WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Ngôi mộ gió

Ảnh mang tính minh họa

Ảnh mang tính minh họa

Trời tảng sáng, có những cơn gió dát mỏng hơi nước, luồn qua khe cửa, xoa nhẹ lên mặt, làm tôi chợt tỉnh. Mờ mờ qua khung cửa, mưa đang rây nhẹ, như rắc thủy tinh lên những cánh hoa treo lơ lửng đầu hè. Hà Nội có những giây phút lặng yên bất chợt đến như vậy. Và có lẽ, mãi đến mùng bốn tết đất trời mới giao hòa, mới thực sự vào xuân. Nó cho ta một cảm giác muốn được đi dưới cái mông lung vần vũ của đất trời. Tôi bật dậy, muốn ra khỏi thành phố, tìm về nơi mà bao năm trước cha mẹ đã cất bước ra đi.

Con đường từ Hà Nội về Nam Định đã được làm mới, nếu so với mấy chục năm về trước, quả thật khá đẹp và thuận tiện. Đi qua cầu treo Nam Định về các trấn Hành Thiện Xuân Trường, Cát Chử Trực Ninh, Giáo Lạc Nghĩa Hưng… đã có đường vành đai, không phải đi qua trung tâm thành phố.

Thật ra, miền biển Nghĩa Hưng không phải quê gốc của tôi. Nó chỉ là nơi ông nội tôi đã mua nhiều ruộng đất, lập ấp ở đó và có một phần tuổi thơ tôi đã đi qua mảnh đất nơi này. Và giờ đây, lại là nơi yên nghỉ vĩnh viễn của cha mẹ tôi, khi sang cát từ Hà Nội đưa về vào năm 2001.

Về đến quê, nhưng mưa phùn vẫn giăng kín cả bầu trời. Bóng thợ cấy, thợ cày xuống ruộng sớm đã nhấp nhô trên đồng. Ra mộ thắp hương cho cha mẹ xong, tôi tìm đến ông em viết nằm, nhà thơ Trần Hồng Giang, biên tập báo Văn Nghệ Nam Định. Vào nhà thấy hắn nằm nghiêng, gục mặt xuống, dùng tay teo tóp của mình kẹp bút vào má viết. Lặng yên nhìn những động tác nhẫn nại và cực nhọc ấy, tôi thực sự cảm phục nghị lực của hắn. Dường như có linh cảm, hắn ngẩng lên, thấy tôi, một chút sững sờ, rồi như reo lên: Em không ngờ anh lại về sớm như vậy…

Hàn huyên với Trần Hồng Giang đến quá giờ trưa, tôi đành phải từ biệt, đến nhà anh Cu Lớn thắp hương cho chị Hậu.

Nhà chị Hậu là nơi tôi tá túc thời chiến tranh. Ngày đó nhà chị còn ở ngay trung tâm xã. Sau này, nghe các đồng chí cán bộ dụ ngọt, chuyển ra gần khu nghĩa địa, nhà chị nhường cho nhà trẻ. Khi chị nhận đất và tiền đền bù xong, họ không làm nhà trẻ, mà nhượng hay “cúng cụ“ cho ông cán bộ cấp trên xây nhà nghỉ cuối tuần. Đắng cay quá, anh chị kiện cáo khắp nơi, nhưng kết quả chỉ dừng lại ở những lời hứa. Chịu hết nổi, cứ rượu vào anh Cu Lớn dắt dao đi tìm cán bộ. Do buồn và bệnh tật, chị Hậu nằm liệt giường. Năm ngoái nghe tin chị mất, từ Đức tôi không thể về đưa tang chị. Nhưng ký ức tuổi thơ với những ngày theo chị đi câu cáy, móc cua đồng làm tôi vẩn vơ mất mấy ngày.

Vào đến sân, thấy cửa nhà khép hờ, nên tôi ngó quanh. Có lẽ, từ trong nhà, anh Cu Lớn nhận ra tôi, nên chạy ra: Chú về từ khi nào? Chưa kịp trả lời, anh đã vồn vã kéo tôi vào nhà. Bên mâm cơm đang ăn dở, có người khách lạ cũng đứng dậy bắt tay tôi. Nghe giọng nói, tôi nghĩ anh là dân Bắc Kỳ di cư năm 1954. Anh Cu Lớn bảo tôi ngồi vào mâm và giới thiệu, người khách tên Phan Việt cũng từ Đức mới về. Nhưng tôi xin phép anh được thắp hương cho các cụ và chị Hậu trước. Phan Việt đưa cho tôi hộp quẹt và lẩm bẩm: Nhìn chú, anh thấy quen quen.

Bàn thờ vẫn ở trên nóc cái tủ chè gẫy chân, được kê bằng những viên gạch cũ chưa kịp vạc vữa đi như chục năm trước, khi tôi về thăm anh chị. Có khác chăng, chiếc ảnh thờ chị Hậu đã thế chỗ cho một trong ba tấm hình thờ cha và hai người anh liệt sĩ của chị…

Trở ra, chưa kịp ngồi vào mâm, anh Cu Lớn vỗ vào vai, đưa cho tôi chén rượu, rồi quay lại bảo Phan Việt: Ngày Mỹ ném bom, chú Trường sơ tán về nhà mình, thời gian đó bác và em đang lao vào chém giết nhau ở trong Nam.

Rồi anh Cu Lớn nhìn sang tôi mắt rấn rấn như có nước: Mấy cái truyện Mắm Cáy, Mùa Bão… của chú viết, khi còn sống, thỉnh thoảng chị lại lấy ra đọc. Đọc xong, cười rồi lại khóc, nghĩ cũng tội…

Chợt Phan Việt cắt ngang lời Anh Cu Lớn, hỏi tôi: Em là Đỗ Trường ở Leipzig?

-Vâng ạ.

- Thảo nào nhìn quen lắm, anh đọc chú nhiều rồi.

Tôi cảm ơn và hỏi quan hệ của anh với gia chủ để tiện xưng hô. Phan Việt còn đang ngập ngừng, anh Cu Lớn chỉ lên bàn thờ: Anh ấy vẫn ngồi trên nóc tủ đấy!

Tôi còn đang ngơ ngác, Phan Việt đi ra đóng cửa và xua tay, nhưng anh Cu Lớn cười: Việc gì phải đóng cửa, bác về làng xóm người ta xì xào bàn tán, có lẽ thằng xã, thằng huyện cũng biết cả rồi. Nhưng chúng nó giả vờ không biết, vì không thằng nào đủ can đảm phá ngôi mộ gió của bác ở nghĩa trang liệt sỹ mà thôi. Bởi lính chết càng nhiều, thì thành tích, huân huy chương của xã của huyện… càng cao, càng dày.

Vậy là tôi đã hiểu, trên nóc tủ thờ trước đây có ảnh ba người đàn ông trẻ, cười vô tư, đến nay chỉ còn hai…

Trời về chiều, mưa phùn đã thôi bay, chỉ còn những cơn gió bấc còn rơi rớt lại, tuy không buốt lạnh, nhưng cũng gai gai rờn rợn trong người. Anh Cu Lớn và Phan Việt tiễn tôi ra xe. Đi qua dãy nhà xây trên con sông mới lấp, trông như những lô cốt. Nhìn vào làng chẳng khác nào cô gái đang đẹp cắm cho cái mặt sứt môi, hở hàm. Phan Việt bảo, lấp sông bán đất xây nhà, có lẽ chỉ có ở Việt Nam thời nay mới nghĩ ra cái trò quái đản này. Anh Cu Lớn tập tễnh bước sau, miệng không ngớt chửi đổng. Đến trước nghĩa trang liệt sỹ, anh chỉ tay, mộ của anh Phan Việt ở trong đó.

Tôi đùa, người ta lập mộ, tế sống hơn bốn chục năm nay, anh sẽ sống dai lắm đấy. Phan Việt cười, dặn về Đức nhớ đến anh chơi.

Tôi bảo, tiện xe anh Việt lên Hà Nội chơi vài ngày rồi hãy vào Sài Gòn.

Anh bảo, không được, vì chị ấy đang ở Huế chờ anh. Ngày mốt, anh sẽ đi tàu từ Nam Định, đón chị vào Sài Gòn rồi về Đức luôn.

- Sao anh không đưa chị về thăm quê luôn?

-Lần này, thăm dò thôi, nếu không có vấn đề gì, lần sau anh đưa chị và các cháu về…

Tháng ba vừa rồi, đọc báo biết tôi bị trục xuất về Đức trên đường vào Sài Gòn, Phan Việt gọi điện, nói sẽ đến thăm tôi. Tôi trả lời, anh cứ nghỉ ngơi, ngày 26 tháng 4 tới, chở cháu út thi đấu giải vô địch bóng bàn quốc gia Đức ở Celle gần nhà, em sẽ tạt vào thăm anh…

Phải nói, cơ ngơi Phan Việt nằm trên khoảng không khá đẹp trong ngôi làng nhỏ với lối xây dựng trang trại biệt lập. Sau làng là cánh rừng thông nhân tạo, bao quanh nó bởi những cánh đồng lượn sóng, nhấp nhô. Dòng suối nhỏ chảy dọc theo con đường dẫn vào cổng nhà, từ xa nhìn như những bậc thang trắng mềm mại. Từ đây, về trung thành phố Hannover mất mười lăm, hai chục phút chạy xe. Khu nhà này, trước đây là nơi ở và làm việc của một đại gia đình nông dân, nhưng đã bỏ hoang nhiều năm, do vậy Phan Việt mua với giá như mua một căn nhà nhỏ nội đô. Anh bảo, gần hai chục năm nay, hầu như anh dành tất cả những ngày cuối tuần hay lễ tết tự cải tạo, sửa chữa, nó mới được như bây giờ.

Cuối tháng tư, về chiều ngoài trời vẫn còn lạnh. Phan Việt kéo cái lò than to vật vưỡng ra nhà kính giữa vườn nướng thịt cá, uống bia trò chuyện. Và câu chuyện đời anh được tái hiện… bắt đầu từ những cốc bia vào chiều tối ngày 26- 4- 2015 như vậy…

Thật ra Phan Việt họ Phạm. Anh là cháu đời thứ sáu của Hoàng Tam Đăng Phạm Văn Nghị. Sau khi đỗ liền ba kỳ thi(tú tài, cử nhân, tiến sĩ), cụ Phạm Văn Nghị đã được bổ nhiệm vào làm việc trong Viện Hàn Lâm và trải qua nhiều chức vụ quan trọng khác của triều đình. Năm 40 tuổi (1845) cụ cáo quan về vùng biển mở trường dạy học. Từ đây cụ khai khẩn lập ra trại Sỹ Lâm, nay thuộc ba xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Hùng và Nghĩa Hải huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định. Năm mậu ngọ 1858 khi tầu chiến Pháp nổ súng ở Đà Nẵng, cụ Phạm Văn Nghị lập ra đội quân nghĩa dũng 365 người, xin vua được tử chiến với giặc…

Có lẽ, xuất thân từ dòng dõi gia đình khoa bảng như vậy, nên Phan Việt học rất giỏi. Tuy là mảnh đất truyền thống hiếu học, nhưng sau cải cách ruộng đất, rồi lại chiến tranh, sức sống của nông dân cạn kiệt, đói khát đã đến với từng nhà. Do vậy, việc học vô cùng gian truân. Cả vùng, học cùng khóa với anh ở trường cấp 3 Nghĩa Hưng duy nhất có Nguyễn Quang. Và học trên anh cũng chỉ có Nguyễn Ngọc Am, Phạm Văn Bể, Ngô Gia Lễ và Trần Mạnh Hảo (nhà thơ).

Năm 1968 tốt nghiệp cấp ba, Phan Việt và Nguyễn Quang đủ điểm du học nước ngoài. Vì có bố là liệt sỹ chống Pháp và anh trai bộ đội tại ngũ ở chiến trường miền Nam, nên Phan Việt trong diện được xuất ngoại. Nguyễn Quang can tội có ông nội, chú bác cô dì đã di cư vào Nam, do vậy bị loại, buộc phải nhập ngũ. Thật ra, thành phần lý lịch như Nguyễn Quang, trước lệnh tổng động viên năm 1968 cũng không được phép đi bộ đội, mà con đường cũng như tương lai duy nhất lấy đít trâu làm thước ngắm. Bố Quang là Tuấn Quáng Gà, tuy mắt mũi kèm nhèm, nhưng lại coi cán bộ không là cái đinh gì. Hôm xã đội trưởng đến đưa giấy báo nhập ngũ cho Quang, ông đuổi thẳng cổ ra khỏi nhà và bảo:

-Không bao giờ tao cho thằng Quang mang súng vào trong đó bắn giết ông bà cô dì chú bác của nó đâu nhé!

Chuẩn bị lên trường ngoại ngữ nhập học, Phan Việt nhận được giấy báo tử của anh trai. Lòng căm thù Mỹ Ngụy sôi lên sùng sục, Phan Việt quyết định không du học nữa, xung phong vào bộ đội và đi chiến trường ngay tức thì. Trước quyết định ấy, nhiều người tiếc cho Phan Việt. Hôm tiễn quân lên đường, trong tiếng trống hừng hực xung trận, còn lẫn tiếng kẻng xèng xèng với tấm biển “ Hèn nhát như tôi là mất nước“ treo trên cổ Nguyễn Quang, đi vòng quanh khắp làng. Khi bước chân lên xe, Phan Việt nhìn thấy ông Tuấn Quáng Gà vẫn còn bị trói ở góc sân và cứ bị ám ảnh mãi lời nguyền vọng lên của ông: Thằng Phan Việt bỏ du học, rồi mày sẽ ân hận đấy!

Tôi hỏi, đến bây giờ anh có ân hận quyết định này không? Phan Việt trầm ngâm: Nếu cứ đi du học và trở về, biết đâu bây giờ tôi đã là cán bộ to, một con sâu béo trục béo tròn hả chú! Nói xong, anh khẽ rùng mình, tu cạn cả chai bia.

Sau mấy tháng huấn luyện ở Hoa Lư, Ninh Bình, Phan Việt được toại nguyện, hành quân vào Nam chiến đấu. Cuộc hành quân vòng qua đất Camfuchia xuống tận cùng đất Việt, quả thật gian nan, tưởng như không thể vượt qua của chàng học sinh Phan Việt, nhưng lòng hận thù đã giúp anh chiến thắng. Từ đây, Việt được bổ xung cho một đơn vị địa phương quân, hoạt động trên vùng sông nước Hậu Giang. Tuy địa bàn này ít xảy ra những trận đánh lớn, nhưng thường xuyên phải chống trả hoặc lùi sâu vào vùng đước trước những trận càn của quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Trải qua mấy năm như vậy, Phan Việt cũng có khá nhiều kinh nghiệm trận mạc trên vùng sông nước, đầm lầy. Nhưng một lần định mệnh, có lẽ do chỉ điểm, đơn vị Việt bất ngờ bị quân đội VNCH bao vây. Không lối thoát. Đáp lại sự kêu gọi đầu hàng, Việt và đồng đội chống trả quyết liệt. Trong trận quyết tử ấy, đơn vị Việt hoàn toàn bị xóa sổ…

Khi tỉnh lại, Việt mờ mờ nhận ra hai người đứng quay lưng về phía mình. Một mặc áo trắng có thể là bác sỹ và người kia có lẽ cũng là thương binh, bởi tay trái bị cuốn băng tròng trên cổ. Việt không biết mình đã bất tỉnh bao lâu và ở đâu. Anh định rồi dậy, nhưng không được. Nghe tiếng động, hai người đàn ông quay lại. Thoáng nhìn trên vai áo họ, Việt hốt hoảng nhận ra mình đang ở Quân y viện thuộc quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Thấy Việt mở mắt nhìn, người bác sỹ ra hiệu nằm yên và khám lại cho anh, rồi bảo: Tỉnh là tốt rồi, chúng tôi mới mổ và đã lấy đầu đạn ra cho anh. Yên tâm nằm tĩnh dưỡng, tuổi trẻ hồi phục nhanh thôi.

Nghe người bác sỹ nói giọng Bắc, Việt định hỏi, nhưng không thể cất thành lời. Rồi thấy ông nói nhỏ với người bị thương ở tay câu gì đó và bước đi. Người thương binh đứng tần ngần một lúc, bất chợt đi ra và nói với lại: Ông bạn nằm yên đó, chút nữa tôi quay lại.

Đến đây, đột nhiên Phan Việt dừng lại, giọng chùng xuống: Em biết không, hôm nay là ngày giỗ lần thứ mười của bác sỹ Đặng Huy Lưu, Trung tá Liên Đoàn Trưởng Quân Y Vùng 4, người đã cứu anh về cả thể xác lẫn linh hồn. Và năm nay cũng là hai mươi năm ngày mất của Đại úy Lê Đình Thụy, người đã cứu sống anh, sau này là người bạn thân thiết nhất và là anh vợ của anh. Nếu không có họ, chắc chắn ảnh của anh vẫn còn để trên nóc tủ và ngôi mộ ở quê không còn là ngôi mộ gió nữa…

Tôi cắt ngang lời Phan Việt, có phải bác sỹ Đặng Huy Lưu cũng người Nam Định và là tác giả tập thơ “ Mộng Vẫn Còn Say“? Phan Việt ngạc nhiên:

- Đúng vậy, nhưng sao em biết?

-Bởi em đã viết lời bình cho tập thơ này.

Phan Việt hỏi một cách bâng cua: Sao mình chưa được đọc nó nhỉ?

Trời vào đêm. Trăng đầu tháng treo ngược trên ngọn cây, chảy một màu vàng xuống dòng suối bậc thang đang đổ đều đều như giã gạo trước nhà. Tôi lặng nhìn một khuân mặt đã đi trước cái tuổi 65 của anh. Chị Hà vợ anh, chạy đi chạy lại tần ngần, một lúc sau mới nhẹ hỏi: Hai anh em còn dùng thêm gì nữa không? Tôi và anh đều khẽ lắc đầu. Và chợt nhìn xuống, tôi thấy dường như có một giọt nước trong mắt rớt vào vai anh, khi chị cúi xuống kéo chiếc nghế để ngồi.

Để phá tan không khí u buồn đó, dù cái thời đã đi rất xa rồi, tôi hỏi: Anh chị sang Đức năm nào? Không trả lời thẳng câu hỏi của tôi, nhưng anh tiếp lại câu chuyện với cái giọng nghèn nghẹn của mình.

Không biết do vô tình hay chủ ý, khi từ phòng hậu phẫu ra, quân y viện sắp xếp Phan Việt ở cùng phòng với Lê Đình Thụy, người bị thương ở tay. Trong hoàn cảnh này, Việt sẵn sàng chờ đợi sự trả thù hay một điều gì đó chẳng hạn. Nhưng đã mấy tuần trôi qua, không hề có chuyện gì xảy ra, ngoài việc bác sỹ đến khám và chăm sóc vết thương cho anh. Hay những ngày đầu khó khăn, Lê Đình Thụy dìu anh đi lại và giúp đỡ từ những công việc nhỏ nhất, kể cả vệ sinh cá nhân.

Sức khỏe Phan Việt hồi phục khá nhanh. Thời gian đầu, ngày nào bác sỹ Đặng Huy Lưu cũng tạt qua. Không biết có phải do cùng quê hay tình thương trách nhiệm của người bác sỹ dành cho tất cả bệnh nhân, mà lần nào cũng vậy, ông hỏi thăm Việt rất ân cần. Có tối, ông đi đâu đó về, tạt vào nói chuyện với Việt rất nhiều về xã hội, cuộc sống, lòng hận thù và luật nhân quả. Và cũng từ đó những nút thắt trong lòng Việt, dường như dần dần đã được cởi bỏ. Việt đã cảm ơn ông và các đồng nghiệp đã kéo anh từ tay thần chết trở về. Nhưng ông lại bảo, chính Lê Đình Thụy mới là người cứu sống anh. Bởi, mặc dù bị thương, nhưng thiếu úy Lê Đình Thụy vẫn cố gắng chỉ huy trung đội thu dọn chiến trường và đưa tất cả tử sỹ hai bên ra xe. Khi xác Phan Việt được hai người lính kéo qua, như có một linh cảm Lê Đình Thụy bảo dừng lại. Kiểm tra, tuy hơi thở rất yếu, nhưng chưa chết hẳn, anh gọi y sỹ. Hai người lính bảo, thằng này da nhạt phếch thế này, chỉ tý nữa là đi hẳn. Để em cho nó phát nhân đạo, thiếu úy cứu nó là gì mất công. Thụy trừng mắt, đừng làm bậy…

Vết thương đã khỏi hẳn, Lê Đình Thụy được nghỉ phép trước khi về đơn vị. Tuy nhà cách quân y viện không xa, nhưng hình như Thụy và Việt đêm ấy thức trắng trò chuyện. Những hàng rào và khoảng cách thực sự đã được xóa bỏ. Khi biết ước nguyện của Việt được đi học tiếp, Thụy rất ủng hộ. Và hồi chánh là con đường duy nhất lúc đó, để Việt có thể bước chân vào giảng đường đại học…

Rời trung tâm chiêu hồi Thị Nghè, Việt được Thụy giới thiệu về làm tạm trong xưởng ép mật mía của gia đình mình, ở thành phố Cần Thơ, để chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Tôi hỏi ngạc nhiên hỏi: Học bạ, văn bằng học hành của anh để cả ngoài Bắc làm thế quái nào mà người ta chấp nhận cho anh thi? Anh bảo, cũng nhờ can thiệp của Bộ chiêu hồi, Bộ giáo dục đặc cách cho anh thi lại tốt nghiệp trung học. Với anh, khó khăn nhất là sinh ngữ, nhưng sáu tháng chuyên tâm học, anh đã vượt qua tất cả. Cùng năm đó, anh thi vào Đại học kỹ thuật thuộc Viện Đại Học Cần Thơ với số điểm khá cao.

Năm 1974, đang học năm thứ hai, Phan Việt lập gia đình với Hà em gái Lê Đình Thụy. Rồi biến cố 30-4-1975 xảy ra, Đại úy Lê Đình Thụy bị bắt tại Xuân Lộc. Hà sinh cháu đầu. Dòng người tràn xuống Miền Tây tìm cách di tản. Biết ở lại là nguy hiểm, không chỉ cho bản thân mà cho cả gia đình ngoài Bắc, nhưng trong hoàn cảnh này, anh không còn đường để lựa chọn. Anh đành bỏ giảng đường, đưa vợ con về vùng Châu Phú, An Giang trồng cấy, chăn nuôi. Và lý lịch cũng như cái tên Phan Việt này, được vận vào đời anh từ đây…

Lê Đình Thụy bị bắt không lâu, vợ anh để hai con nhỏ lại cho ông bà nội, bỏ đi mất tích. Với Phan Việt, việc thăm nuôi Lê Đình Thụy trong trại cải tạo được đặt lên hàng đầu. Nhưng chiến tranh biên giới phía Nam, rồi lên phía Bắc lại bùng nổ, dòng người lại đổ ra khơi. Thụy giục vợ chồng Phan Việt bằng mọi giá phải rời khỏi Việt Nam. Lần lữa mãi, mùa hè năm 1979 vợ chồng Việt đưa cả hai con của Thụy vượt thoát và được chính phủ Tây Đức tiếp nhận.

Kể đến đây giọng Phan Việt chùng xuống: Tội nhất là Lê Đình Thụy, năm 1983 anh ấy ra tù, vợ chồng mình và các cháu làm giấy bảo lãnh, lằng nhằng mãi mới sang được. Nhưng anh ấy thần kinh có vấn đề, có lẽ bị ám ảnh bởi chiến tranh, nhất là những ngày bị tù tội, giam cầm. Chữa mãi không khỏi, do vậy anh ấy vùi đầu vào những cơn say và mất năm 1995, bởi ung thư gan. Theo nguyện vọng của anh ấy, vợ chồng mình đưa anh về chôn cất ở Việt Nam. Các con anh đều là kỹ sư, dù đã có gia đình và đã trên bốn chục cả, nhưng vẫn ở đây với vợ chồng mình.

Tôi hỏi, sau 1975 anh có liên lạc với gia đình không? Anh bảo, mãi khi anh sang tới Đức rồi, gia đình nhà vợ mới dám bí mật nhắn cho mẹ anh. Năm 1995 anh về, mẹ anh đã mất, cho người ra đón vợ chồng Hậu vào Cần Thơ, anh em gặp nhau. Hậu kể, nghe tin anh còn sống, mẹ vừa mừng vừa sợ. Tấm ảnh của anh trên bàn thờ, mẹ không cho gỡ xuống. Cu Lớn chồng của Hậu cười: Mẹ mất rồi, em cũng có dám cho anh gỡ ảnh xuống đâu.

Hôm rồi anh về nhìn nhà cửa rách nát, hỏi Cu Lớn, tiền anh cho sao không làm lại nhà. Cu Lớn bảo, Hậu vẫn sợ hàng xóm dị nghị, chính quyền nhòm ngó, không cho sửa. Tiền của anh, cho cả vào hộp sắt, cất vào trong ống luồng trên kèo nhà. Hậu mất rồi em cũng không muốn sửa nữa…
Dừng lại giây lát, Phan Việt thở dài: “Chỉ có tình yêu mới có thể hóa giải hận thù. Súng đạn và quyền lực có thể bắn trúng mục tiêu, chứ không bao giờ đi tới đích thực sự“

Đêm đã về khuya, trăng đã rớt khỏi ngọn cây, để lại một khoảng đen thẫm trên nền trời…

Leipzig 14-5- 2015

© Đỗ Trường

© Đàn Chim Việt

4 Phản hồi cho “Ngôi mộ gió”

  1. NON NGÀN says:

    NÓI VỀ CÁ NHÂN CON NGƯỜI VÀ CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ

    Con người là cái gì ở bên trong còn xã hội chính trị là cái gì ở bên ngoài. Lẫn lộn cái ở bên trong vả cái ở bên ngoài, hay lấy cái bên ngoài làm cái bên trong và ngược lại chỉ là sự ngu dốt và tàn ác.

    Con người là ở bên trong có nghĩa con người là ý thức, là sự hiểu biết, là trí tuệ, là tình cảm, là ước vọng tốt đẹp, không phải chỉ thân xác vật chất.

    Xã hội chính trị chỉ là cái ở bên ngoài, tức là hệ thống hay cơ cấu tổ chức hoàn toạn tạm thời, thay đổi với thời gian, chỉ mang tính cách phương tiện nào đó mà không hề là mục đích lâu dài hay vĩnh viễn.

    Học thuyết Mác hoàn toàn lầm lộn giữa cái bên trong và cái bên ngoài. Nó cho con người ở bên trong chỉ là vật chất, cho ý thức chỉ là vật chat, còn cho cái ở bên ngoài mới là mục đích, là cứu cánh, tức là sự tổ chức xã hội chính trị làm sao để hướng tới hay trở thành một giai cấp duy nhất và ảo tưởng là sẽ đi đến xã hội không giai cấp.

    Sự cưỡng bức hay sự chuyên chính của học thuyết Mác là nhằm mục tiêu và vai trò như thế. Tức hoàn toàn tiêu diệt con người bên trong, chỉ hoàn toàn còn lại con người bên ngoài, con người than xác thuần túy, bởi bị tướt đoạt tất cả mọi tư duy, tình cảm, chỉ còn lại duy nhất là tư duy cộng sản và tình cảm cộng sản nhưng nhân danh duy nhất là giai cấp công nhân.

    Thực tế giai cấp không nhân không bao giờ bị triệt tiêu trên thế giới, bởi vì còn khoa học kỹ thuật là phải còn giai cấp công nhân. Giai cấp cầm quyền cũng không bao giờ triệt tiêu trên thế giới, bởi vì còn xã hội nơi nào là phải còn chính quyền nơi đó.

    Chỉ khác là trong học thuyết Mác, giai cấp công nhân bị lợi dụng, bị dựng hình, vì không bao giờ họ cầm quyền nhưng vẫn được mệnh danh là giai cấp tiên phong, là đầu tàu của lịch sử v.v… và v.v…
    Trong khi đó giai tầng tiên tiến nhất là giới chuyên gia khoa học kỹ thuật, giới bác học khoa học mọi loại của xã hội con người, còn người công nhân chỉ luôn luôn là người thực hiện áp dụng kỹ thuật đã có trong các nhà máy xí nghiệp.

    Cũng từ các sự nhân danh đó mà giai cấp lãnh đạo trong học thuyết Mác đều trở thành những nhóm lợi ích, cầm quyền mà không được ai bầu ra vì họ chỉ nhân danh cách mạng, nhân danh giai cấp công nhân một cách giả tạo và ngang trái. Nên xã hội theo học thuyết Mác trở thành xã hội đàn bầy vì con người bên trong không có, chỉ còn con người thuần túy bên ngoài, tức những đơn vị người vật chất, người duy vật, làm theo lệnh và được hưởng theo sự ban phúc mà không phải được hưởng theo quyền lao động hay giá trị sản phẩm xứng đáng của họ.

    Đấy ý nghĩa quan trọng mối quan hệ giữa con người và chế độ chính trị là như thế. Con người và xã hội chính là cứu cánh, là mục đích, thì trong quan niệm chủ nghĩa Mác nó lại trở thành phương tiện, mà chính chế độ chính trị mới là mục đích, là tiêu chí nhấm tới. Sự lầm lẫn ngược ngạo như thế gây ra biết bao thảm trạng và tai hại và đó chính là lỗi lầm hay tội lỗi thậm chí là tội ác trong quá khứ gần hai thế kỷ qua của Mác đối với xã hội loài người.

    Xã hội và chính trị như vậy đã trở thành như một màn trình diến, một màn diễu tập giả tạo, và mọi con người thực tế đều bị cưỡng chế phải góp phần xây dựng, tạo nên màn trình diễn hoành tráng mà hoàn toàn phi nhân và giả dối đó. Nó chẳng khác gì thành một cuộc duyệt binh đầy kịch tính khiến con người trở thành những con người máy biết đi hoàn toàn cứng nhắc rập ràng để một số tay cầm quyền hãnh diện chiêm ngắm và tự sướng, tự thỏa mãn một cách hoàn toàn hợm hĩnh.

    Nên tóm lại chỉ có chế độ chính trị tự do dân chủ mới hoàn toàn là xã hội nhân văn, phù hợp với con người nhân văn khách quan muôn đời của xã hội con người. Có nghĩa xã hội chính trị hay chế độ chính trị phải hoàn toàn theo ý nghĩa khoa học, theo lý trí và lương tâm chung của nhân loại, không phải theo sự tưởng tượng gàn diên, dốt nát, phản thực tế, phi nhân văn, đi ngược lại bản chất khách quan tự nhiên nói chung của cá nhân con người và xã hội má chính Các Mác là người duy nhất và đầu tiên đã phịa đặt ra hoàn toàn phi lý trong lịch sử phát triển xưa nay của toàn nhân loại.

    NGÀN KHƠI
    (17/5/15)

  2. HồBãy says:

    !/ Viết văn là có thật có có hư cấu.Tuy nhiên trong bài vist này ,tôi tin có thật vì tác giã giới thiêu. nhân vật trong này hiên đang sống định cư vói tác giã và là bạn cùng quê vói tác giã,cùng vào trường sơn với tác giã..và đã được báo tử. Họ chĩ găp nhau khi về thăm g đ chi Hậu ,người đã nuôi dấu họ trong thời chiến Nam Bắc và biết là cùng định cư tại …
    Trong chiến tranh cái gì cũng có thể xãy ra,đó là phép lạ (mỉracle) ,Tuy nhiên ó 2 sự việc có vẻ (tôi nói có vẻ ….mhuw tôi biết) đó là khi gom tử thi cua phe bên kía (cs) thì chĩ có chôn tập thể sau khi đêm xác trên chiến trường đẻ báo cáo lên trên’ Phe ta ,phe đich :bao người chết bị thương,mất tich. Do đó người CB cs còn sống chĩ là tù binh . Và vói lòng nhân đạo cũng như tuân thủ luật tù binh LHQ, vnch đưa về QYV thương cho anh ta.ở một nơi nào đó (cách ly)trong b/v ,và có linh canh gác ,có hàng rào kẻm gai và khi người CB khỏe lại ,thì sẻ làm việc vói cơ quan an ninh điều ta khai thác của vnch và nếu có nguyện vọng xin hồi chánh sẻ cứu xét cho hồi chánh sau khi thành thật khai báo…Sau đó đưa vào trung tâm chiêu hồi học tập. Nếu có thân nhân miền Nam ,sau học tập chisnh sách một thời gian ,sẻ cho liên lạc với than nhân và sẻ cho phép ,nếu xét thấy có thể được ,thư 7 /CN được đón về nhà…(không có chuyện một người linh VC ,dù bị thương ,lại nằm chung phòng bênh vói thiếu úy “ngụy”. Chuyện săn sóc của th/u ngụy cho cb cs cũng có vẻ không thật nếu họ không phải có một tình máu mủ ruột thịt và đã nhận ra nhau và được người ông ,người cha căn dặn “cháu lo cho Em nó. Dù sao cung là anh em máu mủ.” hay “con lo cho Nó .Nó là con ut Bác trưỡng của con ,anh của mẹ ‘(giã dụ vậy),,,thì lúc đó mới có cữ chĩ thân tình quá đáng như vậy .Tôi đã gặp một hồi chánh viên được đón về nhà trong 2 ngày nghĩ cuối tuần. Anh ta là cháu một vị Đại tá QĐVNCH,bị bắt và sau đó được cải qua diện hồi chánh.Hôm đó bác anh ta có việc bận nên nh ta hay vì về nhà lại ghé sở làm đợi ông bác giãi quyết vài công việc gấp. Chúng rôi găp anh ta. và nghe anh ta kể chuyên ngoài Bắc cũng như hỏi anh ta vài chuyện. Anh ta có vẻ hơi xúc động và hút thuốc liên hồi(thuốc QTV và những điếu thuốc anh em mòi khi bao thuốc anh ta hết….Câu chuyên kể về HTX nuôi heo và làm sao đẻ làm heo liên hoan và bán chui ? Đó là mua một con heo có trọng luông nhỏ hơn (heo con) và đưa vào chuông khi bắt con heo mấp nhất lớn nhất.ếu có hanh tra thì số lượng heo vẫn đú…Câu chuyện qua mặt này đã làm chúng tôi phì cười cùng anh…và làm tôi nhớ tới hôm nay.
    HCV sau khi học tập được ra ngoài sống tự do như mọi người dân khác. Họ bươn chải kiếm sông nên sau tết MT68 ở Huế, khi bình yên,bên trong thành nội ,trên bở lề một con đường vẩn còn 2 mả và người ta cho biết một cái mả của một con heo và một cái mả khác là của một HCV đạp xe ba gác chở heo tới lò sát sinh cho kịp chợ Tết….
    3 nén nhang cho mổi ngôi mộ người và heo bởi trong chết chóc người dân vẩn coi người chết cũng là một sinh vật và vật chết cúng là một sinh vật.bình đăng như nhau,oan trá,nếu có,i như nhau và giãi thoát như nhau .Đó là Phật tánh ,không phân biết người vật hay cây cỏ…
    Vì chử chung sanh đâu phải chỉ dành riêng cho người ,sinh vật 2 chân !
    (HO7)

  3. Trần Huy Bách says:

    Cám ơn tác giả Đỗ Trường đã cho đọc một bài viết hay, cảm đông. Chỉ cần bài viết này, anh đã vẽ lại đầy đủ bức tranh thê lương của quê hương, những bi thảm giữa những người cùng một dòng máu, cùng một gia đình ruột thịt, đã bị những người Cộng sản, bằng lừa đảo và khủng bố, làm chia ly, tan tác và hận.thù chém giết lẫn nhau. Đã có bao nhiêu núi xương sông máu của dân tộc Việt Nam
    đổ ra vô ích, chỉ với mục đích duy nhất là để cho bọn Cộng Sản chiếm lấy (và củng cố) quyền lực, độc tài tham nhũng, cướp bóc tài sản của nhân dân, vơ vét tài nguyên của đất nước làm giàu cho cá nhân và bè lũ của chúng.
    Bài viết cũng là bản cáo trạng dành cho những người Cộng Sản. Dù họ vẫn còn nắm bạo lực trong tay và tiếp tục đè đầu cởi cỗ nhân dân, làm tay sai , bán nước cho Tàu, nhưng nhất định sẽ có một ngày bọn họ phải đền tội. Nhất định như thế. Khi lòng dân đã nổi sóng, sẽ tạo ngọn thủy triều ngày càng cao càng mạnh, con thuyền CS nhất định sẽ bị nhận chìm. Đó là quy luật tất yếu.
    Trần Huy Bách

  4. Vũ Thiện Tâm says:

    Cám ơn anh Đỗ Trường đã viết một bài thật hay. Đọc xong muốn rơi nước mắt. Chế độ VNCH bao giờ mới tìm lại được. Phan Việt bị thương, được săn sóc chu đáo, được vào đại học. Lính miền Nam mà bị bắt thì xong rồi. Chuyện này ở miền Bắc, thời XHCN thì chỉ có ‘MƠ’.
    Thế mà cái ‘THIỆN’, cái ‘VĂN MINH’ lại thua cái ‘ÁC’, cái ‘NGU DỐT’. Khốn nạn thật! Cái nghiệp của đất nước Việt Nam còn phải gánh chịu đến bao giờ.

Leave a Reply to Vũ Thiện Tâm