WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Mỹ dự định ném bom nguyên tử xuống Điện Biện Phủ 1954

dien-bien-phuSơ lược diễn tiến
Trận Điện Biên Phủ đã được tròn 60 năm. Nhiều nhà nghiên cứu Tây phương về Chiến tranh Đông Dương đã xếp Điện Biên Phủ trong số những trận đánh lớn nhất thế giới như Stalingrad 1942, trận hải chiến Midway 1942… vì nó đã thay đổi một khúc quành lịch sử. ĐBP đã kết thúc chế độ thực dân Pháp và lôi kéo Hoa Kỳ vào một cuộc chiến dài như vô tận, cũng như tại Stalingrad năm 1942 Đức quốc xã mất Lộ quân số 6, gió đã đổi chiều với Hitler và tại Midway 1942, chỉ trong một ngày quân Nhật đã mất 4 hàng không mẫu, vài trăm máy bay, hơn ba ngàn thủy thủ rồi thua luôn cuộc chiến Thái bình dương.

Tổng số quân Pháp và Việt Minh tại ĐBP chưa tới 70,000 người, chưa được 7 sư đoàn trong khi tại Stalingrad tổng số quân Nga, Đức khoảng một triệu bốn trăm ngàn, tương đương 140 sư đoàn. Số binh sĩ tử trận tại ĐBP của cả Pháp và Việt Minh chỉ hơn mười ngàn người trong khi tại Stalingrad, riêng quân Nga bị thiệt mạng khoảng nửa triệu, nhưng ĐBP vẫn được coi là ngang hàng với Stalingrad. Trên thực tế ĐBP đã được Tây phương chú ý nhiều và nổi danh hơn Stalingrad.

Nhưng nếu kế hoạch cứu nguy ĐBP đã được Mỹ thực hiện bằng hàng trăm oanh tạc cơ B-29 hay bằng bom A chiến thuật thì nay chẳng ai biết cái địa danh khỉ ho cò gáy nơi đèo heo hút gió này ở đâu.

Do sự sai lầm của Tướng Navarre, Tư lệnh Đông dương năm 1953 đã cho lập căn cứ đóng quân tại một vùng núi non hiểm trở, chỉ tiếp tế được bằng máy bay trong khi không quân Pháp rất yếu (1) trước màn hỏa lực cao xạ dầy đặc của Việt Minh. Vì thiếu tin tình báo, khinh địch nên quân Pháp đã phải đối mặt với hỏa lực mạnh mẽ cũng như nhân số áp đảo của địch đông gấp bốn lần mà muốn rút lui cũng không có đường thoái. ĐBP như một cái bẫy, Bộ tư lệnh Pháp đã vô tình đưa quân vào miệng cọp.

ĐBP gồm có ba khu, phía Bắc có ba tiền đồn, tại Trung ương gồm năm căn cứ đóng quanh một phi trường, đa số lực lượng Pháp đóng taị đây và một căn cứ phía Nam. Trận bắt đầu ngày 13-3-1954 và kết thúc ngày 7-5-1954, ngay hiệp đầu sau trận pháo kích dữ đội của VM, tiền đồn Beatrice đã bị sụp đổ, Pháp đã mất tinh thần, không ngờ hỏa lực địch mạnh đến thế. Trận chiến lan dần tới khu Trung ương, địch pháo phi trường, ngày 26-3 chiếc phi cơ cuối cùng tản thương rời khu lòng chảo, kể từ ngày này chỉ còn được tiếp tế bằng thả dù. Số phận ĐBP coi như đã được quyết định rồi.

Từ cuối tháng 3, Tổng thống Mỹ Eisenhower và Bộ tham mưu bắt đầu lên kế hoạch cứu nguy ĐBP bằng không lực. Kế hoạch mà Đô đốc Radford, Tham mưu trưởng liên quân đề nghị gồm từ 60 tới 90 oanh tạc cơ hạng nặng B-29 từ phi trường Clark Phi Luật Tân, mỗi máy bay mang 9 tấn bom, cùng với khoảng 450 máy bay chiến đấu hộ tống từ các hàng không mẫu hạm. Kế hoạch oanh tạc trải thảm ĐBP bằng B-29 được gọi là Kên Kên, Vulture (2)

Qua kinh nghiệm việc Tổng thống Truman đem quân qua Triều tiên tham chiến năm 1950 không tham khảo Quốc hội đã bị chỉ trích, Eisenhower muốn việc can thiệp cứu nguy ĐBP phải có thỏa thuận của Quốc hội.

Ngày thứ bẩy 3-4-1954, tám ông trưởng khối Quốc hội được mời tới Bộ ngoại giao để hội thảo bí mật với ngoại trưởng Dulles, Đô đốc Radford, một số cố vấn mục đích xin Quốc hội ủng hộ Tổng thống can thiệp ĐBP.

Trưởng khối thiểu số Thượng viện Lyndon B. Johnson đòi phải có các nước đồng minh tham gia, ý kiến này được các vị Dân cử đồng ý và đòi Hành pháp phải thực hiện ba điều kiện để được thỏa thuận ủng hộ can thiệp.

1- Thành lập liên minh các nước ĐNÁ và Liên hiệp Anh
2- Pháp phải trả độc lập cho Đông Dương
3- Pháp phải ở lại tiếp tục cuộc chiến

Các điều kiện trên của Quốc hội khiến kế hoạch Kên Kên bị khựng lại vì điều kiện một đòi hỏi lập liên minh các nước, trong đó phải có Anh quốc mà nước này không muốn chiến tranh.

Ngày 4-4 chính phủ Pháp chính thức gửi văn thư xin Mỹ oanh tạc cứu nguy ĐBP. Ngày 6-4 Pháp đề nghị Mỹ cho mượn khoảng 15, 20 oanh tạc cơ hạng năng B-29 do phi công Pháp lái, mang cờ Pháp để triệt hạ đoàn công voa tiếp tế của Việt Minh bên ngoài lòng chảo. Đây cũng gọi là kế hoạch B được Pháp đề nghị vì Kên Kên đang kéo dài, nhưng B bị bác bỏ vì lý do phi hành đoàn Pháp không có kinh nghiệm lái máy bay B-29

Sau khi Dulles đã đi hàng 100 ngàn dặm trong tháng 4 tới Thủ đô các nước nhất là Âu châu để họp bàn về Kên Kên và đã thất bại, Churchill chống lại việc tham gia liên minh, người Mỹ có nghĩ tới việc xử dụng bom A để thay thế Kên kên.

Giống như Rashomon

1966 Bernard Fall có đề cập tới vấn đề xử dụng bom A tại ĐBP, nay hai cuốn sách dầy mới viết về chiến tranh Đông Dương và Điện Biên Phủ của Fredrik Logevall và Ted Morgan cho ta biết thêm nhiều chi tiết về vấn dề này(3). Chuyện xử dụng bom nguyên tử cứu nguy ĐBP mà Ted Morgan đã ví như phim Rashomon (Rashomon-like). Thật vậy các nhân chứng liên hệ nói không giống nhau y như trong cuốn phim nổi tiếng Rashomon của Nhật quay năm 1951, lời khai của các nhân chứng về một vụ án mạng khác nhau hoàn toàn.

Chuyện xử dụng bom nguyên tử để cứu nguy Điện Biên Phủ được nói tới ba lần, một vào đầu tháng tư, ngày 3-4, 4-4 và một vào giữa tháng 4 và cuối cùng vào hạ tuần tháng tư 22-4, 24-4. Nhưng các nhân chứng nói trái ngược nhau, các tác giả cũng nói hơi khác nhau.

Theo Bernard Fall chuyện thứ nhất (4) liên quan tới Đại tá Brohon, phụ tá của Tướng Paul Ély, Tổng tham mưu trưởng Pháp tới Hà nội ngày 2-4 để hỏi ý kiến Tướng Navarre về kế hoạch cứu nguy bằng oanh tạc của Mỹ có nên thực hiện không. Chuyện này liên quan tới hai người, hai lời kể cùng có thẩm quyền khác nhau về dữ kiện sau đây. Theo Đại tá Jules Roy, lời của ông dựa trên trí nhớ của Tướng Cogny theo đó Brohon cho biết kế hoạch có can dự việc xử dụng vài quả bom A tại ĐBP. Theo Thiếu tá Jean Pouget, sĩ quan tùy viên của Tướng Navarre: Hồi đó việc xử dụng bom nguyên tử không hề được nói tới dù là dưới hình thức bí mật.

Về câu trả lời của Navarre cho Ély cũng có sự mâu thuẫn vì không giống nhau. Theo Jules Roy thì từ chối. Trái lại Pouget ghi hết câu trả lời của Navarre ho Ély gửi qua điện tín bằng mật mã nửa đêm 3-4 “Sự can thiệp mà Đại tá Brohon đã nói với tôi (Kên Kên) có thể có kết quả tốt nhất là nếu thực hiện trước cuộc tấn công của Việt Minh”.

Cũng theo Bernard Fall, ngoại trưởng Dulles từ Luân Đôn sang Pháp ngày 14-4 gặp Bộ trưởng ngoại giao Pháp Bidault, trong buổi nói chuyện đặc biệt này Dulles đã đề cập rõ ràng vấn đề xử dụng bom nguyên tử để cứu ĐBP. Theo nguồn tin khả tín Dulles đã nói với Bidault bằng tiếng Pháp “Nếu chúng tôi cho các ông các ông hai quả bom nguyêt tử để cứu nguy ĐBP thì sao? Dulles đã từng du học Sorbonne, nói rành tiếng Pháp và Bidault đã từng là giáo sư Anh văn, vì vậy không thể có vấn đề hiểu lầm được. Bidault đã trả lời bom nguyên tử sẽ tàn sát cả hai bên, Tướng Ély không cho vấn đề này là quan trọng nhưng đã cho biết trên tầu sân bay của hạm đội Bẩy có để sẵn bom nguyên tử phòng khi hữu sự.

Theo Bernard Fall việc xử dụng bom nguyên tử đã được các nhà kế hoạch quân sự quan tâm, ngay cả Eden, ngoại trưởng Anh đã tin là việc xử dụng bom A không hoàn toàn bị loại bỏ và nó vẫn sẵn sàng được dùng tới. Một chứng cớ khác là Thủ tướng Pháp khi điều trần trước Quốc hội ngày 4-5, ông đã xác nhận “trong buổi thảo luận với các đồng minh” trước đây tất cả mọi giải pháp để yểm trợ ĐBP đã được nghiên cứu.

Theo Ted Morgan ngày 1-4 tại Hà nội (5) Tổng cao ủy Dejean, Đại tá Brohon, Tướng Navarre và Tướng phụ tá Bodet, Cogny bàn về oanh tạc cứu nguy ĐBP. Sáng hôm sau 2-4 Navarre dè dặt nếu oanh tạc sẽ có thể khiến Trung Cộng trả đũa hay không? Họ sẽ oanh tạc phi cơ Pháp dưới đất, thật nguy hiểm, Tướng Lauzin Tư lệnh không quân của Navarre cho biết Trung cộng có 200 máy bay trong tầm các căn cứ không quân Pháp (6).

Họ cũng bàn về vấn đề mà Brohon đưa ra tại Hoa Thịnh Đốn, việc xử dung bom nguyên tử chiến thuật. Navarra hỏi: làm sao có thể xử dụng quanh căn cứ với tình trạng hai bên rất gần nhau? Nhiệt độ do bom tạo ra có thể nguy hại toàn căn cứ, bom nguyên tử có thể tiêu diệt địch khi họ tản mát trong rừng? Navarre sau này nói: Mỹ có bằng cớ Trung Cộng can thiệp ĐBP, Mỹ cũng có thể can thiệp.

Chuyện bom A thứ ba liên hệ tới hai ông Ngoại trưởng Mỹ và Pháp sẩy ra vào hạ tuần tháng 4-1954, trước hết theo tác giả Fredrik Logevall.

Ngày 22-4 ngoại trưởng Dulles tới Bộ ngoại giao Pháp để tham dự hội họp NATO, mặc dù vậy họ vẫn bàn về Đông Dương khi ĐBP đang nguy ngập.

Fredrik Logevall nói Bidault kể lại, hôm ấy lúc giờ nghỉ Dulles kéo ông ra một nơi hỏi ông về xử dụng bom nguyên tử tại ĐBP có hiệu quả hay không và ông nói tiếp, nếu hiệu quả chính phủ Mỹ có thể cung cấp cho Pháp hai quả. Bidault từ chối đề nghị vì nó sẽ giết cả Việt Minh lẫn lính Pháp tại lòng chảo, còn nếu ném ở vòng ngoài, trên đường tiếp tế sẽ gây chiến với Trung Cộng. Ít lâu sau Dulles không xác nhận mình đã nói thế, ông cho biết có thể do hiểu lầm (7).

Tướng Paul Ély sau này kể lại về việc Mỹ đề nghị hai quả bom A, nó sẽ gây ảnh hưởng tâm lý cực mạnh, hiệu quả quân sự thì chưa chắc có nguy cơ đưa tới đại chiến. Lời Bidault kể về việc Mỹ định cho Pháp bom A có thể có thật, các nhà chiến lược Mỹ đã nghĩ tới có thể xử dụng bom A mà theo một cách diễn tả, kế hoạch Kên Kên về cơ bản có tầm vóc ngang với bom nguyên tử. Đầu tháng 4 một nhóm chuyên viên của Ngũ Giác Đài đã nghiên cứu việc xử dụng bom A tại ĐBP và kềt luận 3 quả bom chiến thuật A nếu được xử dụng đúng có thể xóa bỏ nỗ lực Việt Minh tại ĐBP. Đô đốc Radford dựa vào khám phá đó để đề nghị xử dụng bom A trong buổi họp Hội đồng an ninh quốc gia (HĐANQG) từ ngày 7-4. Và vào ngày 29-4 việc xử dụng “vũ khí mới” tại Đông dương được thảo luận trong một phiên họp Hội đồng kế hoạch của HĐANQG.

Một số viên chức cho rằng việc xử dụng bom A ở VN có thể làm Trung cộng nhụt chí không trả đũa bằng chiến tranh qui ước, nếu không xử dụng thì Mao và tập đoàn sẽ cho là Mỹ không dám dùng sức mạnh kỹ thuật của họ. Cố vấn ANQG Robert Cutler đưa vấn đề ra với Eisenhower và Nixon sáng hôm sau nhưng hai ông này trả lời bom nguyên tử sẽ không có hiệu quả tại ĐBP. Hai nhà lãnh đạo cũng nói “chúng ta có thể sẽ xét lại để nói với người Pháp rằng chúng ta chưa cho họ vũ khí mới nào và nếu họ muốn vài quả để họ có thể xử dụng, ta có thể cho họ một ít”

Tại Ba Lê trong chính phiên họp NATO ngày 23-4, Dulles đã chính thức nói về vấn đề xử dụng bom A mặc dù không đả động gì tới Đông Dương. Trong một bài diễn văn của ông trước Hội đồng NATO chiều ngày 23-4, Dulles tuyên bố Sô viết có ưu thế rất lớn cả về quân sự chính trị, kinh tế hơn Tây phương. Vì thế vũ khí nguyên tử phải được coi là một phần trong vũ khí qui ước của NATO. Ông xác nhận nó phải là “Chính sách được chấp thuận của ta” trong trường hợp đại chiến hay cục bộ chiến, để xử dụng bom A khi nào, nơi nào có lợi. Dulles nói về sự giận dữ tại Âu châu về việc thử bom khinh khí (H) mới rồi, tháng 3-1953 và muốn cho Mạc Tư Khoa, Bắc kinh đoán là ta có thể xử dụng tại Đông Dương, cách nói của ông ấy cho thấy việc dùng bom A tại ĐBP tháng 4 có thể có.

Theo tác giả Ted Morgan (8) sau này ngoại trường Pháp Bidault kể lại trong phiên họp NATO ngày 24-4 tại Bộ ngoại giao Pháp, trong buổi họp, họ vẫn nói nhiều về Đông Dương. Ngoại trưởng Mỹ Dulles có hỏi ông “Nếu Mỹ giao cho ông hai quả bom A chiến thuật? và Bidault đả đáp: nếu thả bom nguyên tử gần ĐBP thì cả quân Pháp và địch đều bị sát hại, nếu ném trên đường tiếp tế từ Trung Cộng có thể đưa tới Thế chiến, trong hai trường hợp đều tệ hại cả.

Trong các điện tín của Dulles đánh đi thì không thấy nói gì về chuyện bom nguyên tử. Một số nhà học giả cho là chuyện Bidault kể về hai quả bom A không hợp lý chút nào vì không có sự xác nhận từ hai phía Mỹ, Pháp. Nhưng thực ra theo Ted Morgan một số nguồn tin từ Pháp đã xác nhận việc này.

Trước hết là Jean Chauvel, một nhân chứng của buổi nói chuyện này, ông là Đại sứ Pháp tại Thụy Sĩ, nhà ngoại giao đáng tin cậy. Ông này có mặt trong lần thảo luận giữa Bidault và Dulles và đã kể lại trong hồi ký khi Bidault, Dulles, Eden tới đó ngày 24-4. Ba ông Ngoại trưởng Pháp, Mỹ, Anh này đã để phụ tá của họ làm việc và họ vào nói chuyện với nhau trong một phòng nhỏ riêng biệt. Jean Chauvel đi theo họ, ông nghe Dulles nói nhỏ : “Ông có muốn hai quả bom không? Chauvel hiểu là bom A, sẽ do phi công Pháp thả, Bidault ngả người ra ghế. Khi ấy Eden đã đi khỏi, không nghe câu chuyện này, Chauvel nhắc Bidault trả lời.

Nguồn thứ hai là Maurice Schumann, Phụ tá bộ trưởng ngoại giao Pháp đã ghi lại “Bidault vào văn phòng tôi, đó là sự khác thường, vì ông là xếp của tôi hay gọi tôi qua phòng ông. Mặt ông trắng bệch nói.

“Ông thử tưởng tượng Dulles nói gì với tôi? Ông ấy đề nghị xử dụng bom nguyên tử để cứu nguy ĐBP” Schumann đáp: “Ông cứ bình tĩnh, ông ấy chỉ giả dụ vậy thôi, nếu mình đồng ý thì ông ta sẽ lo âu”.

Schumann không thể tin hai quả bom A giết hại cả hai bên có thể cứu ĐBP được. Ông không tin là Dulles, người đề nghị nói thật lòng mà chỉ là một phút dở chứng ngông cuồng, có thể Dulles thử xem Pháp có tiếp tục chiến đấu không? Schumann không rõ nhưng Bidault phản ứng rõ rệt với lời đề nghị chứng tỏ ông này không muốn.

Tin về đề nghị của Dulles cung cấp bom A được loan truyền trong các nhân vật cao cấp của chính phủ Pháp. Tướng Paul Ély sau này viết về ngày 25-4, ông có cảm xúc phức tạp về đề nghị hai quả bom nguyên tử, ảnh hưởng tâm lý rất dữ dội nhưng hiệu quả phải xét lại và rất nguy hại có thể đưa tới Thế chiến. Ông nghĩ dù sao Chính phủ Pháp Laniel quá yếu không thể gánh trách nhiệm này được.

Đề nghị của Dulles đã được nhiều người biết tới tại Bộ ngoại giao Pháp. Tháng 8 năm đó, Bộ ngoại giao Mỹ lập một hồ sơ về lịch sử Pháp xin viện trợ cho Đông Dương. Tập hồ sơ tới bàn của Roland de Margerie, Giám đốc chính trị Bộ ngọai giao Pháp. Ông này bèn nhắc Dillon, Đại Sứ Mỹ tại Pháp rằng hồ sơ cần duyệt lại vì “nó bỏ sót lời đề nghị của ông (tức Dillon) cho Bidault bom nguyên tử” Dillon chẳng hay biết gì về chuyện này cả bèn hỏi có phải ông Dulles đã nghiên cứu hiệu quả của bom nguyên tử? Margerie đáp Bidault đã nói với ông về lời đề nghị này ngay từ hồi đó.

Dillon đánh điện về Hoa Thịnh Đốn ngày 9-8 nói “Chúng tôi cho là Margerie sợ là Bidault sẽ cảm thấy việc cho phổ biến về lời xin viện trợ có thể bất lợi cho ông ta … ông ta có thể đáp lại bằng cách công bố câu chuyện về bom nguyên tử và có thể sẽ kể công đã ngăn chận việc xử dụng nó” Tác giả Ted Morgan cho lý luận này không nghe nổi.

Dulles trả lời ngay trong ngày rằng ông rất hoang mang bối rối, không nhớ là mình đã đề nghị như thế: “Không thể nào tôi lại đề nghị như thế bởi vì luật nghiêm cấm nói chuyện ấy tại cuộc hội họp NATO, không những tôi mà cả Bidault cũng biết rõ”.

Margerie không tìm hiểu gì hơn là đồng ý với lời Dulles rằng Bidault mệt mỏi và bị thần kinh căng thẳng
Tác giả Ted Morgan đã ví chuyện hai quả bom A giữa Dulles và Bidault giống như cuốn phim Rashomon.

“Buổi họp gay cấn giữa Dulles và Bidault y như trong phim Rashomon khiến cho người ta khó biết thực ra họ đã nói gì”(9)

Như chúng ta thấy Bidault và một số nhân chứng xác nhận Dulles đã đề nghị tặng bom, còn chính Dulles lại phủ nhận không nói thế. Có lẽ ông ta chối không nhận vì sợ trách nhiệm, có nhiều nhân chứng đã thấy hoặc nghe chuyện này từ hồi đó, không thể nào Bidault bịa ra được. Hôm đó Bidault thúc dục Dulles cho oanh tạc cứu nguy ĐBP vì tình hình quá bi đát, Dulles bó tay không giúp Pháp được vì điều kiện đòi hỏi của Quốc hội quá khó khăn. Ông bèn nói đại ra đề nghị bom A để chứng tỏ ông vẫn quan tâm cứu Pháp và đã cũng đoán trước là Bidault không dám nhận.

Ngày 26-4 Đô đốc Radford tới Anh tiếp xúc với Tổng TMT Anh và điện về Mỹ nói không hy vọng Anh tham gia cuộc chiến. Đại sứ Pháp được Thủ tướng Anh Churchill cho biết ông không thể giúp Pháp tại ĐBP:

“Chính phủ chúng tôi nhất trí chỉ có Hội nghị Genève có thể giải quyết tình hình Đông nam Á. Tôi thật đau lòng mà nói với ông như thế nhưng tôi không thể nói gì khác hơn được”(10)

Radford gặp Churchill chiều ấy, Thủ tướng nói “Đông dương chỉ có thể cứu bằng thứ kinh sợ nhất –Bom nguyên tử”

Thủ tướng Anh nói vui vậy thôi vì ông là bồ câu không thể chủ trương như thế.

Chuyện thả bom nguyên tử xuống ĐBP không thực hiện được như đã nói trên nhưng trên thực tế Mỹ đã chuẩn bị bom A chiến thuật ở hạm đội Thái bình dương. Trong trường hợp khẩn cấp Mỹ sẽ dùng thứ kinh sợ này để phá hủy các căn cứ Trung Cộng ở Hải Nam hoặc gần VN nếu họ liều lĩnh đưa quân sang Đông Dương.

Dulles kể lại ngày 10-4 ông đi Luân Đôn để thương thuyết kêu gọi Anh tham gia liên minh, đồng thời Mỹ đã đưa hai hàng không mẫu hạm Boxer và Philippine Sea vào biển Nam hải. Trên tầu có trang bị vũ khí nguyên tử chiến thuật để đe dọa Trung Cộng và để tấn công phá hủy các căn cứ quân sự của họ một khi họ đưa quân sang Đông dương (11)

Đầu tháng 4, Đô đốc Radford quyết định thăm dò ý kiến các Tham mưu trưởng lần thứ ba trước phiên họp ngày 2-4 tại tòa Bạch Ốc, lần này viết chi tiết. Câu hỏi là “Nếu chính phủ Mỹ được Chính phủ Pháp yêu cầu giúp đỡ tại Đông Dương bằng can thiệp Không quân hay Hải quân thì Ban Tham mưu liên quân sẽ lựa chọn bên nào? Để quan trọng hóa vấn đề, Radford nói câu hỏi này do Bộ trưởng quốc phòng đặt ra.

Tướng Twining, TMT không quân nói được nhưng nhưng cần ba điều kiện

Mỹ giữ quyền chỉ huy Không quân và Hải quân
Mỹ huấn luyện và tổ chức Quân đội VN
Pháp trả độc lập cho ba nước Đông Dương

Sau này trả lời phỏng vấn ngày 16-3-1965, Tướng Twining nói “ba quả bom A chiến thuật” có thể tiết kiệm thời gian, ĐBP là một vùng biệt lập, xung quanh không có tỉnh thành lớn chỉ có Cộng quân vận chuyển tiếp tế. Ta thả một quả bom cho đúng chỗ. Không ai chống đối. Và quét sạch bọn CS khỏi nơi đó và ban nhạc sẽ cử bản quốc ca Pháp Marseillaise , quân Pháp sẽ tiến ra khỏi ĐBP ngay ngắn. Và bọn CS sẽ nói “Chúng nó sẽ ném bom nữa, ta phải coi chừng”. Đó là ý nghĩ lạc quan, Twining như muốn nói “Nếu chúng ta đã làm thế thì bây giờ ta không phải đương đầu với chúng” tức cuộc chiến 1965 (12)

Tình hình Đông Dương căng thẳng, TT Eisenhower họp gấp HĐANQG ngày 6-4. Tại buổi họp có ba tờ tường trình về can thiệp: một của Hội đồng kế hoạch thuộc HĐANQG, một của Ủy ban đặc biệt Đông Dương do thứ trưởng Ngoại giao Smith và một văn thư sơ lược của Quân đội.

Hội đồng kế hoạch nói nếu can thiệp cần 35,000 người thuộc Hải quân và 5,600 Không quân, cũng cần có bộ binh. Báo cáo cũng cho biết cần xử dụng bom nguyên tử khi tình trạng chiến thuật đòi hỏi và được TT chấp thuận, lực lượng Mỹ can thiệp tùy thuộc vào việc xử dụng bom A, nếu không xử dụng bom A thì phải cần nhiều người, nếu xử dụng bom A thì cần it người (13) Bộ ngoại giao tường trình viêc dùng bom nguyên tử hay không nên được xác định rõ trong nhu cầu quân sự để đưa tới quyết định, tường trình cũng cho biết nếu xử dụng sẽ bị đồng minh chống đối.

Hội dồng kế hoạch cũng khuyên nếu cần có thể đưa quân Mỹ vào.

Nhiều năm sau, Radford trả lời phỏng vấn, ông ta vẫn tin oanh tạc là hữu hiệu “Nếu mà chỉ có oanh tạc đã có thể cứu nguy phá vòng vây ĐBP cần bàn cãi. Nếu ta ném bom nguyên tử có lẽ đã thành công … Ta có thể xử dụng cách này hay cách khác vào thời điểm của chiến dịch”

Theo tác giả Ted Morgan, Radford quên rằng bom nguyên tử có thể giết cả ta lẫn địch khi hai bên đã gần sát nhau (14)

Kết Luận

Năm 1945 Mỹ nhường Đông Âu cho Nga trước sự phản đối của Anh, họ đã bất đồng ý kiến nhau từ đó. Năm 1949 Mỹ bỏ Trung Hoa mà chưa nghĩ tới hậu quả, thậm chí muốn bỏ luôn Đài Loan. Nhưng năm 1950 khi CS Bắc Triều tiên được Sô viết, Trung Cộng yểm trợ tràn xuống chiếm Nam Triêu tiên thì người Mỹ hốt hoảng trước chiến lược tầm ăn dâu của CS. Họ vội nhẩy bổ vào để giữ Triều tiên và tuyên bố bảo vệ Đài Loan, đồng thời giúp Pháp tại VN chống CS. Năm 1954 viện trợ quân sự Mỹ cho Pháp chiếm khoảng 78%, họ đang hình thành chính sách ngăn chận CS tại ĐNÁ, thực ra đã trễ mất 5 năm nhưng vẫn còn hơn không.

Trong khi ĐBP đang sụp đổ từng ngày thì người Mỹ vẫn họp bàn, vận động chính trị thành lập liên minh chống CS tại ĐNÁ. Nội bộ Mỹ chia rẽ, để được sự ủng hộ can thiệp ĐBP Quốc hội đặt ra các điều kiện ngang ngược. Điều thứ nhất đòi các nước ĐNÁ Thái Lan, , Phi Luật Tân, Úc, Tân tây Lan (Liên hiệp Anh) gia nhập liên minh chống Cộng chia sẻ gánh nặng với Mỹ. Các nước nhỏ không thấy trả lời, Anh chống đối vì họ muốn hòa bình, Pháp mặc dù cầu khẩn Mỹ cứu nguy ĐBP nhưng cũng không chịu gia nhập Liên minh, họ tìm hòa bình để rút ra khỏi Đông Dương vì cuộc chiến này không còn phục vụ quyền lợi Pháp mà phục vụ quyền lợi Mỹ. Cuộc chiến chống CS tại ĐNÁ là để bảo vệ an ninh cho nước Mỹ nhưng Quốc hội Mỹ phản đối không muốn Mỹ phải gánh chịu 90% nhân lực như cuộc chiến Triều tiên.

Điều kiện thứ hai đòi Pháp trả độc lập cho các nước Đông Dương mà trên thực tế năm 1954 Pháp đã trả độc lập cho VN gần hết.

Điều kiên thứ ba thật vô lý mà Pháp không thể chấp nhận được, đòi hỏi Pháp trả độc lập cho Đông Dương sau đó phải ở lại chiến đấu, chiến đấu cho ai? cho an ninh nước Mỹ? Năm 1973, 1975 Mỹ vội vã tháo chạy khỏi Đông Dương vì bị phản chiến chống đối mạnh nhưng năm 1954 họ lại buộc Pháp phải ở lại chiến đấu trong khi Pháp cũng đã bị người dân chống đối dữ dội và đòi tìm hòa bình, rút ra khỏi Đông Dương. Người dân Pháp chống đối cuộc chiến theo quĩ đạo Mỹ, vì quyền lợi Mỹ.

Người Anh cương quyết không tham gia vì không có quyền lợi nhiều tại ĐNÁ, không chịu hy sinh cho quyền lợi Mỹ. Ngoại trưởng Dulles sau này nói sở dĩ Kên Kên không thực hiện được vì Anh không chịu tham gia Liên minh. Bernard Fall cho rằng dù Anh có đồng ý tham gia hay không, Eisenhower vẫn có toàn quyền quyết định, mười hai năm sau nhà lãnh đạo này cho biết không muốn cho Hoa Kỳ sa vào cuộc chiến tốn kém. Quyết định không cứu pháp ở ĐBP chính là của nước Mỹ, của cấp thượng đỉnh: Các vị Trưởng khối Lập pháp, Bộ tham mưu liên quân và Tổng thống, không thể đổ lỗi cho Anh (15)

Hai nhà lãnh đạo diều hâu Phó TT Nixon và Đô đốc Radford chủ trương can thiệp không cần Quốc hội nhưng TT Eisenhower không muốn thế, ông sợ sa lầy, sợ tốn kém và nhất là sợ mất phiếu của Cộng Hòa trong kỳ bầu cử bán phần Quốc hội 1954.

Quyết định của Hoa Kỳ không cứu nguy ĐBP bỏ rơi đồng minh tàn nhẫn năm 1954 đã ám ảnh theo đuổi chính phủ Eisenhower một cách kỳ lạ ngay cả sau khi ngoại trưởng Dulles qua đời năm 1959. Sự thất bại này đã khiến cho phía CS thắng lớn và trận đánh đã thay đổi cả một khúc quành lịch sử.

Bernard Fall cho rằng người Mỹ tránh can thiệp vào ĐBP năm 1954 để khỏi bị liên hệ nhưng rồi phải đối mặt với cuộc chiến lớn tại miền nam VN năm 1967. Nếu ĐBP không bị thất thủ năm 1954 có lẽ lịch sử VN sẽ ít phức tạp hơn. (16)

Như trên Tướng TMT không quân Twining sau này trả lời phỏng vấn ngày 16-3-1965, ông nói “ba quả bom A chiến thuật” có thể tiết kiệm thời gian, xung quanh ĐBP không có tỉnh thành lớn chỉ có Cộng quân vận chuyển tiếp tế. Nêu Mỹ đã oanh tạc ĐBP năm 1954 thì họ không phải đối đầu với cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai.

Rút kinh nghiệm năm 1954 Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội cứu Đông dương vào giờ chót, mười năm sau 1964 khi Johnson đã trở thành Tổng thống, ông đã xin được Quốc hội ra nghị quyềt để oanh tạc BV nhưng vì chỉ hạn chế nên đã không thành công.

Cuối năm 1972 Nixon oanh tạc BV dữ dội để buộc họ phải trở lại bàn hội nghị mà Sô Viết, Trung Cộng cũng không dám chống lại. Nhiều sử gia tiếc rằng nếu Mỹ đã đánh mạnh sớm hơn từ 1965 thì chiến tranh đã kết thúc, chưa chắc đã mất miền nam.

Sau này Kissinger cứ tiếc mãi: “Đúng ra mình phải ném bom chúng nó ngay hồi chúng tôi mới nhậm chức (tại tòa Bạch ốc)”(17)

Nixon nói: “Chúng ta có sức mạnh . . . vấn đề duy nhất là ta có ý muốn xử dụng sức mạnh đó hay không(18)

Năm 1954 cho dù Mỹ thực hiện kế hoạch Kên Kên hay xử dụng bom A chiến thuật, Trung cộng, Sô viết cũng dám đối mặt. Mỹ có bom nguyên tử năm 1945 mà mãi tới tháng 6-1949 Nga mới có nhờ đánh cắp tài liệu của Mỹ. Nói chung vũ khí cổ điển cũng như vũ khí hạt nhân của Mỹ vẫn trội hơn khối CS, vả lại Nga bị tàn phá nặng trong Thế chiến thứ hai không muốn một cuộc chiến lớn khác.

Cuối cùng từ kế hoạch Kên Kên, kế hoạch B cho Pháp mượn khoảng 15 oanh tạc cơ B-29 cho tới dự định ném bom nguyên tử cứu nguy ĐBP đều chết lịm không đi tới đâu.

Mười voi không được bát nước sáo.

© Trọng Đạt

© Đàn Chim Việt

(1) Theo Henri Navarre, toàn chiến trường Đông dương năm 1954 Pháp có 175 máy bay oanh tạc cơ, Agonie de l”Indochine trang 230. Theo Bernard Fall không quân Pháp năm 1954 có chưa tới 100 máy bay chiến đấu, Hell In A Very Small Place, The Siege of Dien Bien Phu trang 458.
(2) Bernard Fall, Hell In A Very Small Place trang 300. Fredrik Logevall, Embers Of War, The Fall Of An Empire And The Making of America’s Vietnam, trang 457
(3) Fredrik Logevall, Tro Tàn Cuả Chiến Tranh, Sự Suy Tàn Của Một Đế Quốc Và Sự Thành Hình Một Việt Nam Của Mỹ, dầy 840 trang, in năm 2012. Embers Of War, The Fall Of An Empire And The Making of America’s Vietnam

Ted Morgan Thung Lũng Tử Thần,Thảm Kịch Điện Biên Phủ Đã Đưa Mỹ Vào Cuộc Chiến Việt Nam, The Valley Of Death, The Tragedy At Dien Bien Phu That Led America In to The Vietnam War, dầy 722 trang, in năm 2010
(4) Bernard Fall Hell in a very small place trang 299. Tại các trang 306, 307 tác giả nói về Dulles đề nghị với Bidault ngày 14-4-1954
(5) Ted Morgan,The Valley Death, trang 393
(6) Sách kể trên trang 393
(7). Fredrik Logevall, Embers of War các trang 498, 499, 500
(8) Ted Morgan, The Valley Death các trang 478, 479, 480
(9) Sách kể trên, trang 476: The crucial, Rashomon-like meeting with Bidault makes it difficult to determine what was actually said.
(10) Sách kể trên, trang 492
(11) Sách kể trên, trang 482
(12) Sách kể trên, trang 399
(13) Sách kể trên, trang 414
(14) Sách kể trên, trang 323, 324
(15) Bernard Fall, Hell In A Very Small Place trang 312
(16) Hell In A Very Small Place trang 462
(17) We should have bombed the hell out of them the minute we took office. Walter Isaacson, Kissinger a Biography trang 248
(18) Richard Nixon, No More Vietnams trang 148.

29 Phản hồi cho “Mỹ dự định ném bom nguyên tử xuống Điện Biện Phủ 1954”

  1. Sơn says:

    Theo tôi hiểu thì có vẻ tác giả bài viết này có suy nghĩ như thê này phải không “Thực dâm pháp sang xâm lược Việt Nam tàn phá làng mạc giết hại nhân dân Việt Nam là đung? Phải chăng ông cha chúng ta khi bị giặc xâm lược giết hại nhân dân thì nên tập chung người dân lại cho họ giết? Các người theo giặc ngoại xâm làm tay sai cho họ giết hại đồng bào mình là các người đúng chăng? Các người những kẻ bán nước”? Còn những người Cộng Sản chúng tôi đánh đuổi giặc xâm lăng và lũ bán nước các người đi là sai hả bọn bán nước?

    • Bút Thép VN says:

      Ở cái thời đại thông tin @ 2014 rồi mà Sơn cứ như người còn nằm trong hang Pắc Pó không bằng?

      Mjạ, cứ hót như vẹt rằng thì là “Các người theo giặc ngoại xâm làm tay sai cho họ giết hại đồng bào mình là các người đúng chăng? Các người những kẻ bán nước”?” (hết trích) mà không đưa ra được một bằng chứng nhỏ xíu nào!

      Người ta bảo; “khi nào mà chó sủa không, chẳng thằng ăn trộm thì ông ăn mày”, nhưng với Sơn thì bâng quơ như chó sủa trăng (hay sủa ma vậy), nói mà không hiểu thì nói làm gi hả Sơn?

      Ai giết hại đồng bảo mình?

      Chính ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN đấy, họ xua quân từ Bắc vào Nam nhuốm máu đồng bào, cũng chính vì CSVN mở rộng chiến tranh, đem quân ồ ạt vào miền Nam năm 1965 nên Mỹ mới đổ quân vào “be bờ chống cộng”!

      Hàng triệu thanh niên ưu tú của VN đã phải “sinh Bắc tử Nam” Sơn biết không?

      Đã có thời giấy báo tử đến khắp mọi nhà (ở miền Bắc). Đến nay nhiều bộ đội chết vẫn chưa tìm thấy xác, ấy vậy mà các đồng chí của họ lại lừa gạt, lấy xương thú vật giả hài cốt đặt trên bàn thờ! Bất lương và vô nhân đạo quá phải không Sơn?
      https://www.youtube.com/watch?v=b8bTCk1pdFw

      Sơn says: “Còn những người Cộng Sản chúng tôi đánh đuổi giặc xâm lăng và lũ bán nước các người đi là sai hả bọn bán nước?” phải phì cười…..khặc khặc khặc!

      Sơn tập ăn nói ngược ngạo, dối trá từ CSVN?

      Kẻ bán nước chính là CSVN đấy Sơn ạ! Hãy coi lại công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng!
      http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-dispel-1958-diplo-note-before-against-cn-nn-06042014152740.html

      Ai ký những hiệp định dâng đất, cắt biển cho TQ vào những năm 1999 -2000? Đâu rồi Thác Bản Giốc, Suối Phi Khanh? Ải Nam Quan, hả Sơn? Hàng chục ngàn bộ đội đã gục ngã trong trận chiến biên giới 1979 bị nhà nước lãng quên?

      Sơn hãy động não suy nghĩ, nâng cao trí thức để không bị CSVN lừa gạt nhá!

  2. Thơ hồ Xuân Hương says:

    Một đàn thằng ngọng đứng ngắm chuông
    Chúng bảo nhau rằng ấy ái uông !

  3. Thắc-Mắc says:

    Chào TĐ, tác-giả bài viết này. ” Cô vọng ngôn chi, cô thính chi “, Tác-giả Liêu-Trai Chí-Dị viết ” Nói láo mà chơi, nghe láo chơi “, nghĩa là ông ấy viết láo, rồi vui với cái nói láo của mình. Riêng TĐ viết bài này mà không it người cho rằng TĐ viết ” láo “, nhưng so far có đến hơn 30 comments, nghĩa là có nhiều người khác thưởng-thức ” tài nói láo đó “. Riêng đối với tôi, khi TĐ viết một loạt bài về Trận ĐBP cách đây it lâu, thì tôi cũng đã có comments về những nguyên-nhân và hệ-quả của cuộc chiến ĐBP rồi, tôi không nhắc lại. Đọc bài này, gần như mỗi dòng đều có lý-do để phê-bình. Tuy nhiên, vì không muốn dài dòng tôi chỉ xin đóng-góp vài comments :
    (1) Trước mặt tôi là bản copy mà tôi đã print từ tài-liệu của Bộ QP Mỹ. Tài-liệu này được công-bố rộng-rãi. Đó là bản ” 2008 National Defense Strategy ” do Robert Gates, Secr. of Def. Mỹ bổ-túc từ những bản trước, có thể nói là mới nhất. Hy-vọng TĐ với những bài viết về quân-sự, chiến-thuật cũng như chiến-lược, có thể đã đọc. Nếu không, mong TĐ tìm đọc nó, để thấy rõ những nguyên-tắc cơ-bản cho chiến-lược quốc-phòng Hoa-kỳ Từ những nguyên-tắc này, những vị lãnh-đạo tối-cao Hoa-kỳ có thể vận-dụng linh-động chính-sách, đường-lối của mình, của đảng mình (DC hay CH), nhưng không ra ngoài những nguyên-tắc đó. Đây là khởi-điểm để tôi nói tiếp về bài viết này của TĐ.
    (2) Suốt một bài dài, người Pháp được đề-cập nhiều nhất về việc dùng máy bay B-29 hay bom nguyên-tử cho chiến-trường ĐBP, trong khi Mỹ mới là nhân-vật chính vì là sở-hữu-chủ của các vũ-khí này, lại it được nhắc đến.
    (3) TĐ luôn đề-cập Dulles và Bidault là những ngoại-trưởng trong mọi cuộc thảo-luận rõ nét về quân-sự. Về nước Pháp thì tôi không nghiên-cứu, nhưng về Hoa-kỳ, tôi không tin rằng TT Eisenhowwer lại cử Dulles đảm-đang công-việc này.
    (4) TĐ căn-cứ nhiều vào các sách của Bernard Fall, Fredrik Logevall, Ted Morgan. Nếu hầu hết bài này được trích-dẫn từ những sách của các vị đó, tôi tin rằng họ là những nhà viết tiểu-thuyết giả-sử giỏi.
    (5) Đoạn ” ĐBP vẫn được coi là ngang-hàng với Stalingrad. Trên thực-tế ĐBP đã được Tây-phương chú-ý nhiều và nổi danh hơn Stalingrad “. Để so-sánh hai sự-kiện này, không thể dùng nhãn-quan của những người chỉ biết mỗi cuộc chiến tại VN. Cần nhiều tài-liệu, mà hiện nay thì vô-số, sao TĐ chỉ khiêm-nhường nêu vài tác-giả trên. Hay quá cường-điệu chăng ?
    (6) Câu ” quyết-định của Hoa-kỳ không cứu nguy ĐBP, bỏ rơi đồng-minh tàn-nhẫn năm 1954 đã ám-ảnh theo-đuổi chính-phủ Eisenhowwer … Sự thất-bại này đã khiến cho phía CS thắng lớn và trận đánh đã thay-đổi cả một khúc quanh lịch-sử “. Tôi không biết phải cho đoạn này một comment như thế nào. Thật là hết ý-kiến. Mong rằng câu này không phải do TĐ tự ý viết ra. Mong rằng đó là một ý-kiến của một tên CSVN luôn luôn khoe-khoang từ đáy giếng mà vũ-trụ của nó chỉ là một vòm trời, không lớn hơn bàn tay.
    Và còn quá nhiều điểm phải được phê-bình, để tôi có thể kết-luận một câu thôi : Hoa-kỳ chắc-chắn đã không có một ý-niệm, dù là nhất thời, dù là bông-đùa, dù là gợi ý, cho việc dùng bom nguyên-tử – dù là bom A – trong toàn cuộc chiến tại VN nói chung, và trận ĐBP nói riêng. Mong các bạn khác tiếp sức.

    • Thích Nói Thật says:

      Thắc-Mắc says; “Riêng TĐ viết bài này mà không it người cho rằng TĐ viết ” láo “, nhưng so far có đến hơn 30 comments, nghĩa là có nhiều người khác thưởng-thức ” tài nói láo đó

      Gớm! bác Thắc-Mắc “chận đầu” sớm quá thế! Khi tôi gõ ý kiến này thì mới có được 27 comments!

      Tuy nhiên, nhiều hay ít không quan trọng, không phải hễ ai góp ý cũng là “có nhiều người khác thưởng-thức“, mà cần phải coi lại, có bao nhiêu người “vỗ tay” và bao nhiêu người “bịt mũi”?

  4. Thích nói láo says:

    Bom nguyên tử hạt nhân to bằng con bò tót đã được ném xuống lòng chảo Điện biên giữa lúc dầu sôi lửa bỏng tháng 4 năm 1954 nhưng nó tịt ngòi không nổ

  5. Thích Nói Thật says:

    Tôi đã đọc một vài bài tương tự, nhưng ở dạng nghi vấn rằng; “Mỹ định dùng bom nguyên tử ở điện biên phủ?” (sic). Nhưng nội dung bài viết cho thấy chỉ là chuyện ngoài lề và không có gì dẫn chứng!

    Nay tác giả Trọng Đạt đưa bài viết này lên với cái tựa đề như khẳng định chắc nịch: ““Mỹ dự định ném bom nguyên tử xuống Điện Biện Phủ 1954“, nhưng nội dung chẳng có gì mới mẻ, cũng không có gì dẫn chứng cụ thể!

    Lối viết (tắc trách) này đã bị CSVN lợi dụng cho việc tuyên truyền của họ trong mấy chục năm qua rằng; “Mỹ có ý định ném bom nguyên tử ở VN”, có kẻ ác ý lại đồ thêm rằng “đó là do Vatican thúc đẩy, chủ trương” (?)

    Trên báo cand.com ngày 13/05/2014 của CSVN có bài: “Năm 1954, người Mỹ đã định ném 3 quả bom nguyên tử xuống… Điện Biên Phủ như thế nào? (của Đặng Vương Hùng) (?)

    Ông Trọng Đạt viết: “Chuyện xử dụng bom nguyên tử để cứu nguy Điện Biên Phủ được nói tới ba lần, một vào đầu tháng tư, ngày 3-4, 4-4 và một vào giữa tháng 4 và cuối cùng vào hạ tuần tháng tư 22-4, 24-4. Nhưng các nhân chứng nói trái ngược nhau, các tác giả cũng nói hơi khác nhau“. (hết trích).

    Ngay đoạn này cho thấy chỉ là chuyện tán gẫu bên lề trong lúc “trà dư tửu hậu”, hay “ý kiến” của một vài cá nhân (không phải ý định của chính hủ Mỹ) ?

    Vì nếu là có thật thì đâu có chuyện “Nhưng các nhân chứng nói trái ngược nhau, các tác giả cũng nói hơi khác nhau ?

    CSVN lợi dụng tất cả mọi sơ hở của Mỹ, của truyền thông báo chí, để khai thác cho việc tuyên truyền láo toét thì còn có thể hiểu được, vì đó là bản chất dối trá và bịm bợm của họ.

    Nhưng lối viết của ông Trọng Đạt thì không thể chấp nhận, ông đã nối giáo cho giặc, cố tình làm chứng dối, hay ông muốn tỏ ra là người am hiểu thời sự, bất kể sự thật ?

    Trích: “Cũng theo Bernard Fall, ngoại trưởng Dulles từ Luân Đôn sang Pháp ngày 14-4 gặp Bộ trưởng ngoại giao Pháp Bidault, trong buổi nói chuyện đặc biệt này Dulles đã đề cập rõ ràng vấn đề xử dụng bom nguyên tử để cứu ĐBP. Theo nguồn tin khả tín Dulles đã nói với Bidault bằng tiếng Pháp “Nếu chúng tôi cho các ông các ông hai quả bom nguyêt tử để cứu nguy ĐBP thì sao? Dulles đã từng du học Sorbonne, nói rành tiếng Pháp và Bidault đã từng là giáo sư Anh văn, vì vậy không thể có vấn đề hiểu lầm được. Bidault đã trả lời bom nguyên tử sẽ tàn sát cả hai bên, Tướng Ély không cho vấn đề này là quan trọng nhưng đã cho biết trên tầu sân bay của hạm đội Bẩy có để sẵn bom nguyên tử phòng khi hữu sự.

    Thưa ông Trọng Đạt;

    Tại sao Ông chỉ căn cứ vào những gì Bernard Fall viết, mà không truy tìm nguyên nhân của câu nói từ “ngoại trưởng Dulles” (người nói) nếu có, và Bộ trưởng ngoại giao Pháp Bidault (người nghe) nếu có, và Tướng Ély (là người chứng kiến)?

    Nhất là câu nói được ghi nhận “trong buổi nói chuyện đặc biệt“, có nghĩa là cuộc thảo luận đã phải được ghi chép rõ ràng trong tài liệu (không chừng có cả ghi âm nữa) ?

    Nếu đúng như Ông viết: (trích) “Theo Bernard Fall việc xử dụng bom nguyên tử đã được các nhà kế hoạch quân sự quan tâm, ngay cả Eden, ngoại trưởng Anh đã tin là việc xử dụng bom A không hoàn toàn bị loại bỏ và nó vẫn sẵn sàng được dùng tới” (hết trích) thì chuyện này không chỉ là “ý kiến cá nhân” nữa, mà đã có “kế hoạch quân sự” đàng hoàng, vậy mà tại sao “các nhân chứng nói trái ngược nhau” được?

    Ông có thấy vô lý và bịa đặt không?

  6. Bàn thêm says:

    Sự thật đây chỉ là bom A (atomic) chiến thuật chứ không phải bom H (bom khinh khí Hydrogen bomb, mạnh gấp hàng trăm lần bom A), bom A chiến thuật có nghĩa là bom nguyên tử loại nhỏ, anh Choi Song Jong trông gà hóa cuốc chưa đọc đã la toáng lên, chưa phân biệt được bom A, bom H là gì thì còn bàn cái gì?
    Sở dĩ người Mỹ nghĩ tơi việc xử dụng bom A tại DBP vì gặp trở ngại khi kế hoạch Kên Kên không được quốc hội OK, nhưng thực ra chính người Pháp phản đối bom A vì nó giết cả hai bên nên không thể nào thành, Tướng Giáp năm 1991 trả lời phỏng vấn Stanley Karnow cũng nói thế
    Năm 1945 Mỹ đã có bom nguyên tử (bom A) , ai cũng đều biết cả, thang’ 6 năm 1949 Nga mới có bom nguyên tử (A) nhờ ăn cắp tài liệu bí mật Mỹ, nhưng năm 1952 và 1953 Mỹ có bom H và và Nga có bom H năm 1953
    Chuyện dự tính xài bom A loại nhỏ tại DBP chỉ là một lời bàn chứ chưa có kế hoạch cụ thể vì ảnh hưởng chính trị của nó rất lớn, rất dữ dội….nó chỉ có cái lợi là không phải hỏi quốc hội cứ liệng đại đi rồi tính …..
    Họ có bàn tới nhưng không dám xài

  7. Hồng Ân says:

    Nếu bom A được dung vào tháng 4 năm 1954 ở ĐBP, thì lịch sử VN đương đại sẽ khác rất nhiều.
    Cả Mỹ và Pháp đã để mất một cơ hội tốt, nhưng có lẽ người đáng trách nhất trong vụ này là Anh

    Hong An

  8. Choi Song Djong says:

    Tg Trọng Đạt tìm đâu ra cái lý lẽ…chẳng thuyết phục tí nào.Cứ làm như khi quyết định ném bom nguyên tử là dễ như…ném đá,hơn nữa lúc ấy Pháp còn ở Vn và người Mỹ chưa chính thức thay thế người Pháp.Họ ném ở Nhật không phải vì để mang về chiến thắng cuối cùng mà là chính trị,bắt buộc người Nhật phải đầu hàng vô điều kiện và cũng vì để thử loại bom H trước Liên Sô,và từ đó chỉ có Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất ném bom H thật sự trong chiến tranh.Nếu nói HK muốn dùng bom H trong trận ĐBP thì phải hỏi tai sao và làm cách nào để trả lời với thế giới vì tính cần thiết.

    • Lại Mạnh Cường says:

      Dear Choi Song Djong,

      Bom H là bom kinh khí, dữ dội hơn bom A (nguyên tử)
      Ở đây dự trù sử dụng bom A chiến thuật, ko mạnh như thả ở Nhật.
      Trọng Đạt dẫn chứng có những cân nhắc cần sử dụng bom A mà thôi.
      Tôi thấy những giả thuyết (phần cuối) của bạn mới đáng bàn, xin đưa bằng chứng.

      Thân ái,
      Lại Mạnh Cường

      • Trực Ngôn says:

        Tôi đồng ý với ý kiến của Choi Song Djong!

        Chẳng thuyết phục tí nào!

        Ông Trọng Đạt cũng chỉ lượm lặt từ tin tức “bất khả tín” của Bernard Fall rằng; “ngoại trưởng Dulles từ Luân Đôn sang Pháp ngày 14-4 gặp Bộ trưởng ngoại giao Pháp Bidault, trong buổi nói chuyện đặc biệt này Dulles đã đề cập rõ ràng vấn đề xử dụng bom nguyên tử để cứu ĐBP“.

        Đọc tiếp; “Trước hết là Jean Chauvel, một nhân chứng của buổi nói chuyện này, ông là Đại sứ Pháp tại Thụy Sĩ, nhà ngoại giao đáng tin cậy. Ông này có mặt trong lần thảo luận giữa Bidault và Dulles và đã kể lại trong hồi ký khi Bidault, Dulles, Eden tới đó ngày 24-4. Ba ông Ngoại trưởng Pháp, Mỹ, Anh này đã để phụ tá của họ làm việc và họ vào nói chuyện với nhau trong một phòng nhỏ riêng biệt. Jean Chauvel đi theo họ, ông nghe Dulles nói nhỏ : “Ông có muốn hai quả bom không? Chauvel hiểu là bom A, sẽ do phi công Pháp thả, Bidault ngả người ra ghế. Khi ấy Eden đã đi khỏi, không nghe câu chuyện này, Chauvel nhắc Bidault trả lời.

        Nguồn thứ hai là Maurice Schumann, Phụ tá bộ trưởng ngoại giao Pháp đã ghi lại “Bidault vào văn phòng tôi, đó là sự khác thường, vì ông là xếp của tôi hay gọi tôi qua phòng ông. Mặt ông trắng bệch nói.
        “Ông thử tưởng tượng Dulles nói gì với tôi? Ông ấy đề nghị xử dụng bom nguyên tử để cứu nguy ĐBP” Schumann đáp: “Ông cứ bình tĩnh, ông ấy chỉ giả dụ vậy thôi, nếu mình đồng ý thì ông ta sẽ lo âu
        “.

        Báo chí đưa tin như đinh đóng cột rằng “Ông Thiệu đưa theo 18 tấn vàng ra ngoại quốc”, nhưng nay thì chỉ là “tin vịt”!

        Còn chuyện “Mỹ định ném bom nguyên tử ở VN” rõ ràng bị thêu dệt (có thể) là từ ý kiến của cá nhân của ai đó biến thành (hay thổi phồng) “Dự định của Mỹ”?

        Chuyện tạp nham mà ông Trọng Đạt đem đóng đinh vào tựa đề; “Mỹ dự định ném bom nguyên tử xuống Điện Biện Phủ 1954″ (làm như thật) híc híc híc!

    • Huỳnh says:

      Mỹ ném bom A xuống 2 thành phố của Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki và định ném bom A xuống Điện Biên Phủ của Việt Nam, chứ không phải bom H.

      1- Bom A: là loại bom hạt nhân đơn giản, lấy năng lượng từ quá trình phân hạch (còn gọi là phân rã hạt nhân). Một vật liệu có khả năng phân rã được lắp ráp vào một khối lượng tới hạn, trong đó khởi phát một phản ứng dây chuyền và phản ứng đó gia tăng theo tốc độ của hàm mũ, giải thoát một năng lượng khổng lồ. Quá trình này được thực hiện bằng cách bắn một mẫu vật liệu chưa tới hạn này vào một mẫu vật liệu chưa tới hạn khác để tạo ra một trạng thái gọi là siêu tới hạn. Khó khăn chủ yếu trong việc thiết kế tất cả các vũ khí hạt nhân là đảm bảo một phần chủ yếu các nhiêu liệu được dùng trước khi vũ khí tự phá hủy bản thân nó. Thông thường vũ khí như vậy được gọi là bom nguyên tử, viết tắt là bom A.

      2- Bom H: Là loại bom hạt nhân cao cấp hơn, lấy năng lượng nhiều hơn từ quá trình nhiệt hạch (còn gọi là tổng hợp hạt nhân). Trong loại vũ khí này, bức xạ nhiệt từ vụ nổ phân rã hạt nhân được dùng để nung nóng và nén đầu mang tritium, deuterium, hoặc liti, từ đó xảy ra phản ứng nhiệt hạch với năng lượng được giải thoát lớn hơn rất nhiều. Thông thường vũ khí như vậy được gọi là bom khinh khí, còn gọi là bom hydro, hay bom nhiệt hạch, viết tắt là bom H. Bom H có thể giải thoát một năng lượng lớn hơn hàng ngàn lần so với bom nguyên tử – bom A.

      3- Bom neutron: là loại bom tinh vi hơn cho một số mục đích đặc biệt. Vụ nổ hạt nhân được thực hiện nhờ một luồng bức xạ neutron xung quanh vũ khí hạt nhân, sự có mặt của các vật liệu phù hợp (như Coban hoặc vàng) có thể gia tăng độ ô nhiễm phóng xạ. Người ta có thể thiết kế vũ khí hạt nhân cho phép neutron thoát ra nhiều nhất; những quả bom như vậy được gọi là bom neutron. Về lý thuyết, các vũ khí phản vật chất, trong đó sử dụng các phản ứng giữa vật chất và phản vật chất, không phải là vũ khí hạt nhân nhưng nó có thể là một vũ khí với sức công phá cao hơn tất cả các loại vũ khí hạt nhân.

    • Lại Mạnh Cường says:

      Thưa bà con,

      Có một số tài liệu đưa ra từ phía báo chí CS cho rằng, người Mỹ đã hơn một lần dự tính sử dụng bom A chiến thuật ở chiến trường miền Nam.
      Mong rằng Trọng Đạt tìm hiểu và viết bài tổng kết cho rộng đường dư luận ở đây.
      Cám ơn thật nhiều.

      Lại Mạnh Cường

      ==

      Thế giới
      06:26 ngày 02 tháng 05 năm 2014

      Vì sao giới khoa học Mỹ phản đối tấn công hạt nhân ở Việt Nam?

      TP – Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ nhiều lần khởi thảo kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Việt Nam và Lào, nhưng rồi đều hủy bỏ. Theo một số tài liệu được giải mật, các nhà khoa học Mỹ cảnh báo, việc tấn công hạt nhân ở Đông Nam Á là “lợi bất cập hại”.

      Hồi giữa thập niên 60, khi chiến tranh Việt Nam đang khốc liệt, Bộ Quốc phòng Mỹ bắt đầu một nghiên cứu để xác định tính khả thi và thích đáng của việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Việt Nam, nhằm phong tỏa đường mòn Hồ Chí Minh, phá hủy các căn cứ quân sự, cảng biển, hoặc tàn sát một lượng lớn quân đối phương…

      Bản nghiên cứu năm 1967 có tựa đề “Vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Đông Nam Á” và được giải mật nhiều năm sau đó. Điểm mấu chốt của nghiên cứu này là việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Việt Nam sẽ không đem lại cho Mỹ lợi thế quân sự mang tính quyết định mà lại gây hậu quả nghiêm trọng đối với binh sĩ Mỹ trên chiến trường và lợi ích của Mỹ trên khắp thế giới.

      Bản nghiên cứu do bốn nhà vật lý thực hiện. Họ cộng tác với Phòng vị Jason của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Mỹ – nơi một nhóm nhà khoa học thường xuyên gặp gỡ để cung cấp những lời khuyên bí mật cho các quan chức quốc phòng. Kết luận của bản nghiên cứu được trình lên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc ấy là ông Robert McNamara.

      “Tác động chính trị của việc Mỹ lần đầu sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Việt Nam sẽ rất xấu và có thể rất thảm khốc”, các nhà khoa học Mỹ viết.

      Họ cảnh báo rằng, việc Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật lần đầu tiên có thể dẫn tới tình trạng Liên Xô hoặc Trung Quốc cung cấp vũ khí tương tự cho Việt Cộng (Quân Giải phóng miền Nam) và miền bắc Việt Nam. Điều đó làm tăng nguy cơ các lực lượng của Mỹ ở Việt Nam “sẽ bị hủy diệt tận gốc” trong các đợt phản công trả đũa của quân du kích được trang bị vũ khí hạt nhân.

      Các nhà khoa học Mỹ viết rằng, nếu điều đó xảy ra, “các nhóm nổi dậy khắp nơi trên thế giới sẽ ghi nhớ và tìm mọi cách để có được vũ khí hạt nhân chiến thuật”.

      Họ cảnh báo: “Việc lần đầu sử dụng vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á có thể dẫn tới việc tăng đáng kể nguy cơ dài hạn của các chiến dịch du kích hạt nhân ở những nơi khác trên thế giới”, như tấn công vào kênh đào Panama, kho chứa và đường ống dẫn dầu ở Venezuela, thủ đô Tel Aviv của Israel… “An ninh của Mỹ sẽ bị đe dọa nghiêm trọng nếu việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật của các lực lượng du kích trở nên phổ biến”, các nhà khoa học Mỹ kết luận.

      Không quân Mỹ từng muốn dùng vũ khí hạt nhân ở Việt Nam và Lào

      Không quân Mỹ từng muốn sử dụng vũ khí hạt nhân ở Việt Nam năm 1959 và 1968 và ở Lào năm 1961, để xóa sổ quân du kích, theo các tài liệu của Không quân Mỹ được giải mật gần đây.

      Năm 1959, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, “tướng Thomas White muốn làm tê liệt quân nổi dậy và các tuyến đường tiếp tế của họ bằng cách tấn công một số mục tiêu ở miền bắc Việt Nam bằng vũ khí thông thường hoặc vũ khí hạt nhân”, một tài liệu viết.

      Tuy nhiên, tham mưu trưởng của các binh chủng khác không tán thành tấn công Việt Nam bằng vũ khí hạt nhân. Bảy tháng sau đó, đề xuất của tướng White được rút lại. Tập tài liệu mật dài 400 trang có tựa đề “Không quân Mỹ ở Đông Nam Á: Cuộc chiến ở Bắc Lào giai đoạn 1954-1973”.

      Theo báo cáo giải mật, tướng White “yêu cầu Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân bật đèn xanh cho việc gửi một phi đội máy bay ném bom B-47 của Bộ chỉ huy không quân chiến lược tới căn cứ không quân Clark ở Philippines” để chuẩn bị cho đợt tấn công Việt Nam.

      Đề xuất sử dụng vũ khí hạt nhân của tướng White có thể bắt nguồn từ một công trình nghiên cứu của Không quân Mỹ có tựa đề “Vũ khí nguyên tử trong các cuộc chiến tranh hạn chế ở Đông Nam Á”, báo cáo giải mật viết.

      Nghiên cứu đó tập trung vào việc sử dụng vũ khí nguyên tử để kiểm soát tình hình trong rừng rậm, tuyến tiếp tế vùng thung lũng, khu vực đá vôi, hẻm núi, nhằm ngăn địch di chuyển và khai quang những chỗ địch trú ẩn.

      Một năm sau đó, trong giai đoạn từ tháng 12/1960 đến tháng 1/1961 diễn ra chiến dịch cầu hàng không của Liên Xô nhằm cung cấp “lương thực, nhiên liệu và thiết bị quân sự” cho các lực lượng thân Mátxcơva ở Lào, thông qua Hà Nội, tài liệu giải mật của Không quân Mỹ viết. Tháng 3/1961, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ “bác bỏ một kế hoạch huy động tới 60.000 quân với sự hỗ trợ của không quân và vũ khí hạt nhân”.

      Năm 1968, ngay trước cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, các lực lượng bắc Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam tấn công quân Mỹ ở khu vực chia cắt hai miền. Để đáp trả, tướng William Westmoreland, chỉ huy các lực lượng Mỹ ở miền nam Việt Nam, giơ tay với lấy nút bấm hạt nhân.

      “Cuối tháng 1, tướng Westmoreland cảnh báo rằng, nếu tình hình gần khu phi quân sự và tại Khe Sanh xấu đi một cách trầm trọng, có thể sẽ phải sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hóa học”, một tài liệu tuyệt mật khác (dài 106 trang) viết.

      “Điều này khiến tướng John McConnell (Tham mưu trưởng Không quân Mỹ) thúc ép Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quan yêu cầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương chuẩn bị kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân năng lượng thấp để ngăn chặn một mất mát thảm khốc đối với căn cứ thủy quân lục chiến”, tài liệu viết. Tuy nhiên, nỗ lực của tướng McConnell cũng trở thành công cốc.
      (…)
      Trong cuốn hồi ký In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam (Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và bài học về Việt Nam), cựu Bộ trưởng Quốc phòng McNamara viết rằng, sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột lớn hơn và đẫm máu hơn.

      Ít nhất 3 lần trong nhiệm kỳ của ông tại Lầu Năm Góc, vào mùa thu năm 1964, tháng 11/1965 và mùa xuân năm 1966, các tướng lĩnh Mỹ ép Bộ Quốc phòng và Nhà Trắng cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân ở Việt Nam.

      Lần cuối cùng, ngày 20/5/1966, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ gửi cho Bộ trưởng McNamara một bức thư báo “nhắc lại quan điểm của họ rằng, có khả năng cần xâm lược bắc Việt Nam, Lào và Campuchia, liên quan việc triển khai các lực lượng Mỹ tới Thái Lan và một điều hoàn toàn có thể là sử dụng vũ khí hạt nhân ở phía nam Trung Quốc. Họ nhấn mạnh, tất cả những điều này nêu bật sự cần thiết huy động quân dự bị Mỹ”.

      Trong cuốn hồi ký, ông McNamara kể câu chuyện thâm cung bí sử về quá trình ra chính sách của chính quyền Kennedy và Johnson, làm rõ sự phá sản của phương pháp thực dụng. Các quyết định được đưa ra theo từng ngày, ít quan tâm hậu quả lâu dài và không hiểu mối quan hệ nối liền giữa hành động quân sự, ngoại giao và chính trị.

      Theo ông McNamara, chính quyền Kennedy khởi động vụ đảo chính lật đổ và sát hại Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa là Ngô Đình Diệm vào tháng 11/1963 mà không đạt được sự đồng thuận về sự cần thiết loại bỏ ông Diệm hoặc chế độ nào, người nào sẽ thay thế ông ta.

      Hồi ký của cựu Bộ trưởng Quốc phòng McNamara tập trung thảo luận các chiến lược quân sự và chính trị diễn ra thời chính quyền Kennedy và sau đó là chính quyền Johnson. Ông McNamara đau đớn thừa nhận sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng và niềm tin mù quáng vào sức mạnh Mỹ, một trong những nguyên nhân dẫn tới sự thất bại của siêu cường này trong chiến tranh Việt Nam.

      Các quan chức cấp cao của Mỹ không hiểu biết về lịch sử, văn hóa, truyền thống chính trị của các nước Đông Nam Á và sự mù quáng này là một vết thương tự gây ra.

      • Trần Quang Thái says:

        Trích: “TP – Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ nhiều lần khởi thảo kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Việt Nam và Lào, nhưng rồi đều hủy bỏ. Theo một số tài liệu được giải mật, các nhà khoa học Mỹ cảnh báo, việc tấn công hạt nhân ở Đông Nam Á là “lợi bất cập hại”“.

        Cần phải hiểu cho rõ: “Mỹ nhiều lần khởi thảo kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Việt Nam và Lào, nhưng rồi đều hủy bỏ”, tức là = KHÔNG CÓ Ý ĐỊNH! (mới bàn thảo và chưa có quyết định)

        CÓ Ý ĐỊNH = Đã quyết định, đã chuẩn bị nhưng vì trục trặc kỹ thuật, bị cản trở, không thể thực hiện được!

        Nếu Mỹ thật sự có ý định ném bom nguyên tử thì trận địa Điện Biên Phủ đã hoàn toàn khác, và chưa chắc đã có nhà cầm quyền CSVN cao ngạo và độc tài như ngày nay?

      • Lại Mạnh Cường says:

        Dear Trần Quang Thái,

        Bác phân tích chữ nghĩa rất chính xác. Nhưng ở đây tôi muốn nhấn mạnh ở điểm như đã đưa ra ngay trong dòng đầu là, MỸ HƠN MỘT LẦN CÓ Ý ĐỊNH SỬ DỤNG BOM NGUYÊN TỬ CHIẾN THUẬT Ở CHIẾN TRƯỜNG VIỆT NAM !

        Họ phải cân nhắc thật kỹ, bởi ta thấy đó là vũ khí hủy diệt dữ dội, giết người hàng loạt (weapon of mass-destroying) và làm bẩn môi sinh ghê gớm do nhiễm phóng xạ.

        Đầu năm 1975, tôi học khoá Quân y Cấp cứu ở Tổng y viện Cộng Hoà trong hai tuần. Tôi học sơ qua một bài về tác hại của nó. Tôi nhớ đại khái như sau:

        1/ Nhiệt độ lên cao khủng khiếp, tạo ra những đám cháy
        2/ Ánh sáng chói loà làm đốt cháy giác mạc mắt con người
        3/ cơn lốc hay con trốt cuốn hút mọi thứ bốc lên cao và ném văng ra xa
        4/ phóng xạ là tác hại lâu dài, trên người và môi sinh.
        Những nạn nhân sẽ bị bệnh ung thư đủ loại, như các loại ung thư máu, aplastic anemia chẳng hạn

        Như thế nếu ném bom A xuống Điện Biên Phủ, thì chẳng những quân đội tham chiến hai bên đa phần đếu chết ngay tại chỗ và thương vong rất lớn, mà cả dân quanh vùng cũng bị vạ lây.
        Riêng ở ĐBP số dân công đông gấp bội lính tham chiến. Như thế con số nạn nhân vì bom nguyên tử sẽ rất cao.
        Nhiều năm sau tác hại của phóng xạ lan toả ra do đám mây phóng xạ rơi xuống từ từ vào các hồ ao sông suối, và đất cát tiếp tục tác hại lên mọi sinh vật ở một vùng rộng. Đồ ăn thức uống, thậm chí gia súc và sản phẩm của chúng (sữa, thịt …) cũng bị nhiễm phóng xạ. Vụ nổ lò nguyên tử Chernobyl ở Ukraine cho ta bài học lớn này. Lúc đó các nước Tây Âu lo sốt vó luôn về các đám mây nguyên tử theo gió mưa bay đi muôn phương và rơi xuống ở một vùng bán kính có thể cả ngàn km.

        Riêng tôi nghĩ, dù cho lúc đó Liên Xô chưa có, hay đã có bom A, nhưng chưa kinh nghiệm như Mỹ, thì Mỹ cũng không dám sử dụng. Hậu quả không thể nào lường trước được.

        Ta thấy ngay như ở Nhật, Mỹ có đủ lý cớ vững vàng để sử dụng bom A; cũng nhân cơ hội nôn nóng muốn thử trên thực tế; đồng thời qua đó răn đe Nga là chính và các kẻ thù (tương lai) khác của Mỹ là phụ, thế mà họ đã “lãnh búa” nhiều năm sau khi gặt hái chiến thắng huy hoàng, qua sự đầu hàng vô điều kiện của Nhật.

        Cứ xem chuyện Chất độc Da cam mà còn ầm ĩ mãi tới tận giờ. Can thiệp quân sự ở Đông Dương lần Hai tạo ra Mặc cảm Việt Nam (The Vietnam Syndrome) cho thấy LỢI BẤT CẬP HẠI.

        Cuối cùng Mỹ đã khôn ngoan chọn giải pháp sử dụng tối đa các vũ khí qui ước (conventional weapon) tân tiến nhất, như B-52, F-111, bom CBU … và qua đó phát triển thêm nữa loại vũ khí này cho đến ngày hôm nay. Đơn giản là vì chiến tranh nguyên tử đồng nghĩa với ngày tận thế, cho nên tránh dùng là tốt nhất.

        Cũng may ở Đông Dương hai bên chưa dùng đến loại vũ khí giết người hàng loạt khác là vũ khí hóa học, như ở thời Đệ Nhất thế chiến, hay trong chiến tranh giữa Iran-Irak trong thập niên 80, ở Syria và một vài nước ở Trung Đông.

        Dù sao tôi rất mừng là người Mỹ không sử dụng các loại vũ khí giết người hàng loạt nói trên, bởi nạn nhân đa phần là dân vô tội, cũng như tàn phá đất nước Việt, mối thù Việt Mỹ sẽ sâu đậm rất nhiều ,… mà tôi cho rằng sẽ không thắng nổi bọn CS trong chiến tranh vào thời đó.

        Tôi cũng đang muốn tìm hiểu điều khác nữa. Đó là liệu người Mỹ có cân nhắc sử dụng vũ khí nguyên tử ở bán đảo Triều Tiên chăng ???

        Điều may mắn nhất là, sau nhiều năm nghiên cứu và cổ võ cho nguyên tử với motto NGUYÊN TỬ PHỤNG SỰ HÒA BÌNH, rồi bị đe doạ bởi nguyên tử dẫn xuất từ cái hoạ thế chiến thứ ba bằng vũ khí hạch tâm, cũng như những tai nạn rò rì lò nguyên tử từ các tàu ngầm nguyên tử, hay ở các nhà máy điện nguyên tử, nhưng chính yếu là các cuộc chạy đua vũ trang điên cuồng nhất là vũ khí nguyên tử đủ loại, khiến cho hai siêu cường Nga Mỹ vừa mệt mỏi vì căng thẳng và tốn kém, nên cuối cùng hai anh to đầu phải nghĩ đến chuyện xuống thang và đưa đến giải trừ quân bị, chính yếu là kho vũ khí nguyên tử nằm rải rác ở lãnh thổ nước họ và các nước đồng minh của hai khối tư bản và CS.

        Mong được nghe cao kiến bốn phương trời để học hỏi thêm.

        Kinh,
        LMC

    • Lại Mạnh Cường says:

      Theo báo điện tử lề phải

      Năm 1954, người Mỹ đã định ném 3 quả bom nguyên tử xuống… Điện Biên Phủ như thế nào?

      10:30, 13/05/2014

      (…)
      Chiến dịch “Chim Kền Kền” ném bom nguyên tử

      Khi Điện Biên Phủ có nguy cơ thất thủ, để cứu vãn tình thế Đô đốc Arthur W. Radford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã soạn ra kế hoạch can thiệp quân sự trực tiếp vào Việt Nam. Bản kế hoạch tuyệt mật này được gọi là “Chiến dịch Kền kền” (Operation Vulture).
      Theo đó, Mỹ sẽ dùng 60 máy bay ném bom hạng nặng B-29 Superfort (mỗi chiếc có thể chở 8 tấn bom) cất cánh từ căn cứ không quân Clark Field ở Philippines để ném bom rải thảm, mỗi đợt khoảng 450 tấn bom, xuống các vị trí của bộ đội Việt Nam ở Điện Biên Phủ, đồng thời dùng 150 máy bay chiến đấu (từ các hàng không mẫu hạm của Hạm đội số 7 hoạt động trong Vịnh Bắc Bộ) để hộ tống các máy bay ném bom nói trên…
      Để che giấu bàn tay can thiệp của Mỹ, Radford đề nghị xóa bỏ phù hiệu của không quân Mỹ trên thân máy bay và lập một phi đoàn tình nguyện quốc tế, bằng cách thuê phi công thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Ngoài loại bom thường (mỗi quả nặng 2 tấn), Radford còn đề nghị sử dụng 3 quả bom nguyên tử chiến thuật (tactical atomic bombs). Theo các chuyên gia của Lầu Năm Góc tính toán thì “Chỉ cần 3 quả bom nguyên tử chiến thuật sử dụng cho đúng, thì cũng đủ nghiền nát lực lượng Việt Minh ở Điện Biên Phủ” lúc bấy giờ.
      Kế hoạch tuyệt mật trên của Radford đã được Tổng thống Mỹ Eisenhower, Phó tổng thống Nixon, Dulles, tướng Nathan F.Twining (Tham mưu trưởng Không quân Mỹ)… tán thành!
      Rất may, khi đại diện phe “diều hâu” Mỹ hồi ấy là Ngoại trưởng Dulles và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Raford đưa “Chiến dịch Kền kền” ra thăm dò tại Quốc hội đã bị nhiều ý kiến phản đối. Hầu hết các nghị sĩ đều lắc đầu, bởi họ sợ phải đưa lục quân vào Việt Nam và rơi vào một cuộc chiến tranh nữa giống như ở bán đảo Triều Tiên vừa đình chiến.
      Lyndon Johnson (sau này là Tổng thống Mỹ), thủ lĩnh phe đa số trong Thượng viện Mỹ, nhấn mạnh rằng: Thứ vũ khí này sẽ quét sạch quân đội của cả hai phe. Vì không thể tính được bao nhiêu đơn vị lính Pháp có thể sống sót trong một cuộc tấn công bằng bom nguyên tử.
      Ngay Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Raford cũng không được các Tham mưu trưởng đồng thuận. Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ là tướng Matthew Ridgway cũng đã kiên quyết phản đối việc đưa bộ binh vào Đông Dương! Các nghị sĩ đã đặt điều kiện: Quốc hội sẽ không ủng hộ việc Mỹ can thiệp quân sự vào Việt Nam chừng nào Chính phủ không được các đồng minh, đặc biệt là nước Anh, cam kết có hành động chung.
      Nhưng ngày đó nước Anh, một đồng minh thân cận của Mỹ, cũng không ủng hộ “Chiến dịch Kền kền”. Họ chỉ mong chiến tranh Đông Dương sớm kết thúc, thông qua đàm phán ở Genève… Trong khi Mỹ thì muốn có hành động tập thể dựa trên một thỏa thuận chính trị với nước Pháp và nước Anh.
      Và như thế, nếu “Chiến dịch Kền kền” được Mỹ thực hiện năm 1954, Việt Nam sẽ phải chịu thảm họa hạt nhân như Nhật Bản 9 năm trước đó. Chẳng ai biết được hậu quả khôn lường, khi những quả bom nguyên tử được Mỹ ném xuống, sẽ có thêm bao nhiêu nạn nhân của thứ vũ khí khủng khiếp và cả nhân loại đời đời lên án ấy?

      Hà Nội, tháng 4 năm 2014

  9. ĐỈNH NGÀN says:

    TRIẾT LÝ LỊCH SỬ

    Triết lý lịch sử không phải lý luận vu vơ, trừu tượng, tư biện vô bổ và không thực tế về lịch sử. Triết lý lịch sử là dùng tư duy triết học khoa học để khảo sát lịch sử một cách cụ thể, hệ thống, căn cơ, khách quan, chính xác và khoa học nhất.
    Trong bài ngắn này tôi muốn nói ý nghĩa của lịch sử Việt Nam trong thời kỳ cận đại, được lồng vào trong lịch sử thế giới cũng như thế. Mà hai điều đáng nói nhất ở đây là chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa CS.
    Chủ nghĩa thực dân là một sự kiện lịch sử xã hội tự phát xuất xứ từ châu Âu khi nền công nghiệp khoa học kỹ thuật bắt đầu phát triển. Đây là xu thế tất yếu của nhân loại khi nền văn minh đã tiến vào một điểm nút đương nhiên như thế. Cũng trên cơ sở đó mà chủ nghĩa thực dân đã xuất hiện như một nhu cầu nhằm tìm nguyên liệu sản xuất và tìm thị trường tiêu thụ. Có nghĩa nếu không có cuộc cách mạng công nghiệp từ các máy móc hiện đại thời đó cũng không thể có chủ nghĩa thực dân, mà nhiều lắm chỉ có các chủ nghĩa đế quốc kiểu cũ, như đế quốc La mã, đế quốc Mông cổ, đế quốc Trung Quốc, đế quốc Nga, đế quốc Đức, đế quốc Pháp v.v… Chủ nghĩa thực dân mặt khác còn là nhu cầu cạnh tranh giữa các nước phát triển phương Tây lúc ấy, nên đó là điều chẳng đặng đừng, trở nên như một sự ganh đua giữa các nước mạnh, có nền kỹ nghệ, công nghiệp phát triển, nên nó đã rộ lên ở nhiều nước phương Tây như điều tất yếu phải đến. Từ Anh, Pháp, Đức, Hà lan, Bỉ nói chung đều là những nước thực dân mạnh lúc đó. Và địa chỉ tới hay đối tượng của chủ nghĩa thực dân chính là các nước chậm phát triển Á Phi khi đó, trong đó điển hình nhất là Trung Quốc và Việt Nam trong số rất nhiều nước là nạn nhân khác. Như vậy nguyên nhân của chủ nghĩa thực dân là nguyên nhân khoa học kỹ thuật, nguyên nhân kinh tế, nguyên nhân cạnh tranh phát triển giữa các nước với nhau. Đây chỉ là một tình huống tất yếu phải có của thế giới, tức của nhân loại khi đó, đó là điều không thể tránh khỏi, vì có sự chênh lệch kinh tế và sức mạnh quá lớn giữa các nước đi thuộc địa và các nước bị thuộc địa hóa. Chủ nghĩa thực dân thực tế là anh em song sinh với chủ nghĩa tư bản phôi thai. Điều nay ngày nay lại được chứng minh qua tham vọng của TQ ở biển Đông trong đó có các hải đảo và thềm lục địa của VN mà không gì khác.
    Nhưng phản ứng lại với các tính cách của chủ nghĩa thực dân cũng như chủ nghĩa tư bản sơ khai lại là chủ nghĩa Cộng sản mà cho tới nay không ai không biết. Sự phản ứng như vậy ban đầu là tốt, nhưng về sau nó lại đi quá đà, khiến thực chất cũng cũng chỉ là cái xấu thay vào cho cái xấu khác. Ban đầu nó chỉ là một số ý thức cá nhân rời rạc, nhưng sau đó nó được gom vào trong một hệ thống ý thức hệ toàn diện do một cá nhân tiêu biểu là Các Mác, rồi tiếp theo nó lại được nhà cách mạng vô sản ở Nga là Lênin bổ sung vào, và kể từ đó nó được gộp chung vào cái gọi là chủ nghĩa Mác xít lênin nít.
    Đúng ra, chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa tư bản sơ khai không thể cứ tồn tại vĩnh viễn. Bởi theo đà phát triển của toàn thế giới, ngày nào đó mọi sự kiện, mọi hiện tượng đều cũng sẽ bão hòa, và như thế lịch sử sẽ tiến triển theo hướng thống nhất kết hợp trên cơ sở phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghiệp tiên tiến chung của toàn nhân loại như một ý nghĩa tất yếu.
    Cái sai hay cái nghiệt ngã của chủ nghĩa Mác chính là tính cực đoan, tính máy móc, tính độc đoán, tính giả tạo, tính phù phiếm trong tư duy, nên từ chỗ ban đầu phủ nhận mọi chủ nghĩa không tưởng, nó lại trở thành chủ nghĩa không tưởng bao trùm nhất, tàn phá nhất, phi lý nhất, phi thực chất và phi thực tế nhất trong toàn lịch sử nhân loại cho tới khi nó xuất hiện. Cái sai của chủ nghĩa Mác là cái sai về mặt khoa học, mặt triết học, sai về mặt lý thuyết nên nó mới dẫn đến mọi cái sai về thực tế mà bất kỳ ai cũng có thể nhận ra được nếu có chút tinh thần, ý nghĩa nhận thức khách quan mà không mê muội, cuồng tín hay mù quáng.
    Như vậy cũng có nghĩa ông Hồ Chí Minh và Đảng CS của ông chống thực dân Pháp là điều đúng, nhưng để nhằm thực hiện CNCS tại đất nước mình là điều sai. Bởi chống chủ nghĩa thực dân là đứng về phía yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của toàn dân tộc. Nhưng thực hiện chủ nghĩa CS là điều không bao giờ có thể làm được dù cho nó có được đánh đổi bằng mọi cái và dù cho có trường kỳ mai phục hay nhất quyết kiên định lâu dài đến thế nào. Điều này ngay nay cái thế kẹt phải đối đầu với TQ của VN đều cho thấy mọi sự tính toán không nhìn xa thấy rộng của chính ông Hồ.
    Bởi vậy trận Điện Biên Phủ chính là khúc quanh hai mặt của cả lịch sử VN. Một mặt nó chấm dứt được chế độ thực dân dầu dưới mọi hình thức nào, nhưng mặt khác nó lại làm khởi điểm cho chủ nghĩa CS dù dưới bất kỳ hình thức nào. Nói một cách không úp mở, thẳng thắn, khách quan, dù có người đồng ý hay không, đây chỉ là chuyện tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa như cả ngàn năm dân gian vẫn nói. Đây không phải nói ngoa mà nhìn vào kết quả mọi điều từ năm 1945 đến nay (đã đúng 70 năm, bằng với quãng thời gian từ cuộc cách mạng của Lênin năm 1917 tới khi LX tan rã), từ mọi biện pháp thực hiện CNCS đều không thành công mà nay lại phải đương đầu vạn phần khó khăn trước tính bá quyền của TQ. Có biết bao nhiêu hi sinh to lớn từ người đến của, từ thời gian tới ý thức, nhận thức, trí thức của con người nhưng ngày nay VN cũng không hề là đất nước phát triển hay đất nước CS giống chút gì trong lý thuyết.
    Cũng may là vào cuối trận Điện Biên Phủ, Mỹ đã không can thiệp được bằng các loại bom nguyên tử chiến thuật. Nếu không cũng chẳng rõ ý nghĩa của VN ngày nay là như thế nào. Bởi Mỹ là nước tư bản khách quan, tự nhiên, cũng giống như mọi nước tư bản tự nhiên khác trên toàn thế giới, nên chuyện đối đầu với một ý thức hệ không tự nhiên chỉ là điều đương nhiên cho dù mọi ngôn ngữ tuyền truyền nào đó người ta có thể nói khác đi theo chủ ý hoặc theo chủ quan. Có nghĩa Mỹ và các nước tư bản khác đã từ chủ nghĩa tư bản sơ khai phát triển lên thành chủ nghĩa tư bản tiên tiến, đó chỉ là con đường tất yếu khách quan của toàn nhân loại, không hề là cách lập luận ý thức hệ chủ quan, giả tạo, khiên cưỡng, một chiều, tai hại và độc đoán nào kiểu như Mác đã đưa ra.
    Cho nên triết lý lịch sử phải là sự nhận thức triết học và khoa học cụ thể, sâu sát, thực tế của bất kỳ người trí thức nào đúng đắn, nghiêm túc hay toàn tâm toàn ý vì quyền lợi chính đáng của xã hội nhân loại và của đất nước, dân tộc mình. Có nghĩa mọi ngôn ngữ tuyên truyền lệch lạc đều chỉ làm tai hại cho ý thức mọi con người nói chung, và nạn nhân của điều đó không ai khác hơn là mọi người thấp cổ bé miệng, mọi người không may ít học, kém hiểu biết, kém nhận thức, và thật sự đó chỉ là điều tội lỗi đã gây nên cho họ thay vì đúng như khẩu hiệu là cần phải giải phóng họ về mọi mặt một cách đích thực, có giá trị và hiệu quả nhất.

    THƯỢNG NGÀN
    (03/6/14)

    • Lại Mạnh Cường says:

      Thưa bác Thượng Ngàn,

      Chủ nghĩa thực dân là một sự kiện lịch sử xã hội tự phát xuất xứ từ châu Âu khi nền công nghiệp khoa học kỹ thuật bắt đầu phát triển. (nguyên văn)

      wikipedia
      Cách mạng công nghiệp là cuộc cách mạng trong lĩnh vực sản xuất; là sự thay đổi cơ bản các điều kiện kinh tế-xã hội, văn hóa và kỹ thuật, xuất phát từ nước Anh sau đó lan tỏa ra toàn thế giới. Trong thời kỳ này, nền kinh tế giản đơn, quy mô nhỏ, dựa trên lao động chân tay được thay thế bằng công nghiệp và chế tạo máy móc quy mô lớn. Tên gọi “Cách mạng công nghiệp” thường dùng để chỉ giai đoạn thứ nhất của nó diễn ra ở cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Giai đoạn hai hay còn gọi là Cách mạng công nghiệp lần thứ hai tiếp tục ngay sau đó từ nửa sau thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20.

      wikipedia
      Sau thời kỳ Reconquista của Bồ Đào Nha khi Vương quốc Bồ Đào Nha đấu tranh chống lại sự thống trị của Hồi giáo tại Iberia, vào thế kỷ 12 và 13, người Bồ bắt đầu mở rộng lãnh thổ ra hải ngoại. Chủ nghĩa thực dân châu Âu bắt đầu vào năm 1415, với việc Bồ Đào Nha chiếm được cảng Ceuta của người Hồi giáo tại Bắc Phi. Trong các thập niên tiếp theo Bồ Đào Nha đã phát triển các địa điểm thông thương, cảng biển và pháo đài dọc theo bờ biển châu Phi. Chủ nghĩa thực dân ngày càng mở rộng với các cuộc thám hiểm châu Mỹ, bờ biển châu Phi, Trung Đông, Ấn Độ và Đông Á của hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

      Vào ngày 7 tháng 6 năm 1494, Giáo hoàng Alexander VI đã chia thế giới thành hai nửa, chia phần phía tây cho Tây Ban Nha, và phía đông cho Bồ Đào Nha, một cử chỉ mà nước Anh và Pháp chưa bao giờ chấp nhận. Xem thêm Hiệp ước Tordesillas ra đời sau sắc lệnh của Giáo hoàng.

      Nửa sau của thế kỷ 16 chứng kiến sự bành trường của quốc gia thực dân Anh qua Ireland[3]. Mặc dù đã bỏ ra nhiều nỗ lực, cho đến tận thế kỷ 17, Anh quốc, Pháp và Hà Lan mới hình thành xong các đế quốc hải ngoại bên ngoài châu Âu, trực tiếp cạnh tranh với Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và cả với nhau. Vào thế kỷ 19, Đế chế Anh đã phình ra thành đế quốc rộng lớn nhất từng có (xem danh sách các đế quốc rộng lớn nhất).

      Cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 là kỷ nguyên phi thực dân hóa đầu tiên khi phần lớn các thuộc địa của châu Âu ở châu Mỹ lần lượt giành được độc lập từ mẫu quốc của chúng. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha yếu đi thấy rõ sau khi bị mất đi các thuộc địa tại Tân Thế giới, nhưng Anh quốc (sau liên minh giữa Anh và Scotland), Pháp và Hà Lan lại hướng sự chú ý của mình đến Cựu Thế giới, cụ thể là Nam Phi, Ấn Độ và Đông Nam Á, những nơi tạo nên vùng duyên hải. Đế chế Đức (ngày nay là Cộng hòa), được tạo ra phần lớn nước Đức sau khi được hợp nhất dưới quốc gia Phổ (ngoại trừ Áo, và các vùng bản địa Đức khác), cũng tìm kiếm thuộc địa tại Đông Phi thuộc Đức. Các lãnh thổ ở khu vực khác trên thế giới vượt đại dương, hoặc vượt ra ngoài châu Âu, cũng được bổ sung vào Đế quốc thực dân Đức. Ý xâm chiếm Eritrea, Somalia và Libya. Trong chiến tranh Ý-Ethiopia lần thứ nhất và lần thứ 2, Ý đã xâm lược Abyssinia, và vào năm 1936 Đế quốc Ý đã được hình thành.
      Sự công nghiệp hóa trong thế kỷ 19 dẫn đến một thời kỳ được gọi là Tân chủ nghĩa đế quốc, khi tốc độ thực dân hóa được đẩy nhanh, mà đỉnh cao của nó là Sự tranh giành châu Phi.
      (…)

      Nói tóm lại, theo tôi nghĩ, chủ nghĩa thực dân đã có từ trước khi cách mạng công nghiệp vài thế kỷ trước.

      Điều đáng chú ý là người ta cho là chủ nghĩa thực dân nhằm ám chỉ những cuộc chinh phục vượt biển bằng tàu bè của phương Tây, mà bỏ qua những chinh phục trên đất liền và ở các nước kế cận nhau.
      Chẳng hạn phong kiến phương Bắc đô hộ xứ ta một ngàn năm cũng là một hình thức thực dân đó chứ.

      Lại Mạnh Cường

      • NGÀN KHƠI says:

        Cám ơn anh LMC đã có sự nhận xét đóng góp. Nhưng ở đây chủ ý người viết là nhằm nói vào cốt lõi vấn đề mà không dàn trải hay không nhằm trình bày kiểu phô diễn tản mạc theo cách giáo khoa thư.
        Thật ra từ ngữ hay khái niệm nào đó luôn có thể có nội hàm hay ý nghĩa rộng hay hẹp. Khái niệm chủ nghĩa thực dân hay thực dân nếu hiểu theo nghĩa rộng thì đúng như ý anh Cường nói. Nhưng nếu chỉ định nó theo nghĩa hẹp, thì lại bao hàm các yếu tố là nhu cầu tìm kiếm nguyên liệu thô, nhu cầu chế biến bằng ứng dụng kỹ thuật máy móc, và yêu cầu thị trường để tiêu thụ. Hiểu như thế thì xuất phát của chủ nghĩa hay chế độ thực dân là tính cách tìm thuộc địa, khai thác thuộc địa để làm giàu cho chính quốc bằng nguyên liệu giá rẻ và bằng thị trường tiêu thụ mở rộng. Có nghĩa chế độ tư bản sơ khai chính là nốt nhạc dạo đầu cho chế độ thực dân khi nhân loại bắt đầu bước chân vào giai đoạn kỹ nghệ ban đầu trước đây, mà cụ thể là bắt đầu từ châu Âu vào khoảng đầu thế kỷ 18 nếu xác định mốc thời gian cụ thể và đích thực nhất.

        NON NGÀN

      • Lại Mạnh Cường says:

        Thưa bác Ngàn Khơi,

        Xin lãnh hội thâm ý của bác :-) !

        LMC

    • vb says:

      Thế mà đến giờ này vẫn còn tay nào đó cho “con ngựa Hồ” là LÁ BÀI của Mỹ!

      hehehe!!!

  10. Lại Mạnh Cường says:

    Many thanks

    Bài cung cấp nhiều chi tiết quan trọng.

    Xin cho thêm chi tiết ở phía bên kia: Nga, Tàu và VM

    T+ có bao giờ nghĩ: Mỹ can thiệp bằng bom A chăng ?
    Stalin nghĩ sao nếu Mỹ giúp Pháp ? nhất là chơi bom A ?

    Qua đây chúng ta nghiên cứu, để rút ra những kinh nghiệm riêng

    Lại Mạnh Cường

Phản hồi