Clip công an đánh người ở Văn Giang – Chuyện bây giờ mới kể
Vụ việc Trang Trần gây xôn xao dư luận, các luật gia thi nhau phân tích mọi tình tiết gây bất lợi cho Trang Trần. Phải nói chưa có vụ việc nào mà lực lượng chức năng được các luật gia và nhà báo ủng hộ như thế. Có lẽ do người ” bị hại ” là cơ quan chức năng, công quyền nên được luật sư, nhà báo ưu ái đến vậy.
Luật sư Đặng Văn Cường của văn phòng luật sư Chính Pháp trả lời báo chí rằng.
Nếu hành vi của cô Trang Trần này được xác định là cấu thành tội phạm vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự thì người tung clip này lên mạng sẽ không vi phạm, không bị xử lý”, luật sư Cường nói.
Cũng theo Luật sư Cường, trong trường hợp các cá nhân quay được “những clip về hành vi vi phạm pháp luật, sau đó đưa lên công luận, giúp cơ quan chức năng xử lý còn có thể được xem xét biểu dương, khen thưởng”.
Ngày 24 tháng 4 năm 2012 tại Văn Giang xảy ra cuộc cưỡng chế đất nông dân, hơn 4 nghìn cảnh sát đủ các loại chuyên môn tham gia. Một cảnh tượng chưa từng thấy trong bất kỳ vụ cưỡng chế nào. Hàng đoàn cảnh sát tay khiên, tay gậy trùng trùng lớp lớp tiến về phía người dân. Mở đường đi cho đi nọ những quả nổ do bộ công an sản xuất được ném từ những người mặc thường phục đứng lẫn trong đám cảnh phục. Khói lửa nghi ngút làm nhoà cả một khoảng không và tiếng súng liên thanh bắn chỉ thiên vang trời. Đi sau đoàn quân cưỡng chế hùng hậu ấy là những cỗ máy xúc, ủi loại lớn. Trong màn khói mù do quả nổ của công an và ánh sáng mặt trời còn tang tảng, những cỗ máy như con quái vật khổng lồ khua càng quất đổ những cây cọ , cau cảnh cao vút đổ rạp xuống đất. Chiếc máy ủi lầm lũi lì lợm san phẳng cánh đồng hoa màu mơn mởn thành đống bầy nhầy. Thậm chí cả những ngôi mộ hay chôn giữa ruộng theo thói quen ngàn đời của người dân cũng bị bật tung, chồi lên những lóng xương cẳng tay , cẳng chân người quá cố.
Sau vụ cưỡng chế, ông Bùi Văn Thanh, chánh văn phòng tỉnh Hưng Yên nói rằng.
Ông Thanh lặp lại những gì ông nói với truyền thông trong nước rằng vụ cưỡng chế với “sự hỗ trợ của Bộ Công an và Công an tỉnh” đã “đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, tài sản của nhân dân và các lực lượng tham gia hỗ trợ thi công, cưỡng chế.”
Xin lặp lại lần nữa lời quan chức ” đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản của nhân dân ”
Ngay sau lời ông Thanh nói, trên mạng xã hội xuất hiện một clip cho thấy thế nào là an toàn của người dân trong cuộc cưỡng chế này.
Khi clip này xuất hiện, chính quyền tỉnh Hưng Yên đã báo cáo ngay thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng rằng.
Ngày 2/5, trong hội nghị về việc giải quyết khiếu kiện và tiếp dân do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, ông Nguyễn Khắc Hào, Phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên, nói rằng đã có video clip giả trong vụ Văn Giang dùng để ‘bôi nhọ’ chính quyền.
Ông nói: “Có sự móc nối chặt chẽ giữa các phần tử chống đối trong và ngoài nước. Các thông tin, thậm chí được tường thuật tại chỗ, từng giờ để tuyên truyền, xuyên tạc, dàn dựng lên các video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền”.
Vài ngày sau, những người bị đánh trong clip xuất hiện nhận mình là người bị công đánh đúng những gì trong clip đó. Đây là hai nhà báo của đài VOV là Nguyễn Văn Nam và Hán Phi Long. Báo chí phẫn nộ, đồng loạt lên án hành vi đánh đập hai nhà báo.
Chính quyền tỉnh Hưng Yên đòi các nhà báo phải cung cấp clip gốc và người quay những clip đó.
Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, với tường trình từ một phía của nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long thì “chưa thể khẳng định” được đó là hai người trong clip lan truyền trên mạng. Để xử lý cán bộ thì theo ông phải cần “đầy đủ nhân chứng, vật chứng và quan trọng nhất là băng gốc” quay cảnh được cho là có hai nhà báo VOV bị hành hung, “thậm chí tìm ra cả người quay”.
Nhà báo Đức Hiển có câu hỏi về chuyện này trên báo Pháp Luật TPHCM
Theo VnExpress, chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị các nhà báo cung cấp băng video gốc quay cảnh mình bị đánh để làm rõ. Giả sử đấy không phải là một vụ hành hung, mà là một vụ người dân đánh lực lượng cưỡng chế, gây thương tích cho công an thì Công an tỉnh Hưng Yên có chờ đến khi có video gốc mới làm rõ không? Hay ngay chiều hôm ấy, báo chí sẽ nhận được sự chủ động cung cấp thông tin nhiệt tình, hài rõ tên và tội?
Sự việc nhùng nhằng vì đòi hỏi của phía chính quyền tỉnh Hưng Yên, đằng sau đòi hỏi này là sự tư vấn của Bộ Công An. Phải trích dẫn lại đoạn ông Thanh nói vụ cưỡng chế do công an tỉnh Hưng Yên và Bộ Công An phối hợp, mới hiểu vì sao chính quyền Hưng Yên mạnh mồm đòi clip gốc và người quay.
Ngày 20 tháng 4 năm 2012, Ké gặp tôi nói.
- Vài hôm nữa Văn Giang có cưỡng chế, bà con nhờ anh em bloger Hà Nội đến quan sát giúp. Mấy anh em khác đã cắm chốt đó rồi. Anh đến giúp bà con cùng cho thêm người.
Tôi lắc đầu.
- Thôi, có nhiều người rồi. Việc này họ giúp bà con từ đầu, mình vào dang dở họ ra.
Ké tần ngần, hắn phân vân nói vụ này cần người người chuyên nghiệp chứ không phải cần đông. Tôi bảo mày là đủ rồi, còn những anh em kia nữa.
Ké nói hắn sẽ đi, tuy đi cùng vụ nhưng sẽ tác chiến một mình. Hắn nói xong đeo túi lên vai, bảo em sang xem tình hình.
Đến ngày 23 , tin tức Văn Giang sắp có cưỡng chế nóng rực trên mạng, hình ảnh hàng đoàn xe cảnh sát đặc nhiệm tiến vào Văn Giang, quân cảnh sát đổ ngày đêm rầm rập. Cả khu Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao chìm ngập sự căng thẳng trên mỗi con đường làng, ngõ xóm và trong mỗi ngôi nhà. Chiều hôm ấy tôi vẫn đón con ở trường như thường lệ, hỏi thằng bé thích ăn cơm món gì hôm nay. Tí Hớn nói con thích ăn canh cá chua. Hai bố con ghé qua chợ, mua cá và gia vị. Lúc về đi qua hàng bia, thấy những người đàn ông ngồi chạm cốc dô dô dô trong đó. Tí Hớn nói.
- Những người này chả về xem con mình thế nào, ngồi quán bia này mãi có khi đến tối khuya bố ạ. Hôm nọ mẹ đưa con chơi nhà bà về, muộn rồi con vẫn thấy mấy người đó ngồi.
Tôi làm canh cá, lúc hai bố con ngồi ăn, tôi nhớ đến lời thằng bé nói khi đi qua quán bia. Hình ảnh những người đàn ông mặt mũi tưng bừng nâng cốc và nhìn bố con tôi ngồi ấm cúng bên món canh riêu cá trong ngồi nhà nhỏ ấm cúng. Tôi nhớ Ké lúc xốc túi lên vai quả quyết đi, chẳng biết lúc này nó núp chỗ nào ở khu chiến địa đầy bầu không khí đe doạ ấy.
Cơm xong, tôi liên lạc với Ké. Hắn mừng rơn, thì ra hắn đang lẻ loi núp tại một địa điểm tại Văn Giang.
Tôi hẹn sẽ đến.
Lúc vợ về, tôi khoác túi đi, nói đi có việc không biết hôm nào về. Nếu mai tôi chưa về kịp thì xin nghỉ làm sớm đón con.
Vợ con tôi im lặng, nét lo âu lộ trên mặt cả hai mẹ con, vợ tôi thở dài, còn thằng bé cúi đầu buồn.
Lúc nhá nhem của chiều ngày 23, hai người dân Văn Giang đón tôi ở địa điểm bên ngoài xã, tôi cởi trần, quần đùi, chân đất mọi thứ quần áo, giay dép máy ảnh, máy quay phim cho vào bao tải đi theo những người dẫn đường. Họ dẫn tôi đi lòng vòng , có lúc đi ngang qua những nhà dân khác. Những người dân mà tôi đi qua họ nhìn tôi với con mắt cảm mến. Chẳng ai nói gì, nhưng ánh mắt nào cũng như gửi lời chào và lời cảm ơn. Bầu không khí lúc ấy như trong chiến tranh, người hối hả đi ra đồng đào cây quý chở về, người chuẩn bị rào dậu, từng tốp người nét mặt lo âu thầm thì bàn đến chuyện trạm gác đằng này, đằng kia. Loa phóng thanh xã rả rả những lời đe doạ, cảnh báo về việc chống đối cưỡng chế.
Ké ở trong một ngôi nhà , ăn cơm với hai vợ chồng chủ nhà. Con nhỏ của họ đã đi ” sơ tán ” nơi khác. Bữa cơm của gia đình nông dân giản dị như ngày thường. Ăn xong, Ké dẫn tôi đến chỗ của hắn trú vài hôm, chỉ vào hai gói xôi đậu xanh nhỏ bằng nắm tay bảo.
- Đây có xôi để đêm anh em mình trực chiến.
Tôi bảo Ké xin chủ nhà nước sôi và trà, vừa uống nước vừa hỏi Ké tình hình. Sau đó chúng tôi đi quan sát địa hình trong đêm. Kết hợp tình hình với địa thế , chúng tôi quyết định chọn một điểm sẽ đóng chốt quan sát diễn biến. Cả địa bàn cưỡng chế rộng mênh mông, hơn 4000 quân cảnh sát chưa kể lực lượng mặc áo thường dân đeo băng đỏ. Không ai biết được sự kiện nóng nhất sẽ xảy ra chỗ nào. Sự lựa chọn của chúng tôi thiên về cảm tính, may rủi hơn là tính toán.
Nửa đêm, tôi gọi chủ nhà, yêu cầu mang quần áo, chăn nệm bất cứ cái gì có thể, phơi cho tôi ở trên sân thượng.
Tôi nghĩ rằng nếu có đánh đập, trước đó công an sẽ quan sát tất cả những vị trí cửa sổ, ngõ ngách để chặn những người quay phim. Đám an ninh sẽ trà trộn vào dân làng để khống chế người quay phim. Nơi trống trải nhất lại là nơi ít bị để ý nhất. Nếu cần tôi sẽ núp trong đám quần áo, chăn đệm ấy.
Đấy là cảm tính thứ hai.
Nhưng cuộc đời dạy tôi rằng, bất cứ cảm tính nào đều không nên bỏ qua, nhất là trong những việc quan trọng. Phải nói Ké là người hiểu tôi, hắn ít khi hoài nghi những đòi hỏi oái ăm của tôi, nhất là lúc không có thời gian để giải thích nữa hắn lại càng không lăn tăn.
Nếu xem kỹ clip người bị đánh, sẽ thấy máy quay dừng lại khi người ấy đang đứng, rồi công an lao đến túm và đánh đập. Khi clip được tung ra, nhiều kẻ nói rằng nguỵ tạo, đặt bẫy, vì làm sao biết công an đánh ai mà để sẵn máy quay vào vị trí người đó. Xin thưa, đó cũng là cảm tính.
Những cảm tính tình cờ liên tiếp nhau khiến những bộ óc khoa học của nhà cầm quyền hoài nghi về sự sắp đặt, giả tạo, không chân thực của clip. Nhưng sự thực thì vẫn là sự thực.
Chúng tôi bỏ lại hết máy móc, rạch cạp quần đùi nhét thẻ nhớ. Một cô gái chở hai chúng tôi ra khỏi khu vực, tôi lo lắng và căng thẳng nghĩ sao an toàn mang thẻ nhớ ra. Còn Ké lúc đó thật lạ, hắn vẫn hỏi han à ơi cô gái. Nếu đọc đoạn này, mong vợ hắn đừng ghen, có thể hắn cũng đang dùng một biện pháp trấn tĩnh, hoặc giả bộ tự nhiên để chúng tôi ra ngoài dễ dàng.
Chúng tôi đợi khi nhà cầm quyền Hưng Yên tuyên bố cuộc cưỡng chế an toàn về của và người cho nhân dân mới tung clip hai nhà báo bị đánh lên mạng.
Bây giờ thì quay lại chuyên chính quyền Hưng Yên đòi clip gốc và người quay, khiến vụ việc vào thế giằng co. Một người bạn thân biết tôi trong nhóm quay clip đó , đặt vấn đề là bên VOV muốn gặp tôi. Tôi hỏi gặp làm gì, họ bảo nếu cần họ muốn nhờ tôi làm nhân chứng.
Tôi bàn với Ké, nếu chúng ta không nhận, có khi việc này sẽ chìm xuồng. Nhưng nếu đứng ra nhận, sẽ bị thẩm vấn rất căng. Tôi lược ra những câu thẩm vấn mà người ta sẽ hỏi đầy ác ý để dập tắt ý chí của nhân chứng.
- Anh cho biết lý do anh có mặt tại đó.
- Anh cho biết đông cơ tại sao anh mang máy quay đến đó.
- Máy quay này anh mua bao giờ, ở đâu , tiền đâu ra anh mua.
- Anh đưa clip này lên mạng như thế nào, qua bloge, Facebock, youtbe bằng tài khoản tên gì , đưa ở đâu, đưa vào thời điểm nào.
- Ý đồ anh quay clip này nhằm mục đích gì. Khi anh tán phát lên mạng mục đích của anh là gì ?
- Trước khi đi anh ở đâu, có ai ở đó, nói chuyện gì.
- Khi anh đến đó, anh gặp những ai, ở đâu , nói chuyện gì.
Các câu hỏi sẽ diễn ra liên tiếp tuỳ theo những câu trả lời, nhưng trước tiên người ta sẽ hỏi bố anh, mẹ anh, vợ con anh, anh chị em ruột bao nhiêu tuổi, ở đâu, làm nghề gì. Anh tiền án, tiền sự gì chưa, đã bị bắt lần nào chưa, hiện nay anh ở đâu, làm gì để sống.
Chúng tôi thống nhất, tôi sẽ đi nhận. Có gì một thằng chết, còn thằng ở lại lo hậu sự. Dù sao thì nhà tù và thẩm vấn tôi rành hơn Ké vì trải qua nhiều lần, còn hắn thì chưa.
Tôi gặp người VOV ở quán cà phê đối diện với toà nhà VOV phía bên số chẵn của phố Bà Triệu. Anh ta hỏi trường hợp cần phải làm chứng, mong tôi đứng ra nhận. Tôi đồng ý và trao cho anh ta clip gốc.
Ngay sau đó trên báo chí, chính quyền Hưng Yên và bộ Công An không thấy lớn tiếng đòi tìm người quay, clip gốc. Không ai nói là clip giả tạo. Họ quên bẵng những chuyện đó, và có những lời xuê xoa, nhận lỗi ầu ơ. Người của VOV trả lời tôi.
- Anh ạ, chúng tôi dù sao cũng toàn người nhà nước, làm việc ngành ngang dọc này nọ. Không đơn giản, vụ này cả tổng bí thư, thủ tướng cũng đến tận chỗ chúng tôi chỉ đạo. Nên chắc sẽ giải quyết mà không cần toà án đâu, anh thông cảm.
Tôi cười nhạt.
- Tôi biết trước sẽ thế, tôi nhận để các anh hiểu rằng, những người như chúng tôi sẵn sàng làm chứng cho công lý, sự thật. Còn các anh không muốn thì đó quyền các anh, các anh là người bị hại, không kiện cáo là quyền các anh. Việc chúng tôi làm thấy thế là đủ.
Bỗng nhiên hai hôm sau tôi có giấy triệu tập lên cơ quan an ninh, cả tuần liền làm việc trả lời về cuốn sách Đại Vệ Chí Dị.
Khi tôi về thì việc kia có vẻ êm, phía công an Hưng Yên xin lỗi hai nhà báo, đó là việc những người nhà nước với nhau. Khi tạm xuôi, chính quyền Hưng Yên lớn tiếng.
- Ngoài việc hai nhà báo ra, không có người dân nào bị đánh đạp cả.
Chúng tôi quyết định tung clip thứ hai trong vụ cưỡng chế Văn Giang, clip cho thấy công an đánh người dân dã man.
Một công an trên clip video này còn co chân đá vào người phụ nữ đã bị người khác giữ tay.
Video nói trên hiện đang được phát tán rộng rãi trên các trang mạng xã hội.
Người phụ nữ bị đánh được nêu danh là bà Ngô Thị Ánh, dân xã Xuân Quan, thuộc huyện Văn Giang. Hôm 24/4, khi lực lượng cưỡng chế đang hoạt động, bà Ánh đứng ngay tại hiện trường, được nói là “khu vực nhà văn hóa xã Xuân Quan”.
Nhưng khác với hai nhà báo bị đánh, không thấy báo chí, luật sư nào lên tiếng về clip này. Không ai bồi thường hay xin lỗi người phụ nữ bị đánh dã man trong khi bị hai công an khác bẻ tay khống chế. Chị nhận một cú đá hung ác từ phía một người mặc đồ cảnh sát, cú đá giữa ngực người phụ nữ nhỏ bé, khiến chị đổ vật như cây chuối tức thì.
Các nhà báo, luật sư có Chính Pháp, có lương tri đang lên tiếng ở vụ Trang Trần, nghĩ sao về những clip và câu chuyện của những người quay clip đó. Khi các vị lên án Trang Trần, tìm mọi ngóc ngách pháp luật để lên án cô, bênh vực công an một cách nhiệt tình thì những người công an đánh phụ nữ trong clip của chúng tôi cũng cần được các vị lên án. Vì hành vi của công an trong clip đó, còn hung hãn, côn đồ gấp nhiều lần Trang Trần.
Lúc mà người phụ nữ nông dân bị hai người bẻ tay, cho một cảnh sát khác đá vào mỏ ác thẳng chân hết lực.
Khi đó các vị ở ở đâu.?
Chúng tôi không cần được khen ngợi, có một dàn dư luận viên, bồi bút suốt bao năm qua đã ca ngợi chúng tôi là rận chủ, phản động, lưu manh, cơ hội, thèm tiền. Với chúng tôi thế là quá đủ lời khen rồi.
Chúng tôi chỉ mong các vị cho người dân thấy sự công bằng, không có phân biệt giữa người dân Việt Nam với những người trong bộ máy công quyền Việt Nam mà thôi.
Hơn nữa là cho người dân thấy những người cầm bút làm báo chí, làm luật còn có lương tâm, trách nhiệm, đứng về phía người yếu thế. Đó mới là điều đất nước này, nhân dân này cần đến quý vị.
Đất nước để một thằng lưu manh, tiền án, tiền sự bỏ dao súng, cầm bút lải nhải về sự thật, công bằng thật chả ra gì. Chính những người cao quý , địa vị trong xã hội như các vị nhà báo, luật sư đang lớn tiếng trong vụ Trang Trần kia mới là những người cần phải làm điều đó.
Theo Blog Nguoibuongio
Những video clip nào do CA nhà nước cắt ráp, dàn dựng, thì cơ quan công quyền chẳng cần đòi hỏi băng gốc hay người quay, mà cứ vịn vào đấy mà kết tội, không cần biết là phạm nhân hay nạn nhân!
Nhưng hễ clip nào chiếu cảnh CA đàn áp, đánh đập, ức hiếp dân thì cơ quan chức năng đều cho là “giả”, đòi hỏi băng gốc và người quay…………….Ủa, sao lạ thế?
Thực ra chẳng có gì lạ cả, những kẻ nào dám nói, đưa ra bằng chứng sự thật về hành động côn đồ của CA đều bị trả thù và trừng trị không bằng hình thức này thì thủ đoạn khác mà thôi, cơ quan chức năng nhà nước đòi hỏi phim gốc là cố moi ra người quay để “giết người diệt khẩu” hay tìm cách “tống cổ vô tù để bịt miệng” để răn đe người khác cũng đều là mục đích chính của nhà nước độc tài đảng trị CSVN! (tạm thời may mắn cho anh Ngườibuôngió đấy)
Nguoibuongio “Đất nước để một thằng lưu manh, tiền án, tiền sự bỏ dao súng, cầm bút lải nhải về sự thật, công bằng thật chả ra gì. Chính những người cao quý , địa vị trong xã hội như các vị nhà báo, luật sư đang lớn tiếng trong vụ Trang Trần kia mới là những người cần phải làm điều đó.”
Bênh vực cô Trang Trân thì được ăn giải rút gì cớ chứ, vì thế mà luật sư Đặng Văn Cường là kẻ thức thời, biết nhìn xa trông rộng cho cái tương lai và chỗ đứng của mình, ai chết mặc ai, LS Cường chỉ còn biết “còn đảng còn mình” còn lương tâm của ông đã bị đứt mất giây thần kinh nghề nghiệp mất rồi?
Trích: “Nếu hành vi của cô Trang Trần này được xác định là cấu thành tội phạm vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự thì người tung clip này lên mạng sẽ không vi phạm, không bị xử lý”, (luật sư Cường nói).
Ơ hay, chuyện rành rành ra đó, CA gây khó dễ cho người lái Taxi, vòi tiền vô lý, thay vì lập biên bản và yêu cầu anh tài xế Taxi nộp phạt là đủ, tại sao mấy lão CA (mắc dịch) lại dở chứng trêu ngươi, buộc cô Trang Tran ngứa mắt, thấy bất công mà phải lên tiếng. Hay LS Cường cho rằng, CA muốn làm gì thì làm, còn người dân thấp cổ bé miệng như anh tài xế Taxi và cô Trang Tran không được quyền lên tiếng?
Là một “luật sư” mà sao ông Cường giống như con chó giữ nhà của đảng vậy kià?
Tôi cúi đầu xuống…lạy nguoibuongio…..ông ơi ! ông đưa ra chi nhửng chi tiết của chúng tôi nào là : Luật Sư, Phóng Viên , người cầm bút vụ…Trang Trần…!! . Xin Ông hảy thành thật nhìn bọn làm Truyền Thông Báo Chí của đế quốc Mỷ và thực dân Âu Châu…cả Nhửng Ông Luật Sư vang danh thế giới …xem rỏ HỌ có phịa không ? có giã dối ! thay đen thành trắng ! và ngược lại…v…v…Bọn HỌ là người có học vị cao….có văn bằng thật….còn bọn tụi tui đem so sánh với …HỌ thì …number teen hihihi… .
Khốn nạn cho một chế độ: đem 4 ngàn công an đi để ngăn chận và đánh người bị cướp đất! trong khi bọn Tàu cộng xâm lăng đất, biển đảo thì chẳng thấy mặt một thằng công an nào!!!!