WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Không gian xanh ở Âu châu

Bài Ghi Nhanh của Đoàn Thanh Liêm

Tác giả Đoàn Thanh Liên tại Warsaw

Vào tháng Năm và Sáu năm 2012 này, tôi đã có dịp đi thăm viếng đến 4 quốc gia tại Âu châu, cụ thể là các nước Pháp, Bỉ, Đức và Ba lan. Vì đi xe lửa hay xe hơi do bạn bè chở, nên tôi có nhiều thời gian để ngắm cảnh tại các miền quê chạy dọc theo đường xe chạy. Vì còn là mùa Xuân, nên cảnh vật khắp nơi trông thật xanh tươi mát dịu, với hoa nở rộ muôn màu muôn sắc, chim chóc hót líu lo, mặc tình bay lượn dành kiếm mồi để mang về tổ nuôi con…

Đặc biệt nơi các công viên hay trên các đường phố trong các đô thị, tôi thật chóang ngợp mỗi khi ngắm nhìn những ngọn cây được cắt tỉa khéo léo thành những khối hình thật đẹp mắt – mà những phiến lá trông thật long lanh màu lục diệp phản chiếu tia nắng mặt trời ban mai – khiến dễ gây cảm giác nhẹ nhàng thỏai mái cho hàng hàng lớp lớp khách du ngọan lũ lượt kéo nhau lui tới như đi trảy hội. Trong bài này, tôi xin lần lượt mô tả về những phong cảnh đồng quê tôi đã đi qua – rồi đến những công viên tại các đô thị nơi các bằng hữu thân thiết của tôi sinh sống – mỗi nhà tôi ở trong ít ngày khi mình đến thăm viếng tại gia (home visit).

I – Miền quê dọc theo các trục lộ giao thông lớn ở Âu châu.

Vì không có nhiều thời giờ, nên tôi đã không thể ngừng lại để thăm viếng các làng quê, mặc dầu tôi rất thích tìm hiểu sự khác biệt trong lối sống của người nông dân tại Âu châu so sánh với hòan cảnh sinh họat của giới nông dân tại quê nhà Việt nam – mà tôi đã rất quen thuộc trong thời niên thiếu lúc mình sống chung với cha mẹ và anh chị em ruột thịt ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng trong tỉnh Nam Định thuộc miền Bắc nước ta.

Tôi đi ba chặng đường bằng xe lửa: từ Paris đến Bruxelles thủ đô nước Bỉ và từ Cracovie đến Varsovie thủ đô nước Ba lan, rồi lại đi khứ hồi từ Paris đến thành phố Lourdes là một địa điểm hành hương danh tiếng đối với người Công giáo khắp năm châu. Và một chặng đường khác đi bằng xe hơi do chị bạn Lê Nhất Hiền lái từ Bruxelles đến Frankfurt nước Đức. Trong các chuyến đi kéo dài tổng cộng đến vài ngàn cây số này, tôi đều có điều kiện thuận lợi để tha hồ mà ngắm cảnh đồng quê dọc theo các trục lộ giao thông chính yếu của các nước Âu châu.

Cảm giác chung của tôi lúc ngắm nhìn các vùng quê trải dọc theo các trục lộ này, thì quả thật là nhẹ nhàng dễ chịu – một phần vì còn trong tiết Xuân, nên cây lá xanh tươi mơn mởn, thật đúng với lối miêu tả của văn hào Nguyễn Du: “Cỏ non xanh tận chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” – và một phần khác vì trình độ văn hóa tương đối cao của giới nông dân Âu châu, nên việc bảo quàn môi sinh nơi thôn dã địa phương luôn được chú trọng chăm sóc chu đáo, khiến cho phong cảnh miền quê khá xinh đẹp, ít có bụi bặm rác rưởi như thường thấy tại vùng quê nơi những quốc gia kém phát triển đây đó ở Á châu, Phi châu và châu Mỹ La tinh.

Dĩ nhiên là vùng nông thôn ở các nước Pháp và Đức bên phía Tây Âu châu, thì rõ ràng là có vẻ sung túc phồn thịnh trù phú và gọn gàng sạch sẽ hơn nhiều so với ở Ba lan bên phía Đông Âu nhiều. Mặt khác, tại nhiều miền quê cũng lại mọc lên những nhà máy hay trung tâm giao dịch thương mại, nên ta khó mà phân biệt rõ ràng được đâu là ranh giới giữa thành thị với thôn quê. Nhưng tại nước nào, thì tôi cũng nhận thấy người dân và chính quyền đều hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc xây dựng và phát triển hạ tầng cơ sở ở nông thôn theo một kế hoạch tổng thể về chỉnh trang lãnh thổ (plan général d’aménagement du territoire) được nghiên cứu bàn luận mổ xẻ và rồi được đem ra thực hiện một cách khá quy mô nghiêm túc.

II – Không gian Xanh tại các đô thị ở Âu châu.

Từ vài thế kỷ nay, các nước Tây Âu đã không ngừng phát triển về mặt kỹ nghệ và do đó cũng kéo theo cả một tình trạng đô thị hóa đến độ gay gắt ngạt thở – tạo ra sự căng thẳng bí bức trong đời sống của các tầng lớp thị dân. Vì thế, mà lần hồi các nhà làm kế hoạch phát triển đô thị đã phải chú tâm nhiều đến việc cung ứng những tiện nghi văn hóa xã hội và giải trí cho người dân sinh sống tại các đô thị. Và cây xanh được đặt trồng trên khắp các đường phố và đặc biệt nhiều công viên đã được thiết lập, được chăm sóc bảo quản hết sức chu đáo tươm tất. Mấy năm trước đây, tôi cũng đã viết bài “Người già và công viên ở Mỹ”; nay thì tôi muốn viết về chuyện công viên ở Âu châu hiện nay vào đầu thế kỷ XXI.

Trong cả chục thành phố mà tôi có dịp ghé qua trong chuyến thăm viếng Âu châu năm 2012 này, thì tôi đều ghi nhận tâm trạng rất lạc quan phấn khởi của người dân tại đây đối với việc xây dựng và bảo vệ cái khỏang “ Không gian Xanh” (Green Space) cho các đô thị, bất kể là thành phố này lớn nhỏ cỡ nào. Dưới đây, tôi xin ghi lại một số nét chính yếu về những điều tai nghe mắt thấy nơi những công viên và đường phố tại các đô thị ở Âu châu như sau:

1 – Tại vùng chung quanh thành phố Paris.

Thành phố Bourg la Reine là nơi gia đình bạn Phạm Xuân Yêm cư ngụ từ lâu thì nằm ở vùng phía Nam của Paris. Sát liền bên cạnh đó, thì lại có hai công viên đẹp đẽ nổi tiếng, đó là Parc des Sceaux và Roseraie mà tôi có thể một mình thả bộ từ nhà bạn để đến chơi một cách thật dễ dàng, vì chỉ cách xa có chừng hơn một kilomet mà thôi. Parc des Sceaux bắt đầu được giới quý tộc thời quân chủ phong kiến thiết lập từ thế kỷ XVI và sau này đến giữa thế kỷ XIX thì được chính quyền địa phương mua lại và tiếp tục khuếch trương mở rộng và hòan chỉnh cho đến hiện nay. Công viện rộng đến trên 180 hectares, nằm trên địa bàn 2 thành phố Antony và Sceaux gồm rất nhiều nhà bảo tàng, vườn ươm cây, hồ nước, hàng chục sân chơi thể thao, những khu cắm trại v.v…

Có bữa tôi đi suốt 4 -5 giờ vào trong các ngõ ngách, ấy thế mà cũng chưa làm sao tìm hiểu cho thỏa thích được tính hiếu kỳ của mình trước một công trình xây dựng tuyệt mỹ của bao nhiêu thế hệ người Pháp tại vùng ngọai ô Paris này. Bạn Yêm còn cho biết là bà Marie Curie, nhà nữ bác học lừng danh hồi đầu thế kỷ XX đã từng sinh sống gần như suốt đời tại thành phố Sceaux này. Vì thế mà mấy lần đi dạo ở đây, thì tôi cứ mường tượng ra như mình đang bước trên những lối đi còn vương gót giày của nhà bác học này cách nay đến gần một thế kỷ lận.

Còn công viên Roseraie thì chỉ mới được xây dựng vào năm 1910, tức là cách nay một thế kỷ, nhưng lại rất đặc sắc là chỉ chuyên biệt về việc gây dựng về các lọai hoa hồng thâu thập từ nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt lại có cả mấy lọai hoa từ khu vườn trong biệt thự nổi danh tên là Malmaison của nàng Joséphine một thời được Hòang đế Napoléon Bonaparte rất sủng ái và phong tước làm Hòang hậu hồi đầu thế kỷ XIX. Hai người bạn học khác nữa của tôi là Võ Thế Hào và Cao Huy Thuần, thì nhà các bạn đó cũng ở gần khu vườn Roseraie này và hầu nhưng các bạn thường lui tới đây gần như mỗi ngày nữa.

2 – Công viên tại thành phố Bruxelles, thủ đô nước Bỉ.

Vào mấy ngày cuối tháng Năm, tôi lại đáp xe lửa TGV (Train à Grande Vitesse = Xe Tốc độ Cao) từ Paris đến Bruxelles để thăm anh chị Nguyễn văn Tánh & Bạch Nhật. Anh chị đã ở liên tục tại đây từ năm 1970, nên rành rõi hết mọi ngõ ngách của thủ đô nước Bỉ này. Tại nhà anh chị Tánh, tôi có thể đi bộ rất thỏai mái dễ dàng đến các công viên dày đặc xung quanh khu vực phía đông nam thành phố. Tuy không được chăm sóc trau chuốt kỹ lưỡng như ở Paris, nhưng các công viên ở đây lại có rất nhiều hồ nước có trồng lọai hoa súng (nénuphar) tựa như hoa sen, với nhiều lọai vịt và nhất là những cặp thiên nga lông trắng muốt tung tăng bơi lội. Công viên được bố trí liền sát với những khu gia cư, tạo nên một khung cảnh thật hài hòa ấm cúng giữa thiên nhiên với con người. Có ngày, tôi rong ruổi tổng cộng đến 4 – 5 giờ suốt buổi sáng, rồi đến buổi chiều trong những công viên này – mà không hề thấy mệt nhọc.

Tôi đặc biệt chú ý đến khu vườn do tổ chức “Gia đình Emmaus” của giới Công giáo tại đây dành riêng cho những người mắc bệnh tâm thần đứng ra khai thác trồng rau xanh theo lối hữu cơ (organique) để vừa có thêm sản phẩm để cải thiện bữa ăn, vừa tạo dịp cho họ sống thỏai mái lành mạnh ở ngòai trời chung với nhau. Nhìn thấy mấy người tuy ốm yếu đau bệnh, nhưng lại hăng say cuốc đất trồng rau và chăm bón hòan tòan bằng cỏ rác đã được ủ cho mục tơi trong các hố rải rác trong vườn, tôi thật phấn khởi trước sự biểu lộ của lòng nhân ái của cộng đồng địa phương đối với những người bị tật nguyền bất hạnh này. Nó làm cho tôi nhớ lại câu hát bất hủ của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng năm xưa : “ Tạ ơn Trên : Người vẫn thương Người”.

3 – Cây cỏ cũng rất xanh tươi ở Đức và Ba lan.

Bài viết tới đây, thì cũng đã dài rồi; nên tôi chỉ xin ghi thật ngắn gọn cái cảm nghĩ của mình trong chuyến viếng thăm bạn ở Đức và Ba lan vào những ngày đầu tháng Sáu như sau.

* Chị Nhất Hiền là bà xã của anh Trần Hữu Hải đã đến để chở tôi về thăm gia đình tại khu vực thành phố Frankfurt ở trung tâm nước Đức. Việc chính yếu của tôi là đến thắp nhang trước mộ phần của anh Hải đã qua đời từ năm 2007. Anh Hải từng là một Giám đốc Hành chánh tại Công ty Thủy tinh ở Saigon trước đây; nhưng anh lại hết sức hỗ trợ cho những công tác xã hội mà giới thanh niên chúng tôi cùng hợp nhau ra tay thực hiện ở Việt nam. Tôi thật tâm đắc với sự đánh giá của anh Đỗ Quý Tòan tức là nhà báo Ngô Nhân Dụng khi nói về anh Trần Hữu Hải như sau: “ Đó là một tâm hồn thanh khiết” – nguyên văn tiếng Pháp : “C’est la pureté du coeur”.

Di cốt của anh Hải cùng với của ông bà cụ song thân và người em trai đều được đặt trong những hộp gắn trên bức tường trong một nghĩa trang tọa lạc trên một ngọn đồi thấp ở vùng ngọai ô Frankfurt. Anh bạn trân quý của chúng tôi nay đã thật sự được an nghỉ trên vùng đất thanh bình tươi mát nơi đây – tâm hồn bay bổng thanh thóat, không còn bị vướng bận ưu phiền gì nữa với chuyện nhung nhiễu của bạo lực hận thù do con người gây chuốc lẫn cho nhau. RIP.

* Tạm biệt gia đình anh Hải, tôi lại tiếp tục bay đến thành phố Cracovie là cố đô của nước Ba lan thuở xa xưa. Đây là một trung tâm văn hóa giáo dục lâu đời của Ba lan với rất nhiều Đại học danh tiếng và công viên khỏang khóat xanh tươi. Gần đấy có lò thiêu người Auschwitz kinh rợn, nhưng vì ít thời gian quá, tôi đã không thể đến coi được.

Việc chính yếu của tôi ở đây là để thăm viếng gia đình chị Trần Thị Lài là người bạn từng sinh họat gắn bó với nhau trong Nhóm Sinh viên Công giáo ở Saigon hồi giữa thập niên 1950. Chị Lài là trưởng nữ của cụ Trần Văn Lý nguyên Thủ hiến Trung Việt thời chính quyền Quốc trưởng Bảo Đại. Chị lập gia đình với anh Stefan Wilkanowicz và theo chồng về sinh sống tại Cracovie từ hồi giữa thập niên 1960. Stefan nói tiếng Pháp khá trôi chảy, anh cho tôi biết luận văn tốt nghiệp Đại học của anh nhan đề : “L’émancipation ouvrìere selon Emmanuel Mounier”. Và chúng tôi có dịp ôn lại những điều tâm đắc trong chủ trương của các triết gia nhân bản của Pháp hồi thập niên 1950 như Jacques Maritain, Grabriel Marcel v.v… Chị Lài nói : “Chúng ta đều là chiến sĩ với tâm hồn đồng điệu – ( nguyên văn : militants, âmes – soeurs). Trong hai ngày ngắn ngủi sinh sống với anh chị Stefan & Lài, tôi có dịp trao đổi nhiều với cặp vợ chồng trí thức Công giáo mà có sự gắn bó thân thiết nhiều vối vị Tổng giám Mục Cracovie là Karol Wojtyla mà sau này trở thành vị Giáo hòang nổi danh Jean Paul II.

Vì bài viết đến đây đã dài rồi, tôi xin phép được tạm ngưng và xin hẹn sẽ tường thuật chi tiết hơn về cuộc viếng thăm Đức và Ba lan nằm trong khuôn khổ công cuộc nghiên cứu dài ngày của tôi về Xã hội Dân sự tại Đông Âu hậu cộng sản trong một bài sau vậy nhá.

Washington DC trung tuần tháng Sáu 2012

© Đoàn Thanh Liêm

© Đàn Chim Việt

 

Phản hồi