“Gặp nhau cuối năm” lần đầu ở Vac-sa-va
Sẽ còn tiếp tục những năm sau – là lời khẳng định của danh hài Xuân Bắc và nhóm những nhà tổ chức, đa số là các bạn thanh niên trẻ.
Đêm “Gặp nhau cuối năm” với sự góp mặt của nhiều cây hài nổi tiếng Việt Nam hiện nay như Quang Thắng, Công Lý, Vân Dung, Tự Long, Quốc Khánh, cặp vợ chồng Chí Trung, Ngọc Huyền và các ca sỹ Hoàng Hài, Mỹ Dung… đã đem lại nhiều tiếng cười sảng khoái và những tràng vỗ tay vang dậy cho khoảng 1000 khán giả tại Cung Văn Hóa, trung tâm thủ đô Ba Lan, hôm 23/12.
Với đa số khán giả đây là những gương mặt quen thuộc mà họ đã nhiều năm xem trên VTV4 trong các chương trình hài kịch hay ca nhạc. Trong số các nghệ sỹ, có nhiều người đã từng tới Ba Lan biễu diễn những năm trước đó, trong những chương trình khác, nhưng cũng có những người tới Ba Lan lần đầu tiên và đặc biệt thú vị với cảnh tuyết trắng xóa bao trùm thành phố.
Xuân Bắc đảm nhận vai trò dẫn chương trình. Bên lề sân khấu, anh cho biết, trước chuyến đi, đã không mời kịp 2 cô người mẫu Thúy Hằng và Thúy Hạnh cho vị trí MC này. Dù ở vào vai MC “chữa cháy”, Xuân Bắc đã đảm nhận khá tốt và liên tục chọc cười khán giả với những câu đùa duyên dáng thỉnh thoảng xen vài từ tiếng Ba Lan mà anh đã học (mót) được, đặc biệt sự “giao lưu: của anh với mấy đám trẻ nhỏ luôn bao kín sân khấu. Chú hỏi “gà”, các cháu đa số kém tiếng Việt, trả lời “vịt”.
Mở đầu chương trình là phần trình diễn bốc lửa của 2 ca sỹ trẻ Hoàng Hải và Mỹ Dung đem lại sự sôi động ngay lập tức cho khán giả, vốn đã khá mệt mỏi với sự chờ đợi gần 1 tiếng rưỡi. Ca sỹ Hoàng Hải, người nổi lên từ cuộc thi “Sao Mai Điểm Hẹn” đã hát một số bài Thánh Ca nhân dịp Noel khá đạt. Bên cạnh 2 ca sỹ với phong cách trẻ trung và hiện đại, Thanh Thanh Hiền đem tới tiếng hát mượt mà kiểu “đồng quê” pha chút dân ca, đặc biệt thích hợp với những khán giả lớn tuổi hơn đang góp mặt nơi khán phòng.
Những có lẽ, hầu hết các khán giả – có những người vượt cả trăm cây số – tới dự buổi “Gặp nhau cuối năm” này đều chờ đợi màn tấu hài, nhất là những tiết mục hài liên quan tới cộng đồng người Việt ở Ba Lan, hay Đông Âu nói chung.
Mở đầu chương trình hài kịch là tiết mục của cặp diễn viên Vân Dung, Quang Thắng trong vai hai vợ chồng đang thèm một thằng cu, nên mời thầy (Công Lý) về kê đơn, bốc thuốc. Tiếng cười đã rộ lên ngay từ đầu khi Vân Dung, quần ống thấp, ống cao xộc xệch, giọng nói đặc trưng the thé, đầu tóc bù xù ‘bắn’ ra sân khấu. Mỗi lần, các diễn viên “chua” vào vài từ tiếng Ba Lan, khán giả lại ồ lên thích thú.
Táo về chầu, với Quốc Khánh trong vai Ngọc Hoàng, hình như kể từ khi chương trình này có mặt tại Việt Nam chưa có ai ngồi vào chiếc “ngai vàng” hay hơn Quốc Khánh. Bắc Đẩu ẻo lả, hoa hòe hoa sói trong sắc mầu tím là anh chàng Công Lý. Vợ chồng Táo Cộng Đồng do Vân Dung và Quang Thắng thủ vai “đại diện” cho cộng đồng người Việt với nghề “trồng cỏ” và “lắc chảo”. Có lẽ do thời gian “xâm nhập” thực tế quá ngắn ngủi nên mặc dù đó là những nét có thực trong đời sống người Việt ở đây nhưng nó không thực sự mang tính đại diện cho dăm bẩy chục ngàn người kiều dân gốc Việt. Dù sao, nó cũng gióng lên tiếng chuông cảnh báo về một tệ nạn ngày một lan rộng trong cộng đồng. Hay như tình tiết tệ nạn đầu trọc, có lẽ thích hợp hơn với cộng đồng ở Nga, nghề Nail ở Mỹ cũng được các diễn viên đem ghép vào người Việt Ba Lan.
Cũng trong tiết mục này, táo Giao thông (do Chí Trung thủ vai) xuất hiện trên chiếc xe trượt, phương tiện di chuyển chủ yếu của các bà các chị trong các trung tâm buôn bán, phàn nàn về việc không “kiếm ăn” được ở Ba Lan do người dân chạy xe đúng quy định, ít vi phạm và không có thói quen hối lộ…
Hai tiểu phẩn hài tiếp theo, không liên quan gì tới tình hình đời sống cộng động nhưng khá hấp dẫn, nhất là màn “khám bệnh” của thầy thuốc (Tự Long) cho bệnh nhân (Công Lý) luôn rộn rã tiếng cười. Nó phản ánh tình trạng “làm tiền” của các bác sỹ với bệnh nhân ở Việt Nam hiện nay, sự khốn khổ của bệnh nhân khi phải làm hàng tá các xét nghiệm dù chẳng liên quan gì tới căn bệnh đang mang. Một tiếu phẩm khác, do diễn viên trẻ mới nổi Thành Trung thủ vai chính, giả nghèo giả khổ khi đoàn xóa đói giảm nghèo về thăm và đi mượn “comple củ táo” khi chuẩn bị đón con dâu tương lai về ra mắt. Trớ trêu thay, con dâu và cô cán bộ xóa đói giảm nghèo (Ngọc Huyền thủ vai) lại là một!
Dù chương trình được ghi nhận qua tiếng cười, tiếng vỗ tay không ngớt nhưng có những hạn sạn không thể không nói tới, với hy vọng năm sau sẽ tốt hơn. Ngoài chuyện chưa bám thật sát đời sống người Việt Đông Âu, nó còn được/ bị bắt đầu muộn chừng 90 phút mà không có bất kỳ lời xin lỗi nào từ người dẫn chương trình, các diễn viên hay Ban tổ chức! Không lẽ sự thiếu vắng văn hóa xin lỗi không chỉ ở các cấp lãnh đạo với dân mà còn hiện hữu ở ngay những người làm văn hóa?
Về phía khán giả, rất nhiều người đem theo con nhỏ từ chập chững biết đi cho tới 9, 10 tuổi, chúng quậy phá suốt buổi diễn, chạy lung tung khắp Sala, trèo cả lên sân khấu, sờ vào đạo cụ, quần áo diễn viên. Trong một bài hát về Hà Nội, nhằm tạo ngạc nhiên cho khán giả, giọng ca trầm Mỹ Dung đã bất ngờ xuất hiện khi đèn tắt và đi ngược lên sân khấu từ phía cuối khán phòng. Chị đã bị các em nhỏ vây kín, “ít nhất 30 lần giẫm lên tà áo dài” và sờ vào chỗ “nhạy cảm” như lời ca sỹ kêu than sau đó!
Dù sao, sau một năm vất vả lo toan với “cơm áo gạo tiền” những sinh hoạt văn hóa như vậy là cần thiết với cộng đồng, nó đem tới chút hương vỵ quê hương cho những người con xa xứ giữa cái lạnh lẽo của mùa đông.
Tiếp theo, đoàn sẽ sang Berlin (Đức), Cộng hòa Séc để biểu diễn và sau đó đi du lịch thăm Rome. Hy vọng ở những nơi diễn sau, đoàn cũng như Ban tổ chức sẽ rút được những kinh nghiệm để chương trình thêm hoàn thiện.
© Mạc Việt Hồng (bài và ảnh)
© Đàn Chim Việt