WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Hội luận tại đại học Cornell

Hội luận tại đại học Cornell – Ithaca, New York

Ngày 11 & 12, June 2012

của các nhân chứng Đệ Nhị Cộng Hòa (1)

do Đại Học Cornell, New York, Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử & Chính phủ, Phân khoa Đông Nam Á châu tổ chức

Đề tài: Kinh nghiệm xây dựng dân chủ của

Khối đối lập: Khối Dân Tộc Xã Hội (2)

(Trong tiểu đề: Chính phủ và xã hội dân sự)

Do Trần Văn Sơn, bút hiệu Trần Bình Nam

cựu dân biểu Đệ Nhị Cộng Hòa trình bày

 

**

Từ Quốc Hội Lập Hiến 1966 đến cuộc bầu cử 1971

 Năm 1971, tôi là một Thiếu Tá Hải quân (VNCH) đang phục vụ tại trường Sĩ quan Hải Quân Nha Trang. Tôi quyết định ra ứng cử dân biểu quốc hội nhiệm kỳ 1971-1975. Vào thời gian đó cuộc chiến tại Việt Nam đang dâng cao và cuộc hòa đàm tại Paris sắp kết thúc. Tôi muốn có một diễn đàn để đóng sức vào công cuộc xây dựng dân chủ cho miền Nam Việt Nam .

Hiến pháp 1967 ban hành ngày 18/3 quy định bầu tổng thống (nhiệm kỳ 4 năm) và Quốc hội gồm Hạ nghị viện 170 dân biểu (nhiệm kỳ 4 năm) và Thượng nghị viện 60 Thượng nghị sĩ (nhiệm kỳ 6 năm). Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu,  Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo quốc gia và Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, thủ tướng đều tỏ ý muốn ra tranh ghế tổng thống.  Hoa Kỳ nghĩ rằng hai ông Thiệu và Kỳ cùng ra ứng cử tổng thống sẽ làm chia rẽ quân đội nên áp lực – qua các tướng lãnh khác – hai ông nên ở trong cùng một liên danh. Ông Thiệu ra ứng cử tổng thống, ông Kỳ đứng phó.

Ông Thiệu cam kết với Hội đồng các Tướng lãnh sẽ giao cho Kỳ nhiều quyền hành và Kỳ tự do đưa người của mình vào quốc hội. Ông Kỳ nhắm gây thanh thế và sẽ ra tranh cử tổng thống trong nhiêm kỳ 2. Nhưng ông Thiệu, với sự phụ tá đắc lực của ông Nguyễn Văn Ngân đã chặt vây cánh của Kỳ, và trước cuộc bầu cử 1971-1975, Thiệu nắm chắc trong tay cả Hành pháp lẫn Quốc hội.

Do đó, cuộc bầu cử cuối năm 1971 là một dịp để ông Thiệu hất cẵng ông Kỳ, củng cố quyền hành. Ông Ngân lèo lái cuộc bầu cử toàn quốc, chỉ để các tỉnh miền Trung Việt Nam cho các đảng Đại Việt, VNQDĐ và Phật giáo và vùng Saigòn – Gia Định cho nhóm Liên Trường người Nam thân tướng Dương Văn Minh. Phật giáo chỉ mạnh tại Thừa Thiên và thành phố Đà Nẵng. Các nơi khác tại miền Trung, các ứng cử viên do Phật giáo đề cử chỉ có thể đắc cử nếu có gốc VNQDĐ.

Qua cuộc bầu cử 1971, ông Thiệu đã kiểm soát được quốc hội với đa số tuyệt đối dân biểu thân chính quyền. Phật giáo chiếm 19 ghế, phần còn lại cho nhóm ông Dương Văn Minh, cho VNQDĐ và Phong Trào Cấp Tiến (Đại Việt) của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy.

Khối Dân Tộc Xã Hội

Sau khi đắc cử tại thành phố Nha Trang cùng với dân biểu Nguyễn Văn Cử (3) tôi gia nhập Khối đối lập Dân Tộc Xã Hội (DTXH) một kết hợp của Khối Xã Hội (XH) và Khối Dân tộc (DT).

Khối XH thành hình trong nhiệm kỳ 1967-1971 do dân biểu Phan Thiệp (4) lãnh đạo gồm các dân biểu gốc VNQDĐ và một số dân biểu độc lập có khuynh hướng Phật giáo. Phật giáo không có đại diện chính thức vì tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội 1967-71. Lập trường của Khối Xã Hội là chống chính quyền quân nhân (dưới lốt dân sự) của tổng thống Thiệu. Khối Dân Tộc gồm 19 dân biểu thân Phật giáo, đắc cử do sự ủng hộ của Phật Giáo miền Trung. Tôi là một trong 19 dân biểu được Phật giáo ủng hộ. Dân Biểu Đinh Xuân Dũng (Phan Thiết) ra tranh cử với tư cách độc lập. Vào Quốc hội ông gia nhập khối DTXH.

Sau thủ tục hợp thức hóa sự đắc cử của các dân biểu, Khối DT và XH nhập lại cho đủ túc số theo nội quy (5) và thành lập khối đối lập Dân Tộc Xã Hội. Khối DTXH  gồm 29 dân biểu, 19 thân Phật giáo, 10 dân biểu còn lại thuộc các đảng phái và những thành phần ủng hộ tướng Dương Văn Minh như Hồ Ngọc Nhuận, Hồ Văn Minh, Lý Qúy Chung. Các dân biểu nổi bật trong khối Phật giáo gồm dân biểu Lê Đình Duyên, Lý Trường Trân, bà Kiều Mộng Thu. Bà Kiều Mộng Thu gốc Long Xuyên trong đồng bằng sông Cửu Long, nhưng là đại diện duy nhất của thành phố Huế, trung tâm sức mạnh của Phật giáo.

Lúc bầu trưởng khối của Khối  DTXH, quý vị lãnh đạo Ấn Quang có ý chọn anh Lê Đình Duyên. Anh Duyên là con trai của bác sĩ Lê Đình Thám, người có công chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam thập niên 1930. Bác sĩ Thám thành lập Hội Phật Học huấn luyện cư sĩ, giúp Hòa Thượng Trí Độ mở lớp đào tạo tăng tàì, biến Huế thành một trung tâm Phật giáo. Các vị sư nổi danh như Thượng tọa Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh , đều do chương trình chấn hưng này đào tạo. Nhưng  sau khi cân nhắc hơn thiệt đề nghị của dân biểu Lý Trường Trân, quý vị đồng ý mời luật sư Trần Văn Tuyên, lãnh tụ  VNQDĐ, một nhân vật có uy tín làm trưởng khối.

Sinh hoạt tại quốc hội trong bốn năm 1971 – 1975 cho thấy đây là một sự chọn lựa có viễn kiến. Khối đối lập có một khuôn mặt lãnh đạo có tầm vóc quốc tế, có lập trường chống Cộng vững chắc và với khéo léo và uy tín luật sư Trần Văn Tuyên đã giữ cho khối đối lập mà đa số chưa có kinh nghiệm sinh hoạt nghị trường không bị  các khuynh hướng quá khích và thân Cộng sản lôi kéo.

Luật sư Trần Văn Tuyên sinh ngày 1/9/1913 tại Tuyên Quang (6), cách Hà Nội chừng 55 km. Ông gia nhập VNQDĐ năm 16 tuổi, đổ cử nhân luật tại Hà Nội và được bổ tri huyện tại tỉnh Tuyên Quang trên Việt Bắc. Sau một thời gian làm quan ông từ bỏ đời sống công chức về Hà Nội dạy học tại trường Trung học Thăng Long, một trường tư. Tại đây ông gặp và quen Võ Nguyên Giáp. Hai người  đều theo đuổi con đường chống Pháp giành độc lập, nhưng đi hai con đường khác nhau, một bên là con đường cộng sản, một bên là con đường quốc gia chống nhau cho đến những  ngày cuối cùng của VNCH. Chỉ có một giai đoạn ngắn ngủi (1945-46) hai ông hợp tác nhau khi Luật sư Tuyên tham gia Chính phủ Liên hiệp do ông Hồ Chí Minh thành lập. Năm 1946 khi Cộng sản ra tay diệt VNQDĐ  ông tị nạn sang Trung quốc.

Sau khi người Pháp trở lại, năm 1947, luật sư Tuyên trở về góp tay xây dựng một chính quyền quốc gia dựa vào Cựu hoàng đế Bảo Đại, và ông giữ nhiều chức vụ trong chính phủ Nguyễn Văn Xuân.

Năm 1954, sau khi đất nước chia đôi luật sư Tuyên hành nghề luật sư và hoạt động chính trị tại Saigon. Tháng 4 năm 1960 ông cùng nhiều nhà trí thức ký bản Tuyên Ngôn Caravelle (7) kêu gọi tổng thống Ngô Đình Diệm cải cách chính trị để đoàn kết toàn dân chống Cộng sản.

Sau khi ông Ngô Đình Diệm bị lật đổ, các tướng Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh thay nhau cầm quyền trước khi giao quyền cho một chính phủ dân sự do thủ tướng Phan Huy Quát cầm đầu. Bác sĩ Quát  mời luật sư Tuyên làm Phó thủ tướng.  Đây là nỗ lực xây dựng một chính quyền dân sự của Hoa Kỳ theo đòi hỏi của Phật giáo. Trong 4 tháng (từ tháng 2 đến  tháng 5/1965) Phó thủ tướng Trần Văn Tuyên đã đi vận động quốc tế tìm sự yểm trợ cho VNCH.

Sau 4 tháng, thủ tướng Phan Huy Quát không chịu nổi áp lực của quân đội, ông giao quyền lại cho các tướng lãnh, mở đâu thời kỳ hoạt động và tranh chấp của hai tướng NguyễnVăn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ. Ông Thiệu làm Chủ tịch nước dưới danh xưng Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, và tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Thủ tướng dưới danh xưng Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương. Luật sư Trân Văn Tuyên trở về hành nghề luật sư.  Ông được bầu làm thủ lãnh luật sư đoàn đồng thời là luật sư của tòa Thượng thẩm.

Luật sư Tuyên đã chứng kiến thời kỳ hỗn quân hỗn quan của quốc  hội VNCH thời kỳ 1967-1971, ông quyết định ra tranh cử dân biểu nhiệm kỳ 1971-1975 đại diện  Quận 1 & 3 của vùng Sài gòn – Gia định. Ở đây ông Thiệu không can thiệp, và luật sư Tuyên đã thắng nhà triệu phú Bùi Kiện Tín.

Nhờ có luật sư Tuyên khối đối lập DTXH có thể tồn tại và đóng góp trong 4 năm 1971 đến 1975 cho đến khi miền Nam sụp đổ. Không có luật sư Tuyên, khối DTXH có thể đã tan rã với sức căng nội bộ giữa nhiều khuynh hướng:  (1) xây dựng một lực lượng dân chủ,  (2) chống chính sách bỏ rơi VNCH của Hoa Kỳ đang dần hiện rõ qua cuộc hội đàm tại Paris,  (3) Hòa giải với Mặt trận Giải phóng miền Nam (MT/GPMN) để mưu tìm một giải pháp chấm dứt chiến tranh.

Trước mắt của đối lập là 3 trở lực: (1) Chính quyền quân nhân của tổng thống Thiệu không chấp nhận đối lập, xem đối lập là một nhóm đối nghịch thân cộng không đáng để nói chuyện với,  (2) Hoa Kỳ không có chương trình giúp xây dựng dân chủ chân chính. (3) nỗ lực vừa ve vãn vừa phá họai nội bộ Khối DTXH của MT/GPMN.

Trong thời gian 4 năm 1967-1971 tổng thống Thiệu và Phó Kỳ chia quyền hành, tổng thống Thiệu với phụ tá chính trị Nguyễn Văn Ngân đã thành công triệt tiêu vây cánh của Phó Kỳ tại quốc hội và trong chính quyền . Qua nhiệm kỳ 2 (1971-1975) tổng thống Thiệu bỏ Kỳ chọn thầy giáo Trần Văn Hương đứng phó. Ông Trần Văn Hương có nhiều ảnh hưởngđối với nhóm Liên Trường.

Hoa Kỳ ủng hộ Thiệu, nhưng muốn thấy một cuộc bầu cử dân chủ, đã ngầm ủng hộ một liên danh hoặc Dương Văn Minh hoặc tướng Nguyễn Cao Kỳ ra tranh với liên danh Nguyễn Văn Thiệu – Trần Văn Hương. Tuy nhiên tướng Kỳ cũng như tướng Minh không ai muốn làm liên danh tô điểm cho sự đắc cử của ôngThiệu nên đều rút lui. Cuối cùng liên danh Thiệu – Hương là liên danh duy nhất. Độc diễn .

Sau khi đắc cử Hoa Kỳ ủng hộ ông Thiệu hơn và ông Thiệu trở nên cứng rắn.  Điều này làm cho khối đối lập càng chống Thiệu hơn .

Hiệp Định Paris và chính trường Nam Việt Nam

Đối với cuộc thương thuyết tại Paris lập trường của khối DTXH là một giải pháp ngưng bắn và áp dụng nguyên tắc dân tộc tự quyết để cứu vãn miền Nam khỏi tay Cộng sản.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm chính trị quốc tế, luật sư Tuyên biết cuộc vận động cứu vãn miền Nam qua nguyên tắc dân tộc tự quyết không đơn giản. Luật sư Tuyên rất nghi ngờ kế họach chấm dứt chiến tranh của Nixon & Kissinger. Năm 1972, cựu thống đốc California, Ronald Reagan  đến Saigòn như một tư nhân (8) , và trong một cuộc nói chuyện với luật sư Trần Văn Tuyên đã hé lộ cho thấy Hoa Kỳ muốn rút lui khỏi Việt Nam.

Từ năm 1972 luật sư Tuyên, qua sinh hoạt nội bộ Khối DTXH cho chúng tôi thấy ông nghi ngờ Hoa Kỳ đang đi dần đến một thỏa thuận tại Paris bất lợi cho VNCH.  Ở đây lập trường của khối DTXH và của tổng thốngThiệu giống nhau, là cùng chống một thỏa thuận để quân đội Hoa Kỳ và đồng minh rút ra khỏi Nam Việt Nam mà không buộc quân đội Bắc Việt xâm nhập vào Nam từ năm 1965 rút về miền Bắc.

Nhưng sau cùng, trước áp lực cắt viện trợ, đe dọa sự an toàn của chính bản thân ông, và lời hứa hẹn bằng thư riêng của Nixon, tổng thống Thiệu đã phải nhượng bộ Hoa Kỳ và đồng ý ký bản “Hiệp định chấm dứt chiến tranh tái lập hòa bình tại Việt Nam” tại Paris ngày 27/1/1973 .

Vào đêm Giao thừa năm Quý Sửu (2/2/1973). Luật sư Tuyên và toàn thể thành viên khối DTXH đã tuyệt thực trước tiền đình Hạ nghị viện phản đối Hiệp Định Paris để lại quân đội cộng sản Bắc Việt. Ông cảnh báo rằng Hiệp định Paris sẽ làm miền Nam sụp đổ.

Tuy nhiên trước thực tế phủ phàng khối DTXH đã phải chọn con đường ít nguy hiểm nhất cho miền Nam là vận động hai miền Nam Bắc thi hành nghiêm chỉnh Hiệp Định Paris. Hiệp Định dự liệu thành lập một Hội đồng Hòa hợp Hòa giải Dân tộc (HĐHH/HGDT) 3 thành phần có nhiệm vụ thay thế chính quyền hai bên tổ chức một cuộc bầu cử và thành lập một chính phủ Liên Hiệp, giữ cho miền Nam ngoài vòng tay của Hà Nội trong khi chờ đợi biến chuyển quốc tế.

Tuy nhiên cả hai bên Quốc – Cộng đều không tin  HĐHH/HGDT có thể làm việc vì nguyên tắc đồng thuận nên đều vi phạm Hiệp định và tìm cách lấn đất giành dân. Nói cách khác là cuộc chiến vẫn tiếp diễn.

Luật sư Tuyên biết Cộng sản chọn lựa chiến tranh vì con đường đó có lợi cho miền Bắc. Trung Hoa và Liên bang Xô viết không ngừng viện trợ cho quân đội cộng sản còn đóng ở miền Nam, trong khi Hoa Kỳ chẳng những đã rút hết quân còn cắt dần viện trợ. Từ 2.3 tỉ mỹ kim năm 1973, xuống còn 1 tỉ năm 1974, và đến năm 1975 giảm xuống 300 triệu . Và 300 triệu này cuối cùng cũng bị cắt luôn .

Từ  khi còn làm Phó thủ tướng, luật sư Tuyên đã biết rằng con đường cứu vãn VNCH  là xây dựng một chế độ dân chủ được sự hậu thuẫn của toàn dân và một nền kinh tế tự lập. Ông nghĩ nếu Nam Hàn trong cùng cảnh ngộ tồn tại được thì tại sao VNCH không tồn tại được, nhất là VNCH  được Hoa Kỳ viện trợ nhiều hơn Nam Hàn.

Nhưng có hai khác biệt căn bản: Nam Hàn có lãnh đạo tốt, trong khi VNCH không có. Các tướng lãnh của VNCH đều là sản phẩm của nền thống trị cuối mùa của Pháp để lại. Thứ hai tại Nam Hàn Hoa Kỳ quyết ở lại, trong khi tại Nam Việt Nam Hoa Kỳ muốn đi.

Sau Hiệp Định Paris, nhìn thấy trước mắt con đường liên hiệp, tâm lý các khối thế lực: Phật giáo, Công giáo, Đảng phái đều ra sức chống tổng thống Thiệu để dành chỗ làm cho tình hình trở nên rối ren hơn. Và chỉ có lợi cho cộng sản.

Trong giai đọan đó, 3 nhóm họp thành khối đối lập DTXH theo đuổi ba chương trình khác nhau:

(1) nhóm Phật giáo chống Thiệu và muốn Thiệu ra đi bằng mọi giá.

(2) nhóm Đảng phái (VNQDĐ, Đại Việt) lo cũng cố đảng

(3) nhóm thân tướng Minh muốn ông Dương Văn Minh thay thế Thiệu.

Tuy nhiên nhờ uy tín và sự lãnh đạo khéo léo của luật sư Tuyên khối DTXH không bể cho đến ngày cuối cùng 30-4-1975 . Khối DTXH kết hợp với Công giáo và Đại việt trong phong trào chống tham nhũng của linh mục Trần Hữu Thanh, chống luật Báo chí và áp lực tổng thống Thiệu cải tổ chính phủ.

Trong thâm tâm hình như luật sư Trần Văn Tuyên nghĩ rằng tình hình vô vọng. Nhưng bản năng tự tồn loay hoay trong một ván bài không dễ thấy lời giải, làm cho ông nghĩ rằng có thể vì quyền lợi toàn cầu của ba thế lực Nga- Mỹ-Trung quốc, và nhất là địa lý chính trị Á  châu – Thái bình Dương,  Hà Nội sẽ không thanh toán VNCH bằng vũ lực mà tìm một giải pháp ôn hòa.  Kết luận: Minh thay Thiệu có thể là một giải pháp.

Nhiều dấu hiệu cho thấy vào lúc chiến tranh sắp chấm dứt Trung quốc không muốn thấy Hà Nội đại thắng để khỏi phải chạm cái gai của một nước Việt Nam thống nhất có quân đội thiện chiến chọc vào sườn phía Nam. Lịch sử quan hệ hai nước cho thấy một Việt Nam hùng mạnh không có lợi cho Trung quốc. Cái lo của Mao Trạch Đông là sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Việt Nam thì nay quân đội  Mỹ đã rút lui hoàn toàn.

Khối Dân Tộc Xã Hội và tướng Dương Văn Minh

Với phân tích đó trong 2 năm sau cùng (1974, 1975), Khối DTXH đã ủng hộ giải pháp Dương Văn Minh. Đây là một sai lầm. Vì sau khi ký Hiệp Định Paris người Mỹ chỉ muốn rút lui khỏi Việt Nam an toàn không bị quân lực VNCH ngăn cản. Giải pháp Dương Văn Minh có lẽ chỉ là một giải pháp chính trị “ảo” bất thành văn giữa Hà Nội và Washington!

Đường lối ủng hộ Minh và ép Thiệu từ chức giải thích sự hiện hữu của một điện văn nói là của Khối DTXH gởi quốc hội Mỹ yêu cầu đừng quân viện cho quân đội VNCH 300 triệu mỹ kim (đã có trong ngân sách, chỉ chờ Quốc hội chuẩn chi) trong tháng Hai năm 1975. Sự thật là vào tháng 2/1075 tổng thống Ford yều cầu quốc hội Mỹ chuẩn chi số tiền này. Quốc Hội Hoa Kỳ chần chừ không muốn và  giả bộ gởi một phái đoàn dân cử sang Sài gòn tìm hiểu tình hình. Phái đòan này gồm Thượng nghị sĩ Dewey Bartlett (Cộng Hòa, Oklahoma) 7 dân biểu trong đó có hai dân biểu Bella Abzug và Paul McClosky chủ trương cắt mọi viện trợ (9). Đến Sài gòn dân biểu Abzug tìm gặp dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, một dân biểu cận kề  tướng Minh cho biết quốc hội Mỹ trong mọi trường hợp sẽ không chuẩn chi 300 triêu mỹ kim. Cho rằng đây là một cơ hội tốt để áp lực tổng thống Thiệu từ chức nhường chỗ cho tướng Dương Văn  Minh, dân biểu Hồ Ngọc Nhuận cùng với một số dân biểu thân tướng Minh đã mổ xẻ vấn đề trong một buổi họp hằng tuần tại  tư thất tướng Minh và đồng ý thảo một điện văn, mời thêm một số dân biểu trong khối DTXH ký gởi quốc hội Hoa Kỳ yêu cầu đừng viện trợ 300 triệu nói trên. Vấn đề không được thảo luận công khai tại văn phòng Khối DTXH. Cá nhân tôi chỉ biết có điện văn này sau khi đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA – Việt ngữ) loan tin.

Nhìn lại tình hình, 300 triệu mỹ kim vũ khí vào thời điểm muộn màng đó có lẽ cũng không cứu vãn được Nam Việt Nam ngoại trừ kéo dài cơn hấp hối của VNCH . Nhưng về mặt luân lý, nếu không có điện văn đó thì vẫn tốt hơn!

Tổng thống Thiệu củng cố quyền hành sau mùa hè đỏ lửa 1972

Từ năm 1972 đến năm 1974 có sự tranh chấp căng thăng giữa tổng thống Thiệu và đối lập do sự vận động của Hành pháp thông qua Luật Ủy quyền (1972) sau khi quân đội cộng sản tấn công qua Bến Hải chiếm nửa tỉnh Quảng Trị và đe dọa Huế, để ông Thiệu cai trị bằng sắc luật. Mục đích của ông Thiệu là đẩy đối lập ra ngoài sinh họat chính trị trong một thời gian để ông rãnh tay ban hành những sắc luật cần thiết để củng cố quyền lực mà ông cho là cần thiết trong giai đoạn khẩn trương.

Căng thẳng khác là đầu năm 1974 ông Thiệu vận động tu chính Hiến pháp để ông ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ 3 (1975-1979) .Theo ông phụ tá Nguyễn Văn Ngân tình hình bắt buộc vì  “không ai thay ngựa giữa dòng”. Cuộc chiến nổ rộ toàn quốc, trong khi Hoa Kỳ đang cắt dần viện trợ.

Sau khi tu chính Hiến pháp tin tức Trung quốc tấn chiếm quần đảo Hoàng Sa ngày 19/1/1974 tràn ngập và không ai còn thì giờ để lên án sự tham quyền của tổng thốngThiệu.

Tổng thống Thiệu – Đối lập và vụ Trung quốc chiếm Hoàng Sa

Những sự việc chung quanh vụ Hoàng Sa vẫn còn nhiều câu  hỏi chưa được trả lời. Quần đảo Hoàng Sa cách bờ biển Đà Nẵng 230 hải lý (379 km) do quân đội VNCH và một đơn vị Địa phương quân tỉnh Quảng Nam trấn giữ. Tổng thống Thiệu không báo cáo nên Quốc hội không biết những gì đang diễn ra ngoài Hoàng Sa cho đến khi tin tức quốc tế loan báo Hải quân Trung quốc đã đánh bại một Hải đội của Hải quân Việt Nam trong ngày 19/1/1074 và mấy hôm sau cho đổ bộ chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa. Gần 80 binh sĩ gồm biệt kích, thủy thủ, sĩ quan VNCH tử  trận. Ông Gerald Kosh, một cựu sĩ quan Hoa Kỳ thuộc tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại Đà Nẵng đi theo quan sát bị bắt.

Lệnh bảo vệ Hoàng Sa bằng sức mạnh vũ trang do chính tổng thống Thiệu ban ra. Tổng thống Thiệu không tham khảo ý kiến của tòa đại sứ Hoa Kỳ khi ban lệnh này.

Sau khi Hoàng sa bị chiếm, Khối DTXH yêu cầu chính phủ điều trần, nhưng ông chủ tịch quốc hội Nguyễn Bá Cẩn không đưa vào nghị trình.

Chính phủ Thiệu lúng túng vì các đơn vị Hải quân Hoa Kỳ thuộc hạm đội 7 ở gần đó đã không đáp ứng lời kêu cứu của Bộ Tư Lệnh HQVN xin vớt thủy thủ Việt Nam của chiến hạm HQ 10 bị đánh chìm đang trôi dạt trên biển. Hình như có một sự đồng ý giữa Hoa Kỳ và Trung quốc để Trung quốc chiếm Hoàng Sa.

Đối với Hoa Kỳ, trước sau Hà Nội cũng chiếm Nam Việt Nam nên để Hoàng Sa nằm trong tay Trung quốc có lợi hơn nằm trong tay của Liên bang Xô viết, một đồng minh của Hà Nội (10).

Vi phạm Hiến Pháp

Khối DTXH lại có thêm một lần lúng túng khác khi lưỡng viện quốc hội họp ngày 27/4/1974  để thông qua một quyết nghị cho phép tổng thống Trần Văn Hương (vừa nhận quyền tổng thống ngày 21/4 khi tổng thốngThiệu từ chức) trao quyền tổng thống cho tướng Dương Văn Minh. Quyết nghị này vi hiến, nhưng khối DTXH quyết định bỏ phiếu thuận xem đây con đường duy nhất còn lại để có một giải pháp chính trị cho Việt Nam. Lúc đó 5 sư đoàn quân đội Bắc Việt với xe tăng và trọng pháo đang bao vây Sài gòn, và qua các đường dây ngoại giao quốc tế Cộng sản  “mớm ý” chỉ chịu nói chuyện với tướng Minh. Đây là một âm mưu phỉnh gạt của Hà Nội với sự tiếp tay của hai tòa đại sứ Pháp và Mỹ tại Sài gòn. Tướng Minh nhậm chức chiều ngày 28/4 cũng là lúc Không quân Bắc Việt oanh tạc phi trường Tân Sơn Nhất.  Đêm 29/4  trước khi trời hừng sáng ông đại sứ Martin rời nóc tòa đại sứ trên đường Thống Nhất bay ra chiến hạm USS Blue Ridge đang chờ ngoài khơi.

Tư cách lãnh đạo của luật sư Trần Văn Tuyên

Cho đến phút kết thúc, luật sư Trần Văn Tuyên giữ đúng vai trò một lãnh tụ đối lập có lập trường chống Cộng kiên quyết. Luật sư Tuyên quyết định không bỏ nước ra đi dù tòa đại sứ Hoa Kỳ qua đệ nhất tham vụ Joe Bennett hẹn đưa ông và gia đình di tản.

Đầu tháng 5/1975, sau khi Hà Nội chiếm Sài gòn, tướng Võ Nguyên Giáp gởi một sĩ quan cán bộ đến nhà cho biết ông ta sẽ can thiệp với Ủy ban Quân quản Saigon Gia định cho phép ông khỏi đi trình diện học tập. Luật sư Tuyên cũng từ chối. Ông muốn chia  sẻ số phận của người bại trận cùng với các đồng bào miền Nam và chiến sĩ của ông.

Sau đó luật sư Tuyên được tập trung  cùng với 3000 quân cán chính VNCH tại trại Long Thành.  Rồi cùng một số nhỏ được đưa qua nhà tù Thủ Đức. Mùa thu năm 1976 ông được đưa ra giam tại một trại giam trong tỉnh Hà Sơn Bình. Tại đây ngày 26/10 luật sư Tuyên đột trụy khi cùng với các tù nhân khác tham dự một buổi học tập tự phát biểu lập trường “đề cao cách mạng, nhục mạ chế độ VNCH,  xỉ vả cá nhân tội lỗi của mình”  như yêu cầu của ban quản trại. Ban quản trại cho rằng ông chỉ bị xâm xoàng, tiếp tục buổi học tập. Sau đó ban y tế trại mới cho xe chở ông đi bệnh viện tỉnh, và mấy hôm sau cho biết ông đã chết sáng ngày 28/10/1976.

Nhiều giả thuyết quanh cái chết của luật sư Tuyên. Có thể áp lực tinh thần quá sức chịu đựng làm ông đứt mạch máu não. Và cũng có thể ông bị đầu độc (12). Tại Long Thành khi học tập “9 bài” và làm bản kiểm thảo luật sư Tuyên đã viết  trong phần “nhận tội” rằng: “”Tôi không có tội gì với Tổ Quốc và đồng bào của tôi cả. Nếu có tội thì đó chỉ là tội chống cộng sản, chống thực dân, chống độc tài và bất công.”

Nhìn lại, luật sư Tuyên đã hiến trọn cuộc đời chống Pháp, chống Cộng sản để giành độc lập và tự do của Việt Nam. Ông đã không thành công, nhưng ông thành nhân.

Khối DTXH đã đóng góp được gì trong công cuộc xây dựng dân chủ tại Việt Nam?

Khối đối lập DTXH đã làm được gì trong việc xây dựng  dân chủ cho Việt Nam?

Cần theo dõi sinh hoạt quốc hội của Đệ nhị Cộng hòa trước khi trả lời câu hỏi.

Đệ Nhị Cộng Hòa có 2 nhiệm kỳ Quốc Hội (1967-1971) & (1971-1975).

Trong nhiệm kỳ (1967-1971)  chỉ có đối lập hình tức tại quốc hội. Dân biểu đủ mọi khuynh hướng sinh hoạt chung quanh những tâm điểm theo TT Thiệu, Phó TT Kỳ hoặc có ảnh hưởng như dân biểu Phan Thiệp, dân biểu Trần Ngọc Châu.

Chung quanh dân biểu Phan Thiệp có nhóm Xã Hội gồm VNQDĐ , các dân biểu thân Phật giáo (Phật giáo tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội 67-71 nên không có đại diện chính thức) và các dân biểu thân tướng Dương Văn Minh .

Dân biểu Trần Ngọc Châu đại diện tỉnh Kiến Hoà, nơi ông Châu hai lần làm tỉnh trưởng và rất thành công trong chương trình Xây dựng Nông thôn. Ông có nhiều liên hệ (hay ít nhất được xem như) với cơ quan CIA và đó là sức mạnh tại Quốc Hội của ông.

Tuy nhiên trên thực tế ông Trần Ngọc Châu bất đồng ý kiến với CIA (cơ quan chi tiền). Ông Châu muốn người Mỹ để cho chính quyền Việt Nam điều khiển chương trình, trong khi cơ quan CIA muốn sắp xếp nhân sự và nắm mọi chi tiết trong chương trình Xây dựng Nông thôn. Và đó là lý do ông ra ứng cử quốc hội để có một diễn đàn cho chương trình chính trị của ông.

Ông Châu có thể xem là một dân biểu độc lập, không thuộc cánh của Thiệu  hay của Kỳ mặc dù ông là bạn thân thiết với tổng thống Thiệu.  Uy tín to lớn và sức làm việc của ông giúp ông được bầu làm Tổng Thư Ký Hạ nghị viện với ông Nguyễn Bá Lương, người của Phó tổng thống Nguyền Cao Kỳ làm Chủ tịch.

Châu là bạn của tổng thống Thiệu, nhưng ông không làm việc với ông Thiệu mà làm việc gần gủi với tòa đại sứ Hoa Kỳ. Ông nghỉ rằng làm việc thẳng với Hoa Kỳ có lợi hơn. Sai lầm lớn nhất của ông là năm 1965 đã tiếp xúc với người anh ruột Trần Ngọc Hiền, một điệp vên cao cấp của Hà Nội nhưng chỉ thông báo cho tòa đại sứ Hoa Kỳ biết. Và đó là cái cớ để ông Thiệu bắt ông Châu . Nhưng lý do chính là sau trận Mậu Thân 1968, Châu biết Hoa Kỳ đang tìm đường xuống thang chiến tranh nên đi bước trước. Trong khi ông Thiệu vẫn 4 Không. Và Hoa Kỳ lại đang cần 4 Không để an toàn rút lui. Châu lưỡng đầu thọ địch .

Đầu năm 1971 tổng thống Thiệu ra lệnh bắt Châu sau khi vận động đủ phiếu tước quyền bất khả xâm phạm của Châu, đưa Châu ra Tòa án Quân sự Mặt trận phạt 10 năm tù giam. Lúc này ông Thiệu, với sự phụ tá rất hữu hiệu của ông Nguyễn Văn Ngân đã hoàn tất việc cắt vây cánh của ông Kỳ trong bộ máy hành chánh cũng như trong quốc hội .

Trong cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống nhiệm kỳ 1971-1975, ông Ngân chỉ để 4 tỉnh miền Trung cho Phật giáo, và các thành phố lớn có tai mắt của báo chí quốc tế như Gia Định – Sài Gòn, Nha Trang, Cần Thơ  cho nhóm thân tướng Minh và các ứng cử viên thuộc các đảng chính trị không thân chính quyền và các ứng cử viên tự do. Còn lại vùng cao nguyên, vùng phía nam miền Trung, vùng đồng bằng sông Cửu Long, ông Thiệu lấy hết ghế dân biểu. Tại Quốc hội 1971-75 tổng thống Thiệu có đa số tuyệt đối họp thành hai khối Dân Chủ và Cộng Hòa. Khối đối lập DTXH gồm các dân biểu thân Phật giáo, đảng viên VNQD và các dân  biểu thân tướng Minh đắc củ trong vùng Gia Định – Sài gòn. Ngoài  ra còn hai nhóm (không đủ túc số 25 dân biểu để thành khôi) là nhóm Quốc Gia không theo khuynh hướng nào, và nhóm Dân Quyền thuộcPhong Trào  Quốc gia Cấp tiến của đảng Đại Việt.

Với cách sắp xếp này quốc hội 1971-1975 sinh hoạt có quy củ hơn, có thân chính, có đối lâp, có độc lập rõ ràng. Nét nổi bật là đối lập có quyền nói nhưng không có phiếu để thông qua bất cứ một đạo luật hay một quyết nghị gì tại quốc hội. Quốc hội chỉ thông qua những gì  phủ tổng thống cần. Phụ tá Nguyễn Văn Ngân đánh giá thấp đối lập mà ông nghi ngờ bị thành phần thân cộng sản thao túng. Ông Ngân cũng đánh gía thấp luật sư Trần Văn Tuyên, cho rằng luật sư Tuyên chỉ có khả năng dàn xếp, nhưng không có khả năng lãnh đạo. Tiếng nói của đôi lập được ông Thiệu xem như là tiếng nói của đối nghịch, và tình trạng này làm tê liệt nổ lực đóng góp của đối lập.

Nét đặc thù của tình hình chính trị Nam Việt Nam lúc đó là ảnh hưởng của tòa đại sứ Hoa Kỳ bàng bạc hiện diện trong mọi sinh hoạt chính trị quốc gia. Nhưng tòa đại sứ Hoa Kỳ không có một chương trình cụ thể nào giúp đối lập xây dựng một nền tảng dân chủ. Mối lo của tòa đại sứ Hoa Kỳ là an toàn rút quân.

Tòa đại sứ Hoa Kỳ liên lạc với đối lập qua tiếp xúc một cách hình thức với luật sư Tuyên. Ông được mời tham dự các “party” có tính chính trị của tòa đại sứ. Nhưng ít khi thấy Luật sư Tuyên báo cáo với Khối ông đã trao đổi những gì với tòa đại sứ. Có lẽ không có gì thực chất để báo cáo.

Nhưng yếu tố quan trọng nhất của sự thất bại của đối lập là thiếu kinh nghiệm dân chủ và sinh hoạt nghị trường. Cho đến đầu thập niên 1970 Việt Nam chưa bao giờ là một nước dân chủ. Thời gian 1946-1954 với chính phủ Bảo Đại bên trên là một Ủy viên toàn quyền người Pháp. Chỉ là một chính quyền đô hộ Pháp với các vỏ quốc gia của cựu hoàng Bảo Đại. Dưới chính thể ông Ngô Đình Diệm VNCH chỉ là một nước dân chủ trên giấy tờ. Và qua đệ nhị Cộng Hòa với hai nhiệm kỳ của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng vậy. Hiến pháp 1967 dân chủ hơn Hiến Pháp đệ nhất Cộng Hòa nhưng chỉ là hình thức.

Nhìn lại tôi có cảm tưởng luật sư Tuyên có đầy đủ thông tin để biết tình hình Nam Việt Nam là vô vọng ít nhất cũng từ năm 1965, 1966. Việt Nam không có kinh tế độc lập, ngay cả nguồn lúa gạo vốn là sản phẩm dồi dào của Việt Nam cũng không dùng được. Quân trang, quân cụ, lương bỗng cho gần 1 triệu quân nhân đều được cung cấp và chi trả bằng ngoại viện. Tòa đại sứ Hoa Kỳ, không khác gì phủ toàn quyền  dưới thời đô hộ Pháp, có mặt trong mọi sinh hoạt quốc gia qua bàn tay nối dài hữu hiệu của cơ quan Trung Ương tình báo CIA. Và chương trình quan trọng của Hoa Kỳ là đạt một thỏa thuận với Hà Nội, lấy lại tù binh – đa số là phi công- rồi an toàn rút lui .

Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, luật sư Tuyên đã thành công giữ cho khối đối lập DTXH khỏi tan rã. Ông nghĩ rằng dù miêu tả cuộc chiến tranh là chiến đấu bảo vệ tự do, nội chiến hay chiến tranh chủ nghĩa, thực chất là một cuộc chiến nhiệm chức của hai thế lực quốc tế: Hoa Kỳ chống liên minh Nga-Trung quốc. Và mọi cuộc xung đột nhiệm chức đều có thể được dàn xếp bởi các thế lực sau lưng. Nên Nam Việt Nam với một cơ may nào đó có thể được tồn tại như một mãnh đất tự do.

Luật sư Tuyên cũng biết rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào Nam Việt Nam cũng không thể tồn tại nếu không có dân chủ. Và ông đã dành trọn đời cho công cuộc xây dựng dân chủ này. Đó là lý do tại sao ông đã nỗ lực duy trì sự toàn vẹn của khối DTXH. Và tại sao ông chống chính sách độc tài của tổng thống Diệm, tổng thống Thiệu và nghi ngờ chương trình của Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam .

Trong nhiều buổi họp hằng tuần của Khối, luật sư Tuyên nói đến một Liên minh Vì Dân chủ tòan thế giới, đặc biệt với các nước Phi châu vừa ra khỏi vòng nô lệ. Trong thời gian ngắn ngũi làm Phó thủ tướng cho thủ tướng Phan Huy Quát (tháng  2 – tháng 6/1965) ông đã có cơ hội gợi ý kiến về chương trình này với đại tá Houari Boumedienne của Algeria, với tổng thống Bourguiba của Tunisia, và với đại tá Nasser của Ai Cập, và đã được sự đồng tình của những vị này. Tuy nhiên chính phủ Phan Huy Quát không tồn tại đủ lâu để ông biến chương trình quốc tế này thành hiện thực.

Đêm 29/4/1975 là một đêm dài, chấm dứt cuộc vận động dân chủ cho Việt Nam. Sáng sớm ngày 30/4 xe tăng của quân đội Cộng sản Bắc Việt tiến vào Sài gòn. Chính phủ 1 ngày của tướng Dương Văn Minh đầu hàng. Ai cũng có trách nhiệm trong sự thất bại này:  người Mỹ, chính phủ Thiệu, tướng Dương Văn Minh , Quốc hội và nhất là đối lập.

Mục tiêu chiến lược của Hoa Kỳ đến giúp Nam Việt Nam xây dựng một miền nam độc lập, dân chủ và phú cường ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản trong thập niên 1960  là một chiến lược đúng. Chỉ vì lãnh đạo chiến tranh (của Hoa Kỳ) kém cỏi, và các nhà lãnh đạo sót lại tại miền Nam thiếu bản lãnh nên cuối cùng Hoa Kỳ phải chấp nhận thất bại, rút lui để bày một ván cờ khác.

Ông tổng trưởng quốc phòng Robert  McNamara điều khiển một cuộc chiến tranh du kích bằng con số từ Washington là một sai lầm thảm hại. Sai lầm khác là tình báo chiến lược Hoa Kỳ không đoán biết được Trung quốc sẽ hành động như thế nào. Hoa Kỳ không muốn đụng độ với quân đội Trung quốc trong một cuộc chiến trên bộ lần thứ hai (sau cuộc đụng độ tại Triều Tiên vừa chấm dứt năm 1953). Và sự tính toán này làm tê liệt sáng kiến quân sự của các tướng lãnh Mỹ tại chiến trường Đông Dương. Lo ngại vi phạm sự trung lập của Lào Hoa Kỳ đã không lập hàng rào bít kín đường xâm nhập người và vũ khí từ miền Bắc vào Nam mà chỉ bít từ bờ biển đến biên giới Lào Việt.

Nếu Hoa Kỳ đã lập phòng tuyến từ bờ biển Việt Nam qua Lào kéo đến tận sông Cửu Long, quân đội Hoa Kỳ và VNCH đã có thể bình định miền Nam. Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ đã đưa ra kế hoạch này khi cùng ông Thiệu gặp tổng thống Johnson tại Guam ngày 20-21 tháng Ba năm 1967 (11). Tổng thống Kennedy đã phạm một sai lầm chiến lược tai hại khi tôn trọng hiệp định trung lập hóa Lào.

Lý do địa phương cũng đóng góp không ít vào sự thất bại này. Miền Nam Việt Nam thiếu truyền thống dân chủ, lãnh tụ bất tài, và các chính trị gia – theo Thiệu hay chống Thiệu  – thiếu khả năng. Chương trình của đối lập do sự thúc đẩy của Phật giáo là dân sự hóa chính quyền, nói chuyện với Mặt Trận Gỉai Phóng Miền Nam thay thế tổng thống Nguyễn Văn Thiệu  để chấm dứt chiến tranh đã chứng tỏ là một đường lối sai lầm. Nó làm yếu chính quyền Thiệu thay vì đoàn kết các lực lượng chống Cộng và chống Thiệu thành một khối. Mặt khác Cộng sản đã thành công xâm nhập vào mọi cơ cấu và định chế của VNCH. Phủ tổng thống có Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng …, quân đội có Phạm Ngọc Thảo, báo chí có Phạm Xuân Ẩn …, quốc hội có Đinh Văn Đệ,… tôn giáo có ni sư Huỳnh Liên …, sinh viên có Huỳnh Tấn Mẫm …

Làm gì ?

Sau 35 năm cục diện Á  Châu thay đổi. Trung quốc đang vươn lên thế siêu cường. Việt Nam đang chuyển đổi chính sách vì nhu cầu bảo vệ đất biển và an ninh quốc gia.  Hoa Kỳ trở lại Á châu để bảo vệ vị trí siêu cường. Trên bàn cờ Á châu lại xuất hiện những con cờ cũ. Và bên cạnh là một lực lượng đối lập.  Đối lập với chính quyền Việt Nam bây giờ là ai? Là khối người Việt hải ngoại và thành phần đấu tranh dân chủ trong nước.

Chương trình của đối lập phải như thế nào để khỏi đi vào vết xe cũ? Chúng ta rút tỉa được gì qua sinh hoạt của đối lập qua hai nền Cộng Hoà 1955- 1975. Và bài học nào cho Hoa Kỳ và những nhà lãnh đạo Cộng Sản tại Hà Nội.

© Trần Bình Nam

© Đàn Chim Việt

—————————————————-

(1)  Gồm 11 nhân chứng, các ông: Bùi Diễm (cựu đại sứ tại Hoa Kỳ) , Hoàng Đức Nhã (cựu tổng trưởng Thông Tin) , Phan Công Tâm (cựu viên chức Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo), Hồ Văn Kỳ Thoại (cựu Phó Đô Đốc Hải Quân), Lữ Lan (cựu Trung Tướng), Trang Sĩ Tấn (cựu giám đốc Cảnh sát Sài gòn), Trần Văn Sơn (cựu Dân biểu đối lập, Đệ nhị Cộng Hòa), Phan Quang Tuệ (cựu luật sư Tối Cao Pháp Viện), Nguyễn Ngọc Bích (cựu giám đốc Việt Nam Thông Tấn Xã), Trần Quang Minh (cựu Thứ Trưởng bộ Canh Nông), Nguyễn Đức Cường (cựu Tổng Trưởng bộ Thương Mãi và Kỹ Nghệ).

(2) Để viết tài lịệu này tôi đã phỏng vấn quý ông, gồm:

Ông Nguyễn Văn Ngân – cố vấn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (Lakewood – California)

DB Trần Ngọc Châu (Woodland Hill, California)

Luật sư Trần Tử Huyền – trưởng nam luật sư Trần Văn Tuyên (San Francisco – California)

DB Lý Trường Trân (Garden Grove, California)

DB Phan Thiệp (San Jose, California)

DB Hồ Ngọc Nhuận (Saigon, Việt Nam)

DB Đinh Xuân Dũng (San Jose, California)

DB Nguyễn Hữu Thời (Lake  Forest – California)

DB Trần Văn Thung (Dallas, Texas).

DB Đoàn Mại (Anaheim, California)

DB Trần Cao Đễ (Westminster, California)

(3)  Thiếu Tá Không quân, người dội bom Dinh Độc Lập của Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong cuộc đảo chánh bất thành năm 1961

(4)  Việt Nam Quốc Dân Đảng

(5)  Theo nội quy, 25 dân biểu mới thành được một Khối

(6)  Do đó ông bà cụ thân sinh đặt tên ông là “Tuyên”

(7)  Nhóm ký Tuyên Ngôn Caravelle gồm18 nhân sĩ. Các ông: Trần Văn Văn, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Nguyễn Lưu Viên, Huỳnh Kim Hữu, Phan Huy Quát, Trần Văn Lý, Nguyễn Tiến Hỹ, Trần Văn Đỗ, Lê Ngọc Chấn, Lê Quang Luật, Lương Trọng Tường, Nguyễn Tăng Nguyên, Phạm Hữu Chương, Trần Văn Tuyên, Tạ Chương Phùng, Trần Lê Chất, Hồ Văn Vui .

(8) Lúc đó là một tư nhân (không còn làm Thống Đốc bang California). Sau này đắc cử tổng thống Hoa Kỳ (1980-1988).

(9) “Ending The Vietnam War” Henry Kissinger, Page 512

(10) (Biển Đông Dậy Sóng )

(11) Cái chết của luật sư Tuyên còn nhiều nghi vấn: đột trụy hay bị bỏ thuốc độc? Không có một giảo nghiệm y khoa nào để lại.

Vietnam War: Day by Day của John S. Bowman,  trang 102

 

 

21 Phản hồi cho “Hội luận tại đại học Cornell”

  1. Timsuthat says:

    Vâng, có thể bác CĐ16 cũng như bác Trúc Bạch và Hải Sơn nói cũng đúng. Tiểu huynh dùng “mơ ngủ” vì ông ta ngày xưa đã không hiểu CNCS và cái tai hại của nó (tiểu huynh tạm cho là thế dựa trên dữ kiện ngoài mặt), mà ngay đến nay, sau khi đã nhận thức được sai lầm về vấn đề DVM trong bài này (có thực tâm không?), vẫn chưa hiểu “dân chủ tự do” theo lý thuyết cũng như áp dụng thực tiễn (phải tùy hoàn cảnh – như theo quá trình các nước Đông Á cũng như Hoa Kỳ, Pháp, v.v.); vì nếu ông thực sự hiểu thì không thể nào ông ta lại tiếp tục biện luận như trong bài này, và đó là hiệu chứng của:

    1. một sự tự lừa dối tri thức mà những người có vấn đề về tâm thần gây chính cho họ (và do đó: “mộng du”)!

    2. hay một sự cố ý đánh lừa công luận để tự tô chuốt, chạy tội; trường hợp này thì ngoài việc vẽ đẹp cho mình, còn mục đích gì khác chăng – tiếp tục đánh lạc hướng, chia rẽ khối chống-CS, đóng vai “thành phần thứ ba” mới? (VNCH đã qua rồi, phải tạo một thế chia rẽ mới và dùng “nạn nhân” DVM để tạo uy tín lại cho mình?).

    Việc tự tô chuốt nếu không thuyết phục thì cũng vô ích. Nhưng khả năng trường hợp 2 cần cảnh giác. Vì có những bài ông TBN viết trước đây về lịch sử Mậu Thân và ĐCS, khả năng trường hợp 2 không có lý như trường hợp 1.

    Có điều chúng ta chắc chắn là ông TBN không có gì để tin cậy trong vấn đề “dân chủ tự do” cho VN vì ý thức của ông qua bài này!

  2. D.Nhật Lệ says:

    Tại sao cuộc hội thảo này lại được tổ chức ở Cornell,sào huyệt của bọn đòi hỏi hoà bình bất công có lợi cho CS.trong qúa khứ ? Một bọn chỉ biết chủ nghĩa CS.trên lý thuyết mà chẳng biết gì về chế độ CS.Giá mà chúng được làm công dân VNDCCH.thì có lẽ chúng đã câm mồm,đâu có ngu xuẩn một cách vô trách nhiệm đến nỗi cả nước VN.rơi vào xích xiềng CS.mà nước chúng thì KHÔNG,không đời nào !
    Sở dĩ thế,theo tôi,là vì chúng muốn có bằng chứng để chạy tội qua những người VN.vừa nạn nhân vừa chứng nhân,kể cả người trong cuộc.Sau hội thảo với những bằng chứng do những người tham dự cung cấp,chúng sẽ ra sách để viết tiếp…rằng thì là mà… chính người miền Nam VN làm chứng về một chế độ
    VNCH.độc tài,tham nhũng như thế thì đại học Cornell không có gì phải ân hận là đã ra Quốc Hội điều trần
    để đòi chấm dứt viện trợ 3 nưóc Đông Dương.Thầy trò Kahin-Porter sẽ được minh oan !
    Nhiều bác góp ý bằng những nhận định rất thuyết phục.Tôi đồng ý mới nhất của bác Trúc Bạch khi chỉ ra những luận điệu vớ vẩn của nhà bình…loạn Trần Bình Nam.Ý dồ của TBN.quá rõ chỉ nhằm biện hộ cho phe
    nhóm mình,chứ không chân thành nhận lỗi.Đây là nhược điểm chung của người VN.chăng ?
    Tưởng cũng nên nhắc lại là dân biểu Khánh Hoà có Nguyễn Công Hoan,tức Huỳnh Văn Thạnh,người tham
    dự vụ tự thiêu của TQĐức lúc còn tu hành.Sau 1975,Nguyễn Công Hoan cũng được VC.cho làm đại biểu
    quốc hội một thời gian rồi cũng vượt biên chung với TBN.Thế nhưng,TBN….tung hoả mù là không hề đi chung 2 người 1 chiếc tàu ? Ông ta định hướng dư luận thật là khéo léo.Đi chung một chiếc tàu không phải là đi chung 1 tàu chỉ gồm 2 người.Hai việc khác nhau xa lắc xa lơ,thưa ông TBN. !

  3. Trúc Bạch says:

    Trích Trần Bình Nam :

    “Lệnh bảo vệ Hoàng Sa bằng sức mạnh vũ trang do chính tổng thống Thiệu ban ra. Tổng thống Thiệu không tham khảo ý kiến của tòa đại sứ Hoa Kỳ khi ban lệnh này”

    - Rõ vớ vẩn và ngớ ngẩn ! Mỹ đã “hoàn tất nhiệm vụ lịch sử” đối với Miền Nam VN ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/01/1973 cơ mà – Có nghĩa là kể từ sau ngày 27/01/1973, thì Mỹ đã không còn dính dáng gì đến các vấn để (chiến sự) của VNCH nữa, vậy thì mắc mớ gì ông Thiệu lại phải “tham khảo ý kiến của tòa đại sứ Hoa Kỳ” khi ban lệnh “bảo vệ HS bằng sức mạnh quân sự” ?

    Lại trích :

    “Chính phủ Thiệu lúng túng vì các đơn vị Hải quân Hoa Kỳ thuộc hạm đội 7 ở gần đó đã không đáp ứng lời kêu cứu của Bộ Tư Lệnh HQVN xin vớt thủy thủ Việt Nam của chiến hạm HQ 10 bị đánh chìm đang trôi dạt trên biển. Hình như có một sự đồng ý giữa Hoa Kỳ và Trung quốc để Trung quốc chiếm Hoàng Sa.”

    - Từ đầu năm 1973, Bản Tu Chính mang tên Case-Church đã dược quốc hội Mỹ thông qua và được ban thành luật, Cấm tuyệt đối quân đội Mỹ không được có bất cứ một hoạt động nào liên can đến Việt Nam , Lào và Campuchia (nói chung là Đông dương); Vậy thì việc Hạm đội 7 của Mỹ từ chối vào vùng chiến sự là điều mà ông Thiệu chắc chắn phải biết và đã lường trước về sự từ chối này ….

    ….Và việc ông Thiệu đơn độc “ban lệnh bảo vệ HS bằng sức mạnh vũ trang….” (mà không tham khảo tòa đại sứ Mỹ)), đủ chứng tỏ rằng ông Thiệu đã nắm chắc rằng sẽ không còn có thể trông chờ gì vào Mỹ nữa ! Vậy ông Thiệu có “lúng túng” trước một sự việc mà mình đã biết chắc hay không ?

    Lại nữa, khi ông Trần B Nam viết câu :”Hình như có một sự đồng ý giữa Hoa Kỳ và Trung quốc để Trung quốc chiếm Hoàng Sa” thì chữ “hinh như” đã làm cho cả bài “tham luận” của ông thành….rác , vì một bài “tham luận” chỉ có giá trị khi nó được dựa vào những dữ kiện có “thật”, mắt thấy, tai nghe, có bằng, có chứng…chứ không thể dựa vào những dữ kiện “hình như” như bài tham luận này của ông Trần Binh Nam !

  4. Hải Sơn says:

    Ông TBN đã từng là SQ, là dân biểu mà có thể lơ mơ được ? ông giả vờ thôi , đọc bài này người ta nhận ngay ông vờ vịt đánh lận con đen,ông viết ra như để đánh hỏa mù vào những người trẻ chưa hiểu về chế độ VNCH, qua những câu : ” VNCH thực sự không có dân chủ “, hoặc ” VNCH không có kinh tế ” v.v…
    Khối DTXH của ông qui tụ các dân biểu đối lập CS như Ngô Công Đức, Hồ N. Nhuận v.v…, tướng DVM, các tu sĩ Phật giáo như TQ là tên CS nằm vùng, thì chính thức khối này chỉ hành động có lợi cho CS mà thôi. Qua những gì ông viết về hoạt động khối DTXH đã thể hiện đây là tác nhân chính gây ra cuộc thất bại của VNCH.
    – Ông viết sau 1972, TT. Thiệu củng cố địa vị : Đương nhiên, sao không hiểu là Ông Thiệu không thể bỏ dở dang công việc của mình, mà cứ nghỉ rằng ông vì quyển lợi ? Hơn nữa, trong thời điểm đó ai là người hơn ông Thiệu để thay thế ông ta ? Là ông Dương Văn Minh ? Nếu người thay thế là ông DVM thì, miền Nam đã GP từ năm 1972 ! Vì nhiệm vụ của ô. DVM là bằng mọi giá bàn giao miền Nam cho Cộng Bắc không tiếng súng ! Sao không nghỉ ô. DVM đã nhận mệnh lệnh từ CSBV ?
    – Về HS ông ghi : Ô. Thiệu không cống bố chính thức về việc bị TQ tấn công HS.Thêm 1 lời dối trá để ông bao che hành động Mỹ không tiếp cứu, và CSBV im lăng ! Ngày đó tôi còn rất nhỏ nhưng cũng không quên vụ HS, ngay khi TQ tấn công là báo chí khắp miền Nam đều viết rất nhiều, kịp cho dân biết tình hình.đài phát thanh, truyền hình đều thông báo hẩn cấp.Thậm chí các bô lão miền Nam rần rần đòi Hội Nghị Diên Hồng ! Trong 1 báo có đăng, 1 bô lão 72t khóc rồng và đòi ra trận !
    Kết luận của bài làm người đọc sửng sờ và biết ngay mục đích của ông khi viết bài này là gì ! Như 1 bạn nào đó viết : Ô. rất sợ cuộc CM Hoa Lài cho VN ! Đây là 1 bài viết dùng để ngăn chặn CM Hoa Lài ?

  5. CĐ16 says:

    Như phản-hồi trước của tôi có nói, tác-giả viết dài và có nhiều sơ-hở. Tác-giả không mơ ngủ đâu, mà cố tình lấp-liếm, biện-minh và tự tô-chuốt, nghĩa là có chủ-ý. Cám ơn Tinsuthat đã phân-tích với lý-luận vững-chắc đánh vào những sơ-hở đó. Mạnh cũng đã trả lời cách hợp-lý cho Hải Ngoại. Đối với HN, tôi không hiểu ông này đứng ở vị-trí nào để có thể nói ‘ Nói rằng chế-độ VNCH…tốt-đẹp để nhớ ơn, cảm-phục, thì chắc hẳn là không ‘. Nếu là cái nhìn của riêng ông thì tôi không có ý-kiến, nhưng nếu ông tiếp-tục viết ‘ chưa được sự tin-tưởng và ủnh-hộ nhiệt-tình của quần-chúng ‘ thì tôi phản-đối. Ông lấy tư-cách gì, chứng-cớ gì mà đưa ra một quan-điểm chung như thế. Không biết căn-cứ vào đâu mà ông lại viết ‘ tự khoe lẫn nhau…xấu che tốt khoe…tự hào, tự mãn…hát tuồng ‘. Tự hào thì tôi tin tuyệt-đại-đa-số quân, dân, cán, chính VNCH cũ vẫn có niềm tự-hào : họ sống trong nền Cộng-hòa còn rất non trẻ, nhưng đã bước những bước – dù chập-chững – dân-chủ, tự-do ; họ chiến-đấu để bảo-vệ đất nước, cho sự toàn-vẹn lãnh-thổ, không bán đất, không nhượng biển, v.v…Hai mươi năm của hai nền Cộng-Hòa của VNCH cũng đã viết nên lịch-sử chống CS, chống chủ-nghĩa ngoại-lai. Lịch-sử VN sẽ viết lại sau này cách khách-quan, chứ không phải một chiều trong những sách vở bày bán tại VN hiện nay, được dạy trong trường-học tại VN hiện nay. Lịch-sử sẽ được viết lại cách công-bằng. Ông HN hoặc quá bi-quan, hoặc cố-tình bôi-bác mà nói cách chung chung rằng người Việt HN tự-mãn, hát tuồng. Ông HN không cần rào trước đón sau sợ rằng người khác hiểu lầm mà cho ông là CAM, v.v…Cây ngay không sợ chết đứng, với tấm lòng thẳng-thắn, vì yêu tổ-quốc, đồng-bào – nhất là tình hình điêu-đứng hiện nay tại VN – thì không quản ngại điều gì, chỉ e tự bào-chữa quanh-co như cách viết của ông, thì rõ-ràng là có lợi cho CSVN – hay chính ông cũng là đồng bọn với chúng và nằm vùng đánh phá cũng nên.

  6. Việt Anh says:

    Bác D.Nhật Lệ. Có vào Văn Tuyển 1 mục lịch sử mà không tìm được bài bác đã dịch

    • D.Nhật Lệ says:

      Xin lỗi bác Việt Anh về sự nhớ lầm của tôi.
      Đúng là mục Tài liệu (thay vì Lịch sử) thấy số (2) thì bác
      đi xuống khoảng 6,7 hàng là thấy ngay bài đó như sau :
      Chiến tranh Việt Nam.Tác giả Stephen J.Morris.
      Cám ơn bác.

  7. Timsuthat says:

    Trích: “Khối đối lập DTXH đã làm được gì trong việc xây dựng dân chủ cho Việt Nam?”

    Lạ thật, ông TBN vẫn như người mơ ngủ! Cái chân thật cho ước mơ dân chủ tự do của ông cho VN – nếu có – thì đúng là của một người mộng du hay một kẻ mang bệnh ảo tưởng.

    Hoặc nhìn theo một cách khác, thì một người VNCH chân chính có thể nói rằng ông vẫn đang đóng vai “thành phần thứ ba”, trung thành với ĐCSVN, vờ vịt nói chuyện dân chủ tự do với những ngụy biện nhằm đánh lạc hướng khối chống-CS, tiếp tục bôi nhọ chính thể VNCH xưa nhằm giảm uy tín của khối này và làm yếu đi ước vọng dân chủ của những người trong VN (vì cái nguy hiểm của thể chế này!).

    Tôi thường sẵn có cái nhìn tích cực, nên cho là trường hợp thứ nhất có lẽ là đúng nhất. Ông cũng như Nguyễn Gia Kiểng, vẫn như kẻ mộng du – bị kẻ khác dẫn đường đi theo họ mà vẫn không biết.

    Để trả lời cho câu của ông tự đặt ra: DTXH và ông đã góp phần gây khó khăn cho chính quyền VNCH, giúp phong trào chống đối (do VC nằm vùng tức là MTGPMN điều khiển) tạo điều kiện cho miền Nam ngày một yếu đi trong chính trị và hệ thống an ninh. Ông đã đóng vai nhóm đối lập đúng nghĩa của nó trong một thể chế dân chủ – nhưng thay vì là một đối lập để tìm giải quyết tốt cho việc chống CS, thì đã đối lập để đầu hàng CS (cái gọi là “giải pháp hòa bình”).

    Ông đã là “giặc trong” rất tốt. Rõ ràng rồi nhé!

    - Nếu VNCH đã không có dân chủ thực sự thì làm sao đã có những đảng phái, nhóm như DTXH? Thật rõ là ông mâu thuẫn với chính ông khi ông còn chỉ trích “VNCH dân chủ chỉ trên giấy tờ, chỉ là hình thức”. Ông vẫn ca bè với CSVN!

    - Những người như TBN mà giờ này vẫn u muội khi còn kể công là đòi các điều kiện này nọ với chính quyền VNCH để đoàn kết các đảng phái, tổ chức để chống CS! Xin lạy các bố: CS đang tấn công bằng súng đạn vào ngay trong lòng đất mình, mà các bố này thì làm điều kiện với chính quyền để có hợp tác! Các bố này vẫn chưa thấy cái sai của mình nếu không nói là đã bị VC cho ăn bùa đánh lạc hướng! Ngay cả Mỹ ngày nay, những tự do cũng đang bị giới hạn từ khi có những vụ khủng bố trên đất Mỹ. Ông hãy thử đến phi trường mặc áo với hình Bin Laden xem!

    - Trích: “Việt Nam không có kinh tế độc lập, ngay cả nguồn lúa gạo vốn là sản phẩm dồi dào của Việt Nam cũng không dùng được. Quân trang, quân cụ, lương bổng cho gần 1 triệu quân nhân đều được cung cấp và chi trả bằng ngoại viện.” Mọi dữ kiện đều chứng minh ông xuyên tạc và không hiểu gì về kinh tế! Lúa gạo miền Nam sản xuất tăng cao từ ngay thời ông Diệm, và chỉ bị giới hạn do hoàn cảnh chiến tranh miền Bắc gây ra; ông hoàn toàn dối trá về điểm này.

    Về viện trợ của Mỹ, đương nhiên phải là sản phẩm vũ khí quân trang của Mỹ, và ngoại tệ (USD) để tự phát triển kinh tế miền Nam; ông viết như là lính được trả USD – hoàn toàn sai sự thật!

    Và thế nào là “kinh tế độc lập”? Với hoàn cảnh chiến tranh, kinh tế miền Nam lệ thuộc nhiều vào viện trợ của khối tự do, nhưng đó cũng không khác gì miền Bắc lệ thuộc vào TQ và Liên Xô; vì miền Nam vẫn trong kinh tế thị trường, kinh tế VNCH độc lập trong khả năng của người miền Nam, nó yếu hay mạnh là tùy chính họ.

    - Những luận điệu về so sánh với Nam Hàn là hoàn toàn “tréo cẳng ngỗng” và sai sự thật! Nam Hàn không có lãnh đạo nào tài giỏi hơn VN! Họ cũng phải trải qua đảo chánh, chống đối, độc tài, tham nhũng, v.v.. trong gần 3 thập niên đầu của nền dân chủ.

    Nam Hàn tồn tại và phát triển được vì chính họ được Mỹ giải phóng khỏi cai trị của Nhật, và sau chiến tranh với Bắc Hàn năm 53, họ đã được yên ổn xây dựng nền dân chủ và kinh tế của họ trong sự bảo bọc của quân đội Mỹ ngăn chận Bắc Hàn tái xâm lăng.

    Phần đông dân chúng Nam Hàn không mang mặc cảm với sự hiện diện của quân đội Mỹ (mà còn cám ơn họ), thay vì như VN – đầy mặc cảm với dân da trắng – nên bị CSVN (vì đã thắng Pháp trong ĐBP) khích động, xúi giục chống Mỹ dưới lá bài “dân tộc”, “độc lập” – chẳng hiểu mô tê gì về cái nguy hiểm của chủ nghĩa CS! Nếu Nam Hàn cũng bị chiến tranh du kích như VN thì họ cũng bị cùng số phận mà thôi. May cho họ vì quanh Nam Hàn là biển!

    Về kinh tế, vì không còn chiến tranh, mức viện trợ ngày càng giảm đi. Họ không có lãnh đạo nào tài giỏi hơn VN, chỉ vì họ may hơn về địa lý và nền dân chủ của họ đã cho phép họ thẳng tay với nhóm CS háo chiến nhờ những yếu tố lịch sử và tâm lý.

    – Đến thời nay với thông tin rộng mở, tràn ngập trên internet mà ông TBN vẫn chưa tỉnh ngủ! Phải chăng vì nếu thức tỉnh, ông sẽ thấy chính ông ta là người đã góp phần lớn vào thảm trạng VN ngày nay?

Leave a Reply to Trúc Bạch