Đối mặt[1]
Con đường đến với phong trào dân chủ
Hồi tôi còn nhỏ, tôi nhớ bố tôi thường hay hát ru mấy câu ca dao quen thuộc cho tôi và các em tôi để ru ngủ, thực ra ông không thuộc nhiều, mấy bài con cò bay lả, bay la; mẹ đi làm về; rồi một vài bài về quê hương đất nước gì đó. Nhưng quen thuộc nhất vẫn là mấy câu ca dao:
Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chaỷ ra
Bác Hồ hơn mẹ, hơn cha…
Rồi ông tự giải thích cho tôi nghe rằng: Núi Thái sơn nó to lắm, vừa to vừa cao, ở mình không có núi nào to, cao bằng. Nước ở nguồn chảy ra hết ngày này qua ngày khác, hết năm này sang năm khác không bao giờ cạn. Người ta so sánh như vậy để thấy công lao cha, mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng đối với người con là rất to lớn. Đạo làm con phải biết điều đó và luôn phải có hiếu với cha mẹ, luôn phải vâng lời cha mẹ… Bác Hồ như thế nào mà hơn cả bố, cả mẹ ạ? tôi thắc mắc. Ông liền giải thích cho tôi: Lớn lên con sẽ hiểu, Bác Hồ là người có công rất lớn đối với đất nước, đối với dân tộc Việt Nam, công lao của người lơn như biển đông. Con phải biết nếu không có bác Hố thì không có chúng ta hôm nay, chúng ta không được làm người, công lao bác Hồ là hơn cả mẹ, hơn cả cha đấy.
Nhà tôi thuộc thành phần bần nông, bố tôi rất tự hào về thành phần “cơ bản” này, cố gắng lắm mới dựng được căn nhà gỗ ba gian. Hôm vào nhà mới có ông cán bộ tuyên huấn của huyện ủy được hạ phóng xuống nằm ở xã tôi đến hàng năm nay để vận đông nhân dân chấp hành đường lối chính sách của đảng, nhà nước. Ông thường xuyên đi lại, ăn nằm ở nhà tôi vì bố tôi cũng làm một chân nho nhỏ ở xã (làm phó chủ tịch UB xã) ông đến và đem tặng một câu đối viết bằng chữ quốc ngữ ép tròn, nguyên bản của hai vế đối là:
Ơn Bác đảng ấm no kiến thiết
Nhờ tổ tiên phúc trạch bình an
Tôi vừa treo xong ở nơi trang trọng nhất, mấy ông bạn bố tôi tấm tắc khen hay và đua nhau đưa ra lời bình.Vế thứ hai thì đã rõ ít ai tranh luận và giải thích, vế thứ nhất thì nhiều người hăng hái phân tích. Ông cán bộ tuyên huấn của huyện ủy nói rõng rạc và sâu sắc lắm, ông nói: nếu không có Đảng, không có Bác Hồ thì không thể có cái nha mới này được vì loại người như chúng ta suốt đời đi làm thuê, làm mướn cho bọn địa chủ, cường hào, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, lấy đâu ra tiền của mà làm nhà, mà có tiền của đi chăng nữa thì chúng nó cũng không cho ta làm vì nó chỉ muốn dân ta nghèo khổ suốt đời… Bác nói chí phải, câu đối thật ý nghĩa, cứ gọi là đối chan chát… liên tiếp hết người này đến người kia chúc rượu ông. Lúc đó tôi cũng rất thán phục về ông cán bộ của đảng này. Mãi về sau tôi mới biết câu đối do một ông thầy đồ viết cho.
Tôi không thể nào quên được láng giềng cạnh nhà tôi có ông một hôm mua được một tấm ảnh bác Hồ để treo nhân dịp tết nguyên đán sắp đến. Ông ngắm nghía mãi rồi quyết định treo lên một chiếc cột quân ở giữa nhà, vừa đóng đinh xong, ông cán bộ của đảng vào liền xua tay và nói với chủ nhà: ấy chỗ này không được, phải treo lên chỗ trịnh trọng nhất chứ, cái ảnh này còn quan trọng hơn cả tổ tiên chúng ta, ông phải treo lên trên bàn thờ thì mới phải đạo chứ. Thế là tấm ảnh được đưa lên trên bàn thờ, cao hơn cả bát hương thờ tổ tiên. Từ đó ở làng tôi nhà ai mua được ảnh bác Hồ đều treo ở vị trí như ông cán bộ của đảng hướng dẫn.
Vào dịp năm học mới, các gia đình đều mua sắm cho con bộ quần áo mới, nhà tôi nghèo nên không có được niềm vui ấy, cùng làng có đứa cùng trang lứa tôi sáng nay nó mong mỏi mẹ nó đi chợ về, chả là mẹ nó hứa mua cho nó bộ quần áo mới. Vừa thấy bóng dáng mẹ là nó chạy ùa về ngay, bọn trẻ tôi cũng ùa theo xem. Vẫn ông cán bộ của đảng hạ phóng ấy ngắm nghía bộ quần áo mới mà mẹ nó vừa mặc thử cho nó rồi rõng rạc: đây là áo của đảng, của bác Hồ, nhờ công ơn của đảng, của bác ta mới có cơm ăn, áo mặc, cháu cố gắng học cho giỏi để đền đáp công ơn đảng, bác Hồ, đứa trẻ gật đầu vâng vâng, dạ dạ, bố, mẹ nó cũng gật gù tán thưởng và nói thêm với con: bác là cán bộ của đảng, bác nói cái gì cũng đúng, con phải nhớ lời bác dặn, nhớ chưa, vâng ạ đứa trẻ lại gật gù. Tôi tủi thân vì mình không có quần áo mới và lúc đó cũng biết tự an ủi mình vì chắc còn rất nhiều bạn như mình, nhất là các bạn ở các nước khác như Trung Quốc, Liên Xô chẳng hạn vì ở đó làm gì có đảng, có bác Hồ như ở Việt Nam ta.
Tôi lớn lên trong môi trường như vậy (tuy nhiên không riêng gì tôi), tôi mong ước lớn thật nhanh để được vào đảng, để cống hiến được nhiều cho tổ quốc, cho nhân dân. Tôi cũng rất tự hào về cái thành phần được gọi là “cơ bản”của gia đình mình, tự hào về bố mình tuy chẳng có trình độ gì nhưng cũng được đứng trong hàng ngũ của đảng. Có chút ít về lợi thế nên tôi đã sớm trở thành đoàn viên, hồi đó được gọi là cánh tay phải của đảng, có nhiều người thắc mắc, tôi là người thuận tay trái nên thấy cũng có lý. Sau này được đổi thành cánh tay đắc lực của đảng, tôi tự hào lắm. Nhớ lại những năm mới đi công tác, tôi nôn nóng muốn được đứng vào hàng ngũ của đảng, chả thế mà mấy lần chi đoàn cơ quan tôi bình bầu đoàn viên ưu tú để giới thiệu cho đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp đảng, tôi bị rớt mấy lần vì còn một số mặt hạn chế cần tiếp tục tu dưỡng, tôi đã cảm thấy chán sống, thế rồi lại trấn tĩnh lại và cái gì đến sẽ đến, năm 1980 tôi được kết nạp vào đảng, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Tôi là người cũng chẳng có trình độ và tài cán gì nhưng được cấp trên quan tâm nâng đỡ nên vừa chuyển đảng chính thức tôi đã được bầu vào cấp ủy địa phương (cấp huyện), rồi năm 1983, được cử đi học trường đảng Nguyễn Ái Quốc hệ cao cấp tại Hà Nội đến năm 1986 ra trường. Trong thời gian học tôi được tiếp nhận những thông tin rất quan trọng, đó là: chủ nghĩa Mác Lê-nin là đỉnh cao của khoa học xã hội; xã hội loài người tất yếu phải đi lên cnxh và cncs; chủ nghĩa tư bản là thối nát, đang rãy chết, là đêm hôm trước của cnxh; muốn xây dựng cnxh và cncs thành công thì tất yếu phải có chính đảng cộng sản lãnh đạo, sự lãnh đạo của đảng là tuyệt đối; đảng không chia sẻ quyền lực, quyền lãnh đạo cho bất cứ ai vv và vv. Ra trường tôi như một con chiên ngoan đạo, tôi luôn tin vào đảng, tôi là một trong những người lớn tiếng khẳng định đường lối của đảng luôn đúng đắn, mặc dù trong thời điểm đó đất nước đang đứng bên bờ vực thẳm do những chính sách sai lầm của đảng gây ra và chắc vì thế tại đại hôi huyện đảng bộ năm 1986 tôi được bầu vào thường vụ huyện ủy, phụ trách công tác tổ chức của đảng bộ huyện.
Đại hội 6 của đảng mở ra đường hướng mới, đường hướng mở cửa, xóa bỏ tập trung quan liêu bao cấp, đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế… tôi cũng là người hăng hái tuyên truyền về các quan điểm của đảng theo đúng những gì đảng định hướng. Cũng vào thời điểm này tôi bắt đầu vấp phải những hiện thực khách quan, tức là những thực tế sinh động trong đời sống xã hội, nếu đem đối chiếu với các quan điểm của đảng thì tôi thấy nó không đúng với những gì mà đảng đã nhồi nhét cho tôi. Tôi bắt đầu hình thành lối tư duy mới theo phong trào đổi mới tư duy mà đảng đang hô hào và bắt đầu chú ý và tiếp nhận những thực tế đó để rồi tự mình đánh giá, phân tích, suy luận. Thật thú vị có những cái mà trước đây mình cho là việc cỏn con, không đáng quan tâm, bỏ ngoài tai thì bây giờ suy ngẫm lại, lại thấy nó rất có ý nghĩa. Lần theo lối tư duy này có những lúc tôi đã giật thót mình vì cảm thấy xấu hổ về những gì mà mình đã nói và làm, về những gì mà mình đã thao thao bất tuyệt để rồi đây mình sẽ ứng xử sao đây. Từ đó con người tôi đã có những chuyển biến căn bản trong hệ tư tưởng, từ một con người nói và làm theo định hướng sang con người biết tiếp nhận hiện thực xã hội để rồi có thái độ nghiêm túc đánh giá, xem xét nó theo nhiều giác độ khác nhau.
Tôi bắt đầu có thái độ nghiêm túc để xem xét các vấn đề xẩy ra ngay xung quanh mình, rồi đến những vấn đề ở nơi này, nơi khác. Những vấn đề rất tản mạn mà trước đây tôi không bao giờ để tâm tới.
Vào cuối những năm 70 và đầu những năm 80, quân đội cho giải ngũ, phục viên hàng loạt chiến sỹ, sỹ quan trở về địa phương do cuộc “kháng chiến chống Mỹ cứu nước” đã hoàn thành. Thời đó các cơ quan của đảng, nhà nước, đoàn thể ở các cấp ồ ạt tiếp nhận những bộ đội phục viên, xuất ngũ, tiêu chuẩn duy nhất được tuyển dụng là đảng viên vì thời đó đang thiếu cán bộ trầm trọng. Sau thời gian công tác, nhất là từ khi chuyển đổi cơ chế từ khép kín, bao cấp sang cơ chế mở, phần lớn đã không đáp ứng được cả về tiêu chuẩn cũng như về năng lực thực tiễn vì tuyệt đại đa số là những người chẳng được qua trường lớp nào, lớn lên họ phải cầm súng chiến đấu theo tiếng gọi thiêng liêng của đảng. Thế là hết đợt giảm biên này đến đợt giảm biên khác lần lượt họ phải về địa phương. Việc họ phải rời khỏi công sở thì chẳng ai phản ứng gì, ngay cả những người phải ra đi họ cũng thấy vui lòng vì tự mình thấy không đáp ứng được nhiệm vụ trong tình hình mới, cái đáng bàn là cuộc sống của họ như thế nào sau khi trở về địa phương? Nhà nước trả cho họ được khoảng 6 tháng lương, vẻn vẹn chỉ có vậy. Thật không may cho họ thời điểm đó các địa phương đã tiến hành xong việc giao khoán ruộng đất ổn định lâu dài cho các hộ gia đình. Tôi đã được chứng kiến cảnh hẫng hụt của nhiều người khi họ tâm sự, cảnh ngơ ngác tìm kế sinh nhai, đã không ít người đòi đảng, chính quyền cơ sở phải chia ruộng đất cho họ, và tất nhiên đảng, chính quyền không thể moi đâu ra ruộng đất để cho họ cày, cực chẳng đã, nhiều người đã trực tiếp đòi ruộng cha ông mà ngày trước họ đã góp vào hợp tác xã, không ít người đã tự ý đi cày ruộng cha ông của mình, thế là hình ảnh người chiến sỹ năm xưa cả nước trân trọng, mến mộ:
“Hoan hô anh giải phóng quân
kính chào anh con người đẹp nhất
lịch sử hôn anh, chàng trai chân đất
sống hiên ngang bất khuất trên đời”
Nay họ đã trở thành đối tượng của đảng, chính quyền địa phương, họ được quy là công thần, gây rối, chống lại đường lối của đảng, nhà nước, kết cục có người bị đuổi ra khỏi đảng, có người bị bị bắt lên xã, lên huyện tạm giam để xử lý vì đã ngang nhiên lấn chiếm đất đai của nhà nước đã giao cho người khác. Liên quan đến các chiến sỹ giải phóng quân, những con người đã từng làm nên “những chiến công hiển hách, giải phóng miền nam, thống nhất tổ quốc”, tôi chợt nhớ một sự kiện quan trọng trong đời tôi, vì nó một lần nữa khẳng định cách nhìn nhận khác thường của tôi về cuộc chiến tranh được gọi là “chống Mỹ, cứu nước”. Vào năm 1990, tôi được tham gia đoàn cấp ủy, chính quyền địa phương đi thăm viếng nghĩa trang Trường Sơn (vì địa phương tôi cũng có liệt sỹ được quy tụ tại nghĩa trang này), hồi đó nghĩa trang đang được tu bổ, mở rộng và nâng cấp, tôi thấy ghê rợn khi nhìn thấy máy ủi, ủi lên những khúc xương người, cả những đầu lâu bật lên, nước mắt tôi ứa ra vì biết rằng còn rất nhiều, rất nhiều những hài cốt còn nằm sâu trong lòng đất này, mà chắc chắn chẳng phải hài cốt người Mỹ hay bất cứ của người nước ngoài nào đến đây xâm lược nước ta mà còn nằm dưới lòng đất này mà chính là xương, thịt của người Việt Nam ta, trong phạm vi bài viết này tôi không phát biểu chính kiến của mình, nhưng tôi tin rằng lịch sử sẽ rất công bằng để phán xét về cuộc chiến này. Tôi nhớ rằng ngay lúc đó tôi nhớ câu nói của Hồ Chí Minh rằng (xin được nói đại ý): nước nhà thống nhất, độc lập, tự do, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội mà dân vẫn đói, nghèo thì thứ độc lập tự do ấy cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Bất cứ ai không để ý đến thì nó cũng đập vào mắt hình ảnh trong xã hội Việt Nam bắt đầu xuất hiện một tầng lớp “giai cấp” mới, tầng lớp này họ giàu lên một cách nhanh chóng, đó là tầng lớp đảng viên cộng sản có chức, có quyền. Tôi cũng nhận thấy càng ngày cán bộ có quyền chức họ khác cán bộ ngày xưa lắm, họ trở nên xa dân, trở nên hách dịch, quan liêu từ lúc nào không biết. Tôi nhớ có lần một lãnh đạo cấp tỉnh xuống cơ sở thăm và làm việc, đám trẻ con xúm vào ngắm nghía chiếc xe con của vị lãnh đạo địa phương, có vị thư ký gì đó ra bảo lái xe với giọng gay gắt: Cậu phải chú ý, không để cho bọn trẻ con nó đến gần xe, kẻo nó nghịch hỏng xe là chết đấy. Người lái xe vâng da liên hồi, xong rồi vẫn người cán bộ ấy, ông quay lại nói rất rõng rạc với đám trẻ con, ông nói: bọn nhóc chúng mày đi ra ngoài chơi, không được động vào xe ô tô nhé, đứa nào nghịch xe bố mẹ phải đền ốm, bán hết số trâu, bò của xã này còn chưa đền nổi chiếc xe này, chúng mày hiểu chưa. Bọn trẻ con trố mắt rồi lảng ra ngoài. Tôi chạnh lòng vì thấy ông cán bộ kia ăn nói xấc xược với dân, nhất lại là với trẻ em. Tôi quay ra tính ngay, ở cái xã miền núi này có gần 400 hộ, tổng đàn trâu, bò có 600, bình quân mỗi hộ có có 1, 5 con trâu hoặc bò, trong đó trâu, bò cày, kéo 400 con. (theo báo cáo của xã). Bình quân giá thời điểm đó bán được mỗi con 1 triệu, như vậy làm sao mua nổi chiếc xe của ông lãnh đạo tỉnh này, nghe nói giá chiếc xe này đến gần 1 tỷ đồng.
Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao những người có chức, có quyền, những người ở các ngành “nhạy cảm”mà dân vẫn gọi là ngành hái ra tiền, họ giàu lên như như diều gặp gió mà xã hội ta đương nhiên thừa nhận, cho rằng những người này không giàu mới là chuyện lạ.
Tôi cũng không hiểu có nhiều quy định mang tính đặc quyền, đặc lợi mà được ban hành tưởng chừng nó không bao giờ thực hiện được bởi vì nó quá vô lý, vô lý đến nực cười, nực cười đến chảy nước mắt., thí dụ: Họ quy định những lô đất khác nhau để cấp cho các đôi tượng khác nhau, như lô đất của thường vụ; lô đất của cán bộ cốt cán; lô đất của cán bộ công chức thường… sở dĩ phải phân ra như thế là vì mỗi lô có vị trí khác nhau và đi liền nó là giá trị của nó hoàn toàn khác nhau; phân ra như vậy cũng là để có chế độ khác nhau đó là thường vụ cấp ủy, thường trực hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân sẽ được cấp với diện tích rộng hơn… có điều là tuyệt đối không thấy có lô đất nào giành cho những đối tượng là thương binh, bá mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công với nước… mặc dù một số đối tượng này họ cũng có nhu cầu về đất ở còn gay gắt hơn cả những đối tượng mà cấp ủy đảng quy định, thậm chí đất của họ còn “được”nhà nước thu hồi để cấp cho cán bộ công chức.
Chuyện về ngày 27-7 ngày thương binh -liệt sỹ hàng năm. “,tôi biết chuyện này là chuyện rất nhỏ nhưng thôi đã trót thì trét luôn: uống nước nhớ nguồn”là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Đảng, nhà nước Việt Nam đã làm được khá nhiều việc để”đền ơn, đáp nghĩa”, điều đó không ai giám hoàn toàn phủ nhận. Câu cửa miệng “ngày giỗ thằng chết, ngày têt thằng sống”. Đúng vậy, tôi được đi dự rất nhiều ngày lễ “trọng đại “này, gọi là ngày”thương binh, liệt sỹ”nhưng tôi chẳng thấy thương binh, gia đình liệt sỹ đâu, chỉ thấy nhẵn mặt đại diện các ban ngành mà bất cứ hội nghị nào cũng có mặt, có chăng lúc nhiều nhất tôi đếm được 4 người thương binh và 3gia đình liệt sỹ trên tổng số hơn 6 chục người đại biểu và khi sếp mâm thì đến trên 8 chục người. Điều đáng nói là nhiều thôn, xã cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ chức huy động quyên góp quỹ “đền ơn, đáp nghĩa”chỉ đủ hoặc không đủ chi bữa cơm để tổ chức tọa đàm kỷ niệm ngày lễ thiêng liêng này. những đối tượng thương binh, gia đình liệt sỹ chỉ nhận được món qùa của nhà nước gửi đến, ngoài ra họ chẳng nhận được gì thêm. Hình ảnh một người có quyền chức khá cao, trong không khí vui mừng, thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”ông nói với giọng điệu giễu cợt, ông nói: theo tôi nên đề nghị đảng, nhà nước tách ra ngày thương binh riêng, ngày liệt sỹ riêng để anh em mình có dịp bù khú hơn, rồi ông cười khà khà chẳng cần giữ ý tứ gì với mọi người xung quanh. Mọi người đồng thanh tán thưởng, cùng nhau nâng chén hô to rô… rô.
Những chuyện tương tự trên không sao kể hết nổi, người ta thì cho rằng chuyện đời thường, nhưng đối với tôi nó tác động thật sâu sắc, từ những chuyện thường ngày xẩy ra xung quanh tôi, tôi bắt đầu tư duy đến những vấn đề lớn hơn, những vấn đề của đất nước, của dân tộc.
Cái thuyết “ông chủ và con chó săn”đã được đảng cộng sản Việt Nam áp dụng một cách triệt để. Thực tế trong cách mạng giải phóng dân tộc ta thấy hàng loạt các tổ chức ra đời, có những tổ chức đảng đứng ra thành lập, có những tổ chức được thành lập một cách tự phát, với tất cả khao khát giành độc lập-tự do cho tổ quốc. Nhạy cảm những điều đó, đảng cs đã tập hợp họ lại thành sức mạnh của dân tộc, thực hiện thành công mục tiêu cao cả đó. Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa gồm nhiều thành viên ở các đảng phái, tổ chức khác nhau và ngay sau đó nhiều thành viên đã phải tìm cách rút khỏi bởi sự xảo trá của đảng cộng sản. Năm 1988 đảng cs “hóa vàng”đảng dân chủ Việt Nam và đảng xã hội Việt Nam, trốc tận gốc cái mà không những đang làm lu mờ đến vai trò của đảng cs mà còn là tiềm ẩn làm lung lay vị trí độc tôn cai trị. Thở phào nhẹ nhõm vì đảng đã làm được tất cả những gì cần làm để củng cố vị trí thống trị đất nước vĩnh viễn. Đảng rất đỗi tự hào vì được “nhân dân” gọi “đảng ta”, nhưng đảng có hiểu vì nhân dân sợ lẫn với “đảng tây”. Đất nước chỉ có một đảng, dân tộc Việt Nam chỉ có một đảng, một đảng chi phối toàn bộ các hoạt động trong đời sống xa hội. Tôi lần mò để ý xem đảng đã đi vào lòng người đến đâu, đi vào cuộc sống thế nào.
Cứ 6 tháng một lần viết kiểm điểm (vào dịp 6 tháng đầu năm và cuối năm), khổ nhất là ngững người không có vi phạm khuyết điểm gì. Cố vắt óc nghĩ ra khuyết điểm gì đó để đưa vào bản kiểm điểm, không có không xong vì trong bản kiểm điểm bao giờ cũng có 2 phần, ưu điểm và khuyết điểm. Cực chẳng đã, tự nhận: “trong đấu tranh phê bình và tự phê bình con rụt rè”, cụm từ này hầu hết đảng viên naò cũng đưa vào và hết năm này sang năm khác vẫn phải sử dụng nó như một cẩm nang của mỗi đảng viên.
Mấy đảng viên đang ngồi viết cấp tốc bản kiểm điểm, một người nói bâng quơ gì đó tôi không nhớ nữa: đúng là trên đời chẳng có gì là tuyệt đối cả. Ông nhầm rồi, một người ngắt lời nói: ông thử viết vào bản kiểm điểm đảng viên của ông là tôi tương đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng xem, mọi người cười ồ lên, người kia gãi đầu gãi tai tôi chịu, tôi chịu. Thế là cái học thuyết tương đối đã không đúng với đường lối của đảng csvn.
Tôi rất chạnh lòng vì tôi là một trong những người được cấp ủy giao phó đi triển khai các nghị quyết của đảng, khi được nghe mấy anh, chị em trong cơ quan kháo nhau: sợ nhất là phải đi học tập chính trị, nghe chẳng vào tai gì cả, buồn ngủ lắm… mấy cháu học sinh, sinh viên thì tỏ thái độ gay gắt: cháu ghét nhất là môn chủ nghĩa mác-lê nin, bọn cháu phải học cái đó để làm gì?, lằng nhằng, viển vông làm sao ấy…
Chuyện vào đảng càng những năm gần đây càng lạ lẫm. Cấp trên giao cho cấp dưới như giao chỉ tiêu kế hoạch nhà nước, đơn vị nào không hoàn thành sẽ bị gạt ra khỏi danh hiệu “chi, đảng bộ trong sạch, vững mạnh”, chỉ tiêu ấy cuối cùng được đổ lên đầu chi bộ cơ sở đảng. Được gặp một số thanh niên ở nông thôn ra học các lớp tìm hiểu về đảng, lớp bồi dưỡng đảng viên mới kết nạp, nhiều người than phiền: tự nhiên thấy bảo em phải đi học cảm tình đảng, em biết gì đâu, bọn em vào đảng để làm gì?, làm quan chẳng đến mình… và thực tế nhiều đảng viên mới kết nạp do phải đi tìm kế sinh nhai ở nơi khác bỏ đảng luôn, gia đình khó khăn không tham gia sinh hoạt được bỏ đảng luôn. Điều lạ nữa là không ít đảng viên đi thoát ly gia đình nay trở về địa phương cũng bỏ luôn. Đặc biệt là nhiều sỹ quan quân đội khi phục viên, xuất ngũ, về hưu cũng bỏ luôn. Lãnh đạo đảng ở địa phương tức lắm, cho đây là xúc phạm đến thanh danh của đảng nhưng cứ phải “ngậm bò hòn làm ngọt”.
Một điều làm cho tôi tự nhiên thấy mất hết sự trân trọng của mình đối với đảng, đó là sự xu nịnh của khá nhiều những đảng viên có quyền chức. Câu chuyện xẩy ra khá lâu rồi mà tôi vẫn nhớ như in vì nó tác động sâu sắc đến tôi: một hôm được sinh hoạt ở một đảng bộ cơ quan khá lớn để tiến hành kiểm điểm đảng viên dịp cuối năm. Người đứng đầu cơ quan và là phó bí thư đảng ủy tiến hành kiểm điểm trước. Sau khi ông đọc kiểm điểm xong, bí thư đảng ủy và là phó thủ trưởng cơ quan chủ trì cuộc họp yêu cầu mọi người tham gia ý kiến góp ý với lãnh đạo. Không ai chịu phát biểu, làm cho chủ trì hội nghị phải chỉ định từng người phát biểu, rồi ông chủ trì phát biểu cuối cùng. Ông nói rất nhiều ưu điểm của vị lãnh đạo này. Về khuyết điểm ông nhấn rất mạnh rằng: tôi đã nhiều lần nhắc nhở, phê bình thẳng thắn nhiều lần mà thấy đồng chí không tiến triển gì, lần này (ông nói): với tinh thần nói thẳng, nói thật, dù phải mất lòng tôi cũng nói, tôi nói là vì sự nghiệp chung, vì sự sống còn của xí nghiệp này, vì cuộc sống của hàng trăm cán bộ, công nhân đang nằm trong tay, khối óc của đồng chí nên tôi phải nói để đồng chí sửa ngay. Mọi người nín thở để rồi ông nói gì, điều khủng khiếp gì sẽ giáng xuống đây. Ông tiếp tục với giọng vẫn gay gắt: khuyết điểm lớn nhất của đồng chí là không chịu giữ gìn sức khỏe của mình. mọi người cười ồ lên phá tan bầu không khí căng thẳng.
Năm 1985, thời đó, đảng đang tập trung xây dựng cấp huyện thành pháo đài, là đơn vị tự chủ cả về kinh tế-chính trị-quân sự. Tại trường đảng Nguyễn Ái Quốc Hà Nội, lúc đó có lớp học bồi dưỡng cho cán bộ chủ chốt cấp huyện, một hôm có lãnh đạo cao cấp của đảng và chính phủ đến thăm và nói chuyện. Tôi đang học ở đó và được đến nghe buổi nói chuyện hiếm có này. Người đến làTố Hữu, lúc đó là ủy viên bộ chính trị, phó chủ tịch thứ nhất hội đồng bộ trưởng, trưởng ban xây dựng và tăng cường cấp huyện của đảng, nhà nước. Hội trường chật ních chờ vị lãnh đạo này. Khi ông bước vào hội trường, tất cả đứng dậy vỗ tay nồng nhiệt chào đón đúng theo hướng dẫn của ban tổ chức. Ông chào mọi người và trịnh trọng tuyên bố với mọi người: trước tiên tôi thông báo với các đồng chí tin vui. Rồi ông ngừng nói, cả hội trường lặng như tờ để chờ đón tin vui. Lát sau ông tuyên bố: tôi xin thông báo tin vui với các đồng chí là: đồng chí tổng bí thư Lê Duẩn rất quan tâm đến vấn đề xây dựng và tăng cường cấp huyện. Cả hội trường cười ồ lên rồi như họp chợ, mọi người bàn tán nhau cho đến khi ban tổ chức nhắc trật tự. Hôm sau trên trang nhất báo nhân dân đăng tải nguyên văn lời thông báo của nhà lãnh đạo Tố Hữu. Lúc giải lao mọi người chen nhau chụp ảnh với lãnh tụ, còn tôi lẩn ra quán uống trà.
Lãnh đạo đảng quan trọng như vậy đấy, nhưng trong thực tế tôi cũng thấy nó khác, khác đến nỗi khó hiểu. Nếu là chức bí thư đảng ở câp huyên, cấp xã, phường thì không nói làm gì, nhưng tôi thấy cái chức bí thư chi, đảng bộ ở cơ quan, xí nghiệp thì đưa đẩy nhau làm, có thể đây là nhiệm vụ kiêm nhiệm, chẳng có lương lậu gì cả, nhiều người nói: chỉ tội rách việc. Vì vậy chức ấy thường là đẩy cho cấp phó thủ trưởng cơ quan làm, nhiều xí nghiệp phân công cho trưởng phòng hành chính đảm nhiệm. Cuộc họp đảng, thủ trưởng đơn vị đến dự chính là làm nhiệm vụ của người đảng viên, nhưng trong thực tế lúc nào cũng được giới thiệu như một cấp trên về dự. Các cuộc sinh hoạt đảng như vậy thường là muốn tổ chức bữa tươi, bí thư lúc nào cũng tranh thủ thủ trưởng cơ quan (chủ tài khoản), viện trợ cho chút ít. Phải chăng đó là lý do khiến nhiều người không muốn làm công tác đảng, mặc dù vẫn biết “đảng ta là đảng cầm quyền”.
Qúa trình vận hành theo cơ chế “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”đã gặp nhiều trắc trở giưa đảng lãnh đạo với chính quyền quản lý. Nhớ lại có lần lãnh đạo địa phương đi dự hội nghị của đơn vị quân đội cấp sư đoàn, trong giới thiệu đại biểu, ban tổ chức giới thiệu ông chủ tịch huyện trước, sau đó mới giới thiệu bí thư huyện ủy, mặc dù ông bí thư là tỉnh ủy viên. Mặt ông bí thư đỏ như gà chọi, hậm hực lắm. Trong bữa ăn, có người nhắc ông sư trưởng tế nhị rằng: ban tổ chức hôm nay có sơ xuất, ông sư trưởng nói thẳng thừng: trong quân đội tư lệnh là trên hết, chúng tôi chỉ biết ông chủ tịch ủy ban là to nhất vì ông quản lý, điều hành mọi công việc, tôi chỉ làm việc với ông chủ tịch các cấp chứ chưa bao giờ làm việc với bí thư đảng.
Có lẽ trong thực tế vai trò của đảng ngày càng bị lu mờ, nguy cơ này càng rất nguy hiểm khi nó được vận hành trong quân đội, công an và lực lượng vũ trang nói chung. Để cứu nguy vai trò của đảng ngày càng giảm thiểu trong đời sống xã hội, đảng đã có bước điều chỉnh quan trọng đó là: trong quân đội có chế độ chính ủy hoặc chính trị viên như trước đây, chức này ngang với chỉ huy trưởng để tăng cường vai trò lãnh đạo của đảng. Các lực lượng khác và các cơ quan, doanh nghiệp gắn thủ trưởng, giám đốc kiêm bí thư đảng luôn.
Hiện đảng đang tìm nhiều phương kế để củng cố, lấy lại uy lực của mình, nhưng quần chúng nhân dân luôn là người có cách nhìn nhận sáng suốt, khách quan và đúng đắn. Mọi trò ảo thuật đều phản tác dụng trong thời đại ngày nay.
(Còn tiếp)
© Vi Đức Hồi
© Đàn Chim Việt