báo chí, phim ảnh, tài liệu in ấn trước ngày 30 tháng tư được coi là đồi trụy? Chỉ một lệnh này thôi đủ làm dân thành phố đau ruột. Nhà nào chả có sách vở, nhà nào mà chả có chữ nghĩa.
Hình như chế độ tạo cho mọi người dân “mặc cảm tội lỗi” đến làm gì cũng sợ. Làm việc gì, nói điều gì, phát biểu điều gì cũng phải dòm trước, dòm sau, uốn lưỡi bảy lần mới nói. Cái tâm trạng đó biến nhân cách con người thành thiếu trung thực, nghĩ một đằng làm một nẻo. Sống như thế kể là đáng buồn. Sợ bóng, sợ gió, sợ đủ thứ.

Trước đây còn trẻ sợ ma, sợ người chết, nay bắt đầu sợ người sống. Nhất là sợ chế độ.
Chế độ mới quản lý con người bằng cách đẩy họ đến tâm trạng sợ hãi bằng cảnh cáo, bằng hù dọa, bằng học tập, bằng lý lịch, bằng bản tự kiểm mà biểu tượng là các vị công an phường khóm với những hình thức chế tài, kiểm soát, chế độ xin cho.

Như ở Ba Lan, 65% dân chúng có hồ sơ của mật vụ Ba Lan. Thế thì sống luôn luôn trong sự sợ hãi và bất an thường trực. Thân phận lưu đầy ở đây là cảm thức mình là kẻ tội phạm. Cảm thức này phải sống trong lòng chế độ mới biết được. Mới đây, tôi về VN, ra Hà nội, đến các khu vực *cấm thành* dọc theo đường Hoàng Diệu, khu Ba Đình, tự nhiên cảm giác bất an, lo sợ tự nhiên dấy lên trong tôi. Sau 30 năm trở lại, tưởng nó chết rồi, nó còn đó trong vô thức ngóc đầu trở lại. Tôi vội vã dời khỏi khu vực đó..

Đó là một thứ phong kiến kiểu Cộng Sản.

Cái khốn khổ dằn vặt con người không phải là đã phạm tội gì mà vận dụng hết cách như trí nhớ, sự khôn ngoan, trí thông minh nghĩ ra, tưởng tượng ra tội phạm.
Cái cảm nghiệm này đối với những người theo đạo TCG thật sự không xa lạ gì. Khi còn nhỏ tuổi, người theo đạo TCG cũng thường rơi vào mặc cảm mình lúc nào cũng tội lỗi, một ngày ít lắm cũng phạm tội đến 7 lần. Trẻ con mà có tội gì ? Vậy mà mỗi tuần mỗi xưng tội. Mỗi tuần ngồi thần ra để đẻ ra tội, đẻ càng nhiều càng tốt. Có gì khác nhau giữa người Thiên Chúa Giáo và người Cộng Sản?

Người miền Nam sinh ra ngờ vực, cái gì cũng có cảm giác mình bị lừa.
Chủ nhật 1-6-1975, quân bài mạt chược cũng biết đóng kịch và người tử tế không còn nữa.

Đã một tháng trôi qua, đã có rất nhiều thay đổi. Mọi người đều cố gắng vận dụng khả năng thích ứng, sao cho thích hợp với hoàn cảnh mới. Thật cũng không dễ dàng gì. Trước 1975, tôi có thú giải trí xoa mạt chược cuối tuần. Đã một tháng hầu như quên lãng. Nay chợt nhớ lại. Thời gian như đã từ lâu chưa chơi lần nào.

Lần đầu tiên, tôi lén lút đi xoa mạt chược cho đỡ ghiền. Nhưng 160 quân bài mạt chược nay cũng phải mặc thêm bộ áo che chắn như người để khỏi gây ra tiếng động khi xoa bài. Chủ nhà đã nghĩ ra được sáng kiến đến lạ. Ông tốn kém đi mua một lốp săm xe đạp, cắt ra thành từng khúc vuông nhỏ, rộng nửa đốt ngón tay, rồi quấn ngoài quân mạt chược. Vì thế quân bài xoa va vào nhau không phát ra tiếng kêu, tránh cho hàng xóm khỏi nghe thấy. Nhưng từ nay, mỗi lần đánh quân bài ra, nó nhảy tưng tửng đến là buồn cười. Không ngờ, nó đóng kịch cũng hay.

Đi ra đi vô phải ra lần lượt từng người một để tránh sự dòm ngó của người chung quanh.

Niềm vui nho nhỏ, giải trí cũng đã sứt sẹo, mất vui.

Trên đường về nhà, từ chỗ đánh mạt chược ở khu Hàng Xanh, nhất là vùng Thị Nghè, đường Nguyễn Huệ, bờ sông Sàigòn, người ta bán đủ thứ do ăn cắp, hôi của từ các kho hàng, các hãng xưởng. Có thể tìm thấy đủ thứ ở các nơi đó. Nạn con buôn chạy hàng, manh múm, nạn chợ đen, giá cả mỗi nơi mỗi khác thay đổi từng ngày. Hàng thùng thuốc lá của các hãng Bastos, hãng thuốc lá M.I.C, Thùng bia của hãng B.G.I. được đem ra bán. Xăng được bán lẻ từng chai ở mọi chỗ với cái chai không được bày ra đường làm dấu hiệu. Xăng này do bộ đội bán ra, vì các cây xăng bị đóng cửa. Giá cả từ 1000 đồng đến 2000 đồng một chai.

Sau này, tôi cũng nhập vào dòng chảy buôn bán xuôi ngược này. Nhiều nguồn, nhiều cách buôn lắm. Tôi mua lại những chai thuốc viên Aspirine từ Hànội mang vào. Mua cả lố hàng 2, 3 chục ngàn viên. Tôi đem đến bán cho một hai cơ sở bào chế.. Họ nghiền, tán thuốc Aspirine Hà nội rồi cho máy chạy ép ra thuốc Aspro trong Nam, có vỉ nhựa bọc. Viên thuốc cứng nhắc, trình bầy đẹp, in ấn đẹp, viên thuốc không mềm nhủn như thuốc Hà nội mà giá đắt gấp 3,4 lần hơn. Chưa biết là có pha thêm bột không ? Bào chế xong, tôi lại đến mua lại cho một số hiệu thuốc quen và bán lại cho những người bán lẻ, có thể họ bán lại cho chính anh cán bộ đã bán Aspirine Hà nội.
Thật là một vòng xoay đến buồn cười. Thật ra đó chỉ là vấn đề thương hiệu, vấn đề tên nhãn thuốc.

Nói chung, mọi người từ trong Nam đến ngoài Bắc đều “có vẻ tin tưởng” vào những sản phẩm trong Nam hơn. Thuốc ngoài Bắc, người ta gọi là “thuốc rởm”. Đây là lúc người ta so sánh nhiều thứ lắm. Ngoài Bắc thế này, trong Nam thế kia. Mà bao giờ kẻ thắng trận cũng thành kẻ thua.

Tôi là người gốc Bắc, nhưng do sự tiếp xúc thường xuyên với người cán bộ, tôi cảm thấy tôi có chất Nam nhiều hơn chất Bắc. Chất Nam Kỳ làm tôi có cảm tưởng không giống chút nào với những người mới vô nữa. Tôi khác họ. Trước đây, có thể có kỳ thị Nam Bắc. Nay có thể có kỳ thị Bắc-Bắc, Bắc 54 với Bắc 75.

Nếu cần tổng kết một tháng trôi qua thì phải nói đã ló dạng nạn buôn bán, mánh mung, nạn chợ đen, tham nhũng, nạn chụp giựt lừa đảo bắt đầu. Một xã hội đen, một xã hội bên lề đã thành hình. Đó cũng là đặc trưng của Sàigòn sau 30 tháng tư. Có những người trước đây tử tế như thế nay sinh gian tham, mánh mung, lừa đảo. Đã thấy xuất hiện những người tử tế không còn tử tế nữa. Người thật thà trở thành gian manh. Người ăn nói trung thực trở thành nói láo khoét. Con người sống trung thực bắt đầu biết đóng kịch. Chủ nghĩa bất đắc dĩ đã sản sinh ra những người vợ trung chinh nay bắt đầu thay lòng đổi dạ. Học trò siêng năng trở thành lười biếng. Thanh niên ngưỡng vọng cao vời bắt đầu mất lý tưởng.

Đó là điều mà Dương Thu Hương cho là một nghịch lý: ’’Một dân tộc dũng cảm biết bao trong chiến tranh và hèn mọn biết bao trong cuộc sống thời bình’’.

Chiến tranh đã cướp đi tất cả những gì là cao quý, trong sáng chỉ còn để lại bọn khôn ngoan cơ hội, bọn trục lợi, bọn ăn may theo trình tự : Trong chiến tranh, người trẻ chết trước người già, người nghèo cùng khổ bán máu chết thay cho bọn giầu có quyền, có chức. Người ít học chết thay cho bọn có học, chết thay cho bọn đầu cơ chính trị.

Người bắt đầu không ra người. Cái gì đã làm dổi thay cá tính con người như vậy. Những mánh khóe lừa đảo đủ loại ra đời mà không sách vở nào dạy hết được. Chính bản thân tôi cũng bị lừa vài lần đến đau điếng. Tại sao xã hội lại thay đổi như vậy? Trước đây, cũng không thiếu tầng lớp người nghèo xác xơ, tại sao cảnh đó lại không xảy ra?

Ngày 1 tháng 6-1975: Trục xuất Khâm sứ Toà thánh và hủy bỏ việc bổ nhiệm GM Nguyễn Văn Thuận làm phó TGM.

Trong thời gian này, có xảy ra vụ trục xuất Khâm sứ Toà Thánh và phản đối việc bổ nhiệm GM Nguyễn Văn Thuận làm phó TGM có quyền thay thế. Việc trục xuất do sự phát động của một số 20 LM cấp tiến Triều và Dòng, trong đó có LM Thanh Lãng, giáo sư đại học Văn Khoa.

Ngoài Thanh Lãng còn phải kể đến Nguyễn Quang Lãm, Vương Đình Bích, Trương Bá Cần, Trần Viết Thọ, Nguyễn Văn Trinh, Phan Khắc Từ, Hoàng Kim, Nguyễn Thới Hòa, Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Nghị, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Huỳnh Công Minh, Nguyễn Thiện Toàn, Đinh Bình Định. Nhiều tin đồn và dư luận xôn xao và đã có xáo trộn trong đám giáo dân. Một nhóm sinh viên căng biểu ngữ trước tòa TGM Sàigòn vào ngày 13-5-1975 phản đối việc bổ nhiệm Đức cha Nguyễn Văn Thuận.

Theo như lời phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hanh trên tờ Sài Gòn Giải Phóng thì:’’ Do đó đã xảy ra xôn xao và xáo trộn, thậm chí có chết người trong cuộc xô xát đêm 3-6-1975, gần cầu Trương Minh Giảng’’. Phần LM Thanh Lãng, người cổ xúy cho việc này thì đã viết một bài:’’ Tạm tổng kết vụ Giám Mục Nguyễn Văn Thuận”. Nhân đó ông Nguyễn Văn Hanh đã không quên thừa dịp này đề cao LM Thanh Lãng:’’ là nhà văn và là nghiên cứu có tiếng là trí thức và ôn hoà..”” Trong khi đó thì lại có một tiếng nói khác của LM Trần Du, đăng trên tờ Đứng Dậy, số 72, trang 46 như sau:’’ Quyết định bắt Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận rời Sàigòn không thể thi hành được. Hai triệu dân công giáo không chấp nhận. Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận không có quyền từ chức. Vậy thì chính quyền có thể giết Ngài, có thể giết cả tôi, có thể bỏ tù Ngài hay bỏ tù tôi.. Nhưng không thể tự ý trục xuất Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận ra khỏi Sài Gòn”.

Phần TGM Nguyễn Văn Bình trong một lá thư gửi LM, tu sĩ, giáo dân ngày 7-6-1975 đã xác định:

- Việc bổ nhiệm là hợp với nhu cầu mục vụ
- Chính tôi đã đồng ý hoàn toàn việc bổ nhiệm này.
- Mấy tổ chức mệnh danh công giáo chỉ là thiểu số.
- Những tội danh gán buộc cho Đức khâm sứ Henri Lemaitre và Đức TGM Nguyễn Văn Thuận hoàn toàn thất thiệt.
- Chấm dứt các chiến dịch bôi nhọ, vu cáo.
- Chặn đứng các chiến dịch vận động phi pháp trục xuất TGM Nguyễn Văn Thuận.

Bất chấp kháng thư của TGM Nguyễn Văn Bình, hai tháng sau, ngày 15-8-1975, Ủy ban MTDTGPTPHCM và Ủy ban quân quản trình bày vụ TGM Nguyễn Văn Thuận tại Nhà hát thành phố ( trụ sở Hạ Nghị Viện cũ), ông Phó chủ tịch Mai Chí Thọ tuyên bố:’’ đưa giám mục Nguyễn Văn Thuận về lại Nhatrang, vì Giám Mục Thuận được chuyển đến Sài Gòn không phù hợp với tình hình mới.” Cũng trong ngày ấy, tức 15-8, Ủy Ban quân quản mời ĐC Bình và Thuận đến ”làm việc” tại dinh Thống Nhất (dinh Độc lập), giữ cha Thuận lại, đưa xe bít bùng chở đi câu lưu tại Cây Vông, thuộc tỉnh Khánh Hoà, sau đó chuyển ra Bắc, bị tù 13 năm, trong đó có 9 năm biệt giam, cho tới ngày 23-11-1988.

Xin ghi lại đây mấy dòng nhật ký của TGM Nguyễn Văn Thuận: ’’Ngày 1 tháng 12, năm 1976, lúc 9 giờ tối, bất thình lình, tôi bị gọi đi cùng với vài tù nhân khác. Chúng tôi bị xích người này với người kia từng hai người một và được đẩy lên xe cam nhông..Chúng tôi bị đưa lên tàu, chở ra miền Bắc- một cuộc hải hành dài 1700 cây số. Dĩ nhiên trong điều kiện như một đàn súc vật người chen chúc, thiếu ánh sáng, thức ăn và không khí, nhưng đầy ắp những tiếng uất ức nói không nên lời. Trong 9 năm biệt giam cơ cực, có lúc tôi bị giam trong một xà lim không có cửa sổ. Có khi đèn điện bật sáng từ ngày này qua ngày khác. Trong thời gian, tôi bị biệt giam, tôi được giao cho 5 người canh gác. Họ thay phiên nhau luôn luôn có hai người ở với tôi… Khi tôi bị quản thúc tại làng Giang Xá, cách Hànội khoảng 20 cây số, người canh giữ tôi là một tín hữu công giáo.”

Vụ việc này xảy ra chỉ không đầy hai tháng sau khi ‘’chỉ thị của Thủ Tướng Chính phủ về các hoạt động tôn giáo”

Thứ bảy, 7-6-1975, thân phận một nữ sinh viên tranh đấu trước 75.

Trong giới sv, nhiều người biết đến Cao thị Quế Hương như một người tranh đấu điển hình, nhất là trong giới Phật tử. Cuộc biểu tình, tuyệt thực nào mà không có cô. Ra tù, ra khám như chơi. Nổi tiếng tranh đấu như thế, chắc hẳn vào tù không khỏi bị các quản ngục làm nhục cách này, cách khác. Báo chí nhắc đến cô với ngưỡng phục vì lòng can đảm, vì nhiệt tình hăng say. Vào những giờ phút chót của VNCH thì cô vẫn đang ngồi tù ở Biên Hòa. Ở một nơi nào, trong một trại giam biệt lập, mà ít người biết.

Hôm nay, cô Cao Thị Quế Hương từ Đà Lạt về mỗi năm để làm giỗ cho anh Nguyễn Ngọc Phương và để gặp lại bạn bè tranh đấu thời trước. Cao thị Quế Hương là một khuôn mặt nổi bật trong giới SV tranh đấu trước 1975. Nhắc lại cái thời kỳ ấy, có một số các bà, đặc biệt có chị Yến và một bà người Tàu chuyên nấu bếp ở chùa Ấn Quang. Họ thường tổ chức nấu ăn, tiếp tế tương chao cho tù nhân ở nhà giam Tân Hiệp Biên Hoà. Đám giỗ Phương đã được tổ chức ở Tịnh Xá Ngọc Phương của cố ni sư trưởng Huỳnh Liên. Mỗi lần giỗ như thế thì có đông các ni sư, ni cô và các bà Sài Gòn tụ tập lại. Lẽ dĩ nhiên là thường ăn đồ chay.

Trong thời kỳ đó, toà án mặt trận vùng 3 chiến thuật xử lần thứ nhất tạm phóng thích khoảng 10 sinh viên, trong đó có cô Cao Thị Quế Hương, Nguyễn Ngọc Phương, tự Ba Triết, Dương Văn Đầy và Huỳnh Tấn Mẫm. Mẫm nguyên là chủ tịch Sinh Viên 1970, lãnh đạo thành đoàn Tòa xử lần 2. Mẫm và Đầy và một sinh viên được thả, số còn lại bị giữ cho đến ngày được trao trả. Trừ Nguyễn Ngọc Phương.

Cuối năm 1972, Nguyễn Ngọc Phương và một số tù Chí Hoà nhịn ăn để chống lại đại tá Vệ, giám đốc nhà tù Chí Hoà. Phương đuối sức, được đưa vào bệnh viện Sàigòn. Đến đầu 1973, Phương chết. Sau này Lê Văn Nuôi, chủ tịch thành đoàn, chủ bút báo Tuổi Trẻ thường nhắc lại kỷ niệm về Phương: Phương chưa kịp mừng Hiệp Định Hoà Bình ra đi thì đã mất.

Đám ma Phương được nhiều dân biểu, nghị sĩ đối lập như các dân biểu Kiều Mộng Thu, Phan Xuân Huy, Hồ Ngọc Nhuận v.v.. đến nhà ở đường Cao Bá Nhạ phúng điếu. Sau đám tang Nguyễn Ngọc Phương, Cao Thị Quế Hương bị bắt lại và bị giam ở trại Chiêu Hồi Đức Tu Biên Hòa cho đến trước ngày giải phóng. Cao Thị Quế Hương trốn khỏi trại trước ngày giải phóng và ra ở nhà chị Dậu, một phụ nữ đấu tranh nổi tiếng ở Vũng Tàu, đến tháng 5-75 mới về lại Sài Gòn.

Cuộc đời của Cao Thị Quế Hương sau đó cũng chìm lỉm vô danh như nhiều người khác. Cô về sống với mẹ ở Đàlạt như một người quy ẩn. Nói quy ẩn cũng không đúng hẳn. Cô giữ chức chủ tịch Hội Liên Hiệp phụ nữ tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt.

Đó là những bóng người như những bóng đêm câm lặng nhường chỗ cho những bọn múa rối ra đời và sắp ra đời, tuỳ theo mỗi thời kỳ.. Thoạt đầu là những Trí thức yêu nước, sau này là trí thức hải ngoại tìm về vv..

Đến có thể nói một điều chua chát như thế này. Rất nhiều người đã ‘’nổi’’ nhờ chế dộ độc tài Nguyễn Văn Thiệu miền Nam như: Cao thị Quế Hương, Huỳnh Tấn Mẫm, Lý Quý Chung, Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, các quý vị đi theo MTGPMN. Sau giải phóng. Thay vì nổi thì họ chìm.

Sài Gòn của tin đồn thất thiệt.

Nay thành phố giới nghiêm từ 10 giờ tối. Dù không có giới nghiêm thì cũng không ai muốn ra khỏi nhà vào cái giờ ấy. Có nhiều tiếng nổ lớn ở phía Bắc thành phố vào lúc 3 giờ.. Có tiếng còi hụ của xe cứu hỏa, người ta đồn với nhau là tiếng nổ do Plastic gài vào xe của của bộ đội. Cũng có hai bộ đội bị đâm chết ngay cạnh rạp ciné Mini-Rex, đường Lê Lợi. Nhiều người còn kháo với nhau có mảnh giấy ghim trên ngực người chết ghi “chúng tôi không muốn cuộc cách Mạng của các ông “. Thật sự thì đã có ai nhìn thấy mảnh giầy ghim trên ngực đó không? Chắc là không. Chỉ đồn, chỉ bịa, chỉ tưởng tượng đủ thứ. Tôi không tin có mảnh giấy đó.

Mảnh giấy đó chỉ nằm trong đầu người ta mà thôi.

Thay vì nghe đài phát thanh thì nay dân chúng đã có « Radio Catinat », mỗi ngày phát thanh tin đồn thất thiệt hai mươi bốn trên hai mươi bốn.

Sàigòn không có thông tin, nên nẩy ra rất nhiều tin đồn để lấp chỗ trống đó. Càng cấm, tin đồn càng nhiều. Có những tin đồn đến hoang đường, đến không tưởng mà người ta vẫn kháo nhau cho là thật. Tin đồn được tung ra từ các đám người đấm bóp thời cuộc, ngồi ở cà phê đầu đường tán dóc cho qua thì giờ.

Bà Ngô Bá Thành trong một cuộc phỏng vấn đã nhận xét :”Radio-Catinat là một lực lượng đáng kể ở thành phố Hồ Chí Minh.. Nó vượt qua dễ dàng những phương tiện truyền thông chính thức của chúng tôi”.

Hôm nay. Hôm nay là hôm nào? Hôm nào cũng được, miễn là ngày của chúng tôi. Một số đồng nghiệp trẻ tổ chức ăn với nhau tại nhà một cô giáo bên Khánh Hội.
Không khí đầm ấm, nhớ đời. Cuộc sống của chúng tôi chỉ có ý nghĩa thực sự ở những lúc này.

Chúng tôi gần nhau hơn, chia sẻ nhiều hơn, mặc dầu bữa nhậu dù cố gắng lắm cũng rất đạm bạc. Ăn xong, một số các em nữ giáo viên trẻ đàn hát nhạc cũ. Hát nhỏ thôi. Hát lén thôi. Nhưng chính ở chỗ hát lén mà nó đậm đà, mà nó cảm động. Ăn trộm, ăn vụng đã ngon, lần đầu tiên hát lén cũng thấy hay không thể chê được. Nhiều em gái, dơm dớm nước mắt. Chúng tôi chia tay, trong lòng ai cũng muốn có những bữa ăn như thế nữa.

Thứ ba, 10-6-1975, đại sứ Pháp Merillon ra đi.

Chuyến máy bay thứ ba ra nước ngài chở theo tất cả những nhà ngoại giao còn sót lại. Trong số này, có ông đại sứ Pháp Mérillon, nổi tiếng vào những câu chuyện giờ thứ 25 của Sàigòn. Ông ôm gói ra đi trong một tình trạng bị đối xử thật tồi tệ đối với đại diện một cường quốc như nước Pháp. Hà Nội hình như muốn khép tất cả các cánh cửa ra ngoài. Với sự ra đi của ông đại sứ Pháp.. hầu như mọi liên lạc với thế giới tư bản bị cắt đứt. Hà nội hình như muốn đóng cửa để dễ làm việc, giải quyết những chuyện nội bộ cho xong. Sau này, tại hải ngoại đã có cuốn sách dựng đứng việc đại sứ Mérillon thương lượng với chính quyền giải phóng về một giải pháp bị thất bại. Lại một chuyện hoang tưởng nữa, mất công ông đại sứ viết bài báo cải chính cũng không xong.

Thứ năm, 12-6-1975, trình diện học tập cải tạo

Ngày đánh dấu một thay đổi lớn với tất cả những nhân viên, sĩ quan trong chế độ cũ. Guồng máy chính trị chế độ bắt đầu chạy, bắt đầu xiết. Thông cáo cho hay, các sĩ quan và viên chức chính phủ cũ sẽ phải đi học tập cải tạo tối thiểu một tháng đối với Sĩ quan quân đội và cảnh sát ngụy, những người làm chính trị, dân biểu, bộ trưởng, nghị sĩ. Họ phải trình diện trong ngày mai và chỉ được mang theo quần áo mặc thay đổi và còn nói rõ mang theo 13610 đồng để trả tiền ăn trong một tháng.

Đối với các Hạ sĩ quan trở xuống, chỉ phải trình diện học tập ba ngày. Tờ Sàigòn Giải Phóng giải thích: “Họ có phần trách nhiệm của họ vì đã cầm súng đánh giặc cho kẻ thù, hoặc đã làm việc cho kẻ thù”.

Chắc nhiều người nay ở Hải ngoại đã hẳn không quên được cái ngày lịch sử này đối với đời sống còn lại của họ.

Tôi gọi đó là ngày mà chính quyền dựng lên một bức tường ô nhục phân biệt giữa kẻ thắng, người thua. Sau 30 tháng tư, nhiều bức tường ô nhục đã được dựng lên như thế.

Tiện nơi đây, xin trích dẫn những con số khác nhau về số những người đã phải đi học tập cải tạo. Dư luận dân chúng thì đưa ra con số là 80 vạn người tù học tập cải tạo. Năm 1976, P. de Beer đưa ra con số 200.000. J.Lacouture, vào tháng 5, 1976 đưa ra con số 300.000. Những người có khuynh hướng thân CS thì đưa ra những con số như sau: Tháng tư, 1978, Chanda cho có 50.000, tháng tư 1978. RP. Paringaux cũng 50.000. tháng 6, 1979, F. Nivolon, trên tờ Le Figaro, thiên tả, đưa ra con số 50.000.

Trong truyện đi học tập, có một số cựu viên chức miền Nam đã được miễn như các trường hợp kể sau đây: Trong Hồi ký không tên, Lý Quý Chung có ghi lại như sau, khi ông nhận được một phong bì giao tận tay:* giao cho nguyên Tổng Trưởng Thông Tin, nguyên dân biểu đối lập ngụy quyền, Lý Quý Chung, thông báo được miễn học tập tập trung.* Ký tên: Cao Đăng Chiếm. Phó chủ tịch Ủy Ban Quân Quản.

Khi nói rằng Lý Quý Chung được miễn học tập cải tạo tập trung thì có nghĩa là ông được miễn khỏi phải vào các trại tập trung như cô nhi viện Long Thành. Nhưng ông vẫn phải tham dự các khóa học tập tại chỗ, tổ chức nhiều nơi và nhiều ngày trong thành phố Sàigòn lúc bấy giờ.

Chẳng hạn, hơn một ngàn giáo sư trung học cả công cả tư trong thành phố cũng được miễn đi học tập tập trung. Nhưng họ vẫn phải tham dự các khóa học tập ngắn ngày trong thời gian liên tiếp ba tuần lễ.

Một trường hợp điển hình klhác là ông Lý Chánh Trung, đã từng được đưa vào bưng để tiếp xúc với những lãnh đạo MTGPMN. Khi giải phóng xong, dù sau nay dược là dân biểu, được tiếp tục giảng dạy ở Đại Học Văn Khoa.. Ông vẫn phải tham dự các khóa học tập về chủ nghĩa Mác Lênin, không phải một vài tháng, mà kéo dài cả năm, có trao dổi, có làm bài, có chấm điểm.

Vậy thì bất cứ ai ở miền Nam, nếu không trực tiếp là đảng viên Cộng Sản, hay đã tham gia trực tiếp vào MTGPMN thì dù được miễn học tập cải tạo tập trung vẫn phải dự các lớp học tập tại chỗ. Đó có thể cũng là trường hợp của tướng Lê Văn Nghiêm và một số trí thức miền Nam khác.

Vì thế, việc miễn học tập tập trung cũng còn dành cho một số người khác như Dương Văn Ba, Đinh Văn Đệ, Phan Xuân Huy, Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Đinh Xuân Dũng, Nguyễn Phúc Liên Bảo, Nguyễn Hữu Hiệp, Trần Bá Thành ( cựu TGĐ Cảnh sát Sàigòn, thời ông NĐD) v.v..

Nhưng sau đó những người trên vẫn tham dự những buổi học tập diễn ra từ ngày 15-8 đến 22-8, do Tạ Bá Tòng hướng dẫn.

Bên cạnh đó, các ông Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu, Trần Văn Hương là những trường hợp đặc biệt của đặc biệt. Bốn vị này thay vì đi học tập tại chỗ thì người ta gọi là những buổi trao đổi. Thật ra thì cũng là một thứ học tập, ở mức độ nhẹ nhàng và thoải mái thôi. Chỉ có khác là học ở Sàigòn. Trong những buổi học tập này, cụ Hương là người hăng hái nhất, phát biểu cũng nhiều nhất.

Cuối cùng thì có thể nói là cả miền Nam phải học tập. Trẻ, già, lớn, bé, từ phường khóm đến trường học. Không miễn trừ cho bất cứ người nào.

Nhà nào cũng có người là si quan phải đi học tập. Không sĩ quan thì ngụy quyền. Đâm ra nhà nào cũng có chuyện buồn, cũng có chuyện phải lo. Anh rể tôi, anh cột chèo đều phải đi cả. Các chị tôi đã hẳn buồn và lo lắm. Tôi làm sao không buồn theo.
Cuối cùng cả miền Nam đều buồn.

Mẹ tôi không nói ra, nhưng có vẻ héo hắt đi. Đôi mắt hõm sâu thêm vì những đêm không ngủ. Nụ cười úa tàn không còn oan oang như trước nữa. Bố tôi thì bề ngoài thấy như vẫn vậy. Thói quen của mẹ dấu diếm những điều cho riêng mình đã thành tật. Do đó, nó khoét sâu vào tâm khảm, đục khoét cơ thể lúc nào không hay. Người cứ nhẹ đi như bấc. Có những buổi trưa bất ngờ sang thăm mẹ. Mẹ ngồi ngủ gục, ẻo lả một bên. Tôi ngỡ ngàng kinh ngạc, xót xa. Con rể đi học tập, con trai lang thang, lếch thếch ngoài Vũng Tàu tìm đường đi. Con cả ở ngoài bắc vẫn biệt tăm, vẫn mù mịt, không biết sống hay chết. Đã mấy chục năm rồi sao chưa về. Nỗi đau quá khứ trộn thêm nỗi lo hiện tại. Các con tứ tán. Mẹ vẫn không một lời ca thán. Mà mẹ biết trách ai bây giờ.

Chẳng bao lâu sau, mẹ từ giã cõi đời vì gánh nặng cuộc đời không gánh nổi.

Mẹ tôi chết. Không còn cách gì cản quyết tâm phải ra đi của tôi nữa. Đúng là mẹ tôi ép tôi phải ra đi.

Từ ngày Cách mạng vào đến giờ, tôi tự hỏi: đã có một ngày, đã có việc gì làm cho chúng tôi vui? Chưa. Chỉ có những chuyện buồn, hết chuyện nọ đến chuyện kia. Thế giới chia cách từ chỗ đó.

Trong vấn đề đi học tập này, chắc cần phải nói thêm cho rõ. Có vài người trong chính quyền mới là các ông Năm Xuân, Mai Chí Thọ và ông Tạ Bá Tòng, Nguyễn Hộ, Võ Văn Kiệt, ông Sáu Ngọc, giám đốc công an thành phố rồi Sáu Đức, tỏ ra* nới tay* đối với một số trí thức miền Nam. Không có mấy ông này thì nhiều người cũng khốn khổ lắm. Theo ông Hồ Ngọc Nhuận, sau 30-4-75, lãnh đạo đã cho ông một đặc ân là lên danh sách những người được đi học tập cải tạo riêng. Ông Nhuận có kể trường hợp Dương Văn Ba bị lọt sổ. Can thiệp mấy cũng không được. Ông Tạ Bá Tòng thì cứ nhất định phải đưa DVB đi học tập. Đến phút chót, ông Tòng mới xét lại và miễn cho DVB khỏi đi học tập cải tạo tập trung. Có những anh đã được can thiệp như dân biểu Thạch Phen, đại uý quận trưởng, gốc Khmer hay Trần Ngọc Giao đã được miễn học tập tập trung.. Nhưng về địa phương thì lại khác, bị bắt, rồi được thả, rồi cả hai ông đều chết. Không có ông Mai Chí Thọ thì ông Nguyễn Chức Sắc, chồng bà dân biểu Kiều Mộng Thu hay dân biểu Lê Tấn Trạng làm sao thoát cảnh tù đầy.

Cũng cần nhắc lại ở đây là thành ủy TPHCM đã đánh giá khá tích cực ba thành phần sau đây sẽ là những yếu tố thuận lợi sau này trong việc xây dựng, tái thiết và phát triển miền Nam. Bỏ qua ba yếu tố này sẽ là những bất lợi bất cập gây trở ngại cho việc tái thiết và phát triển miền Nam.

Đó là 3 thành phần cơ hữu của chế độ cũ cần được đánh giá đúng mức: Người Việt gốc Hoa, viên chức và sĩ quan chế độ cũ và khối người Thiên Chúa giáo.

Rất tiếc, sự đối xử phân biệt với người Hoa cũng như việc trục xuất người Hoa ra khỏi VN, việc đánh tư sản mà phần lớn là người gốc Hoa, việc bắt viên chức cũng như sĩ quan đi học cải tạo lâu ngày đã đưa đến thảm cảnh ‘boat people’ như mọi người đã thấy. Việc trục xuất khâm sứ toà thánh và các thừa sai ngoại quốc mà theo đề nghị của ông Nguyễn Cơ Thạch là nên duy trì tòa Đại sứ Hoa Kỳ để cho việc bang giao quốc tế không bị gián đoạn.

Nếu đề nghị của ông Nguyễn Cơ Thạch, một người có kinh nghiệm về những bang giao chính trị trên thế giới, được chấp nhận, thì đã hẳn có thể tránh được nhiều thảm họa cho đất nước.

Cơ hội xây dựng đất nước đã một lần để hụt tay.

Một truyện vui kể lại:

Gia đình tôi có dịp đón tiếp anh chị Kim, con nhà bác từ Hà nội vào. Anh chị cũng hiền lắm. Hình như cũng không được khá giả gì. Anh có cô con gái là nữ ca sĩ nổi tiếng miền Bắc lúc bấy giờ. Giọng cháu lanh lảnh, thánh thót, sắc cạnh, cao vút, nhưng không truyền cảm lắm. Nghe vẫn chưa quen, thấy thế nào ấy. Thấy hay, nhưng vẫn không cảm được. Cho cái gì, anh chị cũng nhận mang về, tất cả chỉ là đồ cũ. Tôi có chai rượu Black and White để dành, nhân dịp đó mang ra đãi anh. Hình như chỉ qua chầu rượu thứ hai, anh đã say mèm. Say rồi, anh chả giữ ý tứ, chả rào trước đón sau, chả nói theo bài bản nữa như lúc mới đến. Anh lộ nguyên hình hài là anh, con người thật. Anh chửi hăng quá, chửi cho đã như thể chưa bao giờ có dịp để chửi như thế, như thể đã nhịn nhiều năm. Anh chửi những nhân vật đời thường anh chỉ biết tụng niệm.

Xin đổi câu thơ này ra để tặng anh:

Sống mình không được nói
Chết mới được ra lời.

Anh không chết, nhưng rượu vào làm anh chết giả và lúc đó anh mới sống thật với lòng mình. Tôi chỉ buồn cười. Cũng thương anh rồi dìu anh đi ngủ. Chị ấy thì sáng hôm sau có vẻ rất băn khoăn khổ sở về bữa rượu hôm trước. Tôi thì thấy thường quá, say nói lăng nhăng ai chấp làm gì. Từ đó, anh chị không bao giờ vào chơi nữa. Thật đáng tiếc.

12 tháng 6, 1975. Mỹ gửi đến tòa Đại sứ Việt Nam một thông điệp

Thông điệp này do sứ quán Mỹ ở Paris gửi đến sứ quan của VN ở Paris:’’ Về nguyên tắc, Mỹ không thù hận gì VNDCCH. Đề nghị trên cơ sở đó tiến hành bất cứ quan hệ nào giữa hai bên. Mỹ sẵn sàng nghe bất cứ gợi ý nào mà phía VNDCCH có thể muốn đưa ra’’.

Sau đó có buổi họp giữa ta và Mỹ, cấp bí thư thứ nhất ngày 10-07, giữa ông Đỗ Thanh và Pratt chủ yếu bàn về vấn đề MIA. Mỹ chấp nhận Việt Nam vào LHQ, Mỹ có thể đóng góp khôi phục lại Việt Nam bằng cách phát triển buôn bán, hợp tác kinh tế.
Và theo ông Trần Quang Cơ, nguyên thứ trưởng ngoại giao CHXHCNVN, Năm 1977 ta đã có đủ khả năng để ta bình thường hóa quan hệ với Mỹ, nhưng ta đã bỏ qua. Thật là đáng tiếc.

Thứ bảy 14 tháng 6-1975, thay đổi giờ thay đổi đời.

Kể từ sáng nay, giờ Hà nội ( GMT-7 ) thay thế chính thức cho giờ ở Sài Gòn ( GMT- 8). Đây là một thay đổi duy nhất mà người Sài gòn không ai để ý tới. Chuyện thay đổi cả đời người còn chưa lý tới, một giờ thì nhằm nhò gì. Bây giờ là giờ của cách mạng hiểu theo nghĩa nào cũng đúng cả: Giờ của lịch sử, giờ của người chiến thắng.
Chỉ có kẻ thua trận là không có giờ và dĩ nhiên không có cả tương lai nữa.

Gia đình tôi lại có dịp tiếp đón một ông chú bên nhà vợ. Mọi người gọi là chú Tiến. Nghe nói, hình như chú là thứ trưởng bộ kinh tế thì phải. Tội nghiệp chú, các bà cô vợ tôi được dịp chửi rủa xả láng, nói bóng nói gió, chê bai đủ thứ. Chú chỉ cười. Chú chả thèm xin bất cứ thứ gì, có cho chắc cũng không lấy. Chú giầu chăng? Phần tôi, phải nhận tôi quý mến chú, dù ông chỉ hỏi thăm tôi một hai câu..

Giống anh chị Kim, ông chỉ tới thăm một lần và không bao giờ trở lại.

Dù sao, có bà con ở phía cách mạng cũng lợi, vì có thể chửi mà không sợ đi tù.

Thứ ba, 17 tháng 6-1975, tất cả các ngân hàng tư nhân đều bị đóng cửa.

Tất cả tài sản và tiền của các ngân hàng đều phải chuyển giao về ngân hàng quốc gia VN. Tất cả các hãng xưởng, nhất là của người Pháp đều rơi vào tình trạng tê liệt không hoạt động được. Đó là các hãng Citroen, các đồn điền cao su, các hãng nước ngọt vv. Họ phải chuyển giao hãng xưởng, tài sản tư nhân phải bán, ra đi với hai tay trắng. Lời hứa của tướng Trần Văn Trà, ủy ban quân quản thành phố vào ngày 8 tháng năm trước đại diện 120 đại diện báo chí ngoại quốc không còn ai nhắc tới nữa : ” tất cả các tài sản của người ngoại quốc sẽ được bảo đảm tôn trọng”. Theo ông Duchemin đã được Mai văn Bộ trấn an: Người Pháp cứ việc yên tâm ở lại làm ăn.

Cái mà chính phủ nhắm tới là Người Tầu đang nắm giữ việc thương mại, buôn bán ở Chợ lớn. Nhưng chính phủ còn chưa ra tay. Mặc dầu vậy, những người Tầu có tiền của cũng đã chuẩn bị trong tay một giấy thông hành Đài Loan rồi.

Đừng quên rằng, sau những người Tàu Chợ Lớn, còn có cả một nước Tầu đứng sau họ.

Thứ bảy 21 tháng 6-1975, giáo dục dưới mái trường XHCN.

Ngoài các trường công đã được hoạt động ngay những ngày đầu giải phóng, nay một số trường tư và trường chuyên môn dạy nghề được phép mở cửa, hoạt động trở lại. Đây là cái cửa mở đầu tiên được mở ra. Nhưng coi chừng, cửa chỉ mở hờ. Trường Regina Pacis nay không còn dạy giáo lý hay đọc kinh mà thay vào đó là những bài hát ca tụng Bác Hồ..

Các trường đại học cũng mở cửa lại, nhưng chưa có chính thức giảng dạy. Các chức Viện trưởng, khoa trưởng đều từ ngoài Bắc vào nắm giữ. Chuyên với hồng bắt đầu từ đây. Đây là keo thử thách nữa về sự phân biệt thế nào là chuyên, là hồng.
Đất nước tiến lên hay thụt lùi cũng từ cái khâu này.

Lại có vụ ám sát giết hai bộ đội sáng nay ở đường Trần Hưng Đạo. Họ bị cứa đứt cổ. Chẳng biết là thật hay giả. Dù sao, những tin tức kiểu đó cũng là món ăn giải trí và bổ dưỡng cho những kẻ thua trận.

Các giáo sư tuần tự đến trường đều đặn. Không bảo nhau mà trong trường chia ra phe phái rõ ràng không có quy ước và không có giới tuyến. Anh Hiệu trưởng cu ky một mình. Anh kín đáo quá. Hiệu phó lăng xăng vẫn không che đậy hết cái gốc tư sản của anh. Mọi việc giao tiếp, xử lý, hình như anh đại diện H.T lo liệu. Một anh trẻ tên Hùng, đang là đoàn viên, rất gương mẫu, rất kỷ luật, rất khe khắt với chính mình và đồng nghiệp. Con mắt có vẻ soi mói mọi người, mọi chỗ. Anh cũng cu ky một mình theo cách của anh. Sau này, anh tình nguyện đi lính sang Campuchia. Anh đã không có cơ hội trở về. Cùng lắm anh có Hương, một đoàn viên khác là bạn đồng hành.

Nhưng tuy không nói ra người ta vẫn đọc được tâm sự ẩn kín của Hương. Ánh mắt lúc nào cũng gợi buồn, sự cố gắng đến mệt mỏi, nụ cười gượng gạo. Hoá ra, số phận Hương có thể còn khổ gấp đôi lần những người bạn đồng nghiệp. Một số nữ giáo viên lớn tuổi mà có thể chồng con đi học tập, họ làm việc, tuân thủ như cái máy không hồn. Một cuộc sống bất đắc dĩ. Một cuộc sống mơ về một cuộc sống ở một nơi nào khác.

Đa số giáo viên trẻ còn vui đùa hồn nhiên họp thành một đám. Hố thẳm rơi của những người cùng thân phận. Nhiều tình cảm nẩy nở giữa họ do cùng tâm trạng, cùng hoàn cảnh, cùng suy nghĩ. Ít lắm, có vài đồng nghiệp trẻ mà nhen nhúm quý mến nhau hết mực, trân trọng hết mực, bảo vệ nhau hết mực..cho mãi đến về sau này. Điều mà người ta không hề có, điều mà người ta không có dịp để sống trong những thời gian trước 75..

Thứ sáu 27 tháng 6-1975, các tin đồn mỗi ngày mỗi nhiều.

Có bốn bộ đội canh gác ở ngay trong thư viện quốc gia bị giết. Hai bị đâm chết, hai bị cắt cổ. Trong ngày, nhiều tiếng nổ lớn được nghe thấy từ phía Tân Sơn Nhứt. Hai thường dân cưỡi Honda bị bắn hạ trước cửa toà lãnh sự Pháp vào lúc 4 giờ. Đến 20 giờ tối, ba bộ đội bị bắn chết bởi hai người đi trên xe Honda ở góc Phan Thanh Giản, Phan đình Phùng.

Tin đồn như thức ăn hằng ngày của dân Sài Gòn.

Mùng 10, tháng 7-1975, tờ báo Công giáo và dân tộc: tiếng nói của chính quyền.

Sau đúng 10 tuần lễ, một tờ báo công giáo được xuất bản:

Tờ Công giáo và Dân tộc do nhóm Trương Bá Cần, hay nói ngược lại là Trần Bá Cường, Vương Đình Bích, Phan KhắcTừ, Huỳnh Công Minh điều hành. Họ là người của Cộng sản. Xin ghi lại đây lời của Vương Đình Bích:’’ Đảng Cộng Sản đã gây dựng 4 người chúng tôi làm đầu não mọi hoạt động của đảng trong giới Công giáo’’ . Phần Huỳnh Công Minh, khi được chọn làm đại biểu Quốc Hội đã phát thệ:’’ Phần tôi, tôi nguyện suốt đời phục vụ’’. Trong một bài viết trên Tin nhà, số 43, 2000. Nguyễn Hữu tấn Đức gọi bọn bốn ông này là Prêtres et commissaires. Linh mục và cán bộ. Thật ra tiền thân của nó là từ một tờ báo CGDT ở giáo xứ Paris, từ 69-75 do ông Nguyễn Đình Thi đứng đầu. Nó có mặt từ đây cũng là do tiền của Nguyễn Đình Thi tài trợ lúc ban đầu. Tất cả 4 người trên đều có dính dáng, liên lạc hay hoạt động với chế độ cộng sản từ trước. Tờ báo chỉ là nối kết những tổ chức tôn giáo nhà nước như trước đây ở Hà Nội. Chẳng hạn, ngoài Bắc có tổ chức với cái tên rất dài là: Ủy Ban liên lạc toàn quốc những người VN yêu tổ quốc, yêu hoà bình ( UBLLCGTQ) Tờ báo CGDT ở Sàigòn tọa lạc trên một toà nhà ba tầng gồm 50 nhân viên, trong đó có một vài tu sĩ.. Vốn liếng tài trợ tờ báo là những hợp tác xã, cơ sở kinh doanh được nhà nước tài trợ như xí nghiệp làm bút bi, quạt trần, khách sạn Đại Kết, công ty Tinh Hoa, trường ngoại ngữ Nguyễn Trường Tộ, trường dạy nghề và máy vi tính Bạch Đằng..

Cho đến nay, tờ báo vẫn còn họat động đều đặn. Có lẽ đây là tờ báo duy nhất được sinh ra từ sau giải phóng và tồn tại lâu dài như vậy. Nó không thể chết, vì nếu nó chết thì cái đã làm nên nó chắc hẳn cũng không còn nữa. Vì có tính cách chính thức như tiếng nói của chính quyền nên nhiều người nghi kỵ và dè dặt. Người dân có cái nhạy cảm và dị ứng với cái gì chính thức, cái công quyền. Trước đây, các tờ Chỉ Đạo, Cách Mạng Quốc Gia cũng nhận được sự rẻ rúng của dư luận quần chúng. Đây là cái bình phong che chắn cho chế độ. Sau này, chính nội bộ của họ cũng tố cáo nhau như trường hợp giữa ông Nguyễn Đình Đầu và ông Trần bá Cường tức Trương Bá Cần viết lộn ngược. Ông Vương Đình Bích thì đã viết thư hạch hỏi ông Phan KhắcTừ về tội lem nhem tiền bạc, về tổ chức, về chuyện một vợ hai con của ông. Tiền bạc vốn tài trợ ngoại quốc khoảng 150 ngàn Mỹ kim. Vốn vay để thêm thu nhập cho tờ CGDT như ở trên đã nhắc tới. Ông Bích hỏi ông Từ tiền lời lãi do xí nghiệp làm bút bi, quạt trần, đỡ đầu cho công Ty Tinh Hoa, vay vốn hai tỉ để lập nhà máy may và trồng 33 mẫu cao su, rồi đầu tư với công ty Singapore, đầu tư khách sạn Đại Kết, trường ngoại ngữ Nguyễn Trường Tộ, trường dạy nghề may và trường dạy vi tính Bạch Đằng là bao nhiêu, tiền đó bây giờ ở đâu. Tất cả đều do ông Từ đừng tên. Làm sao người dân biết được những chuyện làm ăn đó. Thì cũng do chính họ tố giác nhau mà dân mới biết được.

Nhưng chuyện lem nhem của các ông thì có liên quan gì đến chính quyền, miễn là tiếng nói của các ông vẫn theo một điệu nhạc đã sọan sẵn, bài bản được dàn dựng.

Sau này, Đức cha Nguyễn Minh Nhật, chủ tịch HĐGM Việt Nam đã trả lời phỏng vấn trên tờ Églises d!Asie là:’’ người Thiên Chúa giáo hết tin tưởng vào UBĐKCG và tờ báo Công giáo và Dân tộc. Câu trả lời như thế có thể bị hiểu lầm là trước đây người ta vẫn tin, bây giờ mới hết tin.

Thứ tư mồng 9 tháng 7-1975, vẫn lại những phụ nữ có chồng đi học tập.

Học tập cải tạo sau năm 1975

Có một nhóm phụ nữ có chồng đi trình diện học tập cải tạo đã tụ tập trước dinh Độc Lập cũ. Họ đòi hỏi cho biết tin tức về chồng con của họ. Bộ đội đã đến giải tán. Có những tin đồn cho biết, có 4 xe nhà binh chở bọn họ bị giết trên đường đi. Chế độ càng bưng bít, tin đồn càng nhiều. Sự lo sợ càng lúc càng gia tăng. Người ta bắt đầu đặt ra nhiều dấu hỏi về số phận những người đi học tập này.

Sau này, vào năm 1979, Việt Trần đã nhắc lại điều ấy trong cuốn sách của ông: J’ai choisi l’exil. nxb Seuil, 1979.

Hai chị tôi cũng nằm trong số những người đàn bà bất hạnh trên. Anh rể tôi, một sĩ quan đại uý an ninh quân đội. Một thứ sĩ quan bàn giấy mà suốt đời chỉ là đại uý. Chưa hề bao giờ biết bắn súng. Vậy mà anh đi biền biệt ra Bắc hơn mười năm sau mới trở về. Chị lớn tôi, một nách 7 đứa con, hai đứa lớn nhất còn ngồi ghế đại học, đứa út chập chững vào trung học. Chị nhỏ cũng không thua, 6 đứa. Gia đình chị lớn trước đây sống bươn chải nhờ có thêm hiệu hớt tóc ở đường Nguyễn Thiện Thuật. Cuộc sống đạm bạc qua ngày, chắt chiu và hà tiện để nuôi các con ra người. Chị tôi cùng lắm là loại đàn bà đảm đang, khéo thu vén như nhiều người khác. Nhưng nay chồng đi học tập. Gánh nặng đè trên hai vai các chị. Bỗng chốc hai chị tôi trở thành những người đàn bà phi thường. Một chị buôn bán kem. Một chị xông xáo, hàng gì cũng buôn, buôn đủ thứ. Đã hai lần, hễ cứ buôn bán có tiền là ‘xuất cảng’ quẳng mấy đứa nhỏ ra biển. Hết lớp này đến lớp kia như lên cơn đồng. Hai lớp đã quẳng chúng ra biển đều thoát và không bị hãm hiếp. Nỗi lo, nỗi mừng cứ như sóng dồi. Các chị tôi như mê, như say điên cuồng không còn biết sợ là gì. Tôi sang trước, năn nỉ, lạy van các chị đừng cho các cháu đi nữa. Vẫn đi. Đi là đi. Đi xong tất cả chừng nấy đứa thì chị nào chị nấy như cái khăn ướt vắt khô nước, cạn kiệt. Chị nhỏ tuổi gục xuống như cây chuối bị phạng ngang lưng như mẹ tôi trước đây, chưa kịp đi đoàn tụ. Bên này, tôi tức tưởi khóc lén một mình. Chị lớn vừa sang ít lâu, gục theo không kèn, không trống. Gục xuống vì công việc đã hoàn tất. Mission accomplie.

In memoriam những dòng này cho hai chị tôi. Những người đàn bà bất hạnh trong một đất nước mà trời đất nổi cơn gió bụi, mà nước mắt như mưa sa, mà lòng người độc ác vô tận, mà hận oán như trời đất bao la.

Dù sao thì các anh rể tôi cũng may mắn hơn nhiều người đi học tập khác. Tôi có người bạn, anh Nguyễn Thanh Ty, anh nguyên là giáo sư biệt phái nên phải đi học tập. Mới đây anh có viết một cuốn sách và gửi tặng cho tôi đọc: Trong lao tù, CS, Trại Đá Bàn và A.30. Mấy tháng sau ngày đi học tập, anh đã nhận được thư vợ viết như sau:’’ Nếu những ngày tới, em không còn cách nào kiếm được gạo nuôi con nữa thì mẹ con em sẽ cùng uống thuốc chuột chết cho xong. Em và các con đã khổ quá rồi’’‘. Nỗi bất hạnh của anh không dừng ở đó, sau này anh biết vợ anh đã bỏ lại các con cho bà nội để tìm một bến đậu khác. Nào có thể trách ai bây giờ.

Một trích dẫn cuối cùng. ’Hai mươi năm làm vợ lính thời chiến, 13 năm vợ tù cải tạo thời bình, là người con gái ở miền quê Bầu Trai. Tôi có làm gì đâu mà suốt đời chỉ sống với nước mắt’’ (Trích Người Bàu Trai. Tháng tư 2004.)

Qua những câu truyện kể trên, hễ mà một chính quyền hành dân, làm dân khổ thì ta sẽ xếp hàng về phía những người cùng thân phận hay đứng về phía kẻ có quyền lực. Sự chọn lựa hẳn đã là rõ.

Một cảnh đời khác đang vẽ ra…

Trong khi đó thì theo tin hãng France-presse cho biết, ở Hà Nội nay có nhiều xe Honda từ Sài Gòn chạy trên đường phố. Xe gắn máy dần thế chỗ cho xe đạp. Một nếp sống mới đang thành hình. Người ta còn thấy nhiều loại nước uống sản xuất bởi hãng B.G.I cũng được bầy bán ở đây. Bát nước chè xanh nay thay thế bằng ly nước xã xị hiệu Con Cọp.

Sài Gòn thì như một thành phố bị chiếm đóng và có nạn hôi của những người thua cuộc để khuân về Hà Nội. Nhiều nhất là salon, tủ lạnh, quạt máy, máy hát, vải vóc, thuốc tây và ngay cả bột giặt. Nghĩa là tất cả những gì ở Hà nội không có. Những chiếc xe nhà binh chở lính vào thì nay đầy nhóc những món hàng của kẻ thua cuộc để lại. Một cuộc vơ vét thẳng tay và khá trắng trợn.

Hãng giấy Cogido có 8000 tấn giấy trong kho đã được lệnh chuyển ra Bắc. Tất cả những xe hơi mới của hãng Citroen, Renault, Peugeot cũng được lệnh chở ra Bắc. Hãng Engineco, có 165 xe được tân trang cũng chờ để được chở ra Bắc. Cách mạng bị mang tiếng nhiều về vấn đề này lắm. Những lời mỉa mai, bóng gió không thiếu qua cái câu chẳng thơm tho gì: Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng này.

Hạt gạo miền Nam đã thiếu hụt nay lại phải cắn chia đôi, chia ba cho miền Bắc.

11 tháng 7-1975, Tướng Trà: Mắt xích cuối cùng của cánh miền Nam.

Tướng Trà bị gọi ra Bắc để trả lời và tình bày về những rối ren, về tình trạng an ninh và nhất là tình trạng tham nhũng hối lộ. Vai trò của ông và mặt trận có dấu hiệu không còn nữa.

Cho đến lúc này, nạn tham nhũng trong thành phần cán bộ lãnh đạo, trong chính quyền bắt đâu lộ dạng. Và kể từ đó đến nay, sau gần 30 năm, không có dấu hiệu gì có sự cải tiến. Đã có bao nhiêu nghị quyết? đã có bao nhiêu lần tuyên bố cương quyết diệt trừ tham nhũng?

Ở một nước Tự do thì người dân sẽ có cảm tưởng chính quyền coi thường dân chúng. Có thể thế được chăng? Có thể kéo dài mãi chăng?

(Còn nữa)

© Nguyễn Văn Lục

© Đàn Chim Việt

18 Phản hồi cho “Nhật ký một năm sau ngày 30 tháng tư, 1975 [2]”

  1. Thảo Sương says:

    Có cái gì liên quan đến chữ nghĩa sách vở của chế độ cũ đều phải đốt. Trong lúc hoảng sợ tôi đã phải đốt đi quyển lưu bút hồi học lớp 7 của mình. Trong lưu bút đó hầu như đứa nào cũng viết rất hay, rất dễ thương… Trong tâm trạng thương tiếc quyển lưu bút tôi đánh liều dấu lại sách vở cũ bằng cách xếp từng cuốn, từng cuốn dưới nệm…. an toàn. Có lúc tôi đang đọc truyện của Duyên Anh, một tên bộ đội xông vào nhà vổ vai ( dê) hỏi ” em đang đọc gì thế cho anh mượn” . Tôi cho mượn liền quyển “Nhà Tôi” của Duyên Anh, trong đó có câu ” cờ đỏ sao vàng phất phới trong quần em”.

  2. Hoa Cải says:

    Mãi đến hôm nay tôi mới đọc bài này. Tôi không cùng thế hệ với các bác còm rất hay và (có người) rất hăng ở phần I, nên chỉ biết tựa cột mà nghe.
    Đối với tôi giá trị ở loạt bài này (mới đọc I, II) là những cột mốc thời gian. Qua tác giả, từng cột thời gian đó khiến tôi nhớ lại được rất nhiều, chiêm nghiệm được không ít những sự kiện.
    Có thể bằng chính những cột mốc này tôi cũng sẽ viết lại được hoàn cảnh gia đình mình trong những ngày tháng đau thương đó để con cháu tận tường.
    Xin cám ơn tác giả Nguyễn Văn Lục.

  3. nvtncs says:

    Đập mặt gian – says:
    17/05/2012 at 08:35

    Kính – cái con Khỉ ! Gã Nv Lục này chỉ có NỊNH để ăn tiền bẩn mà thôi !
    ———————————————————-

    Diễn Đàn says:
    17/05/2012 at 09:11

    Nhai lại , là đặc tính của loài Ngu như Bò .
    Có nhiều đoạn viết cũ rích và thiu thối … từ bao năm trước ở xó xỉnh nào , nay lại được lôi ra để cùng xực , cùng hỉ hả gật gù với nhau …Ôi , cái lương tâm tay giáo quèn – Bắc Kỳ di cư chính gốc ở Biên Hòa xưa , chỉ là chiêu : Bản Cũ Soạn Lại để kiếm tiền như vậy thôi sao ???
    ———————————————————-

    Hiện ra cái mật thật của “con người” cộng sản: quanh quẩn chỉ ám ảnh bởi đồng tiền bẩn thỉu. Cách mạng gì chúng nó!!

Phản hồi