WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Cuộc triệt thoái Tây Nguyên và những hệ lụy

imagesDẫn chuyện:
Sau khi tỉnh Phước Long vào tay quân cộng sản ngày 7/1/1975, thủ phủ Ban Mê Thuột và tỉnh Darlac thất thủ ngày 11/3/1975, tình hình chiến sự Quân Đoàn II/Quân Khu II trở nên sôi động. Xin nhớ là Thỏa Hiệp Ngưng Bắn đã ký tại Paris ngày 27/1/1975 và hạ tuần tháng 3/1975 là có hiệu lực. Do vậy mà bầu không khí chính trị cũng sôi động không kém tình hình quân sự.
Lúc bấy giờ các vị lãnh đạo quốc gia và lãnh đạo quân đội liên quan đến những phản ứng sau đó, là:
- Tổng Thống: Nguyễn Văn Thiệu (Trung Tướng).
- Thủ Tướng: Trần Thiện Khiêm (Đại Tướng).
- Tổng Tham Mưu Trưởng: Đại Tướng Cao Văn Viên.
- Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu, kiêm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận: Trung Tướng Đồng Văn Khuyên. Ông được phép đưa thân phụ sang Tokyo chữa bệnh ung thư, nên không có mặt từ lúc đầu cuộc rút quân. Đại Tá Phạm Kỳ Loan, Tổng Cục Phó, xử lý thường vụ chức vụ Tổng Cục Trưởng.
- Tư Lệnh Quân Đoàn II/Quân Khu II: Thiếu Tướng Phạm Văn Phú.
- Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy 2 Tiếp Vận (Qui Nhơn): Đại Tá Bửu Khương.
- Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II, Đại Tá Lê Khắc Lý.
Lúc bấy giờ tôi là Tham Mưu Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận.

Vào chuyện:
Ngày 14/3/1975, một buổi họp quan trọng tại Cam Ranh dưới quyền chủ tọa của Tổng Thống, nhưng người bạn tôi ở Phủ Thủ Tướng không rõ nội dung mà chỉ áng chừng là vạch kế hoạch phản công chiếm lại Ban Mê Thuột. Rất tiếc là Trung Tướng Đồng Văn Khuyên chưa về, nên tôi với Đại Tá Phạm Kỳ Loan không biết gì hơn.
Ngày 15/3/1975, ngay đầu giờ buổi làm chiều, điện thoại reo:
- Đại Tá Hoa tôi nghe -
- Có ai ngồi gần anh không? -
- Dạ không, thưa Đại Tướng -
Đó là Đại Tướng Cao Văn Viên. Ông tiếp:
- Tuyệt đối là anh không cho ai biết lệnh này ngoài những sĩ quan trách nhiệm thi hành -
- Vâng, tôi rõ thưa Đại Tướng -
- Tổng Cục Tiếp Vận có bao nhiêu phi cơ vận tải C.130 khả dụng? -
- Thông thường thì sử dụng 2 hoặc 3 chiếc, nhưng trường hợp tối cần thiết có thể sử dụng được 8 hoặc 9 chiếc. Nhưng tôi sẽ hỏi bên Không Quân và sẽ trình lại Đại Tướng con số chính xác hơn, thưa Đại Tướng -
- Thôi được. Điều cần thiết là anh phải sử dụng tối đa vì đây là nhu cầu khẩn cấp. Anh liên lạc ngay với Quân Đoàn II, xem họ cần bao nhiêu chiếc thì cho họ bấy nhiêu, còn sử dụng vào công tác gì thì tùy họ. Nhiệm vụ kể từ ngày mai. Anh rõ chưa? -
- Thưa Đại Tướng, tôi rõ -
- Phần anh, anh chuyển các quân dụng đắt tiền ra khỏi Pleiku và muốn đem về đâu thì tùy anh-
- Vâng. Tôi thi hành, thưa Đại Tướng -
Tôi thuật lại cho Đại Tá Loan nghe, và cả Đại Tá Loan lẫn tôi, đều không suy đoán được là chuyện gì sắp xảy ra mà chúng tôi không được phép biết. Nếu chuẩn bị đánh nhau với quân cộng sản thì tại sao không để quân dụng lại mà thay thế số tổn thất? Nếu không đánh nhau,….. mà không đánh nhau là thế nào? Thật không hiểu nỗi!

Tổ chức một quân đội, phải có hai yếu tố chính, là “con người và quân dụng”. Quân dụng do ngành Tiếp Vận quản trị. Những gì trang bị cho mỗi quân nhân từ đỉnh đầu xuống đến gót chân, từ dinh dưỡng đến điều trị khi bị thương hay đau yếu, vấn đề mai táng và nghĩa trang, rồi doanh trại, phương tiện di chuyển, rồi súng đạn, xe tăng thiết giáp, đại bác hỏa tiển,…… đều là nhiệm vụ của ngành Tiếp Vận. Ấy vậy mà Tiếp Vận lại không được quyền biết đến kế hoạch hành quân, ít nhất là đối với lệnh vừa rồi của Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa!

Trong quân đội, chỉ có Trung Tướng Đỗ Cao Trí và Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, là hai vị Tư Lệnh đại đơn vị đặt Tiếp vận vào đúng vị trí của ngành này mà thôi. Điển hình là Trung Tướng Đỗ Cao Trí, Tư Lệnh Quân Đoàn III, đầu năm 1970, khi soạn kế hoạch hành quân sang lãnh thổ Cambodia tấn công các kho dự trữ tiếp vận của quân cộng sản sát biên giới Việt Nam, sau khi quyết định ngày N, Trung Tướng Trí nêu câu hỏi với Trung Tá Trương Bảy (sau này là Chuẩn Tướng Cảnh Sát) Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy 3 Tiếp Vận:
- Theo kế hoạch hành quân như đã trình bày, Tiếp Vận có chuẩn bị kịp không? Nếu không, Quân Đoàn sẽ lùi ngày lại”.
Khi vị Tư Lệnh hỏi như vậy, cho dù chuẩn bị gấp rút cách mấy cũng phải thực hiện cho xong chớ đâu thể xin lùi ngày được. Đằng nào cũng phải vất vã, nhưng vất vã mà được biết đến vẫn vui lòng hơn.
Trước khi lên Pleiku nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn II, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú điện thoại tôi:
- Anh Hoa à, tôi sắp sửa lên Quân Đoàn II, anh cho tôi mượn Trung Úy Thiêm một tuần để nó lên đó chọn hướng đặt bàn giấy giùm tôi nghe anh-
- Vâng. Tôi sẽ nói với anh Thiêm và Thiếu Tướng cứ liên lạc trực tiếp với anh ấy về những chi tiết cần thiết -
Lúc bấy giờ tôi là Cục Trưởng Cục Mãi Dịch (đồn trú ở Sài Gòn), và trong đơn vị tôi có Trung Úy Nguyễn Xuân Thiêm được nhiều người cho là giỏi tướng số tử vi và chữ ký. Và sau 5 ngày công tác riêng cho Thiếu Tướng Phú ở Plei Ku trở về, Trung úy Thiêm nói với tôi:
- Thưa Đại Tá, tôi thấy vận số của Thiếu Tướng Phú hết rồi, nhiều lắm cũng chỉ tính bằng tháng chớ không tính bằng năm đâu -
- Anh có nói gì với Thiếu Tướng Phú không?-
- Dạ không. Vì sợ ổng mất tinh thần. Với lại có nói ra cũng không có cách gì giải được, thà không nói vẫn hơn -
- Nghî như anh cũng phải -
(Năm 1990, tôi được biết Trung Úy Nguyễn Xuân Thiêm định cư tại Australia )
Tôi nhớ, có một hôm Trung Tướng Đồng Văn Khuyên nói với tôi rằng, “Thiếu Tướng Phú tuổi con rắn, nên Tổng Thống cử lên Quân Đoàn II vì rắn thích hợp với núi rừng”.
Trở lại lệnh của Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng. Tôi gọi lên Plei Ku liên lạc với Đại Tá Lê Khắc Lý, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II:
- Tôi Hoa đây anh Lý. Tôi được lệnh cấp C.130 cho anh nhưng không được biết là Quân Đoàn sử dụng vào công tác gì. Vậy anh có thể cho tôi biết để tôi tiện sắp xếp phi cơ theo đúng nhu cầu của anh không ? Vì chắc anh cũng biết là số phi cơ khả dụng của chúng tôi giới hạn lắm -
- Anh cứ đưa lên đây cho tôi, còn sử dụng vào công tác gì thì không thể nói được đâu- Lời của Đại Tá Lý.
- Đành vậy. Nhưng anh cần bao nhiêu chiếc? Cần vào lúc nào? Và chuyển vận từ đâu tới đâu?
- Anh có bao nhiêu chiếc thì đưa lên tôi bấy nhiêu, và kể từ sáng mai (16/3/1975). Không trình có thể là từ Plei Ku đến Nha Trang hoặc Sàigòn -
- Vậy thì như thế này. Sáng mai tôi cho lên anh 2 chiếc, trong khi 2 chiếc kế tiếp túc trực tại phi trường Tân Sơn Nhất và anh cần là cất cánh ngay, vì một lúc anh đâu sử dụng được 4 chiếc. Được không? -
- Được. 8 giờ sáng mai anh cho có mặt tại phi trường Cù Hanh nghe -
- Xong. Mình thỏa thuận như vậy nhé -

Tôi trình Đại Tá Loan là vẫn không biết được gì thêm ở Quân Đoàn II. Đại Tá Loan hỏi Chuẩn Tướng Trần Đình Thọ, Trưởng Phòng 3/Bộ Tổng Tham Mưu, Chuẩn Tướng Thọ cũng không tiết lộ điều gì. Bên Không Quân xác nhận là có thể sử dụng tối đa 9 chiếc C.130, nhưng sau khi sử dụng như vậy thì các nhu cầu tiếp theo không thể thực hiện được ít nhất là một tuần vì phải tu bổ lại. Bộ Chỉ Huy Không Chiến, cơ quan điều động phi cơ, đồng ý về thỏa thuận giữa tôi với Đại Tá Lý, nghĩa là 2 chiếc C130 cất cánh lên Pleiku thì 2 chiếc kế tiếp túc trực tại căn cứ Tân Sơn Nhất.

Sáng ngày 16/3/1975, Bộ Chỉ Huy Không Chiến điện thoại tôi:
- Trình Đại Tá, trưởng phi cơ C.130 đang trên không phận phi trường Cù Hanh (Plei Ku), cho biết là không thể nào đáp xuống phi trường được, vì người ta đông không thể tưởng tượng nỗi. Chẳng biết là chuyện gì xảy ra vì không liên lạc được dưới đất. Và hai chiếc C.130 đang chờ lệnh Đại Tá đó -
- Anh chuyển đến Trưởng phi cơ, hãy chờ tôi vài phút để tôi liên lạc với Quân Đoàn xem tình hình ra sao đã -
Gọi Quân Đoàn II và tôi nói chuyện với Đại Tá Lý:
- Phi cơ tôi đang trên không phận của anh đó, nhưng không thể đáp được. Nếu anh muốn họ đáp xuống thì anh phải giải toả sân bay giùm đi vì nếu chậm quá thì họ sẽ về lại Sài Gòn đó. Mà chuyện gì xảy ra vậy Anh? -
- Tại vì người ta tranh nhau chờ lên phi cơ mới có chuyện tràn ngập đường băng như vậy. Để tôi cho Quân Cảnh giải toả, anh bảo phi cơ đáp xuống cho tôi đi -
- Thì phi hành đoàn đang chờ đường băng trống là đáp xuống, trừ khi anh không giải toả nỗi. Anh nhớ ưu tiên cho Trung Tá Thời, Liên Đoàn Trưởng Yểm Trợ Tiếp Vận của tôi ở Plei Ku, chở một số kiện hàng quan trọng xuống Qui Nhơn hoặc Nha Trang à nghe -

Tôi lại nhờ Bộ Chỉ Huy Không Chiến chuyển đến phi hành đoàn C.130. Và sau đó, phi cơ đáp xuống được tuy rất khó khăn vì đông nghẹt người là người hai bên đường băng. Để rồi một hình ảnh hỗn loạn chưa từng thấy -theo lời thuật của Trưởng phi cơ- là cả một rừng người chen lấn xô đẩy, thậm chí đạp lên nhau để tranh lên phi cơ, và hết sức khó khăn đến độ nguy hiểm, phi hành đoàn mới cho phi cơ cất cánh được.

Hóa ra là Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn chuyển xuống Nha Trang. Tôi trình ngay cho Đại Tá Loan vì ước tính là sắp đánh nhau với quân cộng sản rồi. Ước tính này không phải là vô căn cứ, bởi vì cộng sản đã chiếm thủ phủ Cao Nguyên, bây giờ chúng tấn công vào Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II cũng là điều có thể xảy ra lắm chớ. Nhưng chúng tôi nhầm …

Vì sáng ngày 17/3/1975, trong lúc 2 chiếc C.130 trên không phận Plei Ku thì điện thoại nhà tôi reo, hôm nay là chủ nhật nên tôi đi làm muộn:
- Đại Tá Hoa tôi nghe -
- Bộ Chỉ Huy Không Chiến đây Đại Tá. Trưởng phi cơ cho biết là toàn thị xã Plei Ku hôm nay không có một bóng sinh vật nào cả, và bây giờ phi hành đoàn xin phép về lại căn cứ -
- Anh hỏi lại phi hành đoàn giùm tôi, nếu sự thực hoàn toàn đúng như vậy thì tôi đồng ý phi cơ quay về. Xin nhớ, đây là trách nhiệm rất quan trọng nghe anh.

Tôi điện thoại qua nhà Đại Tá Phạm Kỳ Loan, và ngay sau đó Đại Tá Loan liên lạc Chuẩn Tướng Trần Đình Thọ (Trưởng Phòng 3/Bộ Tổng Tham Mưu) nhưng Chuẩn Tướng Thọ vẫn không nhỏ được một giọt thông tin nào về tình hình đó cả. Tôi và Đại Tá Loan tức lắm, nhưng chúng tôi không có cách nào khác vì Trung Tướng Khuyên đi Tokyo chưa về. Có vẻ như chúng tôi bị coi như là những sî quan không đáng tin cậy thì phải, ít nhất cũng là không được tin cậy trong cuộc hành quân này, dù rằng Đại Tá Loan đang là cấp chỉ huy cao nhất của ngành Tiếp Vận với gần 100.000 quân nhân công chức chuyên ngành và quản trị một khối lượng dụng cụ chiến tranh trên dưới 7 tỉ mỹ kim!

Tất cả các hệ thống liên lạc truyền tin bằng vô tuyến lẫn hữu tuyến của quân đội, cũng như hệ thống liên lạc bên hành chánh, đều không liên lạc được với bất cứ cơ quan đơn vị nào ở Plei Ku cả. Đại Tá Bửu Khương (ở Qui nhơn) cũng không có tin tức gì khá hơn trong khi đoàn quân xa hơn 100 chiếc của Liên Đoàn 2 Vận Tải vẫn còn kẹt trên Plei Ku vì quốc lộ 19 nối liền Qui Nhơn – Plei Ku bị quân cộng sản chiếm giữ nhiều chặng. Một tình hình không thể hiểu nỗi ít nhất là đối với ngành Tiếp Vận chúng tôi. Không biết tại sao lúc ấy chúng tôi không nghĩ đến giả thuyết nào khác, chẳng hạn như Quân Đoàn II vờ rút quân ra ngoài để thành phố bỏ ngỏ cho q6an cộng sản tiến vào, và bất thình lình quật lại tấn công chúng ngay trong thành phố. Còn về giả thuyết rút bỏ Cao Nguyên thì nhất thiết không thể có trong tư tưởng của bất cứ sĩ quan nào chớ chẳng riêng gì chúng tôi. Cho dù một giả thuyết như vậy thôi cũng không có trong hàng sĩ quan cấp dưới, nhưng nó lại là một kế hoạch thật sự của hàng sĩ quan cấp Tướng lãnh đạo đất nước 20.000.000 dân, trong đó có một quân đội hơn 1.000.000 người!

Cả hai chúng tôi -Đại Tá Loan và tôi- không thông báo tình hình tệ hại đó cho bộ tham mưu Tổng Cục Tiếp Vận biết, trong khi chúng tôi hết sức lo lắng cho tất cả quân nhân nói chung và số phận của anh em trong ngành Tiếp Vận ở Plei Ku và Kon Tum nói riêng, vì chúng tôi không có bất cứ một thông tin nào về tình hình đó, kể cả nguồn cung cấp chính xác nhất là vị Tướng Trưởng Phòng 3 ngang hàng với cơ quan chúng tôi, và vị Tổng Tham Mưu Trưởng cấp trên của chúng tôi cũng vậy.

Chiều 18/3/1975, điện thoại reo:
- Đại Tá Hoa tôi nghe -
- Khương đây anh Hoa- Đó là Đại Tá Bửu Khương, Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy 2 Tiếp Vận, đồn trú tại Qui Nhơn.
- Anh có tin gì về anh em mình trên Plei Ku chưa? -
- Liên Đoàn 2 Vận Tải mới liên lạc vô tuyến với đoàn xe bị kẹt trên Plei Ku rồi anh. Đoàn xe này đang cùng với hằng ngàn quân xa và dân xa rút bỏ Plei Ku và Kon Tum, đang di chuyển trên đường liên tỉnh số 7 để xuống Tuy Hòa. Toàn bộ lực lượng gồm nhiều đơn vị chiến đấu, cùng với Pháo Binh, Thiết Giáp, bị sa lầy sau khi vượt qua Cheo Reo. Phần thì đường hư cầu sập làm nhiều chiến xa M.48 và đại bác 175 cơ động lật xuống hố, phần thì các đơn vị cộng sản tấn công nhiều mặt, đã gây tổn thất nặng cho cả quân đội lẫn dân sự nhưng chưa thấy phản ứng của Quân Đoàn. Anh em mất tinh thần lắm anh ơi! -
- Được rồi. Bảo vệ đoàn quân và khi nào xuống đến Tuy Hoà, chắc chắn là trách nhiệm của Quân Đoàn. Bây giờ anh nên chuẩn bị tổ chức nhiều toán do một sî quan của Bộ Chỉ Huy Tiếp Vận chỉ huy và đặt tại Tuy Hoà, mỗi toán phụ trách một công tác, để khi đoàn quân xuống đến Tuy Hòa thì cấp phát ngay cho bất cứ đơn vị nào mà không cần theo thủ tục tiếp liệu thông thường, chỉ cần viết tay và ký nhận là đủ. Hàng mang theo cấp phát là: Lương khô đủ ăn 3 ngày, 1 bộ quần áo trận, đổ đầy xăng dầu cho xe chạy bánh và xe chạy xích. Toán Quân Y thì cấp thuốc cho các bệnh thông thường và cấp cứu đầu tiên. Anh thấy được không? -
- Được anh. Để tôi lo -
- Anh nói Liên Đoàn 2 Vận Tải ráng giữ liên lạc và khi có bất cứ tin tức gì về đoàn quân này thì anh cho tôi biết ngay nghe anh Khương-
Sở dĩ có đoàn xe hằng trăm chiếc bị kẹt ở Plei Ku, là vì sau khi Phước Long mất, Trung Tướng Đồng Văn Khuyên ra lệnh cho tôi thực hiện kế hoạch chuyển tiếp liệu loại 1 (lương thực thực phẩm), loại 3 (nhiên liệu), loại 5 (đạn dược chất nổ), lên Plei Ku dự trữ cho 20.000 quân phòng thủ trong 30 ngày mới bổ sung. Do vậy mà hằng ngày đoàn xe cả trăm chiếc đi đi về về giữa Qui Nhơn với Plei Ku để vận chuyển tiếp liệu từ Qui Nhơn lên Plei Ku.
Tôi sang văn phòng Đại Tá Loan, và sau đó tôi điện thoại lên Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng:
- Tôi Hoa đây anh Nguyện (Đại Tá Nguyễn Kỳ Nguyện, chánh văn phòng), anh cho tôi trình vấn đề gấp với Đại Tướng -
- Anh chờ tôi một chút -
- Tôi đây. Anh có chuyện gì vậy? -
- Thưa Đại Tướng, tôi Hoa đây -
- Có việc gì vậy? -
- Vài phút cách đây, Đại Tá Bửu Khương, Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy 2 Tiếp Vận, cho tôi biết về đoàn quân rút bỏ Plei Ku và Kon Tum đang bị sa lầy … (tôi thuật lại chi tiết mà tôi và Đại Tá Khương đã nói với nhau).
- Anh có chắc là đúng như vậy không? -
- Từ chổ đoàn xe bị kẹt đến Đại Tá Khương như thế nào thì tôi không dám chắc, nhưng từ Đại Tá Khương đến tôi là hoàn toàn chính xác, thưa Đại Tướng -
- Thôi được. Anh đừng nói với ai nữa nghe -
- Vâng -
Đại Tá Loan và tôi đều ngẩn ngơ về câu sau cùng của Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng. Chúng tôi ngẩn ngơ vì không hiểu tại sao tình hình đến như vậy mà vẫn muốn giấu kín chúng tôi nữa! Vài phút sau đó, Chuẩn Tướng Trần Đình Thọ điện thoại tôi:
- Cưng ơi (Chuẩn Tướng Thọ thường gọi tôi như vậy), cưng có liên lạc với đoàn xe trên đường số 7 hả? -
- Tôi không trực tiếp liên lạc nhưng Liên Đoàn 2 Vận Tải của chúng tôi đã liên lạc được với đoàn xe chở tiếp liệu lên Plei Ku và bị kẹt trên đó, nay thì cùng trong đoàn quân sa lầy mà vừa rồi tôi đã trình Đại Tướng -
- Có. Đại Tướng mới gọi anh đây. Cưng cứ biết vậy thôi nghe -

Tôi có biết chút ít về đường liên tỉnh số 7 này, từ đoạn Plei Ku vào đến Cheo Reo và xuống đến Cung Sơn. Vì cuối năm 1955 -lúc bấy giờ tôi đang là Thiếu Úy, Đại Đội Trưởng thuộc Tiểu Đoàn Khinh Quân 510- toàn bộ Tiểu Đoàn chúng tôi cùng với Tiểu Đoàn Khinh Quân 507 và 527, di chuyển từ Vỉnh Long lên Cao Nguyên và đồn trú tại Cheo Reo, để thành lập Trung Đoàn 35 Bộ Binh trong hệ thống tổ chức Sư Đoàn Khinh Chiến 12. Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn đồn trú tại Plei Ku. Các Tiểu Đoàn được cấp phiên hiệu như sau: Tiểu Đoàn 507 thành Tiểu Đoàn 1/35, Tiểu Đoàn 510 chúng tôi thành Tiểu Đoàn 2/35, và Tiểu Đoàn 527 thành Tiểu Đoàn 3/35.

Vì các đơn vị yểm trợ tiếp liệu và hành chánh tài chánh đồn trú ở Plei Ku, nên chúng tôi thường xuyên đi lại giữa Cheo Reo với Plei Ku bằng đường liên tỉnh số 7 và một đoạn quốc lộ 14. Sở dĩ đoạn đường từ ngã ba quốc lộ 14 với liên tỉnh lộ 7 -tên địa phương là Mỹ Thạch- vào đến Cheo Reo còn sử dụng được, là vì trong chiến tranh giữa thực dân Pháp với cộng sản 1945-1954 (lúc đó cộng sản núp dưới tên Việt Minh), Cheo Reo là cứ điểm quân sự của Pháp, nên đường này được tu bổ vì nó là “con đường huyết mạch” của cứ điểm. Còn đoạn từ Cheo Reo xuống Cung Sơn và Tuy Hoà, quân đội Pháp không sử dụng nên không tu bổ gì cả. Khi Trung Đoàn chúng tôi đến Cheo Reo, thì xác những chiếc thiết giáp của Pháp còn ngổn ngang tại đó, còn chiếc cầu bắc ngang Sông Ba thì tồi tệ hơn bất cứ chiếc cầu tồi tệ nào. Thuở ấy “rất là hoà bình”, nên chúng tôi thường đi săn trên đường từ Cheo Reo xuống đến Cung Sơn, chỉ cần thận trọng một chút thì xe jeep vẫn bò qua chiếc cầu tồi tệ ấy được. Trên đoạn đường này, chiếc xe jeep của chúng tôi chỉ gọi là “bò” chớ không thể gọi là chạy được vì mặt đường giữa vùng rừng già heo hút này hầu như không còn gì để gọi là con đường nữa.

Giữa năm 1969, lúc ấy tôi là Đại Tá, tháp tùng Trung Tướng Nguyễn Văn Là, đến thăm các đơn vị tại Cheo Reo và các quận lân cận, con đường bên kia Sông Ba được tu bổ đôi chút. Và nếu đoạn đường tiếp nối xuống Cung Sơn để ra Tuy Hoà (tỉnh Phú Yên) không được tu bổ thường xuyên, mà Quân Đoàn II quyết định sử dụng cho đoàn quân hơn 10.000 người cùng với trên dưới 2.000 quân xa, dân xa, và chiến xa hạng nặng triệt thoái, quả là tạo được bất ngờ đối với địch, nhưng phải nói là quá liều lĩnh! Bất ngờ, nhưng con đường có sử dụng được hay không, lại là vấn đề trước mặt của Quân Đoàn II nói chung, và của bộ chỉ huy hành quân cuộc hành quân lui binh này nói riêng.

Chiều tối hôm sau thì Trung Tướng Đồng Văn Khuyên từ Tokyo (Nhật Bản) về đến. Sau khi nghe chúng tôi trình bày về tình hình từ ngày ông vắng mặt đến nay, ông nói sáng mai sẽ trình diện Tổng Thống với Đại Tướng (Tổng Tham Mưu Trưởng), chắc là sẽ có tin tức rõ ràng hơn.
Và đây là những tin tức đó:
“Sau khi mất Ban Mê Thuột, áp lực của quân cộng sản rất mạnh. Tổng Thống nhận định là không đủ khả năng bảo vệ toàn bộ Cao Nguyên trong khi Ban Mê Thuột cần giữ hơn là Plei ku với Kon Tum, vì vậy mà Tổng Thống trong buổi họp tại Cam Ranh, đã quyết định rút bỏ Plei Ku, Kon Tum, Phú Bổn, để đem lực lượng về phản công lấy lại Ban Mê Thuột. Tổng Thống giao cho Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II, nhiệm vụ thực hiện cuộc hành quân triệt thoái khỏi 3 tỉnh đó, nhưng phải giữ bí mật tối đa và bảo vệ toàn vẹn lực lượng (có lẽ vì bảo mật tối đa mà Tổng Cục Tiếp Vận chúng tôi không được cho biết gì cả). Thiếu Tướng Phú trình kế hoạch là rút theo đường liên tỉnh số 7, dù rằng con đường này không sử dụng từ lâu nhưng đạt được yếu tố bất ngờ đối với lực lượng cộng sản. Thiếu Tướng Phú đề nghị Tổng Thống thăng cấp Chuẩn Tướng cho Đại Tá Phạm Duy Tất, và Chuẩn Tướng Tất sẽ là Chỉ Huy Trưởng cuộc hành quân lui binh này. Lời đề nghị được Tổng Thống chấp thuận tại chổ”. Lúc bấy giờ, Đại Tá Phạm Duy Tất đang là Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân/Quân Đoàn II.

Hết giờ buổi chiều khá lâu, bộ tham mưu Tổng Cục Tiếp Vận chỉ còn nhân viên trực hoạt động. Trung Tướng Khuyên gọi tôi lên văn phòng (ông ngồi ở văn phòng Tham Mưu Trưởng/Bộ Tổng Tham Mưu, trên tòa nhà chánh), và ông đưa tôi xem một xấp không ảnh (ảnh chụp từ trên phi cơ) đã được giải đoán đầy đủ. Toàn bộ xấp không ảnh cho thấy đoàn xe không phải theo một hình dài mà là một hình gần như tròn, vì khi phần đi đầu bị kẹt thì những chiếc sau cứ lấn qua bên trái hay bên phải với hy vọng tìm được lối đi, nhưng càng lấn vào rừng thì càng không lối thoát, và cứ như thế mà cả đoàn xe quá nhiều đó đã tạo nên dáng như vậy. Ghi chú bên cạnh những khoanh tròn bằng ngòi bút của chuyên viên giải đoán không ảnh, có gần 800 xe đã bị thiêu hủy. Nếu như giải đoán viên không ảnh chính xác hay ít ra cũng gần như vậy, thì chỉ mới 4 ngày dấn thân vào đường liên tỉnh số 7 mà số xe bị tổn thất trên dưới 1/3 trong tổng số xe các loại, quả là rất nặng. Trong số tổn thất đó có Tiểu Đoàn Pháo Binh 175 ly cơ động và Trung Đoàn Chiến Xa hạng nặng M48″. Đây là hai loại vũ khí mới được Hoa Kỳ viện trợ năm 1973 bằng cách các đơn vị pháo binh và xe tăng của họ chỉ rút người về nước và để toàn bộ chiến cụ đó lại cho quân đội chúng ta.

Những bài học chiến thuật trong trường Võ Bị cũng như trường Đại Học Quân Sự (hậu thân của Viện Nghiên Cứu Quân Sự Đông Dương của Pháp và là tiền thân của trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp) đều thừa nhận rằng, trong các cuộc hành quân thì hành quân rút lui (hay triệt thoái, hay lui binh) là nhiều hiểm nguy hơn các cuộc hành quân khác, vì đơn vị “đưa lưng” về phía địch. Khi tấn công thì trước mặt là địch và sau lưng là hậu tuyến, còn trong rút lui thì trước mặt lại là hậu tuyến mà sau lưng trở thành tiền tuyến. Nguy hiểm là vậy. Nguyên tắc căn bản của bài học “lui binh” là phải có một lực lượng hành quân giao tiếp để bảo đảm an toàn phía trước mặt (hậu tuyến), còn lực lượng lui binh thì tự bảo vệ phía sau lưng (tiền tuyến), ngoài ra phải được Không Quân quan sát và yểm trợ hỏa lực nữa.

Với cuộc hành quân giao tiếp chậm chạp từ Tuy Hòa lên, đoàn quân triệt thoái ngày càng tan tác trên đường lui binh vô cùng hỗn loạn vì bị quân Việt cộng liên tục phục kích, tập kích. Khi về đến Tuy Hoà thì tổn thất đến nỗi không còn khả năng thực hiện kế hoạch phản công chiếm lại Ban Mê Thuột được nữa. Số dân thường bị chết dọc đường nhiều không kém số thương vong của quân đội. Chết vì súng đạn, chết vì xe cộ tranh giành lối đi mà gây tai nạn bừa bãi, chết vì tranh nhau miếng ăn nước uống, chết vì cướp giật, ..v..v..

Rút bỏ 3 tỉnh Cao Nguyên là Plei Ku, Kon Tum, và Phú Bổn, những tưởng bảo toàn được lực lượng gồm một phần của Sư Đoàn 23 Bộ Binh, các Liên Đoàn Biệt Động Quân, Pháo Binh, Thiết Giáp, Công Binh, Truyền Tin, và các ngành khác, để phản công chiếm lại thủ phủ Ban Mê Thuột, nhưng rồi toàn bộ Cao Nguyên miền Trung bỗng dưng rơi vào tay quân cộng sản một cách nhẹ nhàng. Tôi nói “bỗng dưng”, vì rút bỏ Plei Ku từ đêm thứ bảy 16 rạng ngày chủ nhật 17/3, mà đến 3 giờ 15 phút chiều thứ tư 20/3/75 tín hiệu của Truyền Tin tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II mới ngưng hoạt động. Đại Tá Cục Trưởng Cục Truyền Tin nói với tôi như vậy. Điều này có thể là lúc đó quân cộng sản mới tiến đến và phá hủy máy móc hoặc tắt máy, cũng có thể là quân cộng sản chưa chiếm nhưng vì máy phát điện hết nhiên liệu nên cả hệ thống đều ngưng hoạt động. Cho dù ở vào trường hợp nào đi nữa, thì rõ ràng là quân cộng sản mà mình tưởng nó bao vây hay sắp sửa bao vây Plei Ku, nhưng thật ra chúng còn ở tận đâu đâu nên mãi 4 ngày sau -đó là thời gian sớm nhất- chúng mới vào chiếm Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn, trong khi những Sư Đoàn của chúng ở càng xa Plei Ku về hướng Nam và Đông Nam thì khoảng cách càng gần với đoàn quân triệt thoái hơn, do dó mà thiệt hại của đoàn quân nặng nề chưa từng thấy trong hơn 20 năm chiến tranh! Một thất bại vô cùng đau đớn cho những người cầm súng, nhất là những người cầm súng dưới quyền chỉ huy của vị Tư Lệnh đã từng xông pha trận mạc. Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, khi còn là sĩ quan cấp Úy cấp Tá trong hàng ngũ quân đội Liên Hiệp Pháp lẫn trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đã có tiếng là cấp chỉ huy can đãm, không lùi bước bất kể chiến trận gay go nghiêng ngã như thế nào. Nay, với chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn II, liệu có phải là hơi quá tầm lãnh đạo chỉ huy của ông không? Hay là quyền lực hoặc khả năng của ông bị điều gì đó giới hạn? Thiếu Tướng Phạm Văn Phú đã tự tử ngay sau ngày 30/4/1975. Tôi đến chùa Vĩnh Nghiêm (Sài Gòn) vào ngày 2/5/1975 và chào tiễn biệt ông vào cõi vĩnh hằng giữa hoàn cảnh đau thương của đất nước, dân tộc!

Năm 1960, trong thời gian tôi học tại Trường Đại Học Quân Sự (hậu thân của Viện Nghiên Cứu Quân Sự của Quân Đội Viễn Chinh Pháp), tôi đọc được một tập tài liệu, có nhận định rằng: “Trong chiến tranh Việt Nam, ai chiếm giữ được Cao Nguyên miền Trung thì người dó sẽ nắm phần chiến thắng”. Chắc chắn rằng, những vị Tướng của chúng ta đang nắm quyền lãnh đạo quốc gia và lãnh đạo quân đội đều biết tài liệu đó, nhưng có thể các vị bị chính trị đẩy Cao Nguyên ra khỏi tầm tay chăng?

Ngược dòng thời gian, thượng tuần tháng 5/1954, Điện Biên Phủ do 13.000 quân của Pháp trấn giữ, đã thất thủ làm rúng động toàn bộ quân viển chinh Pháp tại Đông Dương và rúng động cả nước Pháp. Và hiển nhiên là sự thất trận này đã đưa nước Pháp đến tình trạng mất toàn bộ Đông Dương gồm Việt Nam, Cam Bốt, và Lào. Hơn 20 năm sau -tháng 3/1975- toàn bộ Cao Nguyên miền Trung vào tay quân cộng sản, làm rúng động toàn quân và toàn dân Việt Nam Cộng Hòa. Và liệu sự thất bại này có phải là nguyên nhân dẫn đến toàn bộ Việt Nam Cộng Hòa vào tay quân cộng sản từ ngày cuối tháng 4/1975 không? Dù gì đi nữa thì sự thể đã là như vậy rồi!

Tình trạng hỗn loạn bi đát trong cuộc hành quân lui binh trên đường liên tỉnh số 7, nếu chưa phải là nguyên nhân chính, cũng là khởi đầu cho sự hỗn loạn trong các cuộc hành quân lui binh của các Sư đoàn 1, 2, 3, 22, 23 Bộ Binh, Nhẩy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Hải Quân, Không Quân, dọc các tỉnh duyên hải từ Quảng Trị , Huế, Đà Nẳng, đến Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cam Ranh.

Trước ngày cuối tháng 3/1975, thì từ Quảng Trị đến Cam Ranh đều bỏ ngỏ. Tôi nói “bỏ ngỏ” vì không có Tiểu Khu nào hay Trung Đoàn, Sư Đoàn, Quân Đoàn nào, phòng thủ chống lại quân cộng sản, hoặc nếu có chống trả như Sư Đoàn 3 Bộ Binh tại sườn Tây Đà Nẳng cũng chỉ trong thời gian ngắn ngủi là rút lui, còn lại là rút đi trước khi quân cộng sản đến!

Trong số những vị Tướng Tư Lệnh đại đơn vị thuộc Quân Đoàn I và Quân Đoàn II rút khỏi khu trách nhiệm của những vị đó, tôi luôn tự hỏi về thái độ của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I/Quân khu I. Tôi được tiếp xúc với ông qua những công tác “chống đảo chánh” từ năm 1965 khi ông là Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Nhẩy Dù. Chính vì hiểu ông mà tôi tự hỏi như vậy. Bởi trong cuộc tấn công của quân cộng sản hồi Tết Mậu Thân đầu năm 1968, Huế và nhất là trong khuôn viên thành nội, nơi có bản doanh cùng một số đơn vị của Sư Đoàn 1 Bộ Binh đồn trú, đã bị chúng chiếm giữ trong 3 tuần lễ. Lúc bấy giờ, Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng (cấp bậc lúc ấy) là Tư Lệnh Sư Đoàn này. Cuộc phản công chiếm lại từng khu vực trong thành nội Huế rất cam go với tổn thất đáng kể, Chuẩn Tướng Trưởng đã chứng tỏ quyết tâm tiêu diệt quân cộng sản hay ít nhất cũng phải đánh bật chúng ra khỏi Huế trong thời gian ngắn nhất, khi ông đứng nghiêm chỉnh ở chân cột cờ với lễ phục và huy chương biểu tượng cho các chiến công của ông, Chuẩn Tướng Trưởng đã kêu gọi quyết tâm của quân sĩ dưới quyền ông hãy vì danh dự và trách nhiệm đối với tổ quốc dân tộc. Qua lời kêu gọi đầy trách nhiệm cùng với nhiệt tâm của ông, chính là quyết tâm của vị Tư Lệnh cùng quân sĩ chiến đấu, đã thúc đẩy cuộc phản công của Sư Đoàn đến chiến thắng vẻ vang. Đành rằng trong cuộc hành quân phản công này, có sự chiến đấu yểm trợ của quân lực Hoa Kỳ, nhưng Sư Đoàn 1 Bộ Binh Việt Nam vẫn là lực lượng chính.

‘Mùa Hè Đỏ Lửa’ năm 1972, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng (đã thăng cấp) đang là Tư Lệnh Quân Đoàn IV/Quân khu IV vùng đồng bằng Cửu Long, được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cử giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn I/Quân Khu I và tức tốc lên phi cơ ra Đà Nẳng nhận chức. Một vị Tướng như thế, tôi nghĩ, ông không thể để Đà Nẳng vào tay quân cộng sản gần như êm thắm như vậy! Xin nhớ, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng gốc là binh chủng Nhẩy Dù, và binh chủng này là một trong những binh chủng rất lì với chiến trận. Nhưng sự thể đã diễn ra như vậy, ắt phải có điều gì đằng sau quyết định rút bỏ thành phố cảng quan trọng của miền Trung. Và chỉ có Trung Tướng Ngô Quang Trưởng mới có thể hiểu đến tận cùng điều ấy mà thôi.

Ngày 14/1/1995, tôi gặp anh Nguyễn Thành Trí trong chợ Hong Kong ở Houston, bạn tôi. Anh là cựu Đại Tá, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, và Sư Đoàn này đặt dưới quyền sử dụng dài hạn của Quân Đoàn I từ sau trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972. Dưới đây là lời thuật của cựu Đại Tá Trí về những ngày cuối tháng 3/1975, trong lúc anh và bộ chỉ huy hành quân Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến ở khu vực Non Nước, Đà Nẳng:

‘’Khoảng 5 giờ chiều ngày 28 tháng 3 năm 1975, quân cộng sản tấn công vào Sư Đoàn 3 Bộ Binh ở sườn Tây Đà Nẳng, và chỉ vài giờ chống trả là Sư Đoàn rút lui, tạo khoảng trống bên sườn của Thủy Quân Lục Chiến, và các đơn vị co về bản doanh Sư Đoàn (Thủy Quân Lục Chiến). Thiêu Tướng Bùi Thế Lân, Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, đã rời khỏi Sư Đoàn và lên chiến hạm của Hải Quân (Việt Nam) từ lúc chiều. Nhưng trước khi đi ông có đến gặp Trung Tuóng Ngô Quang Trưởng xin quyết định vì tình hình rất nghiêm trọng, nhưng Trung Tướng Trưởng không nói gì cả. Lúc này bên cạnh Thiếu Tướng Bùi Thế Lân có ông Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Đà Nẳng, ông ta có mang theo máy vô tuyến cầm tay loại nhỏ và chốc chốc ông ta nói vị trí của ông với ai ở đâu đó tôi (tức cựu Đại Tá Trí) không rõ. Thiếu Tướng Bùi Thế Lân nói với tôi rằng: Ông Tổng Lãnh Sự khuyên ổng (tức Thiếu Tướng Lân) nên bảo toàn lực lượng, nhưng Thiếu Tướng Lân không nói điều này với Trung Tướng Trưởng.

‘’Khoảng nửa đêm 28 rạng 29/3/1975, có tiếng động cơ trực thăng xuống bãi đáp bên cạnh, sĩ quan trực chạy ra đón và hướng dẫn phái đoàn vào bộ chỉ huy hành quân Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, gồm các vị: Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Chuẩn Tướng Khánh (tôi không biết họ) Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Không Quân (đồn trú tại Đà Nẳng), Đại Tá Phước (cũng không biết họ) Không Đoàn Trưởng Không Đoàn 51/Sư Đoàn 1 Không Quân, Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ, Tỉnh/Thị Trưởng Thừa Thiên/Huế, và Đại Úy sĩ quan tùy viên của Trung Tướng Trưởng. Vào bộ chỉ huy, sau khi Trung Tướng Trưởng liên lạc với các đơn vị và được biết đã rút lui an toàn (tức bỏ Đà Nẳng), Trung Tướng Trưởng nói với các sĩ quan cùng đi theo ông:
- Bây giờ thì các anh hãy tự thoát, còn tôi, tôi đi theo Thủy Quân Lục Chiến-
‘’Trung Tướng Trưởng vừa nói xong thì gần như cùng một lúc, Chuẩn Tướng Khánh, Đại Tá Phước, Đại Tá Duệ, cùng chào Trung Tướng Trưởng và lên trực thăng cất cánh ngay. Khoảng 6 giờ sáng ngày 29/3/1975, sĩ quan vào trình tôi là chiến hạm đang tiến vào để đón các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến. Tôi đến trình Trung Tướng Trưởng:
- Thưa Trung Tướng, tôi không biết do lệnh từ đâu mà chiến hạm đang chờ đón tôi và các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến. Vậy Trung Tướng nên đi với chúng tôi ngay bây giờ, thưa Trung Tướng-
‘’Sau một lúc chần chừ như có ý không muốn rời Đà Nẳng, ông đứng dậy cùng đi với tôi. Nhưng vì chiến hạm không vào sát bờ được, cũng không có tàu nhỏ để từ bờ ra chiến hạm, nên tất cả đều lội nước, và khi mực nước lên đến ngực cũng là lúc trèo lên tàu. Sau khi mọi người lên chiến hạm, lúc ấy tôi trông thấy Đại Tá Hường (Nguyễn Xuân Hường), Tư Lệnh Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh đã có mặt trên tàu. Chiến hạm lui ra khơi nhưng chưa chạy, có vẻ như chờ lệnh hay chờ ai đó.
‘’Vài tiếng đồng hồ sau, chiếc trực thăng chở các sĩ quan rời khỏi bộ chỉ huy hành quân Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến lúc nửa đêm qua, đã quay trở lại, không rõ là do thời tiết xấu hay vì lý do gì đó, và cả ba vị là Chuẩn Tướng Khánh, Đại Tá Phước, với Đại Tá Duệ, cùng lội nước ra chiến hạm. Vẫn là chiến hạm đang có Trung Tướng Trưởng trên đó. Tôi thấy sự chia tay đêm qua sao mà thản nhiên quá, thản nhiên đến mức không có vẻ gì có chút tình cảm đọng lại trong giây phút chia tay đó làm tôi cảm thấy khó chịu. (lời của Phạm Bá Hoa: thuật chuyện đến đây đôi mắt anh Trí đỏ hoe, chực phát khóc! Rõ ràng là anh đang xúc động!)
Sau phút im lặng vì xúc động, cựu Đại Tá Nguyễn Thành Trí thuật tiếp:
‘’Tôi nhờ ông Hạm Trưởng để 3 sĩ quan này ở phía trước hầu tránh cho Trung Tướng Ngô Quang Trưởng trông thấy e không đẹp lòng nhau. Mãi đến quá trưa, chiến hạm mới rời vùng biển Đà Nẳng và trực chỉ Cam Ranh. Giữa chiến hạm với Bộ Tư Lệnh Hải Quân giữ liên lạc vô tuyến chặt chẻ, nên khi chiến hạm vừa đến vịnh Cam Ranh thì nhận được công điện của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Theo đó thì Tổng Thống ra lệnh cho tất cả lên bờ, chỉ riêng Trung Tướng Trưởng vẫn ở trên chiến hạm và về Sài Gòn ngay. Tôi thắc mắc nếu muốn Trung Tướng Trưởng về Sài Gòn ngay thì tại sao Tổng Thống hay Bộ Tổng Tham Mưu không cho phi cơ ra Cam Ranh đón mà lại bảo đi bằng tàu? Lúc đó Trung Tướng Trưởng nói là ông đi theo Thủy Quân Lục Chiến chớ không về Sài Gòn. Đến khi Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II một đại đơn vị hầu như đã tan rã sau cuộc hành quân lui binh thảm bại, ông từ Nha Trang vào Cam Ranh khuyên Trung Tướng Trưởng nên về Sài Gòn theo lệnh Tổng Thống. Và Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I đã theo chiến hạm về Sài Gòn’’. Đến đây là hết lời thuật của cựu Đại Tá Nguyễn Thành Trí, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến.

Với lời thuật trên đây của cựu Đại Tá Trí, tôi nghĩ rằng: rất có thể là các vị Tư Lệnh tại Quân Đoàn I từ binh chủng Bộ Binh, Nhẩy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, đến quân chủng Hải Quân, Không Quân, và cũng có thể ngay cả Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I, đã nhận được lời khuyên ‘bảo toàn lực lượng’ như Thiếu Tướng Bùi Thế Lân đã nhận của ông Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Đà Nẳng cũng nên? Không chừng chiến hạm vào gần bờ để đón Thủy Quân Lục Chiến cũng từ ‘lời khuyên’ của ông Tổng Lãnh Sự nữa chăng! Vì rõ ràng là cựu Đại Tá Trí không hề biết lệnh xuất phát từ đâu mà. Và phải chăng với ‘lời khuyên’ đó đã dẫn đến các vị có quân có quyền trong tay lần lượt rời khỏi đơn vị hoặc chỉ huy đơn vị triệt thoái? Điều này tôi không rõ, nhưng có điều quí vị đều rõ là Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I và Đà Nẳng vào tay quân cộng sản quá dễ như khi vào Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II ở Plei Ku vậy!

Tối ngày 6/9/2003, khi vợ chồng tôi dự tiệc cưới tại Washington DC, chúng tôi ngồi chung bàn với cựu Trung Tướng Ngô Quan Trưởng, và cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, tôi có ý định hỏi Trung Tướng Trưởng về điều thắc mắc của tôi, nhưng vì cựu Phó Đề Đốc Thoại lại đưa vấn đề cuộc đảo chánh ngày 1/11/1963 hỏi tôi nên tôi mãi nóí chuyện với ông, để rồi cuối cùng không còn thì giờ xin lời tâm sự từ cựu Trung Tướng Ngô Quang Trưởng.

Bây giờ xin mời quí vị quay nhìn vào số lượng đồng bào chạy loạn được các loại tàu chở từ Huế và Đà Nẳng xuôi Nam và đưa ra đảo Phú Quốc tạm trú. Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang mà tỉnh lỵ là Rạch Giá, nằm ngay cửa ngỏ vào vịnh Thái Lan. Số đồng bào chạy loạn này do Bộ Xã Hội phụ trách nuôi ăn trong khi chờ biện pháp giải quyết chung. Bộ Xã Hội yêu cầu Tổng Cục Tiếp Vận giúp họ tiếp tế mỗi ngày 20.000 phần cơm và phi cơ đưa ra Phú Quốc cung cấp cho đồng bào. Trung Tướng Đồng Văn Khuyên bảo tôi lo giúp Bộ Xã Hội. Tôi điện thoại lên Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, xin tiếp chuyện với Thiếu Tướng Trần Bá Di, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm này:
- Hoa đây Anh. Có việc này xin nhờ Anh và hi vọng Anh tiếp tay được- Xin lỗi quí vị, tôi xưng hô như vậy với Thiếu Tướng Trần Bá Di, vì chúng tôi thân nhau từ lâu.
- Việc gì mà coi bộ quan trọng vậy anh?
- Tại Phú Quốc hiện có khoảng 20.000 đồng bào của các tỉnh miền Trung chạy vào tạm trú, bên Bộ Xã Hội nhờ quân đội nấu cơm , vắt lại từng vắt, và dùng phi cơ quân sự đưa ra Phú Quốc cho đồng bào. Chuyện này là chuyện hằng ngày nghe Anh. Gạo thì Bộ Xã Hội cung cấp. Anh liệu Trung Tâm có thể giúp được không?
- Được chớ. Chuyện chung mà. Nhưng chừng nào thì tụi tôi nấu?
- Ngay hôm nay. để mai là chuyến tiếp tế đầu tiên do quân đội nhận giúp. Vậy Anh cho mượn gạo hôm nay nghe, và mai chúng tôi chở gạo đến Anh đủ một tuần, sau đó tính tiếp.
- Được. Tôi cho nấu ngay. Khi xong, tôi cho anh hay.
- Xin cám ơn Anh -
- Cái gì mà anh cám ơn. Mỗi người mỗi đơn vị phải góp phần trách nhiệm của mình chớ anh -
Thế là từ hôm ấy, cơm vắt được đưa ra Phú Quốc bằng phi cơ phi cơ tiếp tế cho đồng bào tạm trú tại đó. Nhưng rồi tình hình ngày càng xấu thêm ./.
* * * * *

© Phạm Bá Hoa
© Đàn Chim Việt

9 Phản hồi cho “Cuộc triệt thoái Tây Nguyên và những hệ lụy”

  1. Lại Mạnh Cường says:

    Mạn Ðạm với BS Nguyễn Lưu Viên: Từ Hà Nội La Celle-Saint Cloud đến những ngày VNCH hấp hối

    Trích từ Dân Chủ – Lâm Lễ Trinh

    Muà hè năm nay, Bs Nguyễn Lưu Viên từ Virginia về thăm gia đình ở Californie và lần đầu tiên sau trên bốn thập niên xa cách, chúng tôi mới có dịp tái ngộ để nhắc lại nhiều kỷ niệm chung thời xa xưa Hànội, khi anh là một sinh viên Y khoa, ngụ tại 135 đường Charon, sau Nhà Diêm, với Lê Quang Thuận, Khổng Toán, Ngô Thiện Khai… còn tôi thì học Luật, trú tại Ðông dương Học xá, phố Huế, với Trần Công Dung, Xuân Diệu, Cù Huy Cận, Dương Ðức Hiền, Lâm Trọng Thức..
    Sẵn dịp, anh đồng ý để tôi ghi âm cuộc nói chuyện thân mật về những năm dài anh họat động chính trị, đặc biệt với tư cách Trưởng đoàn tại Hội nghị Hiệp thương La Celle Saint- Cloud và trong chức vụ Phó Thủ tướng của ba nội các Trần Văn Hương (năm 1964, kiêm Tổng trưởng Nội vụ), Nguyễn Cao Kỳ (năm 1965. kiêm Tổng ủy phụ trách khối Văn hóa – Giáo dục và Xã-Lao) và Trần Thiện Khiêm (năm 1968, kiêm bộ Văn hóa- Giáo dục cho tới 1972.
    Từ 1973, hành nghề bác sĩ tại Viện Pasteur Saigon cho đến khi miền Nam thất thủ vào tháng tư 1975.

    Bs Nguyễn Lưu Viên (NLV), sanh năm 1919, tại Trà Vinh, sức khoẻ còn tốt và trí nhớ vẫn sắc bén. Anh vui tính như xưa, nói năng cười đùa lớn tiếng. Thoát ra khỏi Sàigòn ngày 29.4.1975 trên một tàu Hải quân Việt Nam, (gia đình cho xuất ngoại trước), anh qua Guam, rồi Pendleton, tu nghiệp ở Oklahoma và hành nghề bác sĩ 11 năm tại Baptist Hospital, Union City, tiểu bang Tennessee. Về hưu ở Virginia năm 1988, anh sống ẩn dật, ít tiếp xúc bên ngoài nhưng không ngớt ưu tư về đất nước.

    Cuộc mạn đàm gồm có ba phần: Giai đọan tập kết theo Kháng chiến, dự Hội nghị La Celle Saint Cloud và nhận xét về những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam Cọng hoà.

    (…)

    Vấn: Ở đọan trên, anh có nói: khi đi nhóm tại La Celle Saint Cloud, anh không tin hội nghị đem lại kết quả vì vấn đề sẽ giải quyết trên chiến trường miền Nam. Xin vui lòng cho biết rõ: Ai giải quyết? MTGPMN? Hoa Kỳ? hay Chính phủ Sàigòn?

    Ðáp: Nhiều người trong phái đoàn VNCH – luôn cả Bs Trần Văn Ðổ – cũng tin Mỹ sẽ giúp Sàigòn giải quyết. Ðặc biệt, với oanh tạc cơ B52. Trước Ban Mê Thuột, tôi ‘có cảm tưởng (TT) Thiệu nghĩ đến giải pháp Việt Nam có thể chia thành ba vùng: CS phía Bắc, MTGPMN từ vỹ tuyến 17 đến vỹ tuyến 13, và Việt Nam Cọng hoà, phần đất còn lại. Ðúng vậy, tôi còn nhớ một buổi chiều, – trước vụ bỏ Ban Mê Thuột – ông Thiệu họp với (Phó Tổng thống) Trần Văn Hương, (Thủ tướng) Trần Thiện Khiêm, tôi (Nguyễn Lưu Viên), Nguyễn Văn Hảo (Phó thủ tướng, kiêm khối Kinh tế- Tài chính), (Trung tướng) Ðặng Văn Quang và (Thiếu tướng CA) Nguyễn Khắc Bình tại Dinh Ðộc Lập. Hảo nói, với giọng bỡn cợt,: Trời ơi! Thưa Tổng thống, sao mà đánh đâu chạy đó vậy?( hì hì), mình phải làm gì chớ?. Ông Thiệu liền chỉ vào một bản đồ quân sự lớn treo trong Văn phòng: Ðây! – ông trả lòi – đây Ðà Nẵng, sẽ là Stalingrad và ông vẽ một đường từ Ðèo Cả xuyên tới Ðà Lạt. Liền sau đó, có lệnh cho Quân đội quốc gia tử thủ, không được rút xa hơn nữa. Cụ Hương sửa vài chữ trong thông cáo và trao cho Ðại tá Cầm điện cho các ông tướng liên hệ.
    Về giả thuyết chia Việt Nam làm ba, tôi nhớ sự việc diễn ra như sau: Bữa đó, Phó Thủ tướng Trần Văn Ðôn vưà đi quan sát ở Mỹ và Âu châu về. TT Thiệu tiếp Ðôn để nghe báo cáo và cùng chúng tôi lên Dinh Ðộc Lập ăn cơm. Khi đi ngang chỗ đang sửa chữa vì vừa bị dội bom, ông Thiệu thấy có treo một lá cờ vàng ba sọc đỏ, ông liền nói: Không biết các anh có tin dị đoan hay không, chớ còn tôi, tôi nghĩ ba gạch tượng trưng cho đất nước mình sẽ chia ra làm ba!. Có lẽ ý kiến này đã thoáng qua tâm trí của ông Thiệu lúc đó. Không ai phản ứng hay bình phẩm gì. Trong số quan khách, có cả Bs Phan Quang Ðán.

    Vấn : Khi bỏ Ban Mê Thuột, Ông Thiệu có bàn trước với Nội các hay cá nhân anh hay không?

    Ðáp: Không có! Không biết ông Thiệu có tính với Cao Văn Viên hay không?

    Vấn: Theo anh, vì sao Thiệu bỏ Pleiku sau Ban Mê Thuột? Có người cho rằng ông Thiệu muốn thấu cáy Hoa Kỳ? Ðể mặc cả’ với Mỹ? Tướng Ngô Quang Trưởng từng thố lộ với tôi rằng QÐQG vẫn còn khả năng cầm cự. Anh nghĩ sao?

    Ðáp (một phút trầm ngâm) Vụ rút lui ở Ban Mê Thuột làm tan hoang hết! Nội các không hề được hỏi ý kiến. Pas un mot! Một ngày sau khi bỏ Pleiku, có nhóm Hội đồng Nội các. Sau ordre du jour đã xong, Tổng trưởng Ngô Khắc Tỉnh dơ tay lên, nói : Thưa Thủ tướng, tôi xin Thủ tướng một faveur: Dầu sao, chúng tôi cũng là nhân viên Hội đồng Nội các, bà xã tôi vừa nghe tin Pleiku mất trên đài BBC và VOA, mới nói lại cho tôi biết. Vậy xin Thủ tướng – nếu có tin gì – thông báo chúng tôi, chớ không kỳ quá! Lúc đó. trên bàn chủ tọa, Thủ tường Khiêm xoay qua tôi ngồi bên phiá trái, nói nhỏ: Moa cũng vậy! (sic). Tôi ngạc nhiên trả lời: Bộ nói giả ngộ hay sao? anh là Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng, Ðại tướng bốn sao mà!. Ông Khiêm gật đầu: Thật chớ! (nguyên văn).

    Vấn: Không lẽ ông Thiệu lại quyết định một mình chuyện quá nghiêm trọng như vậy?

    Ðáp: Tôi có nghe hình như Tổng thống Thiệu có hội ý với hai tướng Cao Văn Viên và Phạm Văn Phú. Tuy nhiên, sau tháng tư 1975, tôi thoát được qua đảo Guam, có gặp một số sĩ quan cao cấp trong Bộ Tổng Tham mưu, họ quả quyết ông Viên chỉ biết sau khi việc này xảy đến. Phủ Tổng thống ra lệnh thẳng cho các Tư lệnh vùng, không qua Tổng Tham mưu, bằng một hệ thống trực tiếp. Vậy, ông Thiệu đã chỉ thị ngay cho tướng Phú? Ðiểm này, nghĩ nên duyệt lại.
    Vấn: Tại sao Thủ tướng Khiêm và anh (Phó Thủ tướng) không phản đối?

    Ðáp: Phản đối cách nào và vì sao? Có biết đâu mà protester?… Ðây là vấn đề quân sự! (sic)

    Vấn: Anh từng từ chức Phó Tổng ủy Di cư thời Ngô Ðình Diệm và đã tham gia nhóm Caravelle thập niên 50 để phản đối độc tài gia đình trị nhà Ngô, tại sao anh lại có thể chấp nhận hành động đơn phương của TT Thiệu như vậy trong khi anh giữ chức vụ Phó Thủ tướng?

    Ðáp: Bởi vì… lúc đó, không thấy gì bề ngoài. Bởi vì… ông Thiệu rất khôn. Bởi vì…, về quân sự, có Ủy ban tướng lãnh ở phiá sau. Tôi không có chân trong Hội đồng An ninh Quốc gia.

    Vấn: Nguyễn Phú Ðức đóng vai trò hệ trọng trong HÐANQG, tương đương với Kissinger bên Mỹ. Là em vợ của anh, Ðức không cho anh biết hay sao?

    Ðáp: Khi nào cần, Ðức mới được TT Thiệu vấn ý, Ðức không phải là hội viên thường trực. Trong Hội đồng, còn có Thủ tướng, có Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên, Cố vấn quân sự Ðặng Văn Quang), Tổng giám đốc Công an Nguyễn Khắc Bình, các Tư lệnh Quân khu.

    Vấn: Nhưng trong vụ bỏ Cao Nguyên và Miền Trung, TT Thiệu đã qua mặt các nhân vật vừa kể?

    Ðáp: Có thể! Trong vụ Ban Mê Thuột, có lẽ tướng Viên biết, vì – theo Nguyễn Phú Ðức viết trong hồi ký Pourquoi les E¨tats Unis ont-ils perdu la guerre au Việt Nam? – chính ông Viên chỉ con đường số 19 để rút quân (thay vì liên tỉnh lộ số 7) nhưng lộ trình triệt thoái này quá xấu. Tôi không biết rõ ai đã lấy quyết định trong nội vụ, tướng Phú hay tướng Tất.
    Vấn: Trong bài tôi phỏng vấn trước đây Ngoại trưởng Trần Văn Lắm, ông Lắm có kể lại câu phê bình của tướng Westmoreland: Ðây là một sự triệt thoái hỗn lọan nhất mà tôi chưa từng thấy! Anh đồng ý hay không?
    Ðáp: Ðồng ý! Cuộc triệt thoái chỉ được quyết định trong vòng 24 giờ đồng hồ. Các đơn vị của ta không thể vừa rút lui, vừa mang theo cả gia đình đùm đề của họ mà họ phải bảo vệ. Cho lập các trại gia binh nơi đồn trú của binh sĩ là một thất sách. Chủ trương người lính, tay súng, tay cày – chiến đấu vừa bảo vệ tổ quốc, vừa chu toàn an ninh cho thân nhân – không dễ thực hiện. Trong khi đó, người lính Bắc Việt bị Ðảng CS ép sinh Bắc, tử Nam, ra đi không có ngày về, họ không có những bận bịu của người lính quốc gia. Mặt khác, về binh thuật, triệt thoái lắm khi khó hơn tấn công.

    (…)

    LÂM LE‚ TRINH
    Ngày 1.9.2001
    Thủy Hoa trang
    Huntington Beach, Californie

    THƯ TỊCH
    1 – Ðọc Hồi ức cuả Nguyễn Thị Bình và Tập thể tác giả: Mặt trận Dân tộc Giải phóng – Chính phủ Cách Mạng Lâm thời tại Hội nghị Paris,, Nxb Chính trị Quốc gia, Hànội, 2001.
    2 – Giáp: Lời trối bên bờ huyệt – Phê bình quyển hồi ức thứ ba của Võ Nguyên Giáp, bài cuả Lâm Lễ Trinh, trong tạp chí Ði Tới., Montréal.Canada, ngày 27.6.2000
    3 – Bài Mạn đàm với cựu Ngoại trưởng Trần Văn Lắm: Mặt trái và bài học Hiệp định Paris 1973 của Lâm Lễ Trinh, trong tạp chí Dân chủ & Phát triển, Dortmund, Ðức quốc ngày 5.9.1999
    3 – Réflexions sur une trahison- A propos des Mémoires de Nguyễn Phú Ðức: Pourquoi les E¨tats Unis ont-ils perdu la guerre au Viet Nam? par Lâm Lễ Trinh dans la revue Reflets d’Asie, Paris, Octobre 2000.

    • Vũ duy Giang says:

      Cám ơn LMC đã Reply bằng bài của ông Lâm lễ Trinh phỏng vấn BS.Nguyễn lưu Viên:”Từ Hội nghị La Celle-St.Cloud đến những ngày VNCH hấp hối” cho thấy vai trò của Tướng Phú(có bài viết riêng về ông,hiện đăng trên ĐCV),và Tướng Ngô Quang Trưởng.

      Bài viết của nhà báo Đinh Từ Thức”Từ trại giam đến trại Guam”cũng đề cập đến Tướng Ngô Quang Trưởng như sau:”Theo lời kể của Dân Biểu Liên Bang Mỹ Pete McCloskey, -thành viên của phái đoàn Quốc hội Mỹ tới Việt Nam quan sát vào tháng 2,1975,trước khi quyết định có viện trợ cho VN 300 triệu USD không-khi thăm vùng I,ông đã được Tướng Ngô Quang Trưởng cho biết,lực lượng tinh nhuệ của ông đã bị mất,vì ông TT.THIỆU hoảng loạn,đã kéo về phía Nam,để PHÒNG ĐẢO CHÁNH ở Saigon”!(Tears Before The Rain). Hy vọng bài”Từ trại giam đến trại Guam” cũng sẽ được đăng trên Đàn Chim Việt?

  2. BloodOrange says:

    Có bài nào viết về vnch ,có nói về tt Thiệu ,Kỳ là có tên Lai Mạnh Cương đi đầu chửi bới rỏ ra là “trí thức” . Kiểu chửi người ,người ngã ngựa ,người chết, là cấp trên của hăn ,là con nít mới vào Q Đ,danh vọng hoc thức đêu do cái bọn “vô tài bất tướng “ban cho . Không chừng lại nổi cồ .cơm cha áo mẹ công thầy ,ta (Lại tiên sinh) cố găng phấn đấu mới được như vậy ,chớ cần gì chinh phủ vnch,cờ vàng , hay “thằng “thiệu” ,thằng “kỳ”,cái bọn .cầm đầu vô tài bất tướng (TA: hữu tài ,hữu tương.Phải chi năm 75 Vào Tay TA).
    Kết luận : Hãy tỏ ra ming là trí thức,tức có ăn có học chớ không phải loại CHỒN LÙI mnà nhà văn Duyên Anh goi,,,
    Hay vẫn muốn là đàn em (sư đệ) của HÙYNH TẤN NẪM và tiesp tục cuhurir vnch ,chủi Mỹ và các lãnh đạo ,quân lục vnch HÙA theo bọn cs và bọn DLV?
    (cammáu)

  3. lvmạnh says:

    Nhân tài vn có rất nhiều. Anh hùng cũng lắm . Hèn nhát cũng nhiều .Dóc tổ cũng không thiếu.
    “TA CON ÔNG TRẠNG CHÁU ÔNG NGHÈ…
    (vào cadao tụ ngữ đọc tiếp…)
    (lvm)

    • Lại Mạnh Cường says:

      Mạn Ðạm với BS Nguyễn Lưu Viên: Từ Hà Nội La Celle-Saint Cloud đến những ngày VNCH hấp hối

      Trích từ Dân Chủ – Lâm Lễ Trinh

      Muà hè năm nay, Bs Nguyễn Lưu Viên từ Virginia về thăm gia đình ở Californie và lần đầu tiên sau trên bốn thập niên xa cách, chúng tôi mới có dịp tái ngộ để nhắc lại nhiều kỷ niệm chung thời xa xưa Hànội, khi anh là một sinh viên Y khoa, ngụ tại 135 đường Charon, sau Nhà Diêm, với Lê Quang Thuận, Khổng Toán, Ngô Thiện Khai… còn tôi thì học Luật, trú tại Ðông dương Học xá, phố Huế, với Trần Công Dung, Xuân Diệu, Cù Huy Cận, Dương Ðức Hiền, Lâm Trọng Thức..
      Sẵn dịp, anh đồng ý để tôi ghi âm cuộc nói chuyện thân mật về những năm dài anh họat động chính trị, đặc biệt với tư cách Trưởng đoàn tại Hội nghị Hiệp thương La Celle Saint- Cloud và trong chức vụ Phó Thủ tướng của ba nội các Trần Văn Hương (năm 1964, kiêm Tổng trưởng Nội vụ), Nguyễn Cao Kỳ (năm 1965. kiêm Tổng ủy phụ trách khối Văn hóa – Giáo dục và Xã-Lao) và Trần Thiện Khiêm (năm 1968, kiêm bộ Văn hóa- Giáo dục cho tới 1972.
      Từ 1973, hành nghề bác sĩ tại Viện Pasteur Saigon cho đến khi miền Nam thất thủ vào tháng tư 1975.

      Bs Nguyễn Lưu Viên (NLV), sanh năm 1919, tại Trà Vinh, sức khoẻ còn tốt và trí nhớ vẫn sắc bén. Anh vui tính như xưa, nói năng cười đùa lớn tiếng. Thoát ra khỏi Sàigòn ngày 29.4.1975 trên một tàu Hải quân Việt Nam, (gia đình cho xuất ngoại trước), anh qua Guam, rồi Pendleton, tu nghiệp ở Oklahoma và hành nghề bác sĩ 11 năm tại Baptist Hospital, Union City, tiểu bang Tennessee. Về hưu ở Virginia năm 1988, anh sống ẩn dật, ít tiếp xúc bên ngoài nhưng không ngớt ưu tư về đất nước.

      Cuộc mạn đàm gồm có ba phần: Giai đọan tập kết theo Kháng chiến, dự Hội nghị La Celle Saint Cloud và nhận xét về những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam Cọng hoà.

      (…)

      Vấn: Ở đọan trên, anh có nói: khi đi nhóm tại La Celle Saint Cloud, anh không tin hội nghị đem lại kết quả vì vấn đề sẽ giải quyết trên chiến trường miền Nam. Xin vui lòng cho biết rõ: Ai giải quyết? MTGPMN? Hoa Kỳ? hay Chính phủ Sàigòn?

      Ðáp: Nhiều người trong phái đoàn VNCH – luôn cả Bs Trần Văn Ðổ – cũng tin Mỹ sẽ giúp Sàigòn giải quyết. Ðặc biệt, với oanh tạc cơ B52. Trước Ban Mê Thuột, tôi ‘có cảm tưởng (TT) Thiệu nghĩ đến giải pháp Việt Nam có thể chia thành ba vùng: CS phía Bắc, MTGPMN từ vỹ tuyến 17 đến vỹ tuyến 13, và Việt Nam Cọng hoà, phần đất còn lại. Ðúng vậy, tôi còn nhớ một buổi chiều, – trước vụ bỏ Ban Mê Thuột – ông Thiệu họp với (Phó Tổng thống) Trần Văn Hương, (Thủ tướng) Trần Thiện Khiêm, tôi (Nguyễn Lưu Viên), Nguyễn Văn Hảo (Phó thủ tướng, kiêm khối Kinh tế- Tài chính), (Trung tướng) Ðặng Văn Quang và (Thiếu tướng CA) Nguyễn Khắc Bình tại Dinh Ðộc Lập. Hảo nói, với giọng bỡn cợt,: Trời ơi! Thưa Tổng thống, sao mà đánh đâu chạy đó vậy?( hì hì), mình phải làm gì chớ?. Ông Thiệu liền chỉ vào một bản đồ quân sự lớn treo trong Văn phòng: Ðây! – ông trả lòi – đây Ðà Nẵng, sẽ là Stalingrad và ông vẽ một đường từ Ðèo Cả xuyên tới Ðà Lạt. Liền sau đó, có lệnh cho Quân đội quốc gia tử thủ, không được rút xa hơn nữa. Cụ Hương sửa vài chữ trong thông cáo và trao cho Ðại tá Cầm điện cho các ông tướng liên hệ.
      Về giả thuyết chia Việt Nam làm ba, tôi nhớ sự việc diễn ra như sau: Bữa đó, Phó Thủ tướng Trần Văn Ðôn vưà đi quan sát ở Mỹ và Âu châu về. TT Thiệu tiếp Ðôn để nghe báo cáo và cùng chúng tôi lên Dinh Ðộc Lập ăn cơm. Khi đi ngang chỗ đang sửa chữa vì vừa bị dội bom, ông Thiệu thấy có treo một lá cờ vàng ba sọc đỏ, ông liền nói: Không biết các anh có tin dị đoan hay không, chớ còn tôi, tôi nghĩ ba gạch tượng trưng cho đất nước mình sẽ chia ra làm ba!. Có lẽ ý kiến này đã thoáng qua tâm trí của ông Thiệu lúc đó. Không ai phản ứng hay bình phẩm gì. Trong số quan khách, có cả Bs Phan Quang Ðán.

      Vấn : Khi bỏ Ban Mê Thuột, Ông Thiệu có bàn trước với Nội các hay cá nhân anh hay không?

      Ðáp: Không có! Không biết ông Thiệu có tính với Cao Văn Viên hay không?

      Vấn: Theo anh, vì sao Thiệu bỏ Pleiku sau Ban Mê Thuột? Có người cho rằng ông Thiệu muốn thấu cáy Hoa Kỳ? Ðể mặc cả’ với Mỹ? Tướng Ngô Quang Trưởng từng thố lộ với tôi rằng QÐQG vẫn còn khả năng cầm cự. Anh nghĩ sao?
      Ðáp (một phút trầm ngâm) Vụ rút lui ở Ban Mê Thuột làm tan hoang hết! Nội các không hề được hỏi ý kiến. Pas un mot! Một ngày sau khi bỏ Pleiku, có nhóm Hội đồng Nội các. Sau ordre du jour đã xong, Tổng trưởng Ngô Khắc Tỉnh dơ tay lên, nói : Thưa Thủ tướng, tôi xin Thủ tướng một faveur: Dầu sao, chúng tôi cũng là nhân viên Hội đồng Nội các, bà xã tôi vừa nghe tin Pleiku mất trên đài BBC và VOA, mới nói lại cho tôi biết. Vậy xin Thủ tướng – nếu có tin gì – thông báo chúng tôi, chớ không kỳ quá! Lúc đó. trên bàn chủ tọa, Thủ tường Khiêm xoay qua tôi ngồi bên phiá trái, nói nhỏ: Moa cũng vậy! (sic). Tôi ngạc nhiên trả lời: Bộ nói giả ngộ hay sao? anh là Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng, Ðại tướng bốn sao mà!. Ông Khiêm gật đầu: Thật chớ! (nguyên văn).

      Vấn: Không lẽ ông Thiệu lại quyết định một mình chuyện quá nghiêm trọng như vậy?

      Ðáp: Tôi có nghe hình như Tổng thống Thiệu có hội ý với hai tướng Cao Văn Viên và Phạm Văn Phú. Tuy nhiên, sau tháng tư 1975, tôi thoát được qua đảo Guam, có gặp một số sĩ quan cao cấp trong Bộ Tổng Tham mưu, họ quả quyết ông Viên chỉ biết sau khi việc này xảy đến. Phủ Tổng thống ra lệnh thẳng cho các Tư lệnh vùng, không qua Tổng Tham mưu, bằng một hệ thống trực tiếp. Vậy, ông Thiệu đã chỉ thị ngay cho tướng Phú? Ðiểm này, nghĩ nên duyệt lại.
      Vấn: Tại sao Thủ tướng Khiêm và anh (Phó Thủ tướng) không phản đối?

      Ðáp: Phản đối cách nào và vì sao? Có biết đâu mà protester?… Ðây là vấn đề quân sự! (sic)

      Vấn: Anh từng từ chức Phó Tổng ủy Di cư thời Ngô Ðình Diệm và đã tham gia nhóm Caravelle thập niên 50 để phản đối độc tài gia đình trị nhà Ngô, tại sao anh lại có thể chấp nhận hành động đơn phương của TT Thiệu như vậy trong khi anh giữ chức vụ Phó Thủ tướng?

      Ðáp: Bởi vì… lúc đó, không thấy gì bề ngoài. Bởi vì… ông Thiệu rất khôn. Bởi vì…, về quân sự, có Ủy ban tướng lãnh ở phiá sau. Tôi không có chân trong Hội đồng An ninh Quốc gia.

      Vấn: Nguyễn Phú Ðức đóng vai trò hệ trọng trong HÐANQG, tương đương với Kissinger bên Mỹ. Là em vợ của anh, Ðức không cho anh biết hay sao?

      Ðáp: Khi nào cần, Ðức mới được TT Thiệu vấn ý, Ðức không phải là hội viên thường trực. Trong Hội đồng, còn có Thủ tướng, có Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên, Cố vấn quân sự Ðặng Văn Quang), Tổng giám đốc Công an Nguyễn Khắc Bình, các Tư lệnh Quân khu.

      Vấn: Nhưng trong vụ bỏ Cao Nguyên và Miền Trung, TT Thiệu đã qua mặt các nhân vật vừa kể?

      Ðáp: Có thể! Trong vụ Ban Mê Thuột, có lẽ tướng Viên biết, vì – theo Nguyễn Phú Ðức viết trong hồi ký Pourquoi les E¨tats Unis ont-ils perdu la guerre au Việt Nam? – chính ông Viên chỉ con đường số 19 để rút quân (thay vì liên tỉnh lộ số 7) nhưng lộ trình triệt thoái này quá xấu. Tôi không biết rõ ai đã lấy quyết định trong nội vụ, tướng Phú hay tướng Tất.
      Vấn: Trong bài tôi phỏng vấn trước đây Ngoại trưởng Trần Văn Lắm, ông Lắm có kể lại câu phê bình của tướng Westmoreland: Ðây là một sự triệt thoái hỗn lọan nhất mà tôi chưa từng thấy! Anh đồng ý hay không?
      Ðáp: Ðồng ý! Cuộc triệt thoái chỉ được quyết định trong vòng 24 giờ đồng hồ. Các đơn vị của ta không thể vừa rút lui, vừa mang theo cả gia đình đùm đề của họ mà họ phải bảo vệ. Cho lập các trại gia binh nơi đồn trú của binh sĩ là một thất sách. Chủ trương người lính, tay súng, tay cày – chiến đấu vừa bảo vệ tổ quốc, vừa chu toàn an ninh cho thân nhân – không dễ thực hiện. Trong khi đó, người lính Bắc Việt bị Ðảng CS ép sinh Bắc, tử Nam, ra đi không có ngày về, họ không có những bận bịu của người lính quốc gia. Mặt khác, về binh thuật, triệt thoái lắm khi khó hơn tấn công.

      (…)

      LÂM LE‚ TRINH
      Ngày 1.9.2001
      Thủy Hoa trang
      Huntington Beach, Californie

      THƯ TỊCH
      1 – Ðọc Hồi ức cuả Nguyễn Thị Bình và Tập thể tác giả: Mặt trận Dân tộc Giải phóng – Chính phủ Cách Mạng Lâm thời tại Hội nghị Paris,, Nxb Chính trị Quốc gia, Hànội, 2001.
      2 – Giáp: Lời trối bên bờ huyệt – Phê bình quyển hồi ức thứ ba của Võ Nguyên Giáp, bài cuả Lâm Lễ Trinh, trong tạp chí Ði Tới., Montréal.Canada, ngày 27.6.2000
      3 – Bài Mạn đàm với cựu Ngoại trưởng Trần Văn Lắm: Mặt trái và bài học Hiệp định Paris 1973 của Lâm Lễ Trinh, trong tạp chí Dân chủ & Phát triển, Dortmund, Ðức quốc ngày 5.9.1999
      3 – Réflexions sur une trahison- A propos des Mémoires de Nguyễn Phú Ðức: Pourquoi les E¨tats Unis ont-ils perdu la guerre au Viet Nam? par Lâm Lễ Trinh dans la revue Reflets d’Asie, Paris, Octobre 2000.

  4. noileo says:

    “Về phía Không Quân VNCH, sau đây là lời của Trung Tướng Tư Lệnh Trần Văn Minh, kể trong cuộc phỏng vấn tại nhà ông, do Blogger LDE thực hiện, đăng trước tiên trên Washington Post, rồi trên San Jose Mercury News vào tháng 4, 1985, và trên Blog lde421.blogspot.com/2012/12:
    Ngày 29 tháng Tư, gần buổi trưa, DAO gọi tôi nói rằng sắp có một cuộc họp giữa Hoa Kỳ và các cấp chỉ huy của Không Lục VNCH. Tôi tới DAO với nhiều người của tôi. Chúng tôi được mời vào một căn phòng. Rồi họ bỏ mặc chúng tôi ở đấy khá lâu. Chúng tôi đã nghĩ rằng Đại Sứ Martin hay Tướng Homer Smith (Tuỳ viên Quốc phòng) hoặc nhân vật nào khác sẽ đến với kế hoạch mới để phản công Bắc Việt. Nhưng họ không bao giờ tới. Chẳng có ai tới cho đến lúc xế chiều. Sau khi chúng tôi vào cơ sở (DAO) họ cho một lính gác lấy võ khí chúng tôi. Chuyện này chưa bao giờ có trước đây.
    Rồi cuối cùng, một sĩ quan tiến vào phòng, nói: “Chung cuộc rồi, thưa Tướng Minh. Một trực thăng đang đợi bên ngoài đưa quý vị ra đi”. Chúng tôi đi ra, lên trực thăng. Chúng tôi được chở tới Blue Ridge (Soái hạm Đệ Thất Hạm Đội) trên biển Nam Hải.
    Một Đại Tá Không Quân Mỹ trên trực thăng với chúng tôi. Ông ấy ngồi cạnh tôi. Ông khóc suốt chuyến bay, đến nỗi không nói được. Nhưng ông ấy viết gì đó trên mảnh giấy và đưa cho tôi. Tôi đọc, “Thưa Tướng Công, tôi rất tiếc”. Tôi vẫn còn mảnh giấy đó. Tôi sẽ giữ nó đến mãn đời, tôi không bao giờ quên chuyến bay buồn thảm tới Blue Ridge.

    —–

    On April 29th, late in the morning, I got a call from the DAO saying that there was to be a meeting of the Americans and the commanding officers of the Vietnamese Air Force. I went to the DAO with several of my men. We were shown into a room. Then we were left alone for a long time. We thought Ambassador Martin or General Homer Smith(The Defense Attache) or someone else would come in with a new plan for striking back at the North Vietnamese. But they never showed up. No one showed up until the late afternoon. After we had gone into the compound they had a guard disarm us. That had never happened before.
    Then finally someone came into the room, an officer, and said, “This is the end, General Minh. A helicopter is outside waiting to take you away.” We went outside to the helicopter. We were flown out to the Blue Ridge in the South China Sea.
    An American Air Force colonel was on the helicopter with us. He sat next to me. He was crying on the way out. He could not even talk. But he wrote something on a slip of paper and he handed it to me. It read, “General, I am so sorry.” I still have that piece of paper. I will keep it all my life. I will always remember that sad flight out to the Blue Ridge”.

  5. Lại Mạnh Cường says:

    Càng đọc càng đau lòng.

    Thua đến trắng tay chỉ vì

    cầm đầu vô tài bất tướng !

    • Nguyễn Trọng Dân says:

      Ấy da , thầy Cường đừng có làm bộ làm tịch đi !

      Sự đời khó đoán , Cộng phỉ làm gì tồn tại quá được trăm năm mà bảo chắc , VIỆT NAM CỘNG HÒA ẩn mình làm gì quá 50 năm mà bảo …thua?

      Thầy Cường à , đầu năm chúc thầy Cường ráng sống dai dai chúc để coi…VIỆT NAM CỘNG HÒA hồi sinh ra làm sao nhá….GUARANTEE!

    • Tien Ngu says:

      Thưa,

      Nghe thày lang than thở mà Tien Ngu càng…đau lòng…

      Bấy giờ giả dụ như lúc ấy mà VN có…tài, có…tướng, nhưng thiếu xăng dầu, đạn dược, thì…làm được gì?
      Không có Mỹ tiếp viện, một mình VNCH với…có tài, có tướng, (nhưng không có..sản xuất xăng dầu, vũ khí), chống lại được cả khối Cộng đằng sau cs Hà Nội hay không?

      Đau là đau cái thằng cs Hà Nội nó ngu, nó muốn mần anh hùng, nó bị khối Cộng quốc tế…xúi trẽ ăn cứt gà, gây cho VN….tàn lụi vì chiến tranh dai dẳng…
      Đau là đau cái VN là nhược tiểu, phải phụ thuộc Mỹ mới có điều kiện chống lại sự cướp phá của giặc Cộng. Mỹ nó còn…chịu chơi thì…khoẽ, nó nghỉ chơi thì…đi đứt. Lúc ấy VC phá hoại hàng ngày, có ai …tài mấy cũng …chịu, sao mà xây dựng ngon lành để thoát cảnh lệ thuộc viện trợ Mỹ được chớ?
      Lúc ấy, em nào có ngon lành cở…thầy lang cũng…bấn xúc xích. Sáng, lên được cái cột điện về cho nông thôn; tối, VC nó chơi…xập. Không cách chi mà…cãi cách hằng ngày để đi đến chổ…có tài, có tướng…
      Đánh trận chống giặc Cộng 20 năm, đạn dược xăng dầu đầy đủ, có…đau chổ nào đâu? VC nhà vô, rình chiếm được vài ngày, rồi cũng chạy. Chi đến khi…một cent cũng không thể cho mày nữa, lúc ấy mới …thua đau.

      Lưng không còn…ấm nữa, tâm lý đương nhiên là….bất an, đâm ra hành động…hỗn loan. Có cố đánh lại chúng, giõi lắm cũng chỉ được…vài ngày. Tiền đâu mà…chơi nữa em ơi….

      VN mất về tay giặc Cộng không phải vì VNCH vô tài, bất tướng. Địa đầu có tướng Ngô quang Trưỡng, bọc hậu có tướng Nguyễn Khoa Nam, mãnh hỗ bao vùng có Lê quang Lưỡng, đại tá Huấn 81…
      Sắp xếp nhân sự rất là hợp lý…

      Nhưng …nghèo, thiếu dược, bị giặc Cộng đeo bám phá hoại hằng ngày, không phát triển được để tự túc, tự cướng. Đành thua. mất nước… Và,
      VN mất về tay giặc Cộng, toàn dân…đau (dĩ nhiên là ngoại trừ giặc Cộng và thân nhân của chúng), không chỉ riêng thầy lang.
      Cái đau này…hợp lý, không phải đau mà mắt trở nên…hí, chửi bậy, lung tung xèng…

Leave a Reply to Tien Ngu