Vụ khủng bố ngày 11/9 dưới mắt Tướng Trung Quốc Lưu Á Châu
Nhân kỷ niệm 9 năm vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ở Hoa Kỳ, xin giới thiệu một vài ý kiến độc đáo của một Trung tướng Trung Quốc. Đó là Trung tướng Lưu Á Châu, 58 tuổi, hiện là Chính ủy Học viện Quân sự của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Cần hiểu rõ trong quân đội Trung Quốc, Chính ủy coi như là người đại diện cho Đảng cộng sản Trung Quốc ở đơn vị, có quyền hành rất lớn, khi có tranh chấp ý kiến giữa Chính ủy và Tư lệnh trong Bộ chỉ huy thì ý kiến của Chính ủy có ý nghĩa quyết định. Đó là nguyên tắc ‘ Chính ủy tối hậu quyết định ‘, từng được ghi trong Điều lệnh của quân đội.
Người Chính ủy được xác định một cách dễ hiểu là:
ngang lưng thì thắt phương châm
đầu đội chính sách, tay cầm chủ trương
Nếu được biết Học viện Quân sự Trung Quốc là lò rèn luyện cao nhất của quân đội Trung Quốc, nơi đào tạo mọi tướng lĩnh của hải, lục, không quân của Quân Giải phóng, sẽ thấy rõ vai trò và ảnh hưởng của tướng Lưu Á Châu đối với nhận thức và tư tưởng của sỹ quan cấp cao trong tòan quân như thế nào.
Chính vì vậy mà báo chí phương Tây nói đến tướng Lưu Á Châu như một hiện tượng – a phenomenum – một nhân vật kỳ lạ, với những tác phẩm văn học, truyện ngắn, bài nói chuyện, bài trả lời phỏng vấn luôn bộc trực, có tư duy độc lập, rõ ràng, mạch lạc, ra ngòai mọi khuôn sáo giáo điều, thường là độc đáo, ít giống ai.
Dưới đây là vài ý kiến của tướng Lưu về cuộc khủng bố ngày 11/9/2001 ở Hoa Kỳ.
Ông kể rằng sáng ngày 12/9/2001, quanh nơi ông ở tại Bắc Kinh bỗng nghe thấy tiếng kèn trống nổi lên sôi nổi, ông nghĩ rằng thanh niên ăn mừng kết quả của đội bóng quốc gia đêm qua, nhưng không, một số thanh niên cho biết họ ‘ ăn mừng Tháp Đôi, Trung tâm Thương mại Quốc tế của Mỹ ở New York đã bị đánh sập ‘. Ông đau buồn nhận ra một bộ mặt xấu xa của nền văn hóa Trung hoa hiện tại. Sao con người Trung Quốc – đồng bào của ông – lại có thể độc ác, vô ý thức, vui mừng trước thảm họa khủng khiếp của đồng loại đến mức ấy.
Ông giở tờ báo sáng ra xem, tin ở trang nhất là : các trường tiểu và trung học ở Bắc Kinh tựu trường cho năm học mới. Không một dòng tin nào về Tháp đôi ở New York. Ông thở dài. Văn hóa thông tin của Trung Quốc là vậy, đưa tòan những tin vô ý nghĩa, còn những tin người đọc muốn biết thì tìm không ra.
Sau đó ông được tin, một đoàn nhà báo Trung Quốc đang ở thăm Hoa Kỳ đúng ngày 11/9. Khi họ được tin và thấy hình trên máy vô tuyến bọn khủng bố đâm đầu vào Tháp đôi, khói lửa phụt ra, họ vui mừng bắt tay nhau, hoan hô ầm ỹ, trước con mắt ngỡ ngàng, sửng sốt rồi phẫn nộ của người Mỹ. Kết quả là cả đòan đưọc ‘mời về nước ngay ‘, và được vào danh sách không bao giờ có thể trở lại nữa. Văn hóa Trung Quốc thiếu đạo đức là thế, tướng Lưu đau buồn kết luận.
Tướng Lưu ca ngợi nền văn hóa và văn minh Hoa Kỳ. Khi khủng bố xảy ra, một vài nơi trên đất Mỹ xảy ra chuyện căm ghét người đạo Hồi, lập tức họ được giải thích thấu đáo, có nơi còn tăng cường bảo vệ các cơ sở người Hồi giáo sinh sống, không để xảy ra trả thù hay cướp phá đáng tiếc.
Tướng Lưu cũng ca ngợi cảnh thảm họa xảy ra, người cứu trợ lao đến cấp cứu khẩn trương, có trật tự, không có chen lấn, xô đẩy, dẫm đạp lên nhau, còn biết chạy theo 2 chiều, không bị tắc nghẽn, lại còn nhường bước cho đàn bà, trẻ con, người mù…Tất cả do có một nền văn hóa và văn minh ăn sâu vào nếp sống, vào tiềm thức, nổi bật trên đất Mỹ.
Tướng Lưu còn ca ngợi những hành khách Mỹ trên chiếc máy bay Boing 767 khi bọn khủng bố cướp đoạt buồng lái, họ đã được tin Tháp đôi bị bọn chúng phá sập bằng cách đâm đầu máy bay vào, họ đã hè nhau kháng cự, máy bay bị rơi ở vùng Pensylvania. Sau này được biết bọn khủng bố dự định đâm chiếc Boing 767 này vào Nhà Trắng hoặc Nhà Quốc hội Hoa Kỳ. Tướng Lưu coi đó là lòng dũng cảm của công dân có văn hóa khi lâm nạn. Ông từng so sánh và kể chuyện ở Trung Quốc, khi phát xít Nhật tràn sang, có nơi chỉ có 7, 8 tên lính Nhật cầm tù và tước khí giới 3 vạn dân quân Trung Quốc, có nơi chỉ một tên sỹ quan Nhật cùng tay sai cai quản cả một huyện.
Tại sao tướng họ Lưu lại có cách nhìn có vẻ độc đáo như trên? Ông là người thân Hoa Kỳ, thân phương Tây chăng? Không Hoàn toàn không.
Ông nói rõ, ông không thân Mỹ, cũng không thù ghét Mỹ, ông chỉ tìm hiểu Mỹ để học những điều tốt, để áp dụng những điều hay, lẽ phải, có lợi, bổ ích cho nước mình.
Ông có tinh thần tự phê bình rất cao, coi đó là một phẩm chất yêu nước, nhất là của tuổi trẻ.
Ông cho rằng Trung Quốc không có nhà tư tưởng đúng nghĩa, không có tư tưởng triết học mang tính khai phá, không có nền văn hóa nhân bản, chỉ có những ‘ mưu sỹ ‘, với những mưu mẹo, thủ đoạn, những Gia Cát Lượng, Tào Tháo, Chu Du.… Ông dám chỉ trích Mao Trạch Đông là từng có 31 chủ trương, trong đó 20 chủ trương sai lầm, mang tính hủy diệt con người, từ Tam phản, Ngũ phản, đến Đại nhảy vọt, Cách mạng Văn hóa Vô sản, tàn phá đất nước …
Tướng Lưu có những kết luận rõ ràng, minh bạch. Ông kêu gọi muốn cứu nước, hãy áp dụng nền văn hóa, khoa học phương Tây, tiến bộ, nhân bản, hãy vận dụng theo chế độ pháp trị đa nguyên đa đảng kiểu Hoa Kỳ, nếu không có những cải cách chính trị – kinh tế – văn hóa – ngoại giao sâu rộng như thế, thì Trung Quốc sẽ không thể nào tránh khỏi sụp đổ bi đát như Liên Xô hồi 1991.
Tại sao tướng Lưu lại mạnh mồm đến thế? Có dự đoán rằng ông dựa vào thế Con Ông Cháu Cha, con nhà nòi cộng sản, bố vợ là cố Chủ tịch nước Lý Tiên Niệm – 1 trong 8 nhân vật khai sinh ra Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; những con cháu các ông lớn khác lao vào làm giàu, hưởng lạc, ông chọn con đường khác để cứu nước theo cách nghĩ riêng. Ông được quý trọng còn vì sống ngay thẳng, bình dị, không hút thuốc, không uống rượu, không ăn nhậu, xuống thăm đơn vị ông ăn cùng ở cùng chiến sỹ, không nhận quà cáp của ai. Ông đọc nhiều, viết nhiều, suy nghĩ nhiều, biết nhiều thứ tiếng, Anh, Nhật, Đức, Pháp …, từng là giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Bắc Cali – Mỹ.
Cũng có phán đoán là ông được sự ủng hộ ngầm của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, người có tư tưởng cởi mở, và ông không được ông Hồ Cẩm Đào tán thành.
Hiện tượng Lưu Á Châu rất đáng được nghiên cứu, trao đổi trong dịp 9 năm cuộc khủng bố 11/9/2001 ở Hoa Kỳ, trong tưởng niệm vong linh của những nạn nhân bi thảm, niềm đau thương chung của cả loài người văn minh.
Nguồn Blog Bùi Tín (VOA)