Một cuộc tọa đàm công phu và… quyết liệt
Ngày 26/11/2014, tại Nhà thờ Thái Hà đã diễn ra một cuộc Tọa đàm với chủ đề: Cơ chế của Liên Hợp Quốc về bảo vệ Người bảo vệ nhân quyền. Cuộc Tọa đàm do Diễn Đàn Xã hội Dân Sự và Nhóm Công tác UPR Việt Nam tổ chức.
Lẽ ra, sẽ chẳng có gì quá lớn lao và nghiêm trọng khi có một cuộc Tọa đàm như vậy. Bởi số lượng người tham gia không lớn lắm và nội dung cũng không có gì quá ghê gớm, ảnh hưởng nghiêm trọng, tức thời đến đời sống xã hội ngay lập tức hoặc có nội dung chống đối, phá phách.
Sở dĩ cuộc Tọa đàm đã trở thành nghiêm trọng, thu hút sự chú ý của dư luận, tập trung đông đảo người theo dõi và diễn ra thành công ngoài sự mong đợi của nhiều người, là do nó đã được lực lượng Công an, an ninh tốn thời gian, công sức và tiền bạc của người dân để nâng cuộc Tọa đàm lên một tầm mức quan trọng.
Cuộc viếng thăm không hẹn trước và những người lạ trước ngõ
Tối 25/11, gia đình Điếu Cày tổ chức liên hoan, tri ân anh chị em miền Bắc đã sát cánh cùng gia đình trong quá trình đấu tranh cho Điếu Cày được ra khỏi nhà tù Cộng sản. Sau khi đi dự về, tôi được người nhà cho biết: Có Cảnh sát khu vực đến tìm gặp. Tôi đi vắng, hỏi có việc gì thì chỉ là “muốn gặp trao đổi’. Mãi về sau mới nói là mai anh có đi dự họp về nhân quyền có Đại sứ các nước tham dự hay không?
Buổi sáng, hàng xóm hỏi: Hôm nay có sự kiện gì mà có mấy con chim lợn lại đứng trước ngõ xóm như vậy? Tôi không lạ gì hiện tượng cứ mỗi lần có sự việc gì như biểu tình chống Trung Quốc hoặc phiên tòa xử người yêu nước, thì đầu ngõ cứ xuất hiện những nhân vật đáng ngờ, nhiều khi qua đêm. Bà con xung quanh ngõ và trong xóm không lạ gì kiểu đó. Thậm chí khi một số đứng ám vào hàng rào, bờ tường… người dân ra đuổi, đám này còn xưng xưng: Ông, bà lên Công an mà hỏi, bọn tôi có việc thật chứ không phải ăn cắp. Người dân xua quầy quậy: “Tôi không việc gì phải đi hỏi đâu cả, cứ đứng đây lấm la lấm lét là không được, người đàng hoàng không ai làm thế cả. Đứng ra nơi khác, không được đứng ở chỗ nhà tôi, giờ trộm cắp như rươi”.
Tôi dắt xe hết khúc quẹo ra ngõ, mấy người lạ mặt đã lên xe sẵn (hẳn nhiên là tôi biết đã có tên anten báo cho họ) và bám theo. Bốn chiếc xe máy chở mấy người cứ bám sát tôi cách xa không đến chục mét.
Về chuyện theo dõi, bám theo, tôi không rõ họ làm vậy để làm gì? Chẳng lẽ tiền thuế của dân lại đi phung phí vào những việc vô bổ như vậy mà không ai xót sao? Những việc tôi làm, những người tôi gặp, những nơi tôi đi là công khai, đàng hoàng và hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Vậy thì việc rình rập, theo dõi, bám theo… nhằm mục đích gì? Chuyện về việc theo dõi, bám đuôi, rình rập… chắc sẽ phải kể trong một dịp khác. Ở đây chỉ nói về những gì xảy ra ngày hôm nay, không chỉ có tôi, Ts Nguyễn Quang A, một diễn giả trong cuộc tọa đàm cũng đã bị vây ngay từ khi ra khỏi nhà riêng lúc 5h sáng.
Đường Hà Nội buổi sáng đông đúc nhộn nhịp, tôi chạy trước, bốn người bám sát và tôi dẫn họ đi đến nơi cần đến sáng nay: Nhà thờ Thái Hà, nơi tôi được mời đến dự Tọa đàm ” Cơ chế của Liên Hợp Quốc về bảo vệ Người bảo vệ nhân quyền”.
Quyết liệt ngăn chặn
Đến nhà thờ. Điều đầu tiên đập vào mắt, là chiếc xe Công an Phường đã đứng ngay trước cổng. Không như mọi hôm, hôm nay hàng quán xung quanh đường vào nhà thờ bị dẹp sạch, chỉ để lại vài quán nước có ghế con cho những người lạ mới đến ngồi. Họ là những người như bốn người đã bám theo tôi từ nhà đến đây. Có thể nói, nếu ai chưa chứng kiến tận mắt, sẽ không nhờ nhà cầm quyền đã huy động một lượng An ninh đông đảo như vậy để “hóa trang” cho những mục đích của mình. Trước cửa nhà thờ Thái Hà khi đó như một cái chợ.
Không chỉ thế, trên nóc của nhà Tu Viện Thái Hà mà nhà cầm quyền đã “mượn” làm bệnh viện nhưng không trả, một số các chiến sĩ đang dùng các phương tiện quay phim, ghi hình, chụp ảnh từ xa. Tình cảnh cứ như một cuộc chiến.
Trong sân nhà thờ, một số giáo dân tập trung ở sân với tinh thần chờ đợi tiếp khách. Nghe nói tối qua, khi đã muộn, công an, dân phòng còn vào để “kiểm tra hộ khẩu” và giáo dân đã phải kéo chuông báo động.
Lần lượt những người được mời cũng tập trung đầy đủ và lên Hội trường, nơi sẽ tổ chức buổi Tọa đàm hôm nay. Đó là các hội đoàn dân sự được mời tham dự buổi Tọa đàm hôm nay. Các nhân viên tòa Đại sứ các nước Anh, Mỹ, Ireland, Đức… và Cộng Đồng Châu Âu. lần lượt đến nơi, mặc dù một số vị đi xe hơi bị chặn ngay từ đầu ngõ phải đi bộ vào.
Tôi bước vào Hội trường thì nhận được tin từ Ts Nguyễn Quang A, ông đang phải đi bộ đến Thái Hà, ông đang ở quán Cafe trên đường Lý Nam Đế và được vây dày đặc bởi lực lượng an ninh theo ông từ cửa. Một số giáo dân nghe tin vậy xung phong đi đón ông. Nhưng, khi họ đến thì ông đã tiếp tục cuộc hành trình bằng đôi chân của mình về phía Thái Hà nên không gặp được.
Vượt một quãng đường hơn 15km với một người có tuổi là một thử thách lớn, nhưng khi ông đến ô Chợ Dừa, thì toán An ninh đã chặn ông lại không cho đi tiếp. Thông tin được báo một số giáo dân báo về và họ cùng với một số anh em lên đường ứng cứu. Cho đến khi ông có mặt ở 180, Nguyễn Lương Bằng thì hàng rào an ninh, công an, dân phòng khép chặt ông lại.
Nhận được tin đó, một số nhân viên sứ quán Mỹ, Anh, Ireland… đã đứng bật dậy, tay cầm máy ảnh và bước ra khỏi Hội trường. Họ bước ra với vẻ mặt bất mãn ghê gớm. Và họ đi ra để giải vây cho Ts Nguyễn Quang A. Riêng tôi, khi nhìn ba người phụ nữ nước ngoài, với những bước chân mạnh mẽ, kiên quyết đi giải vây cho một người Việt Nam, đang bị chính người Việt Nam vây hãm bất chấp pháp luật trên đất nước Việt Nam thì cảm giác đau xót, xấu hổ và nhục nhã không thể nào tả nổi bằng lời.
Những người bạn đã đến kịp thời khi đám đông đã xô đẩy và vây chặt Ts Nguyễn Quang A. Ông đã được giải thoát và đi vào Hội trường trong tiếng vỗ tay của mọi người.
Có lẽ, với những tiếng vỗ tay, những ánh mắt và hành động của những nhân viên Sứ quán các nước hôm nay, thì có thể nói rằng: Không ai có đủ khả năng làm nhục quốc thể, hạ nhục đất nước Việt Nam và kéo thấp vị thế của đất nước trước con mắt người nước ngoài như các cán bộ, nhân viên an ninh, công an hôm nay.
Tọa đàm
Đúng giờ, buổi Tọa đàm vẫn diễn ra, dù cả khi Ts Nguyễn Quang A đang trên đường đi và người ta đã tiên liệu rằng ông có thể không đến được. Điều mà những người ngăn chặn đã không tính đến ở đây, là tinh thần vì Công lý, Sự thật và Chính nghĩa mới là yếu tố chính của buổi Tọa đàm. Những ý nghĩa đó không hoàn toàn phụ thuộc ai là diễn giả.
Nội dung buổi Tọa đàm đã bám sát các vấn đề mà chủ đề cuộc Tọa đàm đã đề cập: ” Cơ chế của Liên Hợp Quốc về bảo vệ Người bảo vệ nhân quyền”. Nhiều định nghĩa được giải thích, nhiều câu hỏi được giải đáp, nhiều văn bản, nghị quyết và Tuyên ngôn nhân quyền dã được đề cập để nêu rõ và làm nổi bật những điều cần thiết cho mọi công dân được hiểu biết về vấn đề bảo vệ người bảo vệ nhân quyền trong mọi điều kiện xã hội, nhất là xã hội Việt Nam.
Đặc biệt, Tọa đàm còn nêu rõ các khuyến nghị của Cộng đồng Quốc tế với VN trong kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát mà Việt Nam đã chấp nhận là những gì…
Nhiều người, dù đã có nhiều năm quan tâm, tham gia các hoạt động bảo vệ Quyền Con người. Nhưng có lẽ đến Tọa đàm này họ mới hiểu rõ hơn về những khái niệm căn bản, những điều khoản luật pháp cũng như các định chế quốc tế cho vấn đề này. Đặc biệt là những thủ đoạn, những lời lẽ buộc tội, tuyên truyền dọa dẫm vô căn cứ của báo chí và cơ quan công quyền đối với những người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam được giải thích rõ ràng đúng, sai và cách làm thế nào khi bị gán ghép những tội trạng đó…
Sau phần trình bày của diễn giả, là những câu hỏi, những cuộc thảo luận xoay quanh chủ đề làm thế nào để bảo vệ Quyền Con người và bảo vệ người bảo vệ quyền con người. Các câu hỏi nêu những trường hợp cụ thể, các khả năng có thể xảy ra đối với những người đã và đang có các hoạt động bảo vệ quyền con người.
Tất cả những vấn đề được nêu ra, hết sức cần thiết cho bất cứ một người dân, một nhà nước và một xã hội nào muốn tiến bộ.
Ngăn chặn bằng được: Nghịch lý?
Cần phải khẳng định rằng: Quyền Con người là một quyền bất khả xâm phạm và bất khả nhượng. Do vậy Tạo hóa đã sinh ra con người bình đẳng với nhau không phân biệt bất cứ xuất thân, thành phần, chủng tộc, màu da, tín ngưỡng… Vì thế, bất cứ một thể chế chính trị nào, muốn tồn tại đều phải có mục đích là phục vụ người dân mà trước hết bảo đảm cho người dân được những quyền căn bản nhất: Quyền Con người và sự bình đẳng của con người trong các quyền đó.
Chỉ có các chế độ phát xít, độc tài và diệt chủng hoặc phân biệt chủng tộc mới không quan tâm hoặc quan tâm không đầy đủ đển Quyền con người của công dân.
Khi mà một bộ phận trong một chế độ tự cho mình có đặc quyền, đặc lợi hơn những bộ phận khác trong xã hội, thì chúng không quan tâm đến Quyền con người của các bộ phận khác trong xã hội. Đó là chế độ độc tài.
Khi một thể chế chỉ coi dân tộc, giai cấp mình là đẳng cấp cao hơn các dân tộc, các giai cấp khác, không quan tâm đến sự bình đẳng giữa các dân tộc, thì đó là chế độ phát xít.
Việt Nam, một đất nước mà ngay từ 1945 đã khẳng định tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng trong Tuyên ngôn Độc lập[1] . Lại có một nhà nước “của dân, do dân và vì dân’ thì việc bảo vệ quyền con người và những người bảo vệ quyền con người lại càng phải được tôn trọng mới hợp lý.
Gần đây, Việt Nam vừa được bầu vào Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc, vậy việc phố biến kiến thức về bảo vệ nhân quyền và bảo vệ những người bảo vệ nhân quyền, các định chế quốc tế và trong nước về vấn đề nhân quyền… lẽ ra là việc của nhà nước.
Vì thế, khi công an, an ninh Việt Nam ngăn chặn việc Tọa đàm hôm nay đã tạo ra những điều như là nghịch lý ?
Tuy nhiên, chúng ta đều biết một nguyên lý cơ bản: Chống lại ánh sáng, chỉ có bóng tối.
Khi anh chống lại sự thật, thì anh đang đứng về phía dối trá.
Khi anh chống lại xu thế của xã hội dân chủ, thì anh đang đứng về phía độc tài.
Khi anh chống lại quyền con người, thì anh đứng về phía bất nhân.
Và sự quyết liệt của nhà cầm quyền khi ngăn chặn cuộc Tọa đàm hữu ích và cần thiết này, đã chứng minh họ đang đứng ở đâu trong xã hội loài người.
Hà Nội, ngày 30/11/2014
Blog J.B Nguyễn Hữu Vinh (RFA)
—————————————————
[1] Tuyên ngôn Độc lập 1945 – Hồ Chí Minh – đọc như sau: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đằng”. Theo tôi có thể là sự nhầm lẫn khi đọc hoặc do trình độ về ngữ pháp. Bởi thực tế thì không phải “tất cả mọi người đều sinh ra” vì có rất nhiều người không được sinh ra.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, chưa có ai phân tích rõ điều này là lỗi chính tả, ngữ pháp hay câu nói. Nên vẫn tạm hiểu theo nghĩa “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”. Ở đây cũng tạm dùng theo nghĩa đó.