Vụ lộ diện 58 cán bộ “cả nhà làm quan” tại 9 tỉnh, thành: “Vợ bí thư, em chủ tịch” đều có ghế
Sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nội vụ kiểm tra các vụ việc báo chí phản ánh lãnh đạo một số địa phương tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà vào các đơn vị do mình quản lý. Kết quả của Bộ Nội vụ xác định có 58 trường hợp có quan hệ họ hàng tại 9 địa phương. Trong đó, nhiều trường hợp được biết đến từ lâu như vợ Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, em ruột Chủ tịch UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế…
Hiện tượng “cả nhà làm quan”
Thời gian vừa qua, dư luận và báo chí có phản ánh về việc “cả nhà làm quan” tại một số tỉnh trên địa bàn cả nước. Sau khi nhận được chỉ đạo, Bộ Nội vụ đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xác minh thông tin này.
Theo đó, ngày 17.2, tại cuộc họp báo thường kỳ thông tin công tác của đơn vị, ông Nguyễn Tiến Thành – Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ – cho biết: Sau khi Thủ tướng giao Bộ Nội vụ kiểm tra các vụ việc báo chí phản ánh lãnh đạo một số địa phương tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà vào các đơn vị do mình quản lý, Bộ Nội vụ đã khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát, tổng hợp tại 9 địa phương bị phản ánh (từ ngày 31.10 – 3.11.2016).
Kết quả kiểm tra của Bộ Nội vụ xác định, số người nhà của một số lãnh đạo tại 9 địa phương theo báo chí phản ánh là 60 người, thực tế 2 người không có quan hệ họ hàng. Theo ông Thành, trong số đó người nhà có quan hệ ruột thịt là 18 (có chức vụ 15 người), số người nhà có quan hệ họ hàng là 40 người (có chức vụ 22 người). Số người làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước là 24 người, cơ quan Đảng là 6 người, cơ quan đoàn thể là 10 người, đơn vị sự nghiệp là 14 người. “Qua kiểm tra, việc bổ nhiệm đang còn thiếu tiêu chuẩn, chứng chỉ, trình tự thủ tục…” – ông Thành nhấn mạnh.
Sau khi kiểm tra, Bộ Nội vụ cũng đã báo cáo Thủ tướng và đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, thủ trưởng các đơn vị liên quan tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý các tổ chức cá nhân để xảy ra thiếu sót trong công tác bổ nhiệm.
Bổ nhiệm lãnh đạo sai vẫn được chờ xử lý
Ông Nguyễn Hữu Tuấn – Quyền Chánh Thanh tra, Bộ Nội vụ – nêu một số trường hợp cụ thể như: Trường hợp bà Phạm Thị Hà (vợ ông Triệu Tài Vinh – Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang) – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – thiếu trình độ ngoại ngữ B. Trường hợp ông Phạm Sỹ Quý (em trai bà Phạm Thị Thanh Trà – Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái) – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái – chưa đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính, hiện đang học lớp quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính.
Còn tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, bà Lê Thị Thêm – Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện A Lưới (vợ ông Hồ Xuân Trăng – Bí thư Huyện uỷ A Lưới) – thời điểm bổ nhiệm bà này không có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định.
Trường hợp ông Hồ Thanh Hà – Phó Trưởng phòng Tài chính, Kế hoạch huyện A Lưới (em vợ ông Trăng), việc tiếp nhận đối với ông Hà từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện A Lưới về công tác tại UBND huyện không thực hiện trình tự, thủ tục tuyển dụng theo quy định của Luật Cán Bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thời điểm bổ nhiệm ông Hà không có bằng lý luận chính trị, không đủ thời gian giữ ngạch chuyên viên 3 năm trở lên và không có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định tại quyết định, đồng thời không thực hiện trình tự, thủ tục bổ nhiệm.
Trường hợp bà Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Hiệu trưởng Trường THCS dân tộc nội trú huyện A Lưới (em ruột ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện A Lưới). Tại thời điểm bổ nhiệm, bà Hà không có trình độ lý luận chính trị theo quy định. Đối với TP.Đà Nẵng, bà Trần Thị Thu Vân – Phó Trưởng phòng Tổ chức, hành chính, tài vụ, Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế Đà Nẵng (em dâu ông Võ Đình Thạnh – nguyên Giám đốc Trung tâm) – không cung cấp được tài liệu liên quan đến phiếu và biên bản kiểm phiếu, kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với Phó Trưởng phòng.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng cho biết, thời gian tới sẽ tổng kết, đánh giá, đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Thi đua khen thưởng; đồng thời khẩn trương bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu, chuyển công tác. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước.
Theo Laodong.com