Bambi
Tôi sinh ra ở một vùng quê hẻo lánh tên gọi Bagnoo cách hải cảng du lịch Port Macquarie 30km. Tôi có 10 anh chị em. Tôi là đứa con út lọt lòng mẹ sau cùng nên bà chủ farm gọi tôi là Runt có nghĩa là đứa con mót. Ngày anh chị em chúng tôi đồng lọat ra đời, bà chủ thấy đông quá liệu nuôi không kham nên dựng một cái bảng to ngòai cổng farm với hàng chữ “Puppies for free”.
Mỗi ngày anh chị em chúng tôi xúm xít bên nhau chơi đùa và bú mẹ. Cứ cách một vài ngày lại có người qua đường ghé vào “xem mắt” chúng tôi . Có người vào rồi ra về tay không. Có người ưng ý bồng một đứa trong bọn chúng tôi về với họ. Dần dà tôi còn lại năm anh chị. Tôi không lấy đó làm buồn vì còn quá bé bỏng vô tư, chưa biết buồn vì mất mát chia ly, cũng chưa biết gì là phần số.
Rồi một buổi sáng Easter đẹp trời nắng mai mát rượi, một chiếc xe nhà dừng lại trước cổng và trên xe có bốn người tiến vào tìm gặp bà chủ của tôi. Họ có vẻ không phải là dân địa phương mà từ phương xa tới. Một cặp vợ chồng đứng tuổi với nét mặt phúc hậu và cô con gái khỏang đôi mươi. Cùng đi với họ là một người đàn bà trung niên tròn trịa vui tánh. Bà này lên tiếng tự giới thiệu bà là người sống ở vùng lân cận, nhân đi ngang qua thấy tấm bảng đề cho chó con nên ghé vào hỏi xin. Bà tiến lại gần đám chó con chúng tôi vừa vuốt ve nựng nịu vừa hỏi bà chủ:
- Ồ dễ thương quá. Chó này là giống chó gì vậy bà chủ?
Bà chủ tôi hãnh diện trả lời:
- À, bọn chúng là Kelpie, giống chó chăn cừu cho nông gia đó. Lọai này rất khỏe mạnh và khôn lanh, dễ nuôi lắm.
Bà khách reo lên:
- Vậy thì tốt quá, cho chúng tôi xin một con nhé. Hai vợ chồng ông bà bạn đây ở Sydney về đồng quê holiday. Cô con gái của họ rất thích chó. Trước kia họ có nuôi hai con Maltese Terrier. Được mười năm thì chúng già chết, họ rất khổ sở, buồn rất lâu, định không nuôi chó nữa nhưng tình cờ đi ngang qua, thấy tấm bảng trước cửa, cô ta đòi phải dừng xe lại. Chắc là có duyên với một trong bọn này.
Bà chủ vui vẻ nói:
- Thì quý vị cứ chọn một con nào vừa ý đi. Hổm rày tôi cho hết năm con rồi. Con bé nhứt này là con cái, sinh ra sau cùng, tôi tạm thời gọi nó là Runt.
Cô gái trẻ nghe vậy quay qua hỏi ba cô ta:
- Mình bắt con nào đây ba? Con Runt sinh chót nhứt con sợ nó yếu hơn mấy con kia. Mà nó thì đẹp nhứt trong đám. Con thấy thích nó quá.
Ông nhìn bọn tôi ngắm nghía và nói:
- Con nào cũng thấy thương hết. Thôi bây giờ con cứ thử kêu. Nếu con nào chạy lại với con thì xin con đó.
Cô gái húyt sáo và búng ngón tay ra dấu ngoắc lại, rồi bảo:
-Tới đây, tới đây, đứa nào muốn theo tao về thì tới mau.
Anh chị tôi đứng trơ trơ. Có đứa lủi đi chỗ khác. Lúc đó chúng tôi đã được năm tuần tuổi. Dù chưa hiểu biết nhiều nhưng tôi cảm thấy dường như tiếng gọi đó hướng về tôi, kêu gọi tôi. Tôi như có cảm tưởng quen biết họ. Hay là trong tiền kiếp tôi là một trong hai chú Maltese mà họ nói lúc nãy nên tôi còn quyến luyến họ, muốn được trở về với họ. Và như có một sự thúc giục vô hình, tôi đủng đỉnh bước tới. Cô gái trẻ mừng rỡ dang rộng hai cánh tay đón tôi ôm vào lòng vuốt ve trìu mến. Tôi sung sướng rúc mình vào lòng cô chủ mới.
Bà chủ farm cũng mừng cho tôi có được người chủ mới tử tế, có vẻ rất thương quý lòai vật. Tôi quay lại nhìn mẹ và anh chị tôi lần cuối và thầm cám ơn mẹ đã giúp tôi trở lại kiếp này để gặp lại người chủ trong kiếp trước của tôi.
Khi về tới nhà, cô chủ đặt tên cho tôi là Bambi vì dáng dấp của tôi giống chú nai con tên Bambi. Tôi được nuôi trong một cái nhà riêng với chăn nệm thật ấm cúng vì lúc ấy tiết trời đang giữa mùa thu khá lạnh. Sau đó tôi còn được đưa đến Ty Thú Y để chích ngừa và khám sức khỏe tổng quát. Bà bác sĩ có dặn bảo ông chủ tôi nếu không muốn tôi đẻ nhiều như mẹ tôi, để rồi lại phải phiền tìm người cho thì đến khi tôi một tuổi hãy mang tôi trở lại để bà giúp tôi thành vô tính. Như vậy cũng tốt thôi, khỏi rắc rối cuộc đời, khỏi đau khổ vì yêu, hay dây mơ rễ má vướng vít buộc ràng. Mỗi ngày ông bà chủ cho tôi uống sữa tươi và tập cho tôi ăn những thức ăn mềm. Còn cô chủ thì bồng bế tôi đi dạo mỗi chiều sau khi đi học Uni về.
Ngày qua tháng lại, vì tôi là giống chó đồng ăn to ngủ khỏe nên lớn rất nhanh. Cô chủ dạy tôi bắt tay, bảo tôi ngồi, tập cho tôi làm trò này trò nọ. Cô bảo tôi làm gì tôi cũng hiểu ý nên rất được thương yêu, cưng chiều. Mỗi tháng tôi được tắm hai lần. Tắm cho tôi xong, cô chủ chải lông, bôi thuốc diệt bọ chét cho tôi cẩn thận. Bây giờ mỗi khi đi dạo, cô chủ không còn bế tôi nổi nữa mà chính tôi lôi cô chủ chạy tóe khói hộc xì dầu.
Bản năng tôi là năng động tháo vát mà cứ phải ăn không ngồi rồi nên đôi khi tôi cũng rất buồn nãn ngứa cẳng ngứa chân. Biết vậy nên chiều chiều, sau khi cơm nước xong, ông chủ và cô chủ thay phiên chơi đá banh với tôi cho đến khi tôi mệt bứt gân thè lưỡi thở hồng hộc mới thôi. Sân cỏ vườn sau dài khỏang ba chục thước, ông chủ đứng một bên, cô chủ một bên. Còn tôi đứng ở cuối sân trong tư thế thủ. Khi ông chủ ném trái banh tennis về phía tôi, tôi phóng lên há mồm chụp lấy trái banh và mang đến cho cô chủ. Xong lại chạy trở về vị trí cũ đứng chờ. Mỗi lần tôi chụp được trái banh, cô chủ đều vỗ tay khen cổ võ làm tôi càng hứng chí chơi hết mình nhưng lát lát phải chạy đi ực một bụng nước cho đã đời bớt khát rồi mới tiếp tục chơi tiếp. Cứ như thế chiều nào cũng vậy trừ khi trời mưa. Những chiều mưa thì tôi chui vào nhà ngủ sớm với một giấc mơ thật đẹp là ngày mai trời lại nắng, tôi sẽ mè nheo cô chủ chơi bù cho ngày hôm nay.
À, còn quên nói chuyện ăn uống của tôi nữa. Bà chủ của tôi là một bà nội trợ đảm đang, nấu ăn số dách. Ngày nào bà cũng nấu hai ba món thật ngon. Và ngày nào tôi cũng được ăn theo chủ, chủ ăn gì tôi ăn đó kèm với xương súp nhai thêm cho có calci chắc răng cứng xương chớ không bị ăn mãi một món dog food chán phèo như những con chó được người Úc nuôi. Khi thì tô cơm trộn thịt kho, khi thì với gà ram mặn họặc bò xào lúc lắc với hành tây. Theo sách dạy nuôi chó thì bảo là chó dị ứng với củ hành nhưng tôi ăn láng hết, ngon ơi là ngon, có sao đâu. Ngày nào bà nấu phở ninh xương là tôi được một bữa tiệc linh đình. Cuối tuần bà làm chả giò thì khi chiên xong tôi cũng được vài cuốn “entrée”. Được sống với gia đình ông bà chủ này tôi thấy mình thật có phước vô cùng. Có lẽ trong đám anh chị của tôi, tôi là đứa tốt số nhứt. Không biết anh chị của tôi giờ này ở đâu và ra sao. Nếu về với nông gia, chắc họ phải cật lực làm việc cho vui lòng chủ mới có miếng ăn chớ có đâu như tôi, được chủ nuôi nấng kỹ lưỡng như con cái, lại còn phải tìm cách làm cho tôi vui.
Cuộc đời cứ bình lặng trôi qua. Một ngày khi tôi được chín năm, xin mở ngoặc ở đây, một năm của người là bảy năm của chó, tức là năm tôi 63 tuổi, một buổi chiều đang chơi banh với ông chủ, vì chạy nhanh quá, tôi bị vấp chân vào thềm sân ciment rách một mảnh thịt chảy máu khiến tôi đau đớn khựng lại. Thấy vậy ông chủ chạy lại bên tôi xoa đầu tôi hỏi có sao không và bảo tôi ngừng chơi. Đáng lẽ việc trầy trụa nhỏ nhặt như vậy chẳng hề hấn ăn nhằm gì đối với một đứa mạnh khỏe như tôi nhưng vì lúc đó là mùa hè, ruồi nhặng cứ bu lấy vết thương của tôi rút rỉa nên ngày hôm sau chỗ bị thương lại sưng lên làm độc. Tôi nằm bỏ ăn hết một bữa. Vì vậy qua ngày sau, ông chủ phải mang tôi đến Ty Thú Y nhờ khám. Bà bác sĩ chích cho một mũi thuốc trừ độc rồi cho về nhà với một cái chắn cổ để ngăn tôi không được quay đầu lại liếm vào vết thương. Nhưng mang cái chắn đó, tôi cảm thấy khó chịu và bất tiện vô cùng nên cứ vùng vằng tìm cách cho bung ra. Và rồi tôi tha hồ liếm, tha hồ quàu cho đỡ ngứa ngáy. Thế là hai ngày sau vết thương càng lỡ lói thêm. Lần này bà bác sĩ giữ tôi lại nhà thương để điều trị. Bà hỏi dọ ý ông chủ tôi nếu như tốn kém quá thì có muốn chích thuốc cho tôi ngủ luôn không. Ông chủ tôi bảo:
- Nó như là một thành viên trong gia đình chúng tôi, là một người bạn trung thành, chơi với nó không sợ bị phản, không cần phải dè dặt đề phòng. Chúng tôi không muốn mất nó. Xin bà cứ chữa lành cho nó, tốn bao nhiêu tôi cũng cố gắng dù chúng tôi không dư giả gì.
Hôm sau ông chủ lại ghé thăm tôi, hỏi bà bác sĩ tình trạng của tôi. Bà bảo:
- Có thể hai ngày nữa nó mới về được. Vết thương đã vô tới xương, tôi đã băng kín lại và cho uống thuốc mỗi ngày. Ngày mai phải mở băng ra khám lại lần nữa chớ cho nó về bây giờ nó lại chạy nhảy lung tung và đám ruồi nhặng lại làm phiền nó khó mà lành.
Hai hôm sau tôi được ông bà chủ đến đón về sau khi thanh tóan tiền thuốc men, viện phí tổng cộng là hai ngàn. Tôi biết ơn ông bà chủ tôi vô cùng khi nghĩ đến bản thân ông bà lúc đi bác sĩ hay vào bệnh viện cũng không phải tốn đồng bạc nào, trong khi tôi chỉ là một con chó vậy mà ông bà không ngại tốn hao hết lòng bảo vệ tôi. Một lần nữa tôi lại thấy mình thật có phước lớn khi được ông bà nhận nuôi.
Nhờ ăn uống lành mạnh theo gia đình chủ mà tôi luôn khỏe mạnh, tuổi thọ kéo dài. Theo đúng tuổi thọ của lòai chó thì một đời chỉ kéo dài khỏang mười ba họăc mười bốn năm là tối đa, đằng này tôi đã sống mười lăm năm, tính ra là 105 tuổi mới bắt đầu có triệu chứng bệnh già. Lúc đầu tôi cảm thấy biếng ăn, đau nhức mình mẩy, nhứt là những khớp xương, mắt như bị một màng mây che phủ, không còn nhìn rõ mọi vật. Tôi thường nằm một chỗ hoặc có di chuyển thì rất chậm chạp nặng nề. Ông bà chủ tôi cũng để ý thấy vậy nên thường vuốt ve an ủi tôi và nói:
- Ai rồi cũng tới lúc già lúc bệnh. Bản thân ta đây cũng mòn mỏi lắm rồi. Năm nay ta đã hơn bảy mươi. Người xưa ít có ai được sống thọ như vậy, họ nói là “thất thập cổ lai hy”. Còn con nếu tính theo tuổi chó thì con là 105 tuổi rồi. Như vậy là quá thọ. Nếu con chết đi ta cũng rất đau lòng như mất một nguời thân. Nhưng dù không muốn thì cái ngày đó cũng phải đến thôi. Con hãy cho ta biết, thời gian qua con có mãn nguyện, có hạnh phúc khi chung sống với gia đình chúng ta hay không? Từ khi con gái ta đi lấy chồng, chiều chiều không còn ai dẫn dắt con đi dạo chơi nữa, ta thì đã già yếu, làm sao chạy theo con cho nổi. Ta biết con buồn chán lắm nhưng thật ra chúng ta cũng chẳng còn bao lâu. Những tháng ngày còn lại ta hãy ngồi yên suy gẫm lại cuộc đời, kiểm điểm lại những gì ta đã làm trong quá khứ cái nào là đúng, cái nào là sai để làm tốt hơn cho kiếp sau nếu có, con nhé.
Tôi nghe mà đau xót trong lòng, muốn thốt lên những lời tri ân ông bà chủ đã tận tình với tôi và cũng muốn nói lời chia sẻ những ưu tư của ông bà nhưng không thể nào bật ra thành tiếng cho được. Lúc đó tôi ao ước làm sao có thể nói được tiếng người dù trong vài giây phút thôi để bày tỏ nỗi lòng của tôi với chủ. Tôi chỉ biết dụi đầu vào lòng ông bà và liếm tay ông bà để biểu lộ tình thương và sự cảm thông của tôi. Tôi tự nhủ với mình. Nếu kiếp sau tôi còn bị đầu thai trong xác chó thì xin cho gặp lại người chủ là ông bà. Còn nếu được làm người thì xin cho tôi thành một người tốt biết sống đạo đức ngay lành với mọi người như ông bà vậy.
Rồi đến một ngày kia, tôi không gượng dậy nổi để ăn uống gì nữa. Ông chủ mang cho tôi một tô sữa hâm nóng nhưng đầu tôi ngoẻo sang một bên không làm sao uống được. Ông kêu cô chủ sang và hai người chở tôi đến bà bác sĩ của sáu năm về trước. Khi ông chủ bọc tôi trong cái chăn bồng lên xe, bà chủ của tôi như có linh tính chẳng lành, đưa tôi ra xe mà nước mắt ràn rụa. Tôi cũng đau lòng lắm, biết rằng giờ vĩnh biệt đã tới kề bên. Tôi đưa mắt đau thương nhìn bà lần cuối mong kiếp sau còn tìm lại được bà.
Bà bác sĩ khám tòan diện cho tôi rồi thử máu và làm vài xét nghiệm khác nữa. Chiều đó bà phone cho chủ của tôi nói là tôi bị tai biến mạch máu não (stroke), bị thấp khớp (arthritis) và mắt thì bị kéo mây (cataract). Bà bảo ông tới quyết định xem thế nào.
Hôm sau ông chủ tôi tới. Bác sĩ bảo là tạm thời tôi cũng đã qua thời kỳ nguy hiểm, có thể ăn lại được rồi nhưng mà trước sau gì bệnh tình cũng tái phát. Nếu cố gắng giữ lại thì cũng chỉ một thời gian ngắn thôi vì tôi đã quá già. Mà càng kéo dài kiếp sống cho tôi thì tôi càng bị hành hạ đau đớn. Tội nghiệp ông chủ của tôi đã không cầm được nước mắt khi quyết định nói với bà bác sĩ xin cho tôi một mũi thuốc để giải thóat cho tôi. Tôi nằm vật vã bên trong nghe tiếng ông chủ mà tan nát cả lòng. Cám ơn ông bà và cô chủ đã chu đáo hết lòng đối với tôi từ đầu chí cuối. Tôi biết bà và cô chủ không dám tới vì sợ phải chứng kiến giờ ra đi của tôi nhưng ở nhà chắc hai người cũng đã lau nước mắt hết một hộp tissue. Suy đi nghĩ lại tôi thấy tôi rất hạnh phúc và may mắn hơn lòai người. Trên thế gian này, có biết bao người tật nguyền, bệnh họan đau đớn hay bại xuội liệt giường sống ngắc ngỏai lây lất, hằng cầu mong được giải thóat để thân xác khỏi bị đọa đày hành hạ nhưng đâu có được chết, được giải thóat dễ dàng như vậy. Họ phải kéo dài nỗi khổ đau thể xác lẫn tinh thần như một sự trừng phạt của Thương Đế những tội lỗi mà kiếp trước họ đã gieo nhân. Còn tôi chỉ mới phát bệnh vài ngày mà ông chủ đã xót thương ban cho tôi một sự giải thóat nhẹ nhàng trong giấc ngủ.
Người ta nói con vật không có linh hồn nhưng vẫn có linh tánh. Ở thế giới bên ngòai tôi vẫn cảm nhận được rằng ông bà chủ vẫn nhớ đến tôi. Nhứt là bà chủ của tôi, cứ chiều xuống là tôi thấy bà ứa nước mắt, nhớ đến con chó thân thương mà hằng ngày bà đã làm cơm cho ăn suốt mười lăm năm ròng rã. Có lẽ kiếp trước bà mắc nợ tôi không chừng? Bây giờ tôi đã đòi đủ nên mới ra đi. Còn ông chủ của tôi cũng vậy. Mỗi chiều sau giờ ăn, ông có thói quen đi dạo sau vườn và thường những lúc ấy tôi hay lẩn quẩn theo ông để được ông vuốt ve và trò chuyện. Làm sao trong một thời gian ngắn ông có thể nguôi ngoai. Những người chủ kính yêu của tôi ơi!, xin cám ơn những ân tình mà các người đã dành cho tôi trong kiếp chó. Bây giờ tôi đã yên phận dù chưa biết rồi sẽ có kiếp lai sinh hay không. Còn ông bà và cô chủ vẫn còn nặng nợ đời nhưng tôi tin rằng một gia đình hiền đức nhân hậu như vậy chắc chắn sẽ được ơn trên ban phúc lành. Xin chúc lành cho gia đình ông bà và … xin vĩnh biệt …
© Người Phương Nam
© Đàn Chim Việt