Trung Quốc đàn áp sinh hoạt tưởng niệm thảm sát Thiên An Môn
Hàng trăm người bị chận bắt, hệ thống internet bị kiểm duyệt, công an và dân phòng bố trí tại quảng trường Thiên An Môn và ở các thành phố lớn từ 24 giờ qua. 23 năm sau ngày phong trào dân chủ Mùa Xuân Bắc Kinh bị quân đội « giải phóng » đàn áp trong biển máu, chế độ độc tài Trung Quốc làm mọi cách để xóa sạch ký ức của người dân.
Theo các hãng thông tấn Tây phương, chính quyền Trung Quốc tăng cường kiểm duyệt trên internet, ngăn chận những chữ và số có liên quan đến ngày 4 tháng 6, ngày tưởng niệm 23 năm vụ thảm sát tại Thiên An Môn. Mục đích của chính quyền Trung Quốc là bóp nghẹt mọi toan tính của người dân kêu gọi biểu tình hay phổ biến hình ảnh tưởng niệm các nạn nhân bị quân đội Trung Quốc giết hại.
Vào đêm mùng 3 rạng mùng 4 tháng 6 năm 1989, Đặng Tiểu Bình và Lý Bằng đã ra lệnh điều một đơn vị quân đội từ Nội Mông về Bắc Kinh để dẹp phong trào sinh viên thanh niên chống vật giá leo thang và đòi dân chủ.
Nhân ngày tưởng niệm hôm nay, giới blogger kêu gọi xuống đường « đi dạo ». Hình ảnh hàng ngàn người « đi dạo » tại Trùng Khánh đã được đưa lên mạng xã hội. Công an địa phương từ chối trả lời câu hỏi kiểm chứng của AFP về thông tin 10 ngàn người biểu tình và nhiều công ty đình công.
Các tổ chức nhân quyền Trung Quốc đặt cơ sở tại Hong Kong cho biết là hàng chục nhà ly khai, cựu tù nhân lương tâm đã bị câu lưu trong những ngày trước. Ở Sơn Đông, nhiều luật sư tưởng niệm vụ thảm sát 4/6/1989 bằng tuyệt thực.
Tinh thần phản kháng của người dân Trung Quốc được biểu lộ bằng nhiều cách để vượt qua hàng rào kiểm duyệt và trấn áp.
Thông tín viên Stéphane Lagarde tường thuật :
Giờ hẹn được ấn định là vào lúc 14 giờ trưa nay. Địa điểm là tại những khu phố có thể đi dạo ở các thành phố lớn. Tại Bắc Kinh, truyền đi thông điệp hẹn nhau tại công viên trước nhà ga xe lửa phía nam. Người tham dự mặc áo màu đen, màu tang lễ.
Sáng kiến mặc áo đen đi dạo xuất phát từ các hiệp hội tranh đấu từ Hoa Kỳ dựa theo phong trào Hoa Lài hồi tháng hai năm 2011. Rất có thể, lời kêu gọi này không tới được nhiều người, vì cần phải có phương tiện vượt tường lửa kiểm duyệt mới nhận được thông tin.
Tại quảng trường Thiên An Môn hôm nay, máy camera, công an đồng phục và thường phục túc trực canh chừng. Tại các nẻo đường, dân phòng mang băng đỏ sẵn sàng báo cáo mọi hành vi , cử chỉ mà họ cho là bất thường.
Mạng internet bị theo dõi rất chặt chẽ.Từ chiều hôm qua, từ Hong Kong, không thể gửi hình ảnh qua mạng xã hội. Một cuộc chạy đua nước rút đang diễn ra giữa công dân và cán bộ kiểm duyệt thông tin. Những thông điệp dù được ngụy trang mật mã không tồn tại được lâu trên mạng. Sáng kiến của người dân Trung Quốc phải nói là linh động không kém gì kháng chiến quân Pháp trong thời chống Đức Quốc Xã từ Luân Đôn gửi thông điệp về trong nước . Điển hình là lời kêu gọi « sáng nay, tôi mua một con cua, một bên có 4 càng, một bên có 6 càng ». Đó là tín hiệu để nhắc đến ngày thảm sát Thiên An Môn 4 tháng 6.
Nguồn: RFI
Vào đúng ngày 4 tháng 6, thị trường chứng khoán Thượng Hải sụt 64.89 điểm khiến cho người dân Trung Quốc bàn tán. Họ gọi ngày thảm sát Thiên An Môn là ngày “Lục Tứ” (Sáu Bốn), người Trung Quốc đọc tháng trước, ngày sau, thì trùng hợp với việc thị trường chứng khoán sụt 64 điểm. Vì thế có người nói có bàn tay vô hình nào đó làm cho thị trường chứng khoán sụt 64 điểm đúng vào ngày 4 tháng 6 là ngày tang tóc, nhiều người bị giết. Thế là chính quyền chặn chữ “chỉ số chứng khoán Thượng Hải” trên Internet để ngăn chặn sự bàn tán về thị trương chứng khoán Thượng Hải có liên quan đến vụ thảm sát Thiên An Môn.
Người ta lại bàn tán vì chỉ số chứng khoán Thượng Hải bắt đầu ngày 4 tháng 6 với 2,346.98 điểm. Con số 23 thì trùng hợp với năm nay kỷ niệm 23 năm vụ thảm sát Thiên An Môn. Còn con số tiếp theo 4698 thì chính là con số 89 64 đọc ngược lại, trùng hợp với ngày 4 tháng 6 năm 1989 là ngày xảy ra vụ thảm sát Thiên An Môn.
Chính quyền cũng ngăn chặn việc search các chữ “nến”, “hôm nay”, “sinh nhật”, “máu”, vì sợ người dân dùng Internt để hẹn nhau tụ tập thắp nến kỷ niệm 23 năm ngày thảm sát Thiên An Môn.