WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Chọn đường

Là một trong những người được mời tham gia đồng sáng lập Phong trào Con đường Việt Nam, trước hết tôi xin cảm ơn sự tin cậy của nhóm khởi xướng. Tôi tin rằng những nỗ lực riêng của các cá nhân đã góp phần vào sự trưởng thành và tiến bộ của xã hội Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, song những chuyển biến nền tảng, đặc biệt là chuyển biến về mô hình chính trị, để giải quyết những vấn nạn lớn của xã hội này cần sự hình thành và phát triển của những tổ chức, đảng phái và phong trào vận động xã hội. Tôi luôn vui mừng trước những tín hiệu về sự xuất hiện của những phong trào như thế và đương nhiên cũng đầy lo âu vì hiểu rõ rằng đối tượng được ưu tiên đàn áp trong một nhà nước toàn trị không phải là các anh hùng cá nhân, mà là những mầm mống của tổ chức. Vì vậy, tôi dành rất nhiều thiện cảm cho sự kiện Phong trào Con đường Việt Nam ra đời và đánh giá cao tính công khai của nó, phẩm chất cần thiết cho một phong trào chính danh và theo tôi là phù hợp với đặc điểm của thời đại chúng ta đang sống. Tôi cũng ngưỡng mộ sự sắc sảo và phong cách ôn hòa trong những bài viết của ông Lê Công Định, người được công luận biết đến nhiều nhất trong nhóm khởi xướng, và kính trọng sự dấn thân của cả ba thành viên nhóm khởi xướng, những người đã đánh đổi vị trí xã hội thành đạt của mình lấy tổng cộng gần 25 năm tù chưa kể thời gian quản chế, trong khi tuyệt đại đa số chúng ta, kể cả những người đang sống ở các xứ tự do như tôi, không sẵn sàng trả một cái giá thấp hơn thế rất nhiều nhưng có thừa lí do chính đáng để biện minh.

Với tất cả cảm tình và sự trân trọng, tôi xin phép nêu ra đây những băn khoăn của mình về phong trào Con đường Việt Nam và mong rằng sự thẳng thắn này được ghi nhận như dấu hiệu đáp lại sự tin cậy nói trên.

1. Cương lĩnh và mục tiêu

Cương lĩnh hành động của Phong trào dựa trên tác phẩm Con đường Việt Nam[1] do ông Trần Huỳnh Duy Thức và Nhóm Nghiên cứu Chấn chủ trương. Nhưng tác phẩm này mới hoàn thành phần I, tức phần giới thiệu mục đích và bố cục dự định của cuốn sách. Có thể loại trừ khả năng là hai trong số các tác giả chính, ông Trần Huỳnh Duy Thức và ông Lê Công Định, đã hoàn thiện công trình này trong nhà tù Việt Nam. Như thế, có thể coi là phong trào dựa trên một cương lĩnh hành động còn bỏ dở không?

Trong khi đó lại có một tác phẩm khác, không cùng nội dung, bố cục cũng khác hẳn và giọng văn hoàn toàn khác, nhưng cũng mang tên Con đường Việt Nam do ông Nguyễn Sĩ Bình, Trưởng Ban Thường vụ Đảng Dân chủ Việt Nam, chủ biên và ra mắt năm 2010[2]. Quan hệ giữa hai Con đường Việt Nam khác nhau này nên được làm sáng tỏ, nhất là khi ông Nguyễn Sĩ Bình – đáng ngạc nhiên là không đứng trong danh sách nói trên, sau đây xin gọi là Danh sách Lê Thăng Long – đóng vai trò then chốt trong vụ án, sau đây xin gọi chung là Vụ án Lê Công Định, đã đưa nhóm khởi xướng Phong trào vào tù và tình tiết cuộc họp mặt giữa ông Nguyễn Sĩ Bình với các ông Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức tại Phuket tháng 3/2009 để thảo luận về việc viết chung một cuốn sách mang tên Con đường Việt Nam được đánh giá như một bằng chứng phạm tội nghiêm trọng.[3]

Những tài liệu mới công bố trên website của Phong trào, theo lời thân phụ của ông Trần Huỳnh Duy Thức được gia đình tìm thấy hơn một năm về trước, theo tôi là một tập hợp tương đối lỏng lẻo của những lời tuyên bố, kêu gọi, giải thích và phác thảo nghiên cứu với những thông điệp rất tốt đẹp nhưng rất chung chung như bảo vệ quyền con người, chấn hưng dân tộc, vì hòa bình thế giới… Tôi chưa tìm thấy ở đây những kiến giải mang tính đột phá, có thể khắc họa diện mạo riêng của Phong trào. Điểm riêng duy nhất của Phong trào, theo cảm nhận của tôi là sự nhấn mạnh yếu tố dân tộc, song cách khai thác yếu tố này lại khiến tôi ít nhiều dị ứng hơn là chia sẻ. Tôi không tin rằng những Tuyên ngôn Lạc Hồng, minh triết Lạc Hồng, cương lĩnh Lạc Hồng, sấm Lạc Hồng, hồn thiêng sông núi Lạc Hồng… có thể là bí quyết cho sự thành công của con đường Việt Nam.

2. Vấn đề đảng phái

Tuy xác định Phong trào “không phải là một đảng chính trị hoạt động nhằm tìm kiếm nhiệm kì cầm quyền tại Việt Nam“, nhưng lí lịch chính trị của chính các thành viên nhóm khởi xướng rất nên được minh bạch, nhất là khi thông tin về sự tham gia đảng phái cũng như dự định cầm quyền của họ[4] cho đến nay khá nhiễu loạn, không giúp những người muốn tham gia có thể định hướng và khó gây được niềm tin.

Theo các lời nhận tội do truyền thông nhà nước công bố, ông Lê Công Định và ông Trần Huỳnh Duy Thức đã kết hợp với ông Nguyễn Sĩ Bình để chuẩn bị cho sự ra đời của hai đảng chính trị là Đảng Lao động và Đảng Xã hội. Đồng thời, ông Nguyễn Sĩ Bình chính thức xác nhận ông Lê Công Định là Tổng thư kí, ông Trần Huỳnh Duy Thức và ông Lê Thăng Long là những chí hữu và cộng sự của Đảng Dân chủ[5]. Bản thân ông Nguyễn Sĩ Bình lại từng là Chủ tịch Đảng Nhân dân Hành động trước khi chuyển sang lãnh đạo Đảng Dân chủ[6].

Như vậy, có đến bốn đảng chính trị xuất hiện trên sân khấu hoạt động của vỏn vẹn ba người khởi xướng Phong trào, chưa kể Nhóm Chấn của chính họ, một vai phụ thuộc Đảng Việt Tân[7] và một vai còn ẩn trong hậu trường. Vai bí ẩn này chính là đầu mối cho sự lo ngại của những người đã có kinh nghiệm về điều gì có thể xảy ra trong cái hộp đen quyền lực của Đảng Cộng sản. Theo dư luận, vai diễn đó thuộc về những thành phần đổi mầu theo khí hậu chính trị trong chính nội bộ Đảng Cộng sản. Một phong trào như Con đường Việt Nam chỉ có thể ra đời với bàn tay đạo diễn của những thành phần đó. Trong trường hợp Đảng sụp đổ, nó sẽ là bể chứa cho những bộ phận cấp tiến trong Đảng, để nhanh chóng tập hợp lực lượng mới, tránh cho đất nước khỏi rơi vào khoảng chân không quyền lực. Trong trường hợp Đảng tiếp tục cầm quyền, nó sẽ là bể lọc để thanh trừng chính những bộ phận đang âm thầm thúc đẩy cải cách nói trên. Cũng theo dư luận, kế hoạch hai mặt này hình thành trong bối cảnh hậu cộng sản đầu những năm 90, sau khi khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, và tác nhân của nó khi đó lại chính là Đảng Nhân dân Hành động của ông Nguyễn Sĩ Bình.[8] Trường hợp 1 chưa bao giờ xảy ra. Trường hợp 2 được đánh giá là đã xảy ra, với Vụ án Nguyễn Sĩ Bình năm 1992 và Vụ án Lê Công Định năm 2009. Trong bối cảnh đó, thái độ hoài nghi và cảnh giác cao độ của rất nhiều người quan tâm đến thế sự đối với sự ra đời của Phong trào Con đường Việt Nam là tất yếu, nhất là khi những thông tin không thể kiểm chứng về những biến động trong hậu trường của chính quyền Việt Nam xuất hiện gần như cùng một lúc với lời phát động Phong trào những ngày vừa qua.

3. Tọa độ chính trị

Ngay cả trong trường hợp có chung một mục đích lâu dài thì các tọa độ chính trị ở quá xa nhau cũng không thể đạt tới một đồng thuận trong những chương trình hành động cụ thể. Thiếu cơ sở để đồng thuận, đoàn kết sẽ không chỉ là một thứ cao dán bách bệnh vô nghĩa mà còn là chỗ bám víu lừa mị và tự lừa mị khi lập luận lâm vào ngõ cụt.

Trong nhiều kiến nghị và thư riêng gửi cho các ông Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng và Nông Đức Mạnh từ năm 2004 đến năm 2007, và đặc biệt trong thư riêng gửi cho ông Nguyễn Minh Triết trước khi bị bắt, ông Trần Huỳnh Duy Thức cho biết:
“Tinh thần cốt lõi của Con đường Việt Nam là nhìn nhận một cách khách quan và khoa học những yếu kém cốt tử cũng như những thế mạnh tiềm năng của đất nước để phân tích và đưa ra những giải pháp dựa trên những qui luật khách quan nhằm đạt được những mục tiêu theo nhân sinh quan xã hội chủ nghĩa. Các giải pháp này sẽ đưa ra những chiến lược cho đất nước nhằm không những để tránh được sự sụp đổ nặng nềdo cuộc khủng hoảng trầm trọng mà còn nhanh chóng vượt lên thành một nước XHCN dân chủ, thịnh vượng. Đồng thời nó cũng sẽ kiến nghịnhững thay đổi trong phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và mô hình quản lý của nhà nước CHXHCN Việt Nam về kinh tế,chính trị, xã hội để hỗ trợ cho việc thực hiện các chiến lược trên. Những thay đổi này hoàn toàn trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, theo tinh thần pháp chế xã hội chủ nghĩa, và thuận theo qui luật khách quan nên sẽ hợp lòng dân.”

Tinh thần này cũng được trình bày trong phần giới thiệu tác phẩmCon đường Việt Nam chưa hoàn thành của ông Trần Huỳnh Duy Thức và Nhóm Chấn và một lần nữa được khẳng định trong đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của ông gửi Tòa án Nhân dân Tối cao ngày 01.2.2010. Tại đây, ông Trần Huỳnh Duy Thức lí giải việc ông muốn kiến nghị và cảnh báo với Đảng về nguy cơ từ những kẻ cơ hội, vì ông “ý thức rất rõ ràng và chắc chắn rằng nếu Đảng Cộng sản Việt Nam bị suy vong thì đất nước Việt Nam sẽ bị thôn tính biến thành nô lệ”, đồng thời ông chỉ muốn “kiến nghị với Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam cho phép những người không phải đảng viên  được tham gia điều hành đất nước”, chứ “tuyệt đối không hề bàn, cũng không hề đề cập gì đến việc thay đổi hiến pháp hay điều 4 hiến pháp gì cả.”

Một cách ngắn gọn, nếu Phong trào Con đường Việt Nam do ông Lê Thăng Long thay mặt cả nhóm khởi xướng phát động dựa trên cương lĩnh và tinh thần đó thì tọa độ chính trị của nó chẳng những không đối lập mà còn rất gần gũi với Đảng Cộng sản, đương nhiên đó là một “Đảng Cộng sản của những người chân chính cấp tiến, lực lượng duy nhất có thể tập hợp sức mạnh của nhân dân”, như ông diễn đạt trong đơn kháng cáo. Lực lượng đảng viên cộng sản chân chính cấp tiến đó được ông Trần Huỳnh Duy Thức gọi là “lực lượng thứ ba”. Con đường Việt Nam mà ông để xuất cũng có thể được coi là “con đường thứ ba”, một chủ nghĩa xã hội cải cách dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản sáng suốt và cởi mở[9], cho phép cả những người ngoài Đảng như các thành viên Nhóm Chấn tham gia điều hành đất nước.

Giải pháp chính trị đó cho Việt Nam của Phong trào không có gì là bất ngờ. Bất ngờ là sự trừng phạt của Đảng Cộng sản dành cho nhiều thiện chí và niềm tin gửi vào mình như vậy, và qua đó nó gieo thêm một hạt hoài nghi nữa vào mảnh đất tiếc thay đã đầy những nghi kị, tố giác, sợ hãi và thậm chí cả những lời sỉ nhục, nơi mà Phong trào chọn làm chỗ sinh trưởng.

Số đông trong Danh sách Lê Thăng Long, theo cảm nhận của tôi, có thể chia sẻ giải pháp chính trị này ở những mức độ khác nhau. Cá nhân tôi coi “con đường thứ ba” này là ảo tưởng.

4. Thuế tư cách

Lời nhận tội và xin khoan hồng của ba người trong nhóm khởi xướng vẫn bám theo Phong trào Con đường Việt Nam như một bóng đen xấu xí[10]. Trước họ và sau họ, chắc chắn còn có nhiều lời nhận tội khác, trong những hoàn cảnh khác. Sống tại Việt Nam, ai có thể khẳng định mình chưa bao giờ phải cắt một phần tư cách của mình nộp cho chính quyền? Có người mới tự thiến một mảnh nhỏ. Có người đã xẻo đến phân cuối cùng và không còn một tư cách nào nữa. Song những người đã ấp ủ và quyết tâm khởi xướng một phong trào chính trị để thay đổi chính xã hội ấy, những người muốn hay không sẽ đóng vai những biểu tượng, có nên đóng thuế tư cách, như các ông Lê Công Định, Lê Thăng Long, và phần nào ông Trần Huỳnh Duy Thức đã làm hay không?

Tiết lộ của ông Lê Thăng Long về kế hoạch nhận tội để ông sớm được ra tù và tiếp tục gây dựng phong trào, để ông Lê Công Định cũng sớm được ra tù và ra nước ngoài hoạt động, trong khi ông Trần Huỳnh Duy Thức “tiếp tục kiên định để khẳng định sự đúng đắn và chính nghĩa của việc làm của mọi người” quả nhiên đã khiến tôi xem lại những đoạn băng ghi cảnh họ đọc lời nhận tội với một con mắt khác, song kế hoạch đóng thuế tư cách ấy vẫn là một con dao hai lưỡi. Bởi lẽ, điều mà nhà nước toàn trị này muốn đạt được, bằng tất cả mọi phương tiện, là sự cúi đầu tuân phục của chúng ta. Nhóm khởi xướng sẽ có lời khuyên nào cho những người tham gia sáng lập Phong trào trong trường hợp họ bị bắt: Cúi đầu nhận tội, hay ngẩng cao đầu kiêu hãnh?

Tôi xin dẫn một câu nói của Albert Einstein để kết thúc: Các chế độ độc tài sinh ra và được dung dưỡng, bởi chúng ta đã đánh mất cảm giác về tư cách và về quyền có một nhân cách.

Vì những băn khoăn này, tôi xin phép chưa quyết định việc tham gia Phong trào Con đường Việt Nam.

Phạm Thị Hoài
Nguồn: Procontra.asia

—————————————————–

Xem thêm:

Con đường Việt Nam, phần I, của Trần Huỳnh Duy Thức

Con đường Việt Nam của Nguyễn Sĩ Bình, 2010

Đơn kháng cáo bản án sơ thẩm gửi Tòa án Nhân dân Tối cao ngày 01.2.2010 của Trần Huỳnh Duy Thức

Thư gửi Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Minh Triết của Trần Huỳnh Duy Thức ngày 07.1.2004

Thư gửi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ngày 14.4.2007 của Trần Huỳnh Duy Thức

Thư gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 14.4.2007 của Trần Huỳnh Duy Thức

Thư gửi Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Minh Triết ngày 21.6.2006của Trần Huỳnh Duy Thức

Thư gửi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (không đề ngày tháng và bỏ dở) trước khi bị bắt của Trần Huỳnh Duy Thức

[1] Những tài liệu của Trần Huỳnh Duy Thức dẫn trong bài đều theo nguồn từ website chính thức mang tên Trần Huỳnh Duy Thức do thân phụ ông lập ra và điều hành.

[2] Đó là chưa kể một tác phẩm Con đường Việt Nam thứ ba, cũng chưa hoàn thành, công bố trên blog Chấn Lạc Hồng.

[3] Trong đơn kháng cáo bản án sơ thẩm gửi Tòa án Nhân dân Tối cao ngày 01.02.2010, ông Trần Huỳnh Duy Thức cho biết là sau khi thống nhất về nội dung cuốn Con đường Việt Nam, ông Nguyễn Sĩ Bình không vui vì không được đứng tên chung trong cuốn sách.

[4] Theo các lời nhận tội đã biết, Nhóm Chấn thừa nhận đã có sự phân chia những vị trí bộ trưởng chủ chốt trong chính quyền mới, chẳng hạn ông Trần Huỳnh Duy Thức sẽ giữ chức Bộ trưởng Kinh tế.

[5] Trong đơn kháng cáo đã đề cập, ông Trần Huỳnh Duy Thức khẳng định mình không tham gia một đảng nào và “không quan tâm đến hoạt động của các đảng phái chính trị“, nhưng nhận việc lập hai blog của Đảng Lao động và Đảng Xã hội giúp ông Nguyễn Sĩ Bình chỉ vì ông “khá quen thuộc” với việc làm blog. Ông cũng cho biết đã nói thẳng với ông Nguyễn Sĩ Bình là “những gì mà Đảng Dân chủ đang muốn hướng đến không phải là động lực của người dân trong nước hiện nay”.

[6] Trong các nhân sự liên quan, ông Nguyễn Sĩ Bình tiếp tục là một ẩn số và Đảng Dân chủ của ông dường như không có nhu cầu cung cấp nhiều thông tin cho công luận hơn mức tối thiểu. Khi truyền thông nhà nước Việt Nam đã loan báo lời nhận tội của Nhóm Chấn, trong đó có việc họ kết hợp hành động với người lãnh đạo Đảng Dân Chủ là Nguyễn Tâm, tức Nguyễn Sĩ Bình, Đảng Dân chủ tuyệt đối giữ im lặng. Trong vài ba cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi ngay sau đó,ông Nguyễn Sĩ Bình khẳng định mình chỉ có trao đổi với luật sư Lê Công Định “trên công việc riêng”. Tường thuật trực tiếp từ phiên tòa xử bốn người trong Vụ án Lê Công Định, ông Nguyễn Hữu Liêm cho biết “chỉ có một nhân chứng khai trước tòa, đó là anh Nguyễn Tâm, người từ chối hầu hết mọi liên hệ với các hoạt động của các bị can”. Đó là sự trùng tên ngẫu nhiên, hay đó chính là Nguyễn Sĩ Bình? Cho đến nay thông tin này chưa hề được làm rõ.

Ngoài ra, ngoài Đảng Dân Chủ của ông Nguyễn Sĩ Bình còn có mộtĐảng Dân chủ khác của ông Nguyễn Xuân Ngãi. Cả hai đảng này đều lấy ông Hoàng Minh Chính làm chỗ dựa và nhận ông Lê Công Định là Tổng Thư kí của mình.

[7] Theo lời nhận tội của Lê Công Định, ông đã dự lớp huấn luyện lật đổ bất bạo động do Việt Tân tổ chức tại Pattaya tháng 2.2009.

[8] Trong cuốn Hồi kí chưa chính thức xuất bản (HoiKyNguyenDangManh), nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đăng Mạnh kể như sau:

Vào khoảng 1987, Hội Văn nghệ Quảng Nam-Đà Nẵng có mời tôi và (Hoàng Ngọc) Hiến vào nói chuyện với giới văn nghệ trong ấy. Chúng tôi ở với nhau độ một tuần lễ, sau đó, Hiến vào Sài Gòn, tôi ra Hà Nội.

Ít ngày sau, tôi đang ngồi ở nhà (tại Đồng Xa) thì thấy Hiến đạp xe tới. Lúc đó mới độ 8 giờ sáng. Tôi hỏi ra bao giờ. Anh nói ra sáng nay, tàu 7 giờ sáng tới Hà Nội. Tôi ngạc nhiên: vừa về Hà Nội đã vội đến tôi làm gì! Hoá ra anh vừa tham gia một đảng gọi là đảng “Nhân dân Hành động” và ra Hà Nội để phát triển đảng. Người đầu tiên anh định kết nạp là tôi. Anh nói, không sợ gì cả. Tay thủ lĩnh là một tay tiến sĩ ở Mỹ về. Rất trí thức. Đảng này đã thống nhất với cộng sản chuẩn bị ra đa đảng. Trong đảng này có một uỷ viên Bộ Chính trị và một thiếu tá công an cộng sản. Đảng phát triển chủ yếu vào trí thức. Anh lại hỏi, thằng Thanh nhà ông vào Sài Gòn đã có việc làm và nhà cửa gì chưa, để anh lo giải quyết cho.
Tôi không tin, từ chối: “Cậu định làm chính trị à? Không sợ công an à?“
Hiến có vẻ xem thường, cho tôi là thằng nhát.
Ít lâu sau tôi được biết đảng này phát triển mạnh ở vùng Vĩnh Long, vừa bị bắt một loạt. Tôi vào Cần Thơ, Dạ Ngân bảo thế.
Một thời gian sau, tôi gặp lại Hiến ở trụ sở văn nghệ. Tôi hỏi Hiến: “Biết gì chưa?”
Hiến: “Biết rồi! Biết rồi!” Tôi lại hỏi: “Có sao không?”
Hiến: “Không sao, không sao – Nhưng này, đừng nói với ai nhé!”

[9] Một số nguồn tin nội bộ cho rằng Nhóm Chấn và Đảng Dân chủ của ông Nguyễn Sĩ Bình được những nhà lãnh đạo cộng sản cấp tiến xung quanh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt bật đèn xanh, và bị bỏ rơi sau khi ông qua đời giữa năm 2008, song qua trình bày của ông Trần Huỳnh Duy Thức trong đơn kháng cáo, ít nhất có thể thấy Nhóm Chấn không có một quan hệ hậu trường nào như vậy.

[10] Ông Trần Huỳnh Duy Thức cũng nhận tội trước cơ quan điều tra, nhưng khẳng định mình vô tội trước phiên tòa xét xử.

5 Phản hồi cho “Chọn đường”

  1. Trung Kiên says:

    Đề tài PT CĐVN đã lôi cuốn TK một cách say mê, tìm đọc để hiểu về nó sâu rộng hơn.

    Việc phát động PT CĐVN của ông Lê Thăng Long đang được bàn cãi sôi nổi trên nhiều diễn đàn. Nhất là việc LTL “nhận tội” đang bị chất vấn nặng nề, nhiều người cho đó là “cạm bẫy” (sic) ?

    Nhưng với tôi thì nó chẳng có gì phải bận tâm lắm, cứ hiểu như Tôn Tử giả điên, hay Hàn Tín có lúc phải luồn trôn giữa chợ…thì đơn giản biết mấy?

    Nhân dân VN đã bị ông Hồ và đảng csvn dối gạt, lừa phỉnh đã quá nhiều lần, nên bây giờ tâm lý “sợ hãi” bao trùm, đâm ra hoài nghi, dè dặt…cũng là điều dễ hiểu, nhưng tự suy diễn, có khi rất tiêu cực, là điều cố tránh!

    Theo Mẹ Nấm thì…”nếu ai quan tâm đến blog Chấn Lạc Hồng, đến nhóm Thức – Định – Long – Trung hẳn sẽ thấy rằng ý tưởng và sự phôi thai của phong trào đã có từ thời đó…” (trước khi các anh bị bắt giam tù)

    Nhưng giờ đây qua sự phát động công khai của anh LTL thì PT CĐVN nở rộ trên nhiều diễn đàn và được nhiều người biết đến…

    Đồng ý với Mẹ Nấm;…”…khi được mời tham gia vào một vấn đề hay trong trường hợp này là sáng lập viên của một phong trào, anh có quyền nhận lời hoặc từ chối, đó là sự lựa chọn của anh. Người được mời cũng có thể phân tích về cách mời và những hệ lụy của nó theo phán đoán dù là chủ quan của mình, ngay cả những phân tích logic để dẫn đến kết luận đây là một “âm mưu” cũng là điều tốt để mọi người trao đổi, phán xét. Nhưng chỉ dựa trên lời mời đó – mà không có một phân tích nghiêm chỉnh nào – để phán xét tư cách và hành động của người vừa mới ra tù bằng những ngôn từ miệt thị thì không phải là cách cư xử văn minh của những người được xem là có tinh thần dân chủ trong môi trường thông tin hiện nay“.

    Con đường nào cho Việt Nam?

    TK cũng đồng ý với Mẹ Nấm rằng;…”khi vẫn còn những cá nhân nỗ lực và can đảm dấn thân vì sự đổi mới, tự do cho một xã hội tốt đẹp, nhất định vẫn sẽ có một con đường dành riêng cho Việt Nam…Và ngày ấy không xa!

    Chúc Mẹ Nấm chân cứng đá mềm, luôn kiên trì và nhiều nghị lực…

  2. Trung Kiên says:

    Việc phát động PT CĐVN của ông Lê Thăng Long đang được bàn cãi sôi nổi trên nhiều diễn đàn. Nhất là việc LTL “nhận tội” đang bị chất vấn nặng nề, nhiều người cho đó là “cạm bẫy” (sic) ?

    Nhưng với tôi thì chẳng có gì phải bận tâm lắm, cứ hiểu như Tôn Tử giả điên, hay Hàn Tín có lúc phải luồn trôn giữa chợ…thì đơn giản biết mấy?

    Nhân dân VN đã bị ông Hồ và đảng csvn dối gạt, lừa phỉnh đã quá nhiều lần, nên bây giờ tâm lý “sợ hãi” bao trùm, đâm ra hoài nghi, dè dặt…cũng là điều dễ hiểu, nhưng tự suy diễn, có khi rất tiêu cực, là điều cố tránh!

    Muốn có DÂN CHỦ thì phải tôn trọng đa nguyên đa đảng! Muốn có “Hoà Giải Hoà Hợp, Đoàn kết Dân Tộc” thì cần phải có sự cảm thông tha thứ!

    Phải chăng đó là mục tiêu mà những người sáng lập “Con Đường Việt Nam” nhắm đến. Điều mà đảng csvn không thể làm được vì không còn uy tín (nên chẳng còn ai tin tưởng)?

    Theo dõi tình hình thế giới và hiện tình VN hôm nay, lãnh đạo csvn không thể mãi bảo thủ, mà phải chấp nhận thay đổi đường lối chính trị cho phù hợp với thời đại…

    Con Đường Việt Nam ra đời đúng lúc, có thể cũng là một phương cách giúp đảng csvn thoát khỏi vũng bùn lầy lịch sử trong danh dự, rất có lợi cho đất nước và dân tộc?

    Bài viết của nhà nghiên cứu xã hội Hồ học – Trần Trung Luận rất đáng cho chúng ta suy nghĩ:

    “Cạm bẫy” nào trong thời khắc ngặt nghèo của đất nươc?

    Thiển tưởng, đây là bước đi khá ngoạn mục và táo bạo, một ván bài ngửa?

  3. Khách qua đường says:

    Cho dù Con đường VN bị CS giật giây và lợi dung , LONG ĐỊNH THỨC là những kẻ hèn nhát . Thì giờ đây CĐVN như một quả mìn đã phát nổ , gây nên một sự quan tâm , chú ý , cho cả trong và ngoài nước .

    Sức nén của những người chống đối lẫn ủng hộ phong trào giúp tạo thêm sự Công phá mãnh liệt . Kẻ thọ nạn trong lâu dài không ai khác hơn là ĐCSVN .

    Chính đảng viên của ĐCSVN sẽ là thành phần ủng hộ mạnh mẽ cho phong trào này trong những ngày sắp tới , vì đây là con đường thoát duy nhất , trong khi ĐCSVN mỗi lúc mỗi sa lầy vào tội lỗi .

    Cái giá trị của Con đường VN không phải ở lý thuyết , nhưng ở cái chân tình dân tộc , không phân biệt giữa người CS hay không CS . Kể cả cái danh dự cá nhân bị nghi ngờ .

    Những cái tâm VN rất đáng khâm phục .

  4. Vũ duy Giang says:

    (9): Có thể tin được”rằng nhóm Chấn và đảng DC của ông NSB được những nhà lãnh đạo CS cấp tiếp quanh cố Th.T.Võ văn Kiệt bật đèn xanh,và bị bỏ rơi khi ông qua đời giữa năm 2008″, cũng như nhóm IDS của Nguyễn quang A. Hình như trước đấy ông Nguyển xuân Ngải cũng theo chân Mỹ Stephan Young(biết nói tiếng VN,có vợ Việt,và Bố làm ở Saigon trước 1975),vì có lẽ cũng được”bật đèn xanh”, nhưng nhanh chóng bị bắt,và trục xuất về Mỹ.

    Dù sao cũng không thể so sánh nhóm IDS với nhóm”Chấn”,vì chỉ đọc những thư”ba hoa thiên địa” (kiểu”đao to,búa lớn”,vì”thùng rỗng kêu to”!) gửi các lảnh đạo CSVN của Trần Huỳnh Duy Thức(xin CSVN chia chức cho các thành viên nhóm Chấn,và nhận chức bộ trưởng kinh tế!),thì đủ biết trình độ!

    Phải chăng,vì vậy mà những người của nhóm Chấn phải làm thành viên”đa đảng,nhưng độc nguyên”
    của Nguyễn Sĩ Bình.Thí dụ như”(7):theo lời nhận tội của Lê công Định,ông đã dự lớp huấn luyện lật đổ bất bạo động do Việt Tân tổ chức tại Pattaya tháng 2.2009″. Đúng là”Cháy nhà,ra mặt vịt” !!

  5. Vũ duy Giang says:

    Bài phân tích thật hay về chuyên”Con đường VN” của tác giả Phạm thị Hoài,cũng vì có kèm những tài liệu như”Thư gửi”các lãng đạo CSVN của Trần Huỳnh Duy Thức bao gồm những lời dọa nạt họ(rất”đao to,búa lớn”,nhưng trống rỗng!),về khủng khoảng kinh tế,đất nước,và chế độ CSVN trong những năm 2010-2011.Vậy mà họ không chịu”chia ghế”Bộ trường(kinh tế:chưa bao giờ có trong chính phủ CSVN!) cho Trần Huỳnh”giáo chủ”(vì thích truyền giáo”luân thường đạo lý” cho CSVN!), và các”tín đồ”khác trong”Con đường VN”.

    Bài viết cũng cho thấy những tín đồ này đều”đa đảng”: Nguyễn sĩ Bình là”chúa đảng” Nhân dân hành động(mà VK Mỹ gọi là ND hành lạc!), và cũng”kiêm nhiệm”thêm 1 loại”Phó đảng”Dân Chủ,giống như Nguyễn xuân Ngãi! Lê công Định là đảng viên”Dân Chủ”,nhưng lại được Việt Tân dậy ở Pattaya tháng 2/2009(Đúng là”cháy nhà,ra mặt”vịt”!).Lê thăng Long là đảng viên”Dân Chủ”,và kiêm nhiệm
    Chúa đảng “Chấn hưng nước Việt”ở…Malaysia,trước khi nhường chỗ(vì đi tù ở VN) cho Vũ quang Thuận,là người đã bị Malaysia trục xuất về VN vào tháng 2/2011.

    Thất là tha hồ”đa đảng,nhưng cùng một nguyên”(nhân ăn phở bò,và tịt tiềm) ?!

Leave a Reply to Vũ duy Giang