WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

“Báo chí cách mạng”…vì đâu nên nỗi?

Chủ đề của báo chí cách mạng ngày nay?

 

Ngày báo chí 21 tháng 6 năm nay được đón chào bằng mấy sự kiện đặc biệt, rất đặc trưng của một nền báo chí được gọi là “báo chí cách mạng”.

Gần nhất là việc 3 phóng viên bị công an đả thương tại Hà Nội vào ngày 18/6. Trước đó, vào đầu tháng 6, hai nhà báo ở Sài Gòn bị hành hung, cướp đoạt tài sản (1). Bên cạnh những vụ việc “kém vui” xẩy ra cho các phóng viên, nhà báo như vừa kể, thì lời than não nề về tình trạng báo chí của ông Hữu Thọ trong buổi hội thảo “Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số” tại Hà Nội ngày 10/6 có thể được coi như dấu chấm hết, hay sự vỡ trận truyền thông, đúng vào dịp “mừng” ngày báo chí.

Trong buổi hội thảo này, ông Hữu Thọ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, tức là người đã một thời cầm cây gậy chỉ huy toàn bộ ngành truyền thông báo chí của đảng, đã than thở rằng, chưa bao giờ uy tín báo chí giảm sút như hiện nay. Đến nỗi nhiều người không dám nhận là nhà báo, vì báo chí sai sự thật quá nhiều (2).

Trước đó không lâu, có lẽ để đáp lại bảng xếp hạng tự do báo chí thế giới năm 2015, trong đó VN đứng hạng 175 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát; vào hạ tuần tháng tư, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã lên tiếng “tự hào” rằng: “VN có nhân quyền và tự do báo chí hơn nhiều nước khác”. Ông Nguyễn Bắc Son tự hào thì cũng đúng thôi, vì quả thật, VN hơn được những 5 nước cơ mà!

Với những sự kiện đó, ngày báo chí VN năm nay được tô đậm nét bằng nhiều cuộc hội thảo rầm rộ. Như thường lệ, các quan chức đầu đảng, đầu nước đến tham dự các buổi hội thảo này “trang bị” cho những người làm báo một lô khẩu hiệu về “vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa”, về “bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam” v.v… Trong số những quan chức này, có lẽ ông Nguyễn Thiện Nhân là người thực tế hơn cả. Ông nói về nhu cầu “Nâng chất lượng đào tạo nhân lực báo chí” (3).

Phải chăng vì phóng viên, nhà báo VN dở?

Nhưng, có phải vì phóng viên, nhà báo VN dở, nên cần phải được nâng cao chất lượng đào tạo như ông Nguyễn Thiện Nhân nói ở trên? Hay vì nguyên nhân nào khác mà báo chí cách mạng VN lâm vào tình cảnh bết bát hiện nay?

Bên cạnh đó, có phải vì những người làm báo VN quá kém cỏi nên đưa tới tình trạng mà chính Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã phải than thở rằng: “Chưa bao giờ chúng ta có một đội ngũ làm công tác tư tưởng đông đảo như bây giờ, phương tiện hiện đại nhanh nhạy như bây giờ, vậy mà mình lại để “trận địa” như thế. Phải làm sao? Hơn 800 cơ quan báo chí. Hàng ngàn ấn phẩm. 17 ngàn nhà báo. 1 đội quân tuyên truyền miệng. Cả một hệ thống chính trị, dân vận. Nhưng xảy ra chuyện gì mình có nắm được cụ thể không? Có định hướng được dư luận không? Có tạo ra đồng thuận không? Hay bản thân mình cũng chập chờn, không biết thế nào lại đi hỏi, rồi bàn tán râm ran trong xã hội?”(4)

Với đội quân báo chí 2 sư đoàn, gần 20 ngàn nhà báo được đào tạo bài bản; có nghĩa là, trước khi trở thành nhà báo, các sinh viên ban báo chí hẳn đã được học hành và thực tập nhuần nhuyễn từ những cách viết báo căn bản cho đến cách viết một đề tài trong giới hạn số chữ nào đó, cách khai thác một bản tin theo nhiều hướng khác nhau ở những lớp cao hơn, v.v…. Với quá trình được học tập và đào tạo như vậy, cộng thêm thời gian chập chững thực tập, trình độ và nghiệp vụ (nói chung) của nhà báo VN dù không khá hay giỏi đi nữa, thì cũng không thể nào kém cỏi. Như vậy, sự bết bát của “báo chí cách mạng” ắt là phải do nguyên nhân khác đưa đến. Từ câu hỏi này, cần phải tìm hiểu mục tiêu và chức năng của báo chí cách mạng là gì? Được thực hiện ra sao, để dẫn đến hậu quả ngày hôm nay.

Mục tiêu của báo chí cách mạng

Khác với báo chí ở các quốc gia tự do, báo chí được coi là “quyền lực thứ tư” bên cạnh ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; vai trò của báo chí Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản (CS) lại hoàn toàn khác. Blogger Lý Toét đã cho độc giả biết khá tường tận về vai trò của báo chí cách mạng như sau: “Ngay từ thời còn ở trong trứng nước, đảng CS đã xem báo chí là mặt trận quan trọng nhất. Hai công tác khẩn trương lúc đó là Tổ chức và Tuyên truyền. Tổ chức đảng và tổ chức quần chúng đấu tranh, tổ chức tới đâu tuyên truyền tới đó. Rồi trên cơ sở tuyên truyền mà phát triển tổ chức, trên cơ sở tổ chức mở rộng mà phát triển tuyên truyền, cứ thế như là một phản ứng dây chuyền (4).

Cho đến nay, tuyên truyền vẫn là mục tiêu hàng đầu của báo chí cách mạng. Mục tiêu này được xác định hẳn hoi trên trang báo điện tử của đảng CSVN (5) và được triển khai thành những công tác cụ thể cùng mục tiêu phải đạt được cho báo chí (và các phương tiện tuyên truyền khác) trong công tác tư tưởng.

Ba công tác tuyên truyền (trong 5 công tác tư tưởng) của báo chí là: a/ Cổ vũ, động viên quần chúng tự giác, chủ động, tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. b/ Cổ vũ, động viên quần chúng tự giác, chủ động, tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. c/ Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cao đẹp mà cốt lõi là bồi dưỡng xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Và thước đo quan trọng nhất của hiệu quả tuyên truyền là mức độ “hoàn thành nhiệm vụ chính trị” của báo chí. (6)

Tham dự mấy buổi hội thảo nhân ngày báo chí vừa qua, cả ông Nguyễn Phú Trọng lẫn ông Nguyễn Tấn Dũng đều lập lại những mục tiêu trên.

Tóm lại, tuyên truyền là mục đích cũng là chức năng quan trọng và sống còn của báo chí cách mạng. Do đó, Phương châm của báo chí cách mạng là phải trung thành tuyệt đối với đường lối của đảng. Tức là đồng nghĩa với việc khẳng định đường lối của đảng luôn luôn đúng và tốt đẹp; các thế lực thù địch luôn luôn xấu và sai.

Đặc tính của báo chí cách mạng

Vì mục tiêu và chức năng của báo chí cách mạng hoàn toàn khác với báo chí ở các nước tự do dân chủ nên đặc tính của báo chí cách mạng cũng khác với báo chí ở những nước này. Bình thường, báo chí được coi như phải gắn liền với sự thực, hoặc ít ra là càng gần sự thực càng tốt. Nhưng báo chí cách mạng thì chỉ cần “một nửa sự thực” là đủ. Những ai mon men đến gần sự thực là có ngay “cây gậy tuyên giáo” trừng phạt. Nhẹ thì mất việc, khai trừ,…. Nặng thì có các điều 258, 79, 88 bộ luật hình sự chờ đợi.

Vì không cần thông tin sự thực mà chỉ cần “lạc quan cách mạng” nên báo chí cách mạng không ngại ngùng đăng tải những tin bịa đặt, đôi khi đến độ ngu ngốc. Chẳng hạn như khoảng cuối thập niên 70, đầu 80 của thế kỷ trước, trong khi người dân ăn bo bo và nền kinh tế đang đứng trên bờ vực thẳm thì trang nhất báo Nhân Dân luôn luôn đầy kín những tin tức về các vụ mùa bội thu, hay các xí nghiệp sản xuất vượt chỉ tiêu; hoặc tin tức nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy “một ký lô lá sắn bổ bằng hai ký lô thịt bò”.

Ngay trong thời đại tin học ngày nay, tờ báo An Ninh Thế Giới của ngành công an vẫn “hiên ngang” đăng tin bịa đặt về chiến công “tiêu diệt 2 hàng không mẫu hạm của Mỹ tại biển Lý Hòa và Đồng Hới” (7) hoặc tin về anh du kích nào đó chỉ cần một tay kéo ghì chiếc trực thăng xuống để tiêu diệt…

Cùng với những đặc tính vừa kể, báo chí cách mạng cũng hình thành nhiều loại “văn hoá” rất khác người. Một trong những loại văn hoá đó là “văn hoá phong bì” mà người ta đã biết đến.

Nhà báo trong làng báo chí cách mạng và ban Tuyên Giáo Trung Ương

Với mục tiêu, chức năng, tôn chỉ và các đặc tính nêu trên của báo chí cách mạng; các nhà báo và phóng viên đều phải làm việc dưới cây gậy chỉ huy của ban Tuyên Giáo Trung Ương qua các buổi “giao ban” ngày thứ ba hàng tuần. Nhiều nội dung giao ban đã được tuồn ra cho báo chí “lề trái”, nên những cuộc giao ban vào các thời điểm có những vụ việc “nhạy cảm” phải thực hiện bằng miệng, hoặc qua điện thoại, chứ không bằng văn bản nữa.

Trong môi trường làm việc như vậy, tài năng và đạo đức của những người làm báo đã dần dần bị thui chột đi, thay vào đó là sự phát triển của những cung cách làm việc thiếu lương tâm, vô đạo đức của “một bộ phận không nhỏ” những người làm báo.
Tuy vậy, chắc chắn vẫn còn rất nhiều nhà báo có tài năng và lương tâm, thỉnh thoảng lách qua được khe hở của ban tuyên giáo cung cấp sự thực đến cho độc giả.

Một thí dụ đầu năm ngoái, trong vụ án Vinalines, báo Tuổi Trẻ đã thực hiện đúng phương châm của báo chí là “nhanh chóng” và “sự thực”, phát và đăng lại đầy đủ lời khai cuả ông Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines, liên quan đến hành vi khuất tất của các tướng công an Phạm Quý Ngọ và Trần Đại Quang, khi mà ban tuyên giáo chưa kịp có phản ứng bưng bít. Một thí dụ khác là những tin tức liên quan đến ông Nguyễn Bá Thanh trên trang mạng “Chân Dung Quyền Lực”. Cả hai tin tức này đã được quần chúng đón nhận nồng nhiệt, thổi một luồng sinh khí vào những tờ/trang báo sở hữu các tin đó.
Hai thí dụ vừa nêu cho thấy khả năng và nghiệp vụ của nhiều nhà báo không hề thấp kém như điều mà ông Nguyễn Thiện Nhân đặt ra để nói về nhu cầu “nâng cao năng lực báo chí” trong ngày báo chí cách mạng. Trên thực tế người ta tin rằng nếu được hoạt động tự do, các nhà báo VN ngoài khả năng phản biện còn có khả năng phanh vui đến nơi đến chốn nhiều vụ việc chấn động không chỉ đối với VN mà cả thế giới.

Chẳng hạn như vụ ăn hối lộ của tướng công an Trần Đại Quang (qua lời khai của Dương Chí Dũng mà mọi chi tiết liên hệ vẫn còn nguyên vẹn ở đó), hay vụ 600 bánh heroin (329 kg) chui qua hàng rào hải quan VN trót lọt để bị phát giác ở Đài Loan rồi im luôn. Kinh nghiệm cho thấy những vụ lớn như vậy chắc chắn phải do những người thuộc hàng lãnh đạo quốc gia mới có thể thực hiện trót lọt cả khâu vận chuyển lẫn bưng bít. Hoặc vụ việc con trai ông Nguyễn Phú Trọng phạm tội hiếp dâm gây chấn động ở Nhật khoảng 10 năm trước, nhưng đã nhanh chóng ém nhẹm được cả với giới truyền thông Nhật Bản.

Kết luận

Tóm lại, như đã phân tích ở trên, nền báo chí cách mạng VN èo uột không phải là do sự thiếu năng lực của các phóng viên, nhà báo VN, mà chính là do sự lãnh đạo của đảng. Một điều hiển nhiên là trong thời đại tin học ngày nay, nếu có điều kiện người ta dễ dàng tìm hiểu được sự thực. Từ đó, sự mập mờ, dối trá và những khẩu hiệu vô hồn của đảng trên báo chí cách mạng sẽ không còn đất sống.

Điều này cũng cho thấy, dù có nhiều cơ quan truyền thông, báo chí, nhưng đều nằm trong tay nhà nước và sinh hoạt môi trường thiếu tự do thì chỉ đưa đến kết quả là tốn tiền thuế của người dân song song với sự ngu dân, chứ không đem lại sinh khí cho báo chí.

Những thí dụ như vừa nêu ở phần trên cũng cho thấy, khi nào báo chí nằm ngoài, hoặc lách được sự đè nén của ban tuyên giáo trung ương thì lập tức sẽ khởi sắc.

Ngoài ra, với nục tiêu và chức năng tuyên truyền, tiêu chuẩn của báo chí cách mạng là phải “hồng”. Tiêu chuẩn này đến nay, ngoại trừ những kẻ “ngậm miệng ăn tiền”, ít còn được ai chia sẻ. Chính vì tiêu chuẩn này mà đảng và nhà nước không bao giờ dám để cho báo tư nhân hoạt động. Trước đây, báo tư nhân được đảng coi là “báo phản động”, bây giờ đảng gọi là “thế lực thù địch” nên đảng lại càng lo sợ hơn.

Vì vậy, để “khai dân trí – chấn dân khí – hậu dân sinh” hầu canh tân con người và đất nước VN thì nhu cầu đều tiên là phải đấu tranh cho bằng được quyền tự do báo chí. Tiến trình đấu tranh này thực sự đã đạt nhiều kết quả nhờ cuộc cách mạng tin học, với các trang mạng độc lập chiếm lĩnh trận địa báo chí như ông Nguyễn Phú Trọng đã than thở ở trên. Ngay cả báo chí cách mạng trong luồng cũng đã có nhiều nỗ lực đẩy bung cách cửa bưng bít. Đẩy bung đến đâu thì dùng tài năng để “chêm cửa “đến đấy. Không cho đảng đóng sập lại nữa.

Kết quả cuộc đấu tranh “ai thắng ai” của ngày hôm nay đã càng ngày càng rõ.

———————————————————

Ghi chú:
1. Phóng viên báo Năng Lượng Mới bị công an hành hung?, https://www.danluan.org/tin-tuc/20150618/phong-vien-bao-nang-luong-moi-bi-cong-an-hanh-hung
2. “Đau lòng vì chưa bao giờ uy tín báo chí giảm sút như hiện nay”, http://laodong.com.vn/xa-hoi/ai-se-bao-ve-khi-nha-bao-bi-hanh-hung-de-doa-340992.bld
3. Nâng chất lượng đào tạo nhân lực báo chí, http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/245164/nang-chat-luong-dao-tao-nhan-luc-bao-chi.html
4. Báo chí cách mạng: hồng và chuyên, http://xacbacxangbang.blogspot.ca/2012/06/bao-chi-cach-mang-hong-va-chuyen.html
5. Báo chí cách mạng là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=410565&co_id=30296#%C2%A0
6. Thước đo đánh giá hiệu quả công tác tư tưởng, http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30111&cn_id=633018
7. Tiêu diệt được 2 hàng không mẫu hạm của Mỹ tại biển Lý Hòa và Đồng Hới, http://antg.cand.com.vn/vi-vn/phongsu/2009/4/69139.cand

 

3 Phản hồi cho ““Báo chí cách mạng”…vì đâu nên nỗi?”

  1. CÁCH MẠNG VÀ BÁO CHÍ

    Cách mạng và báo chí cũng giống như bất cứ điều gì tốt đẹp và thiết yếu trên cuộc đời này là phải theo đúng chính nguyên lý hay bản chất khách quan của nó. Bởi khách quan có nghĩa là tính chân lý, tính sự thật, tính đúng đắn, tính hiệu quả và tính giá trị. Trái lại, chủ quan chỉ phần lớn là hỏng hóc, sai lầm, giả tạo, vô giá trị, mất ý nghĩa, và tai hại. Sự khác nhau này cũng giống như sự khác nhau giữa cây mọc tự nhiên, cây trồng trong chậu, và cây héo khô.

    Nên có một số nguyên lý hay bản chất khách quan tự nhiên là : quyền tự do, quyền tư hữu, quyền sáng tạo, quyền sống, và ý nghĩa đạo đức. Quyền sống ở đây là quyền sống của con người nên bắt buộc phải đi theo với nguyên tắc đạo đức. Điều này hoàn toàn trái với quyền sống tự nhiên của mọi sinh vật khác. Do đó tất cả mọi tính cách độc tài độc đoán đều vô lý, nó chỉ làm hại đối với quyền sống chính đáng của con người mà không là gì khác. Bởi không ai có thể nhân danh bất cứ điều gì để khống chế toàn bộ xã hội theo cách tùy tiện, chỉ trừ ra đó chính là nguyên lý tự do dân chủ một cách thực sự.

    Các Mác là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại chủ trương vô sản, chủ trương cách mạng theo kiểu chuyên chế giai cấp, nhưng lại hiểu giai cấp một cách sai lầm và giả tạo, nên tựu trung mọi cái gì mà Mác gọi là cách mạng thực chất chỉ là phi cách mạng và phản cách mạng. Bởi cách mạng không phải muốn làm gì thì làm theo chủ quan, theo thị hiếu, theo cảm tính, mà phải là trên cơ sở khoa học, khách quan, lý tính, nhất là trên cơ sở và bản chất nhân văn.

    Bởi vậy báo chí tự do và đạo đức hoàn toàn không mâu thuẫn gì với cách mạng chân chính bởi vì đó là yêu cầu tự nhiên, là bản chất tự nhiên, vì nó phù hợp với nhân văn, nên cũng phù hợp với mọi yêu cầu đổi mới chính đáng của xã hội. Trái lại cách mạng theo kiểu Mác muốn đưa toàn thể nhân loại vào trong vóng khống chế duy nhất và chủ quan theo cách suy nghĩ của Mác, thực chất đó không phải ý nghĩa xã hội chân chính hay cách mạng chân chính mà chỉ là ngụy xã hội, ngụy cách mạng, vì nó chỉ làm nô lệ hóa con người, nô lệ hóa xã hội một cách toàn diện, sai trái và độc ác nhất.

    Vậy thì cách mạng đúng nghĩa là cách mạng hay yêu cầu làm mới xã hội theo đúng bản chất khách quan, đó là yêu cầu luôn luôn tự nhiên và bao giờ cũng có, không khí nào kết thúc và không khi nào công thức. Và tự do báo chí cũng chính là cánh tay đắc lực của ý nghĩa cách mạng như thế, bởi phù hợp với ý nghĩa tự do đúng đắn, ý nghĩa sáng tạo, đổi mới đúng đắn của toàn xã hội không ngừng đi lên.

    Trái lại, học thuyết của Mác là một hệ thống khép kín, tiền chế, công thức, cô lập với mọi bản chất phát triển khách quan, tự nhiên của lịch sử xã hội, do vậy báo chí cũng được theo đó sử dụng thành một công cụ nô lệ hóa xã hội, tức chỉ nói theo một chiều của kẻ cầm quyền, kẻ thống trị toàn bộ xã hội một cách tùy tiện, ch

    • Trái lại, học thuyết của Mác là một hệ thống khép kín, tiền chế, công thức, cô lập với mọi bản chất phát triển khách quan, tự nhiên của lịch sử xã hội, do vậy báo chí cũng được theo đó sử dụng thành một công cụ nô lệ hóa xã hội, tức chỉ nói theo một chiều của kẻ cầm quyền, kẻ thống trị toàn bộ xã hội một cách tùy tiện, chủ quan mà ngay từ đầu Mác cho như thế là cách mạng, là xã hội, là nhân văn, mà thực chất đó chỉ là phản cách mạng, phản xã hội, phản nhân văn.

      THƯỢNG NGÀN
      (25/6/15)

  2. Trần Vinh says:

    “… nền báo chí cách mạng VN èo uột không phải là do sự thiếu năng lực của các phóng viên, nhà báo VN, mà chính là do sự lãnh đạo của đảng”. Trích .

    mà Đảng CS Việt Nam là bè lũ nói láo, nói láo thấy rõ :”… bảng xếp hạng tự do báo chí thế giới năm 2015, trong đó VN đứng hạng 175 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát; vào hạ tuần tháng tư, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã lên tiếng “tự hào” rằng: “VN có nhân quyền và tự do báo chí hơn nhiều nước khác”. Ông Nguyễn Bắc Son tự hào thì cũng đúng thôi, vì quả thật, VN hơn được những 5 nước cơ mà!”.

    Thế cho nên “… dối trá và những khẩu hiệu vô hồn của đảng trên báo chí cách mạng sẽ không còn đất sống”.

Leave a Reply to TIẾNG NGÀN