WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Hôm nay đi bầu cử

Cuối cùng thì cái ngày tôi mong đợi cũng đã đến! Ngày 22-5-2011, cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 13 và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Câu này tôi thuộc lắm rồi, vì gần 2 tháng nay nghe thấy mọi lúc, nhìn thấy ở mọi nơi, không thuộc mới lạ!

Tôi sao lại mong đến ngày đi bầu cử? Tôi cũng ra ứng cử à? Ồ không, tôi chỉ là một người dân bình thường, không quan hệ gì với cơ cấu bộ máy chính quyền. Tôi là công dân tích cực và yêu nước? Đúng! Nhưng không phải biểu hiện bằng cái việc hăng hái hưởng ứng đi bầu cử như thế này, vì tôi thấy việc làm đó chẳng chứng tỏ được tình yêu nước thương đồng bào của tôi. Tôi mong đến ngày bầu cử chỉ vì thế này: nhà tôi ở ngay cạnh hai cái loa phát thanh của phường và của làng (hay còn gọi là cụm dân cư), mấy tháng nay bị hai cái loa tra tấn lỗ nhĩ mệt quá, mong sao bầu cử qua nhanh nhanh cho cái đài của nhà nước đỡ phải làm việc, vừa là tiết kiệm điện cho nhà nước, mà dân cư sống quanh mấy cái loa như nhà tôi cũng được nhờ!

Kể chuyện cái loa đài phường và loa của cụm dân cư, thì lại phải dài dòng một tí. Ngày xưa dưới thời phong kiến, mỗi khi trong làng có việc, người ta thường sai Mõ làng cầm cái mõ đi khắp các xóm vừa đi vừa gõ cốc cốc vừa rao việc để dân làng được biết. Thời kháng chiến nhưng vẫn chưa có điện và có loa, người ta thường trèo lên một cây cao trong làng bắc tay làm loa thông báo cho mọi người tin chiến sự. Ngày nay cái loa công cộng có mặt ở hầu hết các thôn làng, khu dân cư, từ nông thôn tới thành thị, vì đây là phương tiện truyền thông quan trọng của chính quyền địa phương truyền tải thông tin đến người dân. Ngay cạnh Hồ Gươm giữa thủ đô, người ta vẫn có thể nghe vang vang tiếng loa “Đây là Đài truyền thanh phường Hàng Đào…” Ở Hà Nội, mỗi phường có một đài truyền thanh với hàng chục cái loa mắc khắp các ngõ xóm, đảm bảo khu dân cư nào cũng nghe được tiếng đài phường. Nhà nào ở gần cái loa thì được nghe tiếng to, nhà nào ở cách xa thì nghe tiếng nhỏ.

Bình thường cái loa đài phường nhà tôi làm việc ngày 2 buổi, sáng từ 7 giờ, chiều từ 5 giờ, mỗi buổi phát thanh khoảng nửa tiếng, thứ 7 chủ nhật nghỉ. Sáng ra cứ nghe eo éo tiếng loa là biết đã 7 giờ, khỏi cần xem đồng hồ. Nhưng rủi hôm nào vào ngày nghỉ nhưng đài phường không nghỉ thì có muốn ngủ thêm tí nữa cũng chẳng được, vẫn đúng 7 giờ sáng là oang oang.

Những chiếc loa phường ngày đêm tra tấn người dân

Gần hai tháng nay để chuẩn bị bầu cử, đài phường làm việc rất tích cực, ngày nào cũng ra rả thông tin, hỏi đáp về bầu cử, lịch sử các kỳ bầu cử trước đây, lí lịch trích ngang của ứng cử viên đại biểu v.v, thời lượng phát thanh cũng nhiều hơn trước. Cái này thì tôi thông cảm thôi, tuyên truyền chủ trương chính sách của nhà nước mà, hơn nữa lại là sự kiện 5 năm mới có một lần. Nhưng thế vẫn chưa hết! Khoảng 8 giờ sáng, sau khi đài phường tắt rồi, đến lượt cái loa của cụm dân cư lại ông ổng.

 

Từ trước ngày bầu cử cả gần 2 tháng, ở mỗi cụm dân cư người ta đặt một điểm bầu cử, ở đó niêm yết danh sách cử tri và danh sách những người ứng cử cho nhân dân được biết. Trong suốt thời gian đó, một cái loa đặt ở điểm bầu cử luôn làm việc mỗi khi có người ngồi trực ở đó. Cái loa nói gì? Nó chẳng cần nói gì cả, vì bao nhiêu chủ trương chính sách cần tuyên truyền đài phường đã làm hết cả rồi, thậm chí còn nhắc đi nhắc lại đến nhàm chán. Cái loa của cụm dân cư ở điểm bầu cử chỉ cần phát bài hát, ngày nào cũng hát. “Bạn đời ơi, hãy tin hãy yêu và hát cùng chúng tôi, những người thợ xây đi xây cuộc đời mới…” Nghe mới lãng mạn làm sao! Nó gợi cho tôi nhớ lại những năm 70, 80 của thế kỷ trước, những bài hát gắn với tuổi thơ ngây thơ của tôi. Nhưng giờ mấy cái anh thợ xây này thì tôi biết rồi, không tin và cũng không yêu nổi đâu, chẳng biết thợ xây hay thợ phá?

Thế mà suốt 2 tháng qua, ngày nào cái loa cụm cũng hát mấy bài này, chỉ có một cái đĩa với những bài hát về chiến tranh và ca ngợi cuộc sống mới, nghe đi nghe lại tôi đã thuộc lòng, nhiều hôm lên giường đi ngủ mà trong đầu vẫn ong ong “Năm anh em trên một chiếc xe tăng…” Cái này tôi thấy còn “ác” hơn cả đài phường. Đài phường buổi sáng phát thanh chỉ đến 8 giờ là thôi, còn cái loa của điểm bầu cử cụm mở suốt từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa, từ 1 rưỡi trưa đến 4 rưỡi chiều, mẫn cán như người ta đi làm công sở. Ghét nữa là tiếng loa nghe rất chói tai, cộng thêm cái đĩa hát chắc bật đi bật lại nhiều nên rất hay bị vấp, thế mà người ta cứ bật tiếng thật to, để thu hút người dân tới điểm bầu cử? Nhưng tôi có thấy người dân nào bén mảng tới đâu, ngoài mấy vị làm công cán ở đó? Thế có phí điện của nhà nước không cơ chứ?

Nhưng mà cuối cùng thì ngày hôm nay mọi việc cũng sẽ chấm dứt! Tự nhiên tôi cũng thấy “náo nức”, đúng như từ ngữ ti vi đài báo vẫn hay dùng. Từ 6 rưỡi sáng đã nghe thấy tiếng nhạc rộn rã, sau nghi thức khai mạc là phần các cử tri đi bỏ phiếu. Cả làng tôi có hơn 4 ngàn cử tri nhưng mới hơn 8 giờ sáng đã thấy quá nửa số cử tri trong danh sách đi thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân của mình! Thường thì mỗi gia đình chỉ có một người đi bỏ phiếu hộ cả nhà, thế mới nhanh được. 8 giờ 30 nhà tôi vẫn chưa ai đi bỏ phiếu, ông tổ trưởng tổ dân phố vào nhắc. Tôi cầm tập phiếu của gia đình mình ra điểm bỏ phiếu.

Tại điểm bầu cử cờ treo rợp trời, ngõ xóm sạch sẽ chứ không bừa bãi rác như ngày thường, mấy bà mấy cô trong ban tổ chức phấp phới áo dài, không khí vui như hội. Tôi cũng cảm thấy vui theo. Cầm tập lá phiếu với 4 loại 4 màu, tổng cộng 20 chiếc, nhìn những cái tên xa lạ in trên lá phiếu, tôi bỗng phân vân, gạch thế nào đây? Lí lịch trích ngang của các ứng cử viên gia đình nhà tôi cũng đã được phát một bộ từ cách đây 1 tuần, thế nhưng đọc dăm ba dòng thông tin đó chẳng đủ cho tôi tin tưởng ai mà bầu cho họ được. Duy nhất có 2 người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân phường tôi có láng máng biết. Có 1 chị là họ hàng trong họ nhà tôi, trình độ học vấn chỉ là học hết phổ thông, một thời gian ở nhà làm thợ may, thế nhưng đã làm đến chức phó chủ tịch hội đồng nhân dân phường. Có 1 bà là giáo viên, trình độ học vấn đại học, nhưng bà già quá, hơn 60 tuổi rồi, hàng ngày vẫn hay thấy tập thể dục dưỡng sinh trước cửa nhà tôi, mà cũng chẳng thấy bà hoạt động cộng đồng gì. Vậy làm thế nào để “sáng suốt lựa chọn đây”? Tôi băn khoăn nhìn sang bên cạnh, có hai thanh niên cũng đang chăm chú “nghiên cứu” danh sách đại biểu như tôi, trông họ cũng có vẻ bối rối. Thế mới biết muốn có trách nhiệm với đất nước và thực hiện nghiêm túc trách nhiệm đó cũng đâu có dễ? Thấy tôi đứng khá lâu mà chưa gạch tên ai, một chú vừa gạch xoèn xoẹt trên tập phiếu của nhà mình vừa nói “Cứ gạch đại đi, không ảnh hưởng gì đến ai đâu”. Hai vợ chồng anh hàng xóm đang đứng cạnh để đợi mượn cái bút cũng phụ họa, “chưa bầu đã trúng rồi, hôm trước cả vợ chồng con cái đi khao ở hàng bia 19 kia kìa”. Tôi chợt nảy ra một ý nghĩ, danh sách đại biểu có 5 người, gạch tên 2 người, lấy 3, tôi đang cầm 5 tập phiếu trong tay, mỗi tờ phiếu tôi lần lượt gạch tên 2 người, hết 1 vòng 5 tờ phiếu, ai cũng bị gạch tên 2 lần, vậy là cân bằng! Phiếu của tôi vẫn hợp lệ, mà cũng không lo nhỡ bầu nhầm người không nằm trong “cơ cấu”, thực hiện xong nghĩa vụ công dân mà cũng không sợ trái với chủ trương của nhà nước!

Bỏ phiếu xong tôi bỗng thấy buồn cười, mình có thừa hơi quá không nhỉ khi mà phải nghĩ đến cái cách gạch tên vòng tròn? Cả làng tôi có mấy người nghĩ như tôi hay là ai cũng “cứ gạch đại đi”, vì có mấy ai biết các vị đại biểu đó như thế nào đâu? Không lẽ vận mệnh đất nước lại được tùy tiện giao vào tay những người dân như thế??

10 giờ sáng, 100% số thẻ cử tri của cụm tôi đã được đóng dấu bầu cử. Ông cụm trưởng hoan hỉ chỉ đạo mọi người thu dọn cờ quạt, cái loa của cụm cũng được thu vào cất đi. Cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp! Chẳng riêng gì ông cụm trưởng, bầu cử xong rồi tôi cũng mừng quá!

Hồi còn bao cấp, ở làng tôi chả mấy nhà có nhà vệ sinh riêng, cả làng đi vệ sinh ở nhà xí công cộng. Mỗi lần đi sang nhà xí người ta lại nói là “đi bỏ phiếu”. Mà chẳng riêng làng tôi có cách nói đùa đó, tôi về quê thấy người ta cũng nói thế. Bây giờ văn minh hiện đại hơn rồi, nhà xí công cộng của làng tôi không còn dùng đến nữa, người ta sắp phá bỏ nó để lấy đất dùng vào việc khác, khái niệm “đi bỏ phiếu” đã được hiểu đúng với nghĩa của nó là “đi bầu cử”. Thế là có đổi mới rồi.

Bầu cử năm nay còn có thêm một sự đổi mới: đây là lần đầu tiên nhà nước tổ chức bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp vào cùng một ngày, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và tiền của của nhân dân. Cũng đã thấy nhiều đại biểu tự ứng cử xuất hiện trên báo chí nói về hành động của mình, tuy vẫn còn rất ít nhưng cũng là có. Tiếc là ở chỗ tôi ở chưa thấy có vị đại biểu tự ứng cử nào, khi ứng cử viên đại biểu hội đồng nhân dân phường tiếp xúc cử tri cũng chỉ có những người được lựa chọn đi họp, nên dân làng phần lớn vẫn “mù mờ” về đại biểu.

Giá thử việc ra tranh cử đại biểu hội đồng nhân dân và đại biểu quốc hội cởi mở hơn nữa, người dân được tiếp xúc với nhiều thông tin hơn nữa, thì việc dân bầu được đại biểu xứng đáng của mình là hoàn toàn có thể. Có như vậy thì người dân sẽ tin tưởng ở chính quyền hơn. Mà việc dân không còn tin chính quyền, nguyên nhân sâu xa cũng là do chính quyền không tin dân đấy chứ. Không tin nên mới làm hộ luôn tất cả. Nhưng chính quyền không dựa vào dân, liệu chính quyền có vững?

Tôi mong sẽ đến một ngày, việc bầu cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân sẽ thực sự dân chủ, khi đó người dân được biết rõ mình đang bầu cho người như thế nào, và lá phiếu bầu của cử tri sẽ thực sự có giá trị. Chứ đừng để khi người dân đã sáng suốt rồi, nhưng họ vẫn chưa được quyền lựa chọn, thì họ sẽ lựa chọn con đường phá bỏ đấy!

Hoàng Lan

© Đàn Chim Việt

1 Phản hồi cho “Hôm nay đi bầu cử”

  1. Nhân dân says:

    Nhà ông sao gần nhiều loa thế , vừa của phường vừa của làng là sao , hay là nhà ông nằm giáp ranh giữa thành phố và nông thôn , vừa đọc vài dòng đã thấy rõ ông bịa chuyện !!

Phản hồi