Văn hoá bạo động
Tôi có một sinh viên người Úc rất mê Việt Nam. Cứ hễ có chút tiền là anh ấy bay đi Việt Nam. Mỗi năm đi Việt Nam ít nhất một lần. Tôi hỏi: Anh mê nhất ở Việt Nam điều gì? Anh đáp: Tình người. Anh khen người Việt Nam thân thiện và hiếu khách, lúc nào cũng cười, và khi cần, sẵn sàng giúp đỡ anh, một người ngoại quốc chỉ bập bẹ được đôi ba câu tiếng Việt hết sức đơn giản. Khi tôi hỏi tiếp: Có gì anh không thích ở Việt Nam? Anh đáp: tính bạo động. Anh thường xuyên thấy cảnh người Việt gấu ó và đánh lộn với nhau. Trên đường, quẹt xe nhau một tí: dừng lại chửi bới nhau, thậm chí, thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau. Trong quán nhậu, giữa những lúc ồn ào hò la dzô dzô, bỗng dưng nỗi quạu, nhào tới vung tay thọi nhau chí choé làm náo động cả quán. Anh cho đó là một nghịch lý mà anh không hiểu tại sao. Anh băn khoăn hỏi tôi: Tại sao như vậy?
Đó cũng là câu hỏi thỉnh thoảng tôi tự đặt ra với chính mình. Về tính thân thiện của người Việt, chúng ta khỏi cần bàn: Nó khá hiển nhiên. Nhưng còn sự hung hãn? Cứ mở bất cứ tờ báo nào ra, chúng ta cũng thấy những bản tin về chuyện người Việt Nam đánh lộn với nhau, có khi gây tử vong, chỉ vì những duyên cớ hết sức nhỏ nhặt. Trong lễ hội đền Gióng tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội vừa rồi, cả hàng trăm người nhào tới cướp hoa tre để lấy may mắn; từ giành giật dẫn đến xô xát; và khi xô xát, người ta dùng cả gậy gộc để phang thẳng vào đầu nhau khiến lễ hội đáng lẽ rất linh thiêng trở thành một cuộc hỗn chiến nhếch nhác, người thì u đầu người thì sứt trán. Cũng theo báo chí trong nước, từ ngày 27 tháng chạp đến mồng bốn tết Ất Mùi vừa qua, trong cả nước có 6.200 người phải đưa vào bệnh viện cấp cứu chỉ vì đánh nhau. Những người đánh nhau ấy có khi là bạn bè của nhau. Cứ rượu vào thì lời ra; lời, đến mức nào đó, nghe chói tai, thế là người ta nhào đến vung tay vung chân hạ gục nhau. Có khi tay chân không đủ, người ta sử dụng cả vũ khí nữa.
Trong phạm vi gia đình, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những hành vi bạo động như vậy. Nặng thì đánh đập nhau: một hình thức bạo động bằng vũ lực; nhẹ thì dùng lời nói để làm nhục nhau: một hình thức bạo động bằng ngôn ngữ. Cả hai hình thức bạo động ấy không chỉ xảy ra giữa vợ chồng, anh em, mà còn xảy ra giữa bố mẹ và con cái.
Vấn đề là: tại sao người Việt Nam lại hung hãn đến như vậy? Tôi ngờ là đằng sau những sự hung hãn ấy là một thứ văn hoá, tạm gọi là văn hoá bạo động.
Có thể định nghĩa văn hoá bạo động là niềm tin hay nếp nghĩ cho rằng các xung đột chỉ có thể được giải quyết thông qua bạo lực. Trong xã hội loài người, ở đâu và thời nào cũng có các xung đột hoặc về lợi ích hoặc về tư tưởng và tính tình. Để giải quyết các xung đột ấy, người ta có nhiều biện pháp khác nhau. Trong văn hoá bạo động, các biện pháp ưu tiên hàng đầu là thượng cẳng chân hạ cẳng tay.
Đặc điểm đầu tiên của văn hoá bạo động là người ta không có thói quen giải quyết xung đột và mâu thuẫn bằng các biện pháp thương thảo. Tôi sống ở Tây phương khá lâu, tôi nhận thấy điều này: khi có điều gì bất hoà hoặc bất đồng, người ta thường ngồi lại với nhau để phân tích ai đúng ai sai. Giữa vợ chồng hay giữa bố mẹ và con cái hay giữa bạn bè với nhau, người ta đều làm vậy. Sau khi phân tích, người có lỗi nhận lỗi và người kia thì cũng bỏ qua, mâu thuẫn và xung đột coi như được giải quyết. Ngoài xã hội cũng vậy. Thỉnh thoảng tôi thấy các cảnh cãi cọ nhưng hiếm khi nào thấy cảnh người ta ẩu đả với nhau. Có. Đâu đó vẫn có cảnh đánh lộn. Nhưng mức độ chắc chắn là rất ít. Trong các dịp lễ hội tại Úc, ví dụ, trong các đêm giao thừa, có khi cả triệu người đổ xô xuống đường, nhưng hiện tượng ẩu đả nhau khiến cảnh sát phải can thiệp rất hiếm, có khi hoàn toàn không có.
Đặc điểm thứ hai của văn hoá bạo động là sự thiếu vắng niềm tin vào lý lẽ và vào luật pháp. Lấy ví dụ về những chuyện đụng xe với nhau. Ở Úc, tôi từng chứng kiến cảnh xe cộ đụng nhau khá nhiều lần. Chưa bao giờ tôi thấy cảnh người ta đánh nhau hay cãi cọ với nhau. Thường, người ta chỉ ghi bằng lái và số xe của nhau. Tất cả các phần còn lại đều do các hãng bảo hiểm hoặc, trong những trường hợp trầm trọng, do toà án giải quyết. Người ta không cần sử dụng bạo động trong ứng xử hoặc trong ngôn ngữ vì người ta tin vào luật pháp, tin vào lý lẽ. Ở Việt Nam thì khác. Trong các vụ đụng xe, hầu như không ai tin vào những thứ ấy. Người ta giành quyền giải quyết chuyện thắng thua ngay tại chỗ. Và bằng sức mạnh của nắm đấm.
Với hai đặc điểm nêu trên, văn hoá bạo động có gốc rễ từ bản năng của con người, đặc biệt, khi bản năng ấy chưa được thuần hoá bằng giáo dục và bằng nếp sống văn minh đặt trên nền tảng của lý trí và luật pháp. Có lẽ ngày xưa, ở đâu người ta cũng có thứ văn hoá bạo động như vậy. Tuy nhiên, ở những nơi lý trí và luật pháp được coi trọng, thói quen tranh luận và thương thảo đã thành nếp, văn hoá bạo động dần dần nhạt đi, những cảnh ẩu đả vì những lý do vu vơ dần dần giảm xuống.
Ở Việt Nam, văn hoá bạo động không những không giảm thiểu mà còn bộc phát mạnh mẽ. Theo tôi, điều này có thể được giải thích bằng hai nguyên nhân: Thứ nhất, đó là di sản của chiến tranh, một biến dạng của văn hoá chiến tranh trong thời bình. Trước, suốt bao nhiêu năm chiến tranh, ở bất cứ phe nào, người ta cũng khuyến khích văn hoá bạo động, sử dụng bạo động để giành chiến thắng. Riết, thành thói quen trong nếp nghĩ và trong cách hành xử. Thứ hai, quan trọng hơn, người ta không tin vào pháp luật. Nguyên nhân của việc không tin vào pháp luật là chính chính quyền cũng không tin và không hành xử theo pháp luật. Bởi vậy, để giảm thiểu văn hoá bạo động, mọi người, bắt đầu từ giới có quyền lực, phải sống theo luật pháp.
Người xưa thường nói: thượng bất chính, hạ tắc loạn. Văn hoá bạo động tại Việt Nam hiện nay, do đó, xuất phát từ sự bất chính của giới lãnh đạo. Không thể thay đổi điều gì được nếu không bắt đầu thay đổi từ gốc: chính quyền.
Blog Nguyễn Hưng Quốc (VOA)
Thật là tội nghiệp hai chữ “Văn Hóa” cho nước tôi. Ông Nguyễn Hưng Quốc viết có nhiều bài rất hay nhưng nhiều bài ông viết cũng “lạ”. Riêng bài này thấy như ông nhiễm “tư tưởng” lạ rồi. Hai chữ “Văn Hóa” đã bị lạm dụng và “sử dụng” thật đáng ngại. Ngày nay, ngoài những cái tinh hoa đặc trưng của một dân tộc, những cái gì tiêu cực hay xấu xa cũng được “trân trọng” gọi hay cho là văn hóa. Cái này có đúng không hay sống dưới chế độ cộng sản mọi thứ đã thay đổi?
Bạo động thì ở đâu và xã hội hay chế độ nào cũng có nhưng mức độ khác nhau tùy sự giáo dục, dân trí và luật pháp. Bạo động, theo tôi không gọi là văn hóa nhưng bạo động ở Việt Nam đã được tích lũy và trải qua 85 năm dài từ ngày đảng cộng sản cầm quyền, và mức độ ngày càng tăng, nó chỉ là phản ánh tính đặc trưng của xã hội chủ nghĩa cộng sản vì thiếu giáo dục hay giáo dục sai và luật pháp không nghiêm minh – nếu gọi là văn hóa thì là “văn hóa” chỉ có ở những nước cộng sản vì nó là “tinh hoa” của Đảng.
nv
TỆ NẠN BẠO ĐÔNG
Chớ bộ hai bạn Nguyễn Văn và Trần Trường,… chưa biết ông Quốc đã nỗi tiếng là
A Cassette Tape về “văn hóa” đó sao; đúng ra, có lẽ ông ta thiếu vốn từ mà thôi…
“Bạo động” coi như tập quán xấu, hay còn gọi là tệ nạn xã hội bao gồm những thói hư,
tật xấu,…
Kevin To, USA.
“Vấn đề là: tại sao người Việt Nam lại hung hãn đến như vậy? Tôi ngờ là đằng sau những sự hung hãn ấy là một thứ văn hoá, tạm gọi là văn hoá bạo động.”-Trích.
Tội nghiệp cho hai chữ “văn hóa ” của tiếng Việt tôi quá . Chữ ‘văn hóa’ của tôi ,của chúng
tôi ,không biết tự lúc nào nó đã bị tầm thường hóa ,dùng tràn lan một cách vô tội vạ đến như vậy !!!.
Nói về thói quen ăn thịt chó của người Việt ,họ xài : “văn hóa thịt chó “. Nói về cách ăn mặc váy của
các phụ nữ miền bắc, họ sáng chế ra “cụm từ” : “văn hóa váy “. Nói về cảnh giành giật ở các hội hè,
đình đám miền bắc VN ,họ vô tội vạ phán :”Cướp có văn hóa ” …
Tôi không có cái may mắn được học hành đến nơi,đến chốn như ông NHQ, nhưng cũng
được hưởng chương trình trung học đệ nhất cấp của VNCH . Khi xưa ,tôi được gáo dục “văn hóa”:
là những tinh hoa của một dân tộc ,đã được hun đúc trong một khoảng thời gian dài lịch sử của
dân tộc đó . “Bạo động ,tính hung hãn ,bát nháo” ,theo tôi nghĩ,không phải là tinh hoa của dân Việt.
Cho nên xài chữ :”văn hóa bạo động ” ,tôi thấy có gì đó hơi chướng tai . Nếu có cái loại văn hóa
này ,hình thành và phát triển , xin đừng gắn liền nó với văn hóa chung của tất cả người Việt Nam .
Tôi đi ăn sáng ở một Quán bún bò ngay ngã tư , từ 7h30 đến 9h0 rất đông khách, bàn ghế bày biện ra ngoài cả mái hiên (lề đường có mái che), ghế ngồi hầu như kín mít. Vị trí cái bàn tôi ngồi là hai cái bàn Inox dài hình chữ nhật ghép sát với nhau, một cái bàn đặt dọc nếu ghép chung với bàn của tôi thành hình chữ T. Ở cái bàn đặt dọc là một anh trung niên chạc tuổi với tôi khoảng 50 + một cặp vợ chồng + 01 người đàn ông (vừa đứng lên thì có người trong bàn của tôi lấy mất một cái ghế đặt cái cặp táp) = 04 người, 03 người kia vừa đứng lên thì có ngay cặp trai gái mặt mũi thanh tú đang đi tìm chỗ ngồi xề vào luôn bàn của anh ấy, cô gái ngồi xéo đối diện anh trung niên, cậu thanh niên đang lay hoay tìm thêm cái ghế nữa để đặt cái ba lô, cậu ta cứ đứng lóng ngóng í ới với cô bé phục vụ dáng gầy nhom, mồ hôi nhễ nhại vì lượng khách quá đông, kiếm thêm cho anh ta cái ghế nửa, tuyệt nhiên không thấy anh ta chủ động đi tìm thêm cái ghế vì anh ta đang cần mà (để ba lô). Anh trung niên mới buột miệng nói rằng: em coi xung quanh còn dư cái ghế nào tự mình đi lấy cho nó nhanh chứ chờ người ta lấy cho mình chắc là không ai phục vụ đâu, đang lu bu mà. Cậu ta sừng cồ một câu rất vô duyên với giọng điệu thách thức: anh có đi lấy giùm được không? không được thì đừng có nói (ý của cậu ta : đó là chuyện của cậu ta với quán bún bò, chẳng liên quan gì tới anh thì đừng có xen vào – tôi đoán ý của cậu ta như thế !), anh trung niên im lặng nhìn tôi…tôi chỉ biết nhíu mày trề môi nhếch vai trái lên cao tỏ ý đồng cảm với anh ấy vì thái độ thô lỗ của cậu thanh niên.
Câu chuyện ứng xử ngoài xã hội tuy nó nhỏ xíu thôi nhưng nó khiến tôi vừa ăn bún vừa suy nghĩ, với thái độ hơi hỗn của cậu thanh niên này nếu gặp phải một cậu thanh niên khác, không chừng xảy ra lớn tiếng đi đến choảng nhau như chơi.
Tôi quan sát câu thanh niên hơi hỗn đó (khoảng 28=>30t) – tôi đánh giá thế này: nếu sống chung với gia đình chắc là hành cha mẹ là chính – sinh hoạt thường ngày trong nhà chả giúp ích được gì, vào Cty hay cơ quan nhà nước – trong công việc thiếu tính tự lập, thậm chí có bản tính lợi dụng lòng tốt của những người xung quanh, mượn ghế mượn thang phục vụ lợi ích của riêng mình, loại người này rất ích kỷ.
Ôi ! chỉ có nền giáo dục vong bản thời xã nghĩa mới đào tạo ra những sản phẩm kém chất lượng như cậu thanh niên này đấy !.
Bài viết sâu sắc đi tìm nguồn gốc của hành vi bạo động tại nước ta: nhà cầm quyền không thi hành pháp luật một cách trong sáng, dân không tin pháp luật, chiến tranh lâu dài và việc cổ xúy bạo động của nhà cầm quyền.
Tôi xin thêm một nguyên nhân nữa: Chính nhà cầm quyền sử dụng bạo động hằng ngày đối với dân từ việc nhỏ như vi phạm giao thông đến việc lớn như biểu tình…
Bài viết thật giá trị so với bài viết của một giáo sư Mỹ tại đạo học Stanford đưa ra năm 2014 cho rằng người Việt Nam hay bạo động vì …ăn nhiều thịt… thật nhảm nhí!