Song Vũ- người vẫn chưa thể bước ra khỏi cuộc chiến
Chiến tranh, binh đao khói lửa, chết chóc trên chiến trường, không phải là cái đáng sợ nhất, đối với người lính. Những trận chiến đày đọa tư tưởng tâm hồn cũng như thể xác trong lao tù sau chiến tranh, đó mới là điều ám ảnh, đáng ghê tởm nhất đối với họ. Bốn mươi năm là hai phần ba của cuộc đời đã qua đi, nhưng nỗi đau đó, nào có khác chi những mảnh pháo, viên đạn còn đang găm sâu vào từng con tim, sớ thịt. Dù họ, những người lính ấy, giờ này đang sống nơi quê nhà, hay Đức, Mỹ, Pháp…hoặc một phương trời nào đó thật bình yên. Và để xoa dịu cơn đau, bớt đi những điều ám ảnh, họ buộc phải tìm đến trang viết, bằng những bút ký, hồi tưởng ấy.
Nếu như văn tường thuật, làm cho người đọc hiểu, biết được câu chuyện, sự việc đã diễn ra một cách chính xác nhất, thì bút ký, ngoài tái hiện lại một cách sinh động, sự việc con người, nó còn được lồng ghép tư tưởng, cũng như cảm nghĩ của chính tác giả. Vì thế, những năm gần đây, ngoài những tướng lãnh, các vị chính khách (khi trở về với cuộc sống đời thường viết), đặc biệt, còn có một loạt bút ký của các sỹ quan quân lực VNCH, công bố sau một thời gian dài bị tù tội và đã thoát ra hải ngoại, như Phan Nhật Nam, Cao Xuân Huy, Phạm Tín An Ninh…Gần đây nhất, tôi có được đọc cuốn Sau Cơn Binh Lửa, bút ký của Song Vũ, do một người bạn vừa từ Mỹ trở về, gửi tặng. Có thể nói, đây là cuốn sách hay, lời văn sống động với những sử liệu rất chân thực.
Song Vũ sinh năm 1940 tại Hải Phòng với cái tên cúng cơm Ngô Văn Xuân. Ông là cựu sinh viên sỹ quan khóa 17 trường võ bị Đà Lạt. Dường như cuộc đời ông gắn liền với con số ba. Mười ba năm chinh chiến, với ba lần bị thương và mười ba năm tù khổ sai ở núi rừng phía Bắc, sau 1975. Đi lên từ sĩ quan trẻ, chỉ huy cấp trung đội, ông đã lăn lộn khắp các chiến trường, để trở thành một trung đoàn trưởng đầy mưu lược và can trường, ở nơi đầu sóng, khốc liệt nhất, miền Trung, cao nguyên. Những ngày tháng lửa đạn, bi thương đẫm máu và nước mắt ấy, đã găm vào linh hồn Song Vũ. Nó như một món nợ đeo đẳng day dứt cả cuộc đời ông. Để một lúc nào đó, Song Vũ đã phải cởi dần ra, đặt nó lên trang viết, trả lại món nợ đó, không chỉ riêng cho đồng đội của mình, mà dường như cho cả những người lính cùng một dòng máu, ở phía bên kia.
Truyện ký, bút ký, hồi ký là thể loại văn học mà tôi thích và luôn tìm đọc. Ngay từ thuở còn là học sinh tiểu, trung học, tôi đã say mê đọc: Một Trận Phố Ràng của Trần Đăng, Qua Sông Đón Súng của Trần Độ…thay cho những tiểu thuyết, hay truyện kiếm hiệp. Sau này, đọc hồi ký, bút ký của cựu phó thủ tướng Đoàn Duy Thành, của Tướng Trần Độ, tôi vẫn thấy sự hấp dẫn của nó. Mà hình như các tướng lãnh của quân đội miền Bắc chỉ có tướng Trần Độ viết được hồi ký? Và ông đã viết rất hay. Gần đây, tôi có đọc hồi ký của Tướng Võ Nguyên Giáp, do Hữu Mai chấp bút (viết theo lời kể lại). Tuy có nhiều người khen, nhưng thành thật mà nói, với tôi, hồi ký này, nhạt, khô rời rạc không khác gì một bài chính trị luận. Bởi nhà văn Hữu Mai không có mặt, chứng kiến những sự kiện đó, ông viết theo lời kể lại của tướng Giáp mà thôi. Vâng! Mà lời kể đôi khi lại còn tam sao thất bản, mắm muối nêm, nếm vào. Và nó như một cây gậy đã vạch sẵn, chỉ thấy rặt một điệp khúc, ta thắng địch thua. Quân ta dũng cảm kiên cường, địch quân yếu hèn nhút nhát…Do vậy, người viết thiếu cảm xúc, không có hồn cốt, máu lửa ở trong đó. Có lẽ, cả cuộc đời bác nhà văn này, chỉ có nhiệm vụ viết hồi ký cho các cụ ngồi trên?. Vậy, thành ra là thợ viết, chứ đâu còn là nhà văn nữa. Hơn nữa bác Giáp, là tướng của văn phòng, chứ không phải từ người lính trở thành tướng lĩnh, cầm quân ngoài chiến trường. Cho nên, sự thiếu sinh khí trong cuốn hồi ký là điều đương nhiên. Có một điều lạ là, bây giờ sao nhiều tướng đến thế. Có những bác, làng nhàng giữ chân tổng biên tập một tờ báo ngành, tài năng văn chương vào dạng thông tấn, thế mà phọt thẳng lên thiếu tướng, trung tướng. Tướng kiểu này, có lẽ, chỉ chia hưởng quyền lợi và cho vui mà thôi.
Cũng như bút ký của Phan Nhật Nam, Cao Xuân Huy, Phạm Tín An Ninh, Sau Cơn Binh Lửa của Song Vũ là tiếng nói chung tình bằng hữu, đồng đội giữa cơn binh lửa, trong cái tàn nhẫn, dã man của chiến tranh. Ngoài ra, một chút tinh ý thôi, người đọc cảm được cái hay, cái quyền biến mưu lược của người chỉ huy trong từng trận chiến, từ chính bản thân tác giả, hay các cấp cao hơn, trong bình diện chiến trường rộng lớn, mà những trang viết của Phan Nhật Nam, Cao Xuân Huy, Phạm Tín An Ninh, dường như không tìm thấy.
Có thể nói, Sau Cơn Binh Lửa là một trong những truyện ký, tái hiện lại chiến trường một cách trung thực nhất. Song Vũ không hề giấu giếm, che đậy những tổn thất của quân đội VNCH, tất cả được đưa tuốt tuồn tuột lên trang sách. Đọc lên, tôi cứ ngỡ mình đang đứng trước một trận chiến đẫm máu vừa xảy ra vậy: “…Mùi khói của thuốc súng, các vật dụng bằng gỗ đang cháy ngún, mùi khét của da thịt người chết, mùi tanh của máu hòa quyện vào với nhau tạo nên một thứ mùi … Những xác chết nằm ngổn ngang, đủ loại binh chủng, từ nhảy dù, trung đoàn 45, biệt đông quan, pháo binh, gia đình binh sĩ, xác đặc công CS…“
Trong cái tang thương bi đát ấy, tình bạn, tình đồng đội không còn kìm sâu, giấu kín trong lòng nữa, mà nó vuột ra một cách tự nhiên, làm cho người đọc cảm thấy bùi ngùi, rớm lệ, dù cuộc chiến qua đi đã rất lâu rồi: “…Tôi nhớ Võ Thừa Tự một bạn đồng khóa Võ Bị với tôi, ôm mặt khóc nức nở, khi nhìn tôi nằm bất động, chờ tản thương, máu thẫm đầy ngực áo trong trận đánh trên kinh Một Thước Đồng Tháp năm 1965 ngày nào: Vũ ơi! Mày đừng chết nghe…(trang 162)
Tang thương chết chóc là thế, nhưng sự hồn nhiên, trong trẻo của những người lính và những người sĩ quan trẻ sau những trận đánh, hiện lên khá đậm nét trong bút ký của Song Vũ. Có lẽ, cũng chính từ những cái hồn nhiên, trong trẻo ấy, nó đã làm cho tâm trạng người đọc dịu lại hơn, giữa cái ngột ngạt của chiến tranh chăng?: “…Nhu cầu chiến trường quá lớn, lực lượng tham chiến lúc nào cũng thiếu. Thành ra có lúc chúng tôi nói đùa với nhau, chỉ có súng đạn có lúc được nghỉ, còn lính được nghỉ phép khi cuộc sống dừng lại. Một cuộc nghỉ ngơi theo đúng nghĩa…“ (trang 118)
Là người có thâm niên 13 năm, qua nhiều cấp bậc chỉ huy trực tiếp ngoài chiến trường, nên Song Vũ mở rộng được tầm nhìn hơn về chiến thuật, mưu lược, cũng như tác chiến hành quân. Những tình tiết khi ông đưa vào trang sách và giảng giải này, quả thật, mang lại cho người đọc nhiều điều tò mò và thú vị: “…Từ trên quốc lộ nhìn lên, Chu Pao là một ngọn núi đá vách dựng gần như đứng thẳng. Cách để giải quyết mục tiêu chỉ có một: Phải chiếm được đỉnh núi này. Cái khó khăn muốn lên được đỉnh cũng chỉ có một: Phải di chuyển quân từ phía tây nam mà… bò lên. Điều ấy có nghĩa, chúng tôi bỏ mặt đường bọc vòng ra phía sau lưng, rồi dùng hỏa lực pháo và không quân yểm thật mạnh để tiến quân…“ (trang 229)
Đọc Sau Cơn Binh lửa, không chỉ hiểu thêm được những mưu tính quyền lực và những biến cố chính trị của lãnh đạo Sài Gòn lúc đó, mà ta còn thấy được sự thật đằng sau những vụ việc xuống đường của học sinh, sinh viên cũng như tôn giáo, nơi hậu phương. Tuy chỉ thoảng qua trên trang sách và không đi sâu vào phân tích, nhưng người đọc cảm được cái chính kiến rõ ràng của tác giả, trước những thị phi đó.
Và trong bài, Thấy Gì Sau Cơn Binh Lửa? Tác giả Võ Ý cho rằng: “Họ (Bắc Việt) không thắng bằng chính nghĩa, mà bằng ngu muội, dối trá và tàn độc…“. Tôi không thể đồng cảm hết với ý kiến của bác Võ Ý, vì có thế họ dối trá…còn tất cả đều ngu muội, hoàn toàn không. Trong trận chiến huynh đệ vừa qua, người phía Bắc làm tư tưởng, chính trị giỏi hơn lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa. Nói cách khác, họ đã vẽ được cái bánh quá ngọt ngào. Và VNCH đã thua ngay trên chiếc bàn chính trị có chiếc bánh ở trên cao ấy, mà người lính không có quyền định đoạt số phận mình ở ngoài chiến trường. Về lý tưởng, tinh thần chiến đấu của người lính hai phía, tôi (không dám) không đủ khả năng so sánh, bàn bạc. Nhưng về sự đào tạo và trang thiết bị của người lính cũng như tướng lãnh sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa hơn hẳn bộ đội miền Bắc.
Thật vậy! Chúng ta đọc đoạn văn dưới đây, để thấy được cái sự thật đó, lúc Song Vũ đang chiến đấu trên mặt trận Cao Nguyên tháng tư 1975. Ông đã phải đau đớn thốt lên, khi nhận lệnh từ Bộ tổng tham mưu, rút quân về Vũng Tầu: “… Ngoài chiến trường xương rơi, máu đổ, nhìn về phía sau lưng những trò nhố nhăng chính trị của các chính khách tứ thời sống bằng cái miệng hò hét hô hào, bôi nhọ, tranh đạt lẫn nhau…Rồi bà nọ ông kia, mua quan bán chức, sống phè phỡn trên nỗi thống khổ, sự hy sinh vô bờ bến của những người cầm súng. Bây giờ đây, trên radio, trên báo chí, trên những tin tức tác động tâm lý của địch họ thấy gì? Thấy sự đổ vỡ của các mặt trận giới tuyến, thấy sự rút chạy toán loạn khắp mọi nơi, mà phát ngôn viên quân sự đặt cho nó một cái tên mới, di tản chiến thuật…“.(trang 93)
Vâng! Dưới cái nhìn của Song Vũ, trong chiến tranh, nhân cách của tầng lớp lãnh cao nhất mà như vậy, thì chính quyền VNCH sụp đổ là điều không sớm thì muộn mà thôi.
Tôi không dám nghĩ, Sau Cơn Binh Lửa là tiếng nói chung của những người lính VNCH. Nhưng trước nhất, người đọc cảm thấy tính nhân đạo cao ngút trời trong tác phẩm này, qua ngòi bút của Song Vũ. Cái sự nhân văn cao cả ấy, có được, chỉ khi nào, con người nhận ra bản chất của chiến tranh. Do vậy, dù chỉ là một điều ước thôi, cũng làm cho ta nhiều điều phải suy ngẫm: “…Tôi vẫn tự nói với mình giá như đừng có chiến tranh…Chiến tranh làm cho mọi thứ tự giá trị bị đảo lộn. Tàn ác lươn lẹo lên ngôi và được xưng tụng. Con người nhìn nhau qua khe ngắm tới thẳng đỉnh đầu ruồi của súng ống. Cuộc đời con người vốn đã ngắn, chiến tranh càng làm cho nó ngắn thêm…“ (trang 125)
Song Vũ dành khá nhiều trang, viết về những năm tháng dài dằng dặc trong lao tù. Ước mơ trở về với cuộc sống đời thường sau chiến tranh của ông đã trở nên vô vọng. Đọc những đoạn văn này, nhiều lúc tôi phải dừng lại để đè nén cảm xúc của mình xuống, vì sự khắt khe và tàn bạo của chế độ lao tù này. Ngoài những đói rét, bệnh tật, lao động nặng nhọc người tù chịu quá nhiều áp lực về tư tưởng cũng như kỳ thị đối xử. Những câu chuyện bi hài trong lao tù, hay giữa quản giáo và tù nhân, qua ngòi bút của Song Vũ, ta cứ ngỡ đang đọc truyện châm biếm, thích đùa của Azit Nexin vậy. Trong cái bi đát đó, cho người đọc cảm giác, người tù không sống bằng sinh hóa năng lượng nữa, mà chỉ còn sống bằng nghị lực của bản thân và tình bằng hữu đồng đội mà thôi:
“Tôi đã mất đi một nửa trọng lượng cơ thể, di chuyển phải chống gậy lê lết từng bước. Thậm chí có lúc tôi đã nghĩ, sẽ bỏ xác nơi thâm sơn khỉ ho cò gáy này. Cũng may được anh em đồng đội cưu mang đùm bọc, đặc biệt là các ông niên trưởng và các niên đệ cùng một “lò cùi“ nên cơn hoạn nạn cũng qua đi như một phép lạ. Chỉ có điều từ đấy trở đi, đầu óc tôi trở nên lộn xộn, quên nhớ thất thường và có chiều hướng suy giảm dần“. (trang 333)
Đọc Sau Cơn Binh Lửa để thấy rõ được thân phận người lính sau chiến tranh. Và nếu không có những cuộc vượt biển kinh hoàng, không có những bàn tay nhân ái của con người, với chính sách nhân đạo của Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức…thì số phận họ sẽ đi về đâu?
Nếu như văn Phan Nhật Nam sinh động, sắc sảo, của Phạm Tín An Ninh đẹp, trong sáng, thì bút ký Song Vũ lời văn bình dị, đằm thắm, như được nêm một chút gia vị thanh, ngọt đang tan dần vào lòng người đọc, giữa cái xót xa đau đớn của chiến tranh và tù tội. Với lối dẫn truyện đan xen, chồng chéo không theo một trình tự thời gian, làm bố cục lạ và hấp dẫn người đọc hơn. Tuy bút ký của Song Vũ không có nhiều những đoạn văn đẹp, lung linh tả tình, tả cảnh lồng trong cái tâm trạng của tác giả hay nhân vật như văn của Phạm Tín An Ninh. Nhưng có khá nhiều đoạn hay và truyền cảm, làm cho lòng người rung động:
“Đất nước tôi dân tộc tôi sao cứ mãi điêu linh khốn khổ như thế? Tôi bước ra ngoài trời, nhìn về phía thành phố Pleiku, nơi ấy chỉ là một khoảng sáng vàng vọt, hắt lên từ những ngọn đèn đường thành một dải sáng chạy dài theo đường chân trời. Quay qua hướng Việt Miên, một màu đen đậm bao trùm. Nơi ấy là những đơn vị Cộng sản, đang sẵn sàng ôm súng lao thẳng vào chúng tôi…“ (trang 135-136)
Sau Cơn Binh Lửa là bút ký mở, tư tưởng suy nghĩ của Song Vũ cũng là những vấn đề mở. Người đọc, cảm thấy không bị gò ép trong cái tư tưởng dẫn dắt bởi tác giả. Điều ông đặt ra trong cuốn sách, buộc người đọc phải suy ngẫm và đưa ra ý kiến riêng của mình, mà có thể hoàn toàn trái ngược với tác giả. Đọc Song Vũ, ta không chỉ thấy được sự can trường trong chiến đấu, mà còn thấy được cái can trường trong nhận thức tư tưởng. Ông dám nhận trách nhiệm chính về sự yếu kém của bản thân (là người chỉ huy) và các cấp trên của ông dẫn đến thất bại vừa qua. Chúng ta đọc lại đoạn văn dưới đây, để thấy rõ điều đó và nó cũng như là một thông điệp, Song Vũ gửi đến người đọc trong cuốn sách này:
“… Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, phe thắng trận ít nhất cũng phải có được một yếu tố nổi bật: Một nhóm chỉ đạo chíến lược thật sự tài năng hơn kẻ thù. Từ yếu tố này sẽ mang đến những hệ quả tất nhiên – sự tổng hợp sức mạnh cần thiết để đưa cuộc chiến đấu tới thắng lợi sau cùng. Dân tộc Do Thái có yếu tố ấy còn chúng ta thì không. Các tướng lãnh, sĩ quan Do Thái sống chết với lính, còn hơn thế nữa, các lãnh tụ chính trị của họ đồng kham cộng khổ với dân, sẵn sàng hy sinh quyền lợi riêng tư cho lợi ích chung của đất nước. Tôi không chia sẻ quan điểm của một số người khác cho rằng, một ngày nào đó khi Do Thái không còn cần thiết cho lợi ích của Hoa Kỳ, họ sẽ bị bỏ rơi, nhưng tôi tin chắc rằng, chính phủ Hoa Kỳ không thể bắt một dân tộc đồng minh diệt vong khi dân tộc ấy có đủ tài trí và khả năng để tự sinh tồn. Thực tâm tôi không muốn khơi dậy một vết thương chưa lành trong nỗi đau chung của những thế hệ trong trang lứa chúng tôi, một thế hệ đã lãnh đủ mọi tai ách, hy sinh mà không hoàn thành được sứ mạng bảo vệ đất nước, dân tộc mình. Nhưng nếu cứ mãi đổ vấy cho sự thất bại ấy là do sự tráo trở của đồng minh, tự coi mình là một thứ lính đánh thuê thì theo tôi, sự hy sinh của thế hệ chúng tôi trong cuộc chiến vừa qua là một điều rất đáng buồn!…” (trang 498)
Sống xa Tổ Quốc, và đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng người lính chiến Song Vũ vẫn hừng hực chiến đấu, vạch ra âm mưu và dã tâm xâm lăng bờ cõi của giặc Tàu, trước sự yếu hèn của những người lãnh đạo Đảng CSVN. Với ông đất nước dân tộc là tất cả.
Vâng! Đúng như vậy, người lính già cần mẫn, can trường ấy, vẫn chưa thể bước chân ra khỏi cuộc chiến này…
Đức Quốc ngày 7-7-2014
© Đỗ Trường
© Đàn Chim Việt
Tôi cũng đã đọc qua tập bút ký Sau Cơn Binh Lửa của tác giả Song Vũ cùng vài bài nhận xét của một số tác giả khác (mà hấu hết là những cựu sĩ quan VNCH.)
Riêng bài viết này, tác giả Đỗ Trường có lẽ là một người trẻ, sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, ( ..Ngay từ thuở còn là học sinh tiểu, trung học, tôi đã say mê đọc: Một Trận Phố Ràng của Trần Đăng, Qua Sông Đón Súng của Trần Độ…thay cho những tiểu thuyết, hay truyện kiếm hiệp. Sau này, đọc hồi ký, bút ký của cựu phó thủ tướng Đoàn Duy Thành, của Tướng Trần Độ, tôi vẫn thấy sự hấp dẫn của nó. Mà hình như các tướng lãnh của quân đội miền Bắc chỉ có tướng Trần Độ viết được hồi ký? …),
Nếu đúng như vậy thì các nhận xét của tác giả rất chính xác, khách quan, trung thực, chứng tỏ trình độ nhận thức của tác giả, không những về lãnh vực văn học ( hai miền ) mà còn về chính trị và cuộc chiến tranh Nam – Bắc.], cũng như tình trạng đất nước sau ngày CSBV trở thánh “bên thắng cuộc”!
Xin cám ơn tác giả Đỗ Trường đã cho đọc một bài nhận xét sâu sắc, cảm động.
Trần Huy Bách
Đọc bài viết này đã mấy lần, nửa muốn đưa vào vài câu, nửa ngần-ngại. Tôi tin chắc người được đề-cập trong bài hẳn đọc bài viết này và những comments. Vậy tôi vắn-tắt có vài lời với hai lý-do :
(1) Gởi riêng NVX. Dù bạn bằng tuổi tôi, nhưng tôi vẫn gọi bạn là Niên-đệ. Cũng thế đối với Võ-Tình hay Võ-Ý. Với nickname của tôi, chắc bạn không nhớ ra một ” cùi 16 “, nhưng tôi sẽ gợi một it cho bạn. Ráng mà nhớ lại, dù bạn tự cho mình bị suy-giảm trí nhớ. Tôi vẫn giữ những kỷ-niệm những ngày Chúa-nhật tại trại 8 năm nào, bạn, tôi và Niên-trưởng K12 Ngô Như Khuê thường ngồi đánh cờ tướng. Và tôi luôn thua bạn. Tôi sau này có theo dõi tin-tức bạn, ở hải-ngoại. Biết bạn đang tu thiền. Tốt thôi. Nay lại nghe bạn viết hồi-ký (qua lời giới-thiệu của ĐT, tác-giả bài viết này). Mừng cho bạn.
(2) Cảm ơn Lamson72. Tôi đã đọc kỹ comment của bạn. Nói it, hiểu nhiều. Tôi hiểu bạn.
Niên trưởng Thắc Mắc
Thật tình đệ không nhớ nổi– nếu niên trưởng không phải là niên trưởng BVN–Chỉ có điều niên trưởng N lớn hơn đệ 1 tuổi, là người nằm cạnh đệ suốt thời gian trại 8 và đánh cờ trừ cơm suốt ngày chủ nhật! một niên trưởng khác cùng khóa niên trưởng là BQ cũng thường hay đánh cờ với đệ, nhưng huynh này cũng lớn tuổi hơn đệ tới 3 năm thành ra, tóm tắt là đệ xin chào thua nếu niên trưởng không phải là hai ông anh đệ vừa nêu tên mà chắc niên trưởng cũng rõ là ai! Đệ vẫn thường xuyên gặp gỡ các niên trưởng Khuê và BQ, cả hai ông anh này là người giúp đỡ đệ tận tình khi mới bước chân vào Hoa Kỳ năm 1992.Cám ơn niên trưởng nhiều.
Song Vũ
Dễ thôi. Cứ gọi ( gà cồ) BQ – BQ năm ngoái (2013) qua Atlanta dự ĐH/ND và ở lại nhà tôi, và tôi phục-vụ tên này khá kỹ. Tên này vô-ơn lắm (đùa chút thôi), vì khi về lại SJ, Cal. đến nay chẳng thèm gọi tôi một lần. Tôi cho đương-sự cả : – địa-chỉ nhà, e-mail, và số phone của tôi. Hình như BVN, đầu quận TB năm xưa, cũng bằng tuổi tôi và Song Vũ thì phải. Thấy Song Vũ (trong hình trên cùng của bài viết này) thật phong-độ. Mừng cho bạn. Tôi cũng viết rất nhiều, nhưng thuộc lãnh-vực khác ; và tôi vẫn trực 10 giờ/ngày trước computer để viết. Và khi relax, để khỏi ” tẩu hỏa nhập ma “, tôi chuyển qua các forum để giải-trí – ĐCV là diễn-đàn mà tôi ghé thăm hơi nhiều và lâu. Chính vì vậy mà biết rõ hơn về SV, nhất là qua lời khai của ĐT, tác-giả bài viết này. Có tin-tức của tôi thì xin nhờ một tí : anh em email, gọi phone, viết thư thì tha-hồ – nhất là gởi tôi it cuốn hồi-ký của SV [ chừng 3 cuốn], cho biết mọi chi-phí tôi sẽ gởi check thanh-toán – ngoài ra, tôi không muốn khai rõ-ràng và đầy-đủ lý-lịch của mình trên mạng ảo này. Nói chuyện với bạn, liên-tưởng đến những năm tháng ở trại 8, và tôi không quên được ĐXL (TQLC/ cùng khóa với bạn) hồi đó cùng tổ với tôi – rất thân-tình – ĐXL qua đời năm ngoái hay năm kia thì phải, tại SJ, Cal.
” Có thì có tự mảy-may – Không thì cả thế-gian này đều không “.Chào bạn.
Tôi đọc bài viết _ đọc cả coms !
Bái phục quý QUAN ANH !
” …Tôi nhớ Võ Thừa Tự một bạn đồng khóa Võ Bị với tôi, ôm mặt khóc nức nở, khi nhìn tôi nằm bất động, chờ tản thương, máu thẫm đầy ngực áo trong trận đánh trên kinh Một Thước Đồng Tháp năm 1965 ngày nào: Vũ ơi! Mày đừng chết nghe…(trang 162) ”
_ Trong mơ hồ, tôi có cảm tưởng như từng gặp ông VŨ ở Kinh Một Thước ĐT 1965 ! Khi tôi làm DLO ! (92PB/SD9)
“Tôi đã mất đi một nửa trọng lượng cơ thể, di chuyển phải chống gậy lê lết từng bước. Thậm chí có lúc tôi đã nghĩ, sẽ bỏ xác nơi thâm sơn khỉ ho cò gáy này. Cũng may được anh em đồng đội cưu mang đùm bọc, đặc biệt là các ông niên trưởng và các niên đệ cùng một “lò cùi“ nên cơn hoạn nạn cũng qua đi như một phép lạ. Chỉ có điều từ đấy trở đi, đầu óc tôi trở nên lộn xộn, quên nhớ thất thường và có chiều hướng suy giảm dần“. (trang 333)
_ Cùng chung cảnh ngộ, cũng tưởng như từng thấy nhau, gặp nhau đâu đó ở HLS _ Yên Bái _ Đoán 776 !!!! “Tôi lại gặp anh……” khakhakha
“..Gần đây, tôi có đọc hồi ký của Tướng Võ Nguyên Giáp, do Hữu Mai chấp bút (viết theo lời kể lại). Tuy có nhiều người khen, nhưng thành thật mà nói, với tôi, hồi ký này, nhạt, khô rời rạc không khác gì một bài chính trị luận. Bởi nhà văn Hữu Mai không có mặt, chứng kiến những sự kiện đó, ông viết theo lời kể lại của tướng Giáp mà thôi. Vâng! Mà lời kể đôi khi lại còn tam sao thất bản, mắm muối nêm, nếm vào. Và nó như một cây gậy đã vạch sẵn, chỉ thấy rặt một điệp khúc, ta thắng địch thua. Quân ta dũng cảm kiên cường, địch quân yếu hèn nhút nhát…Do vậy, người viết thiếu cảm xúc, không có hồn cốt, máu lửa ở trong đó. Có lẽ, cả cuộc đời bác nhà văn này, chỉ có nhiệm vụ viết hồi ký cho các cụ ngồi trên?. Vậy, thành ra là thợ viết, chứ đâu còn là nhà văn nữa. Hơn nữa bác Giáp, là tướng của văn phòng, chứ không phải từ người lính trở thành tướng lĩnh, cầm quân ngoài chiến trường. Cho nên, sự thiếu sinh khí trong cuốn hồi ký là điều đương nhiên. Có một điều lạ là, bây giờ sao nhiều tướng đến thế. Có những bác, làng nhàng giữ chân tổng biên tập một tờ báo ngành, tài năng văn chương vào dạng thông tấn, thế mà phọt thẳng lên thiếu tướng, trung tướng. Tướng kiểu này, có lẽ, chỉ chia hưởng quyền lợi và cho vui mà thôi.
_Xin thưa “ĐĨNH CAO TRÍ TUỆ” mà anh !
So với ông BUÌ (bắn vào LINK dẫn) thì tài năng ông GIÁP cũng chỉ ở dưới lưng quần ông BUÌ mà thôi ! Cho nên cuối cùng VNG cũng đã hoàn thành nhiệm vụ đúng với TÀI NĂNG của mình !!
https://www.youtube.com/watch?v=rn-qWvtPWl8
Gọi là một chút đóng góp RELAX cuối tuần !
Kính
Bác ÁO VẢI, làm gì đến nỗi phải viết, ông Đỗ Trường dựa vào ông Võ Ý để nổi tiếng. Trong bài bình văn chương, người viết đưa ra những nhận định của người khác, hay lấy một nhà văn khác để so sánh là chuyện bình thường và đề làm sáng tỏ ý kiến của người bình. Tôi đã đọc mấy bài viết về SAU CƠN BINH LỬA, tôi đồng ý với bác LAM SƠN 72 , bài của ông ĐỖ TRƯỜNG đọc cảm động và hay hơn của VÕ Ý và PHẠM TÍN AN NINH-
Cảm ơn tác giả Đỗ Trường và Trung Tá SONG VŨ- dù ông không trực tiếp chỉ huy tôi, nhưng đã gặp ông mấy lần ở Pleiku-
Song Vũ là chỗ quen biết cùa Dâm TiêN. DT không ngờ Song Vũ văn hay võ tốt
đến như vậy. Tuy nhiên, về một nội dung chính trị trong tập sách, Dâm tui có một
điều khác biệt với tác giả, như sau :
Về biến cố quân sự gây ra cuộc triệt thoái Cao nguyên trong tháng Ba 1975, Song
Vũ đã quy trách nhiệm cho Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh QĐ II, Quân khu 2.
Sự thực ra sao? DâM tui nghe một trung tá bạn, vốn là bạn chí cốt của của Tướng
Phù khi còn ở ngoài Hà nội ( lình Dù Pháp). Tướng Phú nói với bạn ; Sau bữa cơm
dã chiến, dịp Tết tại Ban Mê thuột buồn muôn thuở, bụi mù trời, ông Thiệu chỉ thị
cho Tướng Phú tập trung phòng thủ Ban Mê Thuột. Nhưng đến ngày 25 tháng
Hai 1975, một phái đoàn quân sự cao cấp có nhân viên cao cáp DAO ( Mỹ) cùng đi
tới Pleiku, trao Tướng Phú xem một tập không ảnh ghi những dàn pháo đối phương
huống về Pleiku, vì lẽ đó, ông Thiệu ra phản lệnh cho Tướng Phù phải chat chẽ
phòng Thủ Pleiku.
Tập trung phòng thủ Pleiku, ” vô tình ” để hở Ban Mê Thuật dễ dàng lọt vô tay địch.
với lục lượng tấn công gồm BA sư đoàn cùng với đặc công và các đơn vị địa
phương.
Tác giả Song Vũ đổ lỗi cho Tướng Phú làm Lê Lai đỡ tội cho TT Thiệu, là bất công.
Tướng Phú phẫn uất vì bị oan ức,, nên đã uống thuôc độc tự tử. ( Tướng phú căn
dặn người bạn là Tr. Tá TTM chỉ được tiết lộ sự việc này, một khi Tướng Phú quá
vãng.).
Bạn Dâm Tiên
Tôi không rõ bạn đã đọc cuốn bút ký SCBL của tôi hay chưa, nếu có chắc bạn sẽ không viết tôi quy trách nhiệm cho tướng Phú về vụ triệt thoái cao nguyên năm 1975. Quả thật tôi có viết khẩu lệnh của tổng thống Thiệu trong bữa cơm trên chiến trường với trung đoàn 44 tại căn cứ 801 trong buổi trưa ngày mồng 1 tết Ất Mão ( 1975 ) là tướng Phú đưa toàn bộ SĐ 23 BB trở về tổ chức phòng thủ BMT và sau đó lệnh này đã bị hủy bỏ không thi hành. Tuy nhiên tôi không và chưa bao giờ viết việc triệt thoái cao nguyên năm 1972 là lỗi của tướng Phú! bởi vì những tài liệu sau này cho chúng ta biết chính tổng thống Thiệu ra lệnh bỏ cao nguyên! Cuốn bút ký của tôi chỉ là một cố gắng ghi chép lại những sự kiện lịch có thật mà tôi chứng kiến, hoặc trực tiếp có tham dự để hy vọng những thế hệ kế tiếp có tài liệu tham khảo trong tương lai, và vì thế tôi luôn tránh mọi phán đoán chủ quan thiên lệch nhằm vào người khác. Dù sao vẫn phải cám ơn bạn đã cho tôi cơ hội viết rõ về điều ngộ nhận này.
tình thân
Song Vũ
Ông Đỗ Trường viết, trích: ” Và trong bài, Thấy Gì Sau Cơn Binh Lửa? Tác giả Võ Ý cho rằng: “Họ (Bắc Việt) không thắng bằng chính nghĩa, mà thắng bằng dối trá và tàn độc…”. Tôi không thể đồng cảm hết ý kiến của bác Võ Ý, vì có thể họ dối trá…” (Ngưng trích), đọc đến đây làm cho tôi không thể nín cười! Chỉ “có thể” (Maybe) thôi sao? Ô ĐT giả vờ hay là ông không biết gì về “Chiêu Bài”…Cướp trắng miền Nam của CSBV? Ông ngây thơ hay là ông, vì đọc nhiều…Hồi ký của…”Bên Thắng Cuộc”? Dám hỏi ông, vậy Tết Mậu Thân ông ở đâu làm gì, ông có biết chuyện gì xảy ra với đồng bào MN nói chung và đăc biệt cố đô Huế nói riêng? Họ (Bắc Việt) đã tuyên bố gì cho ba ngày Tết?? Và sau khi te tua vào Mùa Hè Đỏ Lửa và cổ thành QT 1972, dẫn đến HĐ Paris 1973 và sau 30/04/1975 Họ “có thể” dối trá như thế nào nữa với những người (anh em) ngã ngựa MN, khiến cho hơn nửa triệu (500.000) đồng bào miền Nam vùi thây dưới lòng biển cả vì phải…Bỏ của chạy lấy người!? Xin trích tiếp Ông Đỗ Trường viết: “Về lý tưởng, tinh thần chiến đấu của người lính hai phía, tôi (không dám) không đủ khả năng so sánh, bàn bac.” Hết trích, đúng! Tôi đồng ý với ông về nhận xét này của ông. Vậy xin ông hãy ở vị trí (phạm vi) phê bình tác phẩm Sau Cơn Binh Lửa của Song Vũ! Ông lôi ông Võ Ý vào đây với dung ý gì, đánh một người nổi tiếng để được nổi tiếng hơn!? Xin ông thứ lỗi, tôi không cố ý mạo phạm chỉ…thấy sao nói vậy. Cám ơn bài bình về quyển sách Sau Cơn Binh Lửa của Song Vũ và sự nhắn gởi của ông, có dịp tôi sẽ tìm đoc. Trân trọng! Áo vải cờ đào
Tưởng nhớ đên những người đã chết cho tự do
Đ
Người Lính VNCH Năm Xưa
Tôi đã đọc ba bài giới thiệu cho quyển sách Sau Cơn Binh Lửa “ của tác giả Song Vũ . Một của Trung Tá phi công Vỏ Ý , một của Thiếu Tá (?) Phạm Tín An Ninh một sĩ quan từng miệt mài chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên và một của Đổ Trường . Bài viết của Đổ Trường đọc lên rất cảm động . Có thông cảm , có một chút thương cảm và ngậm ngùi . Song Vũ là lính hiện dịch . Ông chọn con đường binh nghiệp để phụng sự Tổ Quốc . Tôi chọn con đường khác . Nhưng cuối cùng tôi và ông cùng chiến đấu dưới Quân Kỳ QLVNCH . Dù là lính trừ bị và dù không thích chiến tranh nhưng tôi cũng đã chiến đấu tới giờ phút cuối cùng . Đọc Sông Mao , Những Ngày Tháng Cũ khi Song Vũ đã đụng với Tướng Tư Lệnh và đã chịu “bầm dập” một thời gian cũng như tôi đã mạnh mẽ phản bác Tướng Lý Tòng Bá đang là Chỉ Huy Trưởng TGB . Khi Tướng Bá về Trường TG để nói chuyện cùng các sĩ quan đang thụ huấn các khóa Trung cấp và Cao cấp . Tôi chỉ là một sĩ quan nhí , chỉ huy đơn vị thấp nhất trong binh chủng nhưng không thể im lặng khi Tướng Bá bảo rằng cứ căng hàng ngang dùng tốc độ và hỏa lực mạnh tấn công vào mục tiêu là chiến thắng như ông đã từng làm khi còn chỉ huy Đại Đội 7 Cơ giới . Tôi đã có ý kiến với ông rằng chiến trường ngày nay khác xa chiến trường ngày xưa . Xưa chống tăng chỉ có SKZ 57 ly bắn rất chậm cho nên khi khai hỏa là trước sau sẽ bị mất . Đại đội 7 Cơ Giới do ông chỉ huy đã chiến thắng tất cả các trận đánh trừ trận Ấp Bắc lần thứ nhất (trận đánh nầy huề theo nhận định của tôi) . Sang lần thứ hai tại Ấp Bắc bọn Cộng quân đã bị thiệt hại nặng nề khi các khuyết điểm đã được điều chỉnh . Ngày nay vủ khí chống tăng như đồ chơi cầm tay . B40, B41, SA7, AT3 , SKZ 82 ly bắn nhanh sức phụt hậu yếu rất nguy hiểm . Nếu theo chiến thuật như ngày xưa Cua sẽ bị rang muối hết . Cho nên nhiệm vụ của sỉ quan TG phải biết quyền biến phải biết tiên liệu cân nhắc chứ không nhắm mắt mà tấn công . Tướng Bá nhìn tôi ngạc nhiên nhưng không nói lời nào trong khi tất cả các sỉ quan có mặt đều im lặng và lo sợ cho tôi . Nhưng họ hiễu rằng những lời của tôi là những lời đúng đắn nhất của những ngườI lính chiến đang đối mặt với địch quân tại chiến trường . Chúng tôi cũng rất thường bác bỏ những đề nghị của các cố vấn Mỹ . Các cố vấn Mỹ đi theo chúng tôi thật ra chẳng cố vấn cái gì chỉ có mỗi nhiệm vụ gọi trực thăng để tản thương và gọi chiến đấu cơ Mỹ để yểm trợ . Cho nên dù trừ bị hay hiện dịch, chúng tôi những sĩ quan rất trẻ bước vào chiến trường với ba tín niệm Tổ Quốc –Danh Dự-Trách Nhiệm . Chúng tôi luôn có tinh thần độc lập , tự tin , nhiều sáng kiến trên chiến trường . Không phải là thứ robot như Bắc Quân . Cho nên không bao giờ những đơn vị QLVNCH gây tội ác như trường hợp Trung úy TQLC Hoa Kỳ Caley đã làm tại Mỹ Lai . Ông Đổ Trường hẵn phải thấy khi chúng tôi rút lui , đồng bào đã chạy theo chúng tôi . Khi Quân lực chúng tôi trở lại Huế , người dân Huế đã biết rằng họ sẽ sống còn . Những hình ảnh dã man trên 9 cây số Đại lộ kinh hoàng do Trung đoàn pháo Bông Lau của cộng quân đã làm cả thế giới kinh tởm . Người pháo thủ của Trung Đoàn Pháo BL đã nghĩ gì , tay anh có run khi anh nã pháo để tàn sát chính đồng bào anh mà anh từng tuyên bố là sẽ giải phóng họ khỏi kiếp đời nô lệ của bọn Mỹ -Ngụy . Những sát thủ họ nghĩ gì khi họ chôn sống hơn 4 ngàn người dân Huế Tết Mậu Thân . Ai đã ra lệnh cho họ và ai đã biến những con ngườI VN bình thường trở thành những tên đồ tể khát máu . Thưa ông Đổ Trường đó chính là lý do đã 40 năm mà Song Vũ vẫn kiên nhẩn viết nên Sau Cơn Binh Lửa để lại cho đời sau một khoảnh khắc của lịch sử để biết rằng có hằng triệu thanh niên Miền Nam đã đáp lời sông núi đứng lên bảo vệ Tổ Quốc –Đồng Bào chống lại bọn cuồng tín Bắc cộng trong nhiệm vụ bành trướng cho bọn cộng sản quốc tế . Ý niệm Tổ Quốc của những người lính chiến chúng tôi là Trung Thành với Tổ Quốc và Tổ Quốc trên hết . Tổ Quốc là nước Việt Nam Cộng Hòa . Ngược lại bọn bắc cộng không hề có ý niệm Quốc gia . Tổ quốc của bọn Bắc Cộng là Quốc tế Cộng sản .
Tác giả Đổ Trường không đồng ý khi KQ Võ Ý nhận định “Họ (Bắc Việt) không thắng bằng chính nghĩa, mà bằng ngu muội, dối trá và tàn độc…“ Dối trá và tàn độc ai ai cũng đã thấy, đã biết khi bức màn sắt , bức màn tre sụp đổ . Hay nói đúng hơn nhờ chiến thắng mùa xuân 1975 mà đảng cộng sản đã hiện nguyên hình là bọn nói láo và tàn ác . Bao nhiêu chiến binh Miền Bắc đã khóc khi đặt đôi dép râu vào Saigon . Bao nhiêu gia đình hai miền Nam Bắc đã khóc cho hơn 4 triệu thanh niên VN đã chết cho bọn dối trá lừa dân phản nước . Có lẻ tác giả DT không đồng ý chữ ngu muội. Vâng có thế nói rằng ngu dân thì đúng hơn là ngu muội . Bọn cộng sản theo đuổi chính sách ngu dân để dễ trị . Ngu dân qua nhiều hình thức . Lối tuyên truyền “mưa lâu thấm đất “ đã có tác dụng mạnh mẽ từ học đường cho tới ngoài xã hội . Ngay trong nội bộ đảng viên CS : sắt máu ngu dân đã biến những cán binh CS trở thành nhưng kẻ quá khích, cuồng sát sẵn sàng giết ngườI không gớm tay khi nghe tiếng chuông như trong thí nghiệm Pavlov . Bản thân tôi trong tù tội đã bao nhiêu lần thắc mắc với những cán binh Bắc cộng ngu dốt cuồng tín nầy làm sao họ lái những chiếc Mig21 để không chiến cùng các phi công hải Quân Hoa Kỳ lổi lạc . Làm sao họ có thể điều khiển những hỏa tiển SAM2 để bắn rơi B52 . Tù binh dù cấp sỉ quan không có kiến thức căn bản chưa học xong Trung học . Từ anh chính ủy đến vệ binh đều có một kiến thức chung chung giống nhau khi được hỏi làm thế nào để bắn rơi B52 với SAM 2 . Họ trả lời đầy vẻ hảnh diện rằng thì là nhờ Khoa Học gia Trần Đại Nghĩa gắn một cục gì đó vào SAM2 nên bay cao hơn tầm bay của B52 . Hay đầy vẻ hảnh diện khi khoe khoan Bác sĩ Tôn Thất Tùng chửa Mig17 thành Mig21 bắn hạ Con Ma , Thần Sấm . Hay tại quê hương 5 tấn Thái Bình chỉ cần lấy que xâm xuống đất là dầu phọt lên ngay . Cho nên đã tạo ra những tràng cườI bất tận như tủ lạnh TV chạy đầy đường …. Bắc Cộng đã tạo là những cán binh NGỐ cho nên cuồng tín , mới có cảnh xích chân vào súng cộng đồng vào xe tăng gây khó khăn cho chúng tôi trên chiến trường . Không ai ngạc nhiên khi Bắc cộng có 4 triệu cán binh sinh Bắc Tử Nam trong khi Mỹ chỉ có 58 ngàn binh sĩ tử trận và VNCH có khoảng 260 ngàn chiến sĩ hy sinh . Và ngay bây giờ tại thời điểm nầy qua những câu tuyên bố của các giới chức như tổng bí thư , chủ tịt nước hay thủ tướng bộ trưởng VC có chút đần đần có chút tiếu lâm . Chữ Ngu Muội của Trung Tá Vỏ Ý không chính xác phải dùng chữ ngu đần mới đúng . Vì ngu đần để dễ trở thành đồ tể khi cho một mũi thuốc kích thích hay một ngụm “Hùng Tâm”
Tác giả Đổ Trường đã cho rằng Bắc cộng giỏi làm tư tưởng chính trị hơn VNCH cho nên ngườI lính VNCH đã thua ngay trên bàn chính trị . Tôi rất không đồng ý điểm nầy . Chúng tôi không thua trên bàn chính trị tại Miền Nam VN mà chúng tôi đã thua tại Washington khi trật tự thế giới đã thay đổi . Người lính VNCH chúng tôi không bị tẩy não, nhồi sọ hay bị khủng bố bởi những cấp chỉ huy . Chúng tôi có chính nghĩa , chúng tôi có lý tưởng , chúng tôi (đa số) biết việc chúng tôi phải làm khi bọn Bắc cộng xâm lăng VNCH chúng tôi . Chúng tôi không cần những bài chính trị láo khoét , người lính VNCH chúng tôi không cần phải học những bài học đối trá phi đạo đức , chúng tôi không được huấn luyện để dùng khủng bố để cai trị để làm người dân sợ để phải tham gia , cộng tác . Khi người lính Song Vũ hay Lamson72 tôi quỳ xuống Vũ đình Trường trong ánh lửa lập lòe để nhận lảnh uy quyền chỉ huy với ba tín niệm Tổ Quốc –Danh Dự -Trách Nhiệm là chúng tôi đã nguyện hiến thân dưới cờ để phụng sự Tổ Quốc . Tôi muốn nhắc lại phụng sự Tổ Quốc chứ không phụng sự cho bác cho đảng nào . Chúng tôi chưa bao giờ nhận rằng Quân lực chúng tôi là Quân đội nhân dân . Nhưng chúng tôi luôn tâm niệm Vì Dân Chiến Đấu-Vì Nước Hy Sinh . Chính nghĩa ngời sáng, lý tưởng cao đẹp chúng tôi đã xông pha khói lửa Bảo Quốc An Dân . Tiếc thay cuộc chiến đấu của chúng tôi chỉ từ huề đến thua . Vì chúng tôi không được Hoa Kỳ chấp nhận cho Bắc Tiến . Nếu chúng tôi thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Bắc và Quân Lực chúng tôi vượt vỉ tuyến 17 thì chưa chắc Bắc cộng đã chiến thắng chúng tôi . Chiến lược Hoa kỳ là ngăn chận làn sóng đỏ chứ chưa muốn chiến thắng bọn cộng sản quốc tế vì chưa đúng thời điểm . Thắng thua trong quan niệm chiến lược toàn cầu chứ không phải vì bọn Bắc Cộng hay về tư tưởng chính trị hơn Miền Nam chúng tôi . Sự đổ vở bằng sự rút lui không phải do tầng lớp lảnh đạo làm ung thối hàng ngủ chúng tôi mà hai năm từ năm 1973 đến 1975 chúng tôi đã chiến đấu trong thiếu thốn . Thiếu từng giọt xăng cho phi cơ tàu chiến xe tăng , thiếu từng viên đại bác yểm trợ cần thiết , từng trái lựu đạn từng viên đạn M16 . Tan hàng chỉ là vấn đề thời gian . Thất trận là lẻ đương nhiên khi viện trợ năm 1975 là zero so với thời điểm 1972 là 2 tỷ 8 quân viện . Chúng tôi những người lính QLVNCH chẳng có điều gì phải mặc cảm , phải hối hận , phải tủi nhục . Chúng tôi đã chiến đấu hết mình, đã chiến đấu tới cùng , khi sức cùng lực tận phải buông vũ khí đầu hàng theo lệnh của Tổng Tư Lệnh. Nếu phải làm lại từ đầu chúng tôi vẫn làm như thế vì con đường đó là Chính Nghĩa là Trách Nhiệm là Danh Dự dù có phải tan xương nát thịt vẫn không sờn .
Chiến tranh VN đã chấm dứt . Nhưng với những chiến binh QLVNCH trận chiến vẫn còn đang tiếp diễn . Trận thư hùng không cân sức không có súng đạn mà bằng tinh thần . Những người lính chúng tôi không cứ gì Song Vũ đã được huấn luyện đã được trui rèn trong lửa đỏ , những kinh nghiệm máu xương đó chúng tôi làm hành trang trong cuộc đời tù tội . Có người năm ba năm , Song Vũ 13 năm Tướng Lê Minh ĐảO , Tướng Trần Quang Khôi 17 năm . Những chiến sĩ đó đã làm gì để sống còn trong cuộc trả thù bẩn thỉu nhất thế kỷ . Đó là Tinh thần, Ý chí, Niềm kiêu hảnh , Danh Dự của ngườI chiến binh QLVNCH đã giúp họ chiến thắng . Không những cá nhân người lính chiến QLVNCH mà gia đình họ gồm vợ con cha mẹ anh em họ đã chiến đấu hết sức mình cho sự tồn tại dù thân xác có héo mòn , bệnh tật nhưng tinh thần và lý tưởng cũng như ba tín niệm Tổ Quốc _Danh Dự – Trách Nhiệm đã giúp ngườI chiến binh ngày nào không buông xuôi . Họ vẫn đứng vửng như tiền nhân đã đứng vửng ngàn năm để chiến đấu để yểm trợ đồng bào quê nhà trong cuộc chiến đấu một mất một còn giữa chính nghĩa và hung tàn, giữa Dân Tộc và cộng sản để phục hồi, để duy trì những giá trị mà tiền nhân ta đã xây dựng bồi đấp hơn 4000 năm văn hiến
Trong khuôn khổ một comment. Không thể viết dài hơn để thắp sáng chính nghĩa Quốc Gia cũng như để vẽ nên chân dung đích thực người lính VNCH một thời mang gươm đi giữ nước . Xin trân trọng gửi đến tác giả Đổ Trường lời cám ơn chân thành nhất của một người lính thất trận năm nào về những nhận định khách quan về con người và cuộc chiến năm xưa
(Bài nầy đặc biệt viết cho Niên Trưởng Thắc Mắc )
Bài viết của Đỗ Trường hay nhưng lời còm của bác Lamson72 cũng thật hay. Tôi đọc và cảm nhận được những chia xẻ của bác Lamson72 viết về người quân nhân trong nhiệm vụ bảo vệ đất nước và người quân nhân trên cương vị của một cấp chỉ huy trong chiến tranh. Nhưng nếu đứng trên cương vị lãnh đạo một quốc gia thì người lãnh đạo phải hiểu, biết, và phải có tầm nhìn thời cuộc để tìm đáp án cho đất nước, không chỉ cho chiến tranh mà cho toàn diện sự lớn mạnh và tồn vong của đất nước, nhưng rất tiếc người có tầm nhìn đã bị “đồng minh”… “chối bỏ”.
Trân trọng
Nguyễn Văn