Vết thương ngày 30 tháng 4
Trong bóng tối ruỗng im quái gở
Lúc dứt lặng trận chiến man rợ
Hắn rũ bỏ ký ức, và đi.
(Thanh Tâm Tuyền)
Tôi biết X từ đầu thập niên 1960 tại trường Chu Văn An. X nổi tiếng học giỏi. Sau đó X đi du học Mỹ, tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng, rồi về nước dạy đại học và làm tổng giám đốc một công ty, cưới vợ đẹp, thông minh và thuộc gia đình lớn. Nói chung là một cuộc đời hoàn toàn thành công. Không bằng X nhưng tôi cũng khá may mắn. Ngày 30 tháng 4, 1975 đã ập tới, đánh một dấu chấm hết tàn bạo lên sự nghiệp của chúng tôi và kéo chúng tôi xuống vực thẳm.
Khi tôi đi cải tạo về, tôi lại gặp X, được trả tự do cách đó ít lâu. Chúng tôi làm cùng một cơ quan và ngồi cùng một phòng. Trong hơn một năm liền, hai đứa cả ngày gặp nhau và tâm sự. Chúng tôi theo đuổi cùng một dự định là vượt biên, nhưng còn chia sẻ với nhau một dự định khác to lớn hơn nhiều là thay đổi dòng lịch sử. Quyết tâm của chúng tôi là ra đi để tìm đường cứu nước chứ không phải để mưu tìm cuộc sống tiện nghi cá nhân.
Thời thế tạo anh hùng, một thư sinh như X mà hoàn cảnh đẩy đưa tới những thành tích khó tưởng tượng. Có lần trong hai ngày X bị bắt ba lần và đều vượt ngục được. Lần áp chót, X tổ chức đánh cướp một chiếc tàu nhà nước nhưng thất bại, bị bắt và trèo tường vượt ngục ngay tại Sài Gòn. Tôi phải giúp X lẩn trốn và tìm đường cho X vượt biên thoát vòng truy nã của công an. Ðang loay hoay thì X cho hay đã tìm được một chuyến đi. Và lần này X đi lọt. Tôi nhận được thư báo tin mừng khoảng một hai tuần sau đó. Ðó là cuối năm 1980.
Tôi kể câu chuyện này dài dòng như vậy chỉ để nói lên một điều: chúng tôi rất gắn bó với nhau và những kỷ niệm của chúng tôi chỉ có thể là sống để bụng chết mang theo.
Hai năm sau tôi cũng ra được nước ngoài và không hề nghe ai nhắc đến X. Tôi vốn đã ngạc nhiên ngay từ khi còn ở Việt Nam vì thấy X bặt tăm luôn. Tôi xin được địa chỉ của X nhưng không liên lạc, chờ tìm hiểu xem tại sao có sự bỏ cuộc đó. Tôi đánh mất địa chỉ X mấy lần, xin lại được, rồi lại để đó. Cho tới gần đây tôi quyết định gọi điện thoại cho X. Ðiều tôi không thể ngờ là X hoàn toàn quên tôi, kể cả tên! Tôi cố nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa, X chỉ còn nhớ mang máng. Tôi biết X không nói dối, hắn quên thực, hắn cố nhớ mà không được. Nhưng X không hề mất trí, hắn đang giữ một chức vụ quan trọng, lương cao, trong một công ty kỹ thuật hiện đại. Hắn chọn ở một thành phố không có người Việt và không tìm gặp một người Việt nào. Chắc chắn đã phải có một chấn động ghê gớm, kinh khủng đến nỗi X quyết định quên hết, kể cả tổ quốc Việt Nam mà trước khi ra đi hắn coi như là một lý tưởng để phục vụ. Ðiều cũng chắc chắn là chấn động kinh khủng đó đã không, hay ít nhất không hoàn toàn, xảy ra trong lúc vượt biên, bằng cớ là khi đến nơi X vẫn còn viết thư về cho tôi. Phải hiểu rằng chính khi đã bình tĩnh ngồi ôn lại đời mình, X đã thấy tất cả đều vô nghĩa và lấy quyết định xóa bỏ quá khứ.
Ê chề như nhau
Ngày 30 tháng 4, 1975 đã không đến trong niềm vui thống nhất đất nước, hòa giải và hòa hợp dân tộc mà mọi người mong ước. Sau ngày 30 tháng 4, 1975, tôi đã nói với các cộng sự viên của mình là một trang sử vừa lật qua, có những lúc phải chống nhau nhưng cũng có những lúc phải cố gắng để bắt tay nhau xây dựng đất nước. Tôi chấp nhận thất bại và bằng lòng trả giá cho sự thất bại đó bằng cách từ đây không đòi hỏi bất cứ một vinh dự nào. Tôi chỉ còn một tham vọng làm được một vài điều lợi ích cho đất nước trong vai trò của một chuyên viên. Nhưng chỉ vài ngày sau tôi hiểu là ngay cả cái ao ước rất tầm thường đó cũng không thực hiện được. Những loa phóng thanh đặt khắp đường phố suốt ngày phát ra những bài vừa đắc thắng vừa miệt thị. Mọi chức vụ tại các công sở, nhà thương, trường học đều bị xóa bỏ, mọi thâm niên công vụ, hưu bổng, trợ cấp phế tật cũng đều bị xóa bỏ. Các xí nghiệp tư cũng được “tiếp thu.” Thanh thiếu niên diện ‘”ngụy quân ngụy quyền” bị đuổi khỏi trường học. Các đường phố, trường học mang tên những danh nhân miền Nam được đổi thành những đường mang tên liệt sĩ cộng sản, có khi chỉ là những tay khủng bố rất tầm thường. Sài Gòn cũng mất tên. Người chết cũng không yên, tượng tử sĩ ở nghĩa trang quân đội cũng bị giật sập. Khoai mì từ đây phải gọi là sắn, bắp là ngô, heo là lợn, nhà bảo sanh là nhà đẻ, hay xưởng đẻ. Người miền Nam mất tài sản, địa vị và vai trò. Miền Nam mất ngôn ngữ, mất tên và mất cả căn cước. Ðây không phải là một cuộc thống nhất, mà là một cuộc chiếm đóng. Hòa giải và hòa hợp dân tộc được hiểu một cách giản dị là tha chết cho kẻ chiến bại.
Cho tới nay vẫn còn một số rất đông người cho là đảng cộng sản không hiểu gì về tổ chức của xã hội miền Nam khi bắt các sĩ quan biệt phái đi học tập cải tạo trong khi trên thực tế họ đã giải ngũ và chỉ là những người dân sự mà thôi. Làm sao đảng cộng sản lại không hiểu? Họ hiểu, và họ hiểu rất rõ tổ chức của miền Nam. Nhưng chính sách tập trung cải tạo nhắm một mục đích khác: đánh gục vĩnh viễn miền Nam. Những sĩ quan biệt phái không bị bắt giam vì đã bị coi lầm là sĩ quan hiện dịch, họ bị tập trung cải tạo vì họ đã được huấn luyện quân sự và có khả năng chỉ huy một đơn vị quân đội. Bắt giam họ là để tiêu diệt mọi tiềm năng chống đối. Cũng không phải chỉ có họ, tất cả viên chức từ cấp phó giám đốc trở lên, rồi đến các doanh nhân có một chút tầm vóc và các văn nghệ sĩ, nói chung là tất cả những ai có thể có một vai trò lãnh đạo trực tiếp hay gián tiếp, dù là chính trị, quân sự, kinh tế hay văn hóa. Mục đích của chính sách cải tạo là để tiêu diệt đại bộ phận thành phần tinh nhuệ và trí tuệ của miền Nam. Không tàn sát, nhưng đập tan ý chí bằng cách đày đọa, và nhất là làm nhục.
Kế hoạch này không thể không thành công. Những năm dài tù tội đói khổ, sự thèm thuồng cục đường, trái chuối, củ khoai, miếng cơm cháy, và việc cất giấu đồ thăm nuôi, trùm chăn ăn lẻ làm con người mất sự tự trọng, hay ít nhất sự kính trọng lẫn nhau. Những đêm trằn trọc thương con, xót vợ. Những buổi “làm việc” ê chề với những câu hỏi khiêu khích (ăn hối lộ bao nhiêu? Hiếp dâm bao nhiêu lần? Bắt bao nhiêu con gà? v.v…), kèm theo những lời quát tháo, lăng mạ. Những bản tự khai phải viết đi viết lại nhiều lần vì không thành thật khai báo, không đủ ăn năn hối cải. Những bài giảng chính trị của các cán bộ giảng dạy ngớ ngẩn, hách dịch và đắc chí. Một người bình thường không thể chống cự được quá một năm mà không thành phế nhân về một khía cạnh nào đó, trong khi thời gian giam cầm trung bình của một sĩ quan, công chức, doanh nhân hay trí thức lại không phải là một năm, mà là năm năm.
Nhưng cái nhục lớn nhất không phải ở trong trại tù mà ở ngoài xã hội. Phải thụ động chứng kiến cả một công trình đập phá đất nước và đập phá chính đời mình. Phải nhìn sự ngu dốt và xảo trá ngự trị trên chính quyền, và còn phải hoan hô!
Một lần tôi đi công tác với một cán bộ đảng ủy đến làm việc với một xí nghiệp “công tư hợp doanh.” Nói là công tư hợp doanh nhưng thực ra đó là xí nghiệp của một tư nhân lập ra, sau này được nhà nước “cho hợp doanh” bằng cách cướp trắng xí nghiệp, giáng ông giám đốc chủ nhân xuống làm phó giám đốc và cử một đảng viên hoàn toàn không biết gì về nghề nghiệp cũng như về quản trị xí nghiệp làm giám đốc. Xí nghiệp lúc đó còn hoạt động cầm chừng. Anh đảng ủy, một người rất chất phác và dễ mến, nói “bây giờ còn làm việc được, nhưng vài tháng nữa sẽ phải đi vào nền nếp và lúc đó là hết sản xuất.” Anh ta nói một cách rất thản nhiên và thành thực. Hình như anh ta thấy việc phá hoại một xí nghiệp là bình thường, cũng như việc nhà nước cướp trắng một cơ nghiệp của một người dựng ra bằng mồ hôi nước mắt. Tôi liếc nhìn ông phó giám đốc cựu chủ nhân và gặp mắt ông ta cũng nhìn tôi. Tôi chắc ông ấy muốn hét lên, văng tục, đập phá nhưng vẫn phải làm ra vẻ tán thành. Người miền Nam đã mất tất cả, mất nước trên chính quê hương mình, không có cả quyền khóc và không có cả quyền buồn.
Không phải chỉ đập phá vì ngu dốt mà còn vì nhẫn tâm. Ông Võ Văn Kiệt khi làm bí thư thành ủy Sài Gòn đã lấy quyết định “giải tỏa” nghĩa trang Mạc Ðỉnh Chi. Hàng đêm ông cho bọn côn đồ vào đập phá mồ mả để cho người ta đau xót mà phải tự động dời mộ thân nhân đi. Tôi vào giúp người bạn cải táng mộ mẹ anh và chứng kiến hàng ngàn ngôi mộ bị đập phá tan tành, mỗi ngôi mộ thường là của cả gia đình với hàng chục hài cốt, có những người qua đời đã trên trăm năm. Rất nhiều gia đình đang di tản hài cốt thân nhân. Nhiều phụ nữ khóc sụt sùi, nhưng nói chung mọi người đều im lặng. Ánh mắt nào cũng đầy một hận thù ghê gớm. Không ai chửi mặc dầu không có công an ở đấy, mà dù có cũng không sao vì trong hoàn cảnh ấy ai cũng thông cảm. Nhưng người ta không chửi vì hình như sợ nếu chửi sẽ bớt căm thù. Mục đích của ông Kiệt chỉ là để chiếm một khu đất rộng xấp xỉ một hecta.
Chỉ có một số ít người có phương tiện để vượt biên. Nhưng vượt biên có thể là một tủi nhục còn lớn hơn. Một người, dù mệt mỏi và say sóng đến đâu, nhưng nếu đã phải chứng kiến một phụ nữ, có khi là chính vợ con mình, bị hải tặc hãm hiếp mà không thể can thiệp sẽ không thể giữ được trọn vẹn lòng tự hào trong phần còn lại của đời mình. Sau đó là cuộc sống rẻ rúng trên các trại tị nạn, những buổi xếp hàng ghi danh xin trợ cấp xã hội, cuộc sống buồn tẻ lầm lũi với những công việc không tương xứng tại xã hội tiếp cư.
Không phải ai cũng có điều kiện để quên hết như anh bạn X của tôi. Phần đông cũng rất muốn quên mà không được. Họ vẫn phải sống trong những khu đông người Việt, vẫn phải nghe tới và nói tới Việt Nam. Họ vật vã để quên một cách khác. Họ coi những khu đông người Việt như những vùng đất Việt Nam còn giữ được, có vai trò thay thế cho đất nước Việt Nam mà họ đã rời bỏ. Tôi hiểu sự phẫn nộ của những người xuống đường biểu tình trong vụ Trần Văn Trường tháng 2 vừa rồi tại Bolsa. Sự tức giận của họ có thể tóm tắt như thế này: “Ta đã bỏ cho nó cả nước Việt Nam, ta đã mất tất cả, mà nó cũng không để ta yên.” Nếu không thì không thể giải thích được tại sao các cuộc mít-tinh biểu tình vì tự do, dân chủ và nhân quyền đã chỉ thưa thớt vài trăm người trong khi một tên khùng lại có thể làm cả chục ngàn người xuống đường.
Các bạn tôi ở Mỹ cố gắng giải thích rằng Trần Văn Trường chỉ là ngòi nổ, người Việt Nam ở Cali đã xuống đường vì một cái gì đó sâu sắc hơn. Nhưng họ không giải thích được rõ rệt cái sâu sắc hơn đó là cái gì. Lý do sâu xa đó có lẽ một cựu sĩ quan ở Paris đã diễn tả đúng. Anh nói “nếu tôi ở Cali, tôi cũng đi biểu tình vì vụ này nó nhắc lại cho tôi một quá khứ mà tôi không muốn nhớ lại nữa.” Người ta phẫn nộ vì chính mình đã phải treo cờ cộng sản và ảnh Hồ Chí Minh trong một thời gian dài; trong lòng nguyền rủa mà bề ngoài vẫn phải ra vẻ tự nguyện. Ðó đã là một cuộc cưỡng hiếp hàng ngày.
Các bạn bên Mỹ báo tin: các cuộc biểu tình bây giờ đã thay đổi định hướng, đã vượt lên khỏi cờ và ảnh để trở thành những cuộc biểu tình thắp nến vì dân chủ và nhân quyền, với sự nhập cuộc của tuổi trẻ. Tôi phân vân. Có thể đẹp như vậy được sao? Nhưng sau đó thì cuộc “đấu tranh” cũng mất dần khí thế. Ðộng cơ của nó chỉ là sự tức tối, khi gạt bỏ sự tức tối nó cũng mất sức mạnh. Thực chất đó vẫn chỉ là những cuộc biểu tình chống treo cờ cộng sản và ảnh Hồ Chí Minh ở một khu được hoang tưởng hóa thành phần đất bất khả xâm phạm của những người nghĩ rằng mình đã mất tất cả. Khu đất đó cho tới nay có vai trò là để giúp người ta khỏi phải bận tâm với đất nước Việt Nam đã bỏ lại đằng sau như một kỷ niệm đen tối.
Ðối với những người còn lại trong nước, đất nước lại càng nhức nhối hơn. Nó là một sự bất lực hàng ngày, một sự khiêu khích và thách đố thường trực, trong khi không nhìn thấy một hy vọng nào. Lại càng phải cố gắng để quên đi bằng cách tập trung mọi ưu tư vào việc mưu sinh vốn đã khó khăn, để yên phận tù đày. Như câu thơ đầu bài của Thanh Tâm Tuyền, người Việt Nam rũ bỏ ký ức và ra đi. Ði ra nước ngoài, nhưng cũng có thể “đi” ngay trên đất nước. Vẫn ở đấy mà vắng mặt.
Ngày 30 tháng 4, 1975 không phải chỉ là một tủi hận cho người miền Nam. Ðối với người miền Bắc, đặc biệt là đối với những người đã đóng góp cho guồng máy cộng sản, sự tủi hận có lẽ còn lớn hơn. Họ không chịu đựng từ 1975, mà từ hai mươi năm về trước. Họ đã phải im lặng trong đợt cải cách ruộng đất, đã phải chà đạp lên chính lương tâm mình để đánh hôi nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm, nhóm Xét Lại Chống Ðảng. Họ không những chỉ là những nạn nhân chịu đau mà không dám than khóc, họ còn bị bắt buộc phải làm đồng lõa cho cái tồi bại. Khi một đứa con bị bắt buộc phải chỉ vào mặt mẹ mà quát, “Con này, mày có biết tao là ai không?” thì không phải chỉ có đứa con và người mẹ là khốn khổ, không phải chỉ có chế độ là đểu cáng, mà cả dân tộc cũng bị làm nhục. Và nhục nhã nhất là chính những người phải tiếp tay cho guồng máy ghê tởm đó. Nhân cách và sự tự trọng không thể sống sót, người ta sau đó không còn cả lòng tự hào để nghĩ đến chống lại nữa. Những tiếng gào thét “chống Mỹ cứu nước,” “giải phóng miền Nam” chỉ có thể là thành thực với một số nhỏ, đối với đa số nó chỉ là sự phục tùng trước bạo lực, đối với những người có ý thức nó chỉ là cuộc chạy trốn chính lương tâm mình. Ðối với đa số người miền Bắc, đặc biệt là đối với trí thức, ngày 30 tháng 4, 1975 đã là một hy vọng lớn. Biết đâu sau khi nhu cầu chiến tranh không còn nữa, đất nước đã thống nhất, đảng lại không thay đổi, lại không có tự do hạnh phúc thực sự, hòa giải dân tộc thực sự, đất nước lại chẳng khởi hành vào một kỷ nguyên mới? Thất vọng lại càng lớn, sự tủi nhục lại càng lớn, vì mình không phải chỉ là nạn nhân mà còn là đồng lõa của sự gian ác, một sự đồng lõa cực kỳ vô duyên vì nó chẳng hề đem lại một lợi ích cá nhân nào. Kết quả của chiến thắng 30 tháng 4, 1975 đối với đại đa số đảng viên kỳ cựu chỉ là thiếu tá vá xe, đại tá bán chè.
Rồi hơn hai mươi năm xã hội chủ nghĩa. Hai mươi năm nội chiến từng ngày nhường chỗ cho hai mươi bốn năm cưỡng hiếp từng ngày. Mọi người đều mất và mất hết, ê chề như nhau. Sự thất vọng và chán chường, không phải của riêng miền Nam và những người chống cộng mà của mọi người trên cả nước, đã quá to lớn và dai dẳng. Nó đã biến thành sự chán chường đối với chính đất nước. Ðại đa số người Việt không còn muốn nghĩ tới đất nước nữa.
Tại sao?
Tại sao người ta có thể có những liều lĩnh ghê gớm như bán nhà lấy tiền đem vợ con vượt biên trên những con thuyền mong manh, làm mồi cho công an, hải tặc và sóng gió mà lại không dám đứng lên tranh đấu đổi đời?
Tại sao các chế độ độc tài trên thế giới, kể cả những chế độ độc tài đã khá thành công về mặt kinh tế và dân sinh, theo nhau sụp đổ trong khi chế độ cộng sản Việt Nam vẫn không gặp chống đối nào đáng kể, dù nó đã thất bại trong mọi địa hạt và trên mọi phương diện?
Có phải tại chế độ quá mạnh đến nỗi người ta không thể tưởng tượng có thể chống đối lại nó hay không? Chắc chắn là không. Ai cũng biết nó phân hóa, tham nhũng, mất phẩm chất, chao đảo, mâu thuẫn nội bộ. Chính ban lãnh đạo đảng cộng sản cũng không chối cãi. Có phải nó quá hung bạo đến nỗi làm người ta khiếp sợ không? Cũng không nốt. Trong ba năm qua, kể từ 1996, chế độ cộng sản đã chỉ bắt giam một trí thức đối lập là Nguyễn Thanh Giang và đã chỉ quản chế ba người là Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự. Họ cũng đã chỉ khai trừ một mình Trần Ðộ và cắt điện thoại của khoảng mười người. Theo tiêu chuẩn quốc tế hiện nay, chế độ cộng sản Việt Nam không nằm trong danh sách những chế độ vi phạm nhân quyền hung bạo nhất.
Vấn đề là người Việt Nam không tranh đấu chứ không phải là không thể tranh đấu.
Và tại sao lại không tranh đấu? Ðó là vì dân tộc ta đã rã hàng, mỗi người tự thấy mình cô đơn, có muốn cũng chẳng làm được gì. Ðó cũng là vì đã quá chán đất nước, đã mệt mỏi, đã mất ý chí và lòng tự hào.
Ðảng cộng sản không phải chỉ đánh gục phe quốc gia, hay miền Nam. Họ đã đánh gục được cả dân tộc Việt Nam. Chúng ta đã bị đả thương quá đau nên không thể đứng dậy.
Hai nhận định giải thoát
Dân tộc nào cũng trải qua những giai đoạn tan nát mà chỉ có một trấn tĩnh tinh thần mới cho phép nhìn ra lối thoát. Chúng ta cần trước hết là một sự hiểu biết về chính mình. Ít nhất chúng ta cần hai suy tư.
Suy tư thứ nhất là dân tộc ta không hèn mà chỉ là một dân tộc bị đả thương quá nặng. Chúng ta tự giam hãm trong mặc cảm hèn nhát và bất lực, đến nỗi mất lòng tin và ý chí, vì chúng ta không nhìn rõ gánh nặng lịch sử đè lên mình.
Từ đầu thế kỷ 16 chúng ta đã tiếp xúc với phương Tây, sự tiếp xúc đó là một khúc quanh đặc biệt quan trọng. Người phương Tây đem đến cùng với hàng hóa và kỹ thuật cả một văn hóa mới. Ðặc biệt các giáo sĩ đem đến một nhân sinh quan và một vũ trụ quan mới. Cuộc va chạm này đã tác động rất mạnh lên xã hội Việt Nam. Khổng Giáo, nền tảng của chế độ quân chủ tuyệt đối, không còn giữ được vai trò độc tôn nữa, nó đã bị lung lay. Chế độ quân chủ chao đảo trong nền tảng, mất dần sự chính đáng, suy yếu đi, kéo theo loạn lạc, đói kém. Xã hội Việt Nam tan rã và sụp đổ. Trong khoảng trống toàn diện đó, một lực lượng bạo loạn – anh em Tây Sơn – đã nắm được chính quyền bằng bạo lực và cai trị bằng bạo lực, để rồi cũng bị tiêu diệt bằng bạo lực. Nhà Nguyễn làm chủ đất nước, không ý thức được sự thay đổi văn hóa xã hội đã và đang diễn ra trước mắt họ, đã thi hành chính sách mù quáng bài phương Tây và cấm đạo, làm chia rẽ trầm trọng hơn nữa một dân tộc vốn đã hoang mang và phân hóa cùng độ. Hậu quả là chúng ta đã mất nước. Riêng sự kiện một số rất nhỏ người Pháp đã có thể dùng chính người Việt Nam để thống trị Việt Nam đủ chứng tỏ dân tộc Việt Nam đã rã hàng đến mức nào rồi. Tủi nhục nhất là suốt trong Thế Chiến II, một nắm nhỏ người Pháp đã thua trận và đã mất nước vẫn tiếp tục thống trị được người Việt một cách hung bạo. Họ đã chỉ bị Nhật, chứ không phải người Việt Nam, đánh đổ. Ðến khi Nhật thua trận và đầu hàng thì chính quyền Việt Nam hoàn toàn bỏ ngỏ và một lực lượng hung bạo mới, đảng cộng sản, nắm được chính quyền với vài khẩu súng. Sau đó là ba mươi năm nội chiến giữa một tập đoàn cộng sản theo đuổi một triết lý chính trị tệ hại và các chính quyền quốc gia hoàn toàn không có một ý thức chính trị nào cả. Chiến tranh đã tàn phá sức sống còn lại của ta. Sau đó là một bạo quyền vận dụng mọi sáng kiến và thủ đoạn để đập tan mọi ý chí cá nhân và mọi giềng mối trong xã hội để có thể duy trì ách thống trị trên một dân tộc bất lực vì phân hóa. Không một dân tộc nào có thể chịu đựng những đập phá và chà đạp kéo dài như thế mà không bị thương tổn nặng.
Chúng ta không hèn nhát và cũng không có lý do để hổ thẹn, chúng ta đã chỉ là nạn nhân của những thảm kịch tích lũy trong gần bốn thế kỷ. Nếu chúng ta vẫn còn giữ được một chút ý chí đấu tranh và một chút ý thức dân tộc như hiện nay thì đó quả đã là một phép mầu. Một dân tộc bình thường chắc chắn đã tiêu vong lâu rồi.
Kỷ niệm ngày 30 tháng 4, 1975 cũng là dịp để giải tỏa một tâm sự nặng nề cho người thuộc miền Nam và phe quốc gia cũ. Họ đã thất bại chủ yếu vì đã sáng suốt hơn đối thủ. Họ đã nhận ra sự vô lý của cuộc chiến và đã dừng tay, chẳng thà chấp nhận thất bại còn hơn tiếp tục tàn sát lẫn nhau giữa anh em ruột thịt. Ðó là một thái độ yêu nước. Thay vì cố gắng phủ nhận thất bại, đề cao sự oai hùng của quân đội miền Nam, chúng ta nên nhìn ra sự cao cả của quyết định khước từ cuộc chiến của thanh niên miền Nam. Ðó là một sự cao cả có thực, mà chắc chắn các công trình nghiên cứu mai sau sẽ phải nhìn nhận. Có lẽ trong bốn thế kỷ qua đó là phản ứng thông minh nhất của dân tộc ta.
Thay vì hổ thẹn, chúng ta hãy suy nghĩ về nguyên nhân của thảm kịch mà chúng ta đã và đang chịu đựng. Ðó là vì trong những giai đoạn chuyển hóa lớn dân tộc nào cũng cần được những nhà tư tưởng hướng dẫn, để biết mình nên nghĩ gì, đi hướng nào và làm gì. Ðiều bất hạnh cho chúng ta là trong suốt bốn thế kỷ đó chúng ta đã không có một nhà tư tưởng nào, chúng ta đã chỉ có những văn quan, võ tướng, anh hùng, liệt sĩ. Do đó chúng ta đã không có đồng thuận, đã hoang mang, bối rối, cãi cọ, xung đột và rã hàng, để rồi bị các tập đoàn hung bạo kế tiếp nhau chà đạp, dẫn đi từ thảm kịch này đến thảm kịch khác. Chúng ta đã trả giá đắt cho sự thiếu vắng một tư tưởng chính trị. Ðó chính là bài học đáng ghi nhận nhất.
Chúng ta có thể tìm kiếm một đồng thuận chính trị bằng cách học hỏi, suy nghĩ. Nhưng cũng có thể chỉ giản dị bằng thái độ, nghĩa là lắng nghe mọi ý kiến, thảo luận thành thực và tương kính với nhau. Chúng ta sẽ tìm ra được một đồng thuận dân tộc mới, sẽ kết hợp được và sẽ làm lại được đất nước.
Suy tư thứ hai là, dù muốn hay không, chúng ta bắt buộc phải tìm một giải pháp chung, chứ không thể chỉ tìm giải pháp cá nhân cho mỗi người. Sở dĩ chúng ta đã thất bại và tủi nhục là vì mọi người Việt Nam đã chỉ cố gắng tìm một giải pháp cá nhân cho mình. Vượt biên là một giải pháp cá nhân. Hối lộ là một giải pháp cá nhân. Chịu đựng và nhẫn nhục là một giải pháp cá nhân. Căm thù và nguyền rủa là giải pháp cá nhân. Tìm hãnh diện trong sự khá giả của gia đình và thành công của con cái là giải pháp cá nhân. Viết văn, làm thơ, in sách có thể cũng chỉ là giải pháp cá nhân.
Không phải giải pháp cá nhân nào cũng đáng trách, trái lại có nhiều giải pháp cá nhân rất chính đáng, cần thiết và đáng khuyến khích nhưng không thể chỉ có giải pháp cá nhân. Quay lưng lại với đất nước là một sai lầm tai hại ngay cả cho chính mình. Người trong nước không thể có giải pháp tự cứu nào ngoài một giải pháp chung cho đất nước, nhưng người ngoài nước cũng cần một nước Việt Nam dân chủ và giàu mạnh để có một chỗ dựa, để được kính trọng và để thành công. Ý thức được rằng phải có một giải pháp chung cho dân tộc là chúng ta đã đi được quá nửa đoạn đường ra khỏi bế tắc và tủi nhục. Năm trăm người trên một con thuyền vượt biên đã bị hai mươi tên hải tặc uy hiếp vì họ chỉ là năm trăm cá nhân. Tám mươi triệu người để cho một đảng cộng sản phân hóa và chao đảo khống chế cũng vì chỉ là tám mươi triệu người cô đơn.
Ngày 30 tháng 4, 1975 đã có thể là một ngày vui lớn của dân tộc, một ngày khởi hành vào một kỷ nguyên của tình anh em tìm lại, của cố gắng chung và của thành công chung. Thực tế nó đã chỉ là một thương tích nặng, và rất nặng, trên một cơ thể vốn đã bầm tím những vết đòn chí tử. Từ đó bệnh nhân không những không được săn sóc và chữa trị mà còn tiếp tục bị đày đọa và đả thương thêm. Không ai đo lường hết được mức độ trầm trọng của vết thương 30-4 và những tàn phá trên thể xác và tâm hồn Việt Nam.
Nhưng dầu sao cũng đã đến lúc phải đứng dậy.
Một thế kỷ và một thiên niên kỷ sắp qua. Thế kỷ 20 bắt đầu trong nô lệ và chấm dứt dưới ách độc tài, nó đã là thế kỷ của nhục nhằn, đổ vỡ, máu và nước mắt. Thế kỷ 21 phải khác, nếu không Việt Nam sẽ không còn. Mà Việt Nam vẫn phải còn, bởi vì không thể chỉ có những giải pháp cá nhân cho một khối tám mươi triệu người cùng một ngôn ngữ, cùng một quá khứ và cùng một thảm kịch.
Mở đầu thiên niên kỷ thứ hai, các vua nhà Lý đã chấm dứt một chính quyền hung bạo, mở ra kỷ nguyên tự chủ lâu dài. Bước vào thiên niên kỷ thứ ba, chúng ta cũng phải chấm dứt vĩnh viễn chế độ độc tài và mở ra kỷ nguyên của một nước Việt Nam dân chủ đa nguyên. Ðó là điều kiện để Việt Nam có thể tồn tại.
Tin và tìm một giải thoát chung trong tâm lý rã hàng hiện nay là điều rất khó, nhưng không phải là không thể làm được. Hai ngàn năm lịch sử sống chung, giữ nước và dựng nước chung vẫn còn để lại một vốn liếng đáng kể. Tôi tin rằng ở thời điểm này, khoảng một ngàn người có ý thức, đồng thuận, quyết tâm và chấp nhận kết hợp trong một tổ chức đủ để tạo ra một chuyển biến tâm lý, làm nòng cốt cho một phong trào dân chủ rộng lớn, đem lại lòng tin và biến những tức tối và tủi hờn tích lũy thành sức mạnh đổi đời.
(Thông Luận số 126, tháng 5, 1999)
© Nguyễn Gia Kiểng