WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Homeless tại Hoa Kỳ và tại San Jose 2014

 

Bữa ăn của dân Homeless

Bữa ăn của dân Homeless

Thực đơn thân ái

Mỗi tháng một lần và đôi khi 2 lần, chương trình dọn ăn thực đơn Việt Nam cho khách giang hồ tổ chức vào chiều thứ bẩy lần thứ tư tại Lữ quán đường Montgomery, San Jose. Năm nay, chiều thứ bẩy 22 tháng 11-2014 sẽ do hội Petrus Ký của bác sĩ Trần Văn Nam lên phiên. Đặc biệt có sự tiếp sức của hội gia tộc họ Vũ về tài chánh và sự hiện diện của nhóm ái hữu Hoa hậu phu nhân với nhiều quà tặng mùa đông. Qua chiều chủ nhật 28 tháng 11-2014 sẽ có một tiệm vàng bảo trợ do sự phối hợp của cô Hoàng Mộng Thu. Tháng tới mùa Giáng Sinh sẽ đến lượt gia đình họ Vũ chính thức lên phiên. Bài viết này để tặng cho các nhà hảo tâm và nhân viên tình nguyện.

Vấn nạn 100 năm cũ

Vào ngày Lễ tạ Ơn và Giáng Sinh, tổng thống Hoa Kỳ và phu nhân năm nào cũng dậy sớm đi lễ nhà thờ và buổi chiều thì đi dọn ăn cho Homeless Hoa Kỳ.

Từ hơn 100 năm nay, truyền thống của nước Mỹ đã trở thành tục lệ. Hiệp Chủng quốc là đất nước tiền rừng bạc bể, viện trợ cho khắp thiên hạ nhưng ngay tại quê nhà, mỗi năm vẫn có cả ngàn người Hoa Kỳ đói rét và nằm chết ở gầm cầu, xó chợ trong kiếp sống không nhà. Không một chính quyền nào, Dân Chủ hay Cộng Hòa, không một vị lãnh đạo nào giải quyết được hoàn toàn vấn đề Homeless. Các chính khách chỉ còn cầu nguyện buổi sáng và đãi ăn khách không nhà buổi chiều.

Thời kỳ còn chiến tranh lạnh, các vị nguyên thủ của khối Cộng muốn làm Hoa Kỳ mất mặt thường tìm cách đi thăm các khu nghèo tại Nữu Ước và tìm đến phát quà cho dân Homeless ở xóm Mỹ đen Harlem.

gia -ěnh..

Nước Mỹ kể cả Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp cùng với truyền thông đều coi như chuyện nhỏ, không đáng kể. TV và báo chí vẫn chụp hình và loan tin tự do. Mọi người đều biết rõ là xã hội công nghiệp và đời sống của đô thị đã sinh ra giai cấp không nhà. Đôi khi họ là Homeless thường trực Full-time, có khi là Homeless bất chợt, Part-time thuộc loại lỡ độ đường.
Nước Mỹ ngày xưa chưa có các đô thị lớn, dân nào cũng là dân quê, cuộc sống gần thiên nhiên thì sự phân biệt giữa dân có nhà và dân Homeless không cách biệt. Ngày nay với trên 300 triệu dân, với hàng ngàn đô thị đông đảo thì số người không nhà lên cao là chuyện không có gì mới mẻ.

Con số không nhà

Toàn quốc Hoa Kỳ tính ra lúc nhiều lúc ít, hiện nay lên đến 3 triệu dân không nhà. Và con số này gia tăng nhiều hơn mức độ dân số phát triển hàng năm. Như vậy cứ 100 người Mỹ là một người ở ngoài đường dù là cố ý hay vô tình. Vô tình trở thành Homeless vì đói.  Cố ý Homeless vì điên.

Niềm đau thương hơn cả là trong số hơn 3 triệu Homeless đàn ông và đàn bà có cả một triệu trẻ em. Những đứa trẻ từ lúc sinh ra đã sống ở ngoài đường và suốt thời thơ ấu không được tắm trong nhà, không được ngủ với cửa buồng đóng lại, không được nằm trong chăn ấm, bên ngọn đèn ngủ và lời ru của mẹ.

Tất cả những đứa trẻ đó đều là công dân Hoa Kỳ, đang cư ngụ trên đất mẹ, ở xứ sở thiên đường mà hàng triệu người di dân trên thế giới muốn đến để lập nghiệp. Những cụ già, các gia đình, trẻ em homeless đều không bận tâm xin thẻ xanh hay thi quốc tịch. Tất cả đều là công dân hợp lệ.

Tại sao lại có hiện tượng vô lý như vậy? Không một nhà giáo dục, không nhà xã hội học, các kinh tế gia, các chính khách, các vị lãnh đạo chính phủ lãnh đạo tôn giáo tìm ra được giải pháp cho vấn nạn Homeless tại Hoa Kỳ.

Hiện nay, các đại học Mỹ có ngành xã hội và nhân chủng đều bỏ ra hàng triệu Mỹ kim để nghiên cứu giải pháp. Hàng chục ngàn cơ quan thiện nguyện từ trung ương đến địa phương đều nỗ lực đi tìm cách giúp đỡ và chấm dứt nạn Homeless tại các đại đô thị. Tất cả đều vô phương.

Các tiểu bang đều có những đô thị với nạn Homeless trầm trọng. Riêng California dẫn đầu với Los Angeles, San Francisco, Berkeley, và Fresno. Florida cũng có 3 điểm nóng. Texas cũng có 3 thành phố lên bảng đen. Ngay cả Las Vegas và Honolulu cũng nổi tiếng có nhiều Homeless.

Và Homeless cũng có nơi hiền lành, có nơi nảy sinh nhiều tội ác và những phiền phức cho xã hội. Ăn mày, ăn xin, trộm cắp, phóng uế bừa bãi, xả rác nơi công cộng, chiếm cứ các công viên, phá hoại môi sinh.

Homeless luôn luôn đi cùng với cần sa, ma túy, rượu chè, cờ bạc, đĩ điếm. Vì Homeless mà đi đến tứ đổ tường hay vì tứ đổ tường mà trở thành Homeless. Dù ngược hay xuôi thì cũng đen tối như nhau.

Đi tìm nguyên nhân

Một trong các yếu tố căn bản của Homeless là tinh thần tự do cá nhân cùng với bệnh tâm thần. Hoa Kỳ đã từng có nhiều người muốn sống gần thiên nhiên nên suốt đời ở với núi rừng. Đã có cả một thời xưa, dân Ho Bo chuyên sống và di chuyển dọc theo đường xe lửa. Và ngày nay, nhiều gia đình và phần đông là dân Mễ, cả vợ chồng con cái sống trên xe, đi từ cánh đồng này qua cánh đồng khác, sống theo mùa gặt.

Và rất nhiều các tay da đen uống rượu thích lấy đất làm giường và trời cao làm mái nhà. Khi các đấng lưu linh đã say sưa thì trời đất quay cuồng và nhà cửa không còn là vấn đề quan trọng.

Vì vậy vào mùa đông, các trại tạm trú của chính phủ mở ra với đạo quân cứu tế đi đến các công viên, khiêng dân Homeless lên xe chở về nơi cư ngụ để khỏi chết cóng.

Có nhiều trường hợp khách giang hồ ăn xong lại trốn ra ngoài để hoàn tất giấc mơ với cuộc sống tự do.

Tin tức thống kê

Thống kê Hoa Kỳ kiểm tra khảo sát quanh quẩn thì cũng chỉ có từng đó đáp số. Chỗ có nhà thì không có dân. Trên khắp nước Mỹ đang có nơi hàng ngàn căn nhà trống. Chỗ không có nhà thì dân kéo về quá đông. Không có công việc, không có tiền và không đủ nhà. Lương thấp, tiền nhà cao nên dân thầy thợ đôi khi có việc làm nhưng không có đủ nhà để cư ngụ, dù là nhà thuê.

50% Homeless thiếu ăn, không biết cách xoay sở nên cả vợ con đều đói. Không có nhà nên không có địa chỉ và vì vậy không thể khai trợ cấp. Nhiều quận hạt cho khai rồi giữ Check lại, tháng tháng Homeless đến lãnh Check, lãnh Foodstamp. Tất cả đều biến thành rượu và chỉ một tuần là hết sạch.

Rồi thiên tai, hỏa hoạn, nước lụt đóng góp thêm vào các hiểm họa đưa con người vào chỗ không nhà.
Tùy theo từng vùng dân số nhưng luôn luôn da đen, da đỏ, Mễ và dân Châu Mỹ La Tinh có số lượng Homeless cao nhất. Dân Á châu tương đối còn đùm bọc nhau được nên lại có con số thấp nhất.

Mặc dù như vậy, nhưng không bao giờ chính phủ có con số Homeless chính xác. Cứ 10 năm một lần, Hoa Kỳ đếm đầu người, gửi phiếu kiểm tra để biết lòng dân mà cai trị đất nước. Gọi là kiểm kê dân số.

Biết dân số tăng giảm, số trẻ con ra đời, người lớn về già. Biết ước mong của toàn dân qua phiếu kiểm kê để mở trường, lập nhà thương và làm nhà cửa đường xá. Nhưng dân không nhà thì không bao giờ ghi giấy kiểm kê nên không hề có ý kiến nào được ghi nhận.

Các toán công tác đi đếm Homeless phải đi lúc nửa đêm, chiếu đèn ở xó chợ, gầm cầu mà đếm từng người. Nhờ đó mới biết được bao nhiêu ông, bao nhiêu bà, bao nhiêu trẻ em Homeless.

Từ thập niên 90 cho đến 2000 rồi 2010 chúng tôi có tham dự những kỳ đi đếm Homeless ban đêm. Không khác gì ở Việt Nam, cảnh sát công an khám sổ gia đình. Việt Nam vào nhà vì lý do an ninh. Ở Mỹ, ra đường mà đếm vì lý do xã hội. Chỉ có khác ở chỗ là nửa đêm dựng đầu khách giang hồ đứng lên để đếm. Không cần kiểm tra giấy tờ, không bắt bớ nhưng cũng bắt gặp biết bao nhiêu chuyện phi pháp và đồng thời nhân viên chính phủ cũng nghe chửi điếc cả tai. Được cái, dân Homeless chửi từ thống đốc lên tổng thống chứ không thèm chửi cấp dưới nên cả hai bên đều hết sức vui vẻ để chia tay, sau khi đã chào hỏi và Good Night.

Chúng ta có thể làm gì?

Sau khi có dịp đi đếm Homeless, chúng tôi lại tiếp tục họp các buổi điều trần về vấn đề xã hội tại địa phương và ước mong có thể đóng góp phần nhỏ vào công tác chung. Tất cả các giới chức có kinh nghiệm đều nói rằng, hãy bắt đầu bằng những bước cụ thể. Hãy tới các trung tâm xã hội ở địa phương tìm hiểu một thời gian và thấy rằng, chúng ta có thể làm được điều gì dễ dàng và thực tế cho người không nhà.

Riêng tại tại quận hạt Santa Clara hiện có cả chục cơ quan thiện nguyện lo cho dân Homeless. Nào là nơi phát thực phẩm cho người nghèo như Food Bank. Rồi đạo quân cứu tế Salvation Army, thêm vào đó còn có City Team và Inn Vision đều lo cho các gia đình vô gia cư tạm trú và thức ăn hàng ngày.

Chúng tôi đã đến thăm Inn Vision tại San Jose vào một buổi sáng mùa Giáng Sinh 1991, và quan sát các họ đạo Hoa Kỳ chia phiên nấu ăn cho Homeless. Đây là kỷ niệm đáng ghi nhớ 23 năm về trước.

Theo truyền thống lâu đời, các Homeless trong vùng là đàn bà, trẻ em thì được ưu tiên nuôi ăn. Còn các Homeless độc thân thì phải tự túc mà lang thang đây đó.

Mỗi chiều về dân độc thân đến khu tập trung ở cơ quan cứu tế. Có gì thì phát ra thứ đó. Đa số thực phẩm từ các chợ, các quán ăn, nhà tư còn dư đem cho, thấy còn ăn được là đem phân phối. Đây là thức ăn nguội. Mỗi cuối tuần thì các nhà thờ chia phiên đem thức ăn nóng có chuẩn bị ngon lành đến cho bà con Homeless.

Sau khi quan sát và ước lượng tình hình, cơ quan IRCC tại San Jose chúng tôi ghi tên nhận 2 kỳ 1 tháng. Một kỳ chính thức lên phiên vào mỗi chiều thứ Bảy lần thứ tư và một kỳ thường trực bất thường tức là bất cứ lúc nào họ kêu trước vài giờ là phải có ngay. Đồ ăn nguội cũng tốt.

Mở đường khai lối

Bắt đầu từ tháng 1-1991, chương trình Thực Đơn Thân Ái, dọn cơm Việt Nam 3 món cho Homeless San Jose bắt đầu. Suốt năm 1992 tổng cộng 12 tháng, cơ quan IRCC một mình lên phiên nên khá vất vả.

Phiên thường lệ vào mỗi thứ Bảy còn chuẩn bị được. Phiên khẩn cấp thí dụ có hội nhận lời nhưng giờ chót bỏ cuộc phải thay thế cấp cứu thì chúng tôi gọi điện cho 4 tiệm quanh Downtown San Jose mua mỗi nơi 25 ổ bánh mỳ cắt đôi là đủ 200 phần ăn. Mỗi phần ăn kèm theo một lon nước.

Từ lúc được báo tin cho đến lúc có đủ 200 phần ăn chỉ cần 2 giờ đồng là sẵn sàng. Gọi điện thoại cho 3 hay 4 nơi đặt hàng, ghé lấy rồi đưa đến phát ngay.

Tuy nhiên, cứ như vậy quanh năm 1992 tuy chuyện nhỏ mà cũng trở thành gánh nặng. Qua năm 1993, chúng tôi mời gọi sự cộng tác của các đoàn thể. Mỗi nơi một năm chỉ cần lên phiên một lần. Xem ra rõ ràng là gánh nặng đã nhẹ đi nhiều mà các tổ chức đều có cơ hội tham gia công việc từ thiện vô cùng ý nghĩa.

Công việc cứ như vậy tiến hành đều đặn suốt 23 năm, kể từ 1992 đến hết năm nay 2014. Qua 2015 là bắt đầu vào năm thứ 24. Chương trình Thực Đơn Thân Ái đã tổ chức cả phiên chính thức lẫn đặc biệt là 265 lần với vào khoảng 100 ngàn phần ăn đã dọn ra.

Biết bao nhiêu là sự khen thưởng của các giới chức xã hội từ liên bang, tiểu bang và quận hạt. Tuy nhiên, lời khen thưởng gây xúc động nhất vẫn là những ánh mắt vui vẻ của khách hàng. Những tràng pháo tay của quý vị đến ăn. Những tiếng cảm ơn bằng Việt ngữ của Homeless học được qua các bạn Việt Nam.

Đa số các vị đến ăn đều rất tự nhiên, không hề mặc cảm vì hoàn cảnh không nhà. Họ ăn uống rất thoải mái. Có đôi khi cả gia đình vợ chồng, con cái đến ăn. Có những người trông rất tả tơi, nhưng cũng có những người ăn mặc rất lịch sự.

Trong một gian phòng ăn rộng rãi, ấm cúng, mọi người xếp hàng trật tự tiến qua quầy thức ăn. Các nhân viên của hội đoàn Việt Nam đội nón nhà bếp màu trắng, áo choàng trắng, bao tay múc thức ăn cho quan khách đưa khay đến trước mặt. Cơm chiên, gà quay, chả giò, rau trộn, tráng miệng, trái cây, bánh ngọt. Những bàn tay ân tình, những lời nói chào đón lịch sự. “Thưa ông, thưa bà. Cảm ơn. Vâng, xin một chút nữa. Thưa đủ rồi. Không có chi.” Người dọn ăn và người được mời đều hết sức lễ độ. Xin mời thêm nước uống. Sữa hay nước cam. “Vâng xin ông cứ tự nhiên dùng cả hai.” Các em nhỏ Việt Nam mắt long lanh ngời sáng đứng lo quầy nước. Các bà nội trợ đứng hàng tiền đạo múc thức ăn. Các đấng phu quân đứng phía sau lo tiếp liệu từ nhà bếp. Quầy rau trộn đổi tay làm việc để tăng cường. Các khay cơm đã hết, đưa ra phía sau để khay cơm mới thay thế.
Thực khách ăn xong một lượt thì tạm nghỉ rồi làm thêm vòng thứ hai và đôi khi đi vòng thứ ba.

Thực phẩm thì vơi dần nhưng tình cảm thì tăng cao. Thực khách trong cả phòng chợt dừng tay nghe ông đại diện Homeless nói lời cám ơn Việt Nam rồi tràng pháo tay vang dội. Không phần thưởng nào sánh bằng.

Quan khách không bao giờ biết, đây là đại diện tôn giáo nào hay tổ chức nào. Không biết quan điểm chính trị Dân Chủ hay Cộng Hòa. Không biết đây là hội ái hữu địa phương nào. Tất cả chỉ là người Việt Nam và thức ăn Việt Nam. Ngon lành và rất hậu hĩnh.

Và chương trình Thực Đơn Thân Ái bền bỉ nhất đã góp phần trên 23 năm, nuôi ăn Homeless San Jose, những khách giang hồ không nhà hiền lành nhất Hoa Kỳ.

Trong lịch sử 100 năm Homeless tại Mỹ, San Jose là vùng đất tương đối bình yên. Các tiệm ăn Việt không bao giờ bị Homeless làm phiền. Nước Mỹ không giải quyết dứt khoát được vấn nạn Homeless nên chính tổng trưởng an sinh và xã hội phải lên tiếng kêu gọi toàn dân tiếp tay. Chúng ta là dân Mỹ gốc Việt, đã đến đất nước này, xin tiếp tay với Thực Đơn Thân Ái là bày tỏ chút ân tình cụ thể và dễ dàng nhất.

Hơn 23 năm qua rất nhiều hội đoàn đã tiếp tay với chúng tôi nhiều lần. Tuy nhiên, thành tích đáng kể công tác từ 10 lần trở lên gồm có 5 tổ chức: Ban Xã Hội Công Giáo, Gia Đình Phật Tử An Lạc, nhóm anh em Báo Mõ, Gia Đình Kiến Trúc Việt Nam và Hiệp Hội Kim Hoàn.

Cộng đồng Việt Nam hiện nay tại Bắc và Nam Cali, tại Houston – Texas đều bắt đầu tiếp tay với chính quyền địa phương về việc giúp đỡ Homeless. Tuy nhiên, vẫn còn ở giai đoạn rất tượng trưng chỉ làm vào mùa lễ hội. Thực ra, nhu cầu nhân đạo cho Homeless phải là việc làm quanh năm.

Khi bài báo này phổ biến mở đầu lễ hội 2014, quý vị độc giả vẫ còn có thì giờ để đóng góp từ thiện nếu muốn ghi thành tích cho mùa thuế năm nay.

Dành lời kêu gọi cuối năm gửi đến quý vị muốn góp một bàn tay cho các em nhỏ Homeless Hoa Kỳ. Xin nhắc lại, một triệu em bé tại Mỹ hoàn toàn vô tội, không cần sa ma túy, không rượu chè, chỉ vì sinh ra ở ngoài đường nên trở thành Homeless từ lúc còn thơ ấu. Mở mắt chào đời mà chỉ thấy trời xanh. Cả tuổi thơ chưa thấy cái trần nhà. Không ai có thể tưởng tượng được rằng, nước Mỹ có đến một triệu em bé Homeless. Có thể tưởng tượng được không. Trong số này lại có cả hàng ngàn trẻ em homeless còn đi học. Các em bé trai, bé gái như con cháu quý vị. Sáng dậy dưới gầm cầu, đi bộ đến trường có bữa ăn trưa miễn phí. Giờ tan học em làm homework trong thư viện cho dến khi đóng cửa. Em sống nhờ nhà vệ sinh của trường. Chiều em về lại gầm cầu một mình. Không muốn mẹ đẩy xe chợ đón em. Không bao giờ em muốn trông thấy mẹ đi xin tiền gần trường học. Mẹ phải đi làm ở nơi nào thật xa…

Hãy gửi cho chúng tôi $3 Mỹ kim, chúng tôi sẽ bỏ thêm công sức để làm thành một bữa ăn Việt Nam cho một em bé Hoa Kỳ đang sống ở nơi gầm cầu hay xó chợ trên đất nước hùng mạnh nhất thế giới hiện nay.

Nghĩa cử của quý vị luôn luôn được ghi nhận và đồng tiền đóng góp của quý vị sẽ được xử dụng một cách xứng đáng, trân trọng nhất.

Xin chúc quý vị một mùa Tạ Ơn và Giáng Sinh bình an.

© Giao Chỉ

© Đàn Chim Việt

————————————————————-

Chi phiếu cho Homeless gửi về IRCC, Inc. Oakbridge Dr. San Jose, CA 95110. Email: giaochi12@gmail.com

8 Phản hồi cho “Homeless tại Hoa Kỳ và tại San Jose 2014”

  1. quandannambo says:

    ông giao-chỉ
    có tài lấy nước mắt của người đọc
    lẻ ra
    ông ấy phãi là đại-tác-gia về bi kịch
    thì mới
    đúng người đúng việc
    *
    hởi ơi
    thiên tài hết mực*

  2. Builan says:

    Giao Chi says

    ” Niềm đau thương hơn cả là trong số hơn 3 triệu Homeless đàn ông và đàn bà có cả một triệu trẻ em. Những đứa trẻ từ lúc sinh ra đã sống ở ngoài đường và suốt thời thơ ấu không được tắm trong nhà, không được ngủ với cửa buồng đóng lại, không được nằm trong chăn ấm, bên ngọn đèn ngủ và lời ru của mẹ………
    Xin nhắc lại, một triệu em bé tại Mỹ hoàn toàn vô tội, không cần sa ma túy, không rượu chè, chỉ vì sinh ra ở ngoài đường nên trở thành Homeless từ lúc còn thơ ấu. Mở mắt chào đời mà chỉ thấy trời xanh. Cả tuổi thơ chưa thấy cái trần nhà.”

    Già sinh ra lú _ như tui chẳng hạn ! Tôi không dám nghĩ ông GC lú ! Nhưng dám hoỉ:: viết như trên ông có CƯỜNG ĐIỆU _ HỒ ĐỒ không ? nếu không ,thì đùng được bao nhiêu ?
    Tôi không rành caí chuyện Homeless như cụ GC ! Tuy nhiên tôi cũng hơi ngượng về những điều tui dẫn trên !! Vậy nếu biết là SAI, BẬY , BÁ DƠ… liệu ngài GC có can đãm nhận lỗi với bạn đọc ._ với cả bạn Homeless…rôì thì nhờ BBT chinh sưả cho bài viết có giá trị thật hơn !

    Thay lời cảm ơn HTĐ ! Tôi bold nhằm mơì cụ GC !
    ” Không bao giờ có chuyện trẻ em homeless bên Mỹ phải ngủ hầm cầu freeway hay ngủ ngoài đường. Cũng không bao giờ có chuyện “sinh ra ở ngoài đường nên trở thành Homeless từ lúc còn thơ ấu. Mở mắt chào đời mà chỉ thấy trời xanh.” như ông Vũ Văn Lộc viết. (HTĐ)

    Kính

    • HTĐ says:

      Chỗ này Bùi tiên sinh than phiền đúng đấy. Tác giả Giao Chỉ vì quá hăng hái kêu gọi lòng hảo tâm giúp người homeless thành ra cương ẩu. (Tôi vẫn khoái Giao Chỉ với loạt bài tạp ghi “Chân Trời Góc Bể” với cụ già Bất Khuất, đăng hàng tháng trên báo Bút Lửa của Lê Tất Điều cách đây 30 năm, hay thiệt là hay), Cụ Giao Chỉ ở Mỹ từ 1975, mà lại viết rằng ở Mỹ có trẻ em homeless “Mở mắt chào đời mà chỉ thấy trời xanh. Cả tuổi thơ chưa thấy cái trần nhà. …” thì đừng nên chê trách những văn nô cỡ Nê Nựu bịa chuyện chê bai bọn “tư bản” hay “đế quốc” Mỹ bóc lột. Xin nhắc lại, tất cả các gia đình homeless có con nhỏ, hoặc bà bầu 6 tháng, sẽ được chính quyền liên bang, tiểu bang, và thành phố trợ cấp housing hoặc trả tiền motel sống tạm. Khi không có housing thì trẻ em phải vào shelter, không cần biết là di dân lậu hay dân Mỹ. Điều này bắt buộc.

      Ban ngày, trẻ em nếu không ở tuổi tới trường, có thể bị cha mẹ dắt ra đường ngồi xin tiền. Nhưng đến tối, nếu cha mẹ để con ngủ ngoài đường mà không đem vào shelter thì bị cảnh sát bắt ngay, và sở xã hội “lấy” con đi ngay, không cho cha mẹ nuôi nữa.

      Có lần người ta làm thăm dò, nếu cha mẹ đem con ra đường xin tiền thì bị người ta ghét lắm, vì nghĩ như thế là lợi dụng đứa nhỏ. Homeless xin được nhiều tiền nhất là khi họ dẫn theo… con chó. Trên “phố đi bộ” Old Town Pasadena hay Santa Monica Promenade ở miền nam California, nhiều chàng homeless có vẻ thuộc bài, ngồi xin tiền với con chó bên cạnh.

      Ở thành phố San Jose, nếu cha mẹ homeless có con nhỏ, chỉ cần gọi số 211 là có người tới đón về shelter để ngủ qua đêm. Giống như những thành phố lớn khác, gọi số điện thoại này sẽ có người nói tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha, và 140 ngôn ngữ khác.

      (Tôi thích nước Mỹ ở chỗ mình nói tiếng nào, họ cũng tìm, và sẽ tìm ra, người thông dịch sang tiếng Anh khi luật pháp đòi hỏi. Thí dụ, khi truy tố một bị can ở tòa án hình sự, tòa án ra lệnh cho biện lý phải tìm cho ra người thông dịch, nếu bị can không biết tiếng Anh. Và thế nào biện lý cũng tìm ra thông dịch. Thời buổi này có internet và điện thoại dùng cho conference call, chuyện tìm ra người thông dịch lại càng dễ dàng hơn nữa).

      Một lần, anh bạn da đen bảo tôi, “Tao chưa bao giờ thấy người Á Châu bị homeless. Chúng mày biết săn sóc nhau.” Thật ra có đấy chứ. Thống kê cho thấy có 2 phần trăm người homeless là Á Đông. Ở khu Little Saigon có ông bác sĩ gốc Thủy Quân Lục Chiến, mới mất cách đây ba năm, tên là Nguyễn Văn Thế thì phải, chuyên khám bệnh miễn phí cho người homeless trong vùng Bolsa. Khám xong đôi khi còn dúi cho bệnh nhân chục bạc.

      Mỗi năm, chính phủ (liên bang hoặc tiểu bang) tốn $36,000 để cung cấp chỗ ở (housing hoặc shelter) cho một gia đình homeless có con dưới 18 tuổi. (Dĩ nhiên không phải chính phủ đưa $36,000 cho người homeless, trong khoản tiền này phần lớn được trả lương cho những nhân viên và tiền điều hành, dân homeless chỉ được hưởng sái nhì đáng giá dăm bảy ngàn thôi)

      Cách đây ít năm, thị trưởng New York Bloomberg đề ra chương trình thành phố cung cấp vé máy bay, hay vé xe lửa, để một gia đình homeless rời thành phố New York trở về “quê quán” của họ, hầu bớt đi gánh nặng cho New York. Có tới hơn 500 gia đình hưởng ứng chương trình này. Và tôi ngạc nhiên khi thấy có những gia đình homeless từ các quốc gia khác “hồi hương” về Pháp, Haiti, Peru, South Africa…

      Ở homeless shelter dĩ nhiên chẳng có gì vui, đây là chỗ tận cùng trong nấc thang xã hội rồi, vì nếu thoải mái quá thì mọi người sẽ … ở lỳ, không chịu kiếm việc làm hay đi mướn nhà. Shelter thường là một tòa nhà lớn, kê hàng chục giường gần nhau. Nhưng nếu là một gia đình với con nhỏ thì sẽ có một chút riêng tư. Dĩ nhiên có chỗ tắm rửa và máy giặt quần áo, và bàn cho con nít ngồi học. Ban ngày con nít phải tới trường, người lớn thường bị lùa ra đường để người ta còn dọn vệ sinh. Đến tối về ăn bữa tối và ngủ. Gần đây còn có luật tặng miễn phí điện thoại cầm tay cho bất cứ ai không có tiền, để người homeless có thể xin việc và liên lạc với người chung quanh để bớt bị trầm cảm. Cho nên đừng ngạc nhiên khi thấy người homeless cầm cell phone nói thoải mái, đừng nghĩ người ta ăn xin giả. Dân ăn xin giả thì kín đáo, lừa bịp hay lắm.

      Có một lần tôi đọc một bài viết của một phụ nữ tình nguyện lo cho người homeless, một hôm bà giả vờ làm người homeless để vào trong shelter quan sát những tệ nạn trong shelter, thì chính bà bị một nhân viên ở đó tống tình. Anh ta bảo, “ Ở đây nguy hiểm lắm, 11 giờ đêm em ra ngoài parking lot chờ, tôi sẽ chở em đi ăn McDonalds rồi về nhà tôi ngủ.” Anh ta dụ bà vào đến chỗ dành riêng cho người khi đã qua giờ “giới nghiêm”, không được ra ngoài nữa, trừ khi có phép của anh ta. Bà bèn gọi cảnh sát tới chở bà về. Cảnh sát dĩ nhiên không thể làm gì với gã tống tình, vì theo luật, “it is not illegal to propose to a woman”. Cảnh sát chỉ có thể hạch sách gã như thể điều tra một tội phạm để làm cho gã bẽ mặt.

      Có lần, một ông nhà giàu ở Huntington Beach, thường giúp người homeless, một hôm giả vờ làm homeless cầm bảng xin tiền, và ngủ qua đêm ngoài đường, rồi viết bài kể chuyện. Ông xin được hơn một trăm đô trong 1 ngày (khá nhiều đấy), và bảo rằng xin ăn và ngủ ngoài đường 1 hôm thì không khổ lắm, vì biết mình chỉ khổ 24 giờ, nhưng nếu là homeless thiệt, ngày nào cũng phải xin tiền và ngủ ngoài đường, không biết ngày mai sẽ ra sao thì tuyệt vọng khổ sở vô cùng.

      • Builan says:

        ” Gần đây còn có luật tặng miễn phí điện thoại cầm tay cho bất cứ ai không có tiền, để người homeless có thể xin việc và liên lạc với người chung quanh để bớt bị trầm cảm. Cho nên đừng ngạc nhiên khi thấy người homeless cầm cell phone nói thoải mái, đừng nghĩ người ta ăn xin giả. Dân ăn xin giả thì kín đáo, lừa bịp hay lắm “.

        * Chi chứ cái chuyện nầy thì “LÚ như tui” cam đoan : chẳng sai một ly thợ mộc nào ! Thưa thật : Bà nhà tui cũng vưà “ăn theo” Homeless, xin được một cái “ĐT di đông” miễn phí ! Rất ngon lành ! không thua gì IPAD !

        _ COMs cuả HTD giúp tui biết thêm nhiều điều thú vị _ đọc để mà học là vậy !
        Làm ơn đừng có “móc họng ” tôi nghiệp tui
        ” Chỗ này Bùi tiên sinh than phiền đúng đấy.
        _ Xin thưa “Không dám mô” !!!
        Chào, trân trọng.

  3. NTH says:

    Những người homeless rất đa dạng như ông GC đã kể . Không thể trách chính phủ Mỹ ít quan tâm vì có lo cũng không xuể với một số dân homeless lười biếng, xì ke ma tuý không chịu khó kiếm việc làm.
    Tôi còn nhớ vào năm 1979, mỗi lần xe ngừng ở ngã tư đèn đỏ, lúc nào cũng thấy một anh chàng Mỹ trắng tóc dài ngang vai khoảng 25-30 tuổi, trông rất bụi đời đứng xin tiền. Ngày đó công việc làm dễ kiếm. Thấy tội nghiệp, tôi hay cho tiền. Suốt mấy năm liền, anh chàng vẫn cứ lang thang bốn góc ngã tư đường xin tiền, thấy vậy tôi biết là người lười biếng nên không cho thường xuyên như trước. Cách nay một hai năm tôi không còn thấy anh chàng này nữa., có lẽ già rồi chết hay đã được hưởng tiền già nên thôi không đứng đường? Như vậy là anh ta đứng đường suốt 35 năm . Tuy nhiên, không còn anh này bây giờlại có rất nhiều người khác đứng thế chỗ luân phiên trông cũng tội nghiệp . Người VN cũng có nhưng rất ít, đa số vì cờ bạc ở các casinos mà ra nông nỗi.
    NTH

  4. Nguyễn Thế Viên says:

    Do tôn trọng quyền làm Cha Mẹ, luật pháp HK không thể buộc những người vô gia cư từ bỏ con cái. Tuy nhiên tất cả các em đều phải được cáp sách đến trường. Nhiều khi nhà trường phải thuê taxi để đưa đón các em đi học từ các shelters (thường không cùng tuyến đường school bus). Đa số thành viên gia đình tôi làm trong ngành GD nên biết rõ điều này.
    Có thời kỳ làm việc ở Public Library, tôi tiếp xúc với nhiều người vô gia cư (họ thường vào TV để đọc sách và tránh lạnh vào muà đông, hưởng mát vào muà hè). Họ cho biết rằng không thích vào shelters vì không muốn gò bó. Hằng ngày họ vẫn có cái ăn do nhiều nguồn: food stamps, food banks, các ơ quan từ thiện và tôn giáo…..Không ai chết vì thực đói và lạnh. Một số người chết là do họ muốn thế (đa số vì nghiện ngập hay vì lười đi đến các nơi trợ giúp…). Các con tôi làm y tá trong nhà tù và trung tâm cai nghiện cho biết lâu lâu một số người vô gia cư vào & ra như cơm bưã TT cai nghiện để có chế độ giống như “hotel”, hay cố ý phạm pháp (khinh tôị) để được vào tù “nghỉ mát” một thời gian
    Nguyễn Thế Viên

  5. HTĐ says:

    Tác giả nói đúng về chuyện nhiều người homeless không thích vào nhà ngủ tạm do chính quyền hay hội thiện nguyện cung cấp, vì nhiều lý do khác nhau. Mới gần đây, gần nơi tôi ở, thành phố Huntington Beach kiểm tra tổng số người homeless trong thành phố. Hỏi họ có muốn vào shelter ở không, trong 78 người homeless, chỉ có 3 người muốn vào chỗ ở tạm.

    Không bao giờ có chuyện trẻ em homeless bên Mỹ phải ngủ hầm cầu freeway hay ngủ ngoài đường. Cũng không bao giờ có chuyện “sinh ra ở ngoài đường nên trở thành Homeless từ lúc còn thơ ấu. Mở mắt chào đời mà chỉ thấy trời xanh.” như ông Vũ Văn Lộc viết. Vì bất cứ tiểu bang nào cũng có luật bảo vệ trẻ em và đàn bà mang thai 3 tháng cuối cùng. Tiểu bang hoặc thành phố sẽ phải trả tiền mướn motel hoặc nhà trong chương trình “housing” cho trẻ em homeless (với ít nhất 1 cha hay mẹ) hoặc bà bầu 6 tháng trở lên. Nếu thành phố hay tiểu bang hết ngân khỏan trả motel hay “housing”, sẽ phải đưa em bé này tới một shelter do chính quyền hoặc hội thiện nguyện điều hành. Có thể có nhiều trường hợp giấy tờ chưa xong thủ tục, cho nên có thể có chuyện trẻ em phải ngủ ngoài đường một hôm, nhưng nếu có con dưới 18 tuổi, cha mẹ tới bất cứ shelter nào dành cho homeless, họ cũng phải nhận. Nước Mỹ có tới 1.4 triệu trẻ em homeless.

    • Nguyễn Thi says:

      Đói thì rất khó xảy ra ở Mỹ – nếu có quốc tịch hay là di dân hợp pháp, tỵ nạn chính trị . Chí ít thì họ có chương trình SNAP ( tên cũ là Food Stamp), School Lunch, WIC etc…lo cho vấn đề thực phẩm . Riêng về chương trình SNAP, được trợ cấp $183/tháng/ người . $361/2 người . $426/3 người . $495/4 người v…v…- gia giảm tùy theo lợi tức nhiều hay ít .

Leave a Reply to HTĐ