WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Có những điều không thể hiểu

 

Thời tiết Châu Âu năm nay, dường như hơi đỏng đảnh. Đã đầu tháng sáu, trời vẫn còn se lạnh. Mưa dầm mưa dề, không thối đất thối cát như ở quê nhà, nhưng đủ làm nước sông Elber dâng cao, tàn phá nhiều thành phố làng mạc của Đức và những nước có chung dòng chảy. Những ngày này, lại làm tôi nhớ đến Monaco và câu nói của Michal Bui: “ Mưa bão, lụt lội, chiến tranh bom đạn, dù xảy ra ở nơi nào, đất nước nào, thì cũng vô cùng tàn khốc. Nhưng chiến tranh mâu thuẫn trong lòng người còn tàn khốc, nguy hiểm hơn ngàn lần…“

Tháng tám năm 1995, tôi có ông cậu họ Đặng, Chef  nhớn của quận Ba Đình Hà Nội, sang Paris học hay thăm quan gì đó ở trường hành chánh mấy tháng. Ông điện bảo, học hành gì, cỡi ngựa xem hoa thôi, tôi sang lúc nào cũng được. Lúc đó, tôi có vợ chồng anh Nguyễn Thế Cường, nguyên đội trưởng lao động ở Werdau, hiện là Phó tổng giám đốc một công ty thuộc Bộ Nông Nghiệp, cũng từ Việt Nam sang. Tôi rủ anh sang Paris và đi Manaco thăm bà bác theo chồng là sỹ quan Pháp về nước từ những năm 1940. Buổi tối Paris, chỗ ông cậu tôi có cả anh Cù Huy Hà Vũ ở đó. Hàn huyên với nhau một đêm, hôm sau chúng tôi đi tiếp tục chặng đường 1000 cây số đến Manaco.

Từ trên Autobahn(đường cao tốc) ngồi trong xe, nhìn xuyên qua những tấm kính ngăn tiếng ồn, Manaco lọt thỏm trong tầm mắt. Vương Quốc 36 ngàn dân, rộng chừng 2 cây số vuông này, có con đường chính chạy dài, một mặt phố, như hai cánh tay ôm lấy biển. Ngoài xa, đoàn tầu rực lên ánh đèn màu lọt qua ô cửa và có những con sóng bạc vỗ nhẹ dưới chân tầu, cứ ngỡ đó là khu phố mới, xây trên miền đất trắng. Phố đã vào đêm, tôi kéo cửa kính, gió chợt luồn vào xe, mát dịu. Để xe chầm chậm, nhẹ lăn trên đường, tôi vục tay vào trong gió, cảm giác như được chạm vào làn da của… thuở yêu đầu. Từng tốp khách du lịch, chẳng cần chiếu đệm, nằm phơi mình, hứng gió trên hè đường. Thành phố lặng yên, nghe tiếng thở của sóng. Với tôi, Monaco có lẽ là Vương Quốc sạch và đẹp vào bậc nhất hành tinh này.

Đã khá muộn, nhưng bác tôi, vợ chồng Davis, con cả của bác và Michal Bùi (bạn Davis) vẫn chờ cơm chúng tôi. Bác tôi, năm ấy đã tám chục, nhưng còn khỏe và minh mẫn. Bác có bốn người con, ba người sinh sống ở Ý. Chỉ còn Davis từ ngày bác trai mất, anh dọn về ở cùng với bác. Davis sinh ở Hà Nội và có một vài năm sống ở quê, lại gần gũi với mẹ, nên anh nói được tiếng Việt. Năm ấy anh cũng đã gần sáu chục, đủ tuổi về hưu sớm. Michal Bùi, tuy sinh đẻ ở Pháp nhưng ba mẹ đều là người Việt, hồi nhỏ anh sống vật vờ mấy năm trong cư xá Sainte Livrade cùa những người đã làm việc cho Pháp  hoặc có gốc Pháp, hồi cư năm 1955, nên anh sõi tiếng Việt. Vì vậy, trong bữa ăn bữa nhậu chúng tôi dùng tiếng Việt thoải mái, rôm rả.

Milchal Bùi hơn tôi chừng bốn, năm tuổi, nhìn rất phong trần, sóng gió của người lính trên tầu viễn dương. Anh bảo, mấy năm trước tàu có cập cảng Hải Phòng và Sài Gòn, nhưng chỉ bốc dỡ hàng xong là đi ngay, không có thời gian tìm về bản quán quê hương. Nhưng những năm tháng hải hành như vậy, tầu anh đã vớt, cứu được nhiều đồng hương trên đường vượt biên…

Trời gần sáng, bia rượu trên bàn đã cạn. Tôi gần như hai đêm không ngủ, lái xe liên tục hai ngàn cây số, người đã quay quay. Định chui vào phòng ngủ, nhưng Milchal Bùi làm cho tôi chợt tỉnh, giã cả rượu, bằng câu chuyện về số phận những người lính khố đỏ, ở mặt trận chống phát xít năm xưa. Câu chuyện này, Milchal cũng kể lại theo lời của ba anh, tuy ngắn, đơn giản nhưng nó làm tôi ám ảnh mãi: “Ông Bùi (ba của Michal) có người bạn thân quê miền Trung từ khi vào lính khố đỏ. Cả hai đều được điều động sang An-ge-ri vào cuối thập niên ba mươi, thế kỷ trước. Ngay sau đó, họ lại được điều về chính quốc (Pháp), mặt trận chống phát xít Đức. Pháp thất bại, họ đều bị quân đội Đức bắt làm tù binh. Sau khi được quân đội Đồng Minh giải phóng, các ông ở lại Pháp. Năm 1946, nghe theo lời kêu gọi chính phủ Việt Minh, hơn nữa đã có vợ con ở quê nhà, nên bạn ông Bùi đã lên tầu về nước. Ông Bùi ở lại, sau đó ông quen và ăn ở với vợ người lính Pháp chết trận, từ Việt Nam sang và sinh ra Milchal Bui ở cư xá Sainte Livrade. Sau này có nhiều người từ Việt Nam sang, ông dò hỏi về bạn mình. Có người biết bảo, khi bạn ông về, bà vợ đã đi lấy chồng vì tưởng ông đã chết. Nhưng ngay sau đó, bà bỏ ông chồng mới, trở về sống với ông. Lúc đó bạn ông đã vào bộ đội Việt Minh. Nhưng trớ trêu thay, bạn ông lại lại là thuộc cấp của ông chồng mà vợ bạn ông vừa bỏ. Trong một trận đánh, bạn ông đã bị ông này, bắn chết từ phía sau và gán cho cái tội chạy theo địch…“

Vâng! Câu chuyện chỉ có vậy thôi. Tôi ám ảnh, không hẳn vì cái chết oan uổng của người lính trận, hoặc hành động dã man, bỉ ổi của kẻ giết người, mà bởi cái tàn nhẫn của chiến tranh. Thân phận của người vợ, cũng như mâu thuẫn, dày vò trong nội tâm của bà, tưởng như chỉ có trong tiểu thuyết hay phim ảnh. Đúng như vậy, hậu quả trong bất cứ cuộc chiến nào, sự thiệt thòi, trớ trêu, khổ đau nhất, cũng thuộc về những người vợ, người mẹ. Và tôi cứ phân vân tự hỏi, liệu chúng ta có cần bằng mọi giá thống nhất đất nước, với một cuộc chiến đẫm máu và nước mắt vừa qua?

Khi tôi tìm tài liệu về thân thế của nhà thơ, dịch giả Đỗ Hoàng để viết bài “ Đỗ Hoàng, Người Đi Nhặt Lại Hồn Thơ Cũ“. Chỉ có bài viết của nhà thơ Trần Quang Đạo, nhắc về cái chết của thân phụ Đỗ Hoàng, bị đồng đội bắn chết và gán cho cái tội chạy theo giặc vì mâu thuẫn tình ái. Lúc này, tôi chỉ mơ màng dường như câu chuyện này mình đã nghe, hoặc đọc ở đâu đó. Nhưng khi nhận được thư của Đỗ Hoàng gửi cho tôi ngày 19-6-2013 đăng trên báo vannghecuocsong.com ở trong nước, thì câu chuyện của Michal Bui kể, gần hai mươi năm về trước, vỡ òa trong ký ức tôi. Tôi bị xúc động mạnh, tôi không khóc, nhưng đến lúc này ngồi viết trên bàn máy vi tính tay tôi vẫn còn run run.

Tôi không phải là người nghiên cứu xã hội hay hình sự học, nên không dám khẳng định hai sự việc trên là một, nhưng sự liên tưởng của người viết văn bất chợt có trong tôi.

Leipzig ngày 24-6-2013

© Đỗ Trường

© Đàn Chim Việt

—————————————————————————-

GI NHÀ VĂN Đ TRƯỜNG     

Hà Nội, Việt Nam ngày 19 tháng 6 năm 2013

Kính gửi nhà văn Đỗ Trường!

Đọc bài anh viết về tôi, tôi quá cảm kích và xúc động. Trước hết anh đã hiểu tôi như những người bạn cùng tuổi chơi thân với nhau, hàng ngày cùng bia bọt ở trong nước, thứ nữa anh đã hiểu những tác phẩm tôi viết một cách sâu sắc, chia sẻ cùng tôi những suy nghĩ trăn trở một thời và cả bây giờ những vấn đề lớn lao của đất nước, con người, nhân loại toàn cầu. Với tầm nhìn, tầm nghĩ như anh lại được được tiếp xúc với thế giới rộng lớn bên ngoài, thế giới của những nền văn hóa lớn, nền văn mình vượt xa tổ quốc chúng ta; anh đã phân tích, bàn bạc, nhận định một cách khách quan, trung thực mà nhiều người ở quốc nội vì lý do này, lý do khác không kiến giải hết.

Đỗ Hoàng tại nhà riêng ở Huế

Đỗ Hoàng tại nhà riêng ở Huế

Cám ơn anh vô cùng! Anh đã chia sẻ cùng tôi người cùng họ. Họ mình nhỏ, ít người quá. Tôi ở khắp đất nước cố tìm họ nhưng ở đâu họ mình cũng lưa thưa. Không phải bênh vực, bè phái họ hàng, nhưng họ mình chia sẻ và dựa vào các họ lớn để vươn lên là một điều rất tốt mà con cháu trong họ phải biết. Nó cũng như các dân tộc nhỏ phải dựa vào dân tộc lớn để phát triển; nước nhỏ phải dựa vào nước lớn để tồn tại.

Anh đã khá hiểu tiểu sử của tôi và bi kịch gia đình. Tôi xin thưa thêm vài điều nhỏ để hiểu thêm những năm tháng đau thương của gia đình, quê hương, đất nước.

Ba tôi mất khi tôi mới 8 tháng tuổi, (ngày trước ở quê tôi, con nhà có tý chức sắc thì gọi bố bằng ba, con nhà thấp thì gọi  bố bằng bọ), mẹ tôi phải đi xin sửa khắp bà con tản cư ở chiến khu Bang Rợn (Lệ Thủy, Quảng Bình). Tám tháng tuổi thì làm sao biết được chuyện gia đình. Sau này khai lý lịch thì chính quyền địa phương bảo sao khai vậy. Không thể khai như bà con trong họ kể và mẹ tôi kể.

Năm học lớp 9 cấp 3 Lệ Thủy (tương đương lớp 11 bây giờ). Tôi được giới thiệu vào Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam. Muốn vào đoàn thì phải khai lý lịch. Tôi ghi bố: chết.

Không kết nạp được Đoàn. Mãi đến cuối năm, anh Bí thư Chi đoàn lớp bào phải khai rõ ràng: Bố chết vì gì? Tôi phải về hỏi mẹ tôi. Phong tục Việt Nam là xấu che, tốt khoe. Ai lại bảo bố chết trận bao giờ. Mẹ tôi không nói nhưng tôi bảo, trên rộng rãi, họ muốn biết chết vì gì. Và cuối cùng tôi khai : Bố chết trận!

Tôi được kết nạp Đoàn,  thành Đoàn viên thanh niên Lao động Việt Nam tại Chi đoàn lớp 9C, trường cấp 3 Lệ Thủy, Quảng Bình (năm học 1966- 1967).

Hai người lính bắn nhau như anh viết chính là chuyện đồn thổi, không có thật. Nhưng hai người lính ấy là hai người chồng của mẹ tôi.

Ba tôi đi lính sang Pháp năm 1939, không phải đánh nhau ở An giê ri mà đánh nhau với Đức Quốc xã khi chúng chuẩn bị vào Pa ri xâm lược Pháp. Cùng đợt ấy có cả bốn bác tôi nữa. Và năm anh em đều bị tù ở Đức.

Ba tôi cùng mấy anh em về nước năm 1946 , hình như cùng chuyến tàu với Bác Hồ. Mấy anh em nghe theo Bác Hồ đều đầu quân đánh giặc. Vì cán bộ quân sự thời Cách mạng tháng Tám năm 1945 hiếm lắm. Nghe nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp biết tên đến đại đội trưởng. Ba tôi là em út nhưng cũng đã lên được Quản thì phải. Các bác lên trước Quản, Đội nhiều năm. Ai cũng đều là cán bộ quân sự tỉnh, huyện Việt Minh, đảng viên, rồi về hưu.

Riêng ba tôi làm đại đội trưởng 361 huyện đội Lệ Thủy, Quảng Bình. Ông Lê Hoản làm Chính trị viên. Hồi ấy Việt kiều trở về  nước mới giỏi quân sự, mấy anh thanh niên ở làng biết gì a lô xô, đi ong đơ (đi đều một, hai)…

Ông Lê Hoản là người cùng làng (Thuận Trạch, Mỹ Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) cùng hoạt động Cách mạng thời tiền khởi nghĩa với mẹ tôi, cùng trong Chi bộ, Đảng bộ, cùng cướp chính quyền ở huyện lỵ Lệ Thủy,cùng tham gia tích cực Tuần lễ vàng  Mẹ tôi là Bí thư phụ nữ xã Cao Vân, sau đó là Bí thư phụ nữ huyện Lệ Thủy. Mẹ tôi tuy đã có con gái lên 5, 6 tuổi, có chồng đi Pháp bảy, tám năm không biết sống chết thế nào, nhưng ông Hoản vẫn lấy mẹ tôi làm vợ.

(Thời ấy trai tân lấy nạ dòng là chuyện ngược đời.). Anh ruột ông Hoản là Lê Lỵ đã lấy dì họ tôi rồi.
Hai người có với nhau một người con trai (tức là anh cùng mẹ với tôi, hơn tôi mấy tuổi). Nhưng anh mất khi lên chiến khu vì sốt rét.
Khi ba tôi bên Pháp về thì mẹ tôi ở vào tình huống rất khó xử. Trong làng có câu ca:
Hoàng Thị Khê bốn bề ngao ngán (1)
Lê Thị Gắn chắc chắn chồng về (2)
(1)   Mẹ tôi
(2)   Bác gái ruột của tôi, vợ bác Đội Diệm

Sau nhiều dằn vặt, mẹ tôi trở lại với chồng cũ, bỏ ông Lê Hoản.

Ông Hoản nói ba tôi đã giết chết con ông. Mâu thuẩn địch ta không phải Việt Minh và Pháp mà là giữa Ba tôi và ông Hoản. Ông Đại đội trưởng và ông Chính viên không thể hòa hợp rồi chuyện không hay xảy ra, không biết hư thực thế nào?

Ba tôi chỉ huy quân sự nên chẳng mưu cao như ông Chính trị viên.

Ba tôi có làm thơ:
Con ơi con!
Cha mắc tòng quân qua Pháp
Cho nên chi cha Sở, con Tần
Thương mẹ con trăm phần chi xiết
Nỗi đớn đau này ai có biết?
Giục lòng cha Âu, Á đôi phương…
(Mẹ tôi đọc được một đoạn như vậy- Bài này viết cho chị tôi. Hồi đó tôi chưa sinh)

Đấy là tôi nghe người lớn tốt nói lại vậy thôi, không biết có đúng không xin mọi người lượng thứ.
Khi hòa bình lập lại sau năm 1954, tôi nghe mẹ tôi nói, khi tôi đi vắng, ông Hoản nhiều lần đến tìm mẹ tôi, nhưng mẹ tôi bảo làm nít (vợ bé), mẹ tôi không chịu. Ông còn nói nếu chịu ông sẽ nhận tôi làm con ông để đi học nước ngoài. Mẹ tôi vẫn không chịu!
Chuyện nó như thế anh Trường ạ!
Một lần nữa vô cùng cảm ơn anh đã viết rất đúng về tôi, về dòng họ Đỗ nhỏ và ít của mình trong cộng đồng người Việt.
Chúc anh khỏe viết tốt!
TB: Nhà văn Bảo Ninh nổi tiếng với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh sau khi đọc bài của anh do tôi chuyển đến đã nhờ tôi chuyển lời hỏi thăm anh và khen bài viết của anh

Đỗ Hoàng
Tạp chí Nhà văn
Số : 65, Nguyễn Du, Hà Nội, Việt Nam
Tel: 0913369652
Về văn xuôi tôi có các quyển sau:
(1)   Phí một thời trai
(2)   Cuộc chiến vừa tàn
(3)   Chốn lục lâm (Nẻo rừng)
(4)   Tuổi thơ lầm lủi
(5)   Mưa Huế (Mưa)
(6)    Trên đường (Phóng sự)
(7)    Gửi người tình (đang sửa tiếp)
(8)   Khoảnh khắc đời người

 

3 Phản hồi cho “Có những điều không thể hiểu”

  1. LỮ ÚT says:

    Một chuyện khác cũng đau thương.
    Giáo sư tim mạch của miền nam Nguyễn Ngọc Huy sau “giải phóng” bị xe bộ đội cán chết, tin đồn là do cùng tên với GS có hoạt động chính trị, nhưng sự thật là do đòn thù của một tay đương kim chỉ huy một sư đoàn “giải phóng” ngày xưa từng yêu vợ của vị giáo sư kia.!

  2. KD says:

    Chuyện riêng tư mà kể ra hay quá. Té ra có những sự thật còn độc đáo hơn hư cấu.

    Ông Đỗ Hòang chắc là bạn thân của Michael Jackson?
    Hình như ông cụ được Michael Jackson cho mượn đôi vớ trắng?
    Tại thấy ông cụ giầy đen vớ trắng theo kiểu Michael Jackson, hì hì hì.

    À cái chuyện “thống nhất” đất nước bằng mọi giá thì có lẽ tất cả mọi người ở miền bắc chẳng có sự chọn lựa nào khác. Phải đâm đầu mà theo thôi. Ngay cả ông Hồ cũng không có sự chọn lựa. Chẳng muốn nhục mạ ông ta thêm làm gì, nhưng trí tuệ và bản lãnh của ổng chỉ nhiêu đó, cho nên khi quan thầy của ổng vạch ra con đường thì ổng cứ đi theo và cứ tiếp tục như thế cho tới chết.

  3. TRĂNG NGÀN says:

    KHÔNG VÀ CÓ

    Không thống nhất làm sao làm cách mạng
    Không máu xương sao thể có thiên đường
    Đã tính rồi mọi việc phải khuôn theo
    Chuyện là vậy có gì đâu khó hiểu !
    Đúng Đỗ Trường giả ngây là thế ấy
    Kể chuyện xưa kiểu ông cụ ngây thơ
    Nhằm nói rằng đời chỉ một cuộc chơi
    Chơi sành điệu mới là chơi đúng nghĩa
    Chuyện như vậy, mà giả nai không hiểu
    Đỗ Trường ơi, ngây thơ cụ quả hay !

    NẮNG NGÀN
    (24/6/13)

Leave a Reply to LỮ ÚT