WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Sao Hội Nhà Văn lại hè nhau tiễn thi ca lên đoạn đầu đài?

 

(Nhân đọc hai tập thơ được giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2012-2011)

Năm 2012, Hội nhà văn Việt Nam đã trao hai giải thưởng thơ cho hai tập thơ: “Bầu trời không mái che” của nhà thơ Mai Văn Phấn và “Hoan ca” của tác giả trẻ Đỗ Doãn Phương, gây nhiều phản ứng trên văn đàn, khen thì ít mà chê thì nhiều. Nhân đọc kỹ hai tập thơ này, chúng tôi (TMH ) mạn phép bàn thêm về tiêu chí chọn giải thưởng của hội nhà văn Việt Nam: lấy cách tân thơ làm mục đích hay lấy chất lượng thơ ( thơ hay) làm mục đích?

Đọc qua hàng chục bài khen, hàng chục lời khen hai tác giả trên và hai tập thơ được giải trên, thấy những lời khen rất mù mờ, tối nghĩa, lập lờ, thậm chí đao to búa lớn, tùy tiện, trích toàn những câu rất tầm thường, thậm chí rất dở ra khen hay, khiến những người đọc trẻ chưa đủ bản lĩnh trong thẩm mỹ thi ca dễ bị choáng váng, dễ bị định hướng sai lạc về thơ, rồi thi nhau viết những câu văn xuôi ngờ nghệch, ngớ ngẩn, xuống dòng liên tù tì và thi nhau nhận những giải thưởng phi…thơ.

Chúng tôi sẽ không bàn đến hai tác giả trên và hai tập thơ trên, nếu nó không nhận được sự tôn vinh của Hội nhà văn Việt Nam cho hai tập thơ được cho là hay nhất năm 2010 – 2011 .

Chúng tôi cũng xin nói qua về vụ cách tân thơ. Thơ là nghệ thuật của mọi người. Họ chơi thơ để tỏ bày tâm sự, để giải thoát tinh thần, bất kể hay dở. Trong đỉnh cao của nghề nghiệp, thơ nói cho cùng là nghệ thuật của những người có tài; kẻ bất tài dù cách tân mấy cũng không thể có thơ hay.Trong cuộc chơi thơ của muôn người, bất tài không phải là cái tội. Tội lớn nhất là đánh tráo sự bất tài thành thiên tài trong các bài phê bình kiểu “lợi ích nhóm” để lừa lớp trẻ.

Thơ là nghệ thuật của cái đẹp. Thơ sinh ra không phải để dễ hiểu.

hay khó hiểu mà để truyền cảm, làm xúc động lòng người. Có nhiều người đang được dư luận ( dỏm) tôn vinh là lá cờ đầu lá cờ cuối cách tân thơ đưa ra tiêu chí: dùng cái hiểu thưởng thức thơ là giết thơ. Họ phán: trường phái cách tân thơ hiện đại của chúng tôi dùng vô thức để làm thơ, thì người thưởng ngoạn hay nhà phê bình cũng cần dùng vô thức để tiếp nhận thơ.

Theo “Đại từ điển Tiếng Việt” (NXB Văn hóa Thông tin 1999 trang 1827) định nghĩa: “vô thức: ngoài ý thức của con người, trạng thái vô thức, hành động vô thức”. Nếu không có sự hiểu, hiểu biết, nhận biết, tức ý thức thì không còn là con người nữa, vì con người là con vật tự ý thức. Họ phán, chúng tôi làm thơ bằng vô thức, các ông lại lấy ý thức ra để phê bình thơ chúng tôi theo kiểu ông nói gà bà nói thóc lép là đánh tráo khái niệm?!

Thưa các quý ngài CÁCH TÂN THƠ đang làm kinh hãi thi đàn, hóa ra quý vị làm thơ trong giấc ngủ ư? Nhưng sau khi quý vị thức dậy, không phải vô thức mà chính ý thức mách bảo với quý vị nhớ lại bài thơ quý vị viết trong giấc ngủ. Nhớ lại bài thơ viết trong lúc ngủ chính là một hành vi ý thức đấy. Rồi quý vị cầm lấy bút, viết lên giấy cái bài thơ được sinh ra bằng giấc mơ (khiếp thật) thì quả là các vị đã nằm trong vòm sinh quyển của ý thức mất rồi. Nói tôi làm thơ bằng vô thức chung quy là một cách nói bịp bợm.

Đến đây thầy trò trường phái cách tân thơ vô thức kia bèn phán: chúng tôi mầm thơ bằng cái vô thức của bác sĩ phân tâm học người Áo S.Freud cơ, không phải món vô thức theo định nghĩa thông thường của từ điển (!) Đến đây thì rắc rối to rồi. Hãy nghe qua định nghĩa phân tâm học theo từ điển :“Bách khoa toàn thư mở Wikipedia”: “Phân tâm học (viết tắt của Phân tích tâm lý học, tiếng Anh: Psychoanalysis) là tập hợp những lý thuyết và phương pháp tâm lý học có mục đích tìm hiểu những mối quan hệ vô thức của con người qua tiến trình liên tưởng. Nó được khởi thảo bởi Sigmund Freud, một bác sĩ người Áo. Phân tâm học chuyên sâu nghiên cứu về con người. Phân tâm học chia bản năng con người ra làm ba phần: cái ấy (E: id;F:Le Ca; G:das Es), cái tôi (E: Ego;F:Le Moi; G:das Ich) và cái siêu tôi (E:Super ego;F: Le Surmoi; G:das Über-Ich). Trong đó nói rõ con nguời luôn bị chi phối bởi bản năng tính dục và mọi hoạt động của con người đều nhằm thỏa mãn hoặc ức chế nhu cầu đó”

Vậy, khi làm thơ, qúy vị cách tân thơ cực đoan kia dùng món CÁI ẤY (id) hay CÁI TÔI (Ego) hay CÁI SIÊU TÔI (Super ego) để sáng tác thơ đây? Vướng vào thiên la địa võng này của S.Freud, qúy vị sẽ phải trút hết linh hồn vào khoa học phân tích tâm lý con người, còn hồn vía đâu cho thi ca cất cánh? Mà ngay như S.Freud cũng phải dùng khoa học phân tích tâm lý, tức là dùng ý thức để phát hiện ra khái niệm vô thức này. Đằng nào thì qúy vị cũng không thoát khỏi được vòng kim cô ý thức trong sáng tạo thi ca, nên đừng đưa vô thức với vô chiêu, vô lối, vô ngôn, vô nghĩa ra để dọa người yếu bóng vía khi đọc thơ các vị.

Nói tóm lại, cách tân thơ là một việc làm chân chính, cần có, vốn có. Nhưng cách tân sao thì cách, xin đừng cách …cái mạng thi ca. Nghĩa là, cách tân thơ không phải mục đích cuối cùng của thơ. Mục đích của thi ca là truyền cảm, làm rung động lòng người. Muốn vậy thì thơ trước hết và sau cùng phải hay!

Bạn ơi, bạn cứ làm cho thơ hay, chính là bạn đã cách tân thơ thành công rồi đó. Còn bạn cách tân thơ theo kiểu ú ớ, ngô nghê, phi…ngữ nghĩa, phi…xúc cảm, phi…lý tính thì xin lỗi bạn chỉ sản xuất ra một trời thơ dở. Mà thơ đã dở thì có đeo một trăm cái mặt nạ cách tân cũng không cứu nổi thơ ca.

Hãy thử lấy Thơ Mới 1930-1945 xét xem những nhà thơ hàng đầu thưở ấy lấy cách tân làm mục đích hay lấy thơ hay làm mục đích?

Một nhà thơ được cho là Tây nhất thời đó là Xuân Diệu, tức cách tân hàng đầu, thì bài thơ hay nhất của ông là bài “Nguyệt cầm” lại viết theo thể thơ bảy chữ đã cũ.

Hàn Mạc Tử, nhà cách tân thơ hàng đầu cũng trưng ra bài thơ hay nhất là bài “Đây thôn Vĩ Dạ” cũng là bài thơ làm theo hơi thơ thất ngôn mà các tiển bối từng làm.

Thâm Tâm viết được bài “Tống biệt hành” được cho là hay nhất thơ tiền chiến lại cũng dùng hình thức rất cũ của thể hành xưa.

Huy Cận, Nguyễn Bính…hai nhà thơ hàng đầu của Thơ Mới lại đóng góp bằng hàng chục bài thơ hay hàng kiệt tác chỉ bằng thể thơ thất ngôn cũ và lục bát rất cũ.

Trong thời 1930-945, nhóm Xuân Thu nhã tập, nhóm Dạ Đài tuy có những đóng góp cho thơ không thể phủ nhận, nhưng thể thơ không vần của họ mới chỉ là thí nghiệm chưa thành công vì nó chưa hay. Trong thời kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đình Thi mê cuồng thí nghiệm thơ không vần xuýt bị đi tù. Ông bị các nhà thơ đỏ tươi như Tố Hữu, hay vừa được đỏ hóa như Lưu Trọng Lư dùng lời của Platon xưa để toan đuổi Nguyễn Đình Thi ra khỏi nền thơ kháng chiến vì dám cả gan làm một thứ thơ rất phản động là thơ không vần. Tuy nhiên những bài thơ không vần của Nguyễn Đình Thi chỉ mới ở dạng cách tân, dạng thể nghiệp vì nó chưa hay. Mà chưa thành công thì chưa cắm được ngọn cờ đổi mới thơ.

Người cắm được ngọn cờ cách tân thơ sau sự cách tân của Thơ Mới là nhà thơ Văn Cao ( nhạc sĩ), với hai bài thơ kiệt xuất: Ngoại ô mùa đông 1946 và trường ca Những người trên cửa biển viết vào mùa xuân 1956.

Cùng thời với Văn Cao, Trần Mai Ninh với hai bài thơ khá hay là bài “Tình sông núi” và bài “Nhớ máu” đã cùng Văn Cao xác lập cuộc cách tân thơ ngoạn mục.

Qủa thực, làm thơ tự do không vần rất khó hay. Tuy nhiên có nhiều nhà thơ sau
Văn Cao, Trần Mai Ninh đã có những bài thơ không vần rất hay như “Tiếng chuông Thiên Mụ” của Nhã Ca, “Bài thơ của một người yêu nườc mình” của Trần Vàng Sao, một số đoạn thơ khá hay rải rác trong thơ Thanh Tâm Tuyền, “Đêm trên Cát” của Thanh Thảo. Xín quý vị đọc bài thơ tự do không vần rất hay của Lò Ngân Sủn:

 

NGƯỜI ĐẸP

Người đẹp trông như tuyết
Chạm vào lại thấy nóng
Người đẹp trông như lửa
Sờ vào lại thấy mát
Người không khát
Nhìn thấy người đẹp cũng khát
Người không đói
Nhìn thấy người đẹp cũng đói
Người muốn chết
Gặp người đẹp 
lại không muốn chết nữa 

Ơ!
Người đẹp là ước mơ
Treo trước mắt mọi người.

L N S
(Trích tạp chí Văn hoá các DT TSVN số 11/2011)

Bài thơ “Người đẹp” của Lò Ngân Sủn đã in trên báo từ gần ba mươi năm. Đây là một bài thơ cách tân hơn mọi cách tân; đây là một bài thơ tình, theo chúng tôi là hay vào hàng bậc nhất của thơ tình trong và ngoài nước. Nhà thơ đã viết bài thơ không vần này bằng tài năng đích thực của mình. Bài thơ hiện đại, cực hay vì nó có tứ lớn, giản dị, câu hay, rất mới lạ. Cách đây gần ba mươi năm, sau khi chúng tôi (TMH) phát hiện ra bài thơ này tham gia cuộc thi thơ của báo “Văn nghệ TP.HCM” nhưng không được giải, bèn viết bài bình thơ, ca ngợi bài thơ hay như một kiệt tác. Theo anh Lò Ngân Sủn cho biết, bài thơ đã in trên mấy tờ báo ở Hà Nội nhưng không ai để ý; chỉ khi xuất hiện bài bình bài thơ này, thì “Người đẹp” của Lò Ngân Sủng mới được mọi người ca ngợi.

Trong ba chục năm viết phê bình văn học, chúng tôi luôn luôn ủng hộ nhiệt thành những thành tựu cách tân thơ của lớp trẻ; ví như hiện tượng cách tân thơ rất thành công của thi sĩ trẻ bạc mệnh Lãng Thanh. Năm ngoái 2011, nhân ngày giỗ lần thứ chín của Lãng Thanh, một người bạn của anh trong nhóm “Chí Tâm” đã tung lên mạng bài viết của chúng tôi: “Lãng Thanh: gương mặt em phi như điên cuồng” từ năm 2003 ca ngợi một thi tài đổi mới thi ca rất thành công:

“Sau khi thi sỹ Lãng Thanh bất ngờ bị một tên nghiện vào nhà đâm chết, tập thơ “HOA” anh đã được nhóm bạn Chí Tâm cho xuất bản, nhiều nhà thơ và phê bình đã viết bài bình luận. Lãng Thanh trở thành một hiện tượng văn học 2003, được hàng chục tờ báo và tạp chí giới thiệu. Nhân dịp 9 năm ngày anh ra đi, nhóm bạn Chí Tâm và Ngôi nhà nghệ thuật tổ chức chương trình thơ và tưởng niệm về anh, xin trân trọng gửi đến bạn đọc một bài viết đầy sức vang động lúc đó của nhà tho Trần Mạnh Hảo đăng trên báo tiền phong chủ nhật số 20-7-2003.”

http://trannhuong.com/news_detail/10280/LA%CC%83NG-THANH
http://tonvinhvanhoadoc.vn/van-hoc-tre/360-do-x/2828-lang-thanh-guong-mat-em-phi-nhu-dien-cuong.html

Cát Du và Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, hai người đàn bà Nam Kỳ bằng hai tập thơ “Nàng” của Cát Du và “Đừng múc cạn nỗi buồn” của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh đã có thành tựu đổi mới thi ca phải nói là khá lớn. Tiếp tục truyền thống thơ tự do không vần của Văn Cao, Trần Mai Ninh, hai nữ thi sĩ người Nam Kỳ này đã mang đến cho thơ tự do không vần Việt Nam nỗi xúc động mới, sự giản dị mới, thi pháp mới, phong cách mới, khiến thơ không vần là thứ thơ rất khó hay trở thành thơ hay. Rất tiếc, Hội nhà văn Việt Nam và giải thưởng của Hội lại lờ đi hai hiện tượng thơ đầu thế kỷ này. Chúng tôi xin q úy vị đọc hai bài thơ ngắn của Cát Du và ba bài thơ của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh ( trích trong số mấy chục bài thơ rất hay trong tập thơ “Đừng múc cạn nỗi buồn”- NXB Hội Nhà Văn 2008” của chị), để chúng ta so với những thứ thơ được Hội nhà văn Việt Nam tôn vinh khác xa nhau như bóng tối và ánh sáng ra sao:

Thơ Cát Du _ THÍT CHẶT

THÍT CHẶT

Em thít chặt vào anh 

Tưởng không gì lèn qua cho được
Vậy mà
Có một hạt cát đã lèn giữa chúng mình
Hạt cát lớn thành viên gạch
Viên gạch hóa thành bức tường
Bức tường hóa thành Vạn Lý
Cưú em!
Em không cách gì bíu anh cho được
Em rơi
Ngã phịch xuống chân tường…
Cát Du

VÔ ĐỀ

Anh đã nhặt được em
Từ trần gian bụi mù tuyết phủ
Anh vẫn nhận ra em
Dù em cũng là bụi và tuyết
Nhưng em là một chút gì đó
Lóng lánh hơn tuyết
Mịt mù hơn bụi
Cát Du

Đây là ba bài thơ tự do không vần của nữ thi sĩ Nam Kỳ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh:
NHỮNG VÀM SÔNG ĐÊM – thơ NGUYỄN THỊ ÁNH HUỲNH
18.10.2009 00:30
những vàm sông sồn sồn
không mảnh trăng suông
làm y phục
(Trích)

hoàng hôn xắn quần
lội qua ngày
những vàm sông se sẽ
ngồi lên
nghiêng mình
nước chảy

những vàm sông sồn sồn
không mảnh trăng suông
làm y phục

đêm
là người tình bất lực
nằm ê chề
bên những vàm sông

không bờ đê để níu kéo
không một mái dầm để thở than
không con cá kèo để lí lắc
không còn ai ngoài vàm

anh về phố lấy vợ
vàm sông ế…
em theo chồng bỏ quê
vàm nằm không …

những vàm sông
vật vã nuôi từng con tép
đêm đêm
đi biển một mình
sinh nở phù sa
thành châu thổ

gió thở dài
đêm ngáp ngáp
những vàm sông
ôm buồn tênh
mà ngủ

những người đàn bà xứ Nam Kỳ
chết đi rồi
hóa những vàm sông đêm?
16-5-2009

 

BUỔI CHIỀU KHÔNG CÓ HÔM QUA

Em đang ngồi ở chiều hôm qua
sao anh lại kêu là chiều hôm nay?

rõ ràng chiều hôm qua đang ngồi trên ghế
chiều hôm qua còn nằm trên giường
chiều hôm qua nấc trong kẽ răng
chiều hôm qua ép thành ly nước mía
hoa hồng hôm qua
nụ hôn hôm qua
mùi hương mồ hôi hôm qua
đâu mất tiêu rồi?

bắt đền anh chiều hôm qua
em vừa ôm chiều qua
vừa uống chiều qua
vừa thơm chiều qua
vừa khóc chiều qua
vừa ngủ chiều qua

mở mắt ra
lại thấy chiều này?
anh cũng theo chiều hôm qua
đi như chim

chiều hôm nay anh lại đến
không mang theo chiều qua
hôm qua của em
anh giấu ở đâu?

ôi những buổi chiều
không có hôm qua
em vẫn còn anh
mà goá những buổi chiều

chiều hôm nay ơi
anh ơi
nhẹ chân thôi
chúng ta đang dẫm lên
xác những buổi chiều ….

CON CHIM THỜI GIAN

Không phải chim ảo
con chim thời gian
để lại những dấu chân thật thà
gương mặt đàn bà
nhầu nhĩ

chim thời gian
như đại bàng cắp nàng trái đất
vừa bay vừa dẫm nát mặt người
rạn gương mặt Tây Thi
nứt gưong mặt Dương Quý Phi
con chim
ăn sắc đẹp đàn bà

anh có phải chim thời gian
đi qua đời em
để lại những dấu chân
biết khóc?

tình yêu
thích lên trán em
dấu ấn chim muông
con cái
chạm trổ lên mặt em
vết hằn hoa móng rồng

em biết chạy về đâu
thời gian tứ phía
chim chim chim chim…
đánh lưới em rồi…

kìa bầu trời hạn hán
có tiếng chim
cười nứt nẻ mặt người…
cứu em với
con chim thời gian
bắt em làm tì thiếp
anh ơi!
Còn đây là thơ của của Đỗ Doãn Phương, người vừa được Hội Nhà Văn Việt Nam trao giải thưởng thơ năm 2011 cho tập «  Hoan ca-NXB hỘI NHÀ VĂN 2011), bài thơ đầu tiên của tập:

« GIÁC NGỘ
Trong đêm, giữa giấc ngủ sâu, lóe sáng
Một ý phát xuất
Kim đồng hồ chết giấc
Ta thấy rạng sáng cả căn nhà
Rạng sáng toàn thân
Từ đỉnh tóc tới móng chân thông suốt
Ta ngồi dậy trang nghiêm nhìn
Đứa bé đẹp lạ lùng và người phụ nữ cũng vậy
Ta điểm lại các việc như trước chuyến đi
cuối cùng

Và chờ khoảnh khắc
Sang một con người khác!»

Bài này không phải là thơ vì nó không có cảm xúc, không có sự hàm súc, dư ba, thiếu sự truyền cảm, chỉ là những câu văn xuôi thông thường lạnh lùng nói toẹt ra theo ngôn ngữ giao tế thông thường. Có vẻ như câu cuối cùng là thơ chăng: «Và chờ một khoảng khắc? sang một con người khác»?

Câu này chỉ là câu lặp lại của muôn người khác. Đức Phật đã phán: «dòng nước sông Hằng phút trước và phút sau đã khác nhau. Ta của ngày hôm qua đã khác với ta của ngày hôm nay». Chế Lan Viên viết theo ý này, vẫn có câu thơ rất hay về phút giao thừa: «Mùi hương năm cũ/ Giọt sương năm mới/ Còn nằm chung hoa». Xuân Diệu cũng lấy ý tứ này của Phật vẫn viết ra câu thơ thật hay: «Cái bay đang đuổi cái trôi/ Từ tôi phút ấy sang tôi phút này»…

Viết ra một thứ phi thơ kiểu Đỗ Doãn Phương, kẻ mọn là người viết bài này có thể ngồi ngoáy một ngày cả trăm bài. Mô phỏng thơ Đỗ Doãn Phương, chúng tôi (TMH) xin ngoáy ra thử một bài gọi là trường thơ được giải, trực tiếp trên máy vi tính:

«CÕI LẶNG
Giữa ngày, trong thức ban ngày, lặng im
Một giấc mơ xuất hiện
Ban ngày phi thời gian

Ta thấy im lặng trùm vũ trụ
Im lặng cả lục phủ ngũ tạng
Từ mắt tới móng chân út đều im im
Ta đi lại run run lắng nghe
Con kiến xinh tươi và con thằn lằn cũng rứa
Ta hồi tưởng lại sự im lặng đời mình
Trước hết

Và ta chờ đợi tiếng động của bọn xe cộ
Dể sang một sự im lặng khác»

Cả tập «Hoan ca» được mạo nhận là thơ của Đỗ Doãn Phương đều được viết với sự dễ dãi, giả ngô giả ngọng, ú ớ, phi hàm xúc, phi thơ, phi cấu tứ, toàn những câu văn xuôi lạnh lùng không biểu cảm như vậy. Chúng tôi xin trích một nửa bài «Bóng hình» trang 76 của tập thơ này để quý vị xem nó có phải là thơ không:

«BÓNG HÌNH
Sực ngoảnh lại đã chín năm
Mà thời gian còn trôi nữa

Đã đi lên núi cao
Đã đi ra biển lớn
Lên gác chuông vắng vẻ nhà chùa
Chìm vào ồn ào cửa chợ

Đã qua những ngày cùng tháng tận
Cuối năm âm đầu năm dương
Tháng thừa thiếu bù nhau, ngày đông hạ đổi chỗ
Mà nhìn đâu cũng ứa nước mắt
Thấy hình bóng đi theo

Nhìn phía trước là mười năm
Mà thời gian còn trôi nữa »
(hết trích)

Phỏng theo thể thơ phi thơ này, chúng tôi xin ngoáy ngay một bài theo phong cách văn xuôi dễ dãi phi hình tượng, phi hàm xúc, tẻ nhạt, ấm ớ Đỗ Doãn Phương:

«TÂM THÂN

Ngoảnh lại hai ba năm qua
Thấy tâm mình còn đi theo thân mình

Ta đã đi qua nhà ai
Ta đã bước qua nhà con kiến
Ta lên tới tận tóc của núi
Chìm vào mi mắt thời gian

Ta đã qua đời con chim trú đông
Tháng này là tháng hai, không phải tháng năm
Ngày có mưa, ngày có nắng, đêm đi qua ngày tới liền
Nhìn đâu ta cũng thấy buồn dâng
Nhìn mãi phía trước không thấy tâm ta
Mà xác ta còn ngồi đây mần thơ ca hò vè sớm tối…
Hết

Hầu hết các bài được mạo nhận là thơ trong «Hoan ca» được viết với phong cách bông phèng phi thơ như thế.

Còn đây là thơ của Mai Văn Phân trích trong tập thơ «Bầu trời không mái che» (NXB Hội nhà văn 2010); xin trích một đoạn đầu trong bài siêu dài của nhà thơ được giải thưởng Hội nhà văn VN:

«CỬA MẪU

(trích từ bài thơ dài )
«Mẫu nâng niu con ánh trăng
Tiếng chuyền cành tiếng hú
Da thịt con yêu trải sâu đêm tối
Dựng tầng mây mưa nguồn

Cành cây la đà mặt nước
Một con chim vừa đậu

Chỉ mình con thấy chú chim nhỏ kia rất xa con đường
Xa mảnh vườn những đàn chim khác
Con lặng lẽ đi qua vầng mặt trời đáy nước
Nhìn hương bầu trời mở đôi cánh
Ngọn cây vườn mỏ con chim
Đang cúi xuống mớm vào miệng con từng hớp gió
Tiếng hạt vỡ trong ngực
Bãi trống và quả xanh
Qua rừng sâu tán lá rậm rạp
….
Hết trích

Có trích cả nghìn câu văn xuôi tẻ nhạt xuống dòng liên tù tì này mạo nhận là thơ của tập thơ được giải thưởng của Mai Văn Phấn, cũng tịnh không tìm thấy một câu thơ hay đích thực. Chúng tôi, với tài hèn sức mọn, xin lỗi, nếu cần phải ngoáy nhanh hơn chuột chạy, trong một ngày, chúng tôi có thể ngoáy tới cả chục tập thơ được giải na ná chất lượng như « Bầu trời không mái che» này. Xin ứng tác luôn trên máy vi tính để thi thố «tài năng» với Mai Văn Phấn bằng một thi pháp bông phèng của ông Phấn, như sau :

«KHÉP LẠI»

Em khép lại, khép lại thời cuộc
Cá nhảy trên guốc dép
Môi mắt em muộn phiền con rắn mối
Sông đùn lên tình anh xanh xanh

Con mèo hoang bay lên từ buồn buồn
Bướm đậu lên râu cá trê phi
Khép lại, khép lại mặt trời sám hối cũ
Ai đang mở ra mà ta khép lại ha ha
Có thiên lôi tình ái im phắc
Màu xanh đi trên đất chan chứa
Mở ra sự khép lại trinh nguyên…
( Hết thơ bắt chước Mai Văn Phấn)

Xin quý vị đọc tiếp đoạn cuối trường ca «NHỊP IX» của tập thơ Mai Văn Phấn viết rất kinh hãi như sau:

«Những con sơn dương tràn xuống đồng bằng
Phía sau bụi tung, đá lở
Lao vun vút mũi tên
Dây cung bật lên phút chốc

Đây trời cỏ
Đại dương cỏ
Phơi phới lời sông hồ

Mũi tên xuôi gió về đích
Từng vạt cỏ bị bứt tỉa, đốn gục
Nghiền nát trong hàm răng sắc

Bầu trời vỡ tiếng gọi đàn khoái cảm đêm đen
Bước bước sơn dương

Mặt cỏ phun nhuệ khí trùm lấp
Phấn khích giờ tạo thiên lập địa
Mùa mới đợi chờ cỏ xanh cắt sát gốc

Những móng vuốt tì chân cỏ bật căng
Cỏ non kinh động
Càng chồi lên mở lại những chân trời »
(hết trích « thơ » Mai Văn Phấn)

Còn đây là «thơ» ứng tác viết liền của tác giả bài phê bình thơ này, mô phỏng thi pháp bông phèng Mai Văn Phấn:

«MŨI TÊN EROS»

Hắn chút chút rình rập vũ trụ
Hắn bắn ai là tình yêu tử thương
Mũi tên hắn ghê gớm hơn bom A bom H Bắc Triều Tiên
Hắn làm anh và em gục ngã ư ử
Ta rên xiết trong cơn động tình giãy chết

Em ơi em ơi đi đường nào cũng tiêu
Đi xuống địa ngục cũng gặp anh
Chết rồi hắn vẫn tìm hồn ta bắn tên
Chạy đi chạy đi như loài sơn dương trong thơ Mai Văn Phấn
Hắn be bé mà bay nhanh hơn tên lửa Tô-Ma-hốc
Nhưng không có hắn
Thế giới này buồn như con chuồn chuồn
Chúng ta hoan ca, tình ca, quỷ ca vì có hắn
Không ai rên xiết vì hạnh phúc
Nếu thế giới này thiếu hắn
Hắn là cỏ non, lúa mạch hay rượu nho?
Không
Hắn là em và anh vừa hóa thân vào con rắn
Hắn là thần tình yêu, thấn chiến tranh của đôi lứa
Eros, em ơi, em ơi »
(hết thơ mô phỏng bút pháp tào lao của Mai Văn Phấn)

Nếu chê hai tập «Hoan ca » của Đỗ Doãn Phương và «Bầu trời không mái che » của Mai Văn Phấn vừa đoạt giải thưởng thơ Hội Nhà văn VN là hai tập thơ dở thì lời chê ấy lại hóa ra lời khen chúng. Vì hai tập văn xuôi tẻ nhạt năng xuống dòng, dễ dãi, tào lao, bông phèng kia có phải là thơ đâu…mà bảo nó là thơ dở?

Cùng với hai tập thơ rất kém được vinh danh giải thường văn học Hồ Chí Minh 2012 vừa rồi, «Hoan ca» và «Bầu trời không mái che» phải chăng chính là dấu hiệu của công cuộc đẩy thi ca hiện đại Việt Nam lên đoạn đầu đài của Hội Nhà Văn Việt Nam?

Sài Gòn ngày 04-6-2012

© Trần Mạnh Hảo

© Đàn Chim Việt

 

10 Phản hồi cho “Sao Hội Nhà Văn lại hè nhau tiễn thi ca lên đoạn đầu đài?”

  1. Cảm ơn Mạnh Hảo làm người . Biết ăn , biết nói , biết cười , biết suy .
    Thật đau dân TỘC cuồng si . Hỏi bao tiến sĩ có vì tiên không ?
    Con người hơn vật bốc tâng Vô chi phải trái ai hòng cậy ai ?
    Nên giáo dục phá nát hoài . Tương lai dân Việt của ai HỎI người
    Đêm đông 5 / 1 / 2013
    Bùi Quang Thanh Hải Dương

  2. Lão Ngoan Đồng says:

    Kỷ niệm tuần đầu giải Vô địch Túc cầu Âu châu 2012 :-) !

    Kính xin Ban Biên Tập cho repost bài thơ của Nhã Ca và Trần Vàng Sao rất hay, mà Trần Mạnh Hảo đề cập đến trong bài.

    Thú thật tôi không dám có ý kiến chi hết bài viết trên của Trần Mạnh Hảo. Lý do:

    1- quan niệm về thẩm mỹ, như về thi ca, hội hoạ, âm nhạc … thường thì mỗi người một cách. Cãi nhau qua năm này tháng nọ vẫn chưa hết chuyện.
    Tuy nhiên, nhân mùa giải Vô địch Túc cầu Âu châu 2012, tôi xin nhắc lại một câu nói danh tiếng của huyền thoại túc cầu Đức là Franz Beckenbauer và đã được xem là 1 trong những triết lí trong bóng đá: Kẻ mạnh chưa chắc đã là kẻ chiến thắng, mà kẻ chiến thắng mới chính là kẻ mạnh.
    Như thế trong thi ca ta cũng có thể bảo rằng: Bài thơ nào hay là bài thơ truờng tồn theo thời gian ! Nghĩa là cách tân theo tôi hiểu, chỉ đơn thuần là một sự thay đổi hình thức, cốt làm mới thi ca, với ước mơ làm cho thi ca bay cao hơn nữa ! Cách tân chỉ thiên về hình thức, ai ai cũng có thể bắt chước theo, nhưng nội dung, tức TỨ THƠ, phải do chính nhà thơ tự tìm ra, để diễn đạt ra sao làm rung động người thưởng thức.

    2- Tôi không có may mắn đọc được các tác phẩm đoạt giải, nên càng không dám phê bình,

    Đôi lời thô thiển, mong được nghe thêm cao kiến các bậc thức giả bốn phương trời xa gần

    Kính bái,
    Lão Ngoan Đồng

  3. ĐẠI NGÀN says:

    THAN ÔI, THỰC CHẤT “THƠ” VIỆT NAM NGÀY NAY

    Thơ văn là ngôn ngữ cảm xúc, tình cảm. Cái đẹp ở đây không phải chỉ ở ngôn từ mà còn là cái đẹp của sự nhận thức, của sự biểu cảm. Có nghĩa thơ văn nói chung, nhất là thơ nói riêng, phải có cái mỹ ngoại hình và cái trí trong nghệ thuật và trong tâm hồn. Sự dốt nát trong nhận thức và trong biểu đạt không thể gọi được là thơ mà chỉ có thể gọi là thợ thơ, học đòi thơ. Thơ như vậy cũng có nghĩa phải có giá trị thật. Giá trị thật có nghĩa là tự nhiên, khồng giả dối, không làm điệu hay cường điệu. Người làm thơ nói khác không phải để cho người mà để cho mình. Tức không nhằm chứng tỏ ta đây cũng là nhà thơ, người biết làm thơ, được người khác hay mọi người khen lao về thơ làm ra, nhưng thơ chỉ là một yêu cầu nhằm nói lên điều gì, không phải bằng ngôn ngữ thường, mà bằng ngôn lời của nghệ thuật ngôn ngữ thơ, nghệ thuật ngôn ngữ trong thơ. Cái mỹ hình thức của thơ như vậy bó buộc phải là vần điệu và nhạc điệu. Vần điệu là nhạc điệu cụ thể hay nhạc điệu theo nghĩa hẹp. Trái lại nhạc điệu là vần điều theo nghĩa rộng, là nhạc tính của âm sắc và tâm hồn trong thơ. Đó là ý nghĩa của thơ tự do hay thơ không vần nhưng thực chất vẫn là thơ đúng nghĩa vì nó có nhạc điệu. Ngược lại, nếu thơ không vần điệu, không nhạc điệu, mà không thực chất là thơ, lại chỉ là cách học đòi ngô nghê, nhạt nhẽo, kém cõi, vô duyên. Như thế, đọc thơ, đọc văn, người ta thấy được ngay ý nghĩa về nghệ thuật và về trình độ nhận thức, hiểu biết nói chung nơi tác giả của nó. Thơ là phương tiện của ý thức biểu đạt, thơ là mục đích của ý thức biểu đạt. Thơ mà chỉ nhằm để nói vu vơ, vô nghĩa, nhảm nhí, đó không phải thực chất của thơ mà chỉ là phi nghệ thuật, phản nghệ thuật, chỉ là những gì ngô nghê, tầm thường của những kẻ bất xứng.
    Đọc bài viết nói trên của ông Trần Mạnh Hảo cho thấy sự bất mãn của ông ta đối với giải thường “thơ” đã có của Hội Nhà văn Việt Nam hiện tại. Các lập luận của ông Hảo trong nhận xét, phê phán của ông ta không phải không có lý. Điều đó nói lên hiện trạng thơ VN ngày nay là quá tệ, phần nào đó những người làm thơ là quá tệ, nhất là những cái được gọi là giả thưởng thật sự càng quá tệ và càng chứng tỏ sự vô tài, bất tướng của những người làm công tác quản lý nghệ thuật, hay những người quản lý hoặc có quyền hành trong văn nghệ. Đại để tập thơ “Bầu trời không mái che” của tác giả Mai Văn Phấn
    và tập thơ “Hoan ca” của tác giả Đỗ Doãn Phương mà được giải thưởng kể cũng lạ. Bởi như thế chứng tỏ giới sáng tác thi ca hiện tại chẳng là gì cả, ban giám khảo chấm thơ cũng chẳng là gì cả. Ý niệm bầu trời không mái che chỉ là ý niệm dốt nát, cường điệu, khờ khạo. Có bầu trời nào mà có mái che ? Điều đó chứng tỏ trình độ nhận thưc, trình độ ý thức non kém, làm dáng kiểu trẻ nít của người được giải thơ. Còn thế nào là “Hoan ca”, hoan ca phải chăng là hoan lạc thật hay chỉ là sự cụp lạc một cách giả dối, giả tạo, làm dáng dỏm ? Chỉ cái tựa của tập thơ đã nghe không ổn, chưa nói đến các nội dung những bài thơ trong đó như thế nào. Đặt tựa mà còn bôi bát, không xong thì còn nói đến ý nghĩa nội dung, nghệ thuật như thế nào nữa. Quả thật thơ hay thẩn, thơ hay là tơ lơ mơ, ngu ngơ, khù khờ chính là như thế.
    Rồi ông Trần Mạnh Hảo lại phê phán về “cách tân thơ” một cách mang tính khoe chữ nghĩa không cần thiết, phần nào đó ngô nghê. Bởi vì cách tân thơ là gì, là nhu cầu nào đó nhằm phát triển thơ về hình thức một cách cao hơn, đẹp hơn, đắc dụng hơn. Cách tân không phải là cố ý nói bậy bạ nhằm để khác lạ với cái cũ. Thơ và nhạc luôn luôn đã có những giá trị kinh điển, cổ điển, định hình, mẫu mực tự ngàn xưa rồi. Cách tân phải là sự đóng góp về mặt hình thức nghệ thuật một cách tốt hơn, cao hơn, điều này rất khó. Cách tân không phải là lập dị một cách dị hợm và dốt nát. Sự hiểu lầm về cách tân thơ chỉ nói lên tính lố bịch, phi lý, giả tạo, non kém của những ý thức liều lĩnh, ngây dại về thơ. Cách tân theo kiểu phá bĩnh, phá hỏng về thơ, thật sự chỉ là làm trò cười, người cách tân nhảm nhí và những kẻ vỗ tay tán thưởng sự cách tân nhảm nhí nói chung cũng chỉ là một giuộc những trò nhảm nhí.
    Ôi, nghệ thuật thơ VN ngày nay và những tác phẩm gọi là thi ca, những giải thưởng gọi là thi ca chung quy lại cũng giống như chuyện điếu đóm với nhau, mẹ hát con khen hay, hay con hát mẹ khen hay chính là như vậy. Đó là sự lợi dụng, lạm dụng, bôi bát, nhũng nhiễu và hạ cấp hóa nghệ thuật chính là như thế.
    Rồi ông Trần Mạnh Hảo với tính cách là nhà thơ, trích dẫn lên một loạt những bài thơ mà ông khen đáo khen để : như bài “Người đẹp” của LNS, bài “Thít chặt”, “Vô đề” của CD, các bài “Những vàm sông đêm”, “Buổi chiều không có hôm qua”, “Con chim thời gian” của NTAH. Đọc qua những bài thơ này, người thơ thấy được các mức độ nghèo nàn, nhảm nhí, khờ khạo, trẻ nít của những cái được gọi là thi phẩm, là nhà thơ như thế nào mà chính TMH đã khen lên tận mây. ÔI quả thật ông TMH cũng nên xem xét lại ý nghĩa thơ, giá trị thơ, tâm hồn thơ của ông ta trong tính cách là một nhà thơ hôm nay như thế nào mà lại viết bình thơ kiểu đó. Không tin ông TMH với tính cách là nhà thơ hãy tranh luận và bày tỏ.
    Cuối cùng lại, ông Hảo cũng đã trích dẫn một số bài thơ trong hai cuốn thơ đoạt giải, của Đỗ Doãn Phương và Mai Văn Phấn mà chính ông Hảo bảo cỡ ông chỉ ngồi “ngoáy” một tí cũng có được cả trăm bài. Tôi cho rằng điều này không Hảo không hề cường điệu. Ông ta nói điều đó hoàn toàn chính xác. Bởi vì thơ không có hồn, không có nội dung, không có nghệ thuật, không có tư tưởng riêng gì mới, không có ngôn từ chỉnh đốn, mà chỉ như nói tầm phào tào lao cho qua tang lề sự việc như thế thì cỡ ông Hảo thực chất cũng có thể “ngoáy” không chỉ có một trăm mà cả ngàn bài, còn những người có thể làm thơ khác, thì chẳng những cũng không thèm “ngoáy” kiểu ấy làm gì, mà thực sự họ không thèm để mắt tới. Ôi đúng là hiện trạng sân chơi “thơ” VN, hay nói chính xác là của miền Bắc ngày nay, chính là như thế đó.

    NON NGÀN
    (07/6/12)

    • Lâm Vũ says:

      Cám ơn bác ĐN nói ra đúng những điều tôi cũng nghĩ – nhưng không nói ra, hoặc nói không rõ ràng trong ý kiến bên dưới. Lý do là tôi rất “ngại” khi bàn về Thơ, lại càng tránh phê phán. Nhưng nếu ai cũng “ngại” phê phán thì cỏ rác sẽ ngày càng tràn ngập trên đất nước và trong tiếng Việt thì cũng không thể chấp nhận được. Dó đó, xin được hoan nghênh những lời phê phán thẳng thắn của bác ĐN.

      Thân
      TB. Quả thật, đọc xong bài của ông TMH, tôi đã tự hỏi ông đã dựa trên “nguyên tắc” nào để khen chê, nhất là khen những bài thơ ông thích – chê thì dễ “trúng” hơn nhiều! Cá nhân tôi quan niệm Thơ là tinh tuý ngôn ngữ và tư tưởng. “Tinh túy” theo nghĩa “tinh tuyền”, gạn lọc đến tận cùng để chỉ còn lại những điều đẹp nhất,quý giá nhất. Phần nào Thơ giống như Rượu. Ta khen rượu ngon khôn phải vì nó nhiều độ (như vậy rưọu cồn 90 độ phải là hạnh nhất) cũng không phải vì nó có nhiều mùi thơm, kiểu Mai Quế Lộ của Tầu… càng không phải vì nó tràn lan uống bao nhiều cũng có, lúc nào cũng sẵn… Với người thưởng thức, rượu ngon trước phải có hậu, chỉ cần nhấm nháp ngụm là đã thấy… khác, chiêu thêm ngụm thứ thấy mình mà mọi vật bắt đầu thay đổi…

      Thơ cũng thế thôi… không pha phách, cóc nhái… Người biết thưởng ngoạn đọc Thơ hay biết liền. Vậy thì cái gì làm cho thơ hay? Rượu ngon đâu cứ phải ngâm sâm nhung quế phụ hoa hoè hoa sói là thành… Thơ cần có gió mưa, trần ai… và cần có thời gian để chất liệu “sống” lên men… cho đến khi biến thành thơ… Đọc thơ hay, người ta sẽ cảm nhận được chất men tự nhiên trong nó – không phải là thứ ba-xi-đế Ba Tầu Chợ Lớn pha chế – Dĩ nhiên chất men đó không có trong thơ của “bác”, thơ của Tố Hữu, của Trần Mai Ning… hay của ngàn, vạn “nhà thơ” Việt Nam bây giờ…

      Hữu Loan chỉ cần một bài thơ môc mạc mà chính phục được nhiều thế hệ trên nửa thế kỷ qua – đọc Mầu Tím Hoa Sim ít khi mà tôi không run lẩy bẩy người – ngay từ lần đầu khi được thằng bạn “Bắc Kỳ Nón Cối” ngâm trong đên lửa trại thời mới bước chân vào bậc trung học cho đến bây giờ ngồi đọc một mình.

      Thơ và Tư tưởng cũng là anh em sinh đôi, đứa này chết đứa kia cũng kể như hết còn sống… Hỡi những người làm thơ của Việt Nam ngaỳ nay có còn hiểu những điều này?

      • Timsuthat says:

        Rất đồng ý với bác Lâm Vũ. Thơ phải gồm khả năng vận dụng cái tinh tuý, tài tình của ngôn ngữ và sự độc đáo của tư tưởng. Cách bác so sánh thơ với rượu thật chính xác — tuyệt vời.

        Và đúng như bác nói: “Thơ và Tư tưởng cũng là anh em sinh đôi, đứa này chết đứa kia cũng kể như hết còn sống… Hỡi những người làm thơ của Việt Nam ngaỳ nay có còn hiểu những điều này?” … Đọc thơ VN ngày nay thật là gây khủng hoảng; chỉ thấy một xã hội đang xuống giốc không phanh! VN hết thuốc chữa rồi hay sao?!!

      • Lâm Vũ says:

        Đúng là nó kỳ lạ thế… nếu có rượu ngon và bạn hiền (hay người đẹp) bên cạnh thì chẳng cần thơ với thẩn. Ngược lại cũng thế, khi gặp một bài thơ thật hay – họa hoằn – cũng chẳng thấy cần rượu ngon bạn hiền nữa…

        Thơ VN ngày nay? Từ khi Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh qua đời tôi không còn biết đến thơ VN hiện đại nữa, nói đúng hơn là tránh nó như tránh… ma…

        Thêm một lý do khiến tôi ngại nói đến thơ: nói chung chung sẽ có người tủi thân… thôi thà không nói!

        Thân

  4. Khinh Binh says:

    Tôi không tin “người cộng sản” có thể làm thơ. Bởi thơ cần xúc cảm, mà xúc cảm cần sự thật. CS là bọn dối trá kẻ khác, kẻ bám theo CS là bọn dối trá chính mình. Nói chung là dối trá cả lũ, Tao biết mày láo, mày biết tao láo, mà cứ làm như không! Thứ ấy là… đại láo. Vậy thơ làm sao ra được, chỉ vè tuyên truyền thôi.

    Những bài có vẻ “thơ” cũng là viết tầm bậy tầm bạ rồi kết bè kết đảng tung hô nhau. Tao khen thơ mày, mày tán thơ tao. Nhiều khi kẻ bình thơ nêu những ý mà chính tác giả …chưa nghĩ ra. Ấy cũng như bàn đề. Như bài này, ông TMH khen rối rít bài thơ “Người Đẹp” cũng là một lối vái nhau đó thôi. Bài đó có gì mà khen như thế! Có cái gì không thật trong lời khen của ông ta.

    Làm (đéo) gì có tư tưởng mới khi thằng Bác nó giành hết trọi rồi? Đỗ Mười, đứa nào dám nghĩ khác “lãnh đạo” thì giơ tay coi? Không giơ tay thì nghỉ làm thơ nghe mậy! Thân chó nằm gầm mà đòi làm thơ chỉ thêm nhục!

    Mà nói cho ngay, tình trạng “nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình nhà..”…kết bè kết đảng vái nhau có khắp mọi nơi. Hải ngoại này cũng có thế. Nhưng bọn CS lộ liễu hơn vì tụi nó hết biết mắc cỡ rồi.

  5. butcun says:

    Thơ này nên đưa vào “lăng bác”để mọi người thoải mái trút bầu tâm sự.Hội nhà văn xin đừng đưa thơ mấy ông cố nội này cho bác Hồ đọc,đọc xong bác xuất tinh thì bỏ mum mấy bác Trung Ương và ban tào lao Vô văn hoá,vô tư tưởng.Con xin lạy mấy cha ngàn lạy.Bái bai

  6. Lâm Vũ says:

    Cỡ TMH mà chịu khó viết bài chê “thơ giải thưởng” kể cũng là “từ tâm” lắm rồi. Duy có điều vượt ngoài sự tưởng tượng của tôi đó là chuyện “trường phái” thơ “vô thức”, hay là “chúng tôi TMH” định đùa dai?

    Tôi không nhất thiết đồng ý với những thí dụ thơ “vô cùng hay”, “hay vừa”… của TMH, nhưng có lẽ đây chỉ là sở thích của riêng ông, chứ không phải phân tích của một nhà phê bình thơ?

    Đặc biệt, tôi muốn đặt câu hỏi “nghiêm trọng” về giá trị “thơ” của bài Nhớ Máu (của TMN). Bài này – không bao giờ thiếu trong bảng “phong thần” thơ XHCN VN – theo tôi tuy mới về mặt hình thức, nhưng không có giá trị về mặt nhân bản. Bài thơ có nhân cách của kẻ lên đồng trong cơn say máu. Nó kêu gọi giết người, gọi “kẻ thù” (cũng là người Việt, nhưng không cùng ý thức hệ) là chó ghẻ, phải thọc tiết… Tóm lại, bài thơ Nhớ Máu có thể có công lớn với “Cách mạng” – một mình nó có thể giá trị ngang với 101 bài thơ của Tố Hữu – nhưng không là gì với dòng thơ Việt.

    LV
    TB. Tôi vẫn thích bài thơ “Trường ca những người trên cửa biển” (1956) của Văn Cao, nhưng nó chỉ xuất hiện cùng thời với tập thơ “Tôi Không Còn Cô Độc” (1955) của Thanh Tâm Tuyền. Thời đó, theo tôi, thơ TTT mới đích thực là hoàn toàn “mới” (còn gọi là “thơ Tư Do”)…

  7. nguyễn duy ân says:

    Thơ như vậy là rất thích hợp và quá xứng đáng với cái tên “Giải thưởng” lắm rồi, phê bình phê chén gì nữa!? Đáng lẽ (loại thơ nầy) phải trúng giải “HCM”!

Leave a Reply to Khinh Binh