WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Được gặp lại nhau là quý hoá lắm rồi

Ghi chép dọc đường của Đoàn Thanh Liêm

Từ cuối tháng Ba 2012, tôi đã khởi sự chuyến viễn du Mùa Xuân Nhâm Thìn được dự trù kéo dài trong 3 tháng. Để bắt đầu tôi rời khỏi nhà ở miền Nam California vào ngày 27 để đi tới thành phố Denver thủ phủ của tiểu bang Colorado. Sau đó, tôi tiếp tục đi tới các thành phố Oklahoma là thủ phủ của tiểu bang Oklahoma, rồi đến Fort Worth, Irving, Arlington, Dallas, Austin và Houston – cả 6 thành phố sau này đều nằm trong tiểu bang Texas mà Austin là thủ phủ. Trưa chủ nhật 22 tháng Tư, tôi đã đến thành phố Atlanta thủ phủ của tiểu bang Georgia. Về phương tiện di chuyển, tôi đi cả bằng máy bay, xe lửa Amtrak, xe bus Greyhound và xe cá nhân do bà con chuyên chở.

Cũng như trong mấy chục chuyến đi vòng quanh lục địa nước Mỹ mà tôi đã thực hiện liên tục trong hơn 10 năm gần đây, lần này tôi vẫn theo đuổi ba công việc cùng một lúc, đó là: a/ đi thăm viếng bà con bằng hữu tại nhà riêng của mỗi người (vãng gia = home visit), b/ tham dự các phiên họp, các seminar về xây dựng hoà bình, chuyển hóa tranh chấp (peacebuilding, conflict transformation) và c/ tiếp tục công việc nghiên cứu về văn hóa xã hội đã khởi sự từ nhiều năm nay.

Nói chung, thì đi đến đâu tôi cũng đều được bà con và bạn hữu tiếp đón rất thân tình nồng hậu. Nhờ vậy mà tinh thần tôi thêm phấn chấn lạc quan vì được bà con khích lệ, cổ võ và hỗ trợ cho công việc tôi theo đuổi từ lâu nay trong lãnh vực công tác xã hội, tranh đấu nhằm bảo vệ nhân phẩm và nhân quyền cho người dân Việt Nam, cũng như trong việc nghiên cứu tìm hiểu về kinh nghiệm xây dựng và phát triển văn hóa xã hội trên thế giới ngày nay.

Trong bài này, tôi muốn ghi lại những điều tai nghe mắt thấy trong chặng đầu tiên của chuyến đi dài ngày này. Và để bạn đọc tiện bề theo dõi câu chuyện, tôi xin tường thuật về những cuộc gặp gỡ trao đổi với thân nhân và bạn hữu theo từng thành phố mình vừa ghé qua trong vòng tháng Tư năm 2012.

1Thành phố Denver tiểu bang Colorado.

Điện Capitol trụ sở Quốc hội Colorado

Denver là một thành phố ở độ cao đến một dặm (1,600 mét) mà người Mỹ gọi là “one mile high city”, nhưng vào cuối tháng Ba lúc tôi đến thì khí hậu khá ấm áp, ban ngày chỉ vào khỏang trên dưới 70 độ F tức là cỡ 20 độ C. Nắng xuân chan hoà êm dịu và cây cối xanh tươi đua nhịp với ngàn hoa muôn sắc nở rộ cùng khắp các nẻo phố phường. Trước đây, tôi đã nhiều lần đến thăm thành phố này, nhưng vì toàn vào mùa hè nên tôi đã không được thưởng ngoạn cảnh sắc tươi đẹp như lần này.

Công việc chính yếu của tôi là tham dự Đại hội Thường niên năm 2012 của tổ chức Ân xá Quốc tế Phân bộ Hoa kỳ (Amnesty International USA = AIUSA) như tôi đã viết bài tường thuật vào ngày 7 tháng Tư lúc ở thành phố Dallas Texas. Tại thành phố Denver này, tôi được gia đình anh chị Tống Đình Thỉnh là người cháu gọi tôi là chú chăm sóc nơi ăn chốn ở cho khá tươm tất và suốt 3 ngày anh Thỉnh và cháu Việt Tiên đã thay nhau chở tôi đến tham dự Đại hội của AIUSA được tổ chức tại khách sạn Marriott trong khu trung tâm thành phố.

Anh chị Thỉnh mới vào độ tuổi ngòai 60, hiện làm chủ một hãng chế biến thực phẩm giò chả, bò viên tương đối lớn tại Denver – mỗi tuần sản xuất đến vài ba ngàn ký thực phẩm cung ứng cho thị trường địa phương và còn cho cả vùng đông bắc nước Mỹ qua dịch vụ chuyên chở xuyên bang nữa. Hãng chế biến thực phẩm này có bảng hiệu là “Hương Duyên” toạ lạc trên đường Colfax trong nội ô thành phố và được sự kiểm soát nghiêm ngặt mỗi ngày của viên chức đặc trách về thanh tra y tế thuộc chính quyền địa phương. Với thiết bị máy móc hiện đại, nên nhà máy chỉ phải sử dụng số ít nhân công chừng 7 – 8 người, nên mấy cha con và bà con ruột thịt trong gia đình cùng hợp nhau ra tay cáng đáng lấy hết. Nhờ vậy, mà hãng sản xuất vẫn giữ được mức hoạt động êm thắm và sự tín nhiệm của khách hàng các nơi từ trên 20 năm nay.

Đó là vài nét sơ lược về lề lối làm ăn kinh doanh sản xuất của gia đình, nhưng điều khiến tôi tâm đắc hơn cả đó là vì cả hai anh chị Thỉnh đều rất chú trọng đến việc giáo dục uốn nắn con cái ngay từ khi các cháu còn ở tuổi thơ ấu – nên hầu hết các cháu đều đã tốt nghiệp tại các trường đại học có uy tín ở địa phương. Chỉ trừ cháu út chưa lập gia đình riêng, còn thì 6 cháu đều đã có vợ có chồng và có con cái đàng hoàng. Đặc biệt hiện đang có 3 cặp vợ chồng còn ở chung với cha mẹ trong căn nhà khá rộng rãi tại thành phố Arvada cách xa trung tâm Denver chừng 15 phút lái xe. Các cháu kêu tôi bằng ông và mấy đứa con của họ là cháu nội ngoại của anh chị Thỉnh thì được cha mẹ dậy cho phải kêu tôi là “Ông Cố” cho đúng phép cơ đấy. Ở vào tuổi sấp xỉ “bát tuần” rồi, tôi đã nghiễm nhiên được lên chức Ông Cố, thì điều đó tưởng cũng là điều bình thường dễ hiểu vậy thôi.

Nhóm "Occupy Denver" tại công viên trước Điện Capitol

Nhưng điều đáng nói hơn cả trong chuyến thăm viếng Denver lần này, đó là tôi được toàn bộ gia đình anh chị Thỉnh cùng các con đều hết lòng hỗ trợ tinh thần cho công việc tham gia tranh đấu Nhân quyền của tôi. Đặc biệt cháu út gái Việt Tiên lại đã từng tình nguyện về làm việc tại Việt Nam để giúp đỡ các nạn nhân của tệ nạn buôn người (human trafficking) riêng trong hai tỉnh An Giang – Đồng Tháp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long trong khuôn khổ của tổ chức Pacific Links trước đây vài năm – thì cháu có sự hiểu biết và thông cảm sâu sắc với nỗi khó khăn bế tắc của các gia đình nghèo túng tại nông thôn Việt Nam hiện nay. Vì thế mà cháu cũng dành ít thời gian rảnh rỗi để đi theo tôi vào thăm các quầy triển lãm của AIUSA và còn tham dự một phiên họp cuối cùng trước lễ Bế mạc của Đại hội thường niên 2012 vào ngày chủ nhật mồng 1 tháng Tư.

Việt Tiên còn nói là cháu sẽ tìm cách tham gia sinh hoạt với các bạn sinh viên trẻ trong Nhóm Amnesty tại địa phương nữa. Tôi thật vui mừng được thấy cháu sẵng sàng tham gia hoạt động trong lãnh vực tranh đấu Nhân quyền như vậy. Và tôi cũng đã tâm sự với cháu rằng: “Thế hệ cao tuổi như tôi chỉ mong được lớp người trẻ cỡ 25 – 30 tuổi như cháu đứng ra thay thế trong nhiệm vụ xây dựng xã hội, có như vậy thì tương lai của quê hương đất nước Việt Nam mới có cơ tiến bộ tốt đẹp hơn nữa được…” Đó là điều có tính chất phấn khởi khích lệ tích cực nhất đối với tôi trong suốt một tuần lễ sinh sống với gia đình anh chị Thỉnh tại Denver năm 2012 này vậy.

2 – Thành phố Oklahoma City tiểu bang Oklahoma

Vào ngày 3 tháng Tư, tôi lại lên máy bay từ Denver để đi thăm anh bạn Nguyễn Văn Cường tại Oklahoma City. Từ sáng sớm bữa đó, trời đổ tuyết phủ trắng xóa các bụi cây và mái nhà tại Denver, nhưng tôi chưa thấy lạnh nhiều. Sân bay Denver vẫn hoạt động tấp nập bình thường và chỉ mất hơn một giờ bay, thì tôi đã tới Oklahoma City vào buổi trưa. Nơi đây, anh Cường đã đợi sẵn và chở tôi về nhà anh cũng không xa bao nhiêu so với khu trung tâm thành phố.

Anh Cường xuất thân từ Học viện Quốc gia Hành chánh và đã từng giữ chức vụ Phó tỉnh trưởng tỉnh Lâm Đồng. Nhưng sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, dù thật khốn khó gian nan vất vả, anh đã trì chí tìm cách lẩn tránh được việc “đi tù học tập cải tạo”  và chỉ vài năm sau thì anh đã đem được cả gia đình vượt biên qua đất Mỹ. Vốn có sự năng động tháo vát, anh Cường đã làm việc liên tục một thời gian dài cho hãng GM ngay tại Oklahoma cho đến ngày về nghỉ hưu từ mấy năm gần đây. Lúc tôi đến, thì chị Cường lại đang bận rộn với chuyện làm ăn giao dịch ở bên tiểu bang North Carolina thuộc miền Đông nước Mỹ, nên trong nhà chỉ có duy nhất một mình anh mà thôi, vì các cháu đều đã có gia đình và dọn ra ở riêng rồi.

Anh tâm sự trước đây cũng tham gia nhiều với hoạt động chính trị của cộng đồng địa phương, nhưng gần đây thì anh chuyên chú vào loại sinh hoạt văn hóa nhiều hơn. Cụ thể là anh dùng thời gian đi nhiều nơi để khích lệ giới trẻ tham gia vào phong trào Việt Võ Đạo nhằm rèn luyện thể xác cũng như tinh thần – trong ý hướng phục vụ quốc gia dân tộc sau này. Anh nói: “Trong khi phát triển về Võ Thuật, thì cũng cần phải chú trọng đến cái lý tưởng căn bản – đó chính là phương diện tinh thần của Võ Đạo nữa. Vì có như vậy, thì việc huấn luyện đào tạo cho thế hệ trẻ mới có tác dụng lâu bền và sâu sắc được…”

Anh dành trọn một ngày để đưa anh Nguyễn Trọng là một nhà báo kỳ cựu và tôi đi thăm viện Bảo tàng thật đồ sộ ở Oklahoma, đó là “National CowBoy & Western Heritage Museum”. Trước đây tôi đã tới Oklahoma nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên nhờ có anh Cường hướng dẫn, tôi mới được biết đến một cơ sở văn hóa có tầm cỡ quốc tế như thế này. Anh Cường cho biết là nhiều tiểu bang đã tìm cách thiết lập Viện bảo tàng loại này tại địa phương của mình, nhưng cuối cùng thì Oklahoma đã dành được ưu tiên để xây dựng được một kỳ tích thật độc đáo mà có sức lôi cuốn đông đảo khách tham quan như Viện Bảo tàng này. Anh cũng cho biết là Oklahoma còn đang vận động gây thêm quỹ để hoàn thành một Viện Bảo tàng khác chuyên về lịch sử văn hóa Bản địa gọi là “Native Indian Heritage” nữa. Anh Cường cho biết giới lãnh đạo ở Oklahoma quả thật là có viễn kiến lớn lao trong việc phát triển kinh tế cũng như văn hóa xã hội tại một vùng đất xưa kia là nơi cuối cùng để dành riêng cho các bộ lạc Indian bị bứng khỏi các địa phương khác trên đất Mỹ qua những cuộc hành trình gian khổ đày nước mắt được gọi là “Trail of Tears”.

Sau một ngày hướng dẫn chúng tôi đi thăm Viện bảo tàng CowBoy này và một Viện bảo tàng khác nữa của Sư đoàn Bộ binh 45  (The 45th Infantry Division Museum), anh Cường mới bộc bạch tâm sự như sau:  „Được đích thân chứng kiến những kinh nghiệm xây dựng và phát triển quốc gia thật là tiến bộ của người Mỹ như tại tiểu bang Oklahoma này đây, mà mình lại thật bất lực chẳng có điều kiện để mà thi thố áp dụng cho đất nước mình cho dân tộc mình, thì rõ ràng đó là một nỗi đau đớn ray rứt khôn nguôi đối với tôi vậy!”  Và tôi nghĩ đó cũng là nỗi niềm chua xót cay đắng của nhiều bà con khác hiện là nạn nhân của chế độ độc tài toàn trị cộng sản mà vẫn còn hoành hành trên quê hương Việt Nam chúng ta, khiến bóp nghẹt hết mọi thiện chí và khả năng sáng tạo của nhiều tầng lớp nhân dân trong nước cũng như ở hải ngoại vậy.

Người bạn khác nữa mà tôi gặp lại ở Oklahoma lần này, đó là nhà thơ Xuân Bích. Anh là người kết nghĩa thân thiết với nhà thơ Hà Thượng Nhân vừa qua đời ở San Jose California vào cuối năm 2011 vừa qua. Hai chúng tôi đã có dịp khơi lại cái kỷ niệm sâu sắc với một bậc Niên trưởng trên văn đàn này mà được nhiều văn hữu âu yếm tặng cho cái danh hiệu là “Hà Chưởng Môn”. Bà Hà Thượng Nhân cũng mới qua đời sau Tết Nhâm Thìn vừa đây, và anh Xuân Bích cũng đều ân hận là không có thể đến tận California để tiễn đưa cả hai ông bà là những bậc trưởng thượng mà anh rất quý mến và gắn bó mật thiết trong nhiều năm qua. Vốn theo đuổi nghiệp văn, anh Xuân Bích vẫn tiếp tục việc sáng tác và biên khảo nhằm cống hiến cho thế hệ trẻ ở hải ngoại những tác phẩm có giá trị về thi ca cũng như về lịch sử văn học Việt Nam cận đại. Anh có tặng tôi một tập thơ viết trực tiếp bằng Anh ngữ mà được các giáo sư người Mỹ đậy tại Đại học Central Oklahoma giới thiệu nồng nhiệt. Tập thơ nhỏ này có nhan đề là “Double Sorrow” hiện là bạn đường thân thiết của tôi trong cuộc hành trình dài ngày qua nhiều tiểu bang trên đất Mỹ và qua cả đến bên Âu châu nữa đấy.

Sau hai ngày ngắn ngủi thăm bạn ở Oklahoma, vào ngày thứ Năm 5 tháng Tư, tôi lại lên xe lửa Amtrak để đến thăm nhiều bạn hữu và bà con khác tại vùng Dallas – Fort Worth cũng như thủ phủ Austin và thành phố Houston thuộc tiểu bang Texas. Trong một bài sau, tôi sẽ viết tiếp về các cuộc gặp gỡ thăm viếng tại đây.

Cũng như đã được ghi ở phần trên của bài viết này, tôi thật vui mừng phấn khởi được gặp lại những bà con thân thương và bằng hữu quý mến trong suốt một tháng qua tại mấy tiểu bang thuộc vùng Trung Tây nước Mỹ (MidWest). Nói chung thì ở đâu, tôi cũng đều nhận được sự tiếp đón ân cần và chăm sóc chu đáo của bà con cũng như của bạn hữu, đồng thời cũng nhận được sự thông cảm và khích lệ đối với công cuộc tranh đấu Nhân quyền mà tôi đã theo đuổi từ nhiều năm nay.

Quả thật “Bạn bè là Phúc lộc Trời cho” đối với bản thân tôi vậy (Friends are Blessings).

 Atlanta Georgia ngày 24 tháng Tư 2012

Phản hồi