14 thông điệp của nhà báo Trương Duy Nhất trong 2 năm tù đầy
Tìm đọc lại các thông điệp trong hai năm tù của tôi, thấy thiếu. Cái đã đăng thì một số trang đăng lại có những câu chữ chưa chính xác và thiếu hụt. Nhiều lý do, trong đó có cả lý do tôi đang bị giam cầm, không biết, không đọc được để chỉnh sửa. Vì thế, xin đăng lại đầy đủ toàn bộ 14 thông điệp tôi gửi ra từ trong tù:
1/ Có loại tù làm người ta nhục nhã, nhưng có loại tù chỉ khiến họ vinh quang.
2/ Chỉ có thể cưỡng bức được hành vi, chứ không cưỡng bức nổi tư tưởng.
3/ Báo chí cũng tựa mô hình hợp tác xã (trong nông nghiệp), và weblog cá nhân là sự cởi thoát khỏi mô hình hợp tác tư tưởng ấy.
4/ Cho tôi góp một ngọn sóng cùng muôn vàn cơn sóng sục sôi căm giận của con dân Việt, để nếu cần hãy biến thành những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa trên biển.
Với các quan chức lãnh đạo quốc gia: Ta luôn kêu gọi quá nhiều ở ý thức công dân, nhưng đã khi nào hỏi ngược ở ý thức nguyên thủ? Được lòng dân hay mất lòng dân thể hiện rất rõ trong những thời khắc này. Đấu tranh cương quyết hay “mềm mỏng khôn khéo” gì nhưng chung qui đừng có hèn với giặc ác với dân.
Với các sử gia, các học giả, trí thức, các nhà văn nhà báo, những trí thức cầm bút: Không những lên tiếng, mà còn phải ghi chép lại một cách trung thực, tỉ mỉ chi li để con cháu đời sau còn biết mà phân rạch được ai là Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung… Còn ai là Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống. Ai là “đồng chí X”, là “bầy nhóm X” ăn tàn phá hoại đất nước.
(Nhân sự kiện Biển Đông tháng 5/2014)
5/ Góp ý phê bình chính phủ không phải là hành vi phạm tội. Chẳng có luật pháp nào lại đi kết tội một công dân khi họ lên tiếng góp ý phê bình, thậm chí phản biện, hiến kế cho chính phủ. Nếu vẫn tồn tại một điều luật nào như thế thì thay vì kết tội, hãy tìm cách xoá bỏ điều luật phi nhân này. Nếu không (hoặc chưa) xoá bỏ được, thì hãy xuất hiện nhiều hơn những nhà báo như Trương Duy Nhất, nhiều hơn những sự lên tiếng như Trương Duy Nhất và nhiều hơn những hành vi gọi là “phạm tội” như Trương Duy Nhất.
6/ Đấy không chỉ là sự tôn vinh dành riêng cho Trương Duy Nhất hay bất cứ một cá nhân nào, mà là sự vinh danh cho chức phận cao cả của những nhà báo trên khắp hành tinh này. Nhất là với các quốc gia mà quyền con người, quyền dân chủ, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hoặc nói dân dã hơn là cái quyền được lên tiếng, được mở miệng còn nhiều hạn chế, ngăn trở.
Đặc biệt hơn khi giá trị anh hùng này chính là sự khích lệ, thúc đẩy, khơi nguồn cảm hứng làm nảy sinh ngày càng nhiều hơn những anh hùng khác, những giá trị anh hùng khác, những tiếng nói khác, những sự lên tiếng khác.
Đấy mới chính là giá trị anh hùng hơn cả những anh hùng.
(Thông điệp ngay sau khi nhận tin Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF) phong tặng và vinh danh Trương Duy Nhất là 1 trong 100 “Anh hùng thông tin thế giới”)
7/ Chúng tôi, Nguyễn Văn Hải Điếu Cày và nhà báo Trương Duy Nhất thay mặt các nhà báo Việt Nam đang bị cầm tù gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình, đồng nghiệp của hai nhà báo Mỹ James Poley và Steven Sotloff, gia đình bạn bè của tình nguyện viên người Anh và công dân Pháp vừa bị lực lượng phiến quân Hồi giáo IS sát hại.
Chúng tôi bày tỏ sự lo lắng và cảm thông sâu sắc đến gia đình các con tin đang bị giam giữ bởi các tổ chức khủng bố.
Chúng tôi ủng hộ mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế chống khủng bố và mọi nỗ lực để giải cứu, đòi trả tự do cho các con tin.
Chúng tôi kêu gọi các nhà báo Việt, các tổ chức báo chí truyền thông, đồng nghiệp trên toàn thế giới lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ các nhà báo đang tác nghiệp tại những vùng chiến sự nguy hiểm và các quốc gia độc tài về truyền thông, thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, bảo vệ nhân quyền.
8/ Hãy lên tiếng!
Chính phủ cần ở một nền báo chí phê bình phản biện hơn là một nền báo chí tụng ca. Để có được một xã hội thật sự dân chủ, tiến bộ, văn minh, cần có nhiều hơn những nhà báo như Trương Duy Nhất, nhiều hơn những sự lên tiếng như Trương Duy Nhất, nhiều hơn những hành vi gọi là “phạm tội” như Trương Duy Nhất.
(Thông điệp gửi qua bạn tù Nguyễn Văn Hải Điếu Cày trước khi anh ra tù sang Mỹ)
9/ Năm mới, vạch mặt những “đồng chí X” mới, những “thằng X” mới, những “bầy nhóm X” mới.
Năm mới, xuất hiện nhiều hơn những Trương Duy Nhất mới, Nguyễn Quang Lập mới, Nguyễn Hữu Vinh mới, Hồng Lê Thọ mới, nhiều hơn những “Một góc nhìn khác” mới, “Quê choa” mới, “Ba sàm” mới, “Người lót gạch” mới.
(Thông điệp đầu năm 2015)
10/ Hãy nhìn xem một thể chế ứng xử với các góp bàn phản biện nghịch tai từ các nhân sĩ trí thức của họ ra sao để biết họ- cái thể chế đó văn minh ở mức nào.
11/ Từ trong tù, Trương Duy Nhất gửi lời chúc mừng năm mới, cảm ơn tất cả anh em, bạn bè, bạn đọc, các chính phủ, đại sứ, lãnh sự, các cá nhân và tổ chức văn bút, báo chí truyền thông, nhân quyền đã quan tâm động viên Trương Duy Nhất trong suốt hai năm qua.
Sức khoẻ, tự tin, bản lĩnh. Đó là lời nhắn của Trương Duy Nhất gửi đến Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Hữu Vinh, Hồng Lê Thọ và các nhà văn, nhà báo, các nhân sĩ trí thức khác, các nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền đang bị cầm tù. Chỉ có thể cưỡng bức được hành vi, chứ không cưỡng bức nổi tư tưởng.
Với vợ con và gia đình hai bên nội ngoại: Có loại tù làm người ta nhục nhã, nhưng có loại tù chỉ khiến họ vinh quang. Hãy tự hào vì gia đình, dòng tộc có được một người cha, chồng, con, cháu là nhà báo Trương Duy Nhất, chứ không phải là một “đồng chí X”, một “thằng X” ăn tàn phá hoại đất nước mà đến giờ, đi bất cứ đâu, chỉ cần nhắc đến cái tên đã nghe dân tình khinh miệt, phỉ nhổ.
(Lời chúc Tết Ất Mùi 2015)
12/ Từ trong tù, Trương Duy Nhất gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình anh Nguyễn Bá Thanh. Cuộc đời như Nguyễn Bá Thanh, sự nghiệp chính trị như Nguyễn Bá Thanh, để lại được một “tác phẩm” như Đà Nẵng cũng đáng để sử sách tạc ghi. Một sự nghiệp, một tài năng, một dấu ấn chẳng dễ gì có “đồng chí X” nào làm được. Nguyễn Bá Thanh đã tạo nên một hiện tượng Đà Nẵng. Và chính anh cũng thành một hiện tượng: Hiện tượng Nguyễn Bá Thanh. Một hiện tượng đặc biệt trên chính trường Việt. Đến ngay cả sự ra đi của Nguyễn Bá Thanh, cái chết của Nguyễn Bá Thanh cũng là một… hiện tượng!
(Lời chia buồn nhân sự ra đi đột ngột đầy dấu hỏi của Trưởng ban Nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh, cựu Bí thư thành uỷ Đà Nẵng)
13/ Chất lượng giáo dục là chất lượng con người. Chất lượng con người là chất lượng chế độ. Giáo dục đào tạo sao để hạn chế, tránh cho ra lò những sản phẩm X bất tài dốt nát. Rồi không may những sản phẩm X đó, những con người X đó, những “đồng chí X” đó với kiến thức lôm côm hụt hẫng đến mức viết chưa sạch lỗi chính tả cũng chen chân vào bộ máy lãnh đạo, chễm trệ điều hành cả chính sách kinh tài quốc gia thì khốn khổ cho cái dân tộc này.
(Dặn vợ- Tiến sĩ, giảng viên đại học)
14/ 40 năm kết thúc chiến tranh, lại nảy sinh một cuộc chiến khác với những kẻ thù khác: Những kẻ thù mang danh “đồng chí”. Những “đồng chí X” mà chính đảng Cộng sản phải cảnh báo là “mối đe doạ đến sự tồn vong của đảng và chế độ”. Đã xác định là “mối đe doạ đến sự tồn vong”, là kẻ thù thì phải tiêu diệt, loại trừ. Vạch trần, tống cổ hết những “đồng chí X”, “bầy nhóm X” ăn tàn phá hoại đất nước khỏi bộ máy không chỉ là yêu cầu cấp thiết cho mục tiêu cải cách chính trị, thể chế, mà có thể gọi đó là một cuộc cách mạng giải phóng khác cần có trong lúc này.
(Thông điệp 30/4/2015)
Theo Facebok Trương Duy Nhất
KHOA HỌC VÀ CHÍNH TRỊ
Khoa học là giá trị phổ quát, nó đúng cho bất cứ ai, bất cứ thời nào và nơi nào, vì nó luôn khách quan, chính xác.
Bởi vậy nếu chính trị là một khoa học, đó là một chính trị tốt. Ngược lại chính trị chỉ là cảm tính, là phong trào, là chủ quan, là lý thuyết mù quáng, chỉ là các kiểu chính trị tầm ruồng, làm hại con người, làm hại xã hội.
Nói như vậy có nghĩa chính trị nhất thiết phải là lý trí, không thể chỉ tình cảm thấp kém hay tầm thường. Có nghĩa chính trị phải là một hệ thống lý thuyết và thực hành dựa trên khoa học, không phải trên thị hiếu, trên giáo điều, trên sự mê muội kém tri thức hay phi tri thức.
Có nghĩa chính trị càng gần với khoa học càng tốt, còn càng gần với tôn giáo thì càng tệ hại cho xã hội nhất. Chính trị gần với khoa học là chính trị khách quan, có nghĩa phải luôn tự do dân chủ, để tham khảo được ý kiến của mọi người, của toàn dân, có là kiểu chính trị hiểu biết, chính trị trí thức, tức chính trị khoa học đúng đắn. Trái lại chính trị kiểu ý thức hệ mù quáng là chính trị đi gần với tôn giáo, tức với giáo điều, với niềm tin mù quáng, với cảm tính, với độc tài, với bị động, thụ động và tiêu cực. Nó chỉ làm trì trệ xã hội, trì trệ con người, trì trệ lịch sử.
Các Mác tự cho học thuyết của ông ta là chủ nghĩa khoa hoc, có nền tảng khoa học, cho nên ông chủ trương chuyên chính. Nhưng thật sự học thuyết Mác không phải là học thuyết khoa học, ngược lại là phản khoa học, phản và phi thực tế, vì ông ta mê tín vào lý thuyết biện chứng trừu tượng tư biện của Hegel, như vậy không mang tính chất thực nghiệm, không mang ý nghĩa và giá trị thực tế khách quan. Bởi vậy chính sự tự phong, tự cho là khoa học là ý nghĩa thu hút được rất nhiều người cộng sản theo Mác, vì ông cho những lý thuyết CS trước ông đều không tưởng, chỉ có lý thuyết của ông là lý tưởng. Do đó, sự độc đoán trong tư duy của Mác lẫn sự độc đoán trong thực tế của học thuyết Mác lại làm di hại đến con người nhiều nhất, đến xã hội nhiều nhất.
Thế nên ngày nay mọi người VN yêu nước, trong đó kể cả những người cộng sản, tức đảng viên CS nếu có, phải đưa dân tộc đến một nền chính trị khoa học mà không phải ở mãi trong kiểu một nền chính trị tôn giáo hóa, tức giáo điều, độc đoán hóa và ngu dân hóa.
Bởi chính trị khoa học hóa toàn dân mới là nền chính trị tốt, tập hợp được trí tuệ toàn dân, còn chính trị ngu dân hóa toàn dân hoàn toàn là thứ chính trị tồi và nguy hiểm, vì nó chỉ có trí tuệ hạn hẹp của một thiểu số hạn chế. Cái trước là ý nghĩa và giá trị của tự do dân chủ khách quan đúng nghĩa. Cái sau là ý nghĩa của mọi sự độc tài tăm tối, mù quáng, chủ quan, phản động, và làm trì trệ hóa xã hội.
Có nghĩa, đó là một nền chính trị mở, có sự nghiên cứu thật sự khoa học về lý thuyết lẫn thực tế. Không phải chỉ dựa trên niềm tin tiền chế nào đó về lý thuyết và dựa trên những mô thức thực tế, tức mô thức thực tế nào chỉ mang tính chất tiền chế, đã có sẳn, đã bế tắt, mà không bao giờ được cách tân, tiến bộ hay khai mở ra được.
Điều này có nghĩa giai tầng trí thức phải đưa lên hàng đầu, đội ngũ báo chí phải đưa lên hàng đầu. Bởi trí thức là nguồn gốc của khoa học, còn báo chí là nguồn gốc của mọi thống tin có ý nghĩa, ích lợi và giá trị về mặt thực tế. Tức đó là đội ngũ trí thức tự do, chân chính, không phải kiểu gà mờ, tay sai ngu dốt và thụ động, ích kỷ. Còn đội ngũ báo chí cũng phải là báo chí tự do, độc lập, chỉ vì mục đích khách quan, mục tiêu xã hội, không phải loại báo chí công cụ, chỉ vì lợi ích riêng của cá nhân hay bè nhóm.
Như vậy rõ ràng chỉ có một xã hội tự do dân chủ đích thực, tức thực chất, không hình thức, không giả dạng hoặc không tà mị, lợi dụng, thì mới giúp cho nền chính trị của đất nước đi gần lại với khoa học, đồng nhất với khoa học mà không phải ngược lại chỉ là một thức chính trị ý thức hệ lỗi lời kiểu thiển cận, mê tín, giả tạo, chủ quan hay độc đoán.
Nói tóm lại, khoa học và chính trị đúng nghĩa phải luôn song hành nhau, bổ sung, hỗ tương nhau, hoặc thống nhất nhau, đó thực sự là một nền khoa học không xa rời thực tiển và một nền chính trị không xa rời khoa học. Chỉ có thế mới giải phóng được con người, giải phóng được xã hội. Vì tự do báo chí đúng nghĩa và chính trị khoa học đúng nghĩa thực chất thực chất đều chỉ có cùng nền tảng hay cùng là một.
Có nghĩa một nền chính trị tốt hay tối ưu hóa phải nhìn vào con người chân chính, xã hội chân chính, tức con người và xã hội thực tế, khách quan muôn thuở, không phải chỉ kiểu nhân danh giai cấp một cách phản khoa học, phi thực tế và ngu xuẩn, mà chính Các Mác hoặc đã cố tính hay cố ý phạm phải sai lầm mà ngày nay gần suốt hai trăm năm qua trong lịch sử xã hội loài người tất cả mọi người thức giả ngày nay đều nhìn thấy rõ.
Võ Hưng Thanh
(14/6/15)