Chùm thơ của Trần Bì
Đất nước thời thổ tả
Tàu cướp nước
Cộng sản thì cướp đất,
Karl Marx ơi rồi sẽ thế nào đây?
“Tư bản luận” có đoạn này không nhỉ
Để dân tôi như một đám ăn mày!
Dân chủ đẹp tựa bức tranh thủy mặc
Tự do ư, tưởng có một không hai,
Hạnh phúc ngỡ luôn trong tầm tay với
Độc lập rồi, sẽ thẳng tới tương lai…
Nhưng rồi bỗng đảng hô hào “cởi trói”
Và cho dân nay được phép “xé rào”,
Được “nói thật” thay những lời dối trá
Chợt thấy buồn những năm tháng chiêm bao!
Ôi hay thật một thiên đường bánh vẽ
Từng thôi miên hàng triệu kẻ ngây thơ,
“Chết nằm xuống vẫn còn ôm cờ đảng” *
Khiến giang sơn nay chỉ thấy xác cờ!
Đời là thế “cháy nhà ra mặt chuột”
Khi hết quyền mới thấy những chi nhơ,
“Ác với dân nhưng lại hèn với giặc”**
Bốn ngàn năm chắc chỉ có bây giờ!
Trần Bì.
Sài Gòn. 5/6/2012.
Ghi chú:
“cởi trói”, “xé rào”, “nói thật”…: Lời TBT. Nguyễn Văn Linh.
(*) Thơ Tố Hữu.
(**) Câu của cụ Hà Sĩ Phu.
——————————————
Đòi biển đảo cho cháu con bảo vệ
Nhân “Tuần lễ biển và hải đảo năm 2012”
Biển đảo đó mới năm nào cống giặc
Nay cháu con ra bảo vệ làm sao?
Bao năm ngỡ cha anh lo rửa nhục
Nào ngờ đâu rước hận trút đời sau!
Máu đồng loại đổ hoài nơi biển cả
Hỏi những ai
và hỏi những ai đau?
Trời đất vậy ai ngờ u ám thế
Giang sơn rồi không biết sẽ về đâu!
Biển đảo ấy liệu bao giờ đòi được
Để cháu con ngẩng mặt với năm châu?
Chẳng nhẽ cứ bảo nhau nhìn hối tiếc
Cấm nhân dân không được hé răng đòi!
Ồ hay thật có kẻ giờ vẫn hót
Đâm chém thuê mà chẳng biết cho ai,
Nay cướp đất, mai bịt mồm thiên hạ
Mặc non sông cứ thế để mất hoài!
Khẩu hiệu kia nói gì cho hậu thế(*)
Về một thời giả dối đã lên ngôi,
Rất sòng phẳng có vay thời có trả
Rồi mai đây lịch sử sẽ chôn vùi!
Sài Gòn. 02/6/2012.
Ghi chú:
(*)Nội dung câu khẩu hiệu đó là: “Bảo vệ biển đảo là trách nhiệm của…tuổi trẻ”.
——————————————
Gửi Văn Giang
Trời đã nóng
lòng dân như lửa đốt
Văn Giang ơi liệu cháy đến bao giờ?
Tiên Lãng vẫn còn kia, đâu đã tắt
Bốn phương trời nặng trĩu những âu lo…
Ồ hay thật nhớ thời đi kháng chiến
Tin mai sau sẽ có ruộng, trâu cày
Hết đời bố đến đời con ra trận
Sắp xuống mồ vẫn chưa hết chua cay!
Cướp chính quyền xong
có chi hơn độc lập
Nhưng ngờ đâu vẫn phải ngóng tự do
Dân chủ đẹp tựa bức tranh thủy mặc
Nơi ăn ngô
chỗ cứ phải húp hồ!
Người ta có thể nói say sưa những điều không thể có
Chưa quy tiên đã phải cúng, phải thờ
Ai biết được mình trong vòng ma quỷ
Mà suốt đời vẫn cứ phải tung hô!
Bắt yêu nước phải phục hồi nhân phẩm
Gấp vạn lần trăm mẫu đất đảng thu
Bao hoạn nạn cũng chỉ vì chân thật
Cái đê hèn gặp thời thế lên ngôi!
Sài Gòn. 19/5/2012.
(Tác giả gửi đăng)
© Đàn Chim Việt
LỜI GỬI CHO TẦN BÌ
Tần Bì ơi anh đang ở Saigòn
Sao lại viết những lời chua chát thế
Thơ kiểu ấy rõ ràng anh “phản động”
Anh không gờm biên bản của công an ?
Nên ta thương biết bao nhiêu về những con người
Về những con người đã từng cầm quyền
Và cùng với những con người đã từng là nạn nhân trong thời quá khứ
Song tất cả họ giờ đây cũng đều đã hoàn toàn xanh cỏ !
Họ đã lừa dối nhau và cùng ép buộc lẫn nhau
Họ đã thật sự cả tin và bồng bột tin theo
Họ cũng đã chết hết cả và cũng đã ôm theo trong lòng hoàn toàn ảo giác
Họ thật sự đã chết đi và kể cả lương tâm cũng đều đã mất
Ôi ta muốn nói về những nhà thơ
Và biết bao nhiêu những người làm nhạc
Họ làm ra những bài thơ và cả những bản nhạc đều giống như những mũi tên
Những mũi tên được luyện trước để bắn vào những xác người và bắn cả vào tương lai hồn nhiên của
toàn xã hội
Khiến xã hội cũng đã phải thở than
Với bao nhiêu chuyện đầy tràn về những gì oái ăm trong lịch sử
Vì những ai đó từng dựa được vào để leo lên những đỉnh cao của các mùa danh vọng
Hoặc những ai đó đã từng bị bất ngờ phải rơi xuống trong những chỗ bùn lầy tăm tối mông lung
Song lịch sử rồi cũng qua đi với muôn vàn súng ống, gươm dáo và đạn bom
Cũng như đầy những lời oán than vì cũng đầy những lời tuyên truyền ma mánh
Để rồi tất thảy cũng cũng đều đã đi qua, chỉ còn để lại những gì đầy trần trụi
Những gì đầy trần trụi trong chính cuộc sống hằng ngày, trong ký ức thời gian đeo đẵng, hay ngay cả
trong những tâm tình đầy bi thương ai oán của những con người !
NON NGÀN
(11/6/12)