WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Ai nguy hiểm hơn ai?

Vịnh Cam Ranh, một cảng nước sâu giữ vị trí chiến lược về quân sự trở thành nơi nuôi cá của người TQ

Mấy tuần vừa rồi, báo chí trong nước làm ồn ào khá nhiều về việc một số người Trung Quốc nuôi cá bè lậu ở cảng Cam Ranh. Sự kiện này có ba ý nghĩa đáng chú ý: một, về phương diện xã hội, phần lớn những người Trung Quốc này đều di trú không đúng quy định của luật pháp; hai, về kinh tế, công việc của họ hoàn toàn là lậu, nghĩa là không có giấy phép, quy trình sản xuất và sản phẩm của họ làm ra không được kiểm tra; và ba, nghiêm trọng nhất, về phương diện quốc phòng, sự hiện diện của họ ở một địa điểm “nhạy cảm”, sát sạt quân cảng Cam Ranh – có thể quan sát toàn bộ các hoạt động ở quân cảng được xem là nổi tiếng nhất của Việt Nam, có thể dẫn đến những hậu quả không thể lường hết được.

Khi ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó bí thư tỉnh Khánh Hòa cho việc để những người Trung Quốc ấy nuôi cá lậu ở Cam Ranh tuy là một “sơ suất và là điều rất đáng lo ngại” nhưng hậu quả của nó “chưa nghiêm trọng”, có lẽ ông chỉ chú ý đến khía cạnh xã hội và kinh tế. Còn về phương diện an ninh quốc phòng, làm sao biết được trong nhiều năm qua, những người Trung Quốc này có làm gì không, có thu thập được những tài liệu gì quan trọng hay không, có móc nối được ai ở địa phương, hoặc thậm chí, có xây dựng được một cơ sở hoạt động bí mật nào ở ngay cạnh quân cảng Cam Ranh hay không thì làm sao khẳng định được?

Tuy nhiên, điều khiến người ta quan ngại nhất là ở điểm này: Tại sao những người Trung Quốc đến làm lậu ở Cam Ranh lâu đến vậy mà chính quyền Việt Nam không phát hiện được? Mà họ đâu phải ít. Tin tức sơ bộ cho biết ở tỉnh Khánh Hòa có ít nhất 23 người nuôi trồng hải sản lậu như thế.

Hơn nữa, các bè cá của họ rất đồ sộ, lớn hơn hẳn các bè cá của người Việt trong vùng. Nói không ai thấy là vô lý. Đó là chưa kể, báo chí còn cho biết, ngay từ năm 2009, lực lượng biên phòng của tỉnh Khánh Hòa đã báo cáo về việc này. Và cũng trong năm 2009, Phòng kinh tế Cam Ranh đã “xử phạt hành chính” những người Trung Quốc hoạt động trái phép. Vậy mà họ vẫn tiếp tục. Vẫn ngang nhiên tiếp tục.

Vẫn có thể dễ dàng quan sát và theo dõi toàn cảnh quân cảng? Chỉ đến gần đây, khi dân chúng tố cáo và một số cơ quan truyền thông loan tin và bàn tán ồn ào, chính quyền mới bắt đầu “chỉ đạo” các cơ quan chức năng “rà soát” lại tình hình làm lậu của người Trung Quốc trên địa bàn “nhạy cảm” này.

Tại sao?

Cách giải thích đơn giản và không chừng chính xác là cán bộ trong các “cơ quan chức năng” ở địa phương, từ phòng Kinh tế đến công an, đều bị mua chuộc. Nhận tiền từ những người Trung Quốc làm ăn trái phép này, tất cả mọi người đều ngoảnh mặt làm ngơ cho họ muốn ở đâu thì ở, muốn làm gì thì làm. Mặc kệ. Điều đó cũng chả có gì lạ. Ai mà chẳng biết nạn tham nhũng ở Việt Nam phổ biến và trầm trọng đến độ nào. Thế nhưng người ta vẫn băn khoăn: Tại sao đối với những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia mà chỉ vì tiền, chính quyền lại bất cẩn và mất cảnh giác đến như vậy?

Mà không phải chỉ ở Cam Ranh hay tỉnh Khánh Hòa mà thôi. Từ mấy năm nay, báo chí trong nước cũng từng lên tiếng về vấn đề người Trung Quốc làm lậu tràn lan ở Việt Nam. Tỉnh nào cũng có. Ở một nhà máy đạm tận U Minh thuộc Cà Mau cũng có hơn 1000 người Trung Quốc làm việc.

Ở nhà máy đạm ở Ninh Bình cũng có hơn hai ngàn người Trung Quốc, trong đó hai phần ba là không có giấy tờ gì cả. Ở các nhà máy thủy điện ở Quảng Nam cũng đầy người Trung Quốc. Rồi trên Cao nguyên. Rồi ở vùng biên giới Hoa Việt. Ở đâu cũng có người Tàu.

Điều đáng nói là không ai nắm được con số những người Tàu này là bao nhiêu cả. Chỉ biết mỗi tháng có khoảng từ 60.000 đến 90.000 người Tàu sang Việt Nam du lịch. Còn số người nhập cư trái phép qua đường bộ thì không ai biết. Ngay cả với những người đi du lịch rồi ở lại và làm việc lậu, chính quyền cũng mù tịt.

Đáng nói hơn nữa là những người Trung Quốc này làm gì ở Việt Nam? Nếu họ chỉ làm lậu không thì về phương diện kinh tế và xã hội, hậu quả đã rất đáng lo ngại. Còn nếu họ làm thêm việc gì khác nữa thì hậu quả thật không thể lường hết được. Nhất là khi tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc không còn kìm giữ được nữa. Trong trường hợp ấy, rõ ràng là Trung Quốc đã có sẵn một lực lượng nằm vùng khổng lồ. Có khi không cần đánh, họ cũng thắng.

Bất cứ người nào có chút lương tri cũng đều biết điều đó. Nhưng tại sao chính quyền Việt Nam có vẻ như không biết? Tại sao họ vẫn dửng dưng? Nó vượt ra ngoài khả năng quản lý của họ ư? Họ thiếu nhân sự ư?

Nhất định là không phải.

Trong đợt trí thức và quần chúng Hà Nội xuống đường biểu tình chống Trung Quốc vào giữa năm 2011, để theo dõi nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên – một đảng viên của họ, họ có thừa thãi nhân lực đến độ cử cả sáu tên lính túc trực dưới cửa nhà ông cơ mà!

Còn đối với tiến sĩ Nguyễn Quang A, cũng trong đợt biểu tình chống Trung Quốc ấy, có lúc có đến 3 công an và 3 người thuộc tổ dân phố đến chận đường.

Tất cả những người có chút tên tuổi từng tham gia biểu tình đều được ba, bốn công an cặp kè như vậy. Thời ấy, người ta gọi đó là hiện tượng “người mọc đuôi”.

Tại sao với các trí thức được họ đào tạo, có người là đảng viên của họ, họ lại sợ đến như vậy mà với người Trung Quốc thì không?
Tại sao?

Thực tình, tôi không hiểu.

Không thể hiểu.

1 Phản hồi cho “Ai nguy hiểm hơn ai?”

  1. Trần Hữu Cách says:

    Ðây là một sự kiện nữa cho thấy giá trị của dư luận quần chúng và việc trao đổi ý kiến công khai trên báo chí.

    Năm 2009, lực lượng biên phòng đã báo cáo cho chính quyền về chuyện này nhưng chính quyền không giải quyết tới nơi tới chốn. Có thể có nhiều lý do, nhưng lý do chính là môi trường thông tin một chiều trong guồng máy đó không cho phép sự tham gia của dư luận.

    Các quan chức có thể không đủ trình độ để đánh giá một mối nguy cho an ninh quốc gia vào năm 2009. Nhưng lần này họ lại có đủ thông minh cảm xúc (EQ, hay thông minh xã hội) để nhận ra mối nguy cao tới mức nào dựa trên phản ứng của báo chí và dư luận.

    Do đó, xã hội được hưởng lợi từ một nền báo chí tương đối hoạt động, nơi mà qua đó, cân lượng của những ý kiến phản biện có thể được cảm nhận rõ ràng hơn bởi mức độ vang dội trong dư luận.

    Ðây là một bài học cho chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, một chính phủ từng khăng khăng đòi các trí thức phải phản biện trong một luồng duy nhất là viết “mật thư” cho nhà nước, mà chối bỏ hiệu ứng khuếch âm của dư luận và sự trao đổi công khai trên báo chí trước những vấn đề quan trọng của đất nước.

    Việc viện IDS tự giải thể là một cảnh tỉnh, nhưng rõ ràng là chưa đủ. Ðây là một sự kiện nữa có tính cảnh tỉnh về cùng một vấn đề.

Phản hồi